29/11/11

MỘT HÀNH ĐỘNG, HAI THÁI ĐỘ



Nguyên Hải

Ông Gary Locke, tân Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, đã tạo ra cơn sốt trong dư luận đất nước có 1,3 tỷ dân này ngay từ hôm ông tới sân bay Bắc Kinh về cách hành xử của ông. Họ ngạc nhiên rồi chân thành ca ngợi ông hết lời, và nhân dịp này họ so sánh ông với các quan chức nước mình khiến ông ngạc nhiên và giới quan chức Trung Quốc khó chịu.

Vì sao có chuyện như vậy?

Hôm 13/8, Gary Locke, một người gốc Hoa 100% đem theo vợ con đến Bắc Kinh nhậm chức. Trang mạng Chính Nghĩa hôm ấy đưa tin: Khi ông ra khỏi sân bay, người ta thấy vợ chồng ông cùng 3 người con, trừ cô út 6 tuổi ra, tất cả đều khệ nệ tay xách nách mang hành lý, chẳng thấy nhân viên nào xách giúp. Tới bãi đỗ xe, ông dẫn cả nhà lên chiếc xe 7 chỗ, chứ không lên chiếc xe con có cắm cờ Mỹ dành riêng cho Đại sứ.

Dăm ngày sau, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức đến thăm Trung Quốc. Trưa hôm 18/8, sau khi hội đàm với lãnh đạo Trung Quốc xong, ông Biden cùng cô cháu gái được Đại sứ Gary Locke dẫn đến ăn trưa tại một cửa hàng ngoài phố. Ông Biden từ chối lời mời vào phòng ăn riêng mà ngồi lẫn với các thực khách Trung Quốc tại phòng lớn. 5 vị khách Mỹ gọi 5 bát mỳ (45 Nhân dân tệ, 1 NDT đổi hơn 0,15 USD hoặc hơn 3.000 VNĐ), 10 bánh bao (10 NDT), một đĩa dưa chuột (6 NDT), 1 đĩa sơn dược trộn đường (8 NDT), 1 đĩa khoai tây chiên (6 NDT) và 2 chai Coca-cola (4 NDT), tất cả hết 79 NDT.

Họ vừa ăn vừa thoải mái trò chuyện với các thực khách người Trung Quốc ngồi gần. Ăn xong, ông Biden rút ví lấy tờ 100 NDT (300.000 VNĐ) trả ông chủ, và không lấy tiền thừa, coi đó là tiền thưởng theo thói quen của người Mỹ. Ông còn xin lỗi các thực khách Trung Quốc và xin lỗi chủ cửa hàng là đã làm phiền họ (vì khiến nhiều người qua đường tò mò xúm vào xem).

Một số người Trung Quốc đã lấy điện thoại di động ra chụp ảnh cảnh bữa ăn và tung ảnh kèm thực đơn lên mạng. Lập tức hàng chục nghìn người truy cập tin này và tiếp tay truyền đi. Người ta đua nhau bình luận và không quên liên hệ với thói quan dạng, kênh kiệu, xa hoa lãng phí của các quan chức nước mình.

Phản ứng của giới chức Trung Quốc

Sự việc ngày càng có nhiều người Trung Quốc tham gia dàn hợp xướng ca ngợi tác phong “giản dị, liêm khiết, gần dân” của vị Đại sứ Mỹ, đồng thời chê trách giới quan chức bản xứ đã làm cho không ít vị khó chịu tới giận dữ. Và khi không chịu được nữa, giới quan chức đã lên tiếng trên hai tờ báo lớn.

Ba ngày sau khi Gary Locke đến Bắc Kinh, bản điện tử Quang Minh Nhật Báo (báo lớn thứ hai ở nước này) hôm 16/8 đăng bài Cảnh giác với chủ nghĩa thực dân mới do Gary Locke đem lại. Bài báo gọi tác phong thanh liêm của Locke là “chủ nghĩa thực dân mới kiểu Mỹ”, và tỏ ý e ngại quan chức Mỹ sẽ “cướp mất” lòng dân Trung Quốc, lên án Mỹ có dụng ý bỉ ổi “lấy người Hoa trị người Hoa”, kích động sự rối loạn chính trị ở Trung Quốc. Nhưng cuối cùng bài báo lại than thở: “Nếu Đảng CSTQ không thể chủ động tự giác diệt trừ vi-rút quan liêu để giữ cho mình khỏe mạnh, thế thì chẳng khác gì để Gary Locke cướp mất lòng dân ta!”

Thời báo Hoàn Cầu (phụ trương của Nhân dân Nhật báo) ngày 22/9 đăng xã luận dưới tít Mong Gary Locke làm tốt (nhiệm vụ) Đại sứ ở Trung Quốc, cảnh cáo không chút khách sáo: “Sự quan tâm mà Gary Locke nhận được (từ dư luận Trung Quốc) đã vượt xa vai trò một Đại sứ nên có”, chỉ trích ông dùng cách trình diễn bộ mặt liêm khiết để can thiệp dư luận Trung Quốc, làm tăng sự hiểu lầm và nghi ngờ giữa hai nước.

Tác giả nhắc nhở: cái giá bảo đảm an ninh cho Phó Tổng thống Mỹ Biden ăn bữa mỳ ở một quán ăn đầu đường xó chợ Bắc Kinh còn cao hơn nhiều lần khi ông chén các món sơn hào hải vị trong nhà khách chính phủ. Bài báo còn răn dạy các cơ quan truyền thông Trung Quốc “nên có thái độ tự trọng” khi đưa tin về sự liêm khiết của Gary Locke.

Dư luận xã hội

Có điều không ngờ là hai bài báo trên đã gây phản tác dụng tai hại. Dư luận nước này nhao nhao hỏi: Vì sao tác phong của quan chức Mỹ lại “chạm thần kinh” quan chức Trung Quốc?

Một nhà báo viết: Phó Tổng thống cùng Đại sứ người ta cả đoàn 5 người ăn bữa trưa hết có 79 NDT, trong lúc mấy vị “đày tớ dân” cỡ tép riu của Hội Hồng Thập Tự chúng ta nhậu một bữa trưa hết hơn chục nghìn NDT thì được coi là chuyện bình thường. Thử hỏi ai sai ai đúng mà Thời báo Hoàn Cầu đổi trắng thay đen viết bài như vậy? Khó lắm mới có một vị Đại sứ huyết thống Trung Quốc đến nước ta, lại có tác phong liêm khiết như thế, điều đó đáng quý lắm chứ, cớ sao chúng tôi không xúc động?

Một luật sư Bắc Kinh nói bài xã luận ấy phản ánh lối tư duy của quan trường Trung Quốc. Tác phong bình dân của Gary Locke vốn dĩ là chuyện cực kỳ bình thường ở nước Mỹ, nhưng ở Trung Quốc lại trở thành lạc loài (ling lei). “Quan chức chính phủ Mỹ hoặc Trung Quốc đều sống bằng tiền đóng thuế của dân, lẽ ra phải gần dân, phải bình dân hóa chứ” – ông này nói. Trong cuộc họp báo hôm 13/9 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (họp ở Đại Liên, Trung Quốc), Gary Locke cũng nói đi máy bay hạng ghế phổ thông là quy chế chung từ năm 2010 của quan chức Mỹ, kể cả thành viên chính phủ.

Trước sức ép dư luận, bài viết trên mạng Quang Minh Nhật Báo đăng được vài hôm đã phải gỡ xuống.

Nhân dịp này truyền thông Trung Quốc moi móc ra lắm chuyện kỳ quặc về tác phong của quan chức nước này.

Tạp chí Tân Thế kỷ đưa tin một huyện nghèo ở tỉnh Hồ Bắc bỏ ra 800.000 NDT (120.000 USD hoặc 2,4 tỷ VNĐ) để thết đãi mấy quan chức cấp tỉnh về huyện làm việc 20 ngày. Một người kể: một quan chức cấp Sở tỉnh Tứ Xuyên đến thăm nơi xảy động đất ở huyện Vấn Xuyên, trước khi đến cảnh sát phải dọn sạch hiện trường!

Mạng Đông Phương cho biết mới đây Cục Kiểm toán thành phố Hải Môn cử 24 cán bộ tiếp 15 quan chức Tứ Xuyên đến công tác 2 ngày 2 đêm, thời gian làm việc hết có 4 tiếng đồng hồ, còn lại là ăn nhậu, chơi bời, quà cáp, tốn hơn 100.000 NDT (300 triệu VNĐ).

Báo chí nước ngoài cũng lấy làm lạ trước phản ứng của dân Trung Quốc đối với tác phong sinh hoạt của Gary Locke. Báo The Christian Science Monitor đăng bài dưới tít Vì sao người Trung Quốc say mê Đại sứ Mỹ Gary Locke như vậy? (Why China seems so fascinated by US Ambassador Gary Locke?) Bài báo cho biết Tuần báo Kinh tế Trung Quốc đưa tin ông Gary Locke cùng gia đình xếp hàng như mọi người khác, chờ hơn 1 giờ để lên xe cáp treo thăm Vạn Lý Trường Thành mà không đòi hỏi ưu đãi nào.

Và nhà bình luận của báo này nói công chúng Trung Quốc say sưa bàn chuyện ấy chủ yếu vì vị Đại sứ này tuy có khuôn mặt người Trung Quốc nhưng cách hành xử lại rất “không Trung Quốc”. Bài báo viết: Tại Trung Quốc, nơi dân chúng bức xúc vì “quan chức tham nhũng thành bệnh kinh niên”, hành vi khiêm nhường giống hệt một người bình thường của Gary Locke như làn gió mát giúp ông khi vừa tới Bắc Kinh đã được công chúng khen ngợi.

Dù ai nói gì đi nữa, Gary Locke với diện mạo một người Hoa chính cống, da vàng, tóc đen, mắt đen đã trở thành vị Đại sứ Mỹ thành công nhất ở Trung Quốc. Hình ảnh Gary Locke vai đeo ba lô, tay xách túi laptop, điện thoại di động giắt ngoài quần, dùng phiếu mua hàng giảm giá xếp hàng mua cà phê đã làm dân Trung Quốc hả hê khoái chí ca ngợi, tạo ra cơn sốt dư luận chưa từng thấy.

Nguồn:
Tân Đại sứ Mỹ “chạm thần kinh” quan chức TQ



28/11/11

MẸ CỦA MÌNH VÀ MẸ CỦA PAX THIÊN



1. Đang lướt web thì chị bỗng dưng nhớ đến mẹ và bật khóc tu tu giữa đêm khiến chồng chị lo lắng, còn các con thì trố mắt nhìn mẹ như nhìn một người xa lạ.

Lần đầu tiên cả nhà thấy chị khóc.

Đúng là đồ... đàn bà! Chồng chị bật cười sau khi biết nguyên nhân. Số là chị đang lướt web đến đoạn Pax Thiên không về thăm nhà. Nhà của cậu là Trung tâm Tam Bình ở đâu đó trong Nam mà giờ đây có lẽ cả thế giới đều biết vì nó là nơi nuôi dưỡng cậu bé bị bỏ rơi may mắn nhất hành tinh. Tất nhiên, chị không ghen tị với cậu. Chị nghĩ bất cứ đứa trẻ bất hạnh nào như cậu đều xứng đáng được bù đắp như thế.

Nhưng việc cậu về nước mà không về thăm nơi đã nuôi dưỡng cậu thì không được, nhiều người bảo thế. Mà cũng tại cái bà mẹ nuôi vô tâm của cậu ấy kia, chứ cậu ấy mới có tí tuổi, chưa bằng thằng lớn nhà mình, thì đã biết nghĩ gì đâu? Đã thế báo Tây lại đăng tin vịt là cậu được hội ngộ với bà ngoại. Điều này trên mạng, bị “còm”(comment) nhiều lắm. Mà sao không ai nói đến chuyện cho cậu được gặp mẹ đẻ nhỉ? Mẹ cậu vẫn sống sờ sờ ra đó cơ mà. Mẹ cậu lúc khó khăn đã phải gửi cậu vào nhà tình thương, nhưng là người mang nặng đẻ đau ra cậu, chắc mẹ cậu cũng nhớ cậu lắm. Mẹ cậu cũng là người biết nghĩ và biết mình có lỗi với cậu nhiều, nên chẳng thấy lên tiếng đòi hỏi điều gì.

Lẽ ra Pax Thiên phải được về thăm mẹ, chị kết luận.

2. Thế thì có gì chị phải khóc tu tu lên? Ấy là vì, chị chợt nhớ ra, đã cuối tháng 11 dương rồi, nghĩa là đã suýt soát 1 năm, từ Tết, chính chị cũng không về thăm mẹ lần nào, dù quê chị chỉ cách có bảy tám chục cây số.

Chị lại sực nhớ ra là một lần gần đây nhất, nhận được điện thoại của mẹ, ít nhất cũng phải nửa tháng rồi, đúng lúc đang họp, nên chị không nghe máy. Và khi thấy cái số điện thoại ở quê cứ gọi nhằng nhẵng, chị phải thưa máy, nhưng chỉ nói gọn lỏn một câu với mẹ: Chờ con gọi lại.

Tất nhiên, mẹ chị không chờ, bởi không thể chờ máy đến cả nửa tháng.

Trong cơn xúc động vì chuyện Pax Thiên không được về thăm mẹ, chị bỗng thấy nghẹn ngào nhớ mẹ mình, nhớ quê. Đúng là lâu lắm chị không về, cũng không hỏi han gì đến mẹ - người mẹ ruột thịt đã đẻ ra mình, đã không bỏ rơi mình ngày nào cho đến khi mình trưởng thành và tự bỏ rơi mẹ.

Công việc của chị bận thật, nhưng bận gì thì bận, nếu muốn về, giữa đêm chị cũng có thể về được. Lái xe về quê chị bây giờ chỉ mất có 2 tiếng. Nhưng chị đã không về.

Nhớ hồi mới “bỏ mẹ” xuống thành phố lập nghiệp, chị chỉ ao ước ở nhà có điện thoại, để tối tối chị được ôm máy tỉ tê với mẹ. Rồi khi điện thoại tràn lan, internet rẻ như bèo, chị lại nghĩ hôm nào lắp internet, cài thêm mấy cái webcam ở nhà, cả trong phòng khách lẫn trong bếp, để ngồi ở đâu chị cũng có thể truy nhập vào đó quan sát căn nhà thân yêu của mình ở quê và có thể nhìn thấy mẹ đang lụi cụi nấu nướng hay xem tivi.

Nhưng rốt cuộc, đến một cú điện thoại của mẹ, chị cũng không kịp trả lời. Rất nhiều khi đêm khuya, giở máy ra thấy mấy cuộc gọi nhỡ từ quê, chị cũng không gọi lại. Chị tặc lưỡi nghĩ, chắc ở quê đã ngủ.

3. Sau khi đã sụt sịt một hồi, chị ôm máy vào phòng, đóng cửa lại để gọi về quê. Đầu dây bên kia, mẹ chị nghe máy. Sau một hồi hỏi thăm, chị thấy yên lòng khi ở nhà mẹ vẫn bình an, chẳng ai đau yếu. Chị hứa tuần tới sẽ về.

Nhưng đầu dây bên kia, mẹ chị cứ một mực bảo phải về ngay. “Con bận lắm, mẹ phải thông cảm cho con chứ” - chị dằn dỗi, gác máy.

Ai cũng có mẹ để về thăm. Vậy mình đã về thăm chưa, mà lại bàn tán chuyện về thăm mẹ của cậu bé Pax Thiên?

Trần Vũ

Nguồn:
Mẹ của mình và mẹ của Pax Thiên



 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết