30/9/10

NGÀY CUỐI CÙNG CỦA THÁNG 9



- Tháng chín hết rồi, có cần đánh thức không? (1)
- Ừ tháng chín đã hết. Sao tháng chín đi nhanh thế nhỉ? Loáng một cái đã hết. Không cần phải đánh đâu. Thức rồi. Thức suốt tháng chín.
- Ngày cuối cùng của tháng chín ở đây nóng lắm. Cứ ngỡ mùa hè trở lại.
- Còn ngày cuối cùng của tháng chín ở đây trời âm u. Không nóng nhưng oi. Chiều lại có trận giông sầm sập. Sáng sớm đi làm đã được điện thoại ơi ới. Công việc ngập đầu, họp hành triền miên...
- Đại lễ hả?
- Không, có dính dáng gì đến Đại lễ đâu? Toàn việc đâu đâu, không làm không được.
- Chán nhỉ, khi nào thì có bình yên?
- Không rõ. Có khi, bình yên chỉ vãng lai trong mộng (2).
- Thôi, gắng mà tìm một vài điều gì đó tạm hài lòng trong những "việc đâu đâu".
- Ừ, cũng may vẫn còn nhìn thấy những người tốt, vẫn còn nhìn thấy những tâm huyết, vẫn còn nhận ra được những điều thật lòng.
- Thế thì cũng được an ủi rồi?
- Ừ, ngày thì dài mà tháng thì ngắn...
- Nói gì mà u u minh minh thế?
- Đâu có, ngày dài tháng ngắn thật mà. Có những ngày rất dài chờ mãi không hết. Nhưng mà tháng thì đã hết rồi.
- Này, vẫn phải đánh thức thôi. Dậy đi, tháng chín hết rồi!
____
(1) Lấy ý tựa bài hát "Wake me up when September ends" (Hãy đánh thức tôi khi tháng 9 hết)
(2) Ý từ một bài thơ Nga.

BONUS




29/9/10

LAYƠN TRẮNG



Layơn là tên theo tiếng Pháp (Glaïeul) của một loài hoa có thân dài như một cây kiếm với những bông hoa (hoặc đỏ, hồng, hoặc trắng) nở dọc thân cây. Thời nay người mua layơn thường là các bà nội trợ. Họ cắm layơn vào những chiếc bình sâu và đặt lên bàn thờ vào mỗi dịp giỗ chạp, ngày rằm hoặc mồng một.

Nhưng layơn, đặc biệt là layơn trắng có một quá khứ huy hoàng hơn thế. Thời bao cấp ở miền Bắc, nó được coi là nữ hoàng của các loại hoa, đẹp đẽ và sang trọng thường dùng trong dịp Tết hoặc cưới hỏi.

Tôi nhớ hồi học lớp 3 lớp 4 gì đó, gia đình hàng xóm gả chồng cho con gái. Chị Hạnh xinh đẹp, gương mặt tròn vành vạnh, tốt nghiệp trường sư phạm 7+3 về dạy cấp hai ở một trường cách thị xã gần hai chục cây số. Chả hiểu thế nào chị phải lòng anh Tiến, bộ đội nghĩa vụ, đóng quân gần nhà. Anh Tiến đen, gầy nhẳng, mặt lưỡi cày, mắt trắng môi thâm. Hai người đứng cạnh nhau chẳng đẹp đôi tẹo nào.

Bố mẹ chị Hạnh không thích anh Tiến. Bố chị Hạnh là thẩm phán tòa án nhân dân thị xã, trong khi bố mẹ anh Tiến là nông dân. Họ không khinh anh Tiến, nhưng tin rằng chị Hạnh với vẻ ngoài xinh đẹp, có công ăn việc làm đàng hoàng, lại thuộc gia đình cán bộ, thì kiếm đâu chẳng được một chàng rể khá hơn.

Chẳng rõ ăn bùa mê thuốc lú thế nào mà chị Hạnh nhất định chỉ chịu cưới anh Tiến. Chị bảo, nếu bố mẹ không đồng ý, chị sẽ ở vậy suốt đời... Xinh đẹp thế kia mà định ở giá sao? Nghe thế, mẹ chị phát hoảng. Năm đó chị cũng đã 23-24 tuổi, tức là ngấp nghé tuổi ế rồi. Bỏ đám này, thì bao giờ mới có đám khác? Thôi, đất không chịu trời thì trời đành chịu đất.

Chị Hạnh thấy mẹ có vẻ xiêu xiêu thì dấn thêm một bước: Con sẽ không đòi hỏi gì cả. Không cần chăn bông con công, phích nước Rạng Đông gì hết; cũng không cần áo dài khăn voan, hoa cô dâu. Chỉ cần bố mẹ đồng ý, chi đoàn con làm đám cưới đời sống mới, bánh kẹo nước trà thuốc lá, con mặc quần lụa đen áo trắng, chú rể mặc quân phục là xong.

Mẹ chị nghe thế mà ứa nước mắt. Thời bao cấp khó khăn, nhưng làm gì khó đến mức gả chồng cho cô con gái duy nhất mà như đuổi ra khỏi nhà như thế?

Hai bác tính: Đám cưới đời sống mới thì đúng rồi; ông thẩm phán tòa án nhân dân thị xã mà tổ chức đám cưới dềnh dàng cho con gái vừa tốn tiền lại vừa dễ bị phê bình là lãng phí (thời đó chưa có tục mừng tiền như bây giờ, nên đám cưới càng bày vẽ càng lỗ); nhưng những thứ đồ dùng cho gia đình của con gái, nếu mình không lo thì ai lo? Gia đình nhà trai thì nghèo, chú rể là lính nghĩa vụ làm gì có tiền? Nhà mình dẫu sao cũng đỡ hơn, mình phải lo thôi.

Thế là bán lợn, bán gà, vay mượn để sắm cho con gái cái chăn bông vỏ hoa, cái phích Rạng Đông, bát đĩa, nồi niêu xoong chảo và một số vật dụng thiết yếu khác. Cô dâu kiên quyết không mặc áo dài khăn voan, nhưng khi thấy mẹ hỏi về bó hoa layơn trắng ôm suốt đoạn đường để chú rể đèo trên xe đạp về nhà chồng, thì chị ngập ngừng: "Cái đó thì tùy mẹ".

Nhưng hoa layơn trắng không thể mua được ở thị xã phố núi lúc bấy giờ. Mẹ chị phải xin giấy giới thiệu của cơ quan đi công tác để mua vé ôtô về Hà Nội mua hoa cưới cho con gái. Bà đi trước lễ cưới 2 hôm, nhưng đến ngày cưới 2 giờ trước khi nhà trai đến đón dâu bà vẫn chưa về.

Cả nhà chị Hạnh như ngồi trên đống lửa. Mọi người lo cô dâu không có hoa ôm thì ít, lo cho bác gái có chuyện gì trên đường đi thì nhiều. Cậu em trai chị Hạnh hơn tôi 2 tuổi được phái đạp xe ra bến ôtô cách nhà 3km để đón mẹ.

Nhà trai đến, pháo nổ rộn ràng, mà vẫn chưa thấy tăm hơi mẹ cô dâu đâu. Cô dâu ngồi trong buồng, mắt đã hoe hoe đỏ, lòng dạ ngổn ngang, tai để tận ngoài ngõ.

Thế rồi có tiếng reo: "Mẹ về, mẹ về rồi"... Chị Hạnh không giữ ý tứ, vén riđô ở cửa buồng nhìn ra. Mẹ chị mặt mày đen nhẻm vì bụi đường, ôm bó hoa được bọc kỹ trong giấy báo, lao thẳng từ cổng vào nhà. Bà thở hổn hển: "May quá, may quá, suýt nữa thì lỡ hết việc của con".

Bà vội vã tháo lớp giấy báo ra khỏi bó hoa, để lộ ra những bông layơn trắng muốt, không một chút dập nát.

Cô dâu ôm bó layơn trắng như ôm một báu vật, bẽn lẽn ngồi lên sau xe đạp của chồng.

Chờ nhà trai đưa con gái đi khuất, bà mới mệt mỏi kể: Chuyến xe ôtô từ Hà Nội khởi hành lúc 6 giờ sáng, theo dự kiến sẽ đến thị xã của chúng tôi lúc 12 giờ trưa - 4 giờ trước khi nhà trai đến đón dâu. Nhưng chiếc xe ôtô hỏng khi còn cách thị xã hơn 50 km. Chờ một lúc, xe vẫn không được sửa xong, bà tìm đủ mọi cách, vẫy mọi loại xe để kịp thời về đúng giờ con gái về nhà chồng.

Hôm sau, vợ chồng về lại mặt, hay chuyện, chị Hạnh khóc hu hu. Chị hối hận, giá đừng lưỡng lự "tùy mẹ" về vụ hoa cưới, thì chắc mẹ chị đã chẳng bị một phen vất vả như thế...

...Tôi vẫn hay trở lại thị xã tuổi thơ. Mỗi lần đi qua khu phố nơi đã từng ở xưa kia, tôi lại đưa mắt tìm những ngôi nhà cũ. Thị xã mỗi năm một mới, ngôi nhà lá nơi mẹ con tôi ở đã bị phá đi từ lâu. Nhà của bác hàng xóm cũng thế. Chẳng biết họ còn ở đó hay đã chuyển đi đâu rồi.

Chị Hạnh giờ cũng đã gần 60, chắc đã là bà già về hưu rồi. Không rõ số phận của chị với người chồng mặt lưỡi cày, mắt trắng môi thâm từ đó đến nay thế nào.

Ghi chú: Ảnh không liên quan đến bài viết.

Entries liên quan:
TRUNG THU THỜI BAO CẤP
THÈM BÁNH NƯỚNG MẬU DỊCH
TỪ NGỮ THỜI BAO CẤP
12 ƯU VIỆT SO VỚI THỜI BAO CẤP



28/9/10

SỐNG



Gửi VMC

Long lanh thành rêu ngấn nước
Giông đêm đi qua dài vệt biếc
Vịt đồng kêu ran ban mai

Người đàn bà mang lụa ra phơi
Lụa óng bóng hồ
Hồ biếc thi với liễu

Liễu biếc thi với núi
Núi mọc thi với cỏ
Cỏ chạy thi chân trời
Chân trời đuổi theo dòng sông

Đất lại sống như chưa từng chết


Hỡi cây khát vọng của ta
cơn mưa của mi đâu?

Ngô Mai Phong


Entries liên quan:
VỀ NHÀ
CHIM XANH
MIỀN ĐÔNG
BÌNH LIÊU
THƯ PHÁP CÁ



27/9/10

Ở HÀ NỘI NHỚ HÀ NỘI



Từ Huy

Ngồi trước hồ Tây mà nhớ hồ Tây. Ở trong gió hồ Tây, trong hơi nước hồ Tây, mắt tắm trong sóng hồ Tây, mà nhớ hồ Tây. Hoàn toàn không giống như người du khách của Nguyễn Bính, đến xóm Ngự Viên tiêu điều của hiện tại để nhớ về Ngự Viên huy hoàng trong quá khứ.

Mà đây là một nỗi nhớ đi trước nỗi nhớ? Nỗi nhớ đến quá sớm? Dự cảm về nỗi nhớ? Biết gọi như thế nào cho đúng? Đây chính là cái cảm giác đã từng xuất hiện vài lần trong đời: cảm giác về một hiện tại sắp trở thành quá khứ, hay đang trở thành quá khứ. Cảm nhận về tính chất quá khứ của hiện tại. Cái cảm giác xuất hiện khi ngồi đối diện một người bạn và biết rằng khoảnh khắc này khó còn có thể tái lặp trong một khoảng thời gian chưa thể xác định được. Một cái gì bóp nghẹt trí não khi đôi mắt ghi lại dáng hình của người ấy, tai ghi lại giọng nói, và đồng thời biết rằng giọng nói đó, dáng ngồi đó đã trở thành kỷ niệm ngay khi đang được nắm bắt. Quá khứ vắt qua hiện tại. Quá khứ nằm trong lòng hiện tại.

Đó là khi một quyết định biến mất được thực hiện. Biến khỏi một thành phố. Điều đó chẳng có gì đặc biệt. Lại càng chẳng có gì đặc biệt khi mà người ta từng biến mất ngay khi còn đang tồn tại trong thành phố đó. Hugo đã từng miêu tả việc Paris nuốt chửng Jean Valjean vào cái bụng khổng lồ của nó như thế nào. Jean ở đó, nhưng không ai biết đến ông cả; ngay cả người sống bên cạnh ông, người mà ông hết mực yêu quý, nàng Cosette xinh đẹp ấy, cũng không biết ông thực sự là ai; thế thì khác nào ông đã biến mất khỏi đó. Trong trường hợp này ranh giới giữa tồn tại và biến mất rất mơ hồ.

Giờ đây hẳn nhiên Paris đã là quá khứ. Nhưng ngay lúc đó, khi thả bộ dọc sông Seine cùng cô bạn gái mắt xanh, hay khi chạy dọc Lối đi xanh (Coulée verte) được bao bọc bởi các luống hoa hồng vàng trắng đỏ với nhiều gam khác nhau xen cùng vô số loại hoa khác, hay khi lắng nghe tiếng chân mình dạo hờ khúc nhạc hẫng trên đám lá rụng ở một góc khuất vắng trong vườn Luxembourg cùng người bạn văn chương, rồi khi cùng một người bạn khác ngắm các màu sắc không ngừng biến đổi trong rừng Fontainebleau, Paris cũng đã là quá khứ rồi. Những hạt của quá khứ trộn lẫn không khí phủ tràn màng phổi.

Hà Nội cũng bắt đầu trở thành quá khứ. Hồ Tây có vẻ rộng hơn và gió hồ bắt đầu mang theo thông điệp rõ rệt hơn. Những vỉa hè hở hoác, nứt toác – triệu chứng của căn bệnh hình thức hay hậu quả của những mánh lới kiếm tiền thời hiện đại – kể lể với những gót giày về bao vết thương của chúng. Thành phố ngàn năm có xá chi mấy cái vỉa hè vài ngày tuổi. Có ai hỏi xem những vỉa hè ấy, chúng muốn gì; có ai hỏi xem Hà Nội muốn gì khi quyết định xây dựng nhà này ở đây, nhà nọ ở kia, khi quyết định quét vôi, sơn tường cho phố cổ?


Nếu người ta hỏi Hà Nội để biết nó muốn gì thì có lẽ thủ đô này đã có một diện mạo khác, có lẽ các đường phố của Hà Nội đã không biến thành sông suối mỗi độ mưa về. Hình như người ta quên rằng Hà Nội có một tâm hồn. Hà Nội cũng là một chủ thể. Hà Nội có tâm tư nguyện vọng của mình. Mà để tri nhận một tâm hồn, nhất thiết phải có một tâm hồn.

Hồ Tây vẫn khoáng đạt. Cái khoáng đạt của tự nhiên mà con người khó lòng xóa bỏ nổi. Nó mang lại cảm giác thông thoáng cho toàn thành phố. Gió hồ cố gắng xua đi cái ngột ngạt oi bức khói bụi tích tụ trên bầu khí quyển đặc thù của Hà Nội. Hồ Tây khác hồ Gươm. Hồ Gươm tĩnh như một biểu tượng bị sử dụng. Hồ Tây tự do và tự nhiên, cho dù cách bài trí của hệ thống đường ven hồ càng ngày càng tước đoạt mất vẻ tự nhiên của nó, con người chỉ biết mình muốn gì, không cần biết hồ muốn gì.

Hồ Tây cùng sông Hồng thanh lọc cho Hà Nội, giữ cho Hà Nội tính chất phơi phới. Hơn thế chúng còn áp đặt sự hiện diện của nước. Hẳn rồi, vì với sông Tô Lịch hay với một số hồ khác, người ta tránh nhắc đến nước. Mức độ ô nhiễm khiến người ta thà đừng nhắc đến nước của những nơi đó. Sự hiện diện của nước vốn là một cái gì quan trọng trên xứ sở lắm sông suối nhiều ao hồ và hàng ngàn km bờ biển này. Hồ Tây và sông Hồng nhắc cho Hà Nội nhớ rằng dù sao nước vẫn còn đó.

Đang ở Hà Nội mà nhớ một số người Hà Nội/người sống ở Hà Nội. Những người can đảm trong lặng lẽ. Những con người thua thiệt. Nhưng không phải thua thiệt vì hèn kém. Trái lại, sức mạnh của họ là ở đó: chấp nhận thua thiệt để bảo vệ nhân cách, để chống lại sự biến mất ồ ạt của những giá trị truyền thống và những giá trị nền tảng của đạo đức xã hội. Họ cưỡng lại cái dòng chảy xiết của sự băng hoại tưởng chừng như không thể nào cưỡng nổi. Hẳn nhiên, sẽ tốt hơn, nếu họ vừa chống lại được cơn triều cường của sự suy thoái đó, vừa không bị thua thiệt.

Nhiều tài năng ở Hà Nội đã và đang biến mất dưới gánh nặng của cuộc mưu sinh, biến mất ngay chính trong lòng Hà Nội. Có những người thành đạt trong chính sự lãng phí tài năng của họ. Thành đạt và sự phát triển tài năng không hẳn đi đôi với nhau, trong thời này và ở nơi này. Chỉ với một khoảng cách cần thiết và một quãng lặng cần thiết trong đêm là có thể nghe rõ sự sự thất thoát ở cấp độ báo động của nguồn năng lượng trí tuệ vốn rất dồi dào ở Hà Nội. Thất thoát ngay trong lòng Hà Nội. Khắp mọi lĩnh vực, dưới nhiều hình thức, các nguồn năng lượng đang bị lãng phí. Đang biến mất.


Ở Hà Nội mà nhớ những người Hà Nội/người sống ở Hà Nội kiên quyết không đầu hàng hoàn cảnh. Họ cố gắng để bảo vệ năng lực của mình, tránh để mình bị lãng phí, dù thường khi không dứt được cảm giác vô vọng. Và những người kiên quyết sử dụng năng lượng của mình cho hoài bão và lý tưởng. Những người nỗ lực để tạo ra một thực tế khác, thực tế như họ mong muốn. Những người hành động cho các mục tiêu tiến bộ, chấp nhận trả giá. Trả giá đôi khi đồng nghĩa với biến mất, ví dụ như biến mất khỏi hệ thống, hay bị buộc biến mất khỏi cuộc sống tự do bình thường. Nhưng sự biến mất của những người này có khả năng đảm bảo cho sự hiện diện của họ. Cùng với việc biến mất, họ dành cho tương lai một cơ hội. Vì sự biến mất cũng có thể được bảo tồn như bất kỳ một sự vật hiện tượng nào trong đời sống.

Từ cửa kính của cà phê ven hồ, nhìn mặt nước lặng im, tự hỏi rằng đã bao giờ tồn tại một cách thực sự ở thành phố này. Hay những năm tháng chẳng qua cũng chỉ là một cuộc biến mất dài dằng dặc. Biến mất ngay khi đang tồn tại. Cũng giống như phố Hàng Đào hoàn toàn biến mất dưới chồng chất những đống hàng Trung Quốc rẻ tiền. Nếu người ta quan tâm đến việc phố Hàng Đào muốn gì thì chắc nó đã không phải khoác lên mình cái bộ mặt hạ đẳng của hàng Tàu dởm.

Nỗi buồn của một con phố ở trung tâm của thủ đô ngàn năm tuổi, nỗi buồn ấy cũng biến mất như bản thân con phố ấy, biến mất như những phiên chợ vùng quê cũng chồng chất hàng Tàu chất lượng kém. Một quá trình trở thành quá khứ đang bắt đầu. Liệu có đến ngày rồi tất cả sẽ chỉ còn là quá khứ? Liệu có đến ngày xứ sở này cũng sẽ chỉ còn là quá khứ trong hoài niệm của một số người có ý thức về sự vong bản? Vậy ở lại hay biến mất khỏi một thành phố còn có ý nghĩa gì?

Ở Hà Nội mà nhớ đến Vinh. Vinh thì lại là chuyện khác. Biến mất khỏi Vinh là một điều không dễ. Dù không có mặt ở đó cũng khó có thể gọi là biến mất. Phải chăng vì ở đó có ngôi nhà của ba mẹ, ngôi nhà của chính mình? Phải chăng vì lúc nào cũng có thể trở về đó? Ở lại hay rời bỏ thành phố nhỏ ấy cũng không có ý nghĩa gì: không thể biến mất hoàn toàn khỏi nơi đó. Goethe nói: “Nơi tôi cảm thấy mình có ích, đấy sẽ là tổ quốc của tôi”. Và Marcel Brion đã bình luận về câu này: “Chủ nghĩa yêu nước của Goethe thật đẹp biết bao”.

Hẳn rồi. Vinh có nằm ngoài logic này không? Ở lại Vinh, rất có thể sẽ thành ra vô ích, song đi khỏi Vinh lại chưa hẳn đã là không có ích cho nó. Ở Vinh, việc thất thoát năng lượng trí tuệ hầu như không khiến ai phải chạnh lòng. Có vẻ như Vinh chấp nhận nhiệm vụ xuất khẩu chất xám của nó. Thành phố Vinh chưa bao giờ đặt câu hỏi: Vinh sẽ có diện mạo như thế nào nếu nó sử dụng được nguồn nhân lực mà nó cung cấp cho các thành phố lớn?

Khó lòng biến mất khỏi Vinh. Bởi lẽ đi ra khỏi Vinh là để trở về với nó, dưới hình thức này hay hình thức khác.

Ba trăm km từ Vinh ra Hà Nội, những con tàu nối kết mười sáu năm đứt đoạn, mười sáu năm lồng giữa hai lần vào thu. Thu là một đặc sản của Hà Nội. Uống mùa thu cho đến tận đáy ly cà phê Tây hồ, uống cả cho những lúc rồi sẽ thiếu mùa thu.

Đang ở trong lòng Hà Nội đã cảm thấy nhớ những phố dài xao xác heo may.

Hà Nội, 19/8/2010

Nguồn:
Ở Hà Nội nhớ Hà Nội - Tạp chí TIA SÁNG

Ảnh Hà Nội cổ: Tamtay.vn

26/9/10

HỒI SINH THÀNH PHỐ CHẾT


Tháng 4 sang năm (2011), nhân loại sẽ kỷ niệm 25 năm thảm họa nổ ở Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (Ukraina). Nhân dịp đó người ta dự định sẽ biến Chernobyl thành công viên giải trí khổng lồ. Những người đưa ra sáng kiến này tin rằng, công viên Chernobyl sẽ thu hút một lượng lớn du khách tới đây để tận mắt nhìn thấy sự kinh hoàng của tấn bi kịch, khi mà con người không làm chủ được khoa học kỹ thuật

Những hình ảnh dưới đây cho thấy một thành phố chết, nguyên liệu đủ để tạo dựng một công viên "giải trí" khiến bất kỳ ai đến đây cũng sẽ phải suy nghĩ.











Nguồn:
Chernobyl Amusement Park

Entry liên quan:
CHERNOBYL - CUỘC CHIA TAY TRONG TUYẾT TRẮNG



25/9/10

TÔI CŨNG MUỐN ĐẾN CUBA



Tâm sự của một bạn đọc, muốn comment sau khi đọc xong bài "Cuba, nơi chưa đến", nhưng bài viết quá dài, nên gửi cho tôi qua email. Trân trọng giới thiệu cùng mọi người:

Khi còn là học sinh phổ thông tôi đã hào hứng dự các cuộc thi tìm hiểu về Cuba. Thật ấn tượng với hình ảnh của Fidel và Che lúc đó.

Ngày đầu tiên đặt chân lên nước Nga, tập trung tại “khu đồn trú cho lính mới” đối diện MGU, các bạn Cuba đã làm quen ngay, rất cởi mở và thân thiện vì chúng tôi là người Việt Nam. Trong 3 ngày ở nơi tập trung chúng tôi thường đi chơi với nhau. Trong nhóm các bạn Cuba cũng có 1 cặp nam nữ giống như bạn VMC nói, thân với tôi nhất. Lý do là tôi đã học tiếng Tây Ban Nha được 3 tháng trước khi lên đường. Thế là trổ tài phiên dịch cho các bạn Việt Nam để thực tập tiếng TBN, vì nhiều bạn Cuba lúc đó tiếng Nga cũng bập bẹ lắm.

Nói là phiên dịch, chứ vui là chính vì vốn tiếng TBN 3 tháng ăn thua gì. Khi các bạn lên đường về trường trước tôi, chúng tôi đã ôm hôn nhau thật tình cảm, trao đổi địa chỉ. Ấy thế mà sau đó chẳng hiểu sao chúng tôi lại mất hẳn liên lạc với nhau, không tìm được các bạn đó vì tôi mới sang, cũng rất lơ ngơ về hệ thống các trường. Hình như tôi cũng sang Nga cùng thời điểm với VMC, tôi đi từ HCMC.

Về đến trường của mình, tôi nhờ ngay các bạn Châu Mỹ Latinh khác viết thư bằng tiếng TBN sang tận Cuba theo địa chỉ ghi lại lúc trước. Có thể lúc chia tay vội vã, địa chỉ ghi không chính xác nên tôi không nhận được hồi âm. Trường tôi học cũng không có một bạn Cuba nào. Thế là “đứt hẳn”. Nhưng có thể từ đó, tình cảm đối với các bạn khối Châu Mỹ thật đặc biệt.

Cuối tuần, tôi thường đi CLB Sinh viên để sinh hoạt với các bạn ấy chứ tụ tập ăn uống với người yêu (vì mình không có) như các bạn Việt Nam khác. Mê nhất là các điệu nhảy Nam Mỹ, thật tự nhiên và nóng bỏng! Người Nam Mỹ và Châu Phi sinh ra đã có dòng nhạc trong người. Họ lôi cuốn tôi hoàn toàn qua các điệu nhảy, những giai điệu mê hồn. Tôi cũng có một cái tên Nam Mỹ để cho dễ gọi. Khi các bạn nói chuyện tôi hiểu được gần hết, nhưng không nói được nhiều lắm vì không tiếp tục học tiếng TBN nữa.

Sau đó vài năm, tôi gặp lại các bạn Cuba ở một trường khác. Nơi đó, sinh viên Việt Nam và Cuba là hai phe đối nghịch! Lý do là các bạn Việt Nam sang học tiếng Nga 1 năm có lẽ chưa quen nề nếp sinh họat tập thể, thường chen lấn, không xếp hàng, dành nhà tắm, nhà ăn với đoàn Cuba trong KTX. Thế là thường xuyên xảy ra cãi vã, chỉ trích nhau. Không đẹp chút nào.

Tôi vẫn mong ước được đến Cuba, nhưng chắc khó có dịp vì chẳng có lý do nào để được đi hoặc đi được, dù đã có cơ hội chu du nhìêu nước khác! Khoảng cách và đường bay cũng là trở ngại rất lớn. Sếp tôi cũng đã từng đi công tác Cuba, kể lại nhiều điều trong cuộc sống ở bên đó rất thú vị.

Hôm rồi, đang đứng ở sân bay ĐN, thấy 1 em - cháu gái nói tiếng TBN quá chuẩn với 1 đoàn khách, tấp vào hỏi thăm mấy câu ngay. Hoá ra cô bé đi học tự túc ở Cuba 4 năm, nay làm hướng dẫn viên du lịch. Hay thật! Có 1 số doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chân xây dựng cơ đồ ở Cuba. Trước sau gì Cuba cũng phát triển, thị trường càng sơ khai thì những người Việt Nam “nhanh nhảu” của chúng ta càng dễ thành công.

Nhưng cũng được biết, trong vòng 5-7 năm qua, người nước ngoài được nhắc đến nhiều ở Cuba không phải là người Việt, mà là người Trung Quốc! Họ có mặt khắp nơi trên thế giới đã đành, nhưng họ có chiến lược cụ thể tại Cuba nên phát triển rất nhanh và mạnh. Nay các nước châu Âu đã bắt đầu được phép mua bất động sản tại Cuba, chắc một thị trường Việt Nam thứ hai sẽ được lập lại. Hơi tiếc cho doanh nghiệp Việt Nam không có nhiều cơ hội. Tự tiếc cho mình “tuổi già sức yếu”…

Cuba sẽ trong kế hoạch du lịch của tôi, chỉ chưa biết chắc chắn lúc nào.

Entry liên quan
"Cuba, nơi chưa đến"



24/9/10

NGƯỜI HÀ NỘI SÁNG TẠO TỪ MỚI



Hoàng Ngọc Hiến

…Ở Đại học Harvard, theo lời mời của GS Huệ Tâm Hồ Tài, Chủ nhiệm Ban Nghiên cứu Đông Á, tôi nói chuyện với các bạn đồng nghiệp và sinh viên về một số hiện tượng đáng chú ý trong văn học Việt và Tiếng Việt hiện đại. Một sự bất ngờ là điều được cử tọa chú ý và thảo luận sôi nổi là chuyện vui tôi kể về sự sáng tạo từ của người Hà Nội. Tôi nhận thấy cứ vài ba năm người Hà Nội lại sáng tạo ra một từ mới hoặc một cách diễn đạt mới - bao giờ cũng độc đáo, hóm hỉnh và lan tràn rất nhanh trong lời ăn tiếng nói hàng ngày.

Nói về ưu điểm của mình, người Hà Nội nói là “hơi bị” ưu điểm. Người Hà Nội không nói: “Tôi nhảy giỏi” mà lại nói “Tôi nhảy hơi bị giỏi”. Người Hà Nội không nói: “Tôi giỏi tiếng Anh” mà lại nói: “Tôi hơi bị giỏi tiếng Anh”. Người Hà Nội không nói “Đôi giầy của tôi là giày xịn” mà nói: “Đôi giầy của tôi hơi bị xịn”…

Đã “hơi” lại còn “bị”, quả là hai lần khiêm tốn. Nói về ưu điểm của mình mà lại “hơi bị”, dường như có sắc thái hóm hỉnh, tự trào - “Tôi hơi bị nhảy cảm”, “Tôi tiếp thu hơi bị nhanh”, “Trí nhớ tôi hơi bị tốt”, “Tôi hơi bị khỏe”… Với cách diễn đạt này, cả Hà Nội đang trở nên khiêm tốn, mà cũng không hẳn là khiêm tốn.


Cũng thời gian gần đây, người Hà Nội nói gì cũng “vô tư”, cái gì cũng “vô tư”. Mời một người bạn đi uống bia và anh ta nhận lời: “Được, tôi đi ngay! Vô tư!” mà không nhận lời cũng “vô tư”! Khen hay chê đều “vô tư” cả. Bài này tốt, đăng “vô tư”! Bài này kém, không đăng được, “vô tư đi!”; Từ “vô tư” ở cửa miệng người Hà Nội mang nhiều sắc thái: Hóm hỉnh, hồn nhiên, cởi mở…

Dù là tranh thủ hay thách thức người đối thoại, bao giờ cũng vui vẻ, thân tình. Qua lời nói thân tình của người Hà Nội, “vô tư” từ một đạo đức cao xa đã trở nên gần gũi, thoải mái, thỏa đáng… Ai cũng có thể vô tư, cả Hà Nội trở nên vô tư… Một bước tiến thực sự về tinh thần do phép màu nhiệm của ngôn từ.

Buổi hôm ấy, cử tọa bắt mấy từ của người Hà Nội rất nhanh. Lúc ra về nói chuyện với một cháu Việt kiều, thấy cháu nói tiếng Việt không sõi, tôi hỏi: “Cháu có hiểu những điều tôi nói hôm nay không ?” cháu nhoẻn miệng cười và trả lời: “Cháu hơi bị hiểu. Chú nói chuyện vui lắm. Muốn nghe chú nói nữa.” “Vô tư đi!”


Mấy năm gần đây, người Hà Nội thích dùng từ “hoành tráng”. Cái gì cũng có thể “hoành tráng”. Hỏi người Hà Nội “Hoành tráng là gì?” chắc nhiều người lúng túng. Nhưng xem ra họ dùng từ này rất trúng. Bát phở thông thường giá hăm nhăm ngàn, nay có một bát phở giá một trăm năm mươi ngàn thì chẳng có cách nói nào tốt hơn gọi nó là một bát phở “hoành tráng”.

Mỗi người như gửi vào từ này một “sắc thái” riêng thể hiện ở ánh mắt, nụ cười khi nói, và chính “sắc thái” đó làm tăng sức thuyết phục cho ý nghĩa của từ được sáng tạo hồn nhiên. Đây cũng là một biểu hiện của cái vẫn được gọi là “tài hoa” của người Hà Nội.


Nguồn
Cứ vài ba năm, người Hà Nội lại sáng tạo ra một từ mới… - TẠP CHÍ TIA SÁNG



23/9/10

BIẾN DI TÍCH 400 NĂM TUỔI THÀNH... 1 NGÀY TUỔI


Thành nhà Mạc trước khi trùng tu

Đỗ Doãn Hoàng

Thành nhà Mạc (thành Tuyên Quang) tính đến nay đã trải qua 418 năm tồn tại, dẫu hoang phế song nó vẫn xứng đáng là một pho sử kỳ vĩ, một di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Thế rồi, thành Tuyên Quang được người ta lập dự án ngót chục tỉ đồng để “trùng tu tôn tạo”.

Đổi hơn 400 năm cổ lấy cái “lò gạch”

Gạch rêu ố, chỗ đỏ au, tường thành nứt toác, cây dại phong kín, những chùm thân rễ si cổ thụ uốn lượn như mãng xà. Người Tuyên Quang có phong trào chụp ảnh cưới bên trăm năm cổ thành, nhiều hoạ sĩ, nghệ sĩ đã đoạt nhiều giải thưởng qua các tác phẩm “sáng tác” bên vẻ đẹp bể dâu hiếm có đó. Nay, bỗng dưng, hai cái cổng cũ của thành Tuyên Quang bị “gọt bỏ rêu phong”, đắp điếm gạch mới và bêtông sắt thép vào, đỏ son, mới tinh. Nhiều người yêu lịch sử, văn hoá, kiến trúc bày tỏ quan điểm rõ ràng: Việc “khoác tấm áo mới” cho cổ thành hôm nay đã khiến toà thành từng là “pháo đài thép” bên bờ sông Lô kia đã... “thất thủ” vĩnh viễn. Nó thất thủ sau ngót nửa thiên niên kỷ trụ vững trước bao nhiêu là binh lửa, giặc giã, mưa dập gió vùi.

Hiện nay, trên các trang mạng, đặc biệt là trong các câu chuyện của bà con Tuyên Quang, kể cả câu chuyện của cán bộ văn hoá tỉnh khi trả lời phỏng vấn PV Lao Động, ba chữ “cái lò gạch” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Trùng tu, không lẽ là việc “làm mới di tích” thế ư? Sao lại đánh đổi bức cổ thành mỹ miều và hoang phế tuyệt diệu mà phải mất hơn 400 năm chúng ta mới có được kia lấy một cái “lò gạch một ngày tuổi”?

Anh Quang Minh - một nghệ sĩ chơi ảnh nổi tiếng ở thành phố Tuyên Quang, người đã 51 năm sống ở phường Tân Quang, nơi toà thành toạ lạc, người đã 20 năm cầm máy chụp ảnh cho các cặp uyên ương trong ngày cưới với phông nền là cổng cổ, tường thành cũ nhà Mạc... Gặp tôi, anh Minh chán ngán: Họ trùng tu kiểu gì, làm thành thấp lùn đi, xấu xí đi. Bà con bảo nó như cái lò gạch. Nhà văn Phù Ninh - nguyên Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Tuyên Quang - thở dài: Trùng tu gì thì trùng tu, phải tôn trọng nguyên trạng của di tích chứ. Rồi ông già kiệm lời mang cho tôi xem một bức ảnh cổ thành ở phương Tây in trong cuốn lịch treo tường nhà ông: Đấy, ở nước ngoài, các bức tường thành cổ, họ để nguyên cây dại, gạch đá cũ, họ bảo vệ cho nó không sập giúp người sau thấy được bước đi, vẻ đẹp và sự khắc nghiệt của thời gian, của lịch sử in dấu trên di tích đó.

và sau khi được "rót" tiền tỉ để trùng tu. Ảnh: Đ.D.H.

Người viết bài này có ít nhiều gắn bó với đất Tuyên Quang, lần nào chạm vào thị xã (mới “lên” thành phố được ít ngày), cũng sững người khi thấy các toà cổng, các tường thành rêu phong cổ kính của di tích quốc gia thành nhà Mạc. Giữa tấp nập “phồn hoa đô hội” thời mới, giữa một “đảo” (ngã tư) đường trung tâm có một phom cổng cổ (cổng Tây thành Tuyên Quang). Nó khiến ta nghĩ về một cõi u hoài, một sự cảm khái nao lòng, về số phận và lịch sử của miền địa linh nhân kiệt nằm gọn trong vòng tay ôm, tròn trịa, thân ái, tốt tươi của sông Lô đó. Ở Việt Nam còn quá ít các toà thành, các cổng thành cổ kiểu này. Thành Bắc Ninh thì không cho du khách vào thăm ngắm. Thành Sơn Tây còn lại 3 cổng thì bỗng dưng người ta “trùng tu” phá tan toà cổng đẹp nhất, nếu báo chí không lên tiếng thì hai cổng còn lại cũng sẽ bị “làm mới” theo đúng kế hoạch kiểu “đạn đã lên nòng”.

Đã có lần tôi dừng xe, đưa chính em gái mình đứng trong toà khum khum, nứt toác, xanh rì và cuồn cuộn cây dại của cổng Tây thành Tuyên Quang mà chụp ảnh, rồi lo lắng: Hy vọng họ sẽ không trùng tu cẩu thả, để làm mới di tích văn hoá, “bảo tàng” tự nhiên này (như thường thấy). Thật không ngờ, như các cụ nói, “phỉ phui cái mồm”, hôm nay trở lại, đã gặp hai cái lò gạch mới toe như lời bà con Tuyên Quang nói với tôi.

Tôi không bất ngờ, không khó hiểu, nhưng tôi thật sự bất bình.

“Quy trình” đánh tráo cây đèn Alađin

Làm việc với cán bộ hữu quan tỉnh Tuyên Quang về dư luận ầm ĩ xung quanh vụ cái lò gạch mới được đầu tư to tiền nhất tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi mới giật mình: Dự án khoảng 9,8 tỉ đồng trùng tu thành nhà Mạc này đã được thực hiện rất “đúng quy trình”. Tiền từ “bộ” rót về đấy chứ. Tức là: Nhiều lần cử tri chất vấn ngành văn hoá tỉnh trong các kỳ họp Hội đồng Nhân dân (có văn bản kèm theo), rằng sao có tiền mà không trùng tu thành nhà Mạc, để nó nhếch nhác quá. Ngành văn hoá kết hợp với Cty tu bổ di tích ở trung ương lập kế hoạch, dự toán đủ thứ suốt gần hai chục năm. Rồi đưa lên Sở Kế hoạch - Đầu tư thẩm định. Rồi trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh, trình Thường trực Tỉnh uỷ, xin thỏa thuận của Cục Di sản văn hoá, xin Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL). Duyệt, cấp kinh phí, lập đủ ban bệ rồi mới “thi công”. Vẻ như, không có ai tùy tiện hay ngẫu hứng làm cho thành Tuyên “thất thủ” trước sự thiếu kiến thức hay quá khích “phá thành đào đất làm lò gạch” cả. Nhưng...

“Không hiểu sao bà con, cư dân trên mạng, kể cả những người trả lời phỏng vấn chúng tôi, những người thật sự yêu thành Tuyên Quang... đều thất vọng, bất bình, “nổi đoá” lên vì việc biến thành Tuyên thành cái... như là lò gạch nhỉ?” - tôi hỏi một cán bộ sở trực tiếp giữ toàn bộ hồ sơ, tham gia vụ “trùng tu tôn tạo” này từ đầu chí cuối, giữa lúc anh đang ôm tài liệu để trả lời nhà báo, thì anh nói: “Đúng là tôi có nghe, bà con bảo nó giống như cái lò gạch mới quá”. Nói rồi, anh cán bộ im lặng.

Chúng tôi ra giữa “đảo giao thông”, nơi toà cổng phía Tây tuyệt đẹp của thành Tuyên Quang đã biến mất hoàn toàn vẻ quyến rũ cách đây ít ngày. Một cổng thành như vừa được dựng lên bằng bìa cáctông để... diễn kịch “vẽ nhọ bôi hề” hiện ra. Có lẽ, Tuyên Quang là tỉnh duy nhất ở Việt Nam có một toà cổng thành hơn 400 năm tuổi lại nằm giữa cái bùng binh của ngã tư đường trung tâm của thành phố tỉnh lỵ như vậy. “Di tích 1 ngày tuổi” nằm trọn vẹn, tơ hơ ở đó, gạch mới đỏ au, tinh tươm, mới mẻ từ chân lên đầu, từ trong ra ngoài, gạch đá trét ximăng trắng lốp tứ bề. Xung quanh “đảo” là chi chít cọc bằng inox sáng choang. Cọc to, giữa các cọc có xích sắt to bằng ngón chân cái, buông chùng để... bảo vệ. Phải trèo qua hàng rào inox vào trong cổng thành, thì may ra bạn mới nhìn thấy vài dấu vết của mấy viên gạch cũ.

Thành nhà Mạc 418 năm tuổi,

Thành Tuyên hình vuông, mỗi bề dài 275m; tường cao 3m; dày 0,8m đã vật vã tồn tại 418 năm qua trước bao nhiêu dâu bể - thế rồi, giờ đây, nó phải “quy hàng” rồi bị dồn đến chỗ “thất thủ” trước dự án gần 10 tỉ đồng kia. Không lấy ý kiến nhân dân, không tham khảo ý kiến những người thật sự yêu mến, thích thú, am hiểu về di tích thành nhà Mạc trên xứ Tuyên và cả nước, thế nên, dự án đã có một “quy trình” thực thi mà tự những người trong cuộc cứ thế vừa “đá bóng” vừa “thổi còi”, rồi tự cho mình là đúng! Tôi có cảm giác, toà cổ thành 418 năm tuổi, đã hội tụ bao nhiêu thương yêu, cả máu và nước mắt của bao thế hệ người xứ Tuyên kia như chiếc đèn thần của Alađin, thế rồi, người ta bỏ gần chục tỉ đồng ra để “đánh tráo” nó đi, “đền” vào đó một cây đèn đồng nát.

Trước tập hồ sơ dày cồm cộp, dấu triện đỏ, bản vẽ mênh mông mà người ta đặt trước mặt mình để “giải trình” về việc thành Tuyên biến thành lò gạch một cách đúng quy trình ra sao, tôi chỉ biết ngậm ngùi. Ai duyệt, ai vẽ dự án, ai thi công, ai giám sát, ai nghiệm thu, ai xuất ra tiền tỉ (từ tiền thuế của dân) để đẩy thành cổ ra nông nỗi: Một “di tích” phủ bóng gạch mới và vôi vữa ximăng, kèm theo xích sắt và cọc sắt sáng quắc này? Bất kể là bộ hay là cục, là UBND tỉnh hay sở nọ sở kia, thì vẫn có một sự thật: Người ta đã gọt bỏ rêu phong, đã phá đi dấu tích 418 năm lịch sử tuyệt vời của thành Tuyên để thu về cái thứ “1 ngày tuổi”.

Lại còn thế này, có người thậm chí còn yêu cầu “dỡ gạch hai bên tường (của cổng thành) thấp xuống, mở rộng tầm nhìn cho xe cộ” (trích văn bản mà chúng tôi đang có trong tay), ôi chao, trùng tu như thế là... chọc tiết di tích đấy, các vị ơi. Nữa, các phom cổng, các bức tường thành lưu dấu mấy trăm năm dâu bể đẹp rực rỡ như thế, vì sao phải phun hoá chất “diệt trừ tận gốc cây dại” để làm mới di tích, trong khi các “toà thiên nhiên” cây bám, dây leo, cây cổ thụ đã là một phần giá trị không thể thiếu của di tích?

Sự kỳ khôi này, có lẽ, chỉ những người trong cuộc mới hiểu nổi.
sau khi bộ “rót” tiền tỉ vào đầu tư, nó đã mới toe như mới 1 ngày tuổi;
và... kém thẩm mỹ như thế này đây!


“Giữ nguyên di tích gốc hiện có” theo kiểu... “làm mới”?

Từ ngày 1.3.1996, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang - ông Vũ Mạnh Thắng đã có thông báo về chủ trương đầu tư trùng tu di tích thành nhà Mạc. Có vẻ thận trọng lắm, bởi phải 11 năm sau, năm 2007, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có tờ trình gửi thường trực Tỉnh uỷ, theo đó, “nguyên tắc trùng tu” là phải: “Phải tận dụng, sử dụng loại vật liệu xây dựng của di tích gốc đã có; nghiêm cấm không được làm thay đổi, biến dạng di tích gốc và phải đảm bảo giữ nguyên di tích gốc hiện có”.

Và, đến tháng 12.2007, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã ký quyết định “phê duyệt chủ trương” với nguyên tắc trùng tu tương tự. Tuy nhiên, không biết họ làm kiểu gì, mà việc “giữ nguyên di tích gốc hiện có lại đồng nghĩa với việc biến các phom cổng thành cổ, hoang phế, đẹp như một kỳ quan kia thành cái... “lò gạch mới”.


Nguồn:
Biến di tích 400 tuổi thành... 1 ngày tuổi! - LAO ĐỘNG


22/9/10

HOA LUÔN RẠNG RỠ



Thơ Ngô Mai Phong

Hoa luôn rạng rỡ
Những bông trang nở giữa đầm lầy
Không ai chào đón
Tôi đang chẳng có gì ăn

Hoa luôn rạng rỡ
Những bông tóc tiên ven lối đổ nát
Không ai có tâm trạng ngắm nhìn
Đàn kiến đang lo chạy bão

Hoa luôn rạng rỡ
Những đóa hồng nơi thánh đường tràn ngập ánh sáng
Không ai rung động
Họ mải nhìn các cô phù dâu

Hoa luôn rạng rỡ
Những bông thạch lựu đỏ rực trong đám tang
Không ai để ý
Người ta chỉ nhìn xuống bàn chân mình cuộc tiễn đưa

Dù yêu hay không yêu
Dù vui hay không vui
Trên sự dửng dưng mỗi ngày
Hoa luôn rạng rỡ...



21/9/10

CẶP MẮT ĐẸP DÃ MAN (4)



Nhưng vị bác sĩ lại không dọa nạt gì, ông chỉ nói: "Chị xếp hàng chờ nhé!". Đến đây thì Larisa nổi xung. Là diễn viên nổi tiếng, lại còn là người quen mà phải ôm bụng chờ xếp hàng à? Ông bác sĩ lạnh tanh: "Chị phải ngồi chờ thôi!". Larisa tức tối đi về. Chị gặp Igor ở cửa nhà. Anh nói: "Anh van em. Hãy bình tâm và hãy sinh con". Chị tru tréo: "Thôi đủ rồi. Sao anh cứ không chịu hiểu tôi là thế nào? Tôi cứ làm như tôi đã tính!".

Bình tĩnh được một lát, mẹ chị lại lên tiếng an ủi: "Thôi, để đẻ đi con. Con đẻ thêm là xinh ra đấy. Con thấy không, ngoài thằng Igor ra thì con còn sống được với ai nữa chứ? Đừng làm cho nó đau nữa. Con đẻ đi, mẹ sẽ nuôi cho. Đừng ngại!". Trong người Larisa bỗng trào lên một cơn điên cuồng: "Các người hãy để cho tôi yên. Tôi tự biết, không cần các người phải khuyên nhủ".

Igor im lặng, không một lời mát mẻ, không một lời giận dữ. Anh chỉ nhắc đi nhắc lại một câu: "Hãy giữ con!". Larisa tìm cách khác. Chị nói: "Thôi, anh với em ta thỏa thuận thế này: Lần này em sẽ không sinh. Mình sống thế này thêm 1-2 năm. Rồi nếu anh muốn, thì chúng mình sẽ có con". Nhưng Igor kiên quyết: "Anh muốn đứa bé này".

Mãi về sau, Igor mới kể lại rằng trong chuyến đi Israel lần ấy, khi hai người đứng bên Bức tường Khóc than, Igor đã viết vào mảnh giấy để lại trên bức tường: "Tôi muốn một đứa con gái giống như Larisa". Còn Larisa thì sao? Chị viết muốn được nổi tiếng, được giàu có, muốn có tàu thủy, máy bay, muốn có những vai tầm cỡ thế giới. Muốn đạt được tất cả những thứ mà người đời phải lồng lộn uất hận ghen tức.

Ngày Larisa đi nạo thai, trong nhà trở nên yên ắng lạ thường. Cả mẹ chị lẫn Igor đều im lặng. Larisa gặng hỏi: "Mẹ sao thế?". Bà nói giọng lạnh tanh: "Không, có gì đâu. Thôi, chị đi đi. Tôi chẳng có gì để nói với chị cả!". Larisa ra đường. Chị vừa đi vừa nhủ thầm: "Á à, các người tẩy chay tôi phải không? Đã thế, tôi sẽ đẻ, rồi mặc kệ các người!"

Thay vì đi bệnh viện, chị rẽ vào beauty salon, sau đó gọi nhà hàng đặt bàn, rồi gọi điện cho cả nhà đến. Khi mẹ, người tình và con trai có mặt đông đủ, chị gọi loại rượu champagne đắt nhất, rồi nói: "Có tin quan trọng cho cả nhà đây". Họ ngồi nghe, mặt đầy cảnh giác. Chị kéo dài thời gian chờ đợi của mọi người, rồi buông một câu: "Tôi sẽ đẻ".

Tất cả sung sướng, cười nói như hóa điên.


Ngay lập tức Larisa hỏi Igor: "Anh định tặng em cái gì?". Igor đáp: "Bất cứ thứ gì em muốn". Larisa nói chị ước ao có được chiếc đồng hồ nạm kim cương. Đương nhiên, yêu cầu của chị được Igor đáp ứng.

Chuỗi ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời Larisa bắt đầu.

... Đưa con gái Lelya từ bệnh viện về nhà, Larisa ngay lập tức quỳ gối xin Chúa tha tội. Chị không hiểu chính bản thân mình, tại sao chị lại có suy nghĩ điên rồ là hủy hoại cái bào thai mà giờ đây là đứa bé gái vô cùng xinh đẹp này. Mẹ chị an ủi: "Thôi chuyện qua rồi, con quên đi, đừng tự dày vò mình như thế". Chị dập đầu: "Con biết ơn những người chồng đã tặng cho con hai đứa trẻ thiên thần này cho đến khi con phải chui vào quan tài!".

Mẹ chị giữ lời, giành quyền chăm sóc đứa bé, giải phóng Larisa khỏi hầu hết những vất vả của người phụ nữ sau khi sinh.

Nhưng Larisa dường như không tin vào hạnh phúc của chính mình. Có lần chị hỏi Igor: "Này anh, nếu có chuyện xảy ra, không phải do cố ý mà là do ngu ngốc em phản bội anh, thì anh có tha thứ cho em không?". Igor trả lời: "Nếu một lần, thì anh sẽ tha thứ".

Và cái phút giây ngu ngốc ấy thực tế đã xảy ra. Larisa vội vã thú nhận với chồng. Và lần đầu tiên trong đời, người đàn ông vị tha bậc nhất thế giới ấy đã giơ tay lên. Anh còn có thể phản ứng bằng cách nào khác sau lời thú tội như vậy? Larisa tức tưởi: Em hứa, em hứa sẽ không làm anh phải đau đầu nữa, em hứa sẽ không bao giờ để chuyện này lặp lại.


Mặc dù Igor nhiều lần khẳng định với Larisa rằng, ngoài chị ra anh không để mắt tới người phụ nữ nào khác. nhưng chị vẫn không tin chắc vào chuyện đó. Một người đàn ông thông minh, đẹp trai, làm nghề kinh doanh như anh, làm sao lại không có chuyện đi ngang về tắt. Ai cũng chỉ có một cuộc đời, anh lại là người đàn ông bình thường, gặp người phụ nữ đẹp, chẳng lẽ anh lại không sử dụng những khả năng của mình?

Igor ôn tồn: "Anh không lừa dối em, và như thế anh cảm thấy dễ chịu hơn. Anh thấy hài lòng với cuộc sống hiện nay, anh còn cần gì nữa? Em thử nói cho anh biết xem đời anh còn thiếu thứ gì nữa? Chẳng lẽ có những người phụ nữ khác xinh hơn em, thông minh hơn em, gợi cảm hơn em? Anh không thấy có người như vậy".

Larisa cứ vật vã với suy nghĩ như vậy cho đến khi con trai chị phải thốt lên: "Nếu mẹ làm chú Igor bỏ đi, thì con sẽ không bao giờ tha thứ cho mẹ. Con cũng sẽ đi ở cùng với chú ấy, bởi vì không có ai tốt hơn chú ấy".

Lời cảnh cáo của con trai đã thức tỉnh Larisa. Chị biết rằng cứ mỗi khi chị uống rượu là trong chị lại trỗi dậy một con người khác, không liên quan gì đến thực tại. Con người đó dường như tồn tại bẩm sinh trong chị, hoặc sót lại sau thời tuổi trẻ điên cuồng, hoặc là kết quả của những căng thẳng tinh thần mà chị phải chịu đựng. Mỗi khi con người đó trỗi dậy là Larisa lại muộn la hét, muốn gây tổn thương cho những người xung quanh.

Igor hiểu rằng đó là những di chứng của một thời nghiện rượu mà Larisa phải chống chọi trong những tháng ngày đưa người chồng đầu tiên đi cai nghiện ma túy. Anh hiểu và tha thứ tất cả.

"Tôi với Igor không chỉ là vợ chồng, mà còn là bạn bè. Sự khát khao rồi cũng giảm đi theo thời gian và trở nên nhàm chán. Khi đó thì còn lại gì? Nếu vợ chồng mà không có đồng cảm thì thật là thảm họa" - Larisa tâm sự. Theo chị, khi còn trẻ, người ta thường nhầm lẫn giữa "ham muốn" và "tình yêu",còn giờ đây khi đã bước sang tuổi trung niên, nhận thức về đàn ông của chị đã trưởng thành.

"Tôi không cần ai hết, ngoài Igor. Tôi không thể sống thiếu người đàn ông này. Không có anh ấy tôi thấy đời thật vô vị. Tất nhiên, với tính cách của tôi thì tôi thường xuyên "hút máu" anh ấy. Nhưng tôi rất sợ mất anh ấy. Tôi đã tỉnh ngộ và những điều tồi tệ nhất giữa chúng tôi đã qua. Bây giờ tôi sẽ là người vợ tuyệt vời nhất thế giới".

Entries liên quan:
CẶP MẮT ĐẸP DÃ MAN! (1)
CẶP MẮT ĐẸP DÃ MAN! (2)
CẶP MẮT ĐẸP DÃ MAN! (3)


20/9/10

CẶP MẮT ĐẸP DÃ MAN (3)



Igor Bukharov gặp Larisa khi anh mới 17 tuổi, vừa theo gia đình trở về Mátxcơva từ nơi người cha đóng quân ở Weimar (CHDC Đức). Larisa hơn Igor một tuổi, đang theo học Đại học Sân khấu Leningrad. Từ thành phố nhỏ bé, thanh bình, Igor ngỡ ngàng trước Mátxcơva khổng lồ, trước đám bạn trẻ trung, xinh đẹp mỗi người một kiểu từ hippy đến punk, quần áo rách bươm, tóc tai dựng ngược.

Larisa thường đáp tầu hỏa từ Leningrad lên Mátxcơva. Larisa xinh đẹp, được nhiều người theo đuổi, nên đương nhiên không thèm để mắt tới cậu nhóc đó. Igor nhớ lại: "Hầu như không thể tiến lại gần Larisa. Cô ấy có rất nhiều vệ tinh quanh quanh. Những người khác chỉ còn nhỏ nước dãi mà tiếc".

Igor biết rằng cô gái xinh đẹp kia không phải dành cho mình. Cậu thi trượt đại học y, nên phải nhập ngũ làm nghĩa vụ. Xuất ngũ, cậu xin chân học nghề đầu bếp ở nhà hàng Budapest. Thỉnh thoảng cậu vẫn gặp Larisa ở đâu đó, nhưng cũng chỉ là những cuộc gặp tình cờ, không có nghĩa gì cả. Khi Igor được làm bếp trưởng, thì anh thi đỗ vào trường Đại học Kinh tế Plekhanov - trường đại học chuyên về kinh tế và kinh doanh hàng đầu Liên Xô thời bầy giờ.

Cả Igor và Larisa đều có cuộc sống riêng. Igor cũng có gia đình, nhưng không sao thoát khỏi hình bóng của Larisa. Xem phim "Bản tình ca nghiệt ngã", Igor nhủ thầm: "Ước gì mình cưới được cô gái này làm vợ". Nhưng Larisa luôn ở đâu đó rất cao, không thể với tới được. Có lần gặp nhau, biết tình cảm mà anh dành cho cô, Larisa cả cười: "Anh thích tôi à? Thế thì để dành tiền đi!".

Igor không hề coi đó là lời nói đùa.

Nhưng Larisa như một con ngựa bất kham, lúc thì cô lấy người này làm chồng, lúc lại có quan hệ tình ái với một người khác.

Chia tay với người chồng thứ hai, cô đưa con trai trở lại Mátxcơva. Cuộc sống của người mẹ đơn thân không có tiền trong căn hộ tồi tàn ở Leningrad trở thành gánh nặng quá sức đối với cô. Đến thủ đô, cô chỉ mong sao ổn định cuộc sống càng nhanh càng tốt. Khi đó Larisa vẫn còn rất đẹp. Cô nghĩ: "Mình phải nắm lấy cơ hội bằng mọi giá. Hoặc là bây giờ, hoặc là không bao giờ".

Đúng lúc đó xuất hiện một ông chủ nhà băng, giàu có, chịu chơi. Larisa lao vào cuộc tình đó mà không hề đắn đo.

Một lần, nữ diễn viên nổi tiếng Vera Glagoleva, bạn thân của Larisa mời cô đến khám phá một nhà hàng mới. Ông chủ nhà hàng chẳng phải ai xa lạ, mà chính là Igor. Hai người chào nhau, Igor hỏi thăm. Larisa trả lời: "Tôi đang ở Mátxcơva với mẹ và con trai. Nhờ trời, đã mua được căn hộ. Hy vọng sẽ trụ lại đây lâu dài. Đã tìm được một anh tương đối giàu có, nhưng chưa chắc đã trông cậy được. Nếu thi thoảng anh giúp được vài ba việc thì tốt".

Quả thực, Larisa khi đó có rất nhiều vấn đề, nên chị nhờ vả rất tự nhiên. Igor đồng ý. Và anh đã giúp chị hơn bất cứ một người ruột thịt nào.

Một lần ông chủ nhà băng mời mẹ con chị cùng cậu con trai 6 tuổi đi nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Và trên máy bay chuyện không may đã xảy ra. Tiếp viên đánh đổ nước sôi vào người cậu bé khiến cậu bị bỏng nặng. Larisa chỉ còn biết trông cậy vào Igor. Vài giờ sau, cậu bé đã nhận được sự sơ cứu cần thiết. Igor đặt vé cho gia đình chị quay trở lại Mátxcơva ngay và từ sân bay đưa họ thẳng về trung tâm bỏng.

Cậu bé khỏi bệnh. Larisa áy náy khôn nguôi, không biết phải cám ơn Igor bằng cách nào. Chị nói với mẹ: "Con đi ăn với Igor mẹ nhé, con muốn ngồi nói chuyện với Igor". Họ ngồi ăn với nhau, rồi sau đó đến một khách sạn...


Đêm đó là một đêm kinh hoàng đối với Larisa. Trong thâm tâm chị, chung giường với Igor chẳng khác nào ngủ với anh trai của chính mình. Igor cáu kỉnh: nữ thần của anh hóa ra lại nặng nợ trần gian quá. Sáng sau, anh chở Larisa về nhà với gương mặt cau có. Chị biết chị đã làm cho Igor thất vọng. Nhưng cũng chính từ thời điểm đó mọi chuyện bắt đầu dần dần thay đổi.

Hè năm đó, Larisa cho mẹ và con trai về quê. Chị sửa soạn đi Cyprus theo lời mời của một vài người giàu có. Chị hứa với Igor: "Anh yên tâm, sẽ không có chuyện gì xảy ra giữa em với bất cứ ai trong số đó". Nhưng Igor đáp: "Anh cũng muốn đi. Sao chúng ta không đi Israel?". Larisa đồng ý đi chung với một điều kiện: Hai người sẽ ở riêng.

Tới Jerusalem, Igor thuê một suit 2 phòng, mỗi phòng lại có khu vệ sinh riêng. Nhìn qua thì như là riêng rẽ, nhưng thực ra là vẫn ở chung. Vài ngày trôi qua trong bình yên. Larisa bỗng nhiên gặp một nhóm bạn nghệ sĩ từ Nga sang lưu diễn. Chị bỏ Igor ở khách sạn một mình, tung tăng đi xem, rồi tụ tập nhậu nhẹt thâu đêm.

Sáng hôm sau quay trở lại khách sạn, Larisa hốt hoảng thấy những giọt nước mắt trên gương mặt Igor. Mọi thứ trong chị bỗng chốc đảo lộn. Chị nghĩ thầm: "Không, không thể như thế này được nữa. Trời sẽ trừng phạt mình!". Và bỗng nhiên, xuất hiện một thứ tình cảm nào đó lớn hơn, nghiêm túc hơn và cũng lạ lẫm hơn.

Larisa đã quá quen với cách hành xử khác của đàn ông. Họ trèo qua bancon để tặng hoa, nói những lời có cánh, nhưng họ cũng có thể lên lớp dạy dỗ và giở giọng đểu giả. Chị chưa bao giờ được ai đó xót thương, thấu hiểu và cảm thông. Khi đó chị đã nghĩ: "Anh ta cứ tát mình còn thấy dễ chịu hơn là nhìn mình với đôi mắt đẫm lệ thế kia!"

Quan hệ nghiêm túc giữa hai người bắt đầu chính từ chuyến đi Israel năm đó.

Một lần, Igor bảo: "Mình về sống với nhau nhé? Anh sẽ đưa em mọi thứ anh có". Larisa vặc lại: "Nhưng ông chủ nhà băng hứa sẽ đưa em số tiền mà anh chẳng thể có". Igor cười khẩy: "Em tin thằng cha đó à? Rồi sau đó hắn sẽ lấy lại hết cho mà xem...". Larisa hiểu anh nói đúng, nhưng chị chưa dám công khai với mẹ và con trai về mối quan hệ của họ. Chị sợ làm con trai tổn thương. Dọn về nhà Igor ở thì chị không muốn, vì như vậy Igor sẽ nắm được đằng chuôi. Hai người chỉ còn cách gặp nhau trong xe hơi.

Mùa đông đến. Một buổi tối Igor sửa soạn ra về và Larisa chuẩn bị "tiễn" anh ra xe như thường lệ, thì mẹ chị nói: "Này con, con không thấy xấu hổ khi về đến nhà nằm duỗi chân duỗi tay ra là ngủ ngay, còn thằng bé thì phải lặn lội bão tuyết thế này?". Larisa hỏi: "Thế theo mẹ thì thế nào?". Mẹ chị đáp thản nhiên: "Có gì là khó hiểu đâu? Cứ để nó ngủ đêm ở đây. Tôi quá biết rõ chị đi "tiễn" gì mà "tiễn" đến gần sáng mới về thế?"

Igor ở lại. Sáng sau, con trai chị hé cửa nhìn vào. Larisa vô cùng lo lắng không biết phản ứng của nó ra sao? Thằng bé bỗng hô toáng lên: "Chú Igor ngủ ở đây ạ?! Hoan hô!". Và nó nhảy thẳng lên giường, chỗ Igor nằm.

Nhưng Larisa nhất quyết không chịu đi đăng ký. "Cưới xin làm gì? Em đã hai lần lấy chồng. Có chuyện gì tốt đẹp đâu? Tốt nhất là cứ sống thế này" - chị nói. Nhưng Igor thì lại không muốn như vậy. Khi đó Larisa vẫn chưa chính thức ly dị với người chồng thứ hai. Anh ta sống ở Tbilisi và khi đó chính sự ở Gruzia rất căng thẳng.

Đúng lúc đó thì Larisa có mang. Chị không muốn có thêm con. Chị cố tình làm cho sảy thai bằng mọi cách: leo trèo, nhảy, mang vật nặng. Mẹ chị có lần quát: "Con điên, mày định chết đấy à?". Làm đủ cách mà không ăn thua, Larisa tìm đến bác sĩ quen. Chị không biết rằng Igor đã gọi điện trước cho bác sĩ: "Anh hãy nghĩ ra điều gì đó dọa để cô ấy sợ".

(còn tiếp)

Entries liên quan:
CẶP MẮT ĐẸP DÃ MAN! (1)
CẶP MẮT ĐẸP DÃ MAN! (2)

BONUS





19/9/10

HỌ BỊ NƯỚC PHÁP XUA ĐUỔI



Hồi thập niên 1970, khán giả ở miền Bắc hẳn có ấn tượng rất mạnh với bộ phim “Đoàn Digan lên trời” (Табор уходит в небо) dựa theo truyện ngắn của đại văn hào Nga Maxim Gorky.

Cô gái Digan xinh đẹp Rada đem lòng yêu Loiko – chàng trai chuyên trộm ngựa. Người Digan trong phim này hiện lên như một dân tộc kiêu hãnh, yêu tự do, tài năng và sống hài hòa với thiên nhiên.

Nhưng đó là chuyện trong phim. Người Digan ngày hôm nay vẫn đang phải chịu sự kỳ thị ghê gớm, thậm chí ở ngay cả một nước có truyền thống “tự do, bình đẳng, bác ái” như nước Pháp...


Chính quyền của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang tiếp tục thực thi kế hoạch trục xuất 700 người Di Gan (còn gọi là Gypsy hay Roma) về nơi họ xuất phát là Romania. Cảnh sát đã dỡ bỏ những khu lều của họ và cấp cho bất cứ ai muốn tình nguyện trở về 300 euro. Nhưng dư luận Pháp lại có quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này. Cả Liên minh Châu Âu (EU) lẫn các tổ chức về quyền con người đều lên tiếng phản đối.

Người Di Gan là ai? Tại sao họ lại bị căm ghét đến vậy? Từ Gypsy trong tiếng Anh là cách gọi ngắn của từ Egyptian (Ai Cập), cho thấy sự nhầm lẫn về gốc gác của tộc người này. Trên thực tế, người Di Gan xuất thân từ Ấn Độ. Họ rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn từ thế kỷ 11, có thể do hậu quả từ các cuộc xâm lược của người Hồi giáo. Và từ đó đến nay họ không quay trở lại cố quốc. Sang thế kỷ 14, họ di cưu đến Đông Âu và cư dân tại một số nước ở khu vực này tưởng nhầm rằng họ đến từ Ai Cập.

Mặc dầu số lượng người Di Gan hầu như không bao giờ hiển thị trên các kết quả điều tra dân số chính thức, song ước tính hiện nay có khoảng 2-5 triệu người. Họ sinh sống chủ yếu ở các nước Slavơ như CH Czech, Bulgaria và Romania. Sự hiện diện của họ đã kéo dài qua nhiều thế kỷ, nhưng Châu Âu chưa bao giờ chấp nhận tộc người du mục này và đã áp dụng một cách có hệ thống những sự thanh trừng khác nhau kể từ lần đầu tiên họ đặt chân lên lục địa.

Bằng chứng của sự kỳ thị có thể nhìn thấy rõ ràng trong ngôn ngữ (tiếng Anh). Người ta dùng từ “gyp” để chỉ hành động lừa đảo tiền bạc; “Gypsy moths” (bướm đêm Gypsy) có nghĩa là sống ăn bám; “Gypsy taxi” là loại taxi hoạt động bất hợp pháp...

Vì người Di Gan cứ di cư từ nước này sang nước khác, nên họ không dễ dàng trong việc xây dựng chỗ ở cố định và có công ăn việc làm. Họ di chuyển trên những đoàn xe lưu động và kiếm kế sinh nhai bằng những trò biểu diễn, hoặc làm công nhân thời vụ hoặc bán những mặt hàng tạp hoá... Một số người làm nghề bói toán.

Người Di Gan có biệt tài là nhảy múa rất giỏi. Chính họ đã tạo ra điệu flamenco nổi tiếng. Cách sống du cư trở thành một phần trong văn hoá của người Di Gan và mặc dù có thể dễ dàng lãng mạn hoá điều đó, song trên thực tế nhắc đến Di Gan là nói đến nghèo khổ, sự ngờ vực và mặc cảm không thuộc về đâu.

Sự ngược đãi kéo dài đã buộc họ sản sinh tâm tính “chúng ta chống lại chúng nó” rất mạnh. Thậm chí, họ có những đạo luật rất khắt khe, cấm đoán kết hôn với những người “gadje” (ngoài Di Gan).

Châu Âu đưa ra những đạo luật chống người Di Gan từ đầu thế kỷ 15: những thành phố như Lucerne (Thụy Sỹ) và Freiburg (Đức) đã thường xuyên xua đuổi họ. Người Di Gan phải gánh chịu hầu hết mọi hình thức phân biệt đối xử.

Trong Chiến tranh Thế giới II, phátxít Đức đã tàn sát gần 400 nghìn người Di Gan cùng với người Do Thái, người đồng tính và những sắc dân khác. Nhiều người Di Gan bị bố ráp và bắn chết ngay trong làng của họ, không ít người bị đưa đến các trại tập trung.

Hai phụ nữ Di Gan bị trục xuất khỏi Pháp tại sân bay Roissy cuối tháng 8 vừa qua.

Quan hệ giữa nước Pháp và người Di Gan luôn luôn căng thẳng. Năm ngoái, gần 10 nghìn người Di Gan đã bị buộc phải “trở về nhà” ở Bulgaria và Romania. Theo Chính phủ Pháp, cuộc cưỡng bức hồi hương mới đây là kết quả của cuộc ẩu đả diễn ra ngày 16.7.2010. Chàng trai Di Gan 22 tuổi Luigi Duquenet bị cảnh sát bắn chết sau khi anh ta đâm vào một cảnh sát trong khi lái xe.

Cái chết của Duquenet đã dấy lên cuộc náo loạn ở thị trấn Saint-Aignan, khiến người phát ngôn của Chính phủ Pháp phải gọi người Di Gan là “nguồn gốc của buôn lậu, của những điều kiện sống cực kỳ kinh hoàng, của bóc lột trẻ em ăn xin, của mại dâm và tội ác”. Ngày 28.7, Tổng thống Sarkozy tuyên bố cho dỡ bỏ những khu lều trại của người Di Gan và trục xuất họ về nơi ra đi.

Dư luận cho rằng những hành động của chính quyền Pháp đi ngược lại luật pháp của EU. Đại đa số người Di Gan đến Pháp từ Romania và Bulgaria - hai nước thành viên của EU. Công dân của các nước EU được quyền di chuyển tự do trong lãnh thổ những nước thành viên khác.

Tuy nhiên, luật pháp của Pháp hạn chế sự lưu trú của họ trong vòng 3 tháng, trừ khi họ tìm được việc làm. Đúng là đa phần người Di Gan cư trú tại Pháp là bất hợp pháp, nhưng Pháp không chứng minh được rằng họ đang trục xuất đúng người, nếu như không kiểm tra giấy tờ tùy thân của từng người bị trục xuất.

Vẫn kiên quyết với kế hoạch trục xuất, Pháp mở chiến dịch ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ của EU. Ngày 14.9, các bộ trưởng Pháp gặp gỡ với các quan chức EU và đại diện Nhà thờ Catholic Pháp để giải thích rõ rằng các bước đi của Chính phủ Pháp là đúng luật.

BONUS:




18/9/10

MEXICO CŨNG THÍCH DUYỆT BINH



Tuần qua, Mexico kỷ niệm 200 năm phát động cuộc chiến tranh giành độc lập. Tháng 9.1810, linh mục Miguel Hidalgo y Costilla kêu gọi nhân dân Mexico đừng lên chống lại thực dân Tây Ban Nha. Cuộc chiến tranh giành độc lập của nhân dân Mexico kéo dài một thập niên cuối cùng cũng dẫn đến thắng lợi.

Người Mexico không tính thời điểm được độc lập là năm 1820, mà tính từ khi cuộc chiến tranh được phát động. Đó cũng là điều thú vị. Họ độc lập ngay từ khi đứng lên cầm súng chống lại chủ nghĩa thực dân.


Kỷ niệm 200 năm, hàng vạn người đã đổ ra các đường phố Mexico City để ăn mừng. Lễ kỷ niệm diễn ra trong bối cảnh bạo lực đẫm máu của cuộc chiến chống ma túy, cũng như những chỉ trích gay gắt về việc chính phủ vung tay quá trán cho những màn trình diễn hoang phí.


Xem những tấm ảnh dưới đây, ta sẽ thấy có những điểm giống nhau về tư duy giữa Mexico và Việt Nam về duyệt binh.



Cũng có cảnh sân khấu hóa nhân dân vùng lên tiêu diệt kẻ thù



Cũng có các nữ du kích tham gia duyệt binh.















Nguồn:
Mexico's Bicentennial

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết