16/9/11

TÔI RA ĐÂY CÓ PHẢI XƯNG DANH KHÔNG NHỈ?



1. Cái danh con người trong cuộc sống quan trọng lắm. Nguyễn Công Trứ từng viết “Làm trai đứng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông”. Khổng Tử cũng đã nói: “Danh chính ngôn thuận”. Đúng là làm gì cũng phải có cái danh.

Đến thằng hề trong chèo cũng phải xưng danh nữa là. Nhiều tích chèo, cứ ra đến sân khấu là anh hề lại phải dùng tiếng đế “danh”. Lời đế có nhiều loại, nhưng loại dùng nhiều nhất, cho nhiều tình huống, hoạt cảnh nhất là: “Bà con ơi, tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?”. Liền ngay đó có tiếng đế lại “Không xưng danh thì ai biết là ai”. Nhiều đến nỗi tiếng đế này trở thành câu cửa miệng của các anh hề.

Quả thực tiếng đế danh ấy có vai trò quan trọng lắm, nó khiến cho nhân vật anh hề được giao lưu với người xem. Ngược lại người xem được tham gia cả vào diễn xuất qua câu trả lời. Tóm lại, nó làm cho chú hề chèo và người xem có một sự đồng cảm đặc biệt. Trong sự đồng cảm ấy, người xem không còn là người thưởng thức thụ động, mà họ từng lúc tham gia vào trò diễn với tư cách là người chứng kiến sự việc đang diễn ra trên sân khấu.

Có lẽ giữa chiếu chèo, tiếng trống, mõ, thanh la, não bạt, chũm choẹ... chưa đủ gây không khí nên người ta phải đế thêm như thế thì nó mới đủ xôm tụ. Để ai chưa biết buổi diễn bắt đầu hãy đến mà xem. Hơn nữa, tiếng đế ấy cũng làm cho người xem tỉnh táo, phân tích từng vấn đề được dựng lên trên sàn diễn với thái độ thích hợp. Bởi người xem đã biết người diễn ấy là ai.

2. Nhưng danh ấy được dùng đúng lúc, đúng chỗ, còn mấy ngày nay dư luận lại sôi sục chuyện danh của một số “ông quan”. Có ông chức danh “Phó Ban chỉ đạo TP.Cần Thơ về Phòng chống tham nhũng” được in chỗm chệ lên thiệp mời đám cưới con mình. Có ông quan mượn tiền cấp dưới cả tỷ bạc, dù ấy là “giao dịch cá nhân”, nhưng cá nhân ấy đang khoác trên mình một cái danh to tướng.

Ranh giới giữa công - tư vốn mong manh. Tổ chức Minh bạch Thế giới có đưa ra một định nghĩa ngắn gọn mà triết lý: “Tham nhũng là sự lạm dụng quyền lực được trao phó cho tư lợi”, cụ thể đó là khi quan chức sử dụng quyền lực công cho lợi ích tư. Chưa biết vô tình hay hữu ý thế nào, nhưng qua những việc thế này, hình ảnh những vị quan đáng kính, vốn được coi là “công bộc” của dân sẽ được nhìn với thái độ như thế nào.

Luật pháp Việt Nam đã quy định cấm sử dụng tài sản công vào những việc riêng tư như không dùng xe công để đi chơi, thăm viếng, lễ lạt; không dùng nhà công để kinh doanh; không đủ tiêu chuẩn thì không lạm chiếm nhà công sau khi công vụ đã kết thúc... Có lẽ giờ phải thêm, “không được mượn danh “công”.

Đạo lý tự xưa: “Việc công làm trọng niềm riêng sá gì”. Vậy nên, làm quan mà không công tư rạch ròi, dùng công để vun vén tư thì nên từ chức cho dân nhờ, kẻo nếu không, dễ biến phường mang danh mưu cầu giá áo túi cơm, có hơn một cái danh anh hề.

NGUYỄN GIA

Nguồn:
Phải chăng cây có tính người?



10/9/11

CÂY CÓ TÍNH NGƯỜI



Có hai loại cây nhà và cây rừng khó tính bà chằn.

1.
Đó là cây mít và cây dâu da. Trước đây nhà anh tôi có cây mít to. Vào mùa, quả ra chiu chịt từ gốc lên ngọn có đến dăm bảy chục trái. Những năm ấy nông thôn hiếm tiền, quả mít to bằng cái rổ đại, đem bán chẳng mua nổi nửa đấu gạo. Người ta cần cơm no chứ chưa cần hoa quả ăn chơi. Cho nên ăn không hết thì có cho xung quanh trong xóm.

Rồi thời gian sau, anh tôi đi cày về, tiện tay buộc chạc trâu vào gốc mít. Trước đây trâu thường được cho vào chuồng. Anh bảo để trâu nằm gốc mít cho thoáng mát. Có một cành la, anh chặt đi để ngoắc chạc trâu cho tiện. Buổi chiều trâu thả chăn thì cái cành thành chỗ phơi chiếu, quần áo, tã lót. Từ đấy dưới gốc trâu hay cọ mình làm bong tróc từng mảng vỏ, chưa kể nó còn phóng uế nhoe nhoét, khai nồng. Trẻ con mất chỗ chơi. Năm sau cây mít thưa quả dần và ba năm sau thì tịt hẳn. Anh tôi chẳng hiểu tại sao.

Một bữa có khách xa đến chơi, thấy cây mít đại thụ mà không quả. Ông lẳng lặng nhìn gốc cây ông khẽ lắc đầu. Câu chuyện loanh quanh thế nào lại lan sang gốc mít, ông khách nói ngay: Nhìn cái tôi biết ngay sao cây mít tắt quả. Mít là loài cây thiêng, gỗ chỉ được dùng đóng đồ thờ hoặc tạc tượng. Anh buộc trâu để nó phóng uế bừa bãi rồi lại còn phơi đồ bẩn lên, nó không chịu đâu.

Anh tôi chợt hiểu, cho dọn dẹp sạch sẽ gốc cây. Từ đấy không buộc trâu dưới gốc mít nữa. Năm sau mít lại ra quả. Ba bốn năm sau lại chiu chịt từ gốc đến ngọn. Thật không sao hiểu nổi!

2. Hàng xóm sau nhà anh tôi có cây dâu da mọc ngay bên chái nhà. Vùng tôi người dân có thói quen là không nhổ bỏ bất kì loài cây ăn quả nào nếu nó mọc lên quanh nhà quanh vườn. Người ta coi nó là lộc trời cho không được tùy tiện ngắt bỏ đi. Nhưng cũng có lẽ là do vườn tược rộng rãi nữa! Nên các loại cây ăn quả như táo, ổi, na, xoài, chanh, bưởi chen nhau như răng mọc lẫy.

Cây dâu da thì cũng vậy. Nó là giống ở rừng tự mọc lên ở đó từ lúc nào, chủ nhà cũng để mặc. Dâu da cạnh hơi người lên tốt xum xuê. Gần mười năm thôi mà gốc bạnh ra như cổ thụ. Nhưng lạ là cứ tàn hoa là rụng ráo. Năm sáu năm trời như vậy, cuối cùng cây ăn quả trở thành cây che bóng mát. Có người nói hay là giống dâu da điếc.

Không biết ai bảo, vào ngày Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 giết sâu bọ thì hai đứa con nhà ấy dậy sớm tinh mơ. Thằng em nhẹ người leo tót lên cây biến vào chùm lá rậm. Con chị thì tất tả ra góc chuồng lợn vác cái vồ gỗ to hơn người. Nó rướn mình quai vồ, miệng lầm bẩm: “dâu dả dâu da, ra quả cho bà, không tao đánh chết!”. Nói rồi nó táng ba nhát vồ vào gốc. Thằng em trên cành cao giả vờ kêu thét: “Con lậy van bà/ bà đừng đánh nữa/ rồi quả sẽ ra”... Xong việc thằng em tuột xuống gốc cười toét. Cả hai đứa kì vọng vào mùa hoa sang năm.

Năm sau vào tháng ba, những chùm hoa buông dải chi chít như dây lộc vừng. Kì diệu thay mùa hoa này kết trái. Những chùm dâu da treo lúc lỉu như đèn lồng. Mùa sau tiếp mùa, năm nào gốc dâu da bên trái nhà hàng xóm đều cho hàng tạ quả...

Lạ thế, mít là giống cây vườn thì khó tính và khái tính đến lạ kì. Dâu da, giống cây rừng thì lại phải thuần hóa mới chịu cho quả. Phải chăng cây cũng có tính người?

Bài và tranh minh họa: ĐỖ ĐỨC

Nguồn:
Phải chăng cây có tính người?



7/9/11

MINSK - NHÌN TỪ TRÊN CAO


Minsk - thủ đô Belarus. Thành phố bị phá hủy hoàn toàn trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 và được xây dựng lại sau chiến tranh. Minsk do vậy là thành phố trẻ. Thời Liên Xô, đây là một trong những thành phố đẹp nhất, hiện đại nhất và sạch sẽ nhất. Giờ đây, Minsk vẫn sạch vẫn đẹp như thế và hầu như không có sự xô bồ giống như các thành phố khác của Nga. Minsk được mệnh danh là "thành phố cấm".

Ảnh 1. Tháp cạnh Bộ Quốc phòng Belarus.


2. Khu vực tháp truyền hình.

3. Đảo Nước mắt (kỷ niệm những chiến sĩ chết trong chiến tranh Afghanistan)
trên sông Svisloch.


4. Cung thể thao và Sân trượt băng trong nhà.

5. Nhìn từ đỉnh ngôi nhà cao nhất Minsk.

6.Quảng trường trung tâm.

7. Trên nóc tòa nhà cạnh ga đường sắt.

8.9.10.11. Quang cảnh khu vực Nemiga.




12. Công viên Chiến thắng. Hồ Komsomolskoe.

13. Quảng trường Chiến thắng.

14. Thư viện Quốc gia Belarus.

15. Tháp đồng hồ trên đại lộ chính của Minsk.

16. Trụ sở chính phủ Belarus.

17. Dưới Quảng trường Độc lập là trung tâm thương mại ngầm "Thủ đô".

18. Nhà thờ Thánh Simeon và Elena.

19. Sân vận động Dinamo.

20. Trước Nhà hát Ballet và Opera Quốc gia.



4/9/11

LÊ VIỆT ANH TRƯỢT GIẢI NHẤT SAO MAI 2011


Lương Nguyệt Anh

PHONG CÁCH THÍNH PHÒNG

1. Vũ Thắng Lợi

Áp lực là người mở màn đã thể hiện rõ trong giọng hát kém phong độ và thiếu lửa của thí sinh mà tôi đặt nhiều kỳ vọng là sẽ đứng đầu dòng nhạc này.

Ca khúc bắt buộc "Giấc mơ mùa lá" của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng được Lợi hát bằng một giọng sáng, khá tình cảm. Nhưng Lợi đã làm hỏng ở nốt cao nhất. Bài này được Lợi xử lý hiền lành quá, hoàn toàn không có đột phá gì.

Bài thứ 2 là "Giá em đừng yêu anh" của Phạm Tuyên, lời thơ: Bùi Văn Dung. Bài này rất ít người hát, trước kia chỉ có cố ca sĩ Ngọc Tân trình bày thành công. Lợi hát bài này rất chênh vênh, thiếu độ da diết và nồng nàn. Tôi hơi ngạc nhiên, vì Lợi chọn bài này mà lại hát không hề hay. Câu kết cũng bị hỏng nốt cao.


2. Đào Tố Loan

Loan mở đầu bài "Có một dòng sông trong lành" của An Thuyên rất ấn tượng, mặc định ngay cô đang thi thể loại thính phòng. Nhưng câu thứ hai thì bị xỉn. Cô có nhược điểm là lấy hơi to quá, nhiều chỗ hát không rõ lời, những nốt cao hát bị hụt hơn.

Trong bài tự chọn "Cô gái vót chông" của Hoàng Hiệp, Loan có cách xử lý khác hẳn khuôn mẫu đã nằm lòng bao nhiêu thế hệ mà NSND Tường Vi tạo dựng ra. Ở bài này, cô thể hiện rõ bản lĩnh sáng tạo của mình. Đáng tiếc, là giọng của Đào Tố Loan trong bài này lại không có cá tính riêng.

3. Nguyễn Khánh Ly

Khánh Ly là ca sĩ lọt vào vòng chung kết nhờ phiếu bình chọn của khán giả (không rõ có phải khán giả thực sự bình chọn cho cô hay không). Tuy nhiên, một BTV âm nhạc nói với tôi rằng giọng hát của cô rất hay, chỉ có điều bản lĩnh sân khấu chưa có mà thôi.

Vì vậy mà tôi mong chờ màn đột phá của cô.

Khánh Ly hát bài bắt buộc "Hoa tím cung đường" của Đức Trịnh. Cô có giọng khá lạ, giọng này hát nhạc nhẹ chắc hay hơn hát thính phòng. Đoạn mở đầu cô hát rất hay, các đoạn phiêu cũng vậy. Nhưng có điều lạ là cô cứ hát lời là y như rằng bài hát trở nên tẻ ngắt.

Cả bài "Lời ru cho anh" của Phạm Đình Sáu cũng được Ly hát theo kiểu như vậy. Có lẽ cô biết điểm yếu của mình khi hát lời, nên dành nhiều thời gian để phiêu. Nhưng phiêu hơi nhiều, đâm ra thành lạm dụng.

Dự đoán: Hơi khó, vì không có ai thực sự nổi bật. Có thể Đào Tố Loan sẽ hơn điểm nhờ xử lý "Cô gái vót chông" theo cách riêng, tương đối chấp nhận được.

PHONG CÁCH DÂN GIAN

Các thí sinh thi phong cách dân gian bao giờ cũng được tôi mong đợi nhất, bởi đây là dòng nhạc dễ nghe nhất nhưng để hát hay lại rất khó. Hơn nữa các nữ thí sinh hát dòng nhạc dân gian những năm gần đây rất xinh. Bùi Lê Mận - giải Nhất Sao Mai 2009 là một ví dụ.

1. Nguyễn Thị Phương Thanh

"Cung đàn Thúy Kiều" của Ngọc Thịnh mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh. Nhưng không hiểu do sáng tác, hay do cách hát của... mà bài này thiếu hẳn độ ngọt ngào, sâu lắng vốn có, tiêu biểu cho dân ca Nghệ Tĩnh.

Ở ca khúc tự chọn, Phương Thanh tiếp tục chọn âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh qua "Hết giận rồi thương" của Tiến Dũng và Hoàng Lương. Ở bài này, cô khắc phục được nhược điểm đã mắc trong bài trước: bài hát trở nên sâu lắng hơn, đa tình hơn. Đáng tiếc là hai ca khúc cùng một màu, khiến Phương Thanh không thể hiện được sự đa dạng trong giọng hát của mình. Đã thế cả hai bài hát đều không có cao trào.

2. Nguyễn Thị Bích Hồng

Hát "Chiều phủ Tây Hồ" của Phú Quang, thơ Thái Thăng Long là một thách thức đối với bất cứ ca sĩ nào. Bích Hồng ngồi giữa sân khấu như hát ả đào, tạo ấn tượng tốt về mặt hình ảnh. Trong tiếng đàn đáy khắc khoải, cô thể hiện đoạn đầu khá tốt. Tuy nhiên, giọng của Hồng khá mỏng, đã thế có những đoạn cô luyến láy điệu một cách bất thường, khiến bài hát như đãi ra. Nhưng dù sao cũng nên biểu dương Hồng vì đã có cố gắng xử lý bài hát theo một cách mới hơn.

Hồng chọn "Nhớ về quê mẹ" của Vân Đông với âm hưởng hò Huế như một cách lấy lòng khán giả cố đô (vòng chung kết Sao Mai năm nay diễn ra ở Huế). Nhưng tiếc thay bài hát của cô lại ít chất Huế quá. Không biết do Hồng không bắt chước được giọng Huế, hay cô cố tình dùng giọng Bắc để hát một bài hát về Huế, mà khán giả như tôi nghe cô cứ có cảm giác đang ăn món "giả cầy".

3. Lương Nguyệt Anh

Ở "Lời ru" nhạc: Lê Minh, lời: Hoàng Hạnh, phải ghi nhận rằng Nguyệt Anh đã có một bài hát ru ngọt ngào, điểm xuyết khắc khoải cần thiết. Chất dân gian được cô thể hiện rất rõ nét, cộng thêm với cách xử lý khá thông minh.

Dàn nhạc dây chơi đoạn dạo đầu cho "Làng quan họ quê tôi" của Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Phan Hách quá hay, mở ra một không gian vô cùng lãng mạn. Nhưng trên cái nền đó, Nguyệt Anh lại không vẽ nên được một bức tranh quan họ trải rộng và tràn đầy màu sắc. Cô chủ động làm chậm tiết tấu, khiến bài hát phần nào mất đi sức sống vốn có của nó. Tiếc rằng giọng hát hay và những nỗ lực xử lý riêng của Nguyệt Anh đã không làm cho bài này hay hơn.

Dự đoán: Có thể Nguyệt Anh sẽ chiến thắng.

PHONG CÁCH NHẠC NHẸ

1. Nguyễn Huy Quyết

Quyết hát 2 bài: "Sẽ mãi yêu anh" nhạc Phùng Tuấn Hà, thơ: Pushkin và "Giấc mơ" của Hải Thuận. Ấn tượng chung là Quyết có một giọng hát trữ tình đẹp. Tuy nhiên, ở cả hai bài, Quyết chọn cách hát an toàn, hiền lành, không có cao trào. Ban nhạc đệm cho Quyết chơi rất ra chất nhạc nhẹ, nhưng Quyết lại không thể hiện điều đó trong giọng hát của mình.

2. Đoàn Thị Thúy Trang

Tôi luôn thích các ca khúc của nữ nhạc sĩ Giáng Son. "Mùa đông không lạnh" là một ca khúc mà Giáng Son phổ thơ của Quế Chi. Các bài của Giáng Son đầy những nỗi khắc khoải và được thể hiện bằng những giọng hát rất kịch tính như Tùng Dương. Lần này, những khắc khoải của Giáng Sơn được Thúy Trang thể hiện bằng một giọng cao và thanh thoát, khá lạ và cũng hay. Nhưng có một số nốt cao Trang hát bị vỡ.

Rất tiếc, sang bài tự chọn "Nếu như anh đến" của Nguyễn Đức Cường, Trang lại đánh mất toàn bộ cá tính của mình trong một bài hát mà lẽ ra rất phù hợp với một ca sĩ trẻ như cô.

3. Lê Việt Anh

Hoàn toàn không có cảm giác rằng Việt Anh hát "Anh yêu em" của Vũ Quang Trung là ca khúc bắt buộc, vì đã biết phả vào bài hát cũ này một không gian rất mới. Ưu điểm của Việt Anh là hát các nốt thấp rất rõ, không bị xỉn. Có lẽ Việt Anh là thí sinh duy nhất của Sao Mai 2011 làm chủ được giọng hát của mình. Cậu đã làm mới bài hát một cách đầy thuyết phục, nhất là cách tạo ra đoạn cao trào rất phê.

Hy vọng Việt Anh sẽ trở thành nam ca sĩ thứ hai ở Việt Nam sau Tùng Dương có giọng hát biến hóa. Tôi có suy nghĩ thế sau khi nghe Việt Anh hát "Vậy thôi" của Xuân Thủy. Thật không uổng khi để cậu thi ở vị trí cuối cùng. Việt Anh xứng đáng là ca sĩ hát hay nhất đêm chung kết.

Dự đoán: Lê Việt Anh đoạt giải Nhất.

KẾT QUẢ CHUNG CUỘC:

Phong cách thính phòng
Giải Nhất - Đào Tố Loan
Giải Nhì - Vũ Thắng Lợi

Phong cách dân gian
Giải Nhất - Lương Nguyệt Anh
Giải Nhì - Nguyễn Thị Phương Thanh

Phong cách nhạc nhẹ
Giải Nhất - Đoàn Thị Thúy Trang
Giải Nhì - Lê Việt Anh

Một chút bất ngờ khi giải Nhất phong cách nhạc nhẹ không thuộc về Lê Việt Anh như dự đoán. Tôi lại cứ ngỡ là Thúy Trang chỉ đoạt giải Ba thôi đấy.

Ban nhạc dưới sự chỉ đạo của nhạc sĩ Xuân Thủy vẫn chơi rất hay, giống như họ đã từng chơi ở Sao Mai 2009.

Tham khảo:
CHUNG KẾT SAO MAI 2009



3/9/11

LỄ NGHĨA THỜI KỸ THUẬT SỐ



Thời đại “số hoá” với những công nghệ hiện đại cho phép mọi người trao đổi thông tin nhanh chóng và tức thời qua điện thoại, email, chat, webcam… Tiện dụng và dễ dàng là vậy, nhưng với một số người lớn tuổi thì điều này dường như đang làm mất đi những phép tắc, lễ nghĩa cũng như làm sai lệch các quy tắc ứng xử, mà theo họ là cần phải có trong đời sống.

Họ quá khó tính, quá câu nệ lễ nghi, hay họ đang hành xử đúng? Những câu chuyện dưới đây ghi lại thực tế đã xảy ra.

Mất một tình bạn 30 năm

Sau 30 năm làm bạn thân, bà Hường ở quận 1 và bà Mỹ ở quận 3 đã quyết định làm sui với nhau, khi hai con của họ cảm thấy tâm đầu ý hợp. Vì quá thân nhau, quá rành rẽ tính cách của nhau, quá hiểu nhau, quá biết về đời sống của nhau… nên lễ cưới diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng. Hai bà mẹ cùng rủ nhau đi mua sắm, họ cùng mua một loại vải may áo dài, cùng mua trang sức của một nhãn hiệu, cùng chọn mẫu hoa trang trí trong nhà. Thậm chí phía nhà trai và nhà gái còn giành nhau trả chi phí đãi tiệc, giành nhau trong việc mời bạn bè chung… vì đó là đứa con duy nhất của họ. Bà mẹ nào cũng biết rõ, tất cả những gì cha mẹ có sẽ đều để lại cho con, và bản thân họ thương con thế nào thì người bạn họ cũng sẽ thương con như thế, nên không hề tính toán so đo trong bất kỳ việc gì.

Hạnh phúc ngập tràn là thế, nhưng có ngờ đâu chỉ sáu tháng sống chung, con của họ đã chia tay. Cô dâu về nhà mẹ ruột (bà Hường) cách nhà mẹ chồng 2km. Mẹ cô dâu ngồi chờ điện thoại suốt ba ngày không thấy phía nhà trai gọi sang, quyết định cho con gái ở luôn và không cho quay về nhà chồng trừ phi đích thân mẹ chồng và chồng phải qua “nói chuyện”. Ngược lại, bà Mỹ cho rằng con dâu tự ý ra khỏi nhà, muốn quay về thì phải có cha mẹ đưa sang. Ngay trong ngày con dâu rời nhà, bà Mỹ đã gửi email nói rõ suy nghĩ này với bà Hường.

Hơn mười ngày sau vụ việc, bà Hường mới check mail, và không trả lời. Bà Hường tâm sự: “Khi là bạn, ngày nào chúng tôi cũng chat với nhau để chia sẻ mọi điều, rủ nhau đi ăn uống, đi mátxa, đi làm đẹp… Nhưng trong những ngày con gái bất ngờ trở về, tôi bấn loạn tinh thần, lòng như lửa đốt, buồn, giận, bực tức và nhiều cảm xúc lẫn lộn nên không hề kiểm tra hộp thư. Đến khi đọc email bả gửi, tôi càng giận hơn. Chuyện quan trọng như vậy, tại sao bả không thể gọi điện cho tôi, chuyện hai đứa nhỏ không hợp nhau thì đó là sự khác biệt của tuổi trẻ, bậc làm cha mẹ đâu thể ép được. Nhưng tôi giận bả, nếu ngại đến nhà tôi thì bả và tôi có thể hẹn nhau ra tiệm càphê để cùng trao đổi, tại sao chỉ là email lạnh lùng?”

Còn bà Mỹ trong tâm trạng buồn rầu, cho biết: “Con mình là trai, con của bạn là gái, tôi hiểu những mất mát của bà mẹ có con gái phải dang dở lần đầu, mà không biết dùng lời lẽ nào để nói với bả. Nên đành gửi email”.

Hai người bạn tưởng chừng thân nhất đã cắt đứt tình bạn thâm sâu chỉ vì email.

Thiệp cưới qua email

Lần đầu ngồi sui, ông Hùng – là nhà giáo, cẩn thận lập danh sách những đồng nghiệp, bạn bè, người thân và lên kế hoạch mời trước lễ cưới cả tháng. Ngặt nỗi lịch giảng dạy trong tháng 5 dày đặc (vì học sinh chuẩn bị vào mùa thi), không đủ thời gian đến tận nhà gửi thiệp mời từng người, ông Hùng và vợ bàn nhau sẽ gọi điện thoại, sau đó gửi thiệp qua email hoặc đường bưu điện.

Ngày cưới của con, 23 người khách ông Hùng gửi thiệp mời qua email, chỉ có năm người đến dự. Ông Hùng khá ngạc nhiên, vì trước đó ba ngày ông đã gọi điện thoại lại một lần nữa để xem email đã đến đúng địa chỉ hay chưa, thì hầu hết đều đã nhận được thiệp mời.

Sau lễ cưới, một vài người bạn thân đã thẳng thắn cho biết, họ không đến vì nghĩ thiệp mời qua email là không trân trọng. Họ nghĩ có vẻ như chủ nhà đã hết thiệp in, chợt nhớ đến họ nên gửi thiệp email để sau này khỏi bị trách. Anh bạn cũ của ông Hùng nói: “Gửi thiệp mời qua email cũng như thư chào hàng, thiệp điện tử mà chỉ cần một cú nhấp chuột là gửi đến cả trăm, cả ngàn người. Thư điện tử có thể rơi vào thùng rác. Trong khi đám cưới là chuyện hệ trọng cả đời người, nếu gửi email thì người nhận có thể xem như thư vào spam rồi, chẳng cần quan tâm”.

Mẹ chồng và tin nhắn

Cô Nguyệt Hồng, ngụ tại quận Bình Thạnh kể với bạn bè, mẹ chồng là người khắt khe và quá khó tính. Mỗi khi có chuyện cần liên hệ, hay muốn nhờ mẹ nấu cơm hộ, nhờ mẹ đón con ở trường, nhờ mẹ làm việc gì đó… vì cô bận việc, thì phải gọi điện thoại. Mẹ chồng đã nói trực tiếp với vợ chồng cô: mẹ không xem tin nhắn của hai con, và tuyệt đối không thực hiện bất cứ đề nghị gì qua tin nhắn. Cô Hồng bảo: “mẹ chồng tôi mới có 50 tuổi, mắt còn tỏ, đâu bị lão hay cận mà không chịu đọc tin nhắn của con cơ chứ!”

Người mẹ chồng này có lý lẽ riêng của mình. Bà Hồng cho rằng: “Tôi vẫn còn đi làm, và bản thân tôi không hề lạc hậu so với các phương tiện thông tin hiện đại trên máy tính, điện thoại… Nhưng tôi hiểu con trai và con dâu tôi còn khá trẻ, nhiều lúc chưa ý thức hết được vai trò và trách nhiệm làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ trong gia đình. Vì vậy tôi buộc chúng phải điện thoại cho tôi, để tôi có thể nghe giọng chúng, hỏi thêm cặn kẽ những lý do phải nhờ mẹ”. Theo bà Hồng, nói chuyện sẽ tạo thành mối giao tiếp, chia sẻ, thông hiểu nhau, giàu tình cảm hơn. Còn tin nhắn ngắn gọn, cụt ngủn, không nên lạm dụng, nhất là đối với người lớn hơn mình.

Bản thân bà Hồng cũng chưa bao giờ nhắn tin cho các anh, chị trong gia đình. Khi cần liên hệ, thăm hỏi, bà đều gọi điện thoại hoặc đến tận nhà. Mọi người quý bà, và vì thế bà cũng muốn con mình học cách này để xây mối dây thâm tình với người thân.

MINH THÀNH

Nguồn:
Lễ nghĩa thời kỹ thuật số





2/9/11

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP 2/9/1945



Đã bao giờ bạn đọc toàn văn Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 2/9/1945? Hôm nay ta cùng đọc lại nhé!

Hỡi đồng bào cả nước,

"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.

Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.

Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.

Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.

Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.

Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.

Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không "bảo hộ" được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật.

Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.

Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.

Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.

Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa.

Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.

Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.

Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.

Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!

Vì những lẽ trên, chúng tôi, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.







1/9/11

THỜI CỦA QUẢNG CÁO



Chưa bao giờ quảng cáo lại tràn ngập trong mọi ngóc ngách như hiện nay. Bật ti-vi lên, quảng cáo. Mở báo ra, quảng cáo. Bật radio lên, cũng quảng cáo. Ngồi trong taxi, cũng thấy quảng cáo… Quảng cáo trên ti-vi mới thật sự là hiểm họa. Tại Mỹ, trung bình, một người phải xem khoảng 20.000 spot quảng cáo trên ti-vi mỗi năm.

Nghĩa là, mỗi ngày, họ “bị” xem khoảng 55 spot quảng cáo. Vì lẽ đó mà Jim Stengel, giám đốc Tiếp thị Toàn cầu của P G, luôn miệng nói với các đại lý quảng cáo của công ty tại châu Á: “Thời của TVC 30 giây đã không còn nữa!”. Ông “phán” câu này tại Mỹ. Còn ở Việt Nam, tuy chưa có nghiên cứu, thế nhưng mỗi break (thời gian chen giữa chương trình), có đến gần 20 spot quảng cáo.

Quảng cáo kiểu dội bom có còn hiệu quả?

Khi người xem màn ảnh nhỏ bắt đầu chuyển kênh khi thấy quảng cáo, đó là lúc các giám đốc tiếp thị phải nghĩ cách làm sao để người tiêu dùng chấp nhận dừng lại xem quảng cáo của họ một cách hứng thú.Trước hết, họ tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo, độc đáo để chuyển tải thông điệp. Kế tiếp, các chiến lược gia phải tìm kiếm những kênh thông tin và cách tiếp cận mới đến với người tiêu dùng.

Và rồi họ nhận ra, nếu lồng ghép thông điệp quảng cáo một cách thông minh vào các chương trình giải trí, người xem ti-vi sẽ ít chuyển kênh khác hơn. Khi đó, việc tiếp nhận thông tin cũng dễ dàng hơn. Tất nhiên, mục đích quảng bá hiệu quả hơn, hình ảnh thương hiệu được khắc sâu hơn. Đây là điều mà 30 giây quảng cáo không bao giờ làm được.

Thế là một khái niệm mới “Branded content” ra đời (tạm dịch: Chương trình lồng ghép thương hiệu).Khái niệm “content” ở đây bao gồm cho tất cả các kênh từ truyền hình đến radio, online, điện thoại di động và xuất bản. Đặc biệt là điện thoại di động đang được chú ý nhiều nhất vì tính phổ biến và khả năng “mọi lúc mọi nơi” của nó.

"Không thắt dây an toàn thì tai nạn có thể gây chết người ngay cả khi đi với vận tốc 20 km/h"

Từ loạt phim Tay lái thuê của BMW ở Mỹ…

BMW là một trong những thương hiệu đầu tiên nhận ra và áp dụng “Branded content”. Năm 2000, sau hàng loạt các cuộc nghiên cứu người tiêu dùng tại Mỹ, BMW phát hiện ra rằng trước khi quyết định mua xe, các khách hàng tiềm năng thường sử dụng Internet như một công cụ chính để tìm kiếm thông tin.

Trên cơ sở đó, BMW quyết định phát triển cách tiếp cận mới đó là làm một loạt phim ngắn có cốt truyện hẳn hoi, tốc độ nhanh. Họ mời những người nổi tiếng thủ vai và làm đạo diễn cho các phim quảng cáo như Madonna, James Brown, Ang Lee, John Woo, Guy Ritchie, Wong Kar-Wai…

Dự án này được giao cho Fallon Worldwide, công ty quảng cáo chỉ có bốn văn phòng chi nhánh trên thế giới nhưng nổi tiếng về sáng tạo.Toàn bộ 8 phim ngắn đều nói về một người lái xe thuê do nam tài tử Hollywood Clive Owen thủ vai.

Bộ phim nhằm đề cao những tính năng siêu việt của BMW như chống đạn, hệ thống định vị toàn cầu…Quan trọng hơn, loạt phim giúp định vị BMW là dòng xe cao cấp, dành cho những người có thể ảnh hưởng được người khác.

Trong phim, Clive Owen là người lái xe thuê (tất nhiên là dùng xe BMW) luôn thực hiện sứ mệnh lái xe cho thân chủ mình là những người nổi tiếng như: thương gia, chính trị gia, ca sĩ, diễn viên điện ảnh, nhà báo, người mẫu…

Điều mà ai cũng nhận thấy khi xem phim là tính kỷ luật, trung thành của người lái xe thuê. Câu chuyện hay, tiết tấu nhanh, cảnh quay đẹp cộng với tài diễn xuất của diễn viên và đạo diễn chuyên nghiệp, đã tạo ra cơn sốt đối với những người mê phim và mê xe.

Bộ phim được mệnh danh là “quảng cáo mà không được quảng cáo”. Loạt phim này được tải lên trang web của BMW. Mọi người có thể xem và tải về miễn phí. Loạt phim hấp dẫn đến độ hiện nay, người ta còn sao chép lậu để bán trên thị trường.

Chỉ trong 4 tháng sau khi lần đầu tiên tung ra loạt phim này, hơn 2 triệu người đăng ký xem và gửi đường link cho bạn bè, người thân.Tổng cộng trong năm đó đã có hơn 11 triệu lượt người xem. Doanh số BMW tăng 12% so với năm trước.

…đến các phim giải trí tại châu Á…


Tại châu Á, các thương hiệu lớn đã ý thức rất rõ về xu hướng người tiêu dùng thường tìm kiếm các chương trình giải trí hơn là nhẫn nại ngồi xem các clip quảng cáo. Họ đã tiên phong trong các chương trình giải trí này.Năm 2005, Coca-Cola tung ra loạt phim truyền hình tại Trung Quốc được xem là đầu tư lớn nhất từ trước đến nay với sáu ngôi sao hàng đầu trong khu vực.

Lấy ý tưởng từ Friends (Tình bạn), loạt phim truyền hình kiểu sitcom (situation comdey – hài tình huống) nổi tiếng của Mỹ, Coca-Cola tiếp cận giới trẻ Trung Quốc bằng bộ phim đề cập đến tình bạn và những đam mê cháy bỏng về âm nhạc, thể thao, phim ảnh, game…

Thông qua loạt phim, Coca-Cola muốn chuyển tải thông điệp: Sảng khoái theo cách riêng của mỗi người.Tại Malaysia, Sunsilk cũng giới thiệu loạt phim truyền hình 13 tập, mỗi tập chỉ dài….5 phút. Phim nhắm đến các khách hàng nữ tuổi dậy thì. Ý tưởng này ra đời sau khi Sunsilk nhận thấy đối tượng nhắm đến của họ ít có thời gian xem hết một bộ phim 30 phút.

Bộ phim nói về hai chị em đã học được những giá trị đạo đức từ các việc diễn ra mỗi ngày.Cô em gái làm việc ngoài giờ trong một quán cà-phê do chị mình làm chủ. Vai cô chị được giao cho một ngôi sao điện ảnh cũng là đại sứ thương hiệu của Sunsilk đảm nhận.Tại đây, cô em nhận được nhiều lời khuyên từ những người cô gặp, liên quan đến giá trị đạo đức cũng như những vấn đề cuộc sống hàng ngày.

Để thêm phần hấp dẫn, hàng tuần Sunsilk tổ chức các cuộc thi nhắn tin, yêu cầu người tham gia cho biết nhân vật sẽ làm gì trong tập kế tiếp. Phim cũng được tải lên mạng để người xem bàn luận, cho ý kiến.

Ngoài ra, blog của nhân vật cũng được mở ra.Trong khi đó, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh số 1 Philippines là Jollibee đã tung ra loạt phim hoạt hình 14 tập mang tên JolliTown trên các kênh truyền hình lớn trong dịp đánh dấu 30 năm thành lập. Bộ phim giáo dục thiếu nhi những giá trị truyền thống như lễ phép, tôn trọng, chia sẻ, yêu thương…

… và Việt Nam

Việt Nam đã có nhiều phim truyền hình theo kiểu sitcom chiếu vào “giờ vàng”. Nhiều thương hiệu từ bột giặt, dầu gội, sữa tắm, nước giải khát lần lượt xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Chỉ đáng tiếc, những loạt phim này chưa đủ hấp dẫn người xem.

Các thương hiệu chèn vào phim quá lộ liễu.Đừng biến những “branded content” thành những “bộ phim quảng cáo dài”. Bộ phim cần hấp dẫn người xem trước rồi mới nói đến việc lồng ghép thương hiệu. Do đó, “Branded content” đòi hỏi kịch bản hay, hấp dẫn mà vẫn có cơ hội cho các thương hiệu xuất hiện.

Bố là ông trùm sản xuất bia nói với con trai:
"Đừng xem truyền hình cho đến khi nào con 21 tuổi"

Từ thế giới âm nhạc đến thế giới của Coca-Cola

Cuộc thi American Idol tuyển giọng hát hay nhất nước Mỹ đã được 7 tuổi. Đây là chương trình nổi tiếng đối với khán giả truyền hình Mỹ cũng như trên thế giới.Sự nổi tiếng của American Idol đã mang lại cơ hội lớn cho thương hiệu Coca-Cola (Coke).

Tập đoàn nước giải khát lớn nhất thế giới này đã nhanh chân nhảy vào thế giới âm nhạc của giới trẻ và biến American Idol thành thế giới của những chai nước ngọt Coke.

Sàn diễn của các thí sinh tràn ngập biểu tượng màu đỏ đặc trưng của Coke. Nước uống cho ban giám khảo cũng là những lon Coke. Chiếc cúp cho thí sinh đạt giải cao nhất cũng mang tên Coke.

Tuy nhiên, kiểu quảng cáo tràn ngập của Coke-Cola trong một chương trình giải trí lừng danh nước Mỹ không làm khán giả khó chịu.Coca-Cola đã tạo nên một làn sóng đam mê.

Tập đoàn này đã đưa khán giả truyền hình đến gần hơn với thí sinh mà họ yêu thích qua những hình ảnh hậu trường cuộc thi của các thí sinh.Coke đã thực sự tạo một sân chơi cho những người yêu nhạc bằng những cuộc bình chọn ảnh thí sinh đẹp nhất, thiết kế chiếc cúp American Idol…Đó là “tuyệt chiêu” của Coke!

Nguồn:
Thời của quảng cáo





 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết