28/1/12

NHÀ DÀNH CHO NGƯỜI CÓ THU NHẬP THẤP ĐÂY...




web stats by statsie


Nhờ một blogger chỉ dẫn, mới biết cái nhà mình được Alexa định giá là 2.433 USD.

Bao nhiêu công xây cất, chăm sóc, dọn dẹp suốt mấy năm qua mà cái bọn Mẽo này nó oánh giá chưa đấy 50 triệu.

Chẳng bằng lương của một em nhân viên ở công ty anh Cả.

Thôi, đã trót xây nhà, thì lại phải tiếp tục ở vậy. Tiền đầu tư sửa nhà còn cao hơn nhiều lần so với tiền mà bọn Alexa trả.

Có ai ra giá cao hơn không?

P/S: Suýt quên, Alexa xếp blog VMC ở hạng 653603.



27/1/12

NÓI THẬT



NGUYỄN NGỌC BÍCH

Làm tốt và nói thật là những điều mà mọi người trông đợi nhau làm. Do đó, chúng được dạy dỗ trong luân lý và khuyến khích trong tôn giáo. Pháp luật không quy định chúng một cách rành rọt; mà chỉ trừng phạt khi chúng gây ra thiệt hại cho xã hội.

Mỗi người trong chúng ta ai cũng cần một sự an tâm trong lòng, một sự ổn định trong cuộc sống và có thể tiên đoán được tương lai càng nhiều càng tốt để tránh cho mình các điều xấu.

Sống trong một tập thể lời nói phải đi đôi với việc làm. Đó là nhu cầu nhân bản.

Do vậy, ngay cả một thành viên mafia, họ có thể nói dối, làm sai với bất cứ ai họ gặp; nhưng khi ở trong phe với nhau thì họ bị cấm làm. Kẻ gian cũng cần sự thật!

Luân lý và tôn giáo khuyến khích, luật pháp chỉ trừng phạt một cách chọn lọc; vậy trong cuộc sống hằng ngày khi luật pháp không buộc thì ta có thể làm ngược lại các điều trên được không?

Nói cách khác có ai hay cái gì trừng phạt khi ta làm khác đi - tức là làm xấu và nói dối - không? Thưa có! Để nhận ra sự trừng phạt này ta phải quay về với chính mình.

Khi ấy ta sẽ nhận ra rằng khi sinh ra ta, tạo hóa đã đặt vào trong ta một “cơ chế trừng phạt nội sinh” mà nó sẽ tác động mỗi khi ta đã làm xấu hoặc nói dối. Cơ chế ấy là: nói dối thì hay quên, nhưng làm xấu thì nhớ mãi!

Nói dối hay quên

Vâng. Một sự việc gì đã xảy ra cho ta, một hành động nào đó ta đã làm, đã trải qua thì nó sẽ mãi mãi nằm lại trong ký ức của ta bằng hình ảnh và bằng cảm xúc. Nó có thể trỗi dậy vào bất cứ lúc nào trong ta, khi ta sống ở trong một hoàn cảnh tương tự. Xin giải thích điều này.

Ở nhà, vào một buổi tối nào đó, bạn rót một ly rượu vang mời vợ, để cảm ơn bạn, nàng đã nói: “Uống rượu của anh, em say nó thì ít, mà say anh thì nhiều!”. Hết sẩy!

Tối hôm qua, bạn cùng cô bồ ruột uống rượu trong một phòng khách sạn ở một khu du lịch biệt lập (hide-away); bạn lại quầy, rót rượu cho cô ấy. Quay lưng lại cô ta, đứng rót rượu, nhìn dòng rượu chảy vào ly, nó có thể gợi lên trong đầu bạn hình ảnh bạn rót rượu cho vợ hôm nào.

Ký ức trỗi dậy trong ta như thế. Nó bất chợt, khi nhiều khi ít, nhưng không thay đổi, vì cái gì đã diễn ra, nó nằm trong trí nhớ của ta. Kể lại việc ấy, tức là nói thật, thì không bao giờ bạn nói khác đi dù có lặp đi lặp lại bao nhiêu lần. Có thể có lần bị sót, nhưng các chi tiết chính - như câu nói của vợ bạn - không bao giờ sai!

Công an dựa vào đặc tính này để tìm xem bạn khai thật hay khai dối. Họ yêu cầu bạn kể đi kể lại vụ việc, hoặc khai lý lịch. Bạn nói dối, bịa ra, tức là nói cái không hề nằm trong ký ức thì khi kể lại lần sau nó sẽ khác với lần trước! Vụ bà chủ tiệm vàng ở Quảng Ngãi bịa chuyện mất vàng vì bị kẻ cướp thôi miên đã bị công an khám phá vì mỗi lần khai bà ấy kể khác nhau.

Làm xấu nhớ mãi

Chúng ta từng nghe ám ảnh, ác mộng… chúng sở dĩ tồn tại là vì ở trong ta có “cơ chế” này! Khi một người đã tự tay làm, hay cố ý làm một việc xấu, và biết hay nhìn thấy hậu quả của việc đó; họ sẽ không bao giờ quên được nó; nó nằm lại trong ký ức họ.

Thí dụ một lần tranh giành nhau lên tàu để chạy trốn. Sau này, khi nhớ lại việc ấy phản ứng tâm lý của ta sẽ khác nhau. Nếu chỉ tranh giành không thôi, thì khi nghĩ lại ta thấy sờ sợ. Và ta nhất định sẽ tránh việc ấy sau này.

Đó là ký ức thoáng hiện, và khi đã quyết định rồi thì ta quên. Tuy nhiên, nếu khi tranh giành, ta đã kéo tay một người ra, cho họ rơi xuống, và nghe thấy tiếng kêu ới của họ; bây giờ mỗi khi nghĩ lại việc ấy, lòng ta áy náy, bứt rứt; không biết người kia đã ra sao và ta có thể tưởng tượng ra nhiều thứ.

Ban ngày mà nghĩ về nó nhiều thì đêm ngủ tiếng kêu kia sẽ vọng lên tai ta. Lúc ấy ta sợ hãi, mồ hôi có thể toát ra. Đó là ám ảnh, là ác mộng. Chẳng những thế, nó còn sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn khi ta ốm đau liệt giường, sa cơ thất vận, không còn dự tính được những ngày giờ sắp tới sẽ làm gì.

Vì tương lai không còn, nên quá khứ trở lại. Lời oán hờn của nạn nhân, khuôn mặt đau đớn của họ hiện lên rành rành trong đầu óc ta. Ta hối hận, ta muốn gặp nạn nhân để xin lỗi; nhưng ốm liệt giường, bị giam cầm và không thể làm được. Sự hối hận gia tăng.

Do đó, nếu có khi nào bạn thấy một người ốm nặng luôn vật vã, hay gắt gỏng với mọi người thì đa số họ là người đang bị sự hối hận dày vò. Cơn đau của thể xác có thể chữa được bằng cách uống thuốc giảm đau; nhưng sự đau đớn trong lòng không chữa được. Nói về cảnh này Kinh thánh dạy: “Được cả thế giới mà mất chính mình thì được ích gì?”.

Ở mức độ nhẹ hơn, một người đã làm một việc xấu, biết mình sai, thì sẽ lo âu trong lòng và sẽ có phản ứng để tạo lập sự cân bằng trong tâm lý. Phản ứng kia cũng “nội sinh”, nên một loạt diễn biến xảy ra.

Trước hết, họ sợ người khác biết; do đó việc đầu tiên là che giấu, là nói dối, là nói tốt về mình. Mặc dù vậy, cũng chưa an tâm nên họ đề phòng. Khi ấy họ trở nên nghi ngờ mọi người “không biết nó có biết không, có vẻ như nó biết…”.

Từ đó người ấy không còn tin ai là thật với mình nữa. Họ đã đánh mất sự hồn nhiên của mình! Do vậy, một người hay nói dối thì luôn luôn nghĩ rằng ai nói gì với mình thì cũng đều nói dối. Suy bụng ta ra bụng người!

Việc làm xấu cũng có thể được gợi lại ở một dạng khác trong ta. Năm ngoái, một hôm mưa to gió lớn, hàng xóm đi vắng, cửa nhà họ bị gió thổi tung ra; cơ hội quá tốt, ông A bèn sang lấy một món đồ mình đã thích từ lâu. Ông ta không ăn trộm vì cửa mở!

Thế nhưng, hôm nay đang đi xe trên đèo Prenn, nghe radio thấy nơi ở của mình bị bão, ông A - tự nhiên - sẽ liên tưởng đến cảnh cũ ngày nào. Và ông ta lo: cửa nhà có bị bung ra không, kẻ trộm có vào không, không biết cái xe Honda để trong nhà có sao không.

Cơn bão nghe nói ở nhà đang diễn ra trong lòng ông ấy! Nó tách ông ta ra khỏi hoàn cảnh thực đang sống. Và nó có thể làm ông ấy bực bội với người bên cạnh vì người sau… đang ngủ!

Tạo hóa đã đặt ra “cơ chế trừng phạt nội sinh”. Đến một tuổi nào đó, sau nhiều gian truân trải qua, ta sẽ thấy làm tốt, nói thật là đúng nhất. Chỉ tiếc rằng thanh niên nghe thấy thế lại bảo “Mấy ông già lẩm cẩm!”. Và tết bèn làm cái công việc phân định ai già, ai trẻ!

Nguồn:
Nói thật



25/1/12

NHỮNG GƯƠNG MẶT TẾT


1. Tôi cực kỳ thích tấm hình này. Cứ như một cảnh trích ra từ phim vậy. Mà quả thực nó rất cinema. Hay cuộc sống vốn dĩ đẹp hơn cả phim ảnh rồi?

Ảnh do Reuters chụp tại một nhà ga đường sắt ở Hefei (Trung Quốc) ngày 6.1 vừa qua trong thời điểm hàng trăm triệu người Trung Quốc về quê đón xuân Nhâm Thìn.


2. Bánh chưng có thể được coi là gương mặt Tết? Đương nhiên, nếu thiếu bánh chưng thì còn gọi gì là Tết Việt Nam nữa? Tôi thích bánh chưng, có thể chén ngay nửa cái.
Hôm 1 Tết, có người bạn thân nhắn tin: Tết ăn ít bánh chưng thôi kẻo tăng cân đấy.
Hehe, nhịn làm sao được bánh chưng?
Ảnh của Khâm/Reuters chụp ở làng Tranh Khúc hôm 14.1.

3. Khuôn mặt hân hoan của những vũ công Indonesia biểu diễn đón chào Năm mới
ở Solo, Trung Java, ngày 15.1.

Ảnh của AP

4. Gương mặt bình thản, nhưng vẫn ẩn chứa chút hồi hộp, lo âu của chị Tseng khi đi siêu âm thai nhi ở bệnh viện Adventist (Đài Loan). Người phụ nữ này sẽ sinh con trong năm Rồng. Nhâm Thìn sẽ là năm mà Châu Á chứng kiến "baby boom" (sự bùng nổ trẻ sơ sinh), vì người ta tin rằng trẻ con tuổi Rồng sẽ thông minh và hơn người.
Ảnh của AP

5. Không nhìn rõ nét mặt của cả người bán lẫn người mua trong tấm hình chụp ở khu phố cổ của Hà Nội trong những ngày giáp Tết. Nhưng không khó lắm để đoán ra tâm trạng của họ.
Ảnh của Bloomberg

6. Chàng trai nấp mặt đằng sau con rồng bằng băng mạ vàng được gắn ngọc trai và kim cương đen là Angelito Araneta Jr. - người được dân Philippines mệnh danh là "Đầu bếp Karat". Con rồng đặc biệt chào mừng năm Nhâm Thìn này có giá 13.863 USD.
Ảnh của Reuters chụp tại Manila (Philippines) hôm 20.1.

7. Múa lửa ở khu phố Tàu tại Manila hôm 22.1.
Ảnh của Getty Image

8. Một đất nước trật tự như Singapore mà cũng có cảnh chen lấn như thế này. Đơn giản là vì người Sing tin rằng ai cắm được hương vào chiếc lư hương tại chùa Quan Âm đúng khoảnh khắc giao thừa thì sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Ảnh Reuters.

9. Bé gái sún răng nhảy múa trong lễ hội sáng mùng Một ở Bắc Kinh.
Ảnh của Getty Images.

10. Trẻ con Bình Nhưỡng vui chơi trên phố hôm mùng Hai Tết. Trên gương mặt của các em không còn bóng dáng của đại tang diễn ra cách đây không lâu.
Ảnh AP


Nguồn:
Lunar New Year 2012



24/1/12

NHỚ MÙI TẾT XƯA



Hà Nội - Tết nay đã khác lắm. No đủ nên người ta chuyển từ "ăn Tết" sang "chơi Tết". Đã xa rồi một thời Tết đến chỉ mong có bữa cố tươm tất, "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ". Có phải vì nhu cầu vật chất, ăn uống đã dư thừa, người Hà Nội lại quay quắt nhớ mùi vị Tết xưa?

1. Nhớ mùi Tết xưa là nhớ mùi hăng hắc cay cay tỏa ra từ cái bếp toàn củi gộc luộc bánh chưng. Lửa trong bếp lúc nào cũng phải giữ đỏ rực. Dăm viên gạch xếp chụm lại thế kiềng ba chân, bên trên bắc cái nồi to mấy người khiêng. Từ lúc gói bánh cho đến lúc nổi lửa luộc bánh là khoảng thời gian vui nhất của lũ trẻ con khu tập thể nhà tôi thuở ấy.

Ngày ấy đói, mấy nhà chung nhau một nồi bánh. Các nhà góp thịt lợn, gạo nếp, đỗ, lá dong. Xóm nhà tôi có bố tôi và bác giáo viên gói bánh rất giỏi, được phân công gói. Lạ thế, bao nhiêu cái bánh trong cùng nồi, tôi ăn cái nào là biết bố gói. Hình như bánh cũng có mùi người?

Khoảng 27, 28 Tết là lục tục sửa soạn gói bánh. Ngày gói bánh chưng là một sự kiện trọng đại của cả xóm. Người lớn vui, Tết nhất có mấy cái bánh chưng đầy đặn để thắp hương tổ tiên và ăn Tết. Lũ trẻ vui, vừa được thức trông nồi bánh chưng, tha hồ chạy nhảy, chơi tú - lơ - khơ, vừa được gói riêng mấy cái bánh nhỏ xíu vì còn thừa gạo, đỗ, thịt.

Trời rét căm căm, buổi tối cơm nước xong trẻ con tụ tập quanh nồi bánh chưng. Địa điểm luộc bánh là sân nhà tập thể năm tầng. Vui lắm. Hai hàm răng lập cập vì rét và hồi hộp. Chả hiểu sao thời ấy, mùi Tết rõ thế. Từ trước lúc gói bánh chưng đã thấy cái phong vị bảng lảng của tiết trời vào Xuân. Khi bắc nồi luộc bánh cái mùi thơm kỳ diệu của khói bếp, củi cháy, lá dong cứ tan trong không gian, bám chặt vào người. Len vào đầu óc non nớt của trẻ con.


2. Hà Nội đô thị hóa chóng mặt. Vùng đào cổ ngày ấy giờ không còn nữa. Không biết đi đâu về đâu. Đất trồng đào lùi dần, nép mình nhường chỗ cho khu đô thị. Nhẫn nại và cam chịu lép vế trước sức tấn công hung bạo của kẻ mạnh. Mạnh vì gạo, bạo vì tiền mà. Thời buổi kim tiền, hình như những gì đẹp đẽ, vốn là truyền thống, đều phải lùi lại sau, nhường cái "mặt tiền" ra tiền kia cho kẻ mạnh. Những ông già đạp xe bán đào chọn chỗ khuất nẻo ngay phía sau khu đô thị hiện đại và lớn nhất Hà Nội, lặng lẽ chờ người mua. Phía trước, những chiếc xe hơi bóng lộn tấp nập lăn bánh vào khu đô thị, nơi những chủ nhân của chúng chễm chệ trong những villa, căn hộ sang trọng vốn là đất làng đào.

Đào Tết với người Hà Nội giống như mai vàng với người Sài Gòn. Trong nhà không có cây đào, chậu quất còn gì Tết nhất. Độ 28, 29 Tết bố và tôi lên làng đào chọn một gốc đào phai rừng. Cây to nguyên gốc, vậy mà bố nhất quyết tự chở về bằng xe máy. Bố bảo, mua thì phải tự chở về mới quý. Có năm cây đào rừng bố mua ra cả quả, lộc non xanh biếc. Chở đào rừng về nhà là thấy xuân về. Trong nhà có cây đào thấy Tết vô cùng thiêng liêng ấm cúng.

Vậy mà ba năm nay tôi không dám lên cái làng (từng trồng) đào ấy nữa. Có gì như ám ảnh, dằn vặt từ bên trong. Người thủ đô nào không xót xa nhìn cả một làng đào phải đi tị nạn, trao đất cho người nước ngoài xây những căn nhà gắn mác cao cấp trị giá bạc tỉ, thậm chí chục tỉ, rồi bán lại cho chính người Việt. Tất nhiên, người giàu. Chắc chả ai lẩn thẩn như tôi, sống trong những căn villa đồ sộ như thế người ta đâu cần hoài cổ đào? Không biết phải chặt đi bao nhiêu gốc đào để xây được một căn biệt thự hàng trăm mét vuông? Những mảnh đời nông dân sống với đào ở đâu giờ này?

Đây là một cuộc giành giật không cân sức. Nhưng nếu lạc quan, hãy tin vào tính kế thừa của văn hóa. Những làng đào nổi tiếng đất Thăng Long - Nhật Tân, Phú Thượng dù bị chèn ép đến độ phải bật bãi khỏi mảnh đất cha ông vẫn trụ được và nở hoa ở những vùng đất mới. Liệu sức sống mãnh liệt này có phải là lý do người miền Bắc chọn đào là cây ngày Tết?

3. Tết nay đã khác xưa nhiều. Đã vắng mùi bếp củi luộc bánh chưng. Ngày trước chỉ Tết mới được ăn bánh chưng, thịt gà. Bây giờ bánh chưng bán quanh năm ngoài chợ. Gà không còn là tiêu chuẩn đo sự sung túc trong mâm cơm gia đình. Bánh chưng ra chợ mùa hè còn có, ngày Tết ai hì hụi rửa lá dong, gói và luộc bánh cho cực? Nhưng vì thế, thiếu vắng hẳn một mùi vị rất riêng của Tết.

Tôi muốn thêm một khúc nhỏ thay lời kết bài viết về mùi Tết xưa. Có lẽ, ngày trước thiếu thốn đủ bề, các loại mùi vị không được phong phú như bây giờ nên trẻ con rất nhớ. Thời khắc trước Giao thừa đêm 30 Tết với tôi luôn là lúc đẹp nhất, trọn vẹn ý nghĩa giao thoa Đất - Trời - Con người. Khi mẹ lên sân thượng cúng, bố lại gọi anh em tôi dậy, mặc ấm và chuẩn bị hoa quả, mứt, bánh kẹo. Giao thừa năm nào tôi cũng thấy nao nao trong người. Rất lạ. Đấy là lúc trời đất giao hòa, con người trong tổ ấm. Trở về nơi bình an nhất sau một năm lo toan. Thoảng trong tiết Xuân lắc rắc mưa bụi, là mùi hương, mùi của Tết. Cái mùi mà với tôi, đến tận bây giờ và mãi sau này, không thể mất đi.

THÀNH TRUNG

Nguồn:
Nhớ, mùi Tết xưa



22/1/12

MẠN ĐÀM VỀ CHỮ NHÂN




PHAN CHÁNH DƯỠNG

Xưa nay người ta thường nhận xét về một con người rằng ông ấy rất “nhân từ”, thể hiện sự tôn kính, mến mộ, rằng đó là một người sống lương thiện, thương người, cảm thông với nỗi khổ đau của người khác.

“Nhân” là phạm trù đạo đức của Nho gia và “từ” là tinh thần yêu thương mọi sinh linh của nhà Phật.

Chữ “nhân” của Nho gia theo nghĩa hẹp và cụ thể được Khổng Tử diễn giải cho các học trò của mình được sách vở ghi lại như sau:

Nhân là kìm chế mình để trở về với lễ (khi trả lời Nhan Hồi).

Nhân là điều gì mình không muốn thì đừng áp đặt cho người khác, “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (khi trả lời Trọng Cung).

Nhân là yêu người (Khi trả lời Phàn Trì).

Khổng Tử nói “có thể làm được năm điều dưới đây với thiên hạ là có nhân” đó là: Cung kính, khoan dung, giữ chữ tín, chăm chỉ siêng năng, ra ơn cho mọi người. Ngoài ra, ông nói: Người có nhân, muốn thành đạt thì cũng giúp cho người thành đạt.

Tất cả câu trả lời trên đều cụ thể cho từng người, nội dung hàm chứa tính giáo dục con người cụ thể.

Chữ “nhân” theo nghĩa hẹp rất rộng, do đó người nhà Nho sau này giải thích chữ “nhân” là lý của yêu thương, là đức của tâm hay là làm điều nhân là giữ toàn tâm đức v.v…

Theo nghĩa rộng, chữ “nhân” được Khổng Tử, Mạnh Tử xem như tư tưởng cốt lõi của Nho giáo (giáo ở đây không phải là tôn giáo, mà là giáo hóa con người).

Do đó đạo đức của Nho giáo cũng có thể gọi là đạo của chữ nhân, khi nói “nhân giả nhị nhân giả” (chữ “nhân” chiết tự ra gồm chữ “nhân” là “người” và chữ “nhị” là “hai”).

Nghĩa là: Nhân là mối quan hệ giữa người và người. Đây chính là mọi quan hệ của con người trong xã hội. Nếu xử lý hài hòa các mối quan hệ trên thì xã hội sẽ trật tự, trên dưới hài hòa, và con người được sống trong cảnh thái bình. Do đó nhân chính là đạo làm người vậy.

Từ luận giải chữ “nhân” nghĩa rộng trên, chúng ta thấy mối quan hệ giữa người và người đầu tiên phải được xử lý, phải được quy phạm đó là con cái và cha mẹ.

Chúng ta ai cũng biết khi chào đời người gần gũi lo toan cho ta là đấng sinh thành (cha mẹ). Do đó, theo Nho giáo đây là mối quan hệ đặc biệt ưu tiên trong mọi mối quan hệ xã hội.

Những quy phạm về mối quan hệ này Nho giáo gọi là “đạo hiếu” (Theo Nho giáo, bách hạnh hiếu là đầu, làm người phải đặt chữ hiếu lên trên hết).

Tiếp theo là mối quan hệ với anh em là chữ “đệ”, mối quan hệ với bạn bè là chữ “nghĩa”, mối quan hệ với vua là chữ “trung” v.v…

Từ đó triển khai ra các phạm trù đạo đức khác để tu thân, để rèn luyện đức tính con người: lễ, nghĩa, liêm, sỉ, trí, nhân (nghĩa hẹp), dũng v.v…

Thật ra những phạm trù đạo đức nêu trên (trung, hiếu, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín v.v…) chỉ là tên gọi của các mối quan hệ hay những thái độ, cư xử, quan điểm, lẽ sống của con người trong xã hội.

Nhưng nội dung hàm chứa bên trong của nó tùy theo thời đại khác nhau lại có ý nghĩa khác nhau. Ví dụ chữ “hiếu” là một phạm trù đạo đức nói lên mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ.

Phạm trù này vĩnh viễn tồn tại trong mọi xã hội từ xưa đến nay và cả mai sau, nhưng nội dung của chữ “hiếu” thì theo từng thời đại khác nhau có những nội dung khác nhau.

Như ngày xưa hiếu là luôn vâng lời cha mẹ, nuôi dưỡng cha mẹ, phải sinh con cái để nối dõi tông đường. Khi cha mẹ qua đời, con phải cư tang bằng hình thức sống quanh mộ đói rét ba năm không được đi đâu, không được vui vẻ để tỏ nỗi khổ đau thương nhớ mẹ cha...

Nhưng cũng có nhà Nho cho rằng “đại hiếu là làm rạng rỡ tông đường, kế đến là không làm gì nhục gia tông, thứ ba mới đến nuôi nấng cha mẹ”…

Còn ngày nay, chúng ta phải có nội dung phù hợp cho chữ “hiếu”. Chữ “trung” cũng thế, không thể giữ nội dung là trung với vua mà phải là trung với nước, trung với dân v.v…

Ngày xuân, có đôi điều mạn đàm về ý nghĩa chữ “nhân”, qua đó người viết hy vọng đưa ra được một nội dung rèn luyện đạo đức cá nhân cho mỗi người mà trong xã hội ngày nay dường như nhiều người đã quên lãng.

Nguồn:
Mạn đàm về chữ Nhân



21/1/12

TẾT CÒN THIÊNG HAY... MẤT THIÊNG?




ĐẶNG HOÀNG GIANG

Những gì đang diễn ra chỉ là kết quả đương nhiên mà con người chúng ta phải chấp nhận trong quá trình hiện đại hóa và hội nhập. Khi chính chúng ta đang tỏ ra bất lực, lúng túng trong việc tái sinh các giá trị của Tết nói riêng và vốn văn hóa cổ truyền nói chung?

Theo cảm nhận của nhiều người, hiện nay, Tết cổ truyền đang dần rơi vào tình trạng "đời thường hóa", "bình thường hóa" trong đời sống xã hội. Phải chăng nếp văn hóa truyền thống này đã bị mất thiêng?

Hay những gì đang diễn ra chỉ là kết quả đương nhiên mà con người chúng ta phải chấp nhận trong quá trình hiện đại hóa và hội nhập. Khi chính chúng ta đang tỏ ra bất lực, lúng túng trong việc tái sinh các giá trị của Tết nói riêng và vốn văn hóa cổ truyền nói chung?

Tết hãy còn thiêng

Khởi nguyên, Tết là một nghi lễ chuyển mùa. Rồi dần dà được nâng lên thành một thứ "siêu lễ hội" của nhiều xã hội nông nghiệp trên thế giới, đặc biệt là ở các cộng đồng lúa nước vùng châu Á.

Từ một sinh hoạt mang đậm màu sắc tín ngưỡng nông nghiệp cổ truyền - trong đó con người tìm cách giao cảm với các lực lượng siêu nhiên, đặng kiếm tìm một sự bảo trợ cho đời sống thế tục, theo thời gian, các chức năng của Tết ngày càng trở nên đa dạng.

Tết trước hết là dịp để con người hướng về tổ tiên, cội nguồn. Tết là sự kiện để con người làm mới và gia cố các quan hệ cộng đồng trước khi trở lại với chu kỳ vận hành quen thuộc. Tết còn là thời điểm để con người "giao hòa" với vũ trụ trong bước chuyển mình hứa hẹn những điều mới mẻ của nó. Và, khi cuộc mưu sinh còn chồng chất khó khăn thì con người cũng mong ngóng Tết để được "cải thiện" nhu cầu áo cơm.

Trong quá khứ, sự hội tụ của tất cả các chức năng nói trên khiến cho Tết mang một ý nghĩa đặc biệt. Tết đồng nghĩa với cái thiêng, cái mới, cái hi vọng.

Người Việt Bắc Bộ cổ truyền xem Tết là biểu tượng của niềm vui (vui như Tết) và dành cả tháng giêng để vui xuân (Tháng Giêng là tháng ăn chơi). Trong khi đó, với người vùng cao, chẳng hạn như Tây Nguyên, người ta dành hẳn ba tháng đầu năm (mùa Ninh Nong) để mặc sức chơi Tết.

Cách ngày nay chưa lâu lắm, vào mùa Ninh Nong, theo tục lệ cổ truyền, nhiều cộng đồng ở Tây Nguyên sẽ tạm bỏ buôn làng, theo bước thủ lĩnh vào tận con nước đầu nguồn để sống lại cuộc sống nguyên thủy hồng hoang giữa một thiên nhiên trần trụi, nguyên sơ, phóng khoáng.

Thẳm trong sinh hoạt nguyên thủy ấy là một minh triết tế vi: Đôi khi, con người cần trở về đằm mình giữa thế giới tự nhiên để rũ bỏ những váng cặn, làm lành những tật nguyền, phục chế những năng lực mà nó đã hứng chịu và mất đi trong quá trình vật vã tách khỏi tự nhiên để đi vào xã hội loài người, xã hội văn hóa.

Bước vào thời hiện đại, Tết cổ truyền của dân tộc đang dần thay đổi. Với quá trình thế tục hóa toàn bộ đời sống xã hội (kể cả đời sống tôn giáo tư tưởng) và sự tiến bộ của điều kiện vật chất, vai trò của Tết chủ yếu biểu lộ trên bình diện tinh thần.

So với quá khứ, con người hiện đại trở nên duy lí, tự chủ và sung túc hơn. Nhưng cuộc sống con người vẫn luôn cần đức tin, cộng đồng, nguồn cội. Nghịch lí của cuộc sống hiện đại là cá nhân trở nên cô đơn, lạc lõng và có nguy cơ tha hóa giữa một xã hội ngày càng tối tân nhưng cũng đầy rủi ro, bất trắc.

Trước tình thế này, con người phải nương vào sự bổ trợ của các nguồn lực ngoại tại. Các phương pháp tu tập, các lễ hội hay các sự kiện cộng đồng chính là các loại "vốn" xã hội đặc biệt, một thứ "của kho vô tận" mà cá nhân có quyền sử dụng để chữa trị những chấn thương tâm lí hay kích hoạt sức đề kháng tinh thần.

Do vậy, ngay tại các khu vực có trình độ phát triển cao như châu Âu, Bắc Mỹ hay Đông Á, con người vẫn háo hức chờ đợi các lễ hội thấm đẫm tinh thần cộng đồng và nhân văn.

Ở Việt Nam - một quốc gia nông nghiệp đang trên đà chuyển đổi, tính chất phức tạp, khắc nghiệt, khó lường của cuộc sống hiện tại càng thúc đẩy con người (đa phần trong số họ còn duy trì liên hệ với thế giới làng xã) tìm lấy một chốn an trú tinh thần trong các sinh hoạt cộng đồng ở nông thôn, mà Tết là tâm điểm của những sinh hoạt đó.

Tết lay thức những phức cảm đặc biệt trong mỗi người: Ý thức hướng nguồn (tổ tiên, bản quán), tình cảm cộng đồng hay ước vọng tái tạo - chuyển tiếp - hồi sinh. Rõ ràng, với một cộng đồng duy cảm như người Việt, Tết hãy còn là một thực tại hiện hữu. Trong một chừng mực nào đó, Tết hãy còn thiêng.

...Và đang dần mất thiêng?

Tuy nhiên, có một thực tế khác đang khiến nhiều người băn khoăn: Sinh hoạt Tết cổ truyền ngày một trở nên nghèo nàn, tẻ nhạt, và có phần... mất thiêng. Vấn đề nên được "đọc" như thế nào?

Theo chúng tôi, diện mạo đương đại của Tết cổ truyền là hệ quả của một vấn đề lớn- một vấn đề đang chứa đựng những điểm bất cập: Cách thức khai thác, quản lí Tết - kỳ thực là quản lí, khai thác một thứ siêu lễ hội, một biểu trưng của vốn văn hóa cộng đồng trong khung cảnh hiện đại hóa nông thôn - không gian cổ truyền và đặc trưng của Tết Việt.

Đặc điểm cơ bản của Tết nông thôn hiện nay là sự thiếu vắng một không gian văn hóa để con người chơi Tết theo nghĩa sang trọng nhất của từ này. Ở đa phần nông thôn Việt Nam, trong ngày Tết, ngoài một vài công việc quen thuộc (tân trang nhà cửa, tảo mộ, sắm Tết, chúc Tết và ... bù khú), người ta gần như không tìm thấy bất cứ hình thức sinh hoạt nào cho phép thỏa mãn nhu cầu chơi xuân và thưởng xuân.

Nghĩa là, bản thân môi trường nông thôn đang trở nên bất lực trong việc đáp ứng các nhu cầu văn hóa của những chủ thể tồn tại trong đó. Cho nên, con người cảm thấy tẻ nhạt và nhàm chán dù đang nhập thân vào một sự kiện đặc biệt như Tết và đang đón Tết ngay giữa quê hương.

Không đủ sức tái sinh, sáng tạo và phát triển các giá trị của riêng mình, nông thôn đành đi theo và bắt chước đô thị. Thành ra, Tết nông thôn hiện nay là sự gá lắp tự phát giữa những tập quán cũ còn sót lại với các kiểu sinh hoạt mang hơi hướng thị thành. Đoạn ký họa Tết ở một làng miền Trung được dẫn ra dưới đây sẽ giúp hình dung rõ hơn bức tranh Tết hiện đại:

... "Nhưng Tết quê giờ đã khác xưa. Người làng đã có tiền để ăn Tết cho thật đàng hoàng. Không mấy người rủ bố tôi lên núi chặt đào phai nữa. Một chậu quất trĩu quả hay một cành đào đất Bắc tuy đắt nhưng sang hơn nhiều. Hàng xóm đã thôi giã thịt, quây bột làm giò. Bánh chưng gói ít thôi, vì gói nhiều cũng không ai ăn, hoài của ...

Bạn bè tôi, mỗi đứa một phương, nhờ Tết mới hội ngộ. Nhưng gặp nhau thật không dễ. Muốn tìm bạn, chỉ còn cách đến quán café. Bạn đến thăm nhà, ngồi chưa ấm chỗ đã rủ tôi "đi quán"... Đêm xuống, làng vắng hẳn. Không còn những cảnh chúc Tết thân mật như thuở trước. Có chăng chỉ người lớn đi thăm nhau. Thanh niên dồn lại trong các tụ điểm café, karaoke.

Cha mẹ muốn tâm tình với con cái cũng chịu, lặng lẽ ngồi bó gối xem ti vi và chờ điện thoại những đứa ăn Tết ở xa gọi về. Trẻ con miễn cưỡng xách bánh trái. Vì tiền lì xì không hấp dẫn bằng phim hoạt hình, nhạc Xuân Mai, quán nét.

Chiều mồng bốn Tết, không khí được hâm nóng chút ít nhờ trận bóng giao lưu giữa kẻ ở người về. Nhưng tan bóng thì tan vui, ai về nhà nấy. Mấy người xa xứ lâu ngày, gặp bố tôi phàn nàn: "Tết bây giờ khác quá anh ạ. Chẳng hơn gì cuộc giỗ, ngày rằm. Biết thế, bọn em đã không về".

Tỉnh giấc sau viễn mộng đô thị hóa- công nghiệp hóa, ngoài một vài thành quả an ủi (điện khí hóa, bê tông hóa, viễn thông hóa) nông thôn đã thôi không còn là bệ đỡ dồi dào, vững chãi mà chỉ còn là "sân sau" để mua vui và bị động tiêu thụ những hạ phẩm của văn hóa đô thị.

Làm gì để Tết là...Tết?

Như vậy, thực tế nông thôn đang đặt ra đòi hỏi và nhu cầu tái tạo, phát triển các giá trị của Tết cổ truyền theo một cách hiệu quả và hợp lí hơn. Nếu nhìn trên bình diện tổng quát thì đó còn là nhu cầu tái tạo, phát triển một nguồn vốn cộng đồng trong bối cảnh tập trung các nguồn lực nhằm hiện đại hóa nông thôn.

Quá trình ấy cần được bắt đầu bằng việc xác lập một không gian sinh hoạt cho toàn thể cộng đồng. Có thể chấm phá các đường nét chính của không gian đó như sau: Tái tạo sinh hoạt lễ hội và các sự kiện cộng đồng- bao hàm các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các khu vực nông thôn từ lâu đã tắt ngấm các sinh hoạt lễ hội hay sinh hoạt cộng đồng theo đúng nghĩa của nó.

Về bản chất, Tết đã và đang phản chiếu tình trạng xuống cấp của đời sống văn hóa nông thôn. Thực tế, sau những biến động dồn dập diễn ra suốt một thời gian dài, cơ tầng văn hóa - xã hội nông thôn đã bị xáo trộn mạnh.

Nông thôn đã mất đi nền tảng vô cùng vững chắc của nó đúng vào thời điểm mở cửa. Để rồi nếm trái đắng sau một quá trình cộng sinh với vô số thượng vàng hạ cám tràn về từ thế giới bên ngoài.

Phát triển mạng lưới tổ chức cộng đồng (gồm những người có chung sở thích, nhu cầu hay quyền lợi) nhằm hình thành quan hệ gắn kết giữa các thành viên với nhau và giữa họ với cộng đồng, từ đó thúc đẩy tính năng động xã hội ở từng cá thể. Phục chế các không gian công cộng chuyên trách các chức năng văn hóa - xã hội bên cạnh các không gian hành chính của Nhà nước (đình làng, chùa làng ...).

Và quan trọng nhất, nhân dân phải là chủ thể đích thực của quá trình đổi mới các giá trị của Tết cổ truyền, trong đó giới trẻ là lực lượng nòng cốt. Nghĩ cho cùng, nhân dân mới là người hiểu hơn ai hết nhu cầu và tâm tính của mình, và cũng biết hơn ai hết những hình thức sáng tạo nhằm gìn giữ và truyền các giá trị văn hóa tập thể của họ.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, các đường nét vừa nêu chính là con đường khả dĩ giúp nông thôn dần tái tạo nền tảng văn hóa và sức sáng tạo muôn đời của nó.

Điều này không những giúp nông thôn giữ được thế cân bằng trước làn sóng đô thị hóa, công nghiệp hóa đang diễn ra như một xu hướng khó cưỡng. Mà còn giúp cho sự phát triển thuần thục của con người nông thôn trong quá trình nhập thân vào môi trường bên ngoài.

Trong chiều hướng ấy, Tết cổ truyền, với tư cách là một thứ siêu lễ hội của cộng đồng, sẽ còn được phát huy nhiều hơn nữa trong sinh hoạt nông thôn.

Có thể nói rằng, đã đến lúc cần phải nghĩ về Tết theo một cách khác với những gì chúng ta vẫn quan niệm lâu nay.

Ăn Tết hay đón Tết không đơn thuần là thực hiện một tập quán xưa cũ, mà còn là nghệ thuật tổ chức một sự kiện văn hóa nhằm tái tạo, phát triển một nguồn vốn cộng đồng vẫn đang thực sự hữu dụng cho cuộc sống đương đại.

Vậy nên, câu chuyện Tết cổ truyền vừa được xới lên không chỉ giới hạn trong phạm vi thảo luận của giới "làm" văn hóa; mà cần được chuyển hóa thành những suy tư và thao tác cụ thể của toàn xã hội.

Nguồn:
Tết còn thiêng hay... mất thiêng?



 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết