31/3/10

NHỮNG MẨU CHUYỆN CỦA BỐ (2)



Giới thiệu với mọi người câu chuyện thứ ba của bố tôi:

Sếp Lục

Sau một lần to tiếng với ông Bốn, Quách thiếu phụ đã chuyển sang địa bàn khác, vì tất cả các cụ ông đã đề phòng nàng rồi!

Chiều, đi bộ xong 3 vòng, đến chỗ ghế đá ngồi nghỉ, thấy sếp Lục cùng mọi người đang “hội thảo” về “nhân sự”, ông mới nghỉ hưu. Là giáo sư tiến sĩ (GSTS) người ưa hài hước đọc là “gà sống thiến sót”. Sếp Lục không bị thiến sót mà chẳng có con. Người ông cao ráo, mắt sáng, nụ cười rạng rỡ. Ông giảng bài, huấn thị đâu ra đấy. Cán bộ cỡ thứ trưởng, ông chủ trì công tác chính trị cơ quan, viện nghiên cứu lớn, kiêm lãnh đạo khối văn phòng và chủ tài khoản.

Hàng tuần, ông trực tiếp giao ban khối phục vụ, cắt đặt đâu ra đấy, không ai dám vớ vẩn! Ông luôn dùng các khái niệm học thuật, các phạm trù triết học, đạo đức cách mạng…

Có lần ông chỉ thị cho Tài vụ: để tiết kiệm, từ nay chi tiền đối nội đối ngoại, nên đưa tiền trần để giảm tiền mua phong bì.

Ông nói, ông căm ghét tệ tham ô, đút lót thì có một cậu làm nghề xây dựng nhận làm một số việc sửa chữa lặt vặt cho cơ quan (cậu ta thấp nhỏ, nhưng tên là Trương Bào, một võ tướng thời Tam Quốc), xong việc, hỏi Bào: cậu có phong bì cho ông Lục không? Bào gằn giọng: không thế nào được, 500 đấy! Thế ông ấy có nhận không? Úi giời! Bố đút cốp (ngăn kéo) nhanh lắm!

Là cán bộ khối phục vụ, nhưng ông đi khắp thế giới. Sau chuyến đi Nhật về, ông phê phán sách giáo khoa Việt Nam nói nước ta rừng vàng biển bạc… nên học Nhật, họ luôn dạy học trò Nhật nghèo tài nguyên. Từ chỗ là MỘT BÁN ĐẢO, mà họ phấn đấu thành cường quốc!

Lạ quá. Nhật là đảo chứ sao lại bán đảo! Nhờ con tra từ điển mới biết GSTS Lục sai bét.

Những truyện trên thật 100%, chỉ hư cấu tên người, chả là sếp đang chủ trì hội hưu trí cơ quan.




30/3/10

TẢN MẠN VỀ METRO MẠC TƯ KHOA



1. Trong một entry trước đây, tôi đã từng viết rằng tôi chẳng thể thích một hệ thống metro nào khác ở những thành phố mà tôi có dịp viếng thăm sau này, đơn giản vì trước đó tôi đã biết metro Mạc Tư Khoa. Lần đầu tiên tôi đi metro chính là ở thủ đô Nga một ngày cuối tháng 8.1985 theo hành trình từ Đại học Lomonosov đến Quảng trường Đỏ.

Nếu như Quảng trường Đỏ khiến tôi hơi thất vọng, vì nó không đẹp long lanh như trong những tấm ảnh mà tôi nhìn thấy trong các cuốn sách giáo khoa và giáo trình tiếng Nga, thì metro mang lại cho tôi một ấn tượng khó phai mờ. Những nhà ga được trang hoàng lộng lẫy không khác gì những cung điện của Sa hoàng. Mỗi ga được thiết kế theo một phong cách khác nhau, không cái nào lặp lại cái nào. Chỉ với 5 kopek, ta có thể đi khắp thành phố khổng lồ có đến 8 triệu dân (thời điểm giữa thập niên 80 của thế kỷ trước).

Metro Mạc Tư Khoa hình như chạy ở độ sâu thuộc loại nhất trong số các hệ thống tầu điện ngầm của thế giới, chạy nhanh, tiện lợi, không khí được lưu thông rất tốt, nên dù có lượng người sử dụng rất đông (khoảng 7 triệu lượt người/ngày), nhưng luôn thoáng khí. Đi lạc thế nào, chỉ cần tìm được một ga tầu điện ngầm bất kỳ là coi như đã về được đến nhà. Chẳng thế mà câu hỏi đường cửa miệng của người Nga là: "Ga metro gần nhất ở đâu?".

Điểm dở duy nhất là metro Mạc Tư Khoa không có nhà vệ sinh...

2. Tầm này năm 1995, tôi đến Mạc Tư Khoa lần thứ ba. Nước Nga hồi đó đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng thời hậu Xôviết. Thủ đô Nga xám xịt, không còn nhận ra được cái vẻ đẹp uy nghi của nó 10 năm trước. Các cửa hàng trống trơn, không có gì để bán, nhưng vẫn mở cửa. Một nước Nga hoang vắng và như đang ở trong cơn hấp hối...

Nhưng trong cái bộ máy ọp ẹp đó thì hệ thống duy nhất vẫn vận hành cần mẫn và vận hành tốt chính là metro. Những lối đi bộ hành dưới lòng đất không còn là nơi chỉ bán hoa, bán báo như trước kia, mà đã đầy rẫy người ăn xin, cũng như các bà già bán đủ mọi thứ mà đôi bàn khéo léo của họ có thể làm ra. Đã xuất hiện những người hát rong kiếm tiền...

Tôi vẫn còn nhớ đã bắt gặp những tia nhìn ớn lạnh của những người đàn ông tóc đen có ngoại hình của người Kavkaz. Những căng thẳng về xung đột sắc tộc đã xuất hiện tại đất nước đang ở trong tình trạng vô chính phủ này. Tôi xuống metro và không còn cảm thấy an toàn như trước đây. Khi đó một ý nghĩ đã thoáng qua đầu tôi: Nếu xảy ra khủng bố, thì mục tiêu dễ dàng nhất chính là tầu điện ngầm và rất có thể một ngày nào đó muốn vào metro người ta sẽ phải đi qua máy phát hiện kim loại giống như kiểm tra an ninh tại các sân bay. Điều ấy đã được viết trong bài "Sếu bay trên Mátxcơva" đăng trên báo nhà, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng phátxít Đức (9.5.1945 - 9.5.1995).

3. Tháng 6.2002, tôi đến nước Nga lần thứ tư. 7 năm trôi qua và nước Nga hồi sinh sau cuộc khủng hoảng kéo dài. Mạc Tư Khoa lại một lần nữa khiến tôi sửng sốt. Nếu như năm 1995, tôi không thể hiểu được sao đất nước này lại sa xuống vực thẳm tang thương như vậy; thì năm 2002, tôi hoàn toàn bất ngờ về sự hồi sinh quá ngoạn mục của nó. Thủ đô Nga giờ đây có những chỗ còn tráng lệ và xa hoa hơn cả Paris.

Tầu điện ngầm vẫn hoạt động như cũ, vẫn tấp nập, hối hả. Lên tầu điện ngầm vẫn nhìn thấy những cô gái tuyệt đẹp. Chỉ có điều giá một cuốc đi đã lên đến hàng trăm rúp (tôi không nhớ rõ là bao nhiêu). Những tuyến đường cũ đã vươn tay đến vùng ngoại ô xa xôi đang được đô thị hóa mạnh mẽ. Có điều hay nhìn thấy được bằng mắt là những nhà ga mới vẫn rất đẹp, được xây dựng chắc chắn và không thấy dấu hiệu làm ăn gian dối.

Nhưng cứ có một cảm giác nặng nề nào đó ngự trị quẩn quanh, hiển thị rõ qua mật độ dầy đặc cảnh sát và lính OMON (lực lượng đặc nhiệm) được vũ trang tận răng, kèm theo cả chó nghiệp vụ. Nước Nga đã ý thức rõ ràng rằng tầu điện ngầm có thể trở thành mục tiêu khủng bố, nhất là sau sự kiện khủng khiếp 11.9 ở Mỹ.


Không ít lần, khi vừa bước ra khỏi toa tầu, vẫn còn đứng trên sân ga dưới lòng đất, tôi đã được cảnh sát yêu cầu xuất trình giấy tờ. Để rồi sau khi leo lên thang máy bước ra phố, tôi lại bị lính OMON chặn lại hỏi giấy tờ. Có lần tôi đã nói với mấy anh chàng OMON: "Sao các anh kiểm soát lắm thế, tôi vừa trình giấy tờ 3 phút trước ở dưới kia, giờ lên đây lại phải trình!?". Một người lính nói: "Làm sao tôi biết được anh đã được kiểm tra ở dưới kia?"

Ngẫm nghĩ, thấy anh ta nói cũng đúng.

4. Hôm qua, đi ăn trưa về, thấy trong hộp thư điện tử dòng tin ngắn báo tin metro Mạc Tư Khoa vừa phải hứng chịu 2 vụ đánh bom liều chết, khiến hàng chục người chết và rất nhiều người bị thương. Đây không còn là lần đầu tiên tầu điện ngầm thủ đô Nga bị đánh bom, nhưng vẫn có cảm giác bàng hoàng và xót xa, giống như một cái gì đó rất thân thuộc với mình phải chịu khổ nạn.

Tức tốc email, nhắn tin hỏi tình hình những người bạn thân cả Việt và Nga đang sống ở Mạc Tư Khoa. Trong vòng hai chục phút sau, tất cả đều hồi âm. Không ai bị hề hấn gì. Chị bạn thân cho biết: "Tôi nhận được tin khủng bố do chính cậu con trai ở Việt Nam gọi điện sang hỏi xem tình hình thế nào". Giờ đó chị cũng đang trên đường đi làm bằng tầu điện ngầm. Và chỗ chị làm cũng ở ngay gần ga Lubyanka bị đánh bom.

Tôi nói: "Đi tầu điện ngầm bây giờ thật nguy hiểm". Chị đồng tình: "Ừ, nguy hiểm thật. Nhưng không sao đâu. Mạc Tư Khoa mà không có tầu điện ngầm thì làm sao sống nổi. Vẫn phải đi thôi. Chỉ có điều là cảm thấy sợ cho bọn trẻ con."



ENTRY CŨ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CHỦ ĐỀ
1.THẢM KỊCH TRONG TẦU ĐIỆN NGẦM MOSKVA
2.YESTERDAY
3.TIẾNG ĐÀN TRONG TẦU ĐIỆN NGẦM PARIS
4.NỖI ĐAU TỪ THẢM KỊCH BESLAN


29/3/10

THẢM KỊCH TRONG TẦU ĐIỆN NGẦM MOSKVA


28/3/10

MỘT CHỖ NGỒI ĂN RẤT ĐẸP



Trưa nay, dẫn các bạn đến một chỗ ăn, ai cũng suýt xoa khen, sao lại có chỗ ngồi ăn đẹp thế, không xa thành phố lắm, không xô bồ và thơ mộng.

Sông Hồng thao thiết chảy.


Những dãy bàn ăn kê dọc theo mái hiên của căn nhà gỗ,
trên đầu có tán hoa màu xanh tím.


Xích đu trắng quay mặt ra sông bên rặng tre xanh ngắt.

Đoạn đường đi dạo ven sông,
nơi lắng nghe "sông Hồng thở than""

Từ chiếc ghế này có thể ngắm mặt trời lặn và hoàng hôn buông trên sông


Hoa cỏ mùa xuân

Xem đến đây, thì chắc mọi người đoán ra chỗ này ở khu vực nào rồi.
Nếu ai có nhu cầu đến đây thì cứ mạnh dạn hỏi nhé.
Tình nguyện dẫn đường đến tận nơi.


27/3/10

LÊN BÁO SAO DỄ THẾ?



Bạch An

Hậu trường showbiz Việt những tháng đầu năm 2010 với quá nhiều ồn ào không đáng có, càng lúc càng khiến hai chữ "nghệ sĩ" lẫn "nhà báo" bỗng trở nên méo mó trong mắt công chúng, dù vẫn biết chỉ là chuyện "con sâu bỏ rầu nồi canh"..

Khi nước mắt không nuốt được vào trong


Không biết phải vì tháng 3 có ngày mùng 8.3 hay không, mà cả tháng ướt đẫm “nước mắt phụ nữ” trên nhiều báo mạng. Gây xôn xao nhất là màn “kể tội” chồng (nam diễn viên trẻ Huy Khánh) trên báo lẫn blog của Hoàng Anh – người vừa ra khỏi cuộc hôn nhân tan vỡ - mà nguyên nhân, theo chị là thói trăng hoa của chồng mình.

Điều đáng nói là trong chuyện này, nỗi thất vọng của công chúng lại không chỉ dành cho nhân vật bị “tố”, mà còn buồn cho hành xử (dù có thể ít nhiều thông cảm được) của người phụ nữ nổi tiếng với “danh hiệu” “Diễm cuối cùng của Trịnh Công Sơn”. Bởi vậy, tuy không hoạt động trong giới nghệ thuật, nhưng Hoàng Anh từ lâu được mặc nhiên xem là “người của công chúng”, khi mà dường như những gì gắn với tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều được họ trân trọng.

Cũng lên báo “kể tội” chồng, nhưng lại được sự cảm thông là trường hợp của Thanh Quý - vợ diễn viên hài kịch Hiệp “gà”, một ngày trước khi anh cưới vợ mới. Không nổi tiếng như Hoàng Anh, nhưng Thanh Quý cũng từng giành được nhiều thiện cảm khi được chính chồng mình hết lời ca tụng về đức hy sinh, chịu đựng, ngay cả khi anh ta vướng vòng lao lý.

Gọi “vợ là niềm may mắn” của mình, Hiệp đồng thời dành cho vợ những lời lẽ thấm đẫm xót thương. Vậy mà không bao lâu sau ngày ra tù và sau bài báo “tri ân” đó, cây hài này vui vẻ tuyên bố cưới vợ mới và không ngần ngại lên báo rình rang khoe ảnh cưới (ảnh), trả lời phỏng vấn, hết lời ca ngợi vợ mới về cái đức dũng cảm đã “dám vượt qua những lời thị phi”.

Lẽ dĩ nhiên, không ai được quyền phản đối chuyện Hiệp “gà” lấy vợ lần hai cũng như ca ngợi vợ mình. Cũng như không ngoại trừ, chuyện của ai thì cũng phải “nằm trong chăn mới biết chăn có rận”, nhưng rõ ràng, cư xử thiếu khôn ngoan của cây hài vốn đã không ít tai tiếng này đã khiến công chúng cảm thấy phản cảm và đã gây ra không ít phiền toái cho hạnh phúc mới của chính anh, ngay trước và sau ngày cưới.

Nhà báo “làm hư” nghệ sĩ?

Đã đành, không ồn ào và lắm chuyện thì đã không phải là hậu trường làng văn nghệ - khi nó là “một phần tất yếu của cuộc sống” và của... báo lá cải! Nói như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng: “Hậu trường nghề nào thì cũng có thể có chuyện chơi xấu nhau, nhưng khác chăng, là giới nghệ sĩ thì dễ lộ chuyện hơn thôi!”.

Có điều, ồn ào thì cũng ba bảy kiểu ồn ào. Có những ồn ào không đáng có, khi nó là sản phẩm của sự lợi dụng: Báo chí lợi dụng phút yếu lòng của những người nổi tiếng hoặc những người liên quan đến họ để có được những bài báo giật gân; hoặc những “người của công chúng” muốn lợi dụng báo chí để đánh bóng bản thân hay nhằm hạ bệ một ai đó... Cư xử được một cách văn minh như cặp Quốc Trung – Thanh Lam với những lời lẽ hết sức thận trọng về nhau sau khi chia tay quả là điều hiếm, dù nhiều nhà báo cũng đã từng không ít lần cố công moi chuyện họ.

Có thể nói, chưa bao giờ việc lên báo ở ta lại dễ dàng như bây giờ. Chỉ riêng chuyện Hiệp “gà” cưới vợ lần hai, lập tức không chỉ Hiệp “gà”, mà ngay cả vợ cũ, vợ mới và ngay cả bà mẹ dưới quê của Hiệp “gà” cũng lần lượt được đưa lên báo. Chỉ cần một dòng tâm sự của Ngô Ý An - vợ ca sĩ Lam Trường trên blog, dù sự đổ vỡ của cuộc hôn nhân chỉ mới ở mức manh nha, thì lập tức cái tên Tuyết Ngọc - cô người mẫu vốn trước đó không mấy ai biết lại được dịp lên báo “tung hoành”, trong tư cách “nghi án người thứ ba”...

Còn nhớ, trong một lần phỏng vấn, nữ biên đạo múa Thuỷ Ea Sola đã từng nói với tôi: “Công nhận nhà báo VN... dễ gần!”. Trong khi đó, ở Pháp, thực sự rất khó tiếp cận các cây bút phê bình văn nghệ, vì họ muốn công việc của họ được tiến hành một cách độc lập và khách quan nhất.

Không phải vô cớ mà mới đây, trong một cuộc họp báo, một đạo diễn có tiếng là sắc sảo đã “đặt hàng” các nhà báo: “Tôi mong nhận được những câu hỏi sâu sắc”. Cách đây không lâu, cũng trong một cuộc họp báo, nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã từng “than thở”: “Dạo này, tôi chẳng buồn nhấp chuột, vì nhiều người lên đó... cởi truồng quá!”. Xin thưa tác giả “Ôi quê tôi!”, nghệ sĩ tự cởi truồng đã là gì, “lột truồng” người khác (theo nghĩa bóng) thì mới là “gấu”!

Chẳng hạn như chuyện nam ca sĩ Ưng Hoàng Phúc hồi đầu năm nay đã tặng “người cũ” - cô ca sĩ Thuỷ Tiên - “món quà năm mới” là những lời bóc mẽ, hạ bệ không thương tiếc. Và hành động “phản pháo” của cô ca sĩ lắm chiêu này là tung ngay một bộ ảnh bán khoả thân, chụp cùng người mới: Cầu thủ Công Vinh, khiến người ta chỉ còn nước che tay nhăn mặt. Hay trước đó là bài “diễn văn kết tội” của đạo diễn Quang Hải với cô vợ cũ Đỗ Hải Yến, khiến hai chữ “nam nhi” lại càng trở nên khan hiếm trong làng nghệ sĩ...

Lại cũng có lúc, “lột truồng” người khác lại không nhằm hạ bệ, mà là đề cao: “Nếu người đàn ông ấy bị bất lực và luôn sợ bị cô gái bỏ rơi, thì ngược lại, anh Huy rất tràn trề về... vấn đề sinh lý”(!) - cô ca sĩ Lê Kiều Như so sánh bạn trai của mình - nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy với nhân vật “đại gia” trong cuốn sách “Sợi xích”...


Bài đăng trên báo Lao Động ngày 26.3.2010

26/3/10

NHỮNG MẨU CHUYỆN CỦA BỐ



Bố tôi nhờ cô em gái gửi email cho tôi nội dung như sau:

"Gửi con: Nếu được, con đưa cái này lên mạng, lên blog của con ấy. Chắc sẽ có nhiều người đọc. 24/03/2010 - Bố".

Và đây là nội dung:

Bác với cháu lấy nhau đi

Về già, đi bộ để giữ sức khỏe, ai bảo không có cám dỗ? Có đấy.

Cám dỗ giữa người với người, người cùng giới và khác giới.

Chiều đến mọi người thường chọn hồ Nghĩa Đô làm nơi tập đi bộ. Hồ này ke bờ, đường bao quanh lát gạch, rộng rãi thoáng mát.

Bác Thảo, hơn 80 tuổi, sống một mình, bác gái mất lúc bác 73 tuổi, có ý định “tục huyền” (lấy vợ nữa) nhưng bác đề ra tiêu chuẩn “hơi bị” cao nên chưa thực hiện được, các tiêu chuẩn đó là : 1 có lương hưu; 2 dưới 60 tuổi, 3: không đăng ký kết hôn. Bác đi khỏe và nhanh, thường là 6 vòng hồ, 6km.

Chiều đến, có nhiều nữ vận động viên đi bộ, họ mặc trang phục thể thao đơn giản, bắt mắt, phô diễn những đường cong đẹp và không đẹp. Có một cô trên dưới 40, nhanh nhẹn, hồi xuân, mắt long lanh sáng. Cô tự xưng tên là Quách Thu Hương làm ở sở điện lực, cô đi bộ ít thôi, chủ yếu là ngồi ghế đá, tán chuyện tào lao bỗ bã, vui vẻ, bạo dạn.

Biết được ý định bác Thảo, cô bảo bác: “Bác với cháu lấy nhau đi”. Mọi người xung quanh cười ồ, cho đó là nói đùa! Thực ra “nửa đùa nửa thật”, cô ấy còn bảo: "Bác phải nhuộm tóc đi !" Tội nghiệp ông lão chân quê… băn khoăn giữa thực và đùa.

Chuyện tưởng chỉ có vậy. nhưng Hương đến nhà bác Thảo nhiều lần, quét tước, lau rửa ấm chén… ăn uống... Sau cùng là… vay tiền ! Ít thôi vài ba trăm gì đó! Vài tháng sau hỏi lại, cô ấy trả tiền chưa? Bác chỉ ậm ừ! Tội nghiệp.

Tác dụng phụ của điện thoại di động

Bây giờ, ai chả có điện thoại di động, đài nói: nước ta hơn 80 triệu dân mà có hơn 100 triệu điện thoại đi động.

Có ông đi bộ ở hồ, ngồi nghỉ ghế đá, mỗi tay một điện thoại di động, cứ tay phải gọi tay trái và ngược lại.

Con cái trang bị điện thoại cho phụ huynh để tiện liên lạc, ví dụ: con bận, bố (mẹ) đi đón cháu…

Thiếu phụ họ Quách cũng có điện thoại di động xịn, đương nhiên rồi!

Ông Quang, 75 tuổi, giáo sư một Học Viện kể: hôm tớ đang đi bộ, nói chuyện với cô ấy, cô ta chợt gọi di động, giọng thảng thốt, dứt cuộc gọi, cô bảo tớ: Bác ạ, em có đứa cháu bị tai nạn xe máy, vừa cấp cứu, bác có tiền cho vay em vài trăm, em phải vào bệnh viện chăm sóc nó! Người đẹp hỏi vay tiền, mấy khi, tớ cho vay 300! Lâu rồi không thấy nói gì! Thế mà gần đây, hắn lại hỏi mượn nữa. Tớ bảo thanh toán nợ cũ đi hẵng!

Cú điện thoại đi động trên có thật hay không, chỉ có trời và…. bưu điện biết.

Ghi chú: Hình ảnh không liên quan đến bài viết.
________

Các bạn nêu ý kiến về hai mẩu chuyện này trong comment nhé. Bố tôi sẽ vào đây đọc nhận xét của các bạn. Cảm ơn rất nhiều.



AKIRA KUROSAWA - HOÀNG ĐẾ ĐIỆN ẢNH NHẬT



(Viết nhân 100 năm ngày sinh của
Akira Kurosawa)

“Ở Nhật Bản người ta toàn hỏi tôi những câu vô nghĩa. Tôi không trả lời” – Akira Kurosawa kể. Vì tính bướng bỉnh và thái độ không nhân nhượng mà Kurosawa có biệt danh là “Hoàng đế”.

Ông là người con thứ bảy (con út) trong gia đình có cha là võ sĩ samurai. Từ bé ông đã theo cha học võ. Nhưng ông đã “phản bội” cha để đi theo một con đường khác – điện ảnh. Người anh cả của ông là Heigo cũng không thực hiện được hy vọng của cha về theo đuổi con đường binh nghiệp. Năm 27 tuổi, anh cùng người bạn gái bỏ vào núi và cả hai đã quyên sinh tại đó.


Sự nghiệp điện ảnh của Kurosawa bắt đầu sau khi ông giành phần thắng trong một cuộc thi và trở thành trợ lý đạo diễn tại hãng phim “
Toho”. Bộ phim ông làm từ đầu đến cuối có tên là “Huyền thoại judo” (Sanshiro Sugata) được công chiếu rộng rãi năm 1943. Nhưng Kurosawa không coi đó là tác phẩm đầu tay, bởi ông luôn tự tin rằng mình là đạo diễn giỏi nghề. Ở tuổi 33, ông tự mình đi một con đường trong điện ảnh và đặt ra những quy chuẩn của riêng mình. “Đừng nói nhiều”, - Kurosawa thường nói với các đồng nghiệp như vậy.

Kurosawa là đạo diễn kiệt xuất. Bởi vì để đem đến cho khán giả thứ điện ảnh trung thực, cần phải quay cái mà anh muốn, chứ không nên quay cái mà vì thứ đó người ta trả tiền. “Tôi không thể lừa dối khán giả vì tiền” – ông nói.
Người Nhật thích thưởng ngoạn những khoảnh khắc. Vì vậy, ông chăm chút từng chi tiết để gây ấn tượng mạnh. Trong cảnh cuối của phim “Ngai vàng đẫm máu” (Throne of Blood) ông đã cho bắn diễn viên Toshirō Mifune bằng mũi tên thật từ khoảng cách rất gần. Độ an toàn của diễn viên phụ thuộc hoàn toàn vào sự thiện nghệ của người bắn tên. Còn trong phim “Ran” ông đã cho xây dựng một lâu đài thật trên núi Phú Sĩ. Chỉ để đốt cho hiệu quả thật của cảnh quay.

Để diễn viên quen với phục trang, ông bắt họ phải mặc trang phục đó mấy ngày trước khi quay. Để quay cảnh có thời tiết khác biệt, ông sẵn sàng chờ hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Các thành viên trong đoàn làm phim của ông đều biết rõ rằng: nếu Kurosawa chỉ bắt diễn viên quay lại một lần, điều đó có nghĩa là ông không thích cảnh đó và không quan tâm đến nó nữa.


7 võ sĩ samurai

Mở hãng phim của chính mình “Kurosawa Production”, ông có thể sáng tạo tương đối độc lập. Tất cả các bộ phim của ông đều giành được những giải thưởng danh giá ở nước ngoài trong khi ở trong nước bị các nhà phê bình điện ảnh Nhật Bản đánh cho tơi tả. Ông thường thiếu tiền, vì vậy đã đồng ý cộng tác với Hollywood. Ở tuổi 50, ông cao lớn, ăn mặc trẻ trung và sang trọng. Chính vì điều đó mà các ông bầu phim Mỹ trông đợi ở ông phép màu lạ lẫm từ đất nước Phù Tang có thể đổi gu cho nền điện ảnh của họ. Nhưng họ không biết rằng Hoàng đế đang đến với họ.

Năm 1966 ông đồng ý dựng bộ phim “Chuyền tàu-kẻ đào tẩu” cùng một dàn sao Mỹ. Nhưng ông không thể tìm được tiếng nói chung với các nhà sản xuất. Ông muốn dựng một bộ phim triết lý sâu sắc, nhưng họ lại đề nghị ông phải có vài cảnh phụ nữ khỏa thân. Không những thế, tính thực dụng và hệ thống hợp đồng nghiệt ngã của điện ảnh Mỹ đã khiến ông phải chào thua. Kurosawa không thể hiểu tại sao người ta có thể cho ra đời tác phẩm nghệ thuật trong những điều kiện như thế. Người Mỹ lại cho rằng ông bị trầm cảm và buộc ông phải đến trị liệu ở ba bác sĩ thần kinh. Cuộc xung đột chấm dứt với việc hủy bỏ hợp đồng.


Trở về Nhật Bản, Kurosawa buộc phải bán nhà để bắt đầu từ con số không. Đó là giai đoạn đen tối trong cuộc đời ông. Và vào một ngày tháng 12.1971, ông đã tự tay cắt ven. Nhưng rõ ràng là số phận chưa bắt ông phải chết. Ông được cứu thoát từ cái bồn tắm đầy nước. Kurosawa buộc phải sống thêm gần 30 năm nữa.


Ông đành phải kiếm tiền bằng cách quay phim quảng cáo cho rượu wisky Nhật Bản. Ông làm việc đó song song với cuốn phim lịch sử sau này trở thành tác phẩm kinh điển của điện ảnh thế giới “
Kagemusha”. “Không ai chi tiền cho tôi. Tất cả đều nói phim lịch sử thì ai quan tâm. Tôi quay “Kagemusha” để chứng minh sự thật không phải như vậy”, - Kurosawa nói.




Và ông đã chứng minh được điều đó. 12 năm sau vụ tự sát bất thành, ông đã xây dựng hãng phim “Kurosawa Film” ở Yokohama. Năm 1990, thế giới được xem bộ phim “Những giấc mơ của Akira Kurosawa” (
Dreams) với 8 đoạn về tư duy và thế giới quan của ông, về cuộc sống, cái chết, sáng tạo và bản chất con người. Đạo diễn lừng danh Hollywood Steven Spielberg là giám đốc sản xuất của phim.

Bộ phim cuối cùng của ông “Vẫn chưa” (
Madadayo)ra mắt tháng 4.1993. Vị giáo sư già cùng các học trò của mình lúc thì thưởng ngoạn rượu sake, lúc thì phân tích những giọt nước mưa. Bên ngoài cánh cửa chiến tranh đến, rồi đi qua mà không ai phát hiện ra. Ông giáo già và vợ phát hiện ra những điều khác, mà theo họ thì quan trọng hơn: những chiếc mộc nhĩ trên thân cây, cái nắng mùa hè, những cụm lá vàng và đỏ nhuốm tuyết trước cửa nhà.

Tên của bộ phim lấy từ một câu thoại: “Ông đã sẵn sàng sang thế giới bên kia chưa?”, “Chưa, vẫn chưa!”


Kurosawa tự cho mình giống công tước Myshkin trong tác phẩm “Chàng ngốc” của đại văn hào Nga Fedor Dostoevsky. “Tôi thường đọc đi đọc lại sách của Dostoevsky. Không ai có khả năng viết về con người, tâm lý và số phận của con người hay như thế. Nhờ ông mà tôi hiểu cuộc sống” – Kurosawa kể. Ông cho rằng để viết kịch bản, cần phải học thuộc những cuốn tiểu thuyết và những vở kịch của các tác giả khác: “Tôi muốn hiểu những tình cảm làm tâm hồn tôi xao động bắt nguồn từ đâu?”


“Chàng ngốc”

Bộ phim mà ông hài lòng nhất chính là chuyển thể tiểu thuyết “Chàng ngốc” (The Idiot). Kurosawa chuyển bối cảnh bộ phim sang Nhật Bản thời hậu Chiến tranh Thế giới II, ở Hokkaido. Các nhân vật đều mang tên Nhật. Giới phê bình điện ảnh thế giới cho rằng đây là bộ phim chuyển thể hay nhất và trung thực nhất tác phẩm của Dostoevsky.

Nhưng giới phê bình điện ảnh Nhật Bản đầu thập niên 1950 lại không đánh giá cao bộ phim. Họ cho rằng nó không đảm bảo các tiêu chuẩn của một bi kịch cổ điển Nhật Bản. Làm xong bộ phim này, Kurosawa buộc phải rời khỏi hãng phim “Sekino”. “Nhưng dù thế nào thì đây vẫn là bộ phim hay nhất của tôi. Tôi biết chính xác như vậy. Tôi đã nghiền ngẫm nó rất lâu và dồn vào đó mọi kinh nghiệm đạo diễn. Có lẽ tôi thích “Chàng ngốc” bởi vì tôi giống nhân vật chính của tiểu thuyết – công tước Myshkin” – Kurosawa nói.


Tiểu sử

1910, 23.3: Akira Kurosawa chào đời ở ngoại ô Tokyo.
1936: Trở thành trợ lý cho đạo diễn K. Yamamoto. 7 năm sau, ông dựng bộ phim đầu tiên “Huyền thoại judo”.

1944: Nữ diễn viên Yoko Yaguchi (1921-1985) đóng trong bộ phim “Đẹp nhất”. Hai người kết hôn ngày 21.5.1945. Họ có hai con: con gái Kazuko và con trai Hisao. Hisao sau này trở thành nhà sản xuất và làm việc cùng cha.

1948: Làm quen với đạo diễn Toshiro Mifune. Ông này về sau đóng hầu hết các phim của Kurosawa. Hai người cùng làm bộ phim “Thiên thần say”. Ba năm sau, ông chuyển thể tiểu thuyết “Chàng ngốc”.

1951: Đoạt Oscar Phim nước ngoài hay nhất cho "
Rashomon". Đây là phim Nhật Bản đầu tiên đoạt giải Oscar. "Rashomon" còn đoạt "Sư tử vàng" tại LHP Quốc tế Venice.
1952: Mẹ đạo diễn qua đời. Ông dựng bộ phim buồn đầu tiên có tên “Sống”. Ba năm sau, ông cho ra đời “7 võ sĩ samurai” – một trong những bộ phim nổi tiếng nhất của ông.
Tháng 4.1955, ông thành lập hãng phim “Kurosawa Pro”.

1973: Hợp tác với Liên Xô làm bộ phim “
Dersu Uzala”. Phim này đoạt Oscar năm 1975.
1980: Nhận giải Cành cọ Vàng cho phim "Kagemusha". Phim này còn đoạt BAFTA đạo diễn xuất sắc nhất và Cesar Phim nước ngoài hay nhất.
1982: Nhận giải "Sư tử vàng" thành tựu trọn đời.
1990: Nhận giải Oscar thành tựu trọn đời. Một năm sau ra mắt phim “Bản rhapsody tháng Tám” (
Rhapsody in August)về thảm họa nguyên tử ở Nagasaki.
1998, 6.9: Qua đời tại Tokyo.




24/3/10

SANG CALI ĂN GIỖ



Trước Tết, anh chị hẹn với tôi, Tết này sang ăn Tết với anh chị em bên Cali, ra Giêng anh chị ra Bắc mình làm một chuyến đi Tây Bắc nhé. Nghe nói Tây Bắc đẹp lắm, rất nhiều người khen, mà chưa đi lần nào. Mới chỉ đi Đông Bắc, Hạ Long, Móng Cái thôi. Giờ phải đi Mộc Châu, Sơn La, Điện Biên, xem phong cảnh hùng vĩ và những địa danh lịch sử của vùng đất này.

Hai người đi Cali ăn Tết, rồi về. Và không thấy nhắc nhở gì đến chuyến đi Tây Bắc cả.

Đợi hết tháng Giêng, tôi gọi điện hỏi thăm. Đồng thời hỏi xem ý định đi Tây Bắc thế nào. Anh nói: "Không đi được rồi, em ơi. Chắc phải để đến dịp khác".

Tôi hỏi nguyên nhân, anh nói: "Tháng Sáu tới nhà anh có cái giỗ, anh chị phải sang Cali ăn giỗ. Giờ mà xin nghỉ đi Tây Bắc thì không ổn với công ty!".

Sang Cali ăn giỗ. Cụm từ đó nghe thật lạ tai.

Trước đây, người Việt ở Cali về quê (tức về Việt Nam) ăn giỗ. Nay người Việt ở Sài Gòn sang Cali ăn giỗ.

Đó là cả một sự thay đổi lớn.

Nhà anh chẳng hạn. Mọi người đều lần lượt qua đó định cư. Người đi trước bảo lãnh cho người đi sau. Cả họ chỉ còn vợ chồng anh ở lại Việt Nam. Những năm trước các anh chị em nhân dịp nghỉ hè đều thu xếp về Viêt Nam ăn giỗ. Nhưng Tết vừa rồi ngồi với nhau, họ thấy anh chị nên qua Cali ăn giỗ thì thuận lợi hơn. Mua vé bay vượt đại dương, thu xếp nơi ăn chốn ở cho hai người đơn giản hơn, và tiết kiệm hơn so với cho gần hai chục người.

Lý do chỉ đơn giản có thế.

Với lại, ở đâu quen thì ở đó là nhà. Anh chị sang Cali lần đầu ăn Tết, nhưng cũng thấy thích cái không khí Việt Nam ở đó. Hầu như ở đâu cũng được ăn món Việt, nói tiếng Việt, nên không có cảm giác xa lạ nơi đất khách quê người.

Sang Cali ăn giỗ. Thế giới thay đổi thật. Làm điều đó đã trở nên dễ dàng với không ít người như từ Sài Gòn đi miền Tây (Nam bộ) ăn giỗ vậy.

Ảnh: Bánh chưng, bánh tét tại một cửa hàng ở Little Saigon (California).


23/3/10

HỌC TRÒ ĐÁNH BÀ GIÁO GIÀ



Trong khi ở ta dư luận xôn xao về videoclip các nữ học sinh đánh nhau và báo chí đặt ra vấn đề ai là người có lỗi trong việc để xảy ra tràn lan bạo lực học đường, thì dư luận nước Nga cũng nóng bỏng với videoclip các cậu học trò nhục mạ và đánh đập một bà giáo 72 tuổi.

Trên màn hình là các cậu học trò lớp 9 cao to của một trường phổ thông ở thành phố Shelekhov và bà giáo thể dục nhỏ thó. Chúng dùng tay chân đẩy vào ngực vào lưng bà, vặn tay bà rồi đẩy bà ngã xuống sàn. Thoạt nhìn tất cả giống như trò đùa quá trớn, nhưng ngay sau đó là cảnh tượng kinh hoàng hơn: Các cậu học trò dùng lưới bóng chuyền cuốn bà giáo lại rồi lôi đi xềnh xệch khắp phòng tập. Hình ảnh trong đoạn video được dựng phù hợp với tiết tấu nhạc dồn dập.

Bà giáo già tên là Elena Egorova, mặc dù sức khỏe còn tốt, nhưng trí nhớ đã suy giảm khá nhiều. Không ai nói được chính xác bà đã phải chịu đựng cảnh nhục mạ này bao nhiêu lần, bởi chính bà giáo cũng không nhớ. Sáng sáng bà trở dậy, không còn nhớ chuyện hôm qua và lại đến trường đi làm.

Bà Olga Skorokhodovna, Giám đốc Sở Giáo dục Shelekhov, cho hay bà được báo cáo về chuyện này không phải từ trường phổ thông nọ và đã tiến hành thanh tra ngôi trường. Các nữ học sinh của một lớp khác đã phát hiện ra chuyện này và báo cho bà giám thị. Song ban lãnh đạo trường đã quyết định "đóng cửa bảo nhau". Các cụ ngược đãi bà giáo thường xảy ra vào ngày thứ Bảy, khi chỉ có một nhóm 5-6 cậu học sinh đi tập.

Rất may là bà giáo Egorova không bị tổn thương gì sau khi phải chịu đựng những hành động ngược đãi như vậy. Vui vẻ và lạc quan, bà không tin vào mắt mình khi được cho xem đoạn băng video. "Tôi đây sao? Không, các em không thể làm như vậy được" - bà ngỡ ngàng hỏi, rồi khóc.

Khi vụ việc bị phát giác, bà hiệu trưởng đã lặng lẽ viết đơn từ chức. Các thầy cô giáo khác khi được hỏi đều cúi đầu, họ cũng không thể tin một chuyện như vậy có thể xảy ra tại trường của họ. Một đồng nghiệp nhận xét: "Bà Egorova là người mạnh mẽ cả về thể lực lẫn tinh thần. Bà đã dạy dỗ tất cả chúng tôi, con cái chúng tôi và hiện giờ là cháu chúng tôi. Bà là một nhà giáo tuyệt vời, chỉ có điều bị lẫn do tuổi cao".

Chỉ có điều người ta thấy khó hiểu là tại sao bà giáo đến tuổi đó mà vẫn đi làm, vẫn dạy trẻ trượt tuyết, nhào lộn? Cô giáo hiệu trưởng cho biết: "Hồi đầu năm học, bà Egorova gặp tôi và nói: "Nếu chị cho tôi nghỉ việc, thì tôi sẽ chết. Chúng tôi hiểu bà và thương bà. Tôi thấy mình không có lỗi, tôi đã làm việc trung thực".

Chính bà Egorova cũng thừa nhận rằng bà không thể sống mà không đi làm: "Tôi dạy học đã 53 năm nay và không muốn nghỉ hưu. Đây không phải là chuyện tiền nong. Giờ đây tôi chỉ dạy 8 tiết một tuần. Tôi không thể nói là học sinh đã xử tệ với tôi".

Chỉ có điều, các học sinh cũng phàn nàn rằng bà giáo già luôn bắt chúng phải mặc áo thun trắng và quần soóc trong giờ thể dục. Nếu chúng không nghe lời, đôi khi bà cũng đánh. Thanh tra giáo dục đang làm rõ việc này.

Khi Sở Giáo dục bắt đầu thanh tra, đoạn video trên mạng đã được các học sinh gỡ xuống. Một loạt câu hỏi được đặt ra: Tại sao lại xếp một phụ nữ ở tuổi ngoài 70 dạy môn thể dục - một công việc bắt buộc phải chạy, nhảy và di chuyển nhiều? Tại sao các đồng nghiệp lại im lặng? Liệu cha mẹ các em học sinh có biết gì về hành động của chúng hay không?


Nguồn: Báo "Комсомолка"


22/3/10

ANH HÙNG, MỸ NHÂN



1. Anh hùng

Không ai bắt ông phải có mặt tại đám hỏa hoạn ở một trung tâm thương mại ngay giữa thủ đô Mátxcơva hôm thứ Bảy (20.3), bởi đó là ngày nghỉ của Đại tá Evgeni Chernyshev (ảnh), chỉ huy lực lượng cứu hỏa của thủ đô nước Nga. Đám cháy bùng phát lúc 17h13 phút, và chỉ 6 phút sau, lực lượng cứu hỏa đã có mặt. Chernyshev đến hiện trường vào lúc 17h30 và trực tiếp chỉ huy chiến dịch chữa cháy.

Các nhân viên cứu hỏa phải tìm cách đưa 5 nhân viên của trung tâm ra khỏi ngôi nhà cháy trong những điều kiện vô cùng khó khăn. Chernyshev ở trong tòa nhà, khi mái ngói bắt đầu rơi xuống. Các đồng nghiệp thông báo với ông qua điện đài và Chernyshev ra lệnh cho tất cả rời khỏi tòa nhà. Ông đích thân đi vào bên trong để xem còn ai bị mắc kẹt bên trong nữa không. Ít phút sau ông thông báo ôxi của ông sắp hết và sẽ ra ngoài ngay. Ngay sau đó thì liên lạc với ông bị mất và vài giờ sau, người ta mới tìm thấy thi thể ông dưới đống đổ nát.

Chernyshev 47 tuổi, trưởng thành từ anh lính cứu hỏa và có 31 năm trong nghề. Ông đã tham gia dập lửa cho hơn 250 vụ cháy lớn, trong đó có vụ cháy tháp truyền hình Ostakino năm 2000, vụ cháy Trường Đại học Hữu nghị giữa các dân tộc (một sinh viên VN thiệt mạng trong vụ này) và cứu mạng sống của hàng chục người. Thế mà giờ đây, vợ ông bị góa bụa, con trai ông bị mất cha.

2. Mỹ nhân

Campuchia đã tạm ra lệnh cấm phụ nữ nước mình kết hôn với đàn ông Hàn Quốc, sau khi hơn hai chục phụ nữ bị những kẻ mai mối đem bán cho những người đàn ông có nhu cầu lấy vợ. Đây là lần thứ hai, Chính phủ Campuchia áp dụng lệnh cấm này.


Koy Kuong, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Campuchia cho hay Chính phủ nước này đang điều tra xem có đúng là những “chú rể Hàn” kia có phải là vẫn còn độc thân và không có tiền án tiền sự hay không? “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng đây là những cuộc hôn nhân thực sự, chứ không phải giả mạo, và không dính dáng đến nạn buôn người” – ông Koy Kuong nói. Chưa rõ lệnh cấm này sẽ còn kéo dài bao lâu.

Năm 2008, Campuchia đã từng ra lệnh cấm tương tự, sau khi Tổ chức Di dân Quốc tế cho hay những kẻ mai mối kiếm được lợi từ việc cung cấp các cô dâu nghèo người Campuchia cho đàn ông Hàn Quốc. Khoảng 60% số cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài ở Campuchia liên quan đến người Hàn Quốc và tuyệt đại đa số đám cưới được thu xếp thông qua môi giới. Số lượng phụ nữ Campuchia kết hôn với đàn ông Hàn Quốc đã tăng hơn gấp đôi: từ 551 đám năm 2008 lên 1.372 đám năm 2009.

3. Vài điều suy nghĩ

Anh hùng:

- Một người lập luận: Ông Đại tá chữa cháy kia đã mạo hiểm mạng sống sai nguyên tắc. Đành rằng là ngày nghỉ, ông có mặt tại đám cháy là đáng hoan nghênh. Nhưng một người chỉ huy công tác chữa cháy thì không được phép trực tiếp chữa cháy. Như trong trường hợp này, ông đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Nếu ông còn sống và tiếp tục chỉ huy chữa cháy, thì có thể đám cháy đã được dập tắt sớm hơn.

- Tôi nghĩ: Có những điều mà chúng ta không biết về đám cháy này. Một người có 31 năm thâm niên trong nghề, thì không thể xông vào đám cháy nếu như không có lý do chính đáng. Dù thế nào, thì ông vẫn là anh hùng. Xin cúi đầu chào ông.

Mỹ nhân:

- Một người nói: Đấy, một nước lạc hậu như Campuchia còn biết phải ra lệnh cấm để tránh cho chị em nước họ bị rơi vào cảnh ngộ trớ trêu nơi xứ người. Thực ra thì cũng chẳng tránh hết được, nhưng ít ra họ cũng quan tâm và tỏ rõ trách nhiệm với công dân của mình. Chị em xứ Thốt nốt chắc cũng cảm thấy ấm lòng.

- Tôi nghĩ: Đúng thế. Biết bao chị em ta đang rên siết vì những cuộc hôn nhân gả bán như vậy.


21/3/10

Ở TRƯỜNG CÔ DẠY EM THẾ



Trưa nay ngồi với người bạn đã từng đi thi học sinh giỏi quốc gia thời phổ thông trung học, tốt nghiệp đại học xong, ra nước ngoài làm tiến sĩ và trở về nước giảng dạy trong một trường đại học.

Tôi hỏi anh có thấy chương trình học các môn khoa học tự nhiên ở bậc phổ thông của chúng ta quá nặng không. Thậm chí đến quá nửa kiến thức mà chúng ta bắt buộc phải học trong 12 năm ngồi trên ghế nhà trường hoàn toàn không cần thiết trong cuộc sống của mỗi con người.

Ví dụ: Môn toán hoàn toàn không cần phải học hình học không gian, lượng giác, giải tích, tích phân. Biết giải phương trình, tính toán với số thập phân là OK rồi. Ngay khai căn bậc hai cũng chẳng có cơ hội nào được áp dụng, khi mà máy tính đã trở nên quá phổ biến như hiện nay.

Anh bạn tôi thừa nhận, khi anh đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài thì mới thấy sinh viên năm thứ nhất - năm thứ hai của họ học toán ở trình độ tương đương lớp 10-12 của ta.

Vật lý, hóa học cũng vậy. Vô số kiến thức của những môn này quá chuyên biệt, dành riêng cho những ai có thiên hướng về những môn đó nghiên cứu, chứ không phải dành cho tất cả mọi người.

Trong khi đó có rất nhiều thứ cần phải dạy thì lại không được dạy, có thể liệt kê ra sau đây:

- Chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo của đất nước.

- Văn hóa dân tộc. Thanh niên hầu như không biết những giá trị của các bộ môn nghệ thuật dân tộc như tuồng, chèo, cải lương, hát bài chòi, dân ca quan họ, hát xoan, hát ghẹo, ca trù... Phong tục tập quán của người Việt, các giá trị tinh thần tạo nên bản sắc dân tộc cũng không được dạy.

- Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, kỹ năng thuyết trình một vấn đề, kỹ năng lập luận và nói để người khác hiểu.

- Thái độ trân trọng với thiên nhiên, biết bảo vệ môi trường sống, những quy định và chuẩn mực sống của một xã hội văn minh.

Ngoại ngữ dạy và học lớt phớt. Ở các nước đại đa số học sinh đọc thông viết thạo và giao tiếp thoải mái bằng ít nhất một ngoại ngữ là việc phổ biến và người ta đã hướng tới việc dạy cho học sinh 2 ngoại ngữ. Còn ở ta 6 năm học ngoại ngữ chỉ giúp học sinh chào hỏi vài ba câu thông thường. Tốn tiền, tốn công sức, tốn thời gian.

Tóm lại, chương trình giáo dục phổ thông của chúng ta vừa thừa vừa thiếu. Quá thừa kiến thức tự nhiên và quá thiếu kiến thức xã hội. Mà những kiến thức xã hội thì mới thiết thực cho cuộc sống. Không biết bà con có nghĩ như thế không?





20/3/10

HÓA ĐƠN ĐỎ



Họ cùng học đại học với nhau, chơi thân với nhau, nhưng khi ra trường anh ở lại thủ đô còn người bạn thì đi tuốt vào tận mảnh đất phương Nam nắng ấm. Họ giữ liên lạc chặt chẽ với nhau, mỗi khi có dịp hoặc anh vào Nam, hoặc bạn anh ra Bắc, họ vẫn gặp nhau ồn ã như thuở cách đây hai chục năm.

Khủng hoảng tài chính khiến bạn anh mất việc ở một công ty liên doanh. Gặp nhau, mặt bạn anh ủ rũ. Anh ướm lời: "Ông về công ty tôi nhé. Lương chắc không cao như ở chỗ làm cũ, nhưng ổn định, chắc cũng đủ nuôi gia đình". Bạn anh mừng rỡ nhận lời. Anh thu xếp để bạn làm việc tại chi nhánh phía Nam của công ty anh.

Sự đời oái ăm ở chỗ mối quan hệ của họ có phần nào thay đổi. Họ không còn bình đẳng tuyệt đối như xưa. Anh là sếp và bạn anh là cấp dưới.

Anh vào Nam công tác, công việc xong anh nói: "Chúng mình đi nhậu nhé. Nhưng hai thằng đi thôi, anh em trong chi nhánh gặp khi khác". Lý do khá đơn giản: anh vẫn muốn mày tao, suồng sã với bạn như trước, điều mà trước mặt các nhân viên anh sẽ không làm được.

Họ ngồi nhậu với nhau, vẫn vui vẻ, duy chỉ có điều vài lần bạn anh nói tới việc công ty và anh gạt đi: "Thôi mày, chuyện công ty để hôm khác nói".

Nhưng cuối bữa ăn thì có một chuyện không giống như những lần nhậu trước. Bạn anh nói với nhân viên phục vụ: "Em cho anh xin hóa đơn đỏ nha", rồi cúi xuống ghi mã số thuế của công ty vào mảnh giấy đưa cho cô gái.

Anh hơi sững người. Giữa họ tồn tại một nguyên tắc bất thành văn, nếu bạn anh ra Bắc, anh là người trả tiền và ngược lại. Chuyện đó đã tồn tại bao nhiêu năm nay. Đành rằng bạn anh là sếp của chi nhánh, có quyền tiếp khách và được công ty thanh toán, nhưng đây là bữa ăn bạn bè, anh đâu có muốn mang quan hệ cấp trên - cấp dưới vào bữa ăn này?

Dường như hiểu mối băn khoăn đó, bạn anh cười xòa: "Có ông bạn thân làm sếp là may thế đấy. Từ nay có thể lấy hóa đơn để cty trả tiền dùm".

Anh bỗng thấy buồn tê tái. Không phải vì anh tiếc tiền của công ty. Không phải vì anh thấy đó là sự vô lý. Mà chỉ bởi vì từ nay về sau, anh không bao giờ còn được hưởng hơi ấm từ sự chăm sóc của chính người bạn thân này nữa.


 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết