Tôi ra khỏi hiệu sách khi trời đã tối hẳn và Berlin rực rỡ trong ánh đèn. Cảm nhận có người theo sau ngày một rõ rệt. Tôi quay đầu lại và thấy cách mình khoảng mươi thước một người đàn ông Đức ngoài 30 tuổi ăn mặc lịch sự nửa muốn bám theo nửa không. Tôi rảo bước, người đàn ông cũng rảo bước. Tôi chậm lại, anh ta cũng làm y như vậy.
Tôi quay lại một lần nữa. Gương mặt ưu tư, nhưng không có vẻ ác ý của anh khiến tôi yên tâm. Đến gần khách sạn của mình, tôi đi chậm lại. Người đàn ông đắn đo rồi quả quyết tiến đến hỏi tôi bằng tiếng Việt lơ lớ: “Ông là người Việt Nam?”. Tôi gật đầu. Một cơn gió lạnh ùa tới, khiến người đàn ông khẽ rùng mình. Anh nhìn tôi ái ngại. Tôi chủ động: “Chắc ông có chuyện gì muốn nói với tôi? Mời ông vào bar trong này”.
Một ly wishky đúp khiến Frank (tên người đàn ông) thoải mái hơn. Anh nói: “Xin lỗi, tôi nhầm. Tôi cứ nghĩ ông là người tình của Vân”.
... “Tôi quen Vân, vì cô bán lẻ thuốc lá ở gần nhà tôi. Trước kia tôi cứ nghĩ chỉ có những cô gái lười biếng, ế chồng, hay hư hỏng ở Việt Nam mới sang Đức buôn bán lần hồi. Còn Vân, cô ấy cao ráo, ánh mắt thông minh và u uẩn, trông biết ngay là người có học. Ngày ngày tôi cứ đến mua thuốc lá lậu của cô ấy và yêu mến từ lúc nào không hay.
Một ngày mùa đông tuyết rơi dày, tôi thấy Vân vẫn đứng co ro trên hè phố. Tuyết rơi thế này, ai mà ra đường mua thuốc lá bao giờ. Tôi mời Vân vào quán cà phê cạnh đó. Cô tần ngần rồi cũng đồng ý. Và ở đó, không còn cảnh nhớn nhác nhìn cảnh sát, nỗi sợ hãi khi thấy đám thanh niên càn quấy và sự trông chừng giữ ý với những “đồng nghiệp” bán thuốc lá người Việt, Vân thực sự trở thành một con người khác. Cô nói tiếng Đức bồi, nhưng trò chuyện thông minh và duyên dáng. Một niềm vui lớn dần và lan toả vào mọi ngóc ngách trong tâm hồn tôi: đây chính là người đàn bà mà bấy lâu tôi vẫn cất công kiếm tìm.
Từ đó tôi năng gặp Vân hơn. Rồi tôi đưa Vân đến chơi nhà bố mẹ tôi. Vân nấu ăn rất khéo. Cô nói với mẹ tôi những chuyện gì đó mà đến ngày hôm sau mẹ tôi - một người Đức chính thống có đôi chút tư tưởng phân biệt chủng tộc - gọi điện cho tôi nói rằng bà muốn mời Vân đến chơi nữa.
Càng ngày tôi càng mong được cưới Vân. Lấy tôi, Vân sẽ có quốc tịch Đức, đời sống và an ninh của cô không những được tôi, mà cả nhà nước tôi bảo đảm, cô sẽ không phải lay lắt nơi hè phố ngày ngày bán thuốc lá nữa. Nhưng tôi biết phụ nữ phương Đông luôn phải suy tính trước một quyết định lớn. Rồi hai tuần sau, Vân đột ngột biến mất.
Đầu tiên, tôi ngỡ Vân bị giết. Các băng đảng mafia thuốc lá ở Berlin thanh toán nhau như cơm bữa. Nhưng những “đồng nghiệp” ngoài phố mách với tôi rằng Vân bỏ đi theo một người đàn ông Việt Nam, người vẫn bỏ mối thuốc lá cho cô. Tôi lờ mờ nhớ lại tôi đã gặp hắn. Hắn cũng đàng hoàng và có học, trông khá giống ông. Duy chỉ có ánh mắt là đầy hiềm tị khi thấy tôi vui vẻ nói chuyện với Vân. Tôi bổ đi tất cả những khu tị nạn ở Berlin và những tỉnh khác để tìm Vân, nhưng cô ấy đã không để lại bất cứ một dấu vết nào. Nhác thấy ông lúc chiều, tôi cứ ngỡ ông là thằng cha ấy”.
Biết tôi là nhà báo và sắp trở lại Việt Nam, Frank vỗ tay vào trán, “à” lên một tiêng như vừa phát hiện ra điều gì quan trọng. Anh lục tìm trong túi áo cuốn sổ ghi địa chỉ: “Vân có cho tôi địa chỉ của gia đình cô ấy ở Việt Nam. Ông tìm giúp tôi nhé”. Rồi Frank xin số điện thoại của tôi. Anh hứa sẽ gọi điện cho tôi sau hai tuần nữa. Anh chia tay tôi. Cái dáng cao lớn của anh như xiêu vẹo trong màn tuyết.
Mất khá nhiều công sức, tôi vẫn không tìm được Vân – Gia đình cô đã đổi chỗ đến vài ba lần. Ngay cả bố mẹ cô cũng chẳng biết Vân phiêu dạt đến phương nào. Nghe nói cô theo người bạn trai ấy sang làm ăn ở một nước Đông Âu nào đó…
Frank có điện thoại cho tôi một vài lần, anh nói đã bỏ thuốc lá, nhưng vẫn có thói quen lang bạt tại các điểm bán thuốc lá lậu của người Việt ở Đức và cả các nước Đông Âu khác mỗi khi anh có dịp ghé qua với hy vọng nhỏ nhoi là được nhìn thấy Vân dù chỉ một lần cuối…
Hà Nội, tháng 5.1997
(đăng trên báo Lao Động, chủ nhật ngày 8.6.1997)