24/1/12

NHỚ MÙI TẾT XƯA



Hà Nội - Tết nay đã khác lắm. No đủ nên người ta chuyển từ "ăn Tết" sang "chơi Tết". Đã xa rồi một thời Tết đến chỉ mong có bữa cố tươm tất, "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ". Có phải vì nhu cầu vật chất, ăn uống đã dư thừa, người Hà Nội lại quay quắt nhớ mùi vị Tết xưa?

1. Nhớ mùi Tết xưa là nhớ mùi hăng hắc cay cay tỏa ra từ cái bếp toàn củi gộc luộc bánh chưng. Lửa trong bếp lúc nào cũng phải giữ đỏ rực. Dăm viên gạch xếp chụm lại thế kiềng ba chân, bên trên bắc cái nồi to mấy người khiêng. Từ lúc gói bánh cho đến lúc nổi lửa luộc bánh là khoảng thời gian vui nhất của lũ trẻ con khu tập thể nhà tôi thuở ấy.

Ngày ấy đói, mấy nhà chung nhau một nồi bánh. Các nhà góp thịt lợn, gạo nếp, đỗ, lá dong. Xóm nhà tôi có bố tôi và bác giáo viên gói bánh rất giỏi, được phân công gói. Lạ thế, bao nhiêu cái bánh trong cùng nồi, tôi ăn cái nào là biết bố gói. Hình như bánh cũng có mùi người?

Khoảng 27, 28 Tết là lục tục sửa soạn gói bánh. Ngày gói bánh chưng là một sự kiện trọng đại của cả xóm. Người lớn vui, Tết nhất có mấy cái bánh chưng đầy đặn để thắp hương tổ tiên và ăn Tết. Lũ trẻ vui, vừa được thức trông nồi bánh chưng, tha hồ chạy nhảy, chơi tú - lơ - khơ, vừa được gói riêng mấy cái bánh nhỏ xíu vì còn thừa gạo, đỗ, thịt.

Trời rét căm căm, buổi tối cơm nước xong trẻ con tụ tập quanh nồi bánh chưng. Địa điểm luộc bánh là sân nhà tập thể năm tầng. Vui lắm. Hai hàm răng lập cập vì rét và hồi hộp. Chả hiểu sao thời ấy, mùi Tết rõ thế. Từ trước lúc gói bánh chưng đã thấy cái phong vị bảng lảng của tiết trời vào Xuân. Khi bắc nồi luộc bánh cái mùi thơm kỳ diệu của khói bếp, củi cháy, lá dong cứ tan trong không gian, bám chặt vào người. Len vào đầu óc non nớt của trẻ con.


2. Hà Nội đô thị hóa chóng mặt. Vùng đào cổ ngày ấy giờ không còn nữa. Không biết đi đâu về đâu. Đất trồng đào lùi dần, nép mình nhường chỗ cho khu đô thị. Nhẫn nại và cam chịu lép vế trước sức tấn công hung bạo của kẻ mạnh. Mạnh vì gạo, bạo vì tiền mà. Thời buổi kim tiền, hình như những gì đẹp đẽ, vốn là truyền thống, đều phải lùi lại sau, nhường cái "mặt tiền" ra tiền kia cho kẻ mạnh. Những ông già đạp xe bán đào chọn chỗ khuất nẻo ngay phía sau khu đô thị hiện đại và lớn nhất Hà Nội, lặng lẽ chờ người mua. Phía trước, những chiếc xe hơi bóng lộn tấp nập lăn bánh vào khu đô thị, nơi những chủ nhân của chúng chễm chệ trong những villa, căn hộ sang trọng vốn là đất làng đào.

Đào Tết với người Hà Nội giống như mai vàng với người Sài Gòn. Trong nhà không có cây đào, chậu quất còn gì Tết nhất. Độ 28, 29 Tết bố và tôi lên làng đào chọn một gốc đào phai rừng. Cây to nguyên gốc, vậy mà bố nhất quyết tự chở về bằng xe máy. Bố bảo, mua thì phải tự chở về mới quý. Có năm cây đào rừng bố mua ra cả quả, lộc non xanh biếc. Chở đào rừng về nhà là thấy xuân về. Trong nhà có cây đào thấy Tết vô cùng thiêng liêng ấm cúng.

Vậy mà ba năm nay tôi không dám lên cái làng (từng trồng) đào ấy nữa. Có gì như ám ảnh, dằn vặt từ bên trong. Người thủ đô nào không xót xa nhìn cả một làng đào phải đi tị nạn, trao đất cho người nước ngoài xây những căn nhà gắn mác cao cấp trị giá bạc tỉ, thậm chí chục tỉ, rồi bán lại cho chính người Việt. Tất nhiên, người giàu. Chắc chả ai lẩn thẩn như tôi, sống trong những căn villa đồ sộ như thế người ta đâu cần hoài cổ đào? Không biết phải chặt đi bao nhiêu gốc đào để xây được một căn biệt thự hàng trăm mét vuông? Những mảnh đời nông dân sống với đào ở đâu giờ này?

Đây là một cuộc giành giật không cân sức. Nhưng nếu lạc quan, hãy tin vào tính kế thừa của văn hóa. Những làng đào nổi tiếng đất Thăng Long - Nhật Tân, Phú Thượng dù bị chèn ép đến độ phải bật bãi khỏi mảnh đất cha ông vẫn trụ được và nở hoa ở những vùng đất mới. Liệu sức sống mãnh liệt này có phải là lý do người miền Bắc chọn đào là cây ngày Tết?

3. Tết nay đã khác xưa nhiều. Đã vắng mùi bếp củi luộc bánh chưng. Ngày trước chỉ Tết mới được ăn bánh chưng, thịt gà. Bây giờ bánh chưng bán quanh năm ngoài chợ. Gà không còn là tiêu chuẩn đo sự sung túc trong mâm cơm gia đình. Bánh chưng ra chợ mùa hè còn có, ngày Tết ai hì hụi rửa lá dong, gói và luộc bánh cho cực? Nhưng vì thế, thiếu vắng hẳn một mùi vị rất riêng của Tết.

Tôi muốn thêm một khúc nhỏ thay lời kết bài viết về mùi Tết xưa. Có lẽ, ngày trước thiếu thốn đủ bề, các loại mùi vị không được phong phú như bây giờ nên trẻ con rất nhớ. Thời khắc trước Giao thừa đêm 30 Tết với tôi luôn là lúc đẹp nhất, trọn vẹn ý nghĩa giao thoa Đất - Trời - Con người. Khi mẹ lên sân thượng cúng, bố lại gọi anh em tôi dậy, mặc ấm và chuẩn bị hoa quả, mứt, bánh kẹo. Giao thừa năm nào tôi cũng thấy nao nao trong người. Rất lạ. Đấy là lúc trời đất giao hòa, con người trong tổ ấm. Trở về nơi bình an nhất sau một năm lo toan. Thoảng trong tiết Xuân lắc rắc mưa bụi, là mùi hương, mùi của Tết. Cái mùi mà với tôi, đến tận bây giờ và mãi sau này, không thể mất đi.

THÀNH TRUNG

Nguồn:
Nhớ, mùi Tết xưa



5 comments:

An Thảo on lúc 09:18 24 tháng 1, 2012 nói...

Dù ngoài kia ngả nghiêng cỡ nào, em cũng đang khôi phục Tết xưa ngay từ nhà em. Mệt chút xíu chứ ko bao giờ mệt và vui bằng thời ấy được. Thí dụ khoản cả hội bạn rủ nhau đi xếp hàng mấy ngày để mua túi hàng Tết,' nếp Tết' làm bánh quy gai... Dù không gian chung có biến đổi thi Tết vẫn cốt ở tâm mình, tay mình thôi ạ.

LU on lúc 12:45 24 tháng 1, 2012 nói...

Mấy năm nay nhờ đọc những bài như thế này mà tiếng Việt của em viết ngày càng khá, em bớt Mỹ hóa hơn.
Bi giờ em tự tin mờ khoe rằng, em đang hấp thụ được 2 nền văn hóa nửa Âu nửa Á. Em gọi là Âu vì văn hóa Mỹ là sự trộn lẫn của nhiều nền văn hóa trên thế giới, và em đặc biệt iu thích lịch sử văn hóa của Âu :)

Trăng Quê on lúc 16:14 24 tháng 1, 2012 nói...

Chuc mung nam moi !

Titi on lúc 17:54 24 tháng 1, 2012 nói...

Mùi Tết của em là nồi măng khô mẹ chuẩn bị từ 10 ngày trước Tết, trong Tết măm món này mãi chả chán. Sau đó là mùi yên tĩnh, em thích sự yên tĩnh trên các con phố và trong những ngôi chùa nhỏ cổ kính quanh Hà nội.

NLVD nói...

Anh ơi viết blog đi, em một năm may ra được vào facebook một lần.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết