24/4/07

BỆNH VIỆT TẠI CÁC CUỘC THI SẮC ĐẸP THẾ GIỚI



Xem cái show "Mr. World" tổ chức tại Tam Á (Hải Nam, Trung Quốc) trên VTC1, mới phát hiện ra một hiện tượng khó chịu, e rằng có nguy cơ trở thành "căn bệnh Việt Nam" tại các cuộc thi sắc đẹp thế giới.

Mấy năm trước em Nguyễn Thị Huyền thi Ms World cũng tại Tam Á là người phát kiến ra mốt này. Khi Hoa hậu đăng quang, em ý liền đứng ngay bên cạnh, cười rất tươi. Kết quả là hình ảnh của em ý được truyền đi khắp thế giới.

Năm ngoái, em Mai Phương Thúy đi Ms World tại Varsava (Ba Lan), lọt được vào bán kết. Thế là mừng quá rồi vì ít ai nghĩ em lại lọt vào sâu như thế. Đến khi Hoa hậu đăng quang, em ý ở tít phía trái của sân khấu, vội vã chạy vào giữa, ôm hôn, chúc mừng Hoa hậu Czech rối rít. Kết cục là em ý cũng được lên truyền hình mấy chục giây.

Khi em Thúy về nước, có báo phỏng vấn, em ý trả lời là học kinh nghiệm của chị Huyền. Kinh nghiệm thì hay, nhưng có người xem cảm thấy khó chịu.

Nay đến lượt em Đức Vĩnh đi thi Mr. World. Em này chả gây được ấn tượng gì mấy. Có màn mặc áo dài đỏ hát trong cuộc thi tài năng được em ấy khoe là có giải, nhưng chẳng thấy phóng sự tổng hợp của BTC nhắc đến gì cả.

Em Vĩnh không lọt được vào bán kết. Cũng đúng thôi, vì em ý không nói được tiếng Anh. Ngay cả mấy câu tiếng Việt em ý tự giới thiệu cũng lúng ba lúng búng.

Nhưng như thế cũng vẫn chẳng sao. Chuyện chỉ xảy ra khi Mr. Tây Ban Nha đăng quang Mr. World. Không hiểu em Vĩnh ở đâu ra mà thấy đứng ngay cạnh Mr. World cười nói, bắt tay, chúc mừng. Kết quả là em cũng được lên truyền hình mấy chục giây.

Chắc em Vĩnh lại học chiêu này của bạn Huyền với cả bạn Thúy đây.

Chán quá các em ơi. Chẳng chịu cố gắng thi thố, đấm chuông ở nước người cho cẩn thận, lại cứ đợi đến phút chót nhảy đến đứng cạnh người chiến thắng để được truyền hình đi khắp thế giới thế à???

Cái bệnh láu cá Việt Nam này bao giờ mới sửa được đây?

YELTSIN - SỐ PHẬN BI HÙNG



"Ông đã thực hiện những việc lớn vì lợi ích đất nước, nhưng cũng để xảy ra không ít những sai lầm nghiêm trọng. Một số phận bi hùng" - Đó là những lời chia buồn của cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev khi nghe tin ông Yeltsin qua đời ngày 23.4.2007.

Quả là không có nhân vật nào gây tranh cãi trong lịch sử cận đại của nước Nga và của thế giới như Boris Yeltsin.

Ông phá tan âm mưu lật đổ Gorbachev tháng 8.1989, nhưng rồi chính ông đã ban hành sắc lệnh chấm dứt sự hoạt động của Đảng Cộng sản Liên Xô trên lãnh thổ Nga, ký thỏa thuận giải tán Liên bang Xôviết.

Ông xuất hiện trên chiến lũy chặn đứng âm mưu lật đổ Gorbachev như một người hùng, nhảy múa khi tranh cử như một thằng điên, thiểu não mỗi khi say rượu và lâm bệnh, nhưng lại tươi cười như chàng trai trên sân quần vợt.

Ông hô hào những việc to tát, phá tan tành nước Nga, chuyển hàng núi tài sản khổng lồ của nhà nước vào túi một nhúm tài phiệt, trong đó có con gái, con rể.

Ông là nỗi ám ảnh, là Sa Hoàng trong đầu óc của đám chính trị gia hãnh tiến ngựa non háu đá như Boris Nemtsov, Sergei Kiriyenko, nhưng lại rất lớn tiếng hô hào và thúc giục dân chủ.

Dưới thời ông chiến tranh loạn lạc, máu chảy, lầm than, nước Nga rơi vào khủng hoảng toàn diện không lối thoát.

Nhưng cặp mắt cú vọ và khả năng phán đoán thời cuộc của ông thật đáng kinh ngạc. Ông đã phá hết để nước Nga xây dựng tòa lâu đài trên một nền móng mới.

Và hơn hết, ông đã tìm thấy cho nước Nga, cho thế giới một Putin, con người đã chứng tỏ khả năng biết khôi phục nước Nga từ đống đổ nát.

Yeltsin - ông là ai? Cứu tinh hay kẻ phá hoại?

Ông có công hay có tội?

21/4/07

TÔI KHÔNG TRAO GIẢI CHO PHIM BÁNG BỔ ĐẤT NƯỚC TÔI



Tối 19.4 tại rạp “Pushkinsky” ở thủ đô Mátxcơva (Nga) đã diễn ra lễ trao giải thưởng điện ảnh MTV lần thứ hai. Đạo diễn nổi tiếng Nga Vladimir Menshov (từng đoạt Oscar phim nước ngoài hay nhất cho phim “Mátxcơva không tin vào nước mắt”) cùng vợ là nữ diễn viên Vera Alentova (đóng vai nữ chính trong phim này) nhận nhiệm vụ quan trọng nhất - trao giải “Phim hay nhất”.

Trước khi mở phong bì, ông tuyên bố với giọng xúc động: “Tôi hy vọng rằng giải thưởng quan trọng này sẽ không thuộc về một trong những bộ phim khủng khiếp mà chúng ta mới sản xuất”. Trên màn hình xuất hiện đoạn trích từ các phim: “Những kẻ khốn khiếp” (Сволочи), “Nóng” (Жара), “Chó săn chó sói” (Волкодав), “Piter FM” (Питер FM) và “Bumer, phim thứ hai” (Бумер, фильм второй). Khán phòng nín thở chờ đợi.

Menshov mở phong bì, và tất cả đều chứng kiến cơn giận dữ của ông: “Tôi đã hy vọng là phim này không đoạt giải, song nó vẫn chiến thắng. Tôi cho rằng thứ điện ảnh này là nỗi hổ thẹn của đất nước chúng ta. Hãy mời cô Pamela Anderson lên trao giải”. Nói xong, ông vất phong bì xuống sàn và sải bước khỏi sân khấu. Bà Alentova không bày tỏ chút ngạc nhiên nào và cũng bước theo chồng.

Cả khán phòng lặng ngắt như tờ. Chương trình đang được truyền hình trực tiếp và người ta hối hả “chữa cháy”. Hóa ra đoạt giải chính là phim “Những kẻ khốn khiếp”. Đoàn làm phim nhảy lên sân khấu, ôm hôn nhau thắm thiết. Nhà sản xuất và đạo diễn nói những câu cảm tạ gì đó, nhưng không ai nghe vì khán giả bị tê liệt vì sốc. Một số khán giả bày tỏ sự đồng tình với đạo diễn Menshov, đứng dậy ra về.

Duy chỉ có nữ diễn viên Pamela Aderson là không hiểu gì, vì cô không biết tiếng Nga và không có phiên dịch.

Phim “Những kẻ khốn nạn” kể về một nhóm tội phạm vị thành niên được huấn luyện làm lính đặc công trong thời Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại của nhân dân Liên Xô. Năm 1943, chúng được đưa đến nhảy dù tấn công vào một căn cứ dạy bắn tỉa của Đức và lần lượt chết. Chỉ có hai cậu bé là Kot và Tyapa sống sót và gặp lại sau chiến tranh.

Những người làm phim khẳng định là cốt truyện được dựa trên những sự kiện có thật. Nhưng họ lại không tìm được bằng chứng khẳng định. Đông đảo khán giả coi đây là mớ hổ lốn hư cấu, báng bổ ký ức thiêng liêng về Chiến tranh Vệ quốc.

Phim “Những kẻ khốn nạn” gây tranh cãi ngay sau khi công chiếu tháng 2.2006. Báo “Комсомолка” đã mổ xẻ phân tích xem đâu là sự thật lịch sử mà những người làm phim dựa vào. Tác giả “Những kẻ khốn nạn” giải thích phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vladimir Kunin, mà theo ông này, thì mang nhiều yếu tố tự truyện.

Đánh tiếc là người ta đã không tìm được những cứ liệu lịch sử khẳng định Liên Xô đã từng có trường huấn luyện tội phạm vị thành niên làm đặc công. Tuy nhiên tờ báo nêu trên có tìm được một nhân chứng là ông Vyacheslav Babitsky, người cho rằng trước đây có trường đào tạo trẻ em tù binh làm đặc công, nhưng do phát xít Đức tổ chức, chứ không phải phía Liên Xô.

Người ta cũng không tìm thấy dấu vết nào cho thấy nhà văn Kunin đã từng học ở một trường như vậy. Trên thực tế ông ta có vài năm học tại một trường kỹ thuật quân sự. Ông Kunin đã thừa nhận những tình tiết trong cuốn tiểu thuyết là hư cấu.

Dư luận còn tỏ ra tức giận khi biết Cơ quan liên bang về văn hóa và điện ảnh đã đầu tư một phần đáng kể trong tổng số 2,5 triệu USD kinh phí dựng phim.

20/4/07

DAVID MENG - HIỆN TƯỢNG CỦA CA NHẠC HẢI NGOẠI



Người Việt dù đi đến đâu vẫn cứ là người Việt. Dù có sinh sống ở Mỹ và cứ quẩn quanh với những bài hát cũ rích, thì họ vẫn mang đặc tính đáng quý của người Việt. Đó là hay động lòng trắc ẩn trước những câu chuyện éo le và luôn mở rộng lòng mình đối với những người nước ngoài yêu Việt Nam, muốn gắn bó với Việt Nam.

David Meng là minh chứng cho nhận xét này.

Chắc hẳn mọi người cũng nghe loáng thoáng về việc Trung tâm băng đĩa Thuý Nga (nơi chuyên sản xuất chương trình ca nhạc “Paris By Night”) đầu năm nay đã tổ chức cuộc thi tuyển chọn tài năng mới theo kiểu American Idol hay Sao Mai Điểm hẹn. Đối tượng dự thi là những người dưới 30 tuổi hát nhạc Việt, sinh sống trên toàn thế giới.

Trong số 13 thí sinh từ Mỹ, Pháp, Đức, Australia có một gương mặt lạ. Đó là David Meng. Anh là người Khmer, chạy tị nạn sang Sông Bé lúc mới 13 tuổi. Chính vì vậy mà Meng biết tiếng Việt và học hát tiếng Việt.

Khi sang Mỹ định cư, tình cờ một ngày David Meng nghe một bài hát Việt Nam do ca sĩ Tuấn Vũ hát. Thấy hay, anh đi mua thêm đĩa để nghe và từ đó trở thành fan nhạc Việt.

David bắt đầu mơ ước trở thành ca sĩ. Anh học thanh nhạc một cách nghiêm túc trong thời gian học phổ thông. Lên đại học, David Meng chọn ngành Graphic Communication của Đại học Kỹ thuật St. Cloud bang Minnesota và tiếp tục học thanh nhạc.

Khi nghe tin Trung tâm Thuý Nga tổ chức chương trình tuyển lựa tài năng, David Meng ghi danh. Anh lọt vào số 13 thí sinh dự thi chung kết. Tại vòng bán kết, David hát rất í ẹ. Giọng yếu xìu, ngân không tới các nốt cao. Kết quả anh được các thành viên của BGK chấm 15,8 điểm và xếp ở vị trí cuối cùng.

Nhưng David Meng lại có những ưu điểm khác. Anh trình bày bài hát hồn nhiên, thể hiện cảm xúc hồn nhiên, không một chút giả tạo, không một chút cứng nhắc. Cuộc thi đối với anh như một lần đi chơi vậy.

Nhưng thật bất ngờ, David lại được nhiều phiếu bầu chọn của khán giả, và được vớt vào đêm chung kết cùng 6 thí sinh khác.

Tại vòng này giọng hát của David cũng chẳng khá hơn chút nào, chất giọng này đem thi karaoke phường ở Hà Nội chắc cũng bị loại và ban giám khảo tiếp tục đặt David vào vị trí cuối cùng. Nhưng David tiếp tục phát huy cái duyên sân khấu của mình, đối đáp khá thú vị về việc tại sao lại yêu Việt Nam.

Có lẽ cũng chính vì vậy mà ca sĩ cựu trào Thái Thanh đã chấm cho David một điểm cao nhất là 18 với lý lẽ rất đơn giản: “Anh ấy là người Khmer, hát và nói tiếng Việt như vậy là quá giỏi, vì thế nên tôi cho 18 điểm”.

Và đây chính là điểm để nét tính cách động lòng và rộng lòng của người Việt bộc lộ. 53% khán giả theo dõi chương trình trực tiếp tại khán phòng, qua tường thuật trực tuyến và qua email đã bỏ phiếu cho David Meng. Kết cục, anh ta vượt qua Trịnh Lam và Quỳnh Vy (hai thí sinh sáng giá nhất) đoạt giải Nhất của cuộc thi với phần thưởng 10 nghìn USD và một hợp đồng biểu diễn với Trung tâm Thúy Nga.

Nhìn vào kết quả đó thì thấy cuộc thi tuyển lựa tài năng của Trung tâm Thuý Nga đã thất bại hoàn toàn. David Meng cũng giống như William Hung của American Idol, người có tiếng tăm nổi như cồn sau American Idol, tuy không đoạt một giải nào.

Nhưng nhìn rộng hơn, thì thấy hiện tượng David Meng cũng gây một hiệu ứng xã hội khá rộng lớn trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Họ vẫn giữ được nét văn hoá truyền thống rất đáng yêu.

Và David Meng cũng không phụ lòng thương của khán giả. Anh đã đem toàn bộ số tiền 10 nghìn USD của giải thưởng hiến cho hai tổ chức từ thiện là Sun Flower Mission Organization và Project Vietnam.

Trả lời câu hỏi điều gì đã khiến anh làm như vậy, David Meng nói rằng anh muốn giúp những em bé chưa được đến trường và những người kém may mắn hơn anh ở Việt Nam. Anh thấy thật hạnh phúc vì rất nhiều người Việt trên toàn thế giới đã bỏ phiếu cho anh và đó là giải thưởng lớn nhất.

11/4/07

CHÚ CÔNG AN ƠI...



Hồi trước, thấy bọn trẻ con thường gọi "anh bộ đội, chú công an" rất chi là thân thương. Dẫu các bà mẹ vẫn doạ con: "Cẩn thận kẻo chú công an đến bắt", và câu doạ ấy có hiệu quả, nhưng doạ ấy được xếp vào "doạ yêu" và chú công an vẫn luôn được xã hội yêu quý.

Hừm, bây giờ thì... Nhưng chuyện ấy không bàn ở đây.

Cách đây ít hôm, nghe giám đốc công an một tỉnh phía nam cấm tất cả các chú công an (đặc biệt là cảnh sát giao thông) bụng to không được phép tiếp xúc với dân. Các chú mập mạp này phải nghỉ 6 tháng ở nhà ăn kiêng, tập tành để thu bớt bụng lại.

Đúng quá. Ai lại để cảnh sát bụng to vượt mặt đứng làm nhiệm vụ ở phố bao giờ. Trông như ông Địa. Mập thế chạy làm sao được nếu có tội phạm nhỉ? Vì mập, nên thảo nào phải NÚP để bắt những người vi phạm luật lệ giao thông.

Quay sang cảnh sát các nước, thấy họ thật nhanh nhẹn, năng động. Cảnh sát Thái Lan chẳng hạn, trông rất thon thả, đứng trên phố vừa điều khiển giao thông, vừa nhảy múa cho dân tình đỡ căng thẳng...

Mà cũng chẳng có nước nào cảnh sát mặc quần áo sáng màu như nước mình. Đúng là độc đáo, nhưng cũng thấy có những cái phiền toái. Quân phục màu sáng quá, nên mặc ra đứng phố một lúc là bẩn. Chú công an nào hoạt động nhiều một tí thì loang lổ mồ hôi, rồi bụi bặm (nước mình rất nhiều) bám vào, trông như vừa từ hầm lò lên.

Sao công an nhà mình không mặc những bộ quân phục màu tối nhỉ? Trông nghiêm hơn, sạch sẽ hơn. Trung Quốc đấy, họ có còn mặc quân phục kiểu Nga nữa đâu, chuyển sang kiểu quân phục phương Tây hết rồi. Đẹp, hiện đại, trang trọng.

Bây giờ bàn về cách ăn mặc của các chú một chút nhé...

Có chú cảnh sát mặc quân phục màu lúa chín, nhưng lại dùng cravate màu xanh cốm (chắc của bộ quân phục cũ, không nỡ vất đi).

Có chú lại mặc sơ mi màu bên dưới áo đại cán.

Có chú mặc quần áo nhàu nhĩ, chẳng là ủi gì cả.

Chuyện giầy mới vui. Hình như chẳng mấy chú đi đôi giầy cấp theo dạng quân trang. Cho nên giầy các chú đi muôn hình vạn trạng, đủ loại buộc dây, không buộc dây, mũi nhọn, mũi ngang, đế thấp, đế cao 7 phân...

Có lần tôi còn thấy ngoài đường một chú đi giầy lười. Cả giầy màu nâu nữa. Có chú đi đôi giầy da đen, nhưng mà bạc phếch, chắc cả năm trời không đánh xi. Có chú thì đi đôi giầy bê bết bùn đất, bẩn ơi là bẩn (mà hôm trời nắng, chứ không mưa gió gì)!

Có chú đi ủng (thôi, vì trời mưa, tính làm gì!).

May mà chưa thấy chú nào đi giầy thể thao.

Tất (vớ) cũng vậy, muôn màu luôn. Ngoài đời màu gì, các chú đi màu ấy. Có chú tiết kiệm, không thèm đi tất (vớ) luôn.

Có mỗi cái mũ là không thấy chú nào đội lẫn sang loại mũ khác.

Nhìn lại mới thấy công an nhà mình ăn mặc rất phong phú, chứ không cứng nhắc chặt chẽ như các nước. Thế cũng vui!

Sao công an nhà mình không mặc những bộ quân phục màu tối nhỉ? Trông nghiêm hơn, sạch sẽ hơn. Trung Quốc đấy, họ có còn mặc quân phục kiểu Nga nữa đâu, chuyển sang kiểu quân phục phương Tây hết rồi. Đẹp, hiện đại, trang trọng.

Nói tóm lại thì vẫn quý mấy chú công an thôi, và chỉ một số các chú công an luộm thuộm thôi, nhưng mong các chú ăn mặc tề chỉnh một chút. Các chú là bộ mặt của xã hội mà. Mà xã hội VN thì đang khởi sắc...

(Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ)

10/4/07

LỊCH SỰ KIỂU VIỆT NAM



Riedl đã trở lại. Vị HLV của ĐT Việt Nam vừa bình phục sau ca ghép thận và đã quay lại làm việc ở nơi mà ông đã từ đó ra đi 2 tháng trước. Kể từ khi ông đi, chẳng có chuyện gì thay đổi, thậm chí, nếu xét về thành tích, mọi chuyện còn trở nên tốt đẹp hơn.

Với người trợ lí của ông, HLV Mai Đức Chung, ĐT Olympic VN đã thắng 2 trận ở vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 trước Lebanon và Indonesia, đến mức người ta đã nói bóng gió đến một sự khó xử của LĐBĐVN trong việc tìm người cầm quân cho bóng đá nội, và vấn đề HLV nội hay ngoại cho ĐTQG dường như đã trở nên nóng bỏng khi ông Chung ít ra cũng đã chứng tỏ được rằng, mình đã làm những điều khá ấn tượng khi không chịu một sức ép quá lớn như ông thầy Riedl, đã đem đến một luồng sinh khí mới cho ĐT bằng việc đưa vào đội bóng những nhân tố mới.

Nhưng hợp đồng vẫn phải được tôn trọng và không ai có thể gạt Riedl khỏi cương vị người ta đã giao cho ông đến tận 2008 trên giấy trắng mực đen. Nhưng cái cách mà người ta nói đến ca ghép thận và vin vào cớ ông bệnh để tìm một cách nào đó loại ông khỏi đời sống bóng đá VN sau khi ĐT thất bại thảm hại ở AFF Cup là quá nhẫn tâm. Không cần phải bàn cãi nhiều, LĐBĐVN không còn cần Riedl nữa, nhưng không thể chờ ông từ chức dù đã tạo ra đủ mọi loại sức ép hòng bắt ông làm điều ấy bởi một điều đơn giản, ông từ chức họ sẽ không phải trả ông tiền, còn nếu sa thải ông sẽ phải bồi thường rất nhiều tiền (đã từng trả học phí ngu trong vụ Letard, và những người đóng thuế VN không muốn những thằng ngu tiếp tục nướng tiền của họ). Riedl và LĐBĐVN giống như một cặp vợ chồng chỉ còn sống với nhau trên danh nghĩa giấy tờ, nhưng Riedl không đi ăn xin bố thí và lòng thương hại của bất cứ ai!

Có phải vì lí do ghẻ lạnh ấy mà hôm Riedl trở lại Việt Nam, theo một số phóng viên có mặt tại "hiện trường", ông về đến sân bay Nội Bài mà không có ai đưa đón, phải gọi điện về LĐBĐVN và chờ khá lâu để có xe lên đón? Tại sao điều tối thiểu ấy lại xảy ra, dù với bất cứ lí do gì, kể cả khi ông hạ cánh sớm 1 tiếng như người ta đã biện hộ? Nếu vì quan liêu mà làm thế không ai trách, nhưng nếu cần phải tỏ một thái độ nào đó với Riedl, có cần phải làm thế không? Hay chỉ đơn giản là một sự trùng lặp ngẫu nhiên? Ở đây không nói đến cách lịch sự hay không lịch sự, chỉ cần nói đến cách làm việc và đối xử ở đời như những con người với nhau. Bạn, cũng như họ, có thể không thích Riedl và mong ông chết, ca ghép thận thất bại, và ông không kịp trở lại để có thể phá hợp đồng, nhưng làm ơn, nếu ông đã trở lại rồi, ông mạnh khỏe và sẵn sàng làm việc, đừng đối xử với ông như vậy!

Bài này của BLV Anh Ngọc.

8/4/07

CÂU CHUYỆN OSHIN (14)



KỲ 14:
ÔNG BẠN VÀNG

Sóng gió trong gia đình đã qua, mọi chuyện như vậy đã tạm ổn thỏa. Bằng tình yêu của mình, anh đã chứng minh cho vợ tin rằng không thể có chuyện lăng nhăng giữa anh và con bé oshin. Nhưng điều đó không có nghĩa là câu chuyện đã chấm dứt. Cái bụng bầu của con bé vẫn còn đó. Nó không thể là Đức mẹ đồng trinh Maria tự nhiên có thai được.

Anh nhớ lại lời đay nghiến của vợ trong cơn giận dữ: “Ba tháng nay tôi vắng nhà làm sao tôi biết được cái bí mật vĩ đại ấy. Anh ở nhà, anh phải biết con oshin có chửa với ai chứ. Nếu anh không biết, thì hãy hỏi lại chính anh ấy". Mặc dù chị nói trong lúc giận dễ mất khôn, nhưng anh phải thừa nhận rằng chị đã nói đúng. Anh quản lý ngôi nhà toàn đàn bà con gái trong ba tháng, một người trong số đó bỗng nhiên có chửa. Trách nhiệm này rõ ràng anh phải gánh chịu.

Đột nhiên anh cảm thấy lo, mình có thể làm cho vợ mình, con mình tin rằng mình vô tội. Nhưng còn hàng xóm láng giềng, còn gia đình con bé sẽ nghĩ sao? Họ hoàn toàn có thể dựa vào những yếu tố thực tế ngẫu nhiên để quy anh là tác giả của bào thai. Làm sao anh có thể đi thanh minh với hết cả mọi người? Miệng lưỡi thiên hạ khó mà chặn được.

Mỗi sáng con bé oshin ra ngoài đi chợ chừng nửa tiếng đồng hồ, khó có thể làm gì được vào khoảng thời gian đó. Nó có một hai lần xin phép ra ngoài vào buổi tối. Chưa biết có chuyện gì xảy ra trong những lần ấy hay không, nhưng cứ thử gạt ra một bên xem thế nào. Còn lại thì hầu như nó không ra khỏi nhà, trừ những lúc anh hoặc cô con gái cả sai nó chạy ra phố 5-7 phút, lúc mua bao thuốc lá, lúc mua đồ ăn vặt hay mấy thứ linh tinh. Vậy thì ngoài anh ra, còn có người đàn ông nào lọt vào ngôi nhà này để tằng tịu với con bé oshin nữa đây? Nghĩ đến đây, anh thấy mồ hôi túa ra lạnh ướt lưng áo.

Anh cố trấn tĩnh, rút một điếu thuốc châm lửa hút. Ngả đầu vào thành ghế, anh nhả khói lên trần nhà và cảm thấy dễ chịu hơn. Anh bắt đầu kiểm tra lại trong óc từng sự kiện diễn ra trong ngôi nhà này trong ba tháng vợ anh vắng nhà. Không nhất thiết phải suốt cả ba tháng – anh nghĩ thầm: “Vợ mình bảo nó có mang hai tháng, vậy chỉ cần tập trung vào tháng đầu tiên thôi”. Và anh bỗng rùng mình. Thôi chết, chẳng nhẽ lại là Tuất ư? Đúng rồi, Tuất gặp anh vào khoảng 3 tuần sau khi vợ anh đi.

...Tuất là bạn đồng ngũ của anh. Năm 1978 anh nhập ngũ sau khi tốt nghiệp đại học. Anh khi đó 22 tuổi, còn Tuất học hết lớp 10 đi lính nghĩa vụ. Từ cái huyện nghèo xác nghèo xơ của xứ Thanh, được đi bộ đội đối với Tuất là cả sự đổi đời. 18 tuổi mà Tuất gầy quắt queo. “Em phải bỏ hai cục đá vào túi quần mới đủ 4 yến rưỡi nhập ngũ đấy anh ạ” – Tuất kể . Cơm lính khổ thế mà chỉ sau hai tháng Tuất đã có da có thịt. Ở chung một tiểu đội, quý nhau, nên anh và Tuất nhận nhau là anh em kết nghĩa.

Chiến tranh biên giới bùng nổ, họ được đưa lên tuyến trên. Lo lắm, nhưng càng được đi lên cao hơn thì càng đỡ sợ. Tuất cười hì hì: “Em chẳng sợ. Nhỡ có làm sao thì cũng chẳng có gì phải tiếc. Chỉ có anh có bằng đại học rồi là tiếc thôi!” Nhưng rất may, cuộc chiến kéo dài không lâu, nên đơn vị của họ không phải ra mặt trận.

Giải ngũ, Tuất trở về quê, nhưng vẫn giữ liên lạc thường xuyên với anh. Tuất xoay đủ nghề hết làm ruộng lại làm gạch, hết đi đào đá đỏ lại đi buôn đường dài. Cách đây vài năm, Tuất bỏ hết vốn liếng, cộng thêm tiền vay ngân hàng, đầu tư nuôi tôm sú. Trúng đậm, Tuất trở thành người giàu. Anh ôm từng xấp tiền ra Hà Nội bắt anh dẫn đi mua đủ thứ vật dụng đắt tiền.

… Hơn hai tháng trước, anh nhận được cú điện thoại của Tuất khi đang ngồi ở cơ quan:

- Bác cả đấy à? Báo cáo bác, em đang có mặt ở Hà Nội nhé. Ra việc gì ấy à? Thăm bác thôi. Lâu quá không gặp bác nhớ phết? Bác đang ở đâu? Ở cơ quan à? Thế thì 15 phút nữa bác xuống quán càphê cạnh cơ quan nhé. Em sẽ đến.

Đã ba giờ chiều. Anh dọn dẹp đồ đạc trên bàn làm việc và xách túi đi luôn. Gặp nó một lát còn về đón con gái út. Xuống đến nơi, anh gọi càphê ra uống, nhưng Tuất không đến đúng sau 15 phút như đã hứa. Phải hơn nửa tiếng sau một chiếc xe ôtô Vitara màu xanh ngọc mới xuất hiện trước cửa quán và từ ghế người lái bước xuống không phải ai khác chính là Tuất.

Anh há hốc mồm ngạc nhiên. Tuất cười tí tởn: “Biết ngay là bác sửng sốt mà. Bác thông cảm, đường sá Hà Nội phức tạp, đi đâu cũng thấy đường một chiều!”. “Cậu mua xe lâu chưa?” – anh hỏi. “Vừa làm xong biển xe là em chạy ngay ra đây thăm bác đấy. Thôi bác gửi xe máy vào cơ quan, lên ôtô em chở bác đi khao một chầu!”.

- Khao thế đếch nào được! – Anh cười xòa và chìa tay ra: – Bắt tay ông chủ vựa tôm một cái. Chúc mừng nhé. Cậu thế mà giỏi! Như cái thằng tớ chẳng biết khi chó nào mới có xe ô tô đây!

Tuất đưa hai tay ra nắm chặt tay anh lắc mạnh: “Bỏ nhà nước ra ngoài làm tư đi bác ơi. Tài như bác chẳng mấy chốc lại có vài ba cái xe hơi ấy chứ. Tại sao bác lại không đi ăn khao được nhỉ?”

- Tớ đang là thằng bảo mẫu. Vợ đi vắng, phải trông con. Ngồi với cậu một lát phải về đón nó đây. Phải cho nó ăn, cho nó ngủ, phức tạp lắm.

- Ôi dào, bác làm như em chưa nuôi con bao giờ không bằng. Thế bác gái đi đâu?

- Đi nước ngoài công tác. Được ba tuần rồi. Hơn hai tháng nữa mới về.

- Ái chà, bác nan giải nhỉ! – Tuất đưa tay gãi mái đầu cắt cua. – Em lại chỉ muốn bác là người đầu tiên ăn khao xe của em. Hay là thế này, bác cứ gửi xe vào cơ quan đi. Em đưa bác đi đón cháu. Rồi ta về nhà bác, cho cháu tắm rửa, ăn uống, ngủ nghê. Sau đó em đưa bác đi chơi. Bác ơi, bác cũng bị giam hãm ba tuần nay rồi, mình đi kiếm chút gì tươi mát giải sầu nhé.

Cái thằng này chỉ được cái nói đúng! Anh cười: “Ừ, thế cũng được. Đợi tớ mang xe máy vào cơ quan nhé!”

(Còn nữa)

6/4/07

NHỮNG CÁI BẮT TAY



Bắt tay là cách chào hỏi lịch sự của thế giới văn minh. Đông tây kim cổ đều nói bàn tay người ta nói lên nhiều điều. Nghèo hèn giàu sang, tính cách con người đều thể hiện trên bàn tay cả.

Nhưng thực ra chẳng có quy tắc chung nào ứng cho từng loại người về bàn tay.

Cái bắt tay đáng nhớ nhất trong đời tôi có lẽ là cái bắt tay với một sinh viên da đen năm 19 tuổi ở Belarus. Anh ta chìa tay ra. Đã có ai nhìn thấy bàn tay người da đen chưa nhỉ? Da ở phía trên của bàn tay đen trũi, nhưng da ở lòng bàn tay lại hồng một cách bất thường. Hệt như miếng thịt nằm trên phản thịt ngoài chợ. Tôi phải cố gắng gạt bỏ mọi cảm giác phân biệt chủng tộc để nắm tay anh ta. Hóa ra lại là một cái bắt tay dễ chịu. Không hề có cảm giác sờ vào miếng thịt như thoạt nghĩ.

Khi bắt tay nhiều rồi mới thấy những lý thuyết bàn tay khô, ấm áp, mạnh mẽ thuộc về người quyền quý là không đúng. Ối bàn tay những người có máu mặt lại chẳng hề như vậy.

Có bàn tay ướt nhoét, bắt tay mà như có cảm giác sờ vào miếng thịt ôi bèo nhèo khiến xong cái thủ tục văn minh ấy ta phải lén chùi tay vào khăn hoặc ống quần cho hết cảm giác ghê ghê.

Có bàn tay lạnh ngắt không một chút sinh khí, bắt tay mà không khỏi rùng mình như vừa chạm vào Thần Chết.

Có bàn tay mềm oặt, như không xương, cầm vào chẳng khác nào cầm phải con chuột đỏ hỏn.

Có bàn tay đường đường là của đàn ông mà bé tí như bàn tay trẻ con.

Tóm lại nếu bắt những bàn tay ấy mà không nhìn mặt, thì chẳng bao giờ nghĩ rằng chủ nhân của chúng lại là những người quyền thế.

Một lần bạn tôi đi chụp hình ông Ngoại trường một nước đến từ Châu Đại dương. Anh ta đắc ý đưa tấm ảnh đặc tả đôi bàn tay ông ta: lòng bàn tay rộng, những ngón tay như những quả chuối mắn. Bàn tay ấy hoàn toàn không tương xứng với gương mặt thông tiệp và mẫn tuệ của ông ta.

"Sao ông ta có bàn tay kỳ dị thế nhỉ?" - bạn tôi hỏi.

- Thế cậu không biết ông bà cụ kỵ ông ta từ Châu Âu di cư đến đó làm nghề chăn cừu à. Suốt ngày cầm kéo cắt lông cừu thì tay to có gì là ngạc nhiên? - Tôi giải thích đùa. Nhưng bạn tôi lại tin là thật. Hình như cho đến tận bây giờ anh vẫn tin vị Ngoại trưởng nọ trưởng thành từ gốc gác người chăn cừu Ái nhĩ lan.

Nhưng tôi cũng biết một người có bàn tay đáp ứng đủ các tiêu chuẩn bàn tay của một đấng quân tử. Tuy nhiên, anh lại chỉ là người thợ cắt tóc trên vỉa hè đầu phố nhà tôi. Dáng người hộ pháp, đầu húi cua, ăn nói bặm trợn, anh là người duy nhất tôi tin tưởng giao đầu của mình cắt cúp sửa sang trong vòng 15 phút đồng hồ.

Anh hồn nhiên, hài lòng với cuộc sống đơn giản của mình và luôn gọi đúng sự vật bằng tên thật của nó, dẫu phải dùng những từ mà đám người tự coi là có văn hóa cảm thấy nghịch nhĩ.

Hơn 10 năm nay tôi cắt tóc trên cái ghế kê ở lối vào một đơn nguyên của khu chung cư bất kể mùa hè nắng nôi hay mùa đông giá rét. Ngoài lý do anh cắt tóc đẹp, giá rẻ, thì lí do nữa để tôi đến còn bởi vì anh có cái bắt tay thật tuyệt. Dường như ta có thể cảm thấy tâm hồn chân thành và hồn hậu của anh qua cái bắt tay ấy.


free hit counters
free hit counters

2/4/07

MỘT TRÒ ĐÙA THIẾU Ý THỨC



Ngày 1.4, ban quản trị trang nhacso.net ra thông báo tổ chức buổi “giao lưu trực tuyến” với linh hồn cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người đã mẩt vào đúng ngày này cách đây 6 năm, thông qua nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Vì tin là thật, nên đông đảo người ngưỡng mộ đã truy cập vào website trên để gửi câu hỏi cho người nhạc sĩ tài hoa. Tuy nhiên, sang ngày 2.1, ban quản trị đã thông báo đấy chỉ là câu chuyện đùa nhân ngày Cá tháng Tư. Đây quả thực là hành động xúc phạm đến linh hồn người quá cố, cũng như công chúng hâm mộ ông.

Từ "giao lưu trực tuyến" đến "Hàng cây thắp nến"

Ngày 1.4, người yêu nhạc sửng sốt trước cơ hội được giao lưu trực tuyến với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua nhà ngoại cảm nổi tiếng Phan Thị Bích Hằng đúng vào ngày mất của ông. Nhưng đến 21h đêm 1.4, thời khắc bắt đầu giao lưu theo như kế hoạch của website này, người yêu nhạc lại thấy thông báo: “Vì lý do kỹ thuật, chương trình phải lùi lại 3 giờ, và bắt đầu vào lúc 23h59 phút. Xin chân thành cáo lỗi cùng các bạn”.

Sau đó, website lại tiếp tục đưa ra cáo lỗi: “Chúng tôi xin cáo lỗi với các khán giả hâm mộ và đại diện các cơ quan truyền thông: để đảm bảo tỷ lệ thành công của chương trình ở mức cao nhất, chúng tôi buộc phải hạn chế số người tham gia. Tất cả thông tin liên quan (tài liệu hình ảnh, băng ghi âm, quay hình...) sẽ được đưa lên trang web ngay khi chương trình kết thúc”.

Đến ngày 2.4, website chính thức đưa ra lời xin lỗi người yêu nhạc rằng không hề có buổi giao lưu trực tuyến như đã hứa: "…nhacso.net xin gửi lời xin lỗi chân thành đến các khán thính giả thân quý khi nói đùa về thời gian (trả lời câu hỏi ngay trong ngày 1.4) và cách thực hiện chương trình (trực tiếp). Mong khán thính giả lượng thứ về điều đó".

Và từ thông báo về chương trình "giao lưu trực tuyến" với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ban quản trị Nhacso.net chuyển sang tổ chức chương trình "Hàng cây thắp nến", mời người yêu nhạc gửi lời nhắn cho cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Theo website này, toàn bộ lời nhắn gửi của người yêu nhạc sẽ được trang web gửi đến Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người. Tuy nhiên, đến ngày 2.4, ban quản trị Nhacso.net mới liên hệ với Trung tâm này.

Mượn danh của cố nhạc sĩ để quảng bá hình ảnh?

Có thể khẳng định, Nhacso.net không hề chuẩn bị gì cho buổi "giao lưu trực tuyến" với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Trang web này đã "mượn" hai tên tuổi nổi tiếng để tổ chức một chương trình quảng bá hình ảnh và tăng lượt truy cập.

Người hâm mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn choáng váng về cơ hội "có một không hai" (thông báo của trang web) được tiếp xúc với cố nhạc sĩ tài danh đã không ngần ngại đăng ký và chờ đợi được "nói chuyện" với cố nhạc sĩ. Nhiều người biết và đã từng nghe bà Phan Thị Bích Hằng nói chuyện, hồi hộp chờ giây phút "lịch sử" ấy. Nhưng sự thật với họ quả là bất ngờ. Đó là lời nói đùa ngày Cá tháng Tư!

Ngày 2.4, ông Nguyễn Ngọc Long, quản trị trang Nhacso.net xác nhận với PV Lao Động là chưa hề liên hệ với bà Phan Thị Bích Hằng. Như vậy, chương trình "giao lưu trực tuyến" như đã thông báo là không hề có và không hề được chuẩn bị. Chương trình "Hàng cây thắp nến" như vậy chỉ là sự "vụng chèo, khéo chống".

Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân, một người bạn thân thiết của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rất bất bình: “Không thể đem cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra đùa cợt. Phải có sự trân trọng và có thái độ văn hóa khi nhắc đến ông”.

Hơn nữa, chương trình giao lưu trực tuyến này, nhacso.net đã gián tiếp cổ súy cho mê tín dị đoan. Những bí ẩn về tiềm năng con người là một vấn đề khoa học. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cũng là một hiện tượng đang được các nhà khoa học nghiên cứu. Nhưng đó là những câu chuyện khác, những vấn đề khác. Việc dùng “thương hiệu” của bà Phan Thị Bích Hằng trong trường hợp này đã làm không ít người hoang mang.

Ngày Cá tháng Tư là một tập tục du nhập từ bên ngoài vào Việt Nam, trong ngày đó người ta có thể nói đùa những điều vô hại mà không bị phán xét. Nhưng những gì mà ban quản trị nhacso.net làm hoàn toàn không còn là câu chuyện đùa trong khuôn khổ văn hoá và đạo đức Việt Nam cho phép. Thiết nghĩ, câu chuyện này không chỉ kết thúc đơn thuần bằng lời xin lỗi của ban quản trị trên trang web của chính mình.

P/S: Trên đây là bài viết của tác giả Đỗ Trọng, đăng trên Lao Động Điện tử. Tôi post lên đây để chúng ta cùng thảo luận. Tôi biết các bạn làm ở nhacso còn rất trẻ, nhưng cá nhân tôi thấy rằng đùa như vậy là quá trớn. Đành rằng nó chỉ là chuyện Cá tháng Tư. Nhưng khi đối tượng của trò đùa là những người đã trở thành biểu tượng của tâm hồn dân tộc như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì không nên một chút nào.

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết