KỲ 14:
ÔNG BẠN VÀNG
Sóng gió trong gia đình đã qua, mọi chuyện như vậy đã tạm ổn thỏa. Bằng tình yêu của mình, anh đã chứng minh cho vợ tin rằng không thể có chuyện lăng nhăng giữa anh và con bé oshin. Nhưng điều đó không có nghĩa là câu chuyện đã chấm dứt. Cái bụng bầu của con bé vẫn còn đó. Nó không thể là Đức mẹ đồng trinh Maria tự nhiên có thai được.
Anh nhớ lại lời đay nghiến của vợ trong cơn giận dữ: “Ba tháng nay tôi vắng nhà làm sao tôi biết được cái bí mật vĩ đại ấy. Anh ở nhà, anh phải biết con oshin có chửa với ai chứ. Nếu anh không biết, thì hãy hỏi lại chính anh ấy". Mặc dù chị nói trong lúc giận dễ mất khôn, nhưng anh phải thừa nhận rằng chị đã nói đúng. Anh quản lý ngôi nhà toàn đàn bà con gái trong ba tháng, một người trong số đó bỗng nhiên có chửa. Trách nhiệm này rõ ràng anh phải gánh chịu.
Đột nhiên anh cảm thấy lo, mình có thể làm cho vợ mình, con mình tin rằng mình vô tội. Nhưng còn hàng xóm láng giềng, còn gia đình con bé sẽ nghĩ sao? Họ hoàn toàn có thể dựa vào những yếu tố thực tế ngẫu nhiên để quy anh là tác giả của bào thai. Làm sao anh có thể đi thanh minh với hết cả mọi người? Miệng lưỡi thiên hạ khó mà chặn được.
Mỗi sáng con bé oshin ra ngoài đi chợ chừng nửa tiếng đồng hồ, khó có thể làm gì được vào khoảng thời gian đó. Nó có một hai lần xin phép ra ngoài vào buổi tối. Chưa biết có chuyện gì xảy ra trong những lần ấy hay không, nhưng cứ thử gạt ra một bên xem thế nào. Còn lại thì hầu như nó không ra khỏi nhà, trừ những lúc anh hoặc cô con gái cả sai nó chạy ra phố 5-7 phút, lúc mua bao thuốc lá, lúc mua đồ ăn vặt hay mấy thứ linh tinh. Vậy thì ngoài anh ra, còn có người đàn ông nào lọt vào ngôi nhà này để tằng tịu với con bé oshin nữa đây? Nghĩ đến đây, anh thấy mồ hôi túa ra lạnh ướt lưng áo.
Anh cố trấn tĩnh, rút một điếu thuốc châm lửa hút. Ngả đầu vào thành ghế, anh nhả khói lên trần nhà và cảm thấy dễ chịu hơn. Anh bắt đầu kiểm tra lại trong óc từng sự kiện diễn ra trong ngôi nhà này trong ba tháng vợ anh vắng nhà. Không nhất thiết phải suốt cả ba tháng – anh nghĩ thầm: “Vợ mình bảo nó có mang hai tháng, vậy chỉ cần tập trung vào tháng đầu tiên thôi”. Và anh bỗng rùng mình. Thôi chết, chẳng nhẽ lại là Tuất ư? Đúng rồi, Tuất gặp anh vào khoảng 3 tuần sau khi vợ anh đi.
...Tuất là bạn đồng ngũ của anh. Năm 1978 anh nhập ngũ sau khi tốt nghiệp đại học. Anh khi đó 22 tuổi, còn Tuất học hết lớp 10 đi lính nghĩa vụ. Từ cái huyện nghèo xác nghèo xơ của xứ Thanh, được đi bộ đội đối với Tuất là cả sự đổi đời. 18 tuổi mà Tuất gầy quắt queo. “Em phải bỏ hai cục đá vào túi quần mới đủ 4 yến rưỡi nhập ngũ đấy anh ạ” – Tuất kể . Cơm lính khổ thế mà chỉ sau hai tháng Tuất đã có da có thịt. Ở chung một tiểu đội, quý nhau, nên anh và Tuất nhận nhau là anh em kết nghĩa.
Chiến tranh biên giới bùng nổ, họ được đưa lên tuyến trên. Lo lắm, nhưng càng được đi lên cao hơn thì càng đỡ sợ. Tuất cười hì hì: “Em chẳng sợ. Nhỡ có làm sao thì cũng chẳng có gì phải tiếc. Chỉ có anh có bằng đại học rồi là tiếc thôi!” Nhưng rất may, cuộc chiến kéo dài không lâu, nên đơn vị của họ không phải ra mặt trận.
Giải ngũ, Tuất trở về quê, nhưng vẫn giữ liên lạc thường xuyên với anh. Tuất xoay đủ nghề hết làm ruộng lại làm gạch, hết đi đào đá đỏ lại đi buôn đường dài. Cách đây vài năm, Tuất bỏ hết vốn liếng, cộng thêm tiền vay ngân hàng, đầu tư nuôi tôm sú. Trúng đậm, Tuất trở thành người giàu. Anh ôm từng xấp tiền ra Hà Nội bắt anh dẫn đi mua đủ thứ vật dụng đắt tiền.
… Hơn hai tháng trước, anh nhận được cú điện thoại của Tuất khi đang ngồi ở cơ quan:
- Bác cả đấy à? Báo cáo bác, em đang có mặt ở Hà Nội nhé. Ra việc gì ấy à? Thăm bác thôi. Lâu quá không gặp bác nhớ phết? Bác đang ở đâu? Ở cơ quan à? Thế thì 15 phút nữa bác xuống quán càphê cạnh cơ quan nhé. Em sẽ đến.
Đã ba giờ chiều. Anh dọn dẹp đồ đạc trên bàn làm việc và xách túi đi luôn. Gặp nó một lát còn về đón con gái út. Xuống đến nơi, anh gọi càphê ra uống, nhưng Tuất không đến đúng sau 15 phút như đã hứa. Phải hơn nửa tiếng sau một chiếc xe ôtô Vitara màu xanh ngọc mới xuất hiện trước cửa quán và từ ghế người lái bước xuống không phải ai khác chính là Tuất.
Anh há hốc mồm ngạc nhiên. Tuất cười tí tởn: “Biết ngay là bác sửng sốt mà. Bác thông cảm, đường sá Hà Nội phức tạp, đi đâu cũng thấy đường một chiều!”. “Cậu mua xe lâu chưa?” – anh hỏi. “Vừa làm xong biển xe là em chạy ngay ra đây thăm bác đấy. Thôi bác gửi xe máy vào cơ quan, lên ôtô em chở bác đi khao một chầu!”.
- Khao thế đếch nào được! – Anh cười xòa và chìa tay ra: – Bắt tay ông chủ vựa tôm một cái. Chúc mừng nhé. Cậu thế mà giỏi! Như cái thằng tớ chẳng biết khi chó nào mới có xe ô tô đây!
Tuất đưa hai tay ra nắm chặt tay anh lắc mạnh: “Bỏ nhà nước ra ngoài làm tư đi bác ơi. Tài như bác chẳng mấy chốc lại có vài ba cái xe hơi ấy chứ. Tại sao bác lại không đi ăn khao được nhỉ?”
- Tớ đang là thằng bảo mẫu. Vợ đi vắng, phải trông con. Ngồi với cậu một lát phải về đón nó đây. Phải cho nó ăn, cho nó ngủ, phức tạp lắm.
- Ôi dào, bác làm như em chưa nuôi con bao giờ không bằng. Thế bác gái đi đâu?
- Đi nước ngoài công tác. Được ba tuần rồi. Hơn hai tháng nữa mới về.
- Ái chà, bác nan giải nhỉ! – Tuất đưa tay gãi mái đầu cắt cua. – Em lại chỉ muốn bác là người đầu tiên ăn khao xe của em. Hay là thế này, bác cứ gửi xe vào cơ quan đi. Em đưa bác đi đón cháu. Rồi ta về nhà bác, cho cháu tắm rửa, ăn uống, ngủ nghê. Sau đó em đưa bác đi chơi. Bác ơi, bác cũng bị giam hãm ba tuần nay rồi, mình đi kiếm chút gì tươi mát giải sầu nhé.
Cái thằng này chỉ được cái nói đúng! Anh cười: “Ừ, thế cũng được. Đợi tớ mang xe máy vào cơ quan nhé!”
(Còn nữa)
0 comments:
Đăng nhận xét