31/8/10

NGÀY BLOG



Chúng ta viết blog, đọc blog, nhưng có ai biết ngày blog (Blog Day) là ngày nào không?

Nghe hỏi thế, chắc chắn có bạn sẽ cười: "Vớ vẩn, làm gì có ngày đấy?"

Thế mà có đấy.

Blog Day chính là hôm nay 31.8.

Chẳng những thế mà ngày này còn được kỷ niệm rộng rãi trên thế giới, và năm nay là lần thứ 6 rồi.

Bởi vì Blog Day được kỷ niệm lần đầu tiên vào năm 2005, cũng là năm mà phong trào blogging manh nha ở Việt Nam.

Blog Day là gì?

Là ngày mà những người viết blog (blogger) biết thêm những người bạn viết blog từ các nước khác, hoặc viết blog về những mối quan tâm khác nhau. Trong ngày này các blogger sẽ giới thiệu 5 blog tiêu biểu cho những người đến đọc blog của mình, để họ làm quen, khám phá những blog mà trước đây họ chưa biết tới.

Hãy liệt kê 5 blog mới khác biệt với blog của bạn về tư duy, sở thích, lối sống...; giới thiệu ngắn về 5 blog đó và đính kèm đường link.

Và đây là 5 blog giới thiệu với mọi người trong Blog Day 31.8 (những blog này chưa có trong danh sách giới thiệu blog hay của tôi):

- Blog Thich Hoc Toán. Tác giả là ai thì mọi người đều biết. Giới thiệu blog này dễ bị mọi người đánh giá là xu thời, nhưng quả thật, nó rất đáng đọc.
- Blog của 5 xu. Chả biết giới thiệu thế nào. Mọi người vào đọc thì biết.
- Mèo Điệu. Một cô nương ở Sài Gòn, thích phượt, mà phải là phượt xa. Vừa đi Tây Tạng về với loạt entries ảnh rất đẹp.
- Đông A. Một người có tư duy sắc bén và độc đáo.
- Nguyễn Xuân Diện. Tiến sĩ Hán Nôm. Thường xuyên có các entries hay về văn hóa dân tộc khá đặc sắc.


Blog Day 2010




30/8/10

VĂN HÓA TÀI TRỢ



Tài trợ là một hoạt động của lĩnh vực public relations (PR) rất phổ biến trong thời đại hiện nay.

Ông Juan Antonio Samaranch, cố Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) là người được ca ngợi vì đã biến các kỳ Thế vận hội thành những cơ hội thu bội tiền cho IOC và các nước đăng cai qua các hợp đồng tài trợ kếch xù. Giờ đây, không thể hình dung các cuộc thi đấu thể thao, thi hoa hậu, các chương trình biểu diễn mà không có nhà tài trợ.

Không có tài trợ, các nhà tổ chức sự kiện hoặc sẽ bị chỉ trích là không biết cách làm việc, hoặc sự kiện của họ trên thực tế chẳng ra gì.

Tài trợ là thứ có đi có lại. Anh bỏ tiền cho tôi làm cái này cái kia, thì anh cũng không hẳn là hào hiệp cho tôi số tiền đó, mà đổi lại anh sẽ được rất nhiều quyền lợi. Đa phần các quyền lợi đó đều liên quan đến việc khuyếch trương hình ảnh của nhà tài trợ và đều có thể quy ra thành tiền.

Cho nên không phải trong trường hợp nào cũng có thể ca ngợi, vinh danh nhà tài trợ bằng những mỹ từ như "hào phóng", "hảo tâm"...

Đại đa số các nhà tài trợ đều có trong tay bộ máy két kèn kẹt như bà la sát để đi cân đong đo đếm xem các quyền lợi mà nhà tổ chức trả lại cho họ có đủ hay không. Đố nhà tổ chức nào thiếu được với họ một li một lai.

Có những nhà tổ chức rất hữu hảo và tôn trọng nhà tài trợ, nhưng chỉ cần thời tiết hay một vài nguyên nhân khách quan nào đó mà "bay" một cái băng-rôn có logo của nhà tài trợ là liệu hồn, sẽ bị chan tương đổ mẻ ngay.

Nói chung, đội ngũ PR nội bộ của các nhà tài trợ được ví như loại "chị em hổ vồ" lúc nào cũng thích logo hay những thứ liên quan đến bộ nhận diện thương hiệu của họ được "dài hơn, to hơn".

Thật không là quá, khi nói tài trợ ở xứ ta chưa đạt được tầm "văn hóa tài trợ". Trong một buổi lễ tôn giáo được truyền hình trực tiếp mới đây, các nhà tài trợ cũng nhất định phải lên sân khấu để được cảm ơn, được tặng hoa, được bà con cả nước nhìn thấy mặt trên truyền hình.

Rồi ngay cả cuộc tôn vinh vị giáo sư đoạt giải Fields đêm qua, nhà tài trợ là một hãng bia cũng vẫn chưa đủ bản lĩnh để lặng im trước một thiên tài.

Ảnh: Hình con rồng trên logo của Sabeco được in chìm trên phông của buổi lễ tôn vinh Giáo sư Ngô Bảo Châu (Nguồn: VnExpress)

BONUS:
Đọc lại entry này để biết văn hóa tài trợ của Quỹ Altimo (Nga)



29/8/10

ẢNH VUI THỂ THAO


Sợ quá, em xin chừa!

Nụ hôn bất ngờ

Vỡ mặt!

Đòn hiểm
May quá, suýt chết ngạt!
Con mắt còn lại
Trái tim gợi cảm
Chịu thua đi rồi chị tha.

Sừng nhạy cảm.
Nhảy cầu từ méo mồm...

... đến lác mắt
Điệu tango bất đắc dĩ

Entries liên quan:
CHỈ CÓ Ở VIỆT NAM
BÍ ẨN TRONG CƠ THỂ NGƯỜI
HỌ LÀM GÌ TẠI WORLD CUP?
BIỂU TÌNH BẰNG... TẮM


27/8/10

NHỮNG CHIẾC VÉ MỜI HẨM HIU



Minh Phước

Nếu chỉ nhìn vào những tên tuổi từng đến biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội thì chưa chắc người ta đã tin rằng ở Việt Nam nhạc cổ điển còn lâu mới được gọi là phổ biến rộng rãi: huyền thoại cello Mstislav Rostropovich, thần đồng dương cầm Lang Lang, nghệ sĩ vĩ cầm Hilary Hahn, Dàn nhạc Giao hưởng New York Philhamonic, nghệ sĩ opera Francesca Patanè… và gần đây là nghệ sĩ cello Giovanni Solima.


Càng không có gì để phàn nàn khi chỉ cần dưới 500 nghìn đồng đã có thể sở hữu một tấm vé hạng trung ở những buổi hòa nhạc đỉnh cao như vậy, mà không bao giờ có chuyện phải đặt chỗ trước cả năm như ở nhiều nước khác.


Với giá vé đó mà còn kêu đắt thì tự cảm thấy mình không phải, nếu hiểu rõ giá trị lao động của nghệ sĩ - họ đã bay cả ngàn cây số đến chỉ để chơi một đêm duy nhất, và phía sau đêm biểu diễn là hàng bao năm trời luyện tập vô cùng cực nhọc. Nên cảm thấy mình may mắn khi có được tấm vé mua bằng số tiền không nhỏ so với mức thu nhập của mình, dù có vô khối người chẳng coi tấm vé mời được trao tận tay ra gì.


Một khi đã mắc bệnh hay để ý thì bạn không thể đến một buổi hòa nhạc nào ở Việt Nam mà không đem về vài ấn tượng khó chịu. Trẻ con chạy loắng quắng khi đã bắt đầu buổi diễn, điện thoại di động đột ngột lấp loáng ré lên, hay “bà tám” quá sức vô tư thoải mái… - từ năm này qua năm khác, những chuyện đó không lúc nào thiếu. Nhưng có thể bạn sẽ khó chịu ngay từ khi buổi diễn chưa bắt đầu, khi có tiền cũng không mua nổi vé, vì những chỗ ngồi tốt nhất đã được đem mời cả rồi. Cho những người cần phải mời, hoặc cho những người xin vé thuộc dạng cần phải cho. Nếu xin vì muốn nghe nhạc thì không có gì phải nói, nhưng trong số đó không ít người nhiễm cái tật, thấy được mời, được cho thì cứ lấy, dù không quan tâm, không thích.

Khi chương trình hòa nhạc Hennessy mới sang Việt Nam, sau mỗi buổi biểu diễn, Ban tổ chức thường phát CD lưu niệm cho khán giả, nhưng cử chỉ đẹp này nhanh chóng bị loại bỏ chỉ sau hai, ba năm, do nhiều người cứ tiện tay cầm liền cả mấy đĩa, chả hiểu để làm gì, khiến những người thật sự muốn có một chiếc đĩa kỉ niệm phải về tay không.

Số phận những chiếc vé mời thường không khá hơn. Phần lớn các vị quan khách quá bận để có thể dành thời gian đến các khán phòng, vé mời tiện tay đem cho người quen, mà những người cầm vé chẳng chút trân trọng nên mới dẫn trẻ con theo kèm như đi siêu thị, và biến khán phòng thành nơi biểu diễn các bộ sưu tập thời trang.


Đêm nghệ sĩ người Ý Giovanni Solima, “Jimmi Hendrix của cello”, biểu diễn ở Nhà hát Lớn mới đây, có hai nàng Kiều ngồi ở hàng ghế sát sân khấu thu hút sự ánh mắt của không ít người, nhưng thu hút không phải vì hai nàng quá xinh đẹp và ăn mặc sành điệu mà vì hai nàng chỉ quay sang nói chuyện với nhau là chính, để mặc âm nhạc đi từ tai nọ qua tai kia.

Trong một phút ngẫu hứng, nghệ sĩ mang cây cello chế tạo từ năm 1679 bước xuống sân khấu, dạo một vòng quanh khán phòng tầng 1. Có người đứng cả lên mong được chiêm ngưỡng kỹ hơn nhạc cụ cổ hiếm có, riêng hai nàng vẫn vui vẻ nhắn tin và thì thầm vào tai nhau, như không hề có gì xảy ra. Chẳng rõ nghệ sĩ có lấy làm buồn không, còn những người chậm chân hoặc ít tiền chỉ mua được vé trên tầng 3 thì tiếc đứt ruột. Tất nhiên chỉ đủ tiền mua vé rẻ thì phải chịu, nhưng vẫn ngẩn ngơ vì những tấm vé vốn chẳng liên quan gì đến mình.


Buổi biểu diễn của 12 cây cello thuộc Dàn nhạc Giao hưởng Berlin lừng danh đầu tháng 7 vừa qua là cơ hội có một không hai cho người Hà Nội - ở nước ngoài cũng hiếm khi 12 nghệ sĩ chơi riêng một đêm nhạc như thế. Nhờ nằm trong chuỗi sự kiện văn hoá "Năm Đức tại Việt Nam" mà buổi diễn mới được tổ chức, những khán giả bình thường, thì dù là người Đức sống ở Hà Nội, cũng không dễ kiếm được vé. Khán phòng đông chật đến tận hàng ghế cuối cùng. Nhạc mục toàn những tác phẩm lừng danh được xếp đặt khéo léo, kỹ thuật trình diễn toàn hảo của các nghệ sĩ khiến người nghe vừa thỏa mãn vừa vô cùng thán phục.

Vậy mà sau giờ giải lao, nhiều ghế đẹp ở tầng 1 và các lô (những vị trí đặc biệt ưu tiên khách mời) không thấy người trở lại. Trong khi đó trên tầng 3 không ai bỏ về. Dãy “chuồng gà” phút cuối vẫn đông như phút đầu. Dù nhiều người không có chỗ ngồi, tất cả vẫn đều nán lại cho tới khi những nốt nhạc cuối cùng của bản bonus kết thúc. Một người nước ngoài cao lớn, chắc không muốn ngồi trong chiếc ghế chật chội đã đứng suốt cả buổi diễn, vỗ tay thật nhiệt thành sau mỗi tác phẩm, mái tóc bạc của ông đẫm mồ hôi. Lại thấy tiếc. Giá như những chiếc vé không hề được trân trọng kia được trao vào tay những khán giả như ông.


Qua các chương trình nghệ thuật mà các sứ quán hay các viện văn hóa kỳ công đưa đến Việt Nam, có thể thấy nhiều nghệ sĩ lừng danh đã rất ưu ái công chúng nước ta khi dành một vài đêm trong lịch trình biểu diễn chật kín của mình để ghé qua Nhà hát Lớn. Ngoài nghĩa vụ đối với tổ quốc, thì trước tiên họ là những nghệ sĩ, luôn mong muốn đem âm nhạc đến với những người đồng cảm. Họ biểu diễn hết mình một cách chuyên nghiệp dù thấy rõ nhiều người trong khán phòng chẳng hề để tâm, nhưng sau mỗi cuộc giao lưu như thế, lại có thêm những bằng chứng cho thấy Việt Nam thật sự vẫn còn là vùng trũng về văn hóa.


Chú thích ảnh: Nguyễn Việt Trung, 12 tuổi, trình tấu cùng dàn nhạc


Nguồn:

NHỮNG CHIẾC VÉ MỜI HẨM HIU - TẠP CHÍ TIA SÁNG

Entries liên quan
LẠI BÀN VỀ VĂN HOÁ NGƯỜI HÀ NỘI
SAO KHÔNG HỌC CHUYỆN TRẠNG QUỲNH?
LOẠN LỄ HỘI
XEM BALLET NGA CÙNG NGHỆ SĨ NHÂN DÂN
TIẾNG VĨ CẦM


26/8/10

NÚI VÀNG TRONG RÁC THẢI



Mỗi năm có 40 triệu tấn thiết bị điện tử trở thành rác thải. Bị vứt bỏ cùng với chúng là một lượng lớn kim loại quý: trong 41 điện thoại di động có một lượng vàng tương đương lượng vàng trong một tấn quặng vàng. Cùng với khái niệm “khai thác mỏ ở đô thị”, đã xuất hiện nhiều hãng tái chế rác điện tử ở châu Âu.

Để khai thác kim loại, con người phải đầu tư, chi phí rất lớn, phải đào và thiết kế hầm lò ở độ sâu hàng nghìn mét, phải phá ủi cả một quả núi hay sàng lọc, đãi cát cực kỳ vất vả. Trong khi đó, người ta có thể khai thác tài nguyên kim loại quý hiếm ít vất vả tốn kém hơn nhiều: trong chất thải công nghiệp và thiết bị, máy móc phế loại của các hộ gia đình chứa đựng một khối lượng lớn vàng, bạc và các kim loại quý hiếm khác. Bởi vậy Liên Hợp Quốc (LHQ) đang kêu gọi các quốc gia hãy tăng cường khai thác nguồn tài nguyên từ phế thải điện tử.

Theo báo cáo của Cơ quan LHQ về Môi trường UNEP, mỗi năm thế giới thải ra khoảng 40 triệu tấn rác loại này. Ông Rüdiger Kühr làm việc tại trường Đại học của LHQ (United Nations University) cho rằng lượng kim loại quý hiếm có thể thu hồi từ thiết bị điện tử phế thải lớn hơn nhiều so với khai thác mỏ; do đó Kühr đề cập tới khái niệm “khai thác mỏ ở đô thị”.

Thường thì để khai thác được một gram vàng, doanh nghiệp phải đào bới vận chuyển một tấn quặng. Việc tái chế để có được lượng vàng này từ chất phế thải công nghiệp và gia đình đơn giản hơn nhiều: một lượng vàng tương tự có trong 41 điện thoại di động. Ngay cả các mỏ có tỷ trọng khai thác cao như mỏ Kalgold ở Nam Phi thì để lấy được 5gr vàng người ta phải đào bới, vận chuyển một tấn đất, đá. Trong khi đó hãng tái chế Umicore tại Brussels có hàng triệu tấm vi mạch máy tính và người ta có thể thu hồi được 250gr vàng từ một tấn tấm vi mạch này, cao gấp 50 lần so với mỏ Kalgold.

Ngành kinh doanh tái chế điện tử ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Đã xuất hiện nhiều hãng tái chế điện tử ở châu Âu. Do những năm gần đây giá kim loại không ngừng tăng nên các hãng này thu được lợi nhuận ngày càng cao. Cái khó là ở chỗ phần lớn thiết bị điện tử phế loại không được thu gom để đưa vào tái chế. Sự lãng phí nguồn tài nguyên này rất lớn, nhất là ở các nước nghèo.

Theo một báo cáo của LHQ, thông thường ở các nước nghèo, thiết bị vi tính, điện thoại di động hư hỏng đều bị vứt bỏ chứ không được thu gom để tái chế. Một nhà nghiên cứu của UNEP đã tính mức độ lãng phí về vấn đề này ở các nước đang phát triển và cung cấp số liệu cho Spiegel Online.

Riêng ở Trung Quốc mỗi năm có khoảng bốn tấn vàng, 28 tấn bạc và 6.000 tấn đồng ở trong máy tính và điện thoại di động hỏng bị vứt vào bãi rác. Lượng vàng này trị giá 100 triệu Euro - và tương đương lượng vàng được khai thác ở một số nước. Cũng theo bản báo cáo của UNEP thì trong năm 2010, ở Trung Quốc sẽ có 2,3 triệu tấn rác thải điện tử gồm 500.000 tấn tủ lạnh, 1,3 triệu tấn máy truyền hình và 300.000 tấn computer.

Trung Quốc xếp hàng thứ hai sau Mỹ về lượng rác thải điện tử, theo ước tính thì năm 2010 Mỹ có khoảng 3 triệu tấn rác thải điện tử. Điện thoại di động và computer chiếm một khối lượng lớn kim loại: 15 % cobalt, 13% palladium và 3% lượng vàng, bạc khai thác hằng năm trên thế giới được dùng trong công nghiệp sản xuất điện thoại di động và computer. Phần lớn lượng kim loại quý hiếm này cuối cùng lại trở thành rác thải.

Trong năm 2008, riêng lượng vàng, bạc, đồng, palladium và cobalt dùng để sản xuất computer trị giá 2,7 tỷ Euro. Theo điều tra của UNEP, do thiếu một quá trình tái chế nên các nước đang phát triển cũng như các nước mới nổi đang tự làm mất đi một lượng lớn các loại nguyên liệu quan trọng. Trong khi đó ở các nước EU, nhà sản xuất thiết bị điện, điện tử có trách nhiệm tiếp nhận lại những sản phẩm cũ của mình. Những người kinh doanh kim loại và nguyên liệu phế thải thì hy vọng ngành tái chế sẽ mang lại lợi nhuận không nhỏ.

Đối với việc tái chế, thu hồi kim loại đồng người ta đã đạt được kết quả khả quan, thí dụ Đức thu hồi được khoảng 50% lượng đồng đã sử dụng trong quá trình sản xuất, tuy nhiên, bất chấp các quy định, một lượng lớn kim loại đã không được đưa vào hệ thống tái chế. Theo báo cáo của UNEP, ở châu Âu các kim loại như vàng, bạc và palladium ít được đưa vào quá trình tái chế, vì thế châu lục này mỗi năm bị thất thoát trên 5 tỷ Euro.

Do sản xuất thiết bị điện tử sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nên sự lãng phí nguồn tài nguyên cũng sẽ tăng gấp bội so với hiện nay. Một số công nghệ tương lai như tế bào chất đốt hay quang điện sẽ tăng nhu cầu đối với nhiều loại kim loại quý hiếm. Cho đến thời điểm 2007, toàn thế giới đã tiêu thụ tới 1 tỷ điện thoại di động.

Các chuyên gia cho rằng ở nhiều nước, rác thải điện tử sẽ tăng đáng kể: thí dụ ở Trung Quốc và Cộng hòa Nam Phi, lượng rác điện tử năm 2020 sẽ tăng gấp bốn lần so với năm 2007, mức tăng ở Ấn Độ là năm lần. Ở các nước châu Phi thí dụ như Senegal hay Uganda, mức tăng này thậm chí tới tám lần.

Hiện tại châu Phi đã trở thành bãi chứa thiết bị điện tử phế thải, lỗi thời của các nước phương Tây. Theo một Hiệp định của LHQ ký năm 1989, Công ước Basel, cấm không được tuồn rác sang các nước khác nếu không có sự chấp thuận của các nước đó. Tuy nhiên vẫn có nhiều thiết bị điện tử cũ, chất phế thải tuồn lậu bằng nhiều kênh khác nhau vào các nước đang phát triển.

Riêng nước Đức mỗi năm xuất khẩu khoảng 100.000 tấn rác điện tử. Việc tuồn lậu rác thải sang các nước khác rẻ hơn nhiều so với việc tái chế đúng quy định. Những chiếc ô tô cũ xuất khẩu của Đức thường chứa đến tận ngọn rác thải điện tử.

Thường rác thải được xuất sang châu Phi và tại đây các thiết bị điện tử sẽ được tháo dỡ thủ công. Tuy nhiên các loại kim loại không được tận thu, khoảng 75% số lượng vàng bị bỏ phí.

Khi bị đốt để thiêu hủy, những núi rác điện tử gây tác động chết người đối với môi trường và con người. Các loại kim loại nặng bị đốt cháy có thể gây ung thư, nhất là đối với những người làm việc gần bãi rác. Nguồn đất và nước ở khu vực rác thải bị đốt cũng bị nhiễm độc nghiêm trọng.

Xuân Hoài dịch Theo Spiegel

Nguồn:
NÚI VÀNG TRONG RÁC THẢI - TẠP CHÍ TIA SÁNG

Entries liên quan
Ô NHIỄM VÌ TIỄN ÔNG CÔNG ÔNG TÁO
HAI CUỘC ĐỐI THOẠI VỀ VỊNH HẠ LONG
CÒN BAO NHIÊU DÒNG SÔNG SẮP QUA ĐỜI?
TẠI SAO CỨ PHẢI DÙNG NƯỚC ĐÓNG CHAI?



25/8/10

NỖI NIỀM BIỂN ĐÔNG



Nguyên Ngọc

Chính bằng việc đi về Nam, trên con đường đi ngày càng xa về Nam mà trong tâm tình Việt đã có được nỗi niềm biển, nỗi niềm Biển Đông. Cũng không phải ngẫu nhiên mà từ đó, nghĩa là từ đầu thiên niên kỷ thứ hai, với nỗi niềm biển ngày càng thấm sâu trong máu Việt, cha ông ta, người dân Việt, và các Nhà nước Việt liên tục, đã rất sớm khẳng định chủ quyền Việt Nam trên các hải đảo và thềm lục địa của chúng ta.

Mở đầu cuốn Việt Nam văn hóa sử cương, cụ Đào Duy Anh viết: “Khắp một vùng trung châu Bắc Việt, không mẩu đất nào là không có dấu vết thảm đảm kinh dinh của tổ tiên ta để giành quyền sống với vạn vật; suốt một dải Trung Việt vào đến trung châu Nam Việt, không một khúc đường nào là không nhắc lại sự nghiệp gian nan tiến thủ của tổ tiên ta để mở rộng hy vọng cho tương lai”. Thật ngắn gọn, thật súc tích, vị học giả cao kiến đã đúc kết chặt chẽ và cực kỳ chính xác hai chặng đường lớn mấy thiên niên kỷ của dân tộc; và chỉ bằng mấy chữ cô đọng, chỉ ra không thể rõ hơn nữa đặc điểm cơ bản của mỗi chặng, có ý nghĩa không chỉ để nhìn nhận quá khứ, mà còn để suy nghĩ về hôm nay và ngày mai– những suy nghĩ, lạ thay, dường như đang càng ngày càng trở nên nóng bỏng, cấp thiết hơn.

Chặng thứ nhất, tổ tiên ta, từ những rừng núi chật hẹp phía Bắc và Tây Bắc, quyết chí lao xuống chiếm lĩnh hai vùng châu thổ lớn sông Hồng và sông Mã, mênh mông và vô cùng hoang vu, toàn bùn lầy chưa kịp sánh đặc, “thảm đảm kinh dinh để giành quyền sống với vạn vật” – mấy chữ mới thống thiết làm sao – hơn một nghìn năm vật lộn dai dẳng giành giật với sóng nước, với bùn lầy, với bão tố, với thuồng luồng, cá sấu … để từng ngày, từng đêm, từng giờ, vắt khô từng tấc đất, cắm xuống đấy một cây vẹt, một cây mắm, rồi một cây đước, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, trăm năm này qua trăm năm khác, khi đất đã được vắt khô, được rửa mặn và ứng đặc, cắm xuống đấy một cây tạo bóng mát, rồi một cây ăn quả, một cây lúa, một mảnh lúa, rồi một đồng lúa …, tạo nên chỗ đứng chân cho từng con người, từng đôi lứa, từng gia đình, rồi từng cộng đồng, từng xóm mạc, từng làng, từng tổng, từng huyện,… cho đến toàn dân tộc, toàn xã hội, lập nên nửa phần là gốc cội của giang sơn ta ngày nay. Và hẳn còn phải nói thêm điều này nữa, cuộc thảm đạm kinh dinh vật lộn với thiên nhiên ấy lại còn phải cộng thêm cuộc vật lộn cũng dai dẳng, quyết liệt, không hề kém can trường và thông minh, để sáng tạo, định hình và gìn giữ một bản sắc Việt riêng giữa trăm Việt, là một Việt độc đáo và đặc sắc, không bị hòa tan bởi một thế lực hung hãn, khổng lồ, luôn muốn xóa bỏ và hòa tan tất cả…

Hơn một thiên niên kỷ thiết lập và trụ vững, tạo nên nền tảng vững bền, để bước sang chặng thứ hai.

Chặng thứ hai, như cụ Đào Duy Anh đã đúc kết cũng thật ngắn gọn và chính xác, “gian nan tiến thủ để mở rộng hy vọng cho tương lai”.

Trên gốc cội ấy rồi, đi về đâu? Chỉ còn một con đường duy nhất: Về Nam.

Có lẽ cũng phải nói rõ điều này: trước hết, khi đã đứng chân được trên châu thổ sông Hồng sông Mã rồi, kháng cự vô cùng dũng cảm và thông minh suốt một nghìn năm để vẫn là một Việt đặc sắc không gì đồng hóa được rồi, thì mối uy hiếp bị thôn tính đến từ phương bắc vẫn thường xuyên và mãi mãi thường trực. Không nối dài được giang sơn cho đến tận Cà Mau và Hà Tiên thì không thể nào Bắc cự. Ở bước đường chiến lược này của dân tộc có cả hai khía cạnh đều hết sức trọng yếu. Khía cạnh thứ nhất: phải tạo được một hậu phương thật sâu thì mới đủ sức và đủ thế linh hoạt để kháng cự với mưu đồ thôn tính thường trực kia. Lịch sử suốt từ Đinh, Lê, Lý, Trần và cả cuộc chiến tuyệt vời của Nguyễn Huệ đã chứng minh càng về sau càng rõ điều đó. Chỉ xin nhắc lại một sự kiện nghe có thể lạ: chỉ vừa chấm dứt được 1.000 năm Bắc thuộc bằng trận đại thắng của Ngô Quyền, thì Lê Hoàn đã có trận đánh sâu về phương Nam đến tận Indrapura tức Đồng Dương, Nam sông Thu Bồn của Quảng Nam. Đủ biết cha ông ta đã tính toán sớm và sâu về vai trò của phương Nam trong thế trận tất yếu phải đứng vững lâu dài của dân tộc trước phương Bắc như thế nào.

Khía cạnh thứ hai vừa gắn chặt với khía cạnh thứ nhất, vừa là một “bước tiến thủ” mới “mở rộng hy vọng cho tương lai”, như cách nói sâu sắc của cụ Đào Duy Anh. Bởi có một triết lý thấu suốt: chỉ có thể giữ bằng cách mở, giữ để mà mở, mở để mà giữ. Phải mở rộng hy vọng cho tương lai thì mới có thể tồn tại. Tồn tại bao giờ cũng có nghĩa là phát triển. Đi về Nam là phát triển. Là mở.

Không chỉ mở đất đai. Càng quan trọng hơn nhiều là mở tầm nhìn. Có thể nói, suốt một thiên niên kỷ trước, do cuộc thảm đảm kinh dinh để giành giật sự sống với vạn vật còn quá vật vã gian nan, mà người Việt chủ yếu mới cắm cúi nhìn xuống đất, giành thêm được một một mẩu đất là thêm được một mẩu sống còn. Bây giờ đã khác. Đã có 1000 năm lịch sử để chuẩn bị, đã có thời gian và vô số thử thách để tạo được một bản lĩnh, đã có trước mặt một không gian thoáng đãng để không chỉ nhìn xa mãi về Nam, mà là nhìn ra bốn hướng. Nhìn ra biển. Phát hiện ra biển, biển một bên và ta một bên, mà lâu nay ta chưa có thể toàn tâm chú ý đến. Hay thay và cũng tuyệt thay, đi về Nam, người Việt lại cũng đồng thời nhìn ra biển, nhận ra biển, nhận ra không gian sống mới, không gian sinh tồn và phát triển mới mênh mông của mình.


Đi về Nam, chúng ta có một may mắn lịch sử rất lớn: tiếp nhận không gian Champa, chúng ta đã tiếp nhận được rất nhiều của truyền thống và văn hóa Chàm, và cả trước đó nữa, truyền thống và văn hóa Sa Huỳnh. Thậm chí cũng có thể nói, tiếp nhận Champa – sau này cả vùng sông nước Cửu Long rộng giàu – người Việt, Quốc gia Việt, đã tự nhân đôi được mình lên, không chỉ về lãnh thổ, mà cả về tính cách, về bản lĩnh, về sức sống và sức phát triển. Champa là một quốc gia biển. Thế giới của chúng ta đã được tạo hóa “thu xếp” một cách tuyệt vời: Biển ngăn cách, nhưng biển cũng là nối liền và chủ yếu là nối liền. Từ rất xa xưa, qua biển lớn, những đoàn thuyền buôn Champa đã từng giong buồm đến những vùng rất xa xôi, không chỉ ở Đông Nam Á, Nam Á, mà cả Trung Đông, Địa Trung Hải, tới cả thế giới Ả Rập; và cũng đã tiếp nhận thuyền bè đến từ khắp thế giới rộng mở ấy. Hẳn Champa đã tiếp nối và phát triển một truyền thống xa hơn của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Và người Việt đi vào Nam đã nối tiếp truyền thống này. Nếu ở miền Bắc, người đi ra biển trước đây chỉ biết biết dùng những chiếc mảng thô sơ ghép bằng nhiều cây tre, thì đi vào Nam người Việt đã rất nhanh chóng tiếp thu kỹ thuật đóng và sử dụng ghe bầu lớn của người Chàm để đi biển xa (thậm chí, như chúng ta biết, trong trận đánh Thăng Long năm 1789, Nguyễn Huệ đã sử dụng tượng binh gồm voi Bình Định và Gia Lai được chở ra bằng ghe bầu lớn). Nếu ở phía Bắc, ẩm thực nước chấm chủ yếu dùng tương, thì đi vào Nam người Việt đã học được văn hóa nước mắm của người Chàm, là cách chế biến cá hay nhất, hiệu quả nhất …

Chính trên cơ sở tư duy mới rộng mở ấy, đặc biệt trong thời các chúa Nguyễn, tầm nhìn ra biển đã đưa đến một chuyển biến vô cùng quan trọng, thậm chí có thể coi là một bước ngoặt có tính quyết định trong lịch sử Việt Nam: biết nhìn ra biển lớn, tức cũng là biết nhìn ra toàn thế giới – điều mà ngày nay ta gọi là một “tư duy về toàn cầu hóa” – Thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, tức miền Nam đất nước, đã tạo ra được một thay đổi cơ bản về cơ cấu kinh tế, chuyển từ kinh tế thuần nông truyền thống sang cơ cầu kinh tế lấy thương nghiệp làm chính, trong đó ngoại thương giữ vai trò trọng yếu. Nhà nghiên cứu lịch sử Cao Tự Thanh đã có nhận định chính xác và sắc sảo: chính cơ cấu kinh tế mới này đã tạo nên điều mà ông gọi là một “động lực lịch sử” kỳ lạ và kỳ diệu, khiến nếu từ Đèo Ngang đến đèo Ải Vân cha ông ta đã phải đi mất 600 năm, thì từ đèo Ải Vân đến Hà Tiên ta chỉ phải mất có 200 năm, mà lại chỉ đi bằng lưỡi phạng chứ không phải lưỡi kiếm …

Vậy quả thật nỗi niềm biển là nỗi niềm lớn của dân tộc, của mỗi người Việt, nó liên quan mật thiết đến số phận dân tộc, sự tồn vong và phát triển của dân tộc.

Cũng không thể không nói rằng, khi thời các chúa Nguyễn suy tàn, đến thời các vua Nguyễn, thì chính sự phai nhạt tư duy mạnh mẽ về biển, chính sách đóng cửa, là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất đưa đến mất nước.
***
Không có tư duy biển, không có tư duy rõ ràng, mạnh mẽ về Biển Đông trực tiếp của ta, là nguy cơ dân tộc.

Như chúng ta biết, năm 1949 Ấn Độ thoát khỏi ách thuộc địa của đế quốc Anh. Có độc lập rồi, chọn con đường phát triển nào đây? Mâhâtma Gandhi, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Ấn, cũng là bậc hiền triết lớn của nhân loại, lúc bấy giờ có đặt ra một câu hỏi, hóa ra sẽ là câu hỏi lớn và lâu dài của thế giới và của từng dân tộc. Ông nói: Nước Anh chỉ là một đảo quốc nhỏ, dân số ít, vì sao đã trở thành một đế quốc giàu có, lớn mạnh đến vậy? Ấy là vì nước Anh đã tiêu xài hết một nửa tài nguyên của Trái đất. Vậy bây giờ nếu Ấn Độ với quy mô và dân số khổng lồ như thế này, cũng chọn con đường phát triển như nước Anh, thì liệu phải có bao nhiêu Trái đất mới đủ? …

Đúng 60 năm qua từ câu hỏi hiền minh mà cháy bỏng của thánh Gandhi, ngày nay các khoa học đã có thể tính toán và trả lời chính xác: Ấn Độ sẽ cần có 5 Trái đất chỉ để riêng cho mình nếu đi theo con đường phát triển mà nước Anh đã đi.

Chúng ta chỉ có một Trái đất. Tiêu xài tài nguyên của tạo hóa ban cho trên trái đất duy nhất này như thế nào đây là vấn đề sống còn của nhân loại.

Chắc chắn mỗi chúng ta đều biết có một đất nước còn khổng lồ hơn cả Ấn Độ đang lao vào cuộc chạy đua ghê gớm để tiến lên đoạt vị trí hàng đầu thế giới. Và đang đi theo con đường của Anh, ráo riết làm chủ tài nguyên khắp thế giới cho tham vọng của mình, thậm chí, như chúng ta có thể thấy, đang và sẽ tiêu xài tặng vật của tạo hóa một cách dữ dội, hoang dã hơn nhiều so với các đế quốc trước. Tôi nghĩ cần nói rõ rằng quả thật có một hiểm họa toàn cầu đang hình thành.

Nói về nỗi niềm biển, nổi niềm Biển Đông, tất không thể không suy nghĩ về điều đó. Biển là tài nguyên, biển cũng là giao thông huyết mạch để vận chuyển tài nguyên. Biển Đông, trong đó có phần chủ quyền thiêng liêng của chúng ta, được truyền lại từ bao nghìn năm “thảm đạm kinh dinh” và “gian nan tiến thủ” của cha ông, đang đứng trước thách thức về cả mặt tài nguyên lẫn đường giao thương tài nguyên ấy. Nỗi niềm Biển Đông của chúng ta, mỗi chúng ta, trước hết là nhận thức cho rõ ràng, thống thiết, quyết liệt về thách thức đó. Và từ đó, hành động.

Nguồn:
NỖI NIỀM BIỂN ĐÔNG - TẠP CHÍ TIA SÁNG

Entries liên quan:
CÂU CHUYỆN CÁI LƯỠI BÒ
TÀI LIỆU QUÝ KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI TRƯỜNG SA VÀ HOÀNG SA
TỔ QUỐC BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?


24/8/10

BÁO IN LIỆU CÓ BỊ THỦ TIÊU?



Trong một nghiên cứu khá nghiêm túc có tựa đề “Báo in đang biến mất: Bảo vệ báo chí trong thời đại thông tin” (Vanishing Newspaper: Saving Journalism in the Information Age) công bố năm 2004, Giáo sư Mỹ Philip Meyer viết rằng: bị cạnh tranh, báo in sẽ chấm dứt sự tồn tại vào quý đầu của năm 2043. Quá trình xóa sổ này bắt đầu không phải từ ngày hôm nay, mà theo Meyer từ 30 năm trước. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009 đã bồi thêm một cú đánh chí mạng nữa vào báo in.

2009 là năm đen tối trong lịch sử báo in thế giới. Hàng loạt tờ báo phải đóng cửa, một số khác bị đem bán, bị sáp nhập. Những tờ báo còn trụ lại đều phải cắt giảm biên chế để đối phó với sự sụt giảm quảng cáo và số lượng phát hành – hai nguồn thu chính của báo in. Sự sụt giảm này không chỉ do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mà còn xuất phát từ sự cạnh tranh mạnh mẽ của báo mạng.

Sự phát triển ồ ạt của báo mạng với sức hút mãnh liệt đối với độc giả trẻ nhờ công nghệ đa phương tiện đã giành một lượng độc giả và quảng cáo đáng kể của báo in. Báo mạng đang tồn tại theo một cách thức khá bất minh (nếu đứng từ góc độ luật pháp). Công nghệ copy-and-paste (sao chép và dán) đã giúp nhiều cơ quan báo mạng “ăn cắp” và sống trên lưng các đồng nghiệp báo giấy.

Thực tế cho thấy, doanh thu từ quảng cáo trên Internet chưa đủ để các tòa soạn báo điện tử đầu tư thực hiện những tác phẩm báo chí có chất lượng. Nếu muốn tăng sức cạnh tranh và giành được lòng tin của độc giả, báo mạng sẽ phải cải tiến thang nhuận bút cũng như tổ chức lại quy trình làm báo.

Có ý kiến cho rằng Internet không chỉ giết chết các tờ báo in, mà còn thủ tiêu báo chí mang dấu ấn cá nhân. Nạn nhân của Internet chính là các cơ quan báo mạng. Thông tin báo mạng hiện nay có độ chính xác không cao, nhiều khi phớt lờ các chuẩn mực đạo đức xã hội, gây bức xúc trong dư luận. Tác giả thông tin cũng không còn được quan tâm. Người ta thường nói: “Đọc được trên mạng”, “Trên mạng viết”..., mà ít chỉ ra được website nào, báo mạng nào đăng tải thông tin đó, chứ đừng nói được là tác giả nào đưa tin như vậy.

Đọc báo – đó là “lời cầu nguyện hàng ngày của người hiện đại” (Hegel), hay “cuộc nói chuyện của dân tộc với một người” (Athur Miller) đang dần được thay thế bằng hình thức tự biểu hiện của những người viết blog và tham gia vào các diễn đàn. Thông tin mất đi tính độc lập: do vậy không nên thổi phồng ý nghĩa cao cả của khái niệm “báo chí công dân”. Giờ đây nó mới chỉ là hình thức báo hiệu khi có tai họa, hoặc là cơ hội để có ý kiến khi có và không có nguyên cớ. Đó là điều quan trọng, nhưng không thể thay thế được thông tin có chất lượng và được kiểm chứng từ các nhà báo chuyên nghiệp.

Nếu xem xét từ góc độ đó, thì báo in vẫn có một đời sống lâu dài, hơn là những gì mà chúng ta tưởng tượng ngày hôm nay.

Không những thế, báo in còn là phương tiện lưu trữ thông tin thuận tiện: người ta có thể đọc báo thoải mái trên các phương tiện giao thông, và ngay cả khi đang nằm nghỉ. Báo là công trình văn hóa vật chất, tờ báo được thiết kế trang nhã luôn đem lại cảm giác dễ chịu. Cũng không nên bỏ qua văn hóa đọc ở mỗi nước. Tại Scandinavia tờ báo được đọc nhiều lần hơn, chăm chú hơn và lâu hơn bất cứ một nơi nào khác ở Châu Âu. Châu Á là nơi có những tờ báo phát hành hàng chục triệu bản/kỳ.

Có một điểm cần nhấn mạnh là việc đưa tin trên báo một cách có chất lượng chính là phương thức truyền tải những giá trị dân tộc trong lòng một xã hội. Điều này đã được kiểm chứng và trở thành truyền thống ở nhiều nước. Một nền báo chí có chất lượng tạo ra dư luận xã hội, ngưng kết các giá trị dân tộc và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nói cách khác, báo in từ lâu thực thi vai trò vừa là cơ quan vừa là công cụ của dân chủ. Báo in sẽ không chết, nhưng nó sẽ thay đổi để tiếp tục tồn tại.

Entries liên quan:
10 LÝ DO BẠN NÊN ĐỌC BÁO IN
ALBERT EINSTEIN NÓI VỀ BÁO CHÍ
"NGƯỜI ĐÀN BÀ MẮT ÁNH LÊN NỖI BUỒN"!!!
ĐẠP THÊM MỘT CÁI
BUỔI SÁNG KHÔNG CÀ PHÊ


22/8/10

CẤM "KIM CƯƠNG MÁU"



"Kim cương máu" không chỉ là tên một bộ phim của Hollywood với diễn xuất của tài tử Leonardo DiCaprio, được đề cử 5 giải Oscar, mà còn là thuật ngữ chỉ những viên kim cương được khai thác trong những điều kiện không đạt chuẩn thế giới, tại những vùng chiến sự, trong những khu mỏ có vi phạm nghiêm trọng về quyền con người và điều kiện lao động.

Đầu tuần này, Rapaport - tập đoàn chuyên buôn bán kim cương lớn nhất thế giới, có trụ sở tại Mỹ và 10 nghìn nhân viên đã ban hành lệnh cấm bán kim cương có xuất xứ từ Marange của Zimbabwe. Lý do mà tập đoàn này đưa ra là tổ chức giám sát độc lập Kimberley Process không đảm bảo được rằng đó không phải là những viên "kim cương máu".

Tuyên bố của tập đoàn Rapaport đưa ra hôm 16.8 được dư luận đánh giá là rất mạnh mẽ và cương quyết: "Chúng tôi sẽ không tha thứ cho việc sử dụng các mạng lưới mua bán của chúng tôi để phân phối những viên kim cương liên quan đến vi phạm quyền con người. RapNet - mạng lưới buôn bán kim cương của Rapaport - sẽ không cho phép mua bán bất cứ viên kim cương nào có xuất xứ từ Marange (Zimbabwe). Các thành viên bị phát hiện cố tình chào kim cương Marange sẽ bị sa thải và công bố danh tính".

Marange là khu vực có nhiều mỏ khai thác kim cương ở Chiadzwa, tỉnh Mutare Tây của Zimbabwe. Chính tại đây người ta đã tìm thấy viên kim cương lớn nhất thế giới. Từ đầu thập niên 1980 đến 2006, hãng De Beers (có trụ sở tại Nam Phi) khai thác Marange thông qua công ty con là Kimberlitic Searches Ltd. Sau đó quyền khai thác được chuyển cho African Consolidated Resources - ACR (Anh), nhưng đến tháng 12.2006, Chính phủ Zimbabwe thu lại giấy phép, mặc dù ACR thắng kiện trong phiên toà tranh chấp quyền khai thác.

Cuối năm 2008, quân đội Zimbabwe chiếm quyền kiểm soát mỏ, đuổi hàng chục nghìn những người khai thác nhỏ ra khỏi đây. Khoảng 200 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ. Tình hình căng thẳng hơn khi sang đầu năm 2009, quân chính phủ đã đánh đập dân làng, cưỡng hiếp phụ nữ và buộc họ phải khai thác kim cương, khiến dư luận rất công phẫn. Đó là chưa kể những cáo buộc về nạn đánh đập người lao động và sử dụng lao động trẻ em.


Tháng 4 năm nay, Toà án Tối cao Zimbabwe cho phép chính phủ nước này bán kim cương Marange và bác bỏ đề nghị khẩn cấp của ACR về cấm bán kim cương từ các mỏ đang tranh chấp. Tổ chức sức ép quốc tế Global Witness phản đối Zimbabwe bán kim cương cho đến khi chính phủ nước này đồng ý với Kimberley Process kế hoạch cải tổ hoạt động khai thác tại Marange. Tháng 6.2010, Kimberley Process công bố kết quả giám sát quy trình và điều kiện làm việc tại Marange, khẳng định rằng Zimbabwe thỏa mãn các yêu cầu tối thiểu và có thể tiếp tục bán kim cương ra thế giới.

Tuy nhiên, Rapaport lại nghi ngờ tính trung thực trong bản báo cáo của Kimberley Process: "Không có gì bảo đảm rằng các viên kim cương được Kimberley Process chứng thực không liên quan với những vi phạm về quyền con người". Đây là bước đi vô tiền khoáng hậu của giới buôn bán kim cương, nhằm làm tăng nhận thức của người tiêu dùng về những tấn bi kịch đằng sau sự hào nhoáng của kim cương. "Lần đầu tiên chúng tôi được biết đến một tập đoàn mạnh như Rapaport có quan điểm mạnh mẽ như vậy", Tiseke Kasambala - chuyên gia về Zimbabwe của tổ chức Theo dõi Nhân quyền - khẳng định.

Lệnh cấm của Rapaport chỉ có hiệu lực trên thị trường Mỹ, nên mặc dù phải chịu thiệt thòi vì không thâm nhập được vào thị trường kim cương lớn nhất thế giới, nhưng giới chức Zimbabwe có vẻ không tỏ ra lo lắng. Ngày 17.8, ông Obert Mpofu, Bộ trưởng Bộ mỏ của Zimbabwe đã phê phán quyết định của Rapaport là "điên rồ" và cho hay nước ông sẽ bán kim cương sang Châu Á - một thị trường mới nổi.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, Zimbabwe đã thực thi chính sách "Hướng về phương Đông" và sẽ bán kim cương sang các nước như Trung Quốc, Malaysia, Nga, Ấn Độ và một số nước Châu Á khác. Theo ông Mpofu, việc làm "hoen ố thanh danh của kim cương Zimbabwe" là một bộ phận trong cuộc chiến tranh kinh tế do phương Tây khởi xướng để trả đũa việc chính quyền Zimbabwe tịch thu đất của người Zimbabwe da trắng trong chương trình cải cách ruộng đất gây tranh cãi mấy năm trước.



Nguồn:
Cấm "kim cương máu" - LAO ĐỘNG



21/8/10

MỘT BUỔI CHỤP ẢNH NUE


Nữ nhiếp ảnh gia Natalya Kaganova với sự trợ giúp của chồng là Leonid Kaganov thực hiện buổi chụp ảnh nude một người mẫu Châu Á để quảng cáo cho một nhãn hiệu rượu tại studio của họ ở Mátxcơva (Nga).




























Nguồn
Как делаются фотографии в стиле ню

Entries liên quan:
BÃI BIỂN 100 NĂM TRƯỚC
ẤN TƯỢNG BAIKAL
ĐI ĐÀO VÀNG Ở BALLARAT
HẢI ĐÔNG LONG CUNG TỰ
NHỮNG NGƯỜI ĐÀN ÔNG INDO
CHỢ CÁ JAGALCHI Ở BUSAN
VƯỜN NHẬT BẢN
NHẬT BẢN HƯƠNG SẮC (2)




 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết