10/12/11

ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM - LẠC QUAN HAY BI QUAN?



Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh gửi gắm đôi lời tâm sự về nền điện ảnh nước nhà trước thềm Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 sắp diễn ra tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Tháng 9/2011, tại làng văn hóa Đồng Mô, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn có chủ trì một cuộc hội thảo để bàn về việc chấn hưng điện ảnh nước nhà. Tôi đi vắng nên không có mặt trong cuộc hội thảo đó, chỉ theo dõi qua báo chí với những câu trả lời phỏng vấn, những lời phát biểu hùng hồn của các nhà làm phim trước ống kính truyền hình.

Nói chung giới điện ảnh tỏ ra hết sức bức xúc trước thực trạng ngành điện ảnh mà ai cũng cho là nguy kịch, bi thảm, đến đáy rồi... Vụ thất thoát 38 tỷ đồng tại Cục điện ảnh như một giọt nước làm tràn ly. Nhưng cũng có người cho rằng điện ảnh có gì mà phải bi quan? Bi quan là ở khu vực điện ảnh nhà nước thôi, còn phim do tư nhân sản xuất nghe đâu có phim chỉ sau hai tuần ra rạp đã thu về 40 tỷ đồng thì sao lại bi quan?

Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng trên thì mỗi người một ý. Người đổ cho thiếu sự quan tâm của nhà nước, nhìn sang truyền hình thấy nhà nước ưu ái hơn, được cấp nhiều tiền hơn. Người thì đề nghị nhà nước cấp sổ đỏ cho Hãng phim truyện đầu đàn ở số 4 Thụy Khuê (sổ đỏ cũng là tiền, là tài sản). Người thì nói thẳng ra rằng vì đội ngũ những người làm điện ảnh bất tài...

Vậy biện pháp để khắc phục tình trạng trên là gì? Đa số kêu gọi Nhà nước phải quan tâm hơn nữa đến điện ảnh. Có người còn đề nghị cho điện ảnh quay lại thời bao cấp (mỗi năm nhà nước bỏ ra chừng 25 tỷ đồng là có thể nuôi điện ảnh đàng hoàng). Có người yêu cầu nhà nước phải có chiến lược tổng thể đối với điện ảnh...

Tóm lại nói nôm na là nhà nước phải rót thêm tiền cho điện ảnh. Sự quan tâm gì cũng thể hiện ở chỗ đó, chiến lược gì cũng thể hiện ở chỗ đó. Cũng có ý kiến ngược lại cho rằng nên xóa sổ điện ảnh nhà nước, hãy để cho tư nhân làm phim, tự điều chỉnh lấy nội dung, tự điều tiết theo cơ chế thị trường. Thậm chí có ý kiến nên bỏ hẳn kiểm duyệt. Nhà nước chỉ có trách nhiệm phân loại xem phim nào cấm trẻ em dưới 17 tuổi, phim nào cấm trẻ em dưới 15 tuổi.

Đối với tôi bức tranh của điện ảnh VN ngày nay đã quá rõ ràng. Một khu vực điện ảnh tư nhân ngày càng lớn mạnh tạo nên một thị trường kinh doanh điện ảnh sôi động. Kinh doanh trên các phim nhập ngoại không hạn chế số lượng và thời lượng chiếu, kinh doanh trên các phim sản xuất trong nước mà số lượng ngày càng tăng. Đã là kinh doanh ắt phải lấy lợi nhuận làm mục tiêu, lấy đồng tiền làm mục đích.

Đồng tiền đã, đang và sẽ dẫn dắt khu vực này chẳng cần ai định hướng, mà cũng không có ai định hướng được. Một khi đồng tiền chi phối thì đừng bàn đến tính tư tưởng. Ở đây chỉ có tính thương mại. Một đại gia dầy dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực này từng nói: “Chúng tôi kinh doanh là chính. Làm những phim nhảm nhí mới có lãi!“. Quả thật cái gì luật pháp không cấm thì đều được phép làm. Trong luật điện ảnh không có điều khoản nào cấm làm phim nhảm nhí.

Vậy nhà nước chỉ có thể quản lý khu vực này theo cách quản lý thị trường, như quản lý bất cứ hoạt động kinh doanh nào khác theo đúng luật. Nhà nước giám sát để không ai trốn thuế, kiểm soát không để những sản phẩm độc hại ảnh hưởng đến người tiêu dùng, giống như quản lý thực phẩm bầy bán ở chợ hay trong các siêu thị. Còn khu vực điện ảnh nhà nước thì sao?

Nếu nhà nước muốn có những phim mà mình thấy cần thì vẫn phải bỏ ra những khoản tiền nhất định để sản xuất những phim đó. Đó là những phim giáo dục truyền thống, những phim chiếu trong những dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc… Vấn đề nhà nước cần suy nghĩ là hiệu quả của đồng tiền bỏ ra để làm sao có được những bộ phim có nội dung sâu sắc, chất lượng nghệ thuật cao (chứ không phải là những phim nhạt nhẽo làm ra cốt để “cúng cụ” cho xong rồi cất kho).

Nhà nước cũng cần làm PR cho các sản phẩm của mình. Lĩnh vực này nhà nước nên học các nhà sản xuất phim tư nhân, phim dở mấy mà PR giỏi họ vẫn hốt bạc. Dầu sao thì phim của nhà nước cầm chắc là lỗ vì mục đích của nhà nước làm phim không phải để kinh doanh. Nhà nước không thể bán vé xem phim đắt như ở các rạp của tư nhân được vì đối tượng phục vụ của nhà nước không phải là những khán giả con cái nhà giàu mà còn đông đảo những người thu nhập thấp ở thành thị lẫn nông thôn...

Tôi từng chứng kiến công cuộc chấn hưng điện ảnh cách đây hơn 10 năm. Lần ấy nhà nước bỏ ra cho chương trình này 208,8 tỷ đồng (xin nhớ 208 tỷ ngày đó tương đương với hơn 400 tỷ bây giờ). Cũng nhờ có số tiền đó mà các hãng phim nhà nước được trang bị thêm một số máy quay, thiết bị chiếu sáng, thu thanh, xây dựng Trung tâm chiếu phim Quốc gia, phục hồi lại được phần nào hệ thống các rạp chiếu phim nhựa (một thời bị biến thành những phòng chiếu phim video, nhà hàng...), trang bị máy phóng cho màng lưới chiếu phim video ở miền núi...

Số tiền nhà nước ngày ấy bỏ ra cho điện ảnh không phải nhỏ, nhưng sự lãng phí trong điện ảnh cũng không ít. Cả một cơ ngơi in tráng, làm hậu kỳ hiện đại nằm đắp chiếu ở Trung tâm kỹ thuật điện ảnh trên đường Hoàng Hoa Thám (nay cho công ty AVG thuê làm trụ sở) vì tất cả các phim truyện của VN bây giờ đều đem sang Bangkok làm hậu kỳ, vừa rẻ lại vừa tốt.

Ba bộ máy làm kỹ xảo cực kỳ đắt tiền cũng nằm mốc meo tại ba nơi không có người sử dụng. Trường quay Cổ Loa đang xây dựng tôi e rồi cũng sẽ cùng chung số phận. Cuộc chấn hưng điện ảnh lần ấy đã qua hơn 10 năm mà chưa hề có một cuộc tổng kết rút kinh nghiệm nào. Bởi vậy lần này lại nghe nói đến hai chữ “chấn hưng”, tôi bỗng giật mình. Ngay sau hội thảo ở Đồng Mô (mà báo chí gọi là Hội nghị Diên hồng của điện ảnh), một tờ báo điện tử có làm cuộc thăm dò ý kiến độc giả. Tính đến ngày 30/9/2011 kết quả có 68% độc giả cho rằng không hy vọng gì vào những nhân tố mới, khó thay đổi bộ mặt của điện ảnh. 25% tin rằng sẽ xuất hiện những nhân tố mới vực điện ảnh đứng dậy. 7% độc giả có những ý kiến khác.

Có lẽ tôi nằm trong số 7% những người có những ý kiến khác trong cuộc thăm dò trên. Ý kiến đó là, nếu Nhà nước muốn duy trì một khu vực điện ảnh của mình, thì việc trước tiên cần làm là phải thay đổi lại quy chế đầu tư và đặt hàng trong điện ảnh. Quy chế hiện hành biến những người nhận đặt hàng của nhà nước (không phải những người nghệ sĩ) thành những ông chủ, coi người nghệ sĩ như những người làm công với mối quan hệ xin cho.

Quy chế hiện hành tạo ra vô số kẽ hở để những kẻ trung gian xà xẻo, rút ruột. Nhà nước cần tôn trọng người nghệ sĩ, trả công thích đáng cho họ (để đừng hổ thẹn với khu vực tư nhân). Về phương diện quản lý, Nhà nước cần sửa đổi lại luật điện ảnh (5 năm qua cho thấy luật này có rất nhiều điều bất ổn), cần cải tiến lại chính sách thuế trong điện ảnh để vừa khuyến khích sản xuất, vừa đảm bảo nhà nước không bị thiệt thòi.

Còn khu vực điện ảnh tư nhân thì hãy để nó tự phát triển và tồn tại theo nguyên tắc cái gì pháp luật không cấm thì cứ việc làm. Nhưng nghĩ cho cùng điều khán giả cần ở điện ảnh Việt Nam là những bộ phim hay, bất kể của nhà nước hay tư nhân, những phim không nhảm nhí vô duyên mà cũng không khô khan nhạt nhẽo. Tôi không bi quan mà cũng không lạc quan. Nhưng tôi hy vọng… một niềm hy vọng giống như đối với bóng đá Việt Nam cho dù chúng ta vừa vỡ mộng ở Sea Games 26.

ĐẠO DIỄN, NSND ĐẶNG NHẬT MINH

Nguồn:
Đến nơi mình là số không



6/12/11

HÀNH TRÌNH VỀ GA SỐ KHÔNG



Một người bạn tôi tâm sự: “Trong cuộc đời mình, cái mình sợ nhất là mất đi niềm đam mê”. Thấy tôi cười nhếch mép vì câu nói nghe rất quen tai, bạn hùng hồn giải thích thêm.

Hình dung giống như bạn đang nghiện chơi game điện tử, mất nhiều tháng để chinh phục từng cung đường khó khăn, nhiều thử thách, rồi một ngày kia bạn đến đích, nhận được thông tin chúc mừng là đã chinh phục hoàn toàn trò chơi này.

Lần sau lại vào game đó bạn bỗng nhận ra bao nhiêu háo hức chinh phục lâu nay biến đâu mất hết. Bạn rời khỏi game với nỗi buồn mình đã mất đi một niềm đam mê. Ra vậy!

Bạn tôi là dân kinh doanh. Dĩ nhiên, kinh doanh là một con đường dài với thiên hình vạn trạng cảm xúc, chứ không đơn giản như game điện tử. Nhờ sự nhạy cảm thiên phú, dù không làm ăn quy mô lớn, chỉ vài cái phòng trà ở thành phố du lịch ven biển, nhưng chị quả thật có tay kinh doanh, khách đến phòng trà nghe nhạc ngày một đông.

Những ngày đầu, khi thấy khách trầm trồ khen ngợi cách trang trí phòng trà, say sưa ngắm nghía mấy bức tranh sơn dầu trên tường, đắm đuối những giỏ hoa tươi ngoài sân vườn, suýt xoa chương trình nhạc hay quá thì chị vui sướng lắm, hào hứng tâm sự rằng chị đã dành bao tâm sức, cố gắng thẩm thấu văn hóa để tạo dựng một không gian đẹp như vậy.

Rồi một hôm, không hiểu sao chị lại thuê người quản lý. Tiền vào vẫn nhiều, ngày càng nhiều, nhưng chị bảo, mỗi lần đến phòng trà tự nhiên chị thấy mệt mỏi vì... nhàm chán. Vẫn những bản nhạc ấy, ca sĩ ấy, vẫn những người khách vừa nghe nhạc vừa nói chuyện nhưng lại khiến chị cau mày.

Chị dừng lại ở con số ba phòng trà, không khuếch trương thành chuỗi như dự định. Lý do: hết đam mê rồi. Trả lời gọn hơ vậy, nhưng tôi thấy chị lại hừng hực khí thế và không ngừng kể về lĩnh vực mới khiến chị quan tâm: công nghệ nuôi dưỡng tế bào gốc để áp dụng vào việc điều trị làn da cho mọi lứa tuổi.

Chị đi học, tham gia các lớp đào tạo kiến thức, mua sắm trang thiết bị, tuyển nhân viên kỹ thuật để lao vào công việc kinh doanh mới. Gặp chị, thấy chị gầy rộc do thức khuya để nghiên cứu tài liệu, dậy sớm để hối thúc nhân viên, đi gặp gỡ bạn bè, khách hàng và giải quyết những món nợ đáo hạn ngân hàng. Rồi chị tiếp tục thành công khi hai cơ sở spa dần có tên tuổi, có khách đều đặn.

Cũng như kinh doanh phòng trà, kế hoạch của chị luôn là tạo chuỗi các cơ sở kinh doanh cùng thương hiệu. Công việc vất vả mà từ chị vẫn toát ra rất nhiều năng lượng tiềm ẩn.

Hai năm trôi qua, những cơ sở kinh doanh của chị đi vào giai đoạn hái quả với lượng khách ổn định. Gặp nhau, chị kể qua loa về những thành quả mà ai cũng mơ ước, và tôi nhận thấy hình như chị lại bắt đầu hoang mang. Căn bệnh cũ nổi lên. Chị đã hết đam mê công việc đang làm. Chị cần thay đổi.

Để lại công việc đã hoàn hảo cho gia đình quản lý, chị như người chuẩn bị cho một chuyến đi mới. Tôi gọi đó là hành trình chị đi tìm “ga số không”. Ở ga số không, mọi con tàu, mọi người đều đang chuẩn bị khởi hành.

Ở đó, trong lĩnh vực kinh doanh mới, chị sẽ quay về con số không với một trận địa trống trải không kinh nghiệm, không khách hàng. Chị cười giải thích: “Mình sắp bước vào một hành trình mới, lại đi học, lại nghiên cứu những kỹ thuật mới đây”.

Người phụ nữ này làm tôi nhớ đến nhiều người nổi tiếng cũng muốn nhận diện bản thân ở nơi họ là con số không như thế. Ngôi sao Hollywood Angelina Jolie chẳng hạn. Ở đỉnh cao của sự nổi tiếng, những vai diễn sáng giá nhất đều dành cho cô.

Thế nhưng, người hâm mộ cô bàng hoàng khi biết tin bộ phim mới Trên mảnh đất máu và mật ngọt do cô viết kịch bản, sản xuất và đã hoàn thành trong năm 2011 động chạm đến đề tài “khó gặm” là cuộc chiến tranh ở Bosnia.

Những người hâm mộ Angelina rất lo lắng vì sợ cô mất sạch uy tín khi lao vào một dự án chẳng có gì đảm bảo thành công trong vai trò nhà làm phim và viết kịch bản. Nhưng phim cũng đã làm xong, và những tin tức đầu tiên đang hé mở khả năng bộ phim của cô có thể đoạt giải Oscar 2012.

Vậy nên, có thể nói, nhu cầu tìm kiếm bản thân ở những địa hạt mình là con số không có thể xuất hiện với bất cứ ai, đặc biệt là người từng có ít nhiều thành công.

Đôi khi người đời gọi họ là những kẻ mau chán, nhưng thực tế không phải thế, họ cần tìm những đỉnh cao mới để giải phóng năng lượng và có dịp lao động cật lực để gìn giữ niềm đam mê, một nhu cầu có ý nghĩa, một điều kiện tối thiểu để sống những năm tháng thú vị trong đời.

KHẢI LY

Nguồn:
Điện ảnh Việt Nam - lạc quan hay bi quan?



4/12/11

CHÙA VÂN SƠN Ở CÔN ĐẢO




Chùa Vân Sơn được các bậc tiền bối Phật giáo và đồng bào Phật tử trong đất liền phối hợp với nhân dân Côn Đảo xây dựng trên Núi Một (Côn Sơn - Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)từ năm 1964, để đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân địa phương và phục vụ các ngư dân đến Côn Đảo tránh bão; đồng thời cũng là nơi mà người dân địa phương cầu chúc cho các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm trong các trại giam khét tiếng ở đây. Trong một thời gian dài, chùa Vân Sơn không có người chăm nom, hương khói nên theo thời gian đã bị hư hại.

Với sự quan tâm của Giáo hội PGVN và tổ đình Vĩnh Nghiêm (TP HCM) cũng như việc thành tâm cúng dàng của các Phật tử và việc góp sức của toàn thể nhân dân, ngôi chùa Vân Sơn – Núi Một đã được khởi công xây dựng lại cuối tháng 7 năm ngoái.

Chùa Vân Sơn mới đã được khánh thành tối 3.12 vừa qua.

Chùa trông thẳng ra biển với phong cảnh rất ngoạn mục.


Lầu trống

Lầu chuông




Đường lên chùa trải qua 200 bậc thang.




Ban thờ Phật.





1/12/11

BỐ VỢ CỨU CON RỂ



Một anh chồng trẻ, có văn hóa, có nghề nghiệp ổn định, để vợ ở nhà chăm hai đứa con. Không phải cô kém cỏi hay thất học. Họ theo hình mẫu phương Tây?

Phụ nữ tốt nghiệp đại học hẳn hoi nhưng ở nhà chăm con tốt hơn. Hai người đi làm mà để con nay ốm mai đau sẽ hại về lâu dài, đồng tiền chẳng đáng. Anh chồng nghĩ mình cố gắng chút cũng bù đắp được “đồng lương còm” của vợ. Thế là ổn.

Cô vợ chăm con, rồi con lớn dần, nỗi mệt nhọc của việc chăm em bé dần thay bằng những tháng ngày dậy sớm, dỗ cho chúng chịu dậy, đánh răng, ăn sáng rồi đến trường đã là một kỳ công.

Con đến trường học rồi, coi như mẹ được đền bù chút nghỉ ngơi, tự thưởng cho mình. Cứ quần quật cắm đầu nuôi con, ngửng đầu dậy thì sắp bốn mươi tới nơi, tuổi xuân đã qua mất.

Đây mới là lúc có thời gian cho bản thân: mua sắm, tập yoga, đến các trung tâm thể thao bơi lội, chú ý đến mỹ phẩm, dưỡng da. Có thời gian lên mạng…

Nếu chuyện đời chỉ có thế thì ổn quá. Nhưng không, mọi rắc rối là do “tự nhiên” cô thấy đời đơn điệu quá. Anh chồng cứ chúi mũi đi làm, được ngày nghỉ chở vợ con về hai bên nội ngoại, nghe con la hét, cho con đi học bơi, đi mua sách, mua đồ chơi, xong rồi cũng mệt lử.

Thế là chẳng ai biết ai nghĩ gì. Dần dần đời sống cá nhân cứ dần thu hẹp lại.

Một hôm, chồng thấy vợ cứ điện thoại, nhắn tin vào lúc đêm khuya. Sáng mai khi cô đang ở nhà tắm, anh vô tình cầm máy điện thoại của vợ và sững sờ với các tin nhắn. Một đôi tình nhân trò chuyện, nhung nhớ…

Anh choáng váng, bất ngờ. Cứ tưởng mình nai lưng ra đi làm nuôi cả nhà, là điều hiển nhiên phải được thương mến, tôn trọng. Nào ngờ cô vợ nhàn cư…

Chuyện tiếp theo là đau đớn, oán giận, tra hỏi. Vợ thú nhận rằng mối quan hệ này là… trên tình bạn, dù hai người chỉ qua chat rồi thành thân mật, nhắn tin như một món ăn tinh thần. Hai bên đều kêu buồn, phê phán cuộc đời chán ngắt, tả cảnh mây gió.

Cô vợ còn tra cứu, sưu tầm văn chương thơ phú, lịch sử, lời các doanh nhân. Họ nghiệm những tin nhắn, tâm sự, trổ tài và trao đổi những suy nghĩ hay ho về cuộc sống nội tâm của nhau…

Có gì đâu! Cuộc trò chuyện ảo, của hai người có gia đình, đang tìm thêm chút phong phú cho tinh thần…

Cô vợ bắt đầu phản công: “Sao anh kiểm tra tư liệu cá nhân? Sao anh thiếu tôn trọng sự riêng tư?...”. Anh chồng vừa đau đớn vừa giận dữ, không muốn rơi vào thế của anh đàn ông ghen tuông, nhưng chưa biết cách nào.

Có người nói: “Sao anh không tìm xem cái thằng mất dạy kia là thằng nào để cho nó một trận, chừa thói vụng trộm lừa dối vợ con để gửi hồn ở bên ngoài, tán tỉnh vợ người ta”.

Nhưng anh chồng nói rằng anh không là loại người phải đi tấn công ngăn chặn đám mất dạy ngoài đường, mà đau ở chỗ người nhà mình ngu dại, lố lăng.

Cô vợ vẫn không thấy mình có lỗi, mà đổ lỗi cho chồng: Tại đời sống hôn nhân buồn tẻ quá, tại chồng không chia sẻ, tại chồng chỉ chăm về nhà mẹ đẻ… Làm như việc chồng mình quan tâm đến cha mẹ là một lỗi lớn.

Cô giận dỗi, đối phó bằng cách không quanh quẩn ở nhà cơm nước chu toàn nữa, mặc kệ cho chồng về thấy cảnh “vườn không nhà trống”.

Có lúc cô còn cao giọng rằng cô chẳng có lỗi gì, cô đã gặp người kia bao giờ đâu, chỉ là viết thư, sống bằng những lời ngọt ngào của người xa lạ, không thể thiếu những tin nhắn.

Trong một lúc tranh cãi, cô còn đập tan tành cái điện thoại, anh chồng lẳng lặng nhặt lấy cái sim. Nghĩ thương tình vợ ở nhà bế tắc, mình không quan tâm chia sẻ là cũng có lỗi, anh chồng mua chiếc điện thoại mới tặng vợ.

Cô càng được thể, từ đó kiếm cách khóa các tin nhắn để chồng không vào xem được (mọi ngày cô đâu rành kỹ thuật này, chắc chắn đã chia sẻ và “thằng cha kia” đã bày cách cho cô đối phó).

Anh chồng tử tế buồn lo lắm, cứ cảm thấy mình có lỗi vì đã “lục soát kiểm tra sự riêng tư”. Nhưng nếu không làm thế, sao biết được người nhà mình lấn sâu vào chuyện gì…

Đang lấn cấn về lối ứng xử tôn trọng của giới có học, thì may thay, ông bố vợ bình dân xuất hiện. Nghe chuyện, ông gọi con gái lại “bạt tai” cho một cái tỉnh đòn. Lý sự của ông khác hẳn chàng rể trí thức.

Ông quát: “Riêng tư cái con khỉ! Tôn trọng cái riêng tư tử tế chứ không ai tôn trọng cái lũ mất dạy! Chúng bay giấu giếm lừa dối gia đình, phải vạch mặt chỉ tên ra. Chỉ có ngu mới tôn trọng sự mất dạy”.

Rồi ông truy cô con gái đang sợ xanh mắt: “Thằng khốn nạn kia là thằng nào, đưa địa chỉ nó đây tao đến cho nó mấy cái đạp, chứ tôn trọng gì ở chuyện này. Từ nay tao cấm. Nghe chưa? Có chồng có con đàng hoàng không biết gìn giữ. Đồ mất nết, làm xấu hổ cả cha mẹ…”.

Lời “lỗ mãng” mà đúng vấn đề, đã kìm cô gái lại. Cô đã biết sợ cái lỗi vớ vẩn của chính mình… Ông bố vợ có bài thuốc hay hơn chàng rể. Thân lừa ưa nặng!

QUẢNG YÊN

Nguồn:
Bài thuốc nặng ký của ông bố vợ…



 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết