28/5/06

Hoài niệm 11.9 ở Washington



Nếu không có các vụ khủng bố, có lẽ 11.9 mãi là ngày yên bình nhất trong mùa thu xanh trong ở thủ đô nước Mỹ. Trời xanh, mây trắng, nắng vàng rực rỡ và gió thổi lồng lộng dọc triền sông Potomac. Tôi, một người Việt thả bộ theo đại lộ Độc lập (Independent Avenue) đi về phía Tượng đài Chiến tranh Việt Nam, mong tận mắt chứng kiến hội chứng cuộc chiến tranh vẫn còn hằn sâu trong lòng nước Mỹ, không biết được rằng đám cháy bên kia sông là hậu quả của một tội ác...

Người cựu binh không quen

Ra khỏi ga tàu điện ngầm Smithonian lúc gần 10 giờ sáng, tôi đã nghe thấy tiếng xe cứu hoả báo động rầm trời, rồi những cỗ xe màu đỏ rực nối đuôi nhau hối hả lao về một nơi nào đó. Cũng giống như tôi, những người Mỹ khác có mặt ngoài đường vào thời điểm ấy, đoán chắc lại có một vụ cháy vớ vẩn thôi. Cẩn thận, nên khi đến bên mép nước của Tidal Basin (vịnh nhỏ của sông Potomac), tôi vẫn chụp vài kiểu ảnh cuộn khói đen cuồn cuộn bốc lên từ phía bờ Arlington của con sông.

Khi tôi đặt chân đến tượng đài "Chiến tranh Việt Nam" thì cũng là lúc cảnh sát Washington bắt đầu phong toả khu vực này. Tượng đài là một bức tường bằng đá đen hình chữ V đi sâu xuống lòng đất. Có người nói rằng nó ngụ ý nỗi đau về cuộc chiến tranh ở Việt Nam hằn sâu vào lòng nước Mỹ. Trên bức tường khắc tên hàng vạn lính Mỹ theo trình tự thời gian mà họ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh này. Bức tường như một tấm gương và người sống khi đi tìm người chết có thể nhìn thấy chính mình.


Có bóng một người đàn ông chạy vụt đến. Ông lần tìm tên ai đó, đặt bông hoa đỏ xuống vị trí hàng chục cái tên ở sát mặt đất và cúi đầu. Một cảnh sát da đen hối hả chạy đến, sẵng giọng: "Ra khỏi đây ngay, ra ngay!". Người đàn ông ngẩng mặt lên, mắt rưng rưng: "Hãy cho tôi ở lại thêm một phút nữa". Viên cảnh sát quát như hét: "Không, ra ngay!". Người đàn ông gầm lên: "Họ đã chết, cả một đại đội đã bỏ mạng, anh có biết không? Chúng tôi đã đổ máu khi anh còn chưa đẻ, thằng nhóc!". Viên cảnh sát da đen dịu giọng: "Tôi cũng đang tránh cho ông bị đổ máu đấy. Thôi, ông hãy ngồi thêm một chút rồi ra ngay. Các tượng đài vào thời điểm này nguy hiểm lắm".

Người đàn ông ấy là một cựu chiến binh Mỹ đã từng có mặt tại miền Nam Việt Nam cuối những năm 1960. Đưa vợ từ Ohio qua Washington làm vài chuyện kinh doanh, anh ghé vào đây thăm lại những người bạn mãi còn ở tuổi ngoài 20 một chút của mình. Lát sau, khi đã ra ngoài vòng phong toả của cảnh sát và được vợ lau nước mắt, người đàn ông mới bình tĩnh lại và kể về cuộc chiến khốc liệt ở Đắc Tô cách đây hơn 30 năm. Tiếng còi cứu hoả vẫn tiếp tục rú lên, và cảnh sát dồn đến khu vực này mỗi lúc một đông thêm. Chúng tôi đều thấy cần phải rời khỏi đây.

Người đàn ông nói: "Tôi chưa trở lại Việt Nam. Nhưng tôi muốn trở lại đó và tôi sẽ trở lại. Tôi là nhà kinh doanh. Hai nước sắp phê chuẩn Hiệp định Thương mại song phương. Tôi sẽ đến VN làm ăn. Tôi muốn đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước các bạn".

Những cảm giác

Quá Ngọ, tôi mới lách được qua những dãy phố gần Nhà Trắng bị phong toả để trở về Trung tâm Báo chí Bộ Ngoại giao Mỹ. Mặc dù một ngày trước đó, chúng tôi (các nhà báo ASEAN là khách mời theo chương trình viết báo mùa thu của Bộ Ngoại giao Mỹ) vừa được long trọng đón tiếp tại đây, song đến lúc này nhân viên an ninh không cho tôi vào bên trong. Những người khác có thẻ ra vào đều được kiểm tra nghiêm ngặt. Đợi mãi mới gọi được nhân viên phụ trách đoàn bảo lãnh để tôi vào. Ngay ở sảnh, hàng trăm người đang dán mắt vào hơn hai chục màn hình tivi của các kênh truyền hình khác nhau hoặc quay đi quay lại cảnh vụ tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) và Pentagon (Lầu Năm góc), hoặc truyền hình trực tiếp cảnh hỗn loạn từ hai nơi đó.

Tất cả người Mỹ đều lặng đi. Họ không bình luận gì cả. Đàn ông đăm chiêu. Phụ nữ mắt mở to đẫm lệ, nhiều người lấy tay bịt miệng cho khỏi khóc thành tiếng. Mãi đến sau này tôi mới biết rằng không một kênh truyền hình Mỹ nào phát cảnh những nạn nhân nhảy ra khỏi cửa sổ và rơi tự do xuống bên dưới. Nhiều người khách đến thủ đô Mỹ đã bị đói trong ngày 11.9. Mọi cửa hàng, hiệu ăn đều đóng cửa. Tôi không bị đói, nhưng lần đầu tiên tôi được chứng kiến thế nào là một thành phố không có sinh khí.

Washington vắng hoe hoắt. Những con phố rộng, thẳng thớm, cắt nhau vuông vức như rộng hơn, khi không còn một bóng người. Không một chiếc xe hơi nào chạy qua. Gió cuốn những chiếc lá vàng thưa thớt và một vài mẩu báo hoặc giấy tờ gì đó mà người ta trót đánh rơi xuống đường trong lúc vội vã rời khỏi nội đô. Không gian tĩnh mịch đến rợn người và đột nhiên ta có cảm giác tiếng rú inh ỏi của xe cứu hoả cũng còn khiến ta thấy an tâm hơn là sự im ắng này.


Khách sạn tôi ở cách khá xa trung tâm Washington và cách ga Pentagon đúng một bến. May mà tàu điện ngầm đến buổi chiều mở lại, nếu không tôi chỉ còn cách đi bộ về khách sạn, bởi ngay cả các hãng taxi cũng cho nhân viên nghỉ việc. Đến sát ga của tôi, người ta đã giải thích chi tiết qua hệ thống loa phóng thanh rằng, ga Pentagon đã bị đóng cửa, những ai muốn đến đó tìm thân nhân, xin hãy liên lạc với trung tâm cứu hộ, số điện thoại...; những ai ở gần Pentagon, xin hãy xuống ga này, hoặc ga sau nữa là Pentagon City.

Số hành khách không nhiều lắm, nhưng cũng đủ để thấy nỗi e ngại của họ khi vẫn phải có mặt ở nơi công cộng vào thời điểm này. Họ ra khỏi tàu rất nhanh và lao như chạy lên các cầu thang máy cuốn: Cần phải ra khỏi nơi này, cần phải ra khỏi nơi này thật nhanh, thật nhanh! Nhưng đâu sẽ là nơi ẩn náu an toàn? Không ai đặt ra câu hỏi ấy, bởi nó chẳng có câu trả lời.


Tôi bước lên mặt phố và gió lạnh thổi khiến tôi rùng mình. Một ngày đẹp trời của nước Mỹ đã trôi qua trong tấn thảm kịch thuộc loại tồi tệ nhất trong lịch sử loài người. Nếu đó không phải là một ngày đẹp trời. Nếu đó không phải là đất nước hùng mạnh nhất thế giới. Nếu đó không phải là nơi mà người ta cảm thấy an toàn nhất. Nếu người dân ở đó không quá tự tin. Còn biết bao chữ "nếu" nữa ta có thể đưa ra để biện bạch cho thảm hoạ đừng xảy ra. Nhưng nó đã đến, vào đúng lúc mà mọi sự đang ung dung ngự trị ở những tầng nấc huy hoàng. Một thực tế đau lòng minh chứng tính đúng đắn trong lời căn dặn của nhà cách mạng người Czech J.Fucik.

Tôi đến nước Mỹ vào ngày 10.9. Có thể nói tôi chẳng kịp biết gì về đất nước này. Ngày hôm sau, chuyện đó xảy ra. Hai tuần tiếp theo là những ngày người dân Mỹ hoảng loạn nhất, hoang mang nhất. Cứ tạm gọi đó là sự đau đớn trước sinh linh của khoảng 3.000 người thiệt mạng, là niềm kiêu hãnh bị tổn thương, là nỗi sợ hãi khi ngôi nhà mình vẫn tưởng là pháo đài đột ngột trở nên bất an hơn bao giờ hết. Do không biết nước Mỹ trước đó, nên tôi không biết những sự gọi tên vừa rồi có chính xác không? Cũng giống như không thể nói gì về người phụ nữ không quen vừa bất ngờ lâm vào cơn bạo bệnh. Không có kinh nghiệm để so sánh! Nhưng lúc ấy tôi đoán chắc rằng từ nay nước Mỹ sẽ thay đổi.

Nguồn: Lao Động 9.2.2002

Rừng Nga



"Hai ngày ở Minsk em thích làm gì? Đi trượt sóng ở hồ Naroch hay đi nướng thịt ở biển Minsk? Những thứ ấy ở Việt Nam cũng làm được đúng không? Thôi mình đi hái nấm nhé! Rừng Nga, em biết rồi đấy, có bao nhiêu điều thú vị. Để cô gọi thêm Sergei, cậu sinh viên vừa tốt nghiệp của cô, đi cùng cho vui".

Cô Blai cứ líu ríu vừa hỏi rồi vừa tự quyết định như thế. Cô giáo dạy văn học Nga cho đám sinh viên Việt Nam tại Đại học Sư phạm Minsk từ cách đây 18 năm, nay tuy đã ngoài 50, nhưng vẫn còn rất đẹp. Nổi tiếng nghiêm khắc, nhưng cô cũng nổi tiếng vì dạy văn rất hay, bị liệt vào dạng "cứng đầu cứng cổ" trong con mắt của vị trưởng khoa có nguồn gốc KGB vì thường hay đứng về phía sinh viên.

12 năm nay không còn sinh viên Việt học tiếng Nga ở Minsk nữa, cô thất nghiệp mất vài năm và sau chuyển sang dạy tiếng Đức. Nhưng cứ mỗi lần hay tin sinh viên cũ của mình có dịp ghé qua Minsk, cô lại tíu tít như thế.

- "Cô không bao giờ nghĩ rằng cô bị chia cắt khỏi nước Nga. Thiên nhiên, con người, văn hoá... Tất thảy đều là của Nga. Nên em đừng ngạc nhiên, khi cô gọi rừng ở Minsk là rừng Nga!" - cô Blai giải thích.


Ba cô trò lên đường vào buổi sáng mùa hè. Không hiểu dậy từ lúc nào, mà cô Blai đã chuẩn bị đủ mọi đồ ăn thức uống và xếp gọn vào thùng chiếc xe hơi màu trắng của mình. Cô bắt tôi mặc bộ đồ thể thao với áo gió liền mũ: "Phải che kín toàn thân, thiếu gì thứ nguy hiểm trong rừng, em biết rồi đấy. Này cầm lấy cái còi. Nếu có lạc nhau thì chỉ cần thổi còi là biết hướng mà tìm".

Rừng Nga tháng bảy. Nắng chói chang ngoài xa lộ thế mà khi vào bên trong, thời tiết bỗng dịu hẳn đi như tiết đầu thu. Mùi đất, mùi cỏ trộn với nhựa cây hăng hắc tạo nên một hương vị lạ lẫm mà quyến rũ. Thảng hoặc lại có những đám hơi nước bốc lên tạo thành chuỗi ngọc li ti trên những cành thông nằm sát mặt đất.

"Em đừng cắt sát gốc nấm, chừa khoảng 1cm cách mặt đất để nó còn mọc lại. Hãy tránh xa những cái có màu sắc. Những thứ loè loẹt đều là nấm độc!" - cô Blai nói rổn rảng.


Tôi trở thành người xách giỏ cho cô, bởi tôi chẳng biết nấm ở đâu mà tìm. Hơn nữa hai cô trò đi cùng nhau để dễ trò chuyện. Sergei thì tách hẳn ra hướng khác. Hai cô trò ôn lại những chuyện xảy ra từ ngày xửa ngày xưa.

Chừng ba tiếng đi trong rừng mà chỉ hái được mươi cái nấm. Cô Blai thổi còi gọi Sergei và trải tấm nhựa xuống một thảm cỏ giữa rừng, nơi có những chùm ánh sáng chiếu qua những lỗ hổng trên tán lá xuống giống như sân khấu. Rồi cô bày bánh mì kẹp thịt, hoa quả, càphê nóng. Vừa ép chúng tôi ăn, cô vừa nói với cậu sinh viên người Nga:

- "Sergei, em biết không? Các anh chị sinh viên Việt Nam là tuổi trẻ của cô. Họ làm cho các cô bực mình không biết bao nhiêu lần vì bỏ tiết đi mua hàng, vì không thuộc bài, hay trốn khỏi Minsk đi chơi mà không có visa... Nhưng họ cũng giúp cô khám phá ra tâm hồn nồng hậu của một dân tộc. Họ đã để lại bao nhiêu dư vị ấm áp trong cô. Cách họ vượt khó khăn để vừa học tập không đến nỗi nào, chuyện họ vừa mua được cái gì đó về giúp gia đình đã khiến cô cảm động. Sau này vào những năm 1990 đầy khó khăn, cô đã nghĩ đến họ để bao giờ cũng đứng thẳng và không lùi bước".

Nhưng cô Blai đâu có biết rằng chính hình ảnh tuyệt diệu của cô khi giảng dạy những áng văn chương Nga bất hủ đã khiến chúng tôi đến lớp sau những giờ xếp hàng dài mệt mỏi tại các cửa hàng.

Không hái được nhiều nấm lắm. "Phải chờ đến mùa thu sau khi trời mưa. Em cũng biết là rừng không có nấm, nhưng em vẫn đi để gặp một cựu sinh viên Việt Nam xem những ấn tượng mà cô Blai kể về các anh các chị có đúng không" - Sergei cười hiền lành.

Rừng Nga tháng 7 không có nấm
.


Nguồn: Lao Động 3.11.2002

Nguyễn Tường Vân bị hành quyết tại Singapore: Sự phục thiện muộn màng



Đúng 9 giờ sáng (5 giờ sáng giờ VN), nhà thờ St. Patrick tại Melbourne (Australia) đã đánh 25 hồi chuông, thay vì 9 hồi như thường lệ. Những hồi chuông ấy vang lên để đưa tiễn linh hồn của chàng trai trẻ Nguyễn Tường Vân. Lúc ấy là 6 giờ ở Singapore và đó cũng là thời điểm Vân phải lên đoạn đầu đài.

Có lẽ khó có vụ hành quyết một tội phạm buôn lậu ma tuý nào lại trở thành vấn đề xáo trộn tâm can người dân Australia như vụ hành quyết Nguyễn Tường Vân. Xã hội đa sắc tộc và đa văn hoá của Australia dường như không còn những rào cản trong những ngày qua, khi cùng quan tâm đến cái chết của chàng trai gốc Việt này.

Dẫu việc phạm tội của Vân là không thể tranh cãi (chính Vân cũng đã thừa nhận tội lỗi của mình và sẵn sàng chấp nhận cái chết), nhưng quá khứ khá tốt đẹp không tiền án tiền sự của Vân, cũng như gương mặt non trẻ của Vân tràn ngập trên trang nhất các báo và màn ảnh truyền hình, khiến đa phần người Australia cho rằng anh ta không đáng phải chết.

Hành động buôn ma tuý bồng bột, xuất phát từ động cơ kiếm tiền trả nợ cho em trai được người Australia coi như một lý lẽ khả dĩ, đủ để người ta tha thứ và có cảm tình với Vân. Thế nên, nước mắt đã chảy trên gương mặt của những con chiên khác màu da tại nhà thờ St. Patrick.


Lúc đầu dư luận Australia không chấp nhận bản án tử hình đối với Tường Vân, đồng thời kịch liệt phê phán việc áp dụng hình phạt treo cổ của thế kỷ 19 trong thế kỷ 21. Khi bản án của Tường Vân trở thành thực tế không thể đảo ngược, thì dư luận Australia lại bùng lên giận dữ khi nguyện vọng của bà Nguyễn Kim được ôm con một lần cuối cùng không được phía Singapore đáp ứng. Ông John Perce - một nhà kinh doanh ở Melbourne - nhận xét: "Nguyện vọng của bà Kim là chính đáng, bà không phạm tội nên bà không đáng bị trừng phạt như vậy".

Đồng ý về tác hại khôn lường của ma tuý đối với xã hội, song ông Truong D. Nguyen - Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Australia - Việt Nam - cho hay, ông vẫn dành một phút im lặng trong ngày 2.12, "không phải để tưởng niệm Nguyễn Tường Vân, mà là dành cho những nỗi đau mà bà Kim phải trải qua".


Tường Vân đã trải qua những thời khắc cuối cùng trong tâm trạng bình tĩnh. Anh ta ý thức được rất rõ cái giá của lỗi lầm mà mình phải trả. Ông McMahon - luật sư của Tường Vân, sau khi đến thăm anh ta chiều 1.12 - phát biểu với báo chí: "Anh ta là chàng trai dễ thương. Anh ta đã hoàn toàn phục thiện, hoàn toàn biến cải và giờ đây chỉ lưu tâm đến những điều tốt lành". Ông McMahon ngậm ngùi vì bản án tử hình vẫn được thực thi khi tội phạm đã phục thiện.

Quả thực, Vân đã dành những ngày cuối cùng để sống một cách có ý nghĩa nhất: An ủi, động viên mẹ, em trai và những người bạn thân; trả lời tất cả những bức thư mà những người quen và không quen gửi đến. Nguyện vọng cuối cùng mà Vân thổ lộ với hai cô bạn thân - những người mở chiến dịch vận động "Reach Out" đòi xoá án tử hình cho Vân - là được "nghe lại" một số bản nhạc yêu thích trong đám tang của chính mình được cử hành tại Nhà thờ St. Patrick vào thứ tư tới. Vân cũng muốn lễ tang đó phải được tiến hành bằng cả tiếng Việt.


Cuối cùng Singapore cũng cho phép bà Kim được đưa hai tay qua cửa chuyển thức ăn cho tử tù để nắm tay và ôm đầu con trai chiều 1.12. Sự biến cải và phục thiện thực sự của Vân khiến những người coi ngục ở nhà tù Changi (Singapore) cảm động. Họ đã ôm Vân vĩnh biệt sáng sớm hôm qua.

Những thành viên của Ủy ban Chống án tử hình mới được thành lập ở Singapore đã thức suốt đêm thắp nến cầu nguyện bên ngoài nhà tù Changi. Trong một động thái được coi là bất thường, nhật báo hàng đầu của Singapore - tờ Straits Times đặt vấn đề xem xét lại án tử hình trong vài tháng tới.


Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Lao Động tại Canberra sáng 1.12, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Alexander Downer nói: "Đây là câu chuyện thật buồn. Vân là người gốc Việt, nhưng là công dân Australia. Tôi cảm thấy thật buồn. Hình phạt thích hợp nhất đối với Vân là án tù chung thân. Đã có hai người Australia gốc Việt bị kết án tử hình vì buôn lậu ma tuý tại Việt Nam, song họ đã được Việt Nam ân xá".
(Melbourne, 05.12.05) Nguồn: Lao Động

Singapore tử hình Nguyễn Tường Vân: Hai luồng dư luận trái chiều ở Australia



Người Australia, trong đó có đông đảo cộng đồng người Việt, đang thực hiện những nỗ lực cuối cùng để cứu mạng sống của Nguyễn Tường Vân, 25 tuổi, sẽ bị treo cổ tại nhà tù Changi của Singapore vào sáng sớm 2.12 vì tội buôn ma tuý. Douglas Wood - người đã từng bị bắt làm con tin tại Iraq đã kêu gọi người Australia hãy đoàn kết để "giải cứu". Nguyễn Tường Vân.

Lời kêu gọi của Douglas Wood được gửi tới Chính phủ Liên bang Australia và mọi người dân nước này, yêu cầu hãy chung tay cứu Nguyễn Tường Vân. Sau khá nhiều nỗ lực đề nghị Chính phủ Singapore không hành quyết Vân, lời kêu gọi của Wood đã phần nào gây được tiếng vang.

Từng bị bắt cóc tại Iraq đầu năm ngoái, nhờ chiến dịch vận động mạnh mẽ của chính quyền và nhân dân Australia mà Wood đã được trả tự do sau 6 tuần bị giam cầm và hành hạ. Từ đó đến nay, Wood hầu như im hơi lặng tiếng, nhưng đến ngày 26.11 ông đã lên tiếng: "Tôi nghĩ rằng đây là thời điểm mà mọi người dân Australia nên liên kết lại với nhau để cứu chàng trai tội nghiệp này".


Nguyễn Tường Vân, 25 tuổi, người Australia gốc Việt, bị bắt tại Singapore từ năm 1992 vì trung chuyển 400gram ma tuý từ Campuchia về Melbourne. Mặc dù đã tỏ ra thành khẩn và hợp tác với cảnh sát, song Tường Vân vẫn bị kết án tử hình và vụ hành quyết sẽ được thực hiện vào rạng sáng thứ sáu này.

Đơn xin ân xá của Tường Vân đã bị Tổng thống Singapore bác bỏ. Thủ tướng Australia John Howard cũng đã đề nghị Singapore tha mạng cho Tường Vân, song đề nghị đó cũng không được đáp ứng. Hiện tại, mẹ và em trai sinh đôi của Tường Vân đang có mặt tại Singapore và ngày nào cũng vào thăm Vân để an ủi anh trong những ngày cuối cùng.


Cựu con tin Douglas Wood cho rằng, án tử hình đối với Tường Vân là quá nặng. "Cậu ta là một chàng trai ngốc nghếch và ngây thơ. Theo tôi, án tử hình hoàn toàn không phù hợp với lỗi lầm mà cậu ta mắc phải" - Wood nói.

Số phận của Tường Vân cũng khiến những người láng giềng New Zealand (NZ) của Australia không thể thờ ơ. Ngày 26.11, bà Helen Clark - Thủ tướng NZ - đã gửi lời phản đối chính thức đến người đồng nhiệm Singapore trong khi tham dự Hội nghị cấp cao Khối thịnh vượng chung ở Malta. Lãnh tụ Công đảng Australia Kim Beazley kêu gọi Thủ tướng John Howard hãy hành động giống như bà Clark, nhưng ông Howard cho rằng hội nghị này không phải là nơi phù hợp để nêu lên vấn đề về Tường Vân.


Án tử hình đối với Tường Vân gây ra hai luồng dư luận trái chiều trong cộng đồng người Việt ở Australia. Một số người cho rằng, việc treo cổ Tường Vân là dã man và đang cố gắng vận động nước rút. Bronwyn Lew và Kelly Ng. - hai cô bạn thân của Tường Vân - đã đứng ra tổ chức chiến dịch vận động mang tên "Reach Out" với mục tiêu cứu mạng sống của Tường Vân.

Hàng nghìn người đã nghe theo lời kêu gọi của Reach Out và gửi thư đề nghị không tử hình Tường Vân.
Tuy nhiên, nỗ lực của họ vẫn chưa mang lại kết quả. Đêm 26.11, hai cô gái cùng Julian McMahon - một trong những luật sư của Tường Vân - đã đi Singapore để chia tay lần cuối người bạn của mình.

Người ta dễ dàng nhận thấy chiến dịch vận động của họ chưa chấm dứt, vì họ đeo chiếc nơ màu vàng - biểu tượng của nhà tù Singapore đối với chương trình dành cho những người thoát án tử hình. "Ai cũng có những sai lầm, nên chiếc nơ này là sự nhấn mạnh đến chương trình phục hồi với khởi đầu mới" - Lew nói với các nhà báo trước khi lên máy bay.


Tuy nhiên, có những người Australia gốc Việt không phản đối quyết định cứng rắn của Singapore. "Tôi cho rằng án tử hình đối với Tường Vân là hồi chuông cảnh tỉnh đối với những thanh niên vẫn đang còn u mê và chưa có được sự lựa chọn đúng đắn trong cuộc đời", David Trần - một bác sĩ trẻ ở Sydney - khẳng định.


Báo chí Australia trong dịp này viết rất nhiều về vụ hành quyết Tường Vân. Sinh ra tại Việt Nam, Tường Vân theo gia đình sang Australia định cư ở Melbourne. Giải thích về lý do tham gia vào đường dây buôn lậu ma tuý, Tường Vân cho hay động cơ của anh ta là kiếm tiền trả nợ cho người em trai sinh đôi.

Nhiều người Việt ở Australia cho rằng các thanh niên luôn là đối tượng để các ông trùm buôn lậu ma tuý dụ dỗ vào con đường cờ bạc, bị mắc nợ, rồi cuối cùng buộc phải tham gia buôn lậu ma tuý để trả nợ. "Đó không hề là con đường kiếm tiền dễ dàng. Các ông trùm buôn lậu ma tuý sẵn sàng thí mạng một, hai người mang ma tuý cho cảnh sát, để 5-7 người khác đi thoát", David Trần nói.


Có lẽ, khó có phép màu nào để cứu sống Tường Vân vào lúc này. Nhưng ít ra, cái chết của anh ta cũng làm thay đổi cuộc sống của Khoa - người em trai. Khoa đã quay trở lại học hành và quyết tâm đoạn tuyệt với quá khứ. Sáng thứ sáu này, nhà thờ nơi hai anh em vẫn làm lễ ở Melbourne sẽ gióng lên 25 hồi chuông - tượng trưng cho 25 năm trong cuộc đời của Tường Vân, để tưởng niệm anh ta cũng đồng thời nhắc nhở những người khác.


(Sydney 27.11.05)


Nguồn: Lao Động


Phụ nữ Iran đưa điện ảnh ra thế giới



Vai trò quan trọng của phụ nữ trong nền điện ảnh Iran hồi sinh đã làm ngạc nhiên những người vốn luôn tâm niệm rằng những quy định khắt khe của đạo Hồi ở nước này đã đè bẹp mọi biểu hiện bản ngã của phụ nữ.

Trong khi làm phim vẫn còn là một quá trình nhạy cảm và rất chính trị, thì các nhà làm phim nữ đã tạo ra được một loại bộ phim vô cùng ấn tượng và đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế quan trọng.

Sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, hàng trăm rạp chiếu bóng đã bị đốt cháy do bị coi là công cụ tuyên truyền cho phương Tây. Trong những năm tháng sau đó, rất nhiều tác phẩm điện ảnh của Iran và nước ngoài đã bị cấm, một số khác bị lưỡi kéo kiểm duyệt cắt một cách tàn nhẫn.

Mặc dù vẫn phản đối nhiều hoạt động giải trí hiện đại cho thanh niên, chính phủ đương thời ở Iran lại coi điện ảnh là bộ môn nghệ thuật chủ yếu thu hút thanh niên và mang đến cho điện ảnh vai trò trung tâm trong đời sống văn hoá nước này. Giới làm phim ở đây cũng đã quá quen với chuyện một quan chức của chính phủ đi theo đoàn làm phim từ đầu đến cuối để bắt các diễn viên phải tuân thủ các quy định của đạo Hồi (ngay cả trong những cảnh không đưa lên phim). Đôi khi họ còn tham gia chọn cảnh và chọn góc máy quay.

Năm 1996, Bộ Văn hoá Iran đã ban hành một bản hướng dẫn chi tiết về việc phụ nữ và tình yêu được thể hiện ra sao trên màn ảnh. Chẳng hạn như không được chiếu bất cứ bộ phận nào của cơ thể phụ nữ ngoại trừ mặt và tay, không được có cảnh phụ nữ mặc quần áo bó hay quan hệ thể xác nam nữ. Âm nhạc cũng không được vui vẻ, nhạc phương Tây thì lại càng bị cấm.

Từ năm 1997, Iran đã nới lỏng nhiều điều kiện khắt khe trong khâu duyệt kịch bản. Phong trào cải cách lớn mạnh trong những năm gần đây đã khiến các nhà làm phim thấy rằng với những khuôn khổ hiện nay, họ không thể mô tả được hết bầu không khí sôi động về chính trị và văn hoá đang diễn ra trên khắp đất nước. Tuy nhiên, người ta cũng không phủ nhận rằng chính những nguyên tắc khắt khe trên đã tạo cho điện ảnh Iran phong cách ẩn dụ có một không hai trên thế giới, lập ra một trường phái điện ảnh được cả thế giới công nhận.

Phụ nữ đã đi đầu trong làn sóng điện ảnh mới ở Iran. Tiêu biểu nhất là Samira Makhmalbaf, người đạo diễn bộ phim đầu tiên (Quả táo) khi mới 17 tuổi. Là con gái của một nhà làm phim hàng đầu Iran - đạo diễn Mohsen Makhmalbaf, Samira đã nối nghiệp cha một cách xuất sắc. Tại LHP Cannes (Pháp) năm ngoái, cô đã giành giải thưởng của Ban Giám khảo cho bộ phim "Những tấm bảng đen" (Blackboards) kể về hai giáo viên lưu động, cõng bảng trên lưng đến dạy học cho trẻ em người Kurd ở vùng núi cao hẻo lánh. Mẹ của cô, bà Marzieh Mashkini, cũng giành được giải tại LHP Toronto (Canada) với tác phẩm "Ngày tôi trở thành đàn bà" (The Day I Became A Woman).

Bà Rakhshan Bani Etemad (ảnh) - nhân vật được coi là đại mệnh phụ của điện ảnh Iran là người nổi tiếng với những bộ phim tài liệu và phim tuyên truyền về đói nghèo, tội ác và nạn đa thê. Các tác phẩm như "Nargess" hay "Người đàn bà tháng năm" (Lady in May) đã giúp thế giới hiểu nhiều hơn về Iran.



Bộ phim "Quỹ đạo" (Circle) của Jafar Pahani là tác phẩm gây chấn động về những tù nhân nữ. Có thể nói đây là bộ phim dũng cảm nhất của điện ảnh Iran kể từ sau cách mạng, báo hiệu sự chuyển đổi từ phong cách tượng trưng và ẩn dụ giàu chất thơ sang một phong cách kể truyện trực tiếp hơn. Bộ phim đã giành giải Sư tử Vàng tại LHP Venice (Italia) năm 2000.

Các nhà làm phim nữ của Iran đã lập được kỳ tích và chính họ đã đưa điện ảnh Iran ra với thế giới thông qua sự mô tả về thái độ và mối quan hệ qua lại của người phụ nữ với đất nước và với cuộc Cách mạng Hồi giáo.

Nguồn: http://www.laodong.com.vn/pls/bld/display$.htnoidung(40,4821)

27/5/06

"Đứa trẻ" ngỗ ngược của điện ảnh Trung Đông



Mặc dù đã bước sang tuổi 75 và đang ốm khá nặng, nhưng đạo diễn hàng đầu của Ai Cập Yussef Shahin vẫn bắt tay vào làm bộ phim mới có tựa đề mang đậm dấu ấn của hoạt động điện ảnh: "ánh sáng, Máy quay, Diễn" (Lights, Camera, Action). Không những thế, ông còn tích cực đấu tranh cho hoà bình ở Trung Đông và quyền lợi của người nông dân Ai Cập.

Bộ phim mới của Shahin kể lại "mối quan hệ tình ái nguy hiểm" giữa một nữ ca sĩ với một người đàn ông mới phất. Đóng vai chính là Latifa, nữ ca sĩ nổi tiếng của Tunisia, "người có giọng hát phi thường khiến người ta như được phát hiện lại" -nói theo lời của Shahin.

Bộ phim do chính Shahin viết kịch bản, cho thấy người nghệ sĩ dễ bị mang tiếng như thế nào trước những đòi hỏi khắc nghiệt của nghề nghiệp. "Tôi sẽ mô tả một người cống hiến cho nghệ thuật, thì cam kết đối với anh ta trở nên tuyệt đối, không có cách nào để thoát khỏi đó" - Shahin nói.


Shahin sinh năm 1926 trong một gia đình Thiên chúa giáo được hấp thụ nền học vấn của Pháp. Năm 14 tuổi, ông lên đường sang Mỹ ôm mộng có thể nhảy múa được như Gene Kelly, nhưng sau đó lại theo học điện ảnh và sân khấu tại Nhà hát Pasadena Playhouse ở California.

Tốt nghiệp trở về nước năm 1948, Shahin học làm phim tài liệu với Gianni Vernuccio - đạo diễn nổi tiếng người Italia. Năm 21 tuổi, Shahin làm bộ phim truyện đầu tay, nhưng phải đợi đến năm 1958 tên tuổi ông mới được biết đến trên toàn thế giới với bộ phim gây tranh cãi "Nhà ga Cairo" (The Cairo Station).
Shahin giành được giải thưởng điện ảnh quan trọng đầu tiên vào năm 1978.

Bộ phim "Tại sao Alexandria?" (Alexandria Why?) - phần một trong bộ ba có tính chất tự truyện đã gây sốc dư luận trước những vấn đề cá nhân cho mãi đến khi nó giành được giải "Gấu Bạc" của Ban Giám khảo LHP Berlin (Đức). Hai phim tiếp theo trong bộ ba này là "Ký ức" (Memory) năm 1982 và "Alexandria một lần nữa và mãi mãi" (Alexandria Again and Forever) - ảnh.

Báo chí đánh giá bộ phim này là "cách sắp xếp đầy cảm hứng những tưởng tượng sâu thẳm trong tâm khảm và sự tưởng thưởng nồng nàn của ông đối với các nghệ sĩ và điện ảnh". Năm 1997, ông giành giải Đặc biệt tại LHP Venice (Italia) cho bộ phim "Số phận" (Fate).


Với hơn 30 bộ phim và vô số giải thưởng, Shahin vẫn tiếp tục gây tranh cãi cho đến tận ngày hôm nay. Ông được mệnh danh là "đứa trẻ ngỗ ngược của điện ảnh Trung Đông". Kiệt tác "Người nhập cư" (The Immigrant) của ông với tên các nhân vật lấy từ Kinh thánh đã bị cấm chiếu tại Ai Cập năm 1995. Nhưng Shahin không chịu thua, ông viết lại kịch bản, sửa lại tên các nhân vật và được hội đồng duyệt phim thông qua năm 1997. 750 nghìn người Ai Cập đã xem bộ phim này.


Mặc dù trông có vẻ mệt mỏi, song đôi mắt của Shahin vẫn ánh lên niềm đam mê cháy bỏng khi nói về bộ phim mới - sản phẩm hợp tác giữa Pháp và Ai Cập. Thời gian gần đây, ông thường xuyên phải nhập viện vì các căn bệnh như cao huyết áp và phù phổi. Con người hầu như không bao giờ rời điếu thuốc lá khỏi miệng này mới đây đã quyết tâm bỏ thuốc.

Shahin còn là người chiến sĩ tích cực đấu tranh chống áp bức và bất công. Tháng 10 năm ngoái ông đã xuống đường ủng hộ người Palestine. Còn giờ đây ông đang bảo vệ những người nông dân chống lại kế hoạch của chính phủ đưa người dân ở đảo Dahab đến Cairo để nhường đất thực thi dự án phát triển không rõ ràng.

"Tôi sẽ làm một bộ phim tài liệu để lên án những con người cũng như lên án cái hệ thống đuổi người ta ra khỏi ngôi nhà của mình" - Shahin nói. Cầu mong cho ông có được sức khoẻ để tiếp tục theo đuổi những mục tiêu cao cả của mình.


Nguồn:
http://www.laodong.com.vn/pls/bld/display$.htnoidung(40,7217)

Jose Cura - giọng hát đẹp nhất thế giới



Jose Cura - 39 tuổi, người Argentina - nổi lên như một trong những ngôi sao opera hàng đầu thế giới. Anh không chỉ là nhân vật rất thời thượng nhờ vẻ đẹp hoang dại của đàn ông Nam Mỹ, mà còn là chủ sở hữu của thứ nhạc cụ đắt giá - một trong những giọng hát đẹp nhất thế giới. Anh là vận động viên thể hình kiêm võ sĩ kung-fu huyền đai. Bên cạnh đó, anh có đủ thông minh, sức cuốn hút và tự tin để tạo cho mình một hình ảnh đẹp trong công chúng.

Nói Cura là giọng nam cao (tenor) thứ tư của thế giới (sau Pavarotti, Domingo và Carreras) thì chưa đủ. Anh là một nghệ sĩ với lối diễn xuất hấp dẫn khiến khán giả khó mà quên được. "Tôi là một diễn viên biết hát, chứ không phải là một ca sĩ giả vờ nhập vai" - Cura nhiều lần khẳng định. "Nếu được phép lựa chọn, tôi sẽ chọn những vai có đất diễn xuất".
Sinh năm 1962 trong một gia đình có truyền thống âm nhạc ở Santa Fe (Argentina), nhạc cụ đầu tiên mà Cura cầm đến là cây đàn guitar. Năm 15 tuổi, anh thử chỉ huy dàn hợp xướng và một năm sau anh học chơi đàn piano. Năm 20 tuổi, khi thi đỗ vào Trường Nghệ thuật thuộc Đại học Quốc gia Rosario, anh buộc phải học kỹ thuật thanh nhạc. Năm 1988, giảng viên thanh nhạc Horacio Amauri phát hiện ra giọng cao hiếm có của Cura và thuyết phục anh theo đuổi sự nghiệp ca hát. Mãi đến năm 1991, Cura mới có đủ dũng cảm để bước lên sân khấu trong một buổi hoà nhạc ngoài trời tại Genoa (Italia).

Năm 1992, Cura thử sức mình trong vở opera đầu tiên với vai người cha trong vở Pollicino của Hans Werner Hanze. Hai năm sau, anh đoạt giải thưởng tại Cuộc thi quốc tế Operalia. Thành công này đã khiến anh giành được hợp đồng biểu diễn tại Mỹ. Năm 1995, Cura chinh phục London. Sự có mặt của anh tại London được giới phê bình đánh giá là đánh bóng được uy tín cho trung tâm nhạc kịch hàng đầu thế giới này. Từ tuần tới, anh sẽ đóng Othello trong vở diễn cùng tên của Nhà hát Opera Hoàng gia Anh ở London.

Cura thực sự muốn đưa sức sống mới lên sân khấu opera. Lâu nay sân chơi sang trọng này chỉ toàn những ca sĩ đến để khoe giọng mà không biết diễn. Những vai diễn trẻ lại toàn do những nghệ sĩ trung niên, béo tốt đảm nhận. Cura muốn khán giả cảm nhận vở diễn bằng cả diễn xuất của diễn viên chứ không chỉ bằng những câu hát không có tình cảm. Theo Cura thì kung-fu thực sự giúp ích cho anh trong nghiệp diễn. Võ nghệ đã rèn cho anh tính kỷ luật mà không phải ngôi sao nào cũng có, giúp anh kiểm soát được trọng lượng. "Cơ thể diễn viên opera phải được hạn chế giống như diễn viên điện ảnh. Othello không thể mang một chiếc bụng lớn được" - Cura nói.

Người ta còn nhớ một lần diễn vở "Fedora ở Vienna", khi Fedora đang hát khúc aria thì Cura (đóng vai Loris) lượm tờ báo trên bàn và gấp nó thành cái máy bay giấy. Fedora hát xong, thì Loris phi chiếc máy bay qua sân khấu khiến nó đâm trúng ngực Fedora. Vở diễn lúc đó không ở trong thời điểm cao trào bi lụy, nên khi chiếc máy bay lượn một vòng và rơi xuống đất, tất cả khán phòng đều cười. Cura thích quậy như vậy.



Xin nói thêm về vai diễn Othello. Trước London, Cura đã diễn vai này tại Paris với phong cách mà anh tạm gọi là "sự tiến hoá tình cảm" (emotional evolution), có nghĩa cường độ của tiếng hát rất mạnh hoà với sự biểu đạt tình cảm tương ứng. Báo chí Paris đã bình luận thế này: "Thật thất vọng khi phải xem một người không phải là Othello được chèo kéo làm Othello". Cura quan niệm rằng ngoài sân khấu không thể hát giống như trong phòng thu. Anh cần phải làm cho khán giả tin rằng trước mặt họ là Othello thực thụ, chứ không phải là người hát vai ấy. "Tôi là đại diện cho thế hệ tenor mới. Tôi cần thu hút thế hệ khán giả trẻ đến với opera" - Cura khẳng định.

Nguồn: http://www.laodong.com.vn/pls/bld/display$.htnoidung(40,2708)

"Tài xế của Vera" - phim hay của điện ảnh Nga



"Lâu lắm mới được xem một bộ phim Nga hay" - đó là nhận xét chung của những người được xem "Tài xế của Vera" phát sóng trên kênh truyền hình cáp VCTV dịp cuối tuần qua. Phim được làm theo kiểu Hollywood với cốt chuyện ly kỳ hấp dẫn, diễn viên đẹp, cảnh quay hoành tráng. Nhưng vượt lên trên là tinh thần Nga đầy lãng mạn và nhân bản cao cả.

Chuyện xảy ra ở bán đảo Crưm của Liên Xô năm 1962. Đô đốc hải quân Serov (Bogdan Stupka đóng) phải đối phó với hai chuyện rắc rối cùng một lúc: Một con tàu chiến chở hạt nhân bị chìm và lãnh đạo Liên Xô yêu cầu phải xác định rõ người chịu trách nhiệm; cô con gái rượu Vera (Alenka Babenko đóng) của ông có bầu với một sĩ quan Cuba bối rối không biết phải giải quyết thế nào.

Đúng lúc ấy thì xuất hiện trung sĩ Victor (Igor Petrenko đóng), được cử đến làm lái xe cho ông. Nếu như tình yêu bất ngờ giữa Victor - chàng trai có tuổi thơ cay đắng trong trại trẻ mồ côi với Vera - cô gái được nuông chiều có tính khí thất thường trở thành giải pháp mà ông Serov buộc phải chấp nhận, thì con đường công danh của ông lại không suôn sẻ như vậy. Ai đó muốn hất ông ra khỏi vị trí để thay thế. Người đó nhận được sự hậu thuẫn từ Savelyev (Andrei Panin đóng) - viên sĩ quan tuỳ tùng tráo trở của chính Tướng Serov.

Bộ phim mô tả khá sinh động xã hội Liên Xô trong những năm đầu tiên sau thời kỳ trì trệ dưới thời Stalin. Vera là ẩn dụ của giai đoạn ấy: Gương mặt của cô tuyệt đẹp, nhưng đôi chân của cô lại tật nguyền. Tâm hồn cô nhạy cảm, nhưng cô lại tựu trung đủ những tính xấu. Còn Victor, từ vị trí lái xe của đô đốc, anh trở thành người bất đắc dĩ phải giúp đỡ Vera trong cuộc truy tìm người tình, đi phá thai hay vào trại điều dưỡng thăm bà cô nghiện rượu. Anh phát hiện ra những nét đẹp trong Vera và cự tuyệt tình yêu của Lida, cô gái phục vụ trong dinh thự của đô đốc. Tình yêu của Victor khiến Vera hồi sinh. Nhưng Victor - hiện thân của tâm hồn Nga giản dị, khoẻ khoắn, trong sạch - không lường trước được những mưu toan mờ ám và luôn bị động trước hoàn cảnh. Con người hồn hậu nơi anh chỉ biết bao dung, chở che mà không biết ngăn chặn thảm kịch.

Cả Đô đốc Serov lẫn Vera đều chết dưới bàn tay tàn nhẫn của viên sĩ quan tuỳ tùng. Chỉ Victor thoát khỏi thảm kịch đó. Anh ôm đứa con gái không phải con của anh nhưng giờ đây đã là con của anh chạy trốn trong màn đêm rợn người trên bờ Biển Đen. Và sinh linh bé bỏng ấy đã lay động tâm can kẻ giết người. Viên sĩ quan tuỳ tùng hạ súng trước cảnh tượng Victor ôm đứa bé sẵn sàng đón nhận cái chết.

Nhưng bộ phim không chịu kết ở đó. Bình minh lên thổi những luồng gió phần phật vào mỏm đất nhô ra biển. Victor tìm đến nhà Lida, cô bị mất việc vì dám tỏ thái độ trước mối tình của anh lái xe với ái nữ đô đốc. Anh trao đứa con gái bé bỏng cho Lida với ánh mắt như nhắn nhủ anh sẽ trở về. Victor ra đi trong những cơn gió lồng lộn, bỏ lại người con gái nước mắt lưng tròng đằng sau. Đến đây thì toàn bộ cuốn phim Hollywood trong bối cảnh Liên Xô trở thành bi kịch Nga điển hình: Người phụ nữ Nga chịu nhiều thua thiệt trở thành niềm hy vọng cuối cùng.



"Tài xế của Vera" là thành công tiếp theo của Pavel Chukhrai, đạo diễn nổi tiếng từng được đề cử giải Oscar với bộ phim "Kẻ cắp" (Vor) năm 1998. Phim cuốn hút không chỉ bởi nội dung hấp dẫn, diễn xuất tinh tế, mà còn bởi âm nhạc tuyệt vời và những cảnh quay cực kỳ ấn tượng. Thiên nhiên đẹp dữ dội của vùng Crưm ăn nhập hữu cơ với nội dung bộ phim

"Tài xế của Vera" đã đoạt giải thưởng chính "Bông hồng Vàng" và các giải đạo diễn, kịch bản và sản xuất tại LHP Kinotavr - Sochi (Nga) năm 2004. Với bộ phim này, Pavel Chukhrai nổi lên như một đại diện xứng đáng của điện ảnh Nga thế hệ mới. Điều này cũng không có gì lạ, bởi ông là con trai của đạo diễn nổi tiếng Grigory Chukhrai - tác giả "Bản tình ca người lính" bất hủ.

Nguồn: http://www.laodong.com.vn/pls/bld/display$.htnoidung(40,127369)

Igor Stravinsky - nhà soạn nhạc bị quên lãng



6.4 là ngày kỷ niệm 30 năm ngày mất của Igor Stravinsky - một trong những nhà soạn nhạc lớn nhất thế kỷ 20. Thế nhưng, thế giới hình như đã quên ông.

Paris, thành phố đã chứng kiến những thành công vang dội của Stravinsky, đã không hề tổ chức bất cứ buổi hoà nhạc nào, dàn dựng lại bất cứ vở ballet hay opera nào của ông trong tuần lễ kỷ niệm 30 năm ngày mất của thiên tài âm nhạc này (1883 - 1971). Ngay Mátxcơva và St. Petersburg, những nơi vẫn tôn trọng tài năng của ông, cũng không để ý đến sự kiện này. Thật khó hiểu tại sao con người đã từng thống trị âm nhạc cổ điển trong thế kỷ 20 lại bị quên lãng nhanh đến như vậy.

Stravinsky là một trong những tên tuổi lớn, sánh ngang với những vĩ nhân cùng thời như Picasso, Diaghilev, Nijinsky, Cocteau. Với tư cách là nhà soạn nhạc, nhạc trưởng và người độc tấu piano, ông là sức mạnh đưa đường dẫn lối cho âm nhạc thế kỷ 20 hơn bất cứ một nhà soạn nhạc nào khác.

Bị cha mẹ ép buộc phải học luật tại St.Petersburg, nhưng đến năm 20 tuổi Stravinsky quyết tâm học nhạc dưới sự dẫn dắt của nhạc sĩ thiên tài Nga Rimsky-Korsakov. Tài năng của ông được phát hiện năm 1909, khi Serge Diaghilev nghe nhạc của vở ballet Chim lửa do Stravinsky viết dựa theo truyện cổ tích Nga. Diaghilev đã ngay lập tức chọn tác phẩm này để trình diễn trong mùa opera và ballet Nga tại Paris. Một năm sau, Chim lửa đã được trình diễn tại Paris và được hoan nghênh nhiệt liệt. Dưới ảnh hưởng của Diaghilev, Stravinsky tiếp tục làm cho Paris phải thần phục bằng vở ballet Petrushka. Năm 1913, ông đã tạo ra vụ bê bối sân khấu lớn nhất mọi thời đại khi cho công diễn bản vở ballet Nghi lễ mùa xuân (Rite of Spring). Công chúng đã gần như nổi loạn, khi thấy Stravinsky chế nhạo truyền thống và phớt lờ mọi quy tắc về hoà âm, nhịp điệu và hình thức.

Bệnh tật đã khiến ông phải sống cuộc sống lưu vong. Năm 1917, trong khi ông đang chữa bệnh tại Thuỵ Sĩ, thì Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ. Không tìm được đường về nước Nga, ông chính thức cư trú ở Pháp từ năm 1920. Tại đây, dưới ảnh hưởng của Diaghilev, ông bắt đầu một sự nghiệp sáng chói, mở đầu bằng vở ballet Pulcinella. Suốt thập kỷ 1920 và 1930, ông là người đi đầu trong trường phái tân cổ điển, tuy các tác phẩm của ông không phải lúc nào cũng được công chúng chấp nhận.

Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ ở Châu Âu năm 1939, khiến Stravinsky lên tàu sang nước Mỹ. Lúc đầu ông giảng dạy tại Harvard và sau đó chuyển hẳn đến sinh sống tại kinh đô điện ảnh Hollywood. Năm 1962, khi đã bước sang tuổi 80, ông đột ngột đi lưu diễn liên tục và đã thành công rực rỡ khi trở lại Liên Xô biểu diễn ở Mátxcơva và Leningrad theo lời mời của nhà lãnh đạo Xôviết Nikita Khrushchev. Năm 1970, ông chuyển từ Hollywood lên New York và mất ở đó hai năm sau. Theo ý nguyện của Stravinsky, thi thể ông đã được chôn cất tại Venice (Italia) bên cạnh mộ của Diaghilev.

Một nhà phân tích âm nhạc đã viết rằng Stravinsky đã vượt xa hàng thế kỷ so với chính mình. Ông để lại dấu ấn trong mọi thể loại âm nhạc, từ giao hưởng cho đến jazz. Ông là nhà soạn nhạc mà âm nhạc phương Tây chịu ảnh hưởng mạnh nhất kể từ sau thời kỳ Phục hưng. Bằng việc đưa dân ca Nga và nhạc nhà thờ vào các tác phẩm của mình, ông đã tạo được một hình thức hoà âm mới, nghe thì rất hoàn hảo, nhưng không dễ gì phân tích được. Phải chăng chính sự phá phách trong điệu thức và đi ngược lại những khuôn khổ chính thống đã khiến cho âm nhạc của Stravinsky bị lãng quên?

THƯ PHÁP CÁ



THƯ PHÁP CÁ
Một bầy cá nhỏ

Rừng rực thu phong
Bể trong màu ngọc
Biến hoá khôn cùng

Đang đậu chữ thực

Thoắt thành chữ hư
Chưa yên chữ chủ
Đã thành chữ nô


Tụ-tan-ly-hợp

Như phép như bùa
Sa gieo lụa cuốn
Bầy đàn thánh thư

Ngoài kia đã thu
Sen hồ bóng nước

Buồn cung nữ xưa
Trầm ngâm dấu mực

So chi làm bút

Hơn chi làm gươm
Thư pháp của cá
Đường giấu trong đường

Người xa nghìn trùng

Suốt đời nín lặng
Tôi gửi câu thơ
Chân trời hạc trắng


Thực hay là mộng

Múa hay là bay
Vũ nữ, kiếm khách
Cá kia là ai?

Ta như sông dài

Trăm năm phiêu diêu
Về chơi bể nhỏ

Tịnh tâm miền chiều.


2003
THƠ NGÔ MAI PHONG

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết