31/7/10

BÃI BIỂN 100 NĂM TRƯỚC



Một số tấm ảnh dưới đây có tuổi đời hơn 100 năm.

Những người đi nghỉ trên bãi biển trong giai đoạn 1900-1920 trông thật thanh lịch.




























Nguồn:
Пляжи прошлого

Entries liên quan:
ẤN TƯỢNG BAIKAL
ĐI ĐÀO VÀNG Ở BALLARAT
HẢI ĐÔNG LONG CUNG TỰ
NHỮNG NGƯỜI ĐÀN ÔNG INDO
CHỢ CÁ JAGALCHI Ở BUSAN
VƯỜN NHẬT BẢN
NHẬT BẢN HƯƠNG SẮC (2)




30/7/10

1000



Từ ngày 27.5.206 đến nay, tức là 4 năm 2 tháng 3 ngày, blog VMC có đúng 1000 entry.

1000 entry – đó là chặng đường qua 2 triều đại: Yahoo!360 và blogspot.

Yahoo!360 vui hơn, tấp nập hơn. Blogspot chọn lọc hơn, sâu lắng hơn. Đó như là sự phát triển tất yếu.


4 năm 2 tháng 3 ngày là 1525 ngày. Như vậy trung bình cứ 36 giờ đồng hồ, blog VMC lại có một entry mới.


Rất tiếc không thể ngày nào cũng viết để làm vừa lòng các bạn, nhưng viết được như vậy đã là một nỗ lực lớn.


Sẽ phải nỗ lực để sau 4 năm nữa có entry thứ 2000. Mọi người ủng hộ nhé.






29/7/10

TỪ CHIẾC BOOKMARK NGHĨ VỀ VĂN HÓA ĐỌC



Minh Phước

Một lần, tôi cần mua vài chiếc bookmark, đi khắp các hiệu sách và cửa hàng đồ lưu niệm nhưng không tìm đâu ra loại bookmark đẹp, xứng đáng dùng làm quà tặng một cách trân trọng. Chỉ có những miếng bìa vẽ sơ sài hình tháp Rùa hồ Gươm, hoặc hình các cô gái mặc trang phục dân tộc. “Chủ yếu bán cho Tây, giá cũng chỉ 10-20 ngàn là cùng”, chủ cửa hàng cho biết.

Thật khác xa với những chiếc bookmark bằng da, mạ vàng hoặc khắc gỗ tinh xảo tôi từng được thấy trong bộ sưu tập của một người bạn. Chuyện tuy nhỏ nhưng có thể thấy, nếu tìm những dụng cụ hỗ trợ sách căn bản còn khó khăn, thì chúng ta chưa có những hiệu sách hoàn thiện.


Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch vừa ký quyết định thành lập ban soạn thảo xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Đã có quá nhiều bài báo, hội thảo nói về việc văn hóa đọc xuống cấp, so sánh khoảng cách thư viện Việt Nam với thư viện nước ngoài, so sánh sức đọc của người Việt hiện nay với người Nhật từ thời Minh Trị… chỉ để cùng đi đến một kết luận chung: chúng ta chưa hề có văn hóa đọc theo đúng nghĩa.

Bởi vậy việc thành lập một ban soạn thảo, đưa ra những giải pháp để xây dựng văn hóa đọc, dù chưa thấy công bố thời hạn hoàn thành, ít nhất cũng là một bước đi cụ thể trong chiến lược quy mô và cực kỳ phức tạp mà đáng ra đã phải tiến hành từ lâu.


Cũng vì đa số những gì liên quan đến sách trên quy mô lớn ở Việt Nam đều nằm trong tình trạng thiếu tính chuyên nghiệp, nên khó có thể định nghĩa đầy đủ về “văn hóa đọc”. Nhưng chắc chắn một điều, văn hóa đọc không chỉ là việc tăng cường đọc sách văn học như một số người lầm tưởng, cũng không chỉ là đọc thật nhiều rồi ghi lưu niệm vào sách, hay sưu tầm sách cũ.

Văn hóa đọc rộng lớn hơn rất nhiều. Những thư viện mênh mông mở cửa cả ngày, những tủ sách gia đình được giữ gìn cẩn thận và bổ sung qua nhiều thế hệ, những nghệ nhân đóng sách, những nhà sưu tập sách quý, những nhà xuất bản lớn có uy tín thật sự trong việc kiểm soát một cuốn sách từ khâu mua bản quyền đến khâu phát hành… là hình ảnh quen thuộc tại một quốc gia đã có được văn hóa đọc.


Nếu thật sự xây dựng được văn hóa đọc từ gốc, thì đó sẽ là những biểu hiện bên ngoài, trong đó có cả những chi tiết nhỏ như chiếc bookmark, vốn xuất hiện từ cuối thế kỷ 16 ở châu Âu và trở thành món quà đầy trân trọng mà giới trí thức quý tộc thời bấy giờ tặng nhau cùng với những pho sách kinh điển.

Nếu hỏi một sinh viên Việt Nam đi du học nước ngoài, kể cả ở các nước châu Á, điều gì làm họ thấy sốc nhất, thì câu trả lời nhận được khá thường xuyên là “sách”. Khi đã quen ung dung đi qua 4 năm đại học mà chẳng nhất thiết phải đọc hết vài bộ sách trong giáo trình, hiển nhiên là sẽ bị sốc khi bị giáo viên giao một lô sách tham khảo chỉ riêng cho một chuyên đề.

Không thể không đọc vì sẽ buộc phải dùng đến kiến thức trong sách đó, mà phải phát triển được ý riêng của mình, kĩ năng cóp nhặt cho qua vốn quen dùng trong nước đành phải xếp sang bên. Nhưng đọc vào mới thấy không đơn giản. Thời gian có hạn, trong khi sinh viên nước ngoài đọc mấy trăm trang vừa nhanh vừa nhớ rất rõ từng điểm quan trọng thì một sinh viên Việt Nam sẽ phải rất nhọc nhằn để vượt qua quãng đường tương tự. Bởi kĩ năng đọc – phần tối quan trọng của văn hóa đọc, chúng ta không được học trong nhà trường. Học thuộc lòng/trả bài/quên luôn, một quy trình quen thuộc góp phần quan trọng làm học sinh ghét sách và không thu được gì nhiều từ sách dù chương trình học có nhồi nhét đến mấy.

Có người so sánh: học sinh nước ngoài được học cách hệ thống, rồi tự phát triển; còn học sinh Việt Nam được phát một cái bị, vứt lẫn lộn sách vào đó, khi đầy thì bỏ bớt ra, thiếu lại nhặt vào, mà mãi vẫn chưa đọc được đến đầu đến đũa. Chiến lược quốc gia về văn hóa đọc sẽ vấp phải bức tường thành này ngay bước đầu tiên.

Trước số lượng sách khổng lồ, kĩ năng đọc là chìa khóa giúp con người tự tin tiếp cận với kiến thức. Trong truyện Sherlock Holmes có chi tiết: bác sĩ Watson cần đóng giả một nhà sưu tập đồ gốm Trung Hoa, ông ta đến thư viện tìm hơn chục cuốn sách về đề tài trên và đọc suốt ngày, sau đó ông ta đủ tự tin để đối đáp với tay chuyên gia mình cần tiếp cận.

Kĩ năng đọc như vậy không chỉ nhờ vào trí thông minh, mà cần có sự rèn luyện lâu dài. Cách ghi nhớ, cách hệ thống đều cần được rèn luyện, chưa kể đến những mức cao hơn là thẩm định, so sánh và phản biện. Văn hóa đọc sẽ phát triển ra sao khi người ta chỉ đọc vài ba cuốn sách mỗi năm? Kiến thức có được một cách từ từ và mỗi cuốn sách ta chọn đọc, ta cần có một kĩ năng vững vàng để hiểu thấu đáo và bổ sung vào lượng kiến thức mình đã có.

Các cuộc họp báo hay hội thảo nghiên cứu ở Việt Nam, đa phần rơi vào tình trạng tẻ nhạt, chẳng ai hứng thú đặt câu hỏi hay phản biện. Thiếu khả năng tranh luận một cách xác đáng cũng bởi ít đọc sách đa dạng, mỗi người chỉ đọc vài cuốn sách liên quan đến chuyên ngành của mình mà thôi, và không cập nhật nổi sách mới. Đọc chậm và chán đọc - tất cả cũng chỉ vì do kém kĩ năng đọc mà ra.


Kĩ năng đọc không được dạy trong nhà trường, còn trong gia đình cũng không nhiều điều kiện phát triển. Đến nhiều nhà có thể gọi là “gia đình trí thức” – bố mẹ giáo viên, con cái đều học đại học – cũng rất hiếm khi thấy một tủ sách đúng nghĩa. Vài cuốn sách giáo khoa, giáo trình, truyện tranh và tạp chí - đó là một cấu trúc thường thấy.

Một tủ sách gia đình được duy trì qua nhiều thế hệ, hay ít nhất là thói quen mua sách thường xuyên có vẻ quá xa xỉ, dù giá sách xét kĩ ra không hề đắt so với mức sinh hoạt ở thành phố. Khi chưa thể trông cậy vào các thư viện, vốn đã ít lại chỉ mở cửa vào giờ hành chính và được canh gác quá kĩ càng, thì lại càng cần xây dựng tủ sách cho riêng mình.


Những buổi triển lãm sách quý ở vài quán café sách nhỏ, hiệu sách cũ ở nơi những ngõ hẻm đường vòng và thông tin sách theo kiểu truyền miệng, chỉ có thể tác động đến những người có ý thức tự mình đi tìm, chứ không thể tác động đến đám đông. Từ kĩ năng đọc đến một hệ thống xuất bản sách chuyên nghiệp là cả một không gian văn hóa đọc rộng lớn được làm bằng “sự thủy chung kỳ bí qua nhiều thế hệ” như Borges nói.

Chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng chắc chắn sẽ đụng đến rất nhiều thành trì cố hữu trong giáo dục, xuất bản cũng như mọi thứ liên quan đến sách ở Việt Nam, bởi vậy những người bi quan (hoặc thực tế) đều có lý do để lo lắng cho thành công của chiến lược này.


Nguồn:
Từ chiếc bookmark nghĩ về văn hóa đọc - Tạp chí Tia sáng

Entries liên quan:
QUAN HỌ LIÊN QUỐC BẢO
NGHE SẾP NÓI TIẾNG ANH
NGHI THỨC TÂM LINH - SỰ BI HÀI CỦA ĐỀN CHÙA VIỆT
VĂN HÓA DÂN TỘC HAY QUY LUẬT "ÂM LỊCH HÓA"



28/7/10

GIAN LẬN HỌC THUẬT Ở TRUNG QUỐC



Nếu chỉ xét đơn thuần về số lượng, thì những thành tựu của giáo dục đại học Trung Quốc thật ấn tượng. Chỉ riêng số lượng thí sinh thi vào đại học của Trung Quốc hàng năm cũng đã đủ làm cho mọi người “kính nể” rồi. Kỳ thi được mệnh danh lớn nhất hành tinh này trong vài năm qua đã thu hút đến gần 10 triệu thí sinh tham dự, trong đó có khoảng 2/3 sẽ có cơ hội trúng tuyển.

Cũng vậy, hàng năm số lượng sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học của Trung Quốc lên đến trên 6 triệu người, hơn cả toàn bộ dân số hiện nay của Singapore, một nguồn vốn con người khổng lồ mà các quốc gia già cỗi ở phương Tây có nằm mơ cũng không thể thấy được.

Còn về chất lượng giáo dục đại học của Trung Quốc thì sau bao năm đổi mới dưới sự chỉ đạo quyết liệt và sự hỗ trợ khổng lồ về tài chính của nhà nước vẫn chưa đạt được ước mơ đẳng cấp quốc tế. Để giải thích điều này, một trong những lý do mà một số nhà bình luận của phương Tây đã đưa ra là sự thiếu liêm chính học thuật (lack of academic integrity) của các học giả Trung Quốc. Có thể nói, đây là rào cản lớn nhất cho sự phát triển của giáo dục đại học nói riêng và vị thế quốc gia của Trung Quốc nói chung, nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc không có biện pháp để thay đổi.

Quan điểm mà chúng tôi vừa tóm tắt ở trên thể hiện rõ trong bài viết có tựa đề “Academic Fraud in China: Replicating Success” vừa đăng ngày 22/7/2010 trên tờ The Economist. Tựa đề của bài viết này cố ý gợi lại tựa cuốn tự truyện của nhân vật nổi tiếng thành đạt của Trung Quốc là Tang Jun (ảnh), nguyên Giám đốc điều hành Microsoft tại Trung Quốc.

Mỉa mai thay, chính con người tưởng như đã đạt đến đỉnh cao danh vọng này lại vừa bị phanh phui trong một scandal cũng không kém nổi đình đám, trong đó ông đã bị cáo buộc với những chứng cớ không chối cãi được là đã dối trá về bằng cấp Tiến sĩ của mình. Nói ngắn gọn, ông đã “mua bằng” từ một “lò cấp bằng dỏm”, nhưng lại tự nhận là mình lấy bằng Tiến sĩ ở một ngôi trường rất danh giá là Caltech (California Institute of Technology).

Thật rủi ro, cuốn tự truyện về cuộc đời của mình được Tan Jun đặt tựa là “Sự thành công của tôi có thể được nhân rộng”. Nhân rộng bằng cách nào? Phải chăng ở Trung Quốc, ai cũng có thể tìm được sự thành công bằng con đường gian lận học thuật? Đó là hàm ý trong cái tựa của bài viết ngắn gọn mà sắc sảo trên tờ Economist đã nêu. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết này đến tất cả bạn đọc.

———

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, thường xuyên phát biểu mạnh mẽ về nhu cầu thúc đẩy quá trình đổi mới. Lập luận của ông rất thuyết phục: để giữ vững sự tăng trưởng kinh tế và sự cạnh tranh thì Trung Quốc nhất thiết phải vượt qua nền kinh tế dựa trên sản xuất bằng sức lao động để đi vào nền kinh tế dựa trên tri thức, khám phá, sáng chế và các tiến bộ khoa học khác.

Tuy nhiên, điều này không dễ, trước hết là vì nước này đã quá nổi tiếng về tình trạng phổ biến của các hành vi gian lận trong học thuật và khoa học. Các học giả, cả Trung Quốc lẫn phương Tây, đều xác nhận nạn gian lận đang hoành hành; các hành vi sai trái bao gồm giả mạo dữ liệu, dối trá về bằng cấp, gian lận trong các kết quả thử nghiệm, và đạo văn thì quá thường xuyên.

Đáng chú ý nhất gần đây là trường hợp của ông Tang Jun, một nhà điều hành nổi tiếng, một người tự lập thân và là tác giả một cuốn sách được phổ biến rộng rãi: “Thành công của tôi có thể nhân rộng ra”. Ông vừa bị cáo buộc đã khai man khi tuyên bố mình đã lấy bằng tiến sĩ từ Viện Công nghệ California (Caltech) lừng lẫy. Câu trả lời của ông cho cáo buộc này là nhà xuất bản đã nhầm lẫn, chứ thật ra bằng cấp của tôi là từ một trường khác của California, ít nổi tiếng hơn so với Caltech rất nhiều lần.

Các trường hợp học giả nổi tiếng khác của Trung Quốc bị cáo buộc đạo văn đã buộc các nhà chức trách nhắc đến việc cần điều tra về vấn đề này. Một học giả phương Tây kể lại một dự án nghiên cứu liên quan đến lãnh vực khoa học xã hội đã hỏng bét ra sao khi việc thu thập dữ liệu được hợp đồng cho một công ty Trung Quốc: các nhà nghiên cứu của công ty này không hề bỏ chút công sức nào để điều tra mà tự mình điền hết vào tất cả các phiếu!

Những ví dụ về sự thiếu trung thực như vậy không chỉ có ở Trung Quốc, nhưng cơ chế bình duyệt (peer-review) yếu kém, các động cơ sai lầm và sự thiếu kiểm tra về đạo đức học thuật tại đất nước này khiến sự gian lận ở quốc gia này trở nên phổ biến hơn. Theo Tiến sĩ Cao Công, một chuyên gia về xã hội học của Trung Quốc tại ĐH New York (SUNY), nạn gian lận ở TQ xảy ra dễ hơn nơi khác vì các học giả TQ được đánh giá chỉ dựa trên số lượng, chứ không phải là chất lượng, các công trình đã được công bố của họ. Vì vậy, sự tưởng thưởng được trao đi mà thiếu sự kiểm tra chặt chẽ về học thuật. Hơn nữa, các bậc trưởng lão trong khoa học ở TQ rất hiếm khi bị trừng phạt về sự gian lận của mình, và điều này đã tạo ra tấm gương rất rõ ràng để thế hệ trẻ noi theo.

Sự phổ biến của các hành vi gian lận trong học thuật ở TQ có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng không ngờ đến. Tiến sĩ Denis Fred Simon từ trường ĐH Pennsylvania (Penn State) cho rằng các bằng chứng về sự gian lận ngày càng tăng “đã khiến người ta mất niềm tin vào các doanh nghiệp khoa học Trung Quốc nói chung – và tiếc thay điều này tạo nên mối quan ngại về sự an toàn của các sản phẩm Trung Quốc”.

Xét trên khía cạnh thực tế, việc gian lận trong khoa học có thể khiến các nhà khoa học nước ngoài ngại ngùng không muốn đến làm việc tại Trung Quốc, vì họ lo ngại bị dính líu vào các vụ bê bối. Đầu năm nay, sau vụ phát hiện giả mạo số liệu trong 70 bài báo viết về cấu trúc tinh thể do các nhà khoa học TQ nộp cho một tạp chí quốc tế, tờ tạp chí y học Lancet đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc “thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ hơn trong vấn đề đạo đức khoa học”. Tờ tạp chí này cũng cho rằng các biện pháp cho đến nay chưa chạm đến gốc rễ nguyên nhân gây ra sự dối trá của một số các nhà khoa học của Trung Quốc.

Một tác hại trực tiếp khác là sinh viên Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng khi xin học đại học ở nước ngoài. Thành viên hội đồng tuyển sinh của các trường cảm thấy khó mà tin được các hồ sơ với điểm thi gần như hoàn hảo và thư giới thiệu với những lời ca ngợi ngất trời của đa số các hồ sơ gửi từ Trung Quốc. Điều đáng nói ở đây là các ứng viên thực sự đủ điều kiện lại có nguy cơ bị từ chối do mối nghi ngờ chung về sự gian lận.

Nhưng ít ra thì sự hội nhập ngày càng tăng của giới học thuật Trung Quốc với thế giới bên ngoài có thể giúp thay đổi tình thế. Khi có thêm các học giả đi học ở nước ngoài và trở về làm việc ở TQ, điều này sẽ tạo ra được các mạng lưới không chính thức có thể giúp bên ngoài kiểm tra chất lượng của các ứng viên. Sự đổi mới này nhỏ thôi, nhưng có lẽ một sự đổi mới thực sự đem lại lợi ích cho Trung Quốc.

Phương Anh dịch

Nguồn:
Gian lận học thuật ở Trung Quốc: Nhân rộng sự thành công? - Tạp chí Tia sáng

Entries liên quan:
TRƯƠNG NGHỆ MƯU HỌC DOÃN HOÀNG GIANG
GIẰNG XÉ GIỮA HAI TÌNH YÊU



27/7/10

NGHỊCH LÝ NHIẾP ẢNH



Lê Thiết Cương

Năm ngoái, bà cụ N ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) mất, đám tang cụ rất độc đáo vì có đến mấy chục nhiếp ảnh gia đến viếng. Hỏi ra mới biết, cụ đã làm mẫu cho họ chụp trong nhiều năm và phần lớn các bức ảnh đó đều đoạt giải ở các cuộc thi, không trong nước thì nước ngoài. Nếu cứ bắt chước nhau mà chụp như thế thì có còn là nhiếp ảnh không? Rủ rê nhau rập theo một khuôn, đi theo một lối mòn mãi như thế thì có còn là sáng tạo không?

Phần lớn các bức ảnh đều chụp bà cụ đó đang đứng cạnh, ngồi cạnh, nằm cạnh, nếu không cũng đang bế một em bé. Cứ sắp đặt mẫu theo một ý định chủ quan nào đó rồi bấm máy thì thế có đáng gọi là ảnh không?

Ở Mũi Né (Bình Thuận), nơi có nhiều đồi cát, luôn thường trực một đội quân già trẻ lớn bé, với đầy đủ phục trang, đạo cụ (áo dài, quang gánh) sẵn sàng phục vụ lực lượng nhiếp ảnh gia khắp mọi miền đất nước về đây sáng tác. Những người chụp ảnh kiểu này không chỉ có mặt ở Mũi Né, họ rỉ tai nhau và thuộc lòng cây lộc vừng ở Hồ Gươm nở hoa ngày nào, tháng mấy thì Sapa có mây luồn, tháng mấy thì lúa chín vàng ở các ruộng bậc thang vùng Tây Bắc, tháng mấy thì hoa mận trắng nở rộ ở bản Phó Cáo (Hà Giang).

Khỏi phải kết luận gì thêm, vài ba câu chuyện trên cũng đủ khái quát về một kiểu nhiếp ảnh rất phát triển trong nhiều năm qua và hiện nay vẫn còn đang tiếp tục phát triển cực kỳ mạnh mẽ.

Thập loại chúng sinh, thập loại nhu cầu, cái kiểu ảnh đó cũng như ảnh chụp người mẫu (mặc áo tắm, áo dài), chụp nhà cửa, chụp hoa và giọt sương, chụp nude, chụp quảng cáo ô tô, xà phòng, quần áo v.v., - nó cũng quan trọng, cũng cần thiết cho đời sống nhưng nó chỉ là một nhánh rất phụ của nhiếp ảnh, thậm chí là một thứ gần ảnh thôi, na ná ảnh thôi chứ không phải ảnh. Đó không phải mục đích của nhiếp ảnh, nó có thể là dẫn chứng để thấy với phương tiện nhiếp ảnh, người ta có thể làm được nhiều việc.

Rất nhiều người theo đuổi kiểu chụp này, rất nhiều người là fan của kiểu ảnh này, rất nhiều tác phẩm thuộc loại này tham gia các cuộc thi ảnh quốc tế và đoạt giải. Có lẽ vì nó đẹp nhưng thực ra thì không phải đẹp mà là đèm đẹp. Nó mộng mị, mướt mát, bàng bạc, nhợt nhạt, chung chung, hời hợt. Các loại ảnh này để tính điểm cho sự phát triển của phong trào nhiếp ảnh của các câu lạc bộ ảnh ở các địa phương thì rất nên vì mục đích của phong trào cần rộng, cần đông. Hoặc để giải trí cũng tốt, sau một tuần lao động mệt mỏi, thứ 7, chủ nhật cầm máy đi bấm để thư giãn, sảng khoái mà lại rẻ và dễ nữa, nhất là vào lúc máy ảnh số phổ biến như hiện nay.

Phần lớn mọi người đều sở hữu tí chút chất bay bổng có sẵn ở bên trong. Trước đây muốn bộc lộ chỉ có mỗi cách làm thơ (chính thế mà có đông người làm thơ) nay đã thêm nhiếp ảnh (số người cầm máy hiện nay cũng rất đông). Chụp ảnh số và làm thơ là hay môn vừa rẻ vừa dễ, chỉ mỗi tội trong nghệ thuật thứ gì dễ làm thì lại khó hay.

Không nên đánh tráo khái niệm, không nên gọi những loại ảnh đó là “ảnh”. Không nên gọi những người chuyên chụp ảnh phong cảnh, ảnh thời trang, ảnh nude là nhiếp ảnh gia mà nên gọi họ đúng tên là người chụp lịch (chụp ảnh dùng cho việc in lịch), nghề này cũng bình đẳng và chân chính như mọi nghề khác. Tôi vẫn muốn nhắc lại, dù là ảnh cô gái hay ảnh phong cảnh, dù để in lịch hay in bưu thiếp thì vẫn cần thiết cho đời sống. Nói ra là để phân biệt cho rõ việc nào ra việc ấy và để (có thể thôi) mọi người -người xem và người chụp - đừng nhầm lẫn, đừng ảo tưởng, đừng nhập nhèm, đừng mù quáng.

Ảo tưởng thường có ở những người làm việc dính líu đến nghệ thuật, chưa kể các loại giải thưởng ảnh quốc tế mà các tác giả Việt Nam giành được hiện nay hầu hết không có giá trị. Nó chỉ là một thứ bùa mê, làm lú lẫn người nhận. Phần lớn các giải được lập ra cho vui hoặc do các hãng sản xuất vật tư ảnh chi phối, mục đích của họ để quảng cáo, để bán hàng. Người chụp nhằm mục đích thư giãn, dự thi kiếm giải cho vui vẻ thì được, nhưng tưởng tượng thêm lên dẫn đến ngộ nhận thì không nên.

Chụp ảnh để chơi thì hay quá vì ai cũng có nhu cầu chơi bời nhưng đừng mù quáng mà hoang phí một đời vào những việc cực kỳ vô bổ và cứ nhầm lẫn tưởng rằng mình đang hy sinh cho chân lý, cho nghệ thuật. Nhiều người sẵn sàng đói rét, nhếch nhác, thân tàn ma dại, khổ sở, không những khổ bản thân mà khổ lây cho cả gia đình, vợ con để rình mò đêm ngày, trèo đèo lội suối nơi thâm sơn cùng cốc, hoặc nơi cao sơn lưu thủy để chụp những mây bay, bướm lượn, sương gió, kỳ hoa dị thảo v.v...

Tôi đã gặp khá nhiều những người như thế, trong đó có cả những người bạn của tôi, bạn thân của tôi (người mất ít thì 20 năm, nhiều thì 30 năm). Trung ngôn nghịch nhĩ, nói thẳng khó quá, thôi thì…

Loáng thoáng gần đây có vài ý kiến ca ngợi thái quá thể loại ảnh phong cảnh, nào là để quảng bá du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước. Đúng nhưng cũng không đúng. Gắn du lịch với phong cảnh thì thật phiến diện. Du lịch nào trước tiên cũng phải gắn với văn hoá, với con người. Nếu chỉ vì sương, mây và núi thì chưa chắc người ta đã cần đi du lịch Sapa. Lý do để đến Sapa vì nơi đây tập trung nhiều tộc người thiểu số, mỗi tộc người có một nét văn hoá riêng từ ăn, nói, mặc, hát, mua, bán v.v., - họ tụ lại ở Sapa và sự đa dạng về văn hoá chính là nét quyến rũ của vùng đất này với du khách.

Giá như có một số nghệ sỹ nhiếp ảnh thôi không yêu phong cảnh nữa mà chuyển sang yêu thể loại ảnh văn hóa, ảnh dân tộc học thì hay biết mấy, hữu dụng biết mấy. Nó vừa tốt cho du lịch vừa tốt cho bảo tàng vì tốc độ phát triển nhanh như hiện nay thì có rất nhiều thứ sẽ mau chóng mất đi. Mà để lưu lại, giữ lại thì không một loại hình nào có thể thay thế nhiếp ảnh được và đó cũng là bản chất của nhiếp ảnh.

Cũng có một số tay máy hướng ống kính đến đời sống như lao động, sản xuất, học hành, làm ăn nhưng đó vẫn chỉ là chụp cái bóng của đời sống, vẫn không phải là ảnh vì các tác giả này quá mải mê khai thác cái đẹp như một thứ mốt. Nào là chơi ánh sáng (sáng ven, sáng ngược, trời xanh, mây trắng, bóng đổ, chiều tà v.v.) hoặc chơi những bố cục lạ mắt bằng cách lợi dụng sự méo hình của ống kính góc rộng, hiệu quả của kính lọc hoặc rất phổ thông (đến mức như bệnh dịch) là úp máy từ trên cao chụp xuống, bất kể đề tài gì. Thực ra thì họ nhầm về cái đẹp. Cái đẹp của ảnh nó không chung chung, không dễ dãi như thế, tất cả yếu tố đó chỉ là phụ để nhằm tôn được cái chính là thông tin của ảnh. Nói cách khác mỗi bức ảnh đều phải có thông tin, thậm chí là thông điệp. Nó phải là cách nhìn, cách nghĩ của tác giả về một vấn đề nào đó, nó phải là con mắt phát hiện vấn đề của tác giả.

Cách tốt nhất để kết thúc một bài viết là không nên có cái nhìn quá bi đát như thế. Hơn nữa thực tế cũng không chỉ toàn những bức ảnh hời hợt như đã nhắc đến ở trên. Khoảng 3, 4 năm gần đây đã xuất hiện một số tên tuổi, tuy còn trẻ, còn mới nhưng những gì họ đã và đang làm thật đáng được ghi nhận. Đặc điểm trong các tác phẩm của họ là tính thời sự, tính thông tin, tính thời điểm và đầy ắp hơi thở của đời sống. Có thể kể ra những cái tên như Lê Anh Tuấn với nhiều phóng sự ảnh trên các tờ báo lớn, Việt Dũng (báo Tuổi Trẻ), Na Sơn, Kỳ Thanh, Đức Trí của nhóm Photoworld, Việt Thanh báo Vietnam News (giải nhất ảnh báo chí Châu Á 2006), Trần Việt Đức, Lê Quang Nhật của Sài Gòn Tiếp Thị.

Có hai nghịch lý. Một là:

So với số lượng hùng hậu những người được coi là nhiếp ảnh gia Việt Nam, được coi là nổi tiếng trong giới nhiếp ảnh hiện nay, thì những cái tên nêu trên quả là ít ỏi nhưng nghịch lý ở chỗ chính cái số ít đó mới thực sự là những người tạo nên bức chân dung thật của nhiếp ảnh Việt Nam hôm nay.

Nếu ảnh của các nhà nhiếp ảnh trẻ và bản thân họ còn ít được biết đến thì đấy chính là nghịch lý thứ hai cần phải nói nốt: cả nước hiện có hơn 400 tờ báo nhưng ảnh báo chí, thể loại quan trọng nhất của nhiếp ảnh lại không có đất dụng võ, không được tôn vinh, không có giải thưởng, hằng tháng, hằng năm và mãi vẫn không phát triển được.

Nguồn:
Nghịch lý nhiếp ảnh - Tạp chí Tia sáng

26/7/10

VÌ SAO ÍT TRÍ THỨC VIỆT KIỀU VỀ NƯỚC LÀM VIỆC?



Nguyễn Quốc Vọng *

Việt Nam có một lợi thế hơn hẳn so với các nước láng giềng là có khoảng gần 4 triệu người đang sinh sống khắp năm châu mà trong đó khoảng 300,000 người đã tốt nghiệp đại học và sau đại học. Trong số những trí thức Việt Nam này, có nhiều người là những nhà khoa học tên tuổi, chuyên gia đầu ngành hiện đang làm việc tại các đại học, viện nghiên cứu và công ty nổi tiếng ở Mỹ, Úc, Canada, Anh, Hà Lan, Nhật như các đại học Harvard, Standford, Yale, Tokyo, Sydney… các công ty Microsoft, Monsanto, Mitsubishi...

Tuy nhiên vì nền kinh tế Việt Nam được thoát thai từ chế độ bao cấp, doanh nghiệp tư nhân chưa phải là chủ lực, tính cạnh tranh trong thương mại chưa cao nên mối liên hệ giữa viện nghiên cứu, các trường đại học và doanh nghiệp chưa được quan tâm. Vai trò của trí thức, nhất là ở đại học và viện nghiên cứu rất mờ nhạt. Chính vì vậy “kho tàng kiến thức” của những nhà khoa học tên tuổi, những chuyên gia đầu ngành Việt kiều ở nước ngoài không được thực sự quan tâm (thậm chí hầu như bị lãng quên).

Có thể khẳng định, nếu có sự hợp tác về giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu của trí thức Việt kiều, dưới bất cứ hình thức nào, cũng sẽ rất có lợi cho công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hoá đất nước.

Nhưng tại sao cho đến nay vẫn có rất ít trí thức Việt kiều trở về nước phục vụ? Qua thực tiễn 2 năm trở về nước được làm việc, tôi thấy có những nguyên nhân chính sau đây:

► Việt Nam chưa thực sự thấy được mối quan hệ hữu cơ giữa khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế, nên một số chính sách và cơ chế để thu hút trí thức không được nghiêm chỉnh thực hiện. Một khi trí thức trong nước chưa được sử dụng đúng mức thì việc trở về của trí thức Việt kiều sẽ không bao giờ xảy ra vì họ đang được làm việc trong điều kiện tốt nhất của nước sở tại;

► Chưa làm tốt việc cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm (ví dụ như biên giới biển đảo, Hoàng Sa Trường Sa, quặng mỏ bauxit Tây Nguyên...) nên trí thức Việt kiều không thấy được Việt Nam đã có sự thay đổi, tiến bộ về mặt dân chủ, phản biện, tự do tôn giáo, từ đó đâm ra hoang mang, lo sợ… không muốn trở về nước;

► Chưa có đầu mối để tìm tòi, liên lạc, mời gọi… do chính trí thức Việt kiều đảm trách vì trong hàng trăm, hàng ngàn công nghệ cao của thế giới, phải là người có kiến thức mới có thể lựa chọn những công nghệ tốt nhất, thích hơp nhất và có lợi nhất cho đất nước;

► Thủ tục giấy tờ về nước phải thông qua nhiều Bộ ngành nên rất rườm rà, mất thời gian;

► Tinh thần “vọng ngoại” của một số ít người trong nước vẫn thích “mắt xanh mũi lõ” dù rằng có nhiều khi “mắt xanh mũi lõ” lại ở trình độ khoa học kỹ thuật thấp hơn, không hiểu Việt Nam hơn trí thức Việt kiều;

► Tính “địa phương” và “trong ngoài” còn khá phổ biến, môi trường làm việc dựa nhiều vào cảm tính nên nhiều khi không công bằng, thiếu tin tưởng làm trí thức Việt kiều trở thành những thứ trang trí, không có thực quyền và cơ hội đóng góp sở trường khoa học kỹ thuật của mình.

Từ những năm 1970 Hàn Quốc đã mạnh dạn triển khai chính sách mời gọi trí thức Hàn kiều ở Mỹ trở về đóng góp. Ba mươi năm sau Hàn Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế thứ 13 của thế giới. Cũng thế Trung Quốc đã ứng dụng chính sách ưu đãi mời gọi trí thức Hoa kiều, và họ cũng đã tiến rất nhanh trong công cuộc hiện đại hoá công nghiệp hoá đất nước, trở thành nền kinh tế thứ ba trên thế giới. Chỉ có Việt Nam, đã hơn ba mươi năm sau ngày giải phóng, mà vẫn còn loay hoay mãi với câu hỏi về trí thức Việt kiều.
---------------------------------
* Tác giả đang làm việc tại Đại học RMIT, Melbourne Vic 3001, Australia

Ảnh: Các trí thức Việt kiều trong chương trình Vinh danh nước Việt.

Tham khảo
Vì sao ít trí thức Việt kiều về nước làm việc? - Tạp chí Tia sáng

Entries liên quan
SANG CALI ĂN GIỖ
KHI CHẤT VIỆT TRONG NGƯỜI KHÔNG CHẾT
PHẨM GIÁ ĐÀN ÔNG
HÀNH TRÌNH TRỞ VỀ



25/7/10

CHERNOBYL - CUỘC CHIA TAY TRONG TUYẾT TRẮNG



Ngày 15/12/2000, Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl đóng cửa. Như tất cả những người dân Liên Xô khác, ông Rostyslav Bilodid (hiện là đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ucraina tại Việt Nam) sẽ chẳng thể nào quên sự cố khủng khiếp xảy ra ở đây đêm 26/4/1986. Giờ đây đã 70 tuổi, ông nhớ lại chuỗi ngày hoảng loạn của người dân thủ đô Kiev sau khi nghe phong thanh về vụ nổ: "Cảm tưởng đáng sợ nhất của tôi trong những ngày đầu tiên sau thảm hoạ là sự thiếu vắng thông tin. Chẳng ai hiểu chuyện gì đã xảy ra".

Từ sai sót của con người


Sau đó khi biết được một vài điều, người ta bắt đầu hoảng sợ. Đến thở người ta cũng sợ. Đó là hình thái của căn bệnh tâm lý sợ nhiễm phóng xạ “radiophobia”. Người ta đã tấn công vào các đoàn tàu, hối hả chở con cái đi sơ tán. Ông Bilodid cũng vội vã chở con cái đến gửi họ hàng ở Rostov. Trong vòng hai ngày, ông phải một mình lái xe hơn 2500 km vừa đi vừa về.

“Nhưng nếu đó không phải dưới thời Xôviết, lạy chúa, nếu như mà thảm hoạ trên xảy ra vào thời điểm này, thì đất nước Ukraina của chúng tôi sẽ không thể tự đối đầu với thảm hoạ nhanh đến như vậy!”, ông Bilodid nói. Liên Xô đã huy động toàn bộ sức người, sức của và trí tuệ đến Chernobyl. 600 nghìn người đã được huy động đến đây để dọn chất độc phóng xạ. Với tư cách là Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Viện Hàn lâm Khoa học Ukraina, Bilodid đã tháp tùng các chuyên gia nước ngoài đến Chernobyl.

Ông đã tận mắt chứng kiến những người lính cứu hộ. Tuy mặc quần áo bảo hiểm bằng chì, nhưng họ chỉ có thể đứng ở khu vực lò phản ứng hạt nhân số 4 có 30 giây, kịp đổ hai xô dầu chống phóng xạ và chạy thật nhanh khỏi chỗ ấy. Với tính cách Slavơ “thấy chết cười ngạo nghễ” họ đã hoàn thành nhiệm vụ ấy một cách quả cảm. “Họ là những người anh hùng thật sự. Họ đã xông vào cái chết đã được biết trước”, ông Bilodid nói, giọng chùng xuống.


Lượng phóng xạ từ vụ nổ Chernobyl cao gấp 500 lần quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima năm 1945. 14 năm đã trôi qua, ước tính khoảng 1,5 đến 3 vạn người đã chết vì nhiễm phóng xạ, trong số đó có không ít ngời đã tham gia vào chiến dịch dập tắt và khu biệt tổ máy số 4. Đối trọng với họ là những kẻ cơ hội.

Bilodid tâm sự: “Tôi biết những người chưa bao giờ có mặt tại nơi xảy ra thảm hoạ, nhưng lại tự cho mình là Chernobylets (người cứu nạn ở Chernobyl). Bởi vì ngoài vinh dự, điều đó có giúp họ được miễn giảm 50% tiền nhà, được hởng các khoản trợ cấp đặc biệt”. Đội quân tự coi mình là Chernobylets nhiều đến nỗi Liên Xô phải tiến hành chiến dịch “thanh lọc”: Lần đầu loại bỏ một nửa danh sách; lần thứ hai loại thêm một nửa nữa trong số còn lại.

“Sai sót của con người thật là khủng khiếp. Mọi máy móc ở đó đều đúng. Chỉ có sự vận hành của con người là sai, Bilodid vừa nói vừa đưa cho tôi xem những tấm ảnh - "Đây là ngôi mộ của chàng trai đã quên mình lao vào tổ máy số 4. Anh ấy sinh năm 1962, tức là chết khi mới 24 tuổi. Còn trẻ quá. Còn tấm này là ngôi nhà nông dân bị bỏ hoang. Thật tiếc, quanh Chernobyl có những nơi phong cảnh thật đẹp”.

Theo các nhà khoa học Ukraina và Hà Lan phải 30 năm nữa những vùng đất quanh Chernobyl mới có thể canh tác trở lại bình thường, khi mà cặn bã của chất phóng xạ biến mất khỏi đất và nguồn nước.

Thực tế đã vén màn sự thật. Những vết đen đau thương hằn lên cả một thế hệ thanh niên trưởng thành trong vùng bị nhiễm xạ. Nhiều cặp kết hôn không dám sinh con bởi sợ để lại di chứng cho thế hệ tiếp nối. Thời gian trôi đi, cuộc sống đã trở lại bình lặng hơn, nhưng nỗi đau từ Chernobyl thì vẫn còn đó.

Cuộc chia tay trong tuyết trắng

160 tấn chất phóng xạ vẫn đang nằm trong lòng đất Chernobyl. Không một ai dám chắc rằng quả bom hẹn giờ ấy có phát nổ hay không hoặc sẽ phát nổ vào lúc nào. Dưới áp lực của phương Tây, năm 1995 Ukraina đã ký thoả thuận đồng ý đóng cửa vĩnh viễn Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl. Phương Tây hứa cung cấp 2,3 tỉ USD, trong đó có 500 triệu viện trợ và 1,8 tỉ tiền vay. Nhưng đó mới chỉ là cam kết. Theo những thông số mà Đại sứ Bilodid đợc biết, thì đó mới chỉ được 1/4 con số cần thiết.

Bây giờ là mùa đông. Tổ máy còn lại của Chernobyl có công suất rất lớn, 1 triệu kw/h, tức bằng một nửa công suất Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình - Việt Nam. “Đấy là năng lượng” - vị Đại sứ cao lớn có giọng nói trầm như giọng thợ mỏ nhấn mạnh, dường như đó là vàng. Ukraina đề nghị phương Tây phải giúp tạo ra được số năng lượng bù đắp và đã được hứa. Ngạn ngữ Slavơ có câu: “Một lời hứa phải đợi ba năm”. Thế đấy, Ukraina phải đóng cửa một tổ máy điện hạt nhân đóng góp 5% vào lưới điện quốc gia giữa mùa đông giá lạnh. “Chúng tôi phải tìm nguồn năng lượng mới cho dân sưởi ấm trong mùa đông, nhưng lại không có tiền”, Bilodid than phiền.

Tại sao lại có sự chậm trễ trong việc thực hiện cam kết? Thì ra phương Tây đưa ra hết điều kiện này đến điều kiện khác. Chẳng hạn như việc Ukraina phải trả hết nợ cho các ngân hàng phát triển quốc tế, hay phải tư hữu hoá ngay lập tức hệ thống năng lượng quốc gia. Tất nhiên họ có đưa ra những giải thích của mình, nhưng đó là những yêu cầu không thể thực hiện ngay được, thậm chí trong vòng một năm. “Những điều kiện ấy đã gây sức ép cho Ukraina và có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của chúng tôi. Ai cũng biết là ngân sách của Ukraina rất yếu" - ông Bilodid nói.

Đóng cửa vĩnh viễn Chernobyl, đó không chỉ đơn giản là việc đào cái huyệt và đặt quan tài vào, mà bên cạnh đó còn là vấn đề xã hội. Khoảng 10 nghìn công nhân làm việc ở đây, đó là chưa kể đến gia đình họ. Những chuyên gia lành nghề mà không phải ở đâu cũng có sẽ bị mất việc. Cần phải giải quyết việc làm cho họ và lại cần phải có tiền để tạo việc làm mới. Ukraina đã quyết định biến thành phố Slamutinsk (cách Chernobyl hơn 20km) - nơi các công nhân này đang sinh sống thành khu vực kinh tế tự do. 20 nghìn người sống ở đây. Người ta cũng đã lên kế hoạch lập ra những nhà máy sản xuất tại đó.

Theo ông Bilodid có thể nhìn thấy trước cuộc đấu tranh gay gắt trong vấn đề này. Ukraina hiện đang rất thiếu điện. Để đảm bảo hiệu điện thế chung cho lưới điện quốc gia, sẽ phải cắt điện trong một khu vực rộng lớn nơi sinh sống của khoảng 10 triệu dân. Một phần điện năng của Chernobyl còn được cung cấp cho Belarus theo lưới điện Liên Xô trước đây.

“Không tưởng tượng được ngời dân ở đó sẽ sống qua mùa đông như thế nào” - Đại sứ Bilodid trầm ngâm - “Chúng tôi không chỉ mất nhà máy điện, mà mất những đồng tiền thực thụ. Ngân sách của chúng tôi sẽ có một lỗ thủng lớn, khiến tăng trưởng kinh tế 5% như hiện nay khó mà duy trì được”.

Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đến Chernobyl ngày 15/12 này để chứng kiến cảnh tượng Tổng thống Kuchma xúc xẻng đất tượng trưng chôn vùi Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl. “Nếu xét về mức độ quốc tế thì đây sẽ là một sự kiện lớn. Một trang lịch sử đau thương được khép lại”.


Nhưng còn con người? Hàng nghìn chuyên gia giỏi về năng lượng hạt nhân sau nhiều thập kỷ mới đào tạo được sẽ làm gì? Nhiều người trong số họ sẽ chẳng thể hợp được với thương trường của khu vực kinh tế tự do mở ra ở đây nay mai. Một số người đã nhận được lời mời đi nước ngoài làm việc.

Nhưng không phải ai cũng có thể thanh thản rời bỏ Chernobyl, mảnh đất đầy hiểm nguy, để mưu cầu một cuộc sống điền viên riêng cho mình. Quá khứ gian khổ 14 năm qua sẽ theo họ, khiến họ phải nước mắt lưng tròng ngoảnh lại chia tay với mảnh đất khắc nghiệt trong giá lạnh quay quắt.

Nguồn: Báo Lao Động, 14.12.2000.

Entries cũ:
1. BIỂU TÌNH BẰNG... TẮM
2. TRUNG QUỐC XÂY NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN SÁT BIÊN GIỚI VIỆT NAM
3. CÀPHÊ VÀ TUYẾT
4. ĐÊM TUYẾT BERLIN
5. HOA TULIP TRÊN TUYẾT



 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết