31/10/08

XIN PHỎNG VẤN NGƯỜI VIỆT



Ở Mỹ, thành phố lớn nào chẳng có người Việt. Đặt blast cả tuần hỏi có người Việt nào ở Richmond không mà không ai thưa. Lọ mọ vào mấy trang web của sinh viên VN, gửi email nhưng chỉ có một em hồi âm. Mà em ấy lại ở cách Richmond đến mấy trăm dặm.

Em sốt sắng giới thiệu dăm ba bạn học ở Virginia Commonwealth University ngay tại Richmond, nhưng gửi email vài ngày mà chẳng em nào ỏ ê gì.

Lại lên mạng tìm thì được cái địa chỉ email của Hội người Việt Nam ở Richmond. Tối qua, gửi một cái email đến địa chỉ của ban chấp hành, trình bày tôi tên họ như thế, công việc như thế hiện đang ở Richmond, muốn gặp quý vị để trao đổi về cuộc bầu cử tổng thống, xin quý vị cho một cái hẹn.

Sáng nay nhận được mail trả lời. Bức thư với lời lẽ rất lịch sự, đại ý xin cảm ơn ông vì đã quan tâm tới ý kiến của chúng tôi về cuộc bầu cử sắp tới. Nhưng tuyệt đại đa số chúng tôi làm công tác hội là việc thiện nguyện, chúng tôi ai cũng có việc để kiếm tiền lo trang trải cuộc sống, nên không có thời gian để gặp ông lần này...

Chẳng nhẽ sáng sớm đã phải nhận lời từ chối, nên lại cặm cụi đánh một cái thư khác, trình bày cẩn thận hơn, nói rõ là tôi đang ngồi ở tòa soạn Richmond Times-Dispatch, tôi chỉ muốn hỏi về bầu cử thôi, không hỏi về điều gì khác. Nếu ông bận thì cho tôi xin số điện thoại, tôi sẽ nói chuyện với ông qua điện thoại.

Vài tiếng sau nhận được thư trả lời. Ông ấy đồng ý và đề nghị: "Cho tôi xin số điện thoại của ông, tôi sẽ gọi điện cho ông".

Chắc là bác ấy muốn kiểm tra xem mình có ngồi làm việc ở tòa soạn báo Richmond Times-Dispatch thật không, hoặc không muốn cho mình số ngại mình sẽ làm phiền.

Khoảng nửa giờ sau, chuông điện thoại vang lên, và ở đầu đằng kia là giọng nói tiếng Việt rành rẽ: "Allô, tôi là Nguyễn C. đây!". Bác ấy nói giọng nhiều âm điệu của người Nam Định lai tiếng Nam, với văn phong cổ điển, nghe rất thú vị.

Thế rồi mình với bác ấy nói chuyện đến cả giờ đồng hồ, đầu tiên là về bầu cử, sau đó là về cuộc sống của bà con người Việt ở đây, rồi về các lớp học tiếng Việt cho trẻ con, rồi về những nỗ lực duy trì văn hóa và truyền thống Việt Nam ở xứ người.

Càng nói chuyện thì bác ấy càng cởi mở và chân thành chứ không dè dặt như ban đầu. Bác ấy khen tiếng Việt giọng Hà Nội của mình hay và nói: "Giá hồi bé tôi được nghe thầy cô giáo đọc chính tả bằng giọng Bắc thì tiếng Việt của tôi bây giờ hay hơn".

Cuối buổi bác ấy còn hứa sẽ giới thiệu cho một vài em sinh viên ở Richmond đưa mình đi chơi: "Các cháu chúng nó bận học, chắc không check được mail, anh thông cảm" - bác ấy giải thích dùm các cháu.

Thật vui vì bác ấy vượt qua được chút rào cản tâm lý ban đầu về ngại gặp người từ Hà Nội.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa.


30/10/08

GẶP GỠ VỚI OBAMA



Để tôi kể tiếp chuyện đi gặp Obama cho cả nhà nghe.

Người phóng viên ảnh chở chúng tôi (tôi và một nữ phóng viên Ấn Độ đến từ Kolkata) từ Richmond đi Harrisonburg là Clement Britt. Thoạt trông cái dáng trẻ trung, nhanh nhẹn của Clement, tôi đoán anh chừng trên dưới 40 một tí, không ngờ anh ấy đã 53 tuổi, có con trai 25 tuổi, con gái 23 tuổi và mới lên chức ông ngoại được 5 tuần.

Clement làm phóng viên ảnh cho Richmond Times Dispatch đã 33 năm nay, anh hài lòng với công việc và cuộc sống.

Harrisonburg là đô thị của vùng Thung lũng Shenandoah nằm giữa hai rặng núi rộng chừng 45 km vuông và có hơn 40 nghìn dân sinh sống.

Đường lên Harrisonburg đẹp như tranh. Cây cối hai bên đường vàng rực, những quả đồi bát úp đang dần ngả sang màu da cam nằm nhấp nhô.

Chúng tôi đến Harrisonburg vào lúc 2 giờ chiều. Clement dẫn chúng tôi vào một quán ăn nhanh: "Chúng ta có 30 phút để ăn, sau đó phải nhanh chóng vào trường để xếp hàng". Trường ở đây là Đại học James Madison, có hội trường hơn 7000 chỗ, nơi vẫn dùng để thi đấu bóng bầu dục và các buổi biểu diễn hoặc hội nghị quan trọng.

Clement không ăn. Anh bảo: "Cảm ơn hai bạn đã đi cùng tôi. Đi một mình cứ lái được khoảng một giờ là buồn ngủ ríp mắt". Hì, chúng tôi phải cảm ơn anh ấy mới phải.

Ăn xong, chúng tôi hối hả lái xe vào trường. Nhưng các con đường đều bị cấm hết. Các bãi đỗ xe cũng đã kín chỗ. Mãi mới tìm được một chỗ trống. Clement đánh xe vào đó và chúng tôi tất bật tay xách nách mang đi bộ lóc cóc khoảng hơn 1 dặm đến hội trường.

Đi chừng mươi phút thì bắt đầu thấy dòng người xếp hàng dài chờ được kiểm tra an ninh. Gió mạnh, thời tiết khá lạnh, bỏ tay ra khỏi túi áo là thấy buốt, nhưng dòng người này vẫn nhẫn nại nhích từng bước một.

Báo chí và người tàn tật được check-in chung một cửa (hai đối tượng đặc biệt). Một rừng xe mầu của những kênh truyền hình khủng tua tủa chĩa ăng ten chảo lên trời. Khá nhiều gương mặt bình luận viên ăn khách cũng đang xếp hàng.

Như đã nói trong entry trước cái thẻ nhà báo của VN màu đỏ, có dòng chữ bằng tiếng Anh "Press Card" có hiệu lực cả ở cái thị trấn đèo heo hút gió này. Nhân viên báo chí của Obama chật vật đánh vần dòng chữ tên họ bằng tiếng Việt trên thẻ (mặc dù được viết tay rất đẹp như rồng bay phượng múa, nhưng người nước ngoài rất khó luận), so với tên đăng ký trong danh sách, đối chiếu ảnh trong thẻ với người thật, rồi gật đầu đưa cho tôi một tấm phù hiệu của báo chí dùng riêng trong sự kiện này.

Hội trường hơn 7000 chỗ này chật cứng. Hàng nghìn người khác đứng trên sàn thi đấu. Ước tính khoảng 1 vạn người tham dự. Như vậy là cứ 4 người dân Harrisonburg thì có một người đi nghe Obama diễn thuyết.

Khu làm việc của báo chí được set up không thể chê vào đâu được. Một cái bục cao đủ chỗ cho 50 phóng viên ảnh được dựng phía bên phải bục phát biểu của Obama, một cái bục khác đủ chỗ cho từng đấy máy quay truyền hình được dựng ở phía đối diện với Obama. Ngoài ra còn khu vực để báo viết ngồi, có bàn ghế, ổ cắm điện, kết nối Internet, vệ tinh; đồ ăn, thức uống... tức là đủ điều kiện kỹ thuật, vật chất cho phóng viên yên tâm làm việc.

Phải nói là công nghệ tổ chức sự kiện của ủy ban tranh cử của Obama thật sự siêu đẳng. Obama xuất hiện rất ấn tượng trong âm thanh, ánh sách và tiếng hò la cổ vũ náo nhiệt của một vạn người.

Nhìn tận mắt Obama thì thấy đó là một con người cao, gầy, gương mặt biểu cảm, đôi mắt thông minh, phong thái tự nhiên thanh thoát (không khuỳnh khuỳnh kiểu ông Bush con), giọng nói ấm áp và biểu cảm. Thường những người có giọng nói như vậy có sức mê hoặc ghê gớm.

Nghe Obama nói rất dễ hiểu, bởi tiếng Anh ông ấy dùng rất đơn giản, phát âm rõ ràng. Dùng những từ ngữ đơn giản để vận động người ta nghe mình, theo mình quả thật không đơn giản. Nhưng Obama làm được điều đó.

Các động tác tay của ông ấy cũng không khoa trương, không diễn mà tự nhiên ở mức đủ độ góp phần trợ giúp đắc lực cho lời nói.

Obama cũng hay cười. Nụ cười tươi và chân thành.

Bài diễn thuyết của Obama dài 40 phút có kết cấu như sau:

- Chào hỏi, nhấn mạnh tầm quan trọng của cử tri ở địa phương ông đang vận động tranh cử.
- Nói về động lực tranh cử của mình, những điều mình định làm trong bối cảnh hiện nay.
- Chỉ trích một vài điểm yếu, hoặc điểm sơ hở trong diễn biến tranh cử mới nhất của đối thủ.
- Kêu gọi mọi người ủng hộ để biến những ý tưởng, kế hoạch của mình thành hiện thực.

Với kết cấu ấy, Obama đan cài các yếu tố sau:

- Hài hước: Obama nói đùa: ƯCV tổng thống Mỹ lần trước đến Harrisonburg đã hơn 100 năm. Ông đến và bị thất cử. Lần này người đàn ông tên là Obama đến, hy vọng sẽ thắng cử.
- Châm trích: Chỉ trích kế hoạch y tế của đối thủ là "cực đoan"
- Khơi gợi tinh thần tự hào dân tộc: "Các bạn đầu tư vào nước Mỹ, nước Mỹ đầu tư vào các bạn".
- Lấy nước mắt: Kể câu chuyện một người phụ nữ gửi email cho ông và nói rằng cần 10 nghìn USD để chữa bệnh cho con trai...

Tóm lại, ông ấy đã làm cho đám đông vạn người khi thì bừng bừng phấn khích vì thấy được ứng cử viên tổng thống khen ngợi, khi thì làm cho họ cười nghiêng ngả, lúc lại khiến họ ồ lên thất vọng khi nghe giải thích các yếu tố trong chính sách tranh cử của đối phương gây bất lợi cho đất nước và đời sống của mỗi người, lúc lại khiến họ rưng rưng xúc cảm... Đủ các cung bậc tình cảm trong 40 phút nói vo ấy.

Obama nói xong, tươi cười giơ tay vẫn chào mọi hướng trong khán phòng. Được sự hộ tống của vệ sĩ, ông đi một vòng quanh khu vực khán đài và bắt tay không sót một cánh tay nào giơ ra nằm trong tầm với của ông.

Được nghe báo chí Mỹ ca ngợi là Obama có chiến dịch tranh cử xuất sắc, nhưng hôm qua tôi mới mục kích sở thị mức độ hoàn hảo của một buổi vận động tranh cử: từ công tác tổ chức cho đến nhân vật chính.

Trên đường trở lại Richmond, Clement nói: "Obama xứng đáng là Tổng thống Mỹ".

Ghi chú: Tấm ảnh Obama ở trên là do tôi chụp, sau khi được một bạn phóng viên Mỹ nhường cho chốc lát vị trí rất ngon của bạn. Cám ơn tinh thần tương trợ của bạn. Tiếc là không có cái máy ảnh tốt hơn.

29/10/08

RICHMOND HOANG VẮNG



Chuyến tàu "chợ" xuất phát từ Washington D.C. đến Richmond, thủ phủ bang Virginia vào lúc 2 giờ chiều.

Nắng vàng và gió mạnh khua lá khô trên khắp các nẻo đường.

Richmond với những ngôi nhà ba tầng xinh xắn, kiến trúc kiểu cổ với những hàng rào và cầu thang sắt cầu kỳ uốn lượn bên ngoài.

Nhưng Richmond hoang vắng.

Chiều chủ nhật. Không có ai ra đường. Cả thành phố đìu hiu giống khung cảnh khu nghỉ mát biển giữa mùa đông.

Phải đi gần 2 dặm đường mới tìm được quán ăn lót dạ cho cái bụng đói meo từ sáng sớm.

May mà cái quán bán đồ ăn Thái gần khu chợ trời mở cửa vào chiều Chủ nhật, nếu không thì chết đói vì không một cửa hàng cửa hiệu nào mở cửa vào ngày này.

Ăn xong, đề phòng buổi tối không kiếm được chỗ ăn, nên phải đặt một suất nữa mang về. Ông chủ quán người Thái láu cá nhất định không chịu nhận traveller check mệnh giá 100 USD, viện cớ mới mở cửa không có 78 USD trả lại.

May mà trong túi vẫn có chút ít tiền mặt, kẻo không thì phải ngồi đợi dài dài cho đến khi nào ông ta thu đủ tiền để trả.

Trên đường về mới bình tâm chụp được vài kiểu ảnh đẹp của Richmond hoang vắng.

Hy vọng sang thứ Hai, tình hình sẽ khá khẩm hơn.

HẸN HÒ VỚI OBAMA



Bây giờ là 11 giờ sáng ngày thứ Ba 28.10.

Tình hình là mình sẽ lên đường đi gặp Barack Obama trong nửa tiếng nữa.

Obama đến vận động tranh cử tại thành phố Harrisonburg, cách Richmond 2 giờ rưỡi chạy xe.

Hôm qua đến tòa soạn Richmond Times-Dispatch nghe tin Obama đến mình rất phấn khích. Nhưng vấn đề là các bạn ở tòa soạn RTD lại có phóng viên thường trú ở Harrisonburg, không ai từ tòa soạn đi cả.

Mình định đi tầu đến đó, nhưng hỏi ra thì giữa Richmond và Harrisonburg lại không có đường tầu.

Bà Phó phòng hành chính hỏi: "Cậu có lái được xe không". Xe thì lái ngon, nhưng không có bằng lái xe Mỹ thì đi thế nào.

Andrew Cain, trưởng ban tin chính trị, bảo: "Để tôi hỏi xem phòng ảnh có cử phóng viên nào đi xuống đó chụp hình không. Nếu có thì nhờ anh ta cho bạn quá giang".

Nửa tiếng sau, Andrew tươi cười báo: "Sẽ có một phóng viên ảnh đi Harrisonburg và anh ấy sẽ chở bạn đi cùng. 11 giờ sáng mai tới đây nhé".

Y hẹn, mình đã đến tòa soạn. Các bạn Mỹ ngồi quay mình đều hỏi thăm: "Hôm nay cậu đi gặp Obama à? Thích thế!".

Một bạn bảo: "Harrisonburg đẹp lắm, nhớ mang cái máy hình đi chụp mấy tấm ảnh nhé".

Lát sau ông Tổng biên tập (người da mầu) họp giao ban xong, đi qua hỏi thăm xem chuẩn bị thế nào. Ông ý thật chu đáo.

Bạn phóng viên ảnh (cũng người da mầu) luôn vừa chạy vào báo: "15 phút nữa tôi quay lại đón anh nhé. Để tôi dọn dẹp lại cái xe sạch sẽ một tí, xe tôi bừa bộn lắm. Tôi cũng cần đi đổ xăng rồi chúng ta sẽ lên đường".

Quên, chiều qua Andrew đã giúp mình đăng ký (qua mạng) hành nghề báo chí với ủy ban bầu cử địa phương của Obama. Hóa ra cái thẻ nhà báo Việt Nam lại rất có tác dụng nhé. Nhân viên an ninh sẽ tra danh sách đăng ký, mình sẽ phải chìa cái thẻ nhà báo VN của mình ra là họ sẽ cho vào.

OK. Đi đã. Chiều tối về sẽ kể lại xem cuộc hẹn hò này thế nào. May hôm nay trời nắng, không mưa như hôm qua.

26/10/08

CHÚ SAM ỦNG HỘ OBAMA



Hôm thứ Bảy, đang loăng quăng trước khu vực Nhà Trắng xem anh Mike Hanna của CNN ghi hình show bình luận của anh í về bầu cử thì đâm sầm phải bác này.

Trang phục y trang như Chú Sam trong poster kêu gọi tuyển quân thời xửa thời xưa, nhưng không có bộ râu dê và gương mặt bặm trợn diều hâu giống như thế.

Cả bọn (bao gồm các nhà báo của Malaysia, Indonesia, Đông Timor và VN) thi nhau chụp ảnh và phỏng vấn bác í. Người da trắng đi vận động bỏ phiếu cho Obama đâu phải thường. Bác ấy bảo thích giọng ngoại giao của Obama.

Hóa ra bác này là giáo viên toán, từ California lên Washington D.C., đến những chỗ đông du khách như Nhà Trắng, Điện Capitol, diện trang phục bắt mắt, cầm khẩu hiệu "I want you vote for Obama" để thu hút sự chú ý.

Cứ thấy đông người là bác ấy lại giải thích, cụ thể hóa cái "Change We Need" của anh Obama theo tinh thần thế này:

- Nước Mỹ không thể cứ "bắn trước nói sau" được, cần phải nói trước, có định bắn thì phải xem xét cân nhắc kỹ càng.
- Chính sách kinh tế đã thất bại 8 năm, không thể kéo dài.
- Không thể tiếp tục để tầng lớp trung lưu đóng thuế như người giàu.
- Chú Sam phải thân thiện với thế giới.

Điểm thú vị là bác í không phải là nhân viên trong bộ máy tranh cử của Obama, cũng chẳng làm cho các tổ chức phi đảng phái ủng hộ Obama. Bác ấy thấy nên làm thế, làm thế là phải và bác ấy làm.

Bác ấy có mặt ở D.C. cả tháng nay và lúc trước đã gây được sự chú ý của báo chí khi đứng cầm biển phản đối kế hoạch giải cứu tài chính trước Điện Capitol.

25/10/08

ĐÊM LẠC ĐƯỜNG Ở WASHINGTON



Dự buổi gặp mặt ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế xong thì đã 9 giờ tối. Mikhailo - nhà báo Ukraina hỏi: "Vũ, anh định đi taxi hay đi bộ về khách sạn". Tôi đáp: "Chắc tôi sẽ đi bộ!". Mikhailo bảo: "Thế chúng ta cùng đi, trời đẹp thế này mà suốt ngày đi xe thì chán lắm".

Chúng tôi rời phòng họp (có phần ngột ngạt vì đông người), mở cửa đi ra đường. Không khí ban đêm ở Washington D.C. thật trong trẻo. Nhiệt độ xuống còn 6 độ C, gió nhẹ thổi lành lạnh. Không đến nổi rét, nhưng cũng đủ để tôi ho vài tiếng.

Tôi hỏi Mikhailo: "Anh thấy Washington thế nào?"

Ông đáp: "Tôi thấy thành phố này thật dễ thương. Các tòa đều thấp, chỉ 3-5 tầng, kiến trúc khá đẹp, phố sá sạch sẽ. Và điều đặc biệt là khá nhiều cây. Trước đây tôi không nghĩ thành phố này lại xanh đến như vậy!".

Tôi kể với Mikhailo lần trước tôi đến đúng vào dịp xảy ra vụ khủng bố 11.9. Washington lúc đó như một thành phố chết. Những đường phố thẳng tắp không một bóng người. Giấy tờ bị gió cuốn bay tứ tung... Trông cảnh tượng đó thật ớn lạnh.

Nhưng Washington hôm nay thì đúng là giàu sức sống. 9 giờ khuya mà đường phố vẫn nhộn nhịp. Người ta đi uống càphê, đi bát phố mua sắm, hoặc chạy jogging. Ở Châu Âu tầm này phố sá đã vắng tay.

Mải nói chuyện chúng tôi đi đến một chỗ hoàn toàn xa lạ. Giở bản đồ ra xem, chúng tôi phát hiện ra đã đi quá chỗ cần rẽ khá xa.

Đúng lúc chúng tôi đang không biết nên đi đường nào, thì một người đàn ông xuất hiện. Anh ăn vận trang phục công sở, nên tôi đoán chắc anh vừa rời khỏi văn phòng. "Hình như các ông bị lạc phải không? Xem nào, tôi có thể giúp được gì"

Sau khi nghe chúng tôi trình bày, người đàn ông nói: "Có thể có 2 cách, hoặc các ông đi thẳng, thêm 5 block nữa thì rẽ phải, rồi đi thẳng tiếp 8 block nữa. Hoặc các ông quay lại đường vừa đi, khoảng 6 block thì rẽ trái, theo đường chéo này, đi tiếp khoảng 7 block thì sẽ đến khách sạn. Hai đường như nhau, nhưng cách thứ nhất sẽ dẫn đến khu ngoại ô, hơi buồn và các ông có thể lạc lần nữa. Nên tốt nhất là đi theo cách thứ hai".

Chúng tôi cảm ơn người đàn ông và đi theo cách mà anh chỉ dẫn.

Lần này thì không chủ quan nữa, cứ đi được vài block là chúng tôi lại hỏi đường. Một anh lái xe da đen đang chờ khách, hai vợ chồng (vợ gốc Á, chồng Latin), đang jogging, một thanh niên hip hop vừa bước ra khỏi một câu lạc bộ, một cặp tình nhân đang đứng trong công viên... tất cả đều tận tình chỉ đường.

Người Washington bất kể chủng tộc nào, gốc gác ra sao, đều lịch sự như vậy. Họ cho ta một cảm giác thật ấm áp. Và vì vậy không dễ gì mà bị lạc ở Washington.

Đáng nhẽ chỉ phải đi bộ một dặm (1,6km), thì chúng tôi đã đi đến hơn 3 dặm (5 km). Chân cẳng mỏi dừ. Mikhailo thì không thấy mệt mỏi gì. Ở Kiev người ta đi bộ nhiều và quen đi bộ. Thời còn học ở Belarus, tôi cũng đi bộ nhiều và đi khá nhanh. Nhưng ở Việt Nam có mấy ai đi bộ bao giờ...

Ước gì ở Washington có massage chân. Nhưng ở đây chỉ có nhiều tiệm làm móng (nails), mà hình như những tiệm ấy đại đa số đều do người Việt làm chủ...

Ảnh: Biển ủng hộ Obama trên một đường phố ở Washington.

Free hit counter

23/10/08

TRỞ LẠI NƯỚC MỸ



Thế là tôi đã trở lại nước Mỹ. Hơn 7 năm sau chuyến đi lần đầu đúng 1 ngày trước khi diễn ra vụ 11.9.

Hành trình bay lần này kéo dài đến 26 giờ đồng hồ, trong đó thời gian ngồi trên máy bay tổng cộng là 18 giờ. Một hành trình mệt mỏi.

Ba lần chuyển máy bay. Hai lần nhìn thấy mặt trời lên trong vòng một ngày. Lần thứ nhất là khi máy bay đáp xuống sân bay Incheon (Hàn Quốc). Lần thứ hai là khi máy bay bay vào sườn tây của nước Mỹ.

Rời Narita (Tokyo, Nhật Bản) lúc 16 giờ ngày 22.10, đến Dullas (Washington D.C) lúc 15.00 cùng ngày. Gần 13 tiếng đồng hồ di chuyển trên không mà tới nơi vẫn tiết kiệm được hẳn một giờ.

Nhưng 1 giờ đấy lại để dùng vào việc xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay Dullas. Khắp nơi trên thế giới đều tìm cách đẩy nhanh thủ tục nhập cảnh, nhưng nước Mỹ sau vụ 11.9 còn áp dụng thêm nhiều thứ, như lấy vân tay, chụp ảnh tại cửa khẩu chẳng hạn...

Nước Mỹ không còn hỗn loạn như trong dịp diễn ra vụ khủng bố 11.9, nhưng nước Mỹ cũng đang rất nóng với ngày bầu cử đang đến gần.

Những chiếc xe ô tô nối đuôi nhau vào thành phố, nhiều chiếc dán đề can ủng hộ Obama ở đuôi xe.

Cửa sổ nhiều căn nhà cũng trưng những poster ủng hộ Obama/Biden với dòng slogan "Change we need".

Lúc sắp hạ cánh xuống Narita, máy bay bay qua những cánh rừng. Lá vẫn còn rất xanh, như là mùa thu chưa bắt đầu.

Còn ở Washington thì đã có thể thấy mùa thu.

21/10/08

CHIỀU THU - CÂY CẦU... ĐÃ GÃY



Cây cầu của chị đã gãy vào lúc cuối thu...

Ở một nơi rất xa, mảnh đất phương Nam ấm áp, không bao giờ có được một chút giá lạnh của mùa đông xứ Bắc.

Tôi gặp chị chỉ có một lần, có dễ đã hơn 10 năm.

Chị ngồi trong một quán càphê, tóc cắt ngắn, dáng điệu ngang tàng, rít thuốc liên tục. Nhìn chị, nếu không có người giới thiệu, hẳn sẽ chẳng ai đoán được đó là tác giả của những vần thơ da diết và đau đớn...

"Làm sao về được mùa đông
Chiều thu - cây cầu...
Đã gãy

Lá vàng chìm bến thời gian,
Đàn cá im lìm không quẫy.

Ừ, thôi...
Mình ra khép cửa,
Vờ như mùa đông đã về!"

Công chúng biết đến Thảo Phương (tên thật Nguyễn Mai Hương) nhiều hơn, sau khi một số ý trong bài thơ "Không đề gửi mùa đông" của chị được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc "Nỗi nhớ mùa đông".

Lời bài hát có thêm vài ý rất sến, và cái hình ảnh rất đáng giá "Lá vàng chìm bến thời gian/Đàn cá im lìm không quẫy" lại không được đưa vào.

Xin chép lại đây nguyên văn bài thơ "Không đề gửi mùa đông":

"Dường như ai đi ngang cửa
Hay là ngọn gió mải chơi?

Chút nắng vàng thu se nhẹ,
Chiều nay,
Cũng bỏ ta rồi.

Làm sao về được mùa đông?
Chiều thu - cây cầu...
Đã gãy

Lá vàng chìm bến thời gian,
Đàn cá - im lìm - không quẫy.

Ừ, thôi...
Mình ra khép cửa,
Vờ như mùa đông đang về!".

Toàn bộ bài thơ dường như câu nào cũng có thể dùng để gán ghép với sự chia ly.

59 tuổi, chị đã không thể ra khép cửa để vờ như một mùa đông nữa đang về...

20/10/08

LƯỢN BLOG NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM



Nhân ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20.10), từ sáng tôi đã treo blast: "Sao phụ nữ Việt Nam sướng thế nhỉ? Một năm có tới 2 ngày lễ dành riêng!"

Sau đó nhận được hai hồi âm:

Lu: ..."Cũng chúc mừng mí ông VN chĩ phải chịu đựng có 2 ngày trong 1 năm. Mí ông bên Mỹ phải chịu đựng tới 365 ngày lận. Vì bên Mỹ lady first nên ngày nào cũng là ngày của họ cả. =))"

HMH: "Phụ nữ không sướng đâu, đã cực khổ 362 ngày rồi mà chỉ được có 2 ngày chưa đủ"

Lượn một vòng blog của mọi người trong friend list thấy những tâm trạng sau đây:

ĐÀN ÔNG

Lưu Đình Long: "Em ơi lâu đài tình ái đó, chắc không có trên trần gian!"

Hai Lúa Tiên Phước: " Dù có mua hàng ngàn loại mỹ phẩm đắt tiền cũng không làm người phụ nữ đẹp bằng hạnh phúc… Chúc mừng ngày 20/10!"

Quốc Ấn_Mai: "Xưa nay có được mấy người- Yêu em bằng được nửa tôi bây giờ- Mà tôi nghèo quá, toàn thơ..."

Canhdong_battan: " Chúc ai cũng hạnh phúc vào ngày hôm nay".

Đông Tà: "Chúc 1 nửa kia của những người nói tiếng Việt một điều gì đó mà họ luôn ao ước sẽ sớm toại nguyện".

Giày Đỏ: "Thành phố buổi sáng mù sương, thành phố buổi sáng anh nhớ em..."

Hà Thạch Hãn: "Kết thúc ngày Phụ nữ VN mà chưa thấy phụ nữ nào chia quà cho mình cả."

Đốithoạichínhkhách: "Ơn đời còn có em..."

AAAnh: "Em còn nhớ hay em đã quên...?"

Baba - Hoàng tử bóng râm: " Bình thường, mình là đại gia; nhưng không hiểu sao cứ mỗi ngày 20/10 mình lại trở về đúng nghĩa giai cấp vô sản"

bEsT GhẺ: "Chúc mừng mẹ - như một lẽ hiển nhiên và công bằng nhất".

Andre: "Với tớ ngày nào cũng là ngày phụ nữ rồi nên đâu phải chỉ có riêng ngày hôm nay :)"

Chika: "Chúc mừng Em, chúc mừng vô số các chị, các bạn nữ xinh đẹp của tớ và của một cơ số người khác nhân ngày 20-10!"

PHỤ NỮ

Vân Lam: " Cám ơn những lời chúc của mọi người. Chúc cho phụ nữ chúng ta không chỉ được nâng niu và vui vẻ trong ngày phụ nữ...:)"

Nguyễn Thu Thủy: "Chúc mừng ngày phụ nữ việt Nam! Cám ơn những lời chúc ấm áp của mọi người!"

Naomi: "Hôm nay thời tiết Hà Nội thật dễ chịu. Trưa "tống tiền" ông anh cùng ban - bắt đi khao chị em (hihi, ai bảo không chịu tự nguyện, bắt mình phải ốp tận nơi!)"

Sun Flower: "Hôm nay anh đi HN, bình thường anh cũng đi làm cả ngày ấy mà lại không thấy nhớ. Giờ vắng anh, tự nhiên lại nổi lòng nhớ nhung. Thiệt kỳ. Hôm nay 20.10 vậy mà anh chưa chúc em câu nào hết đó nha".

Hậu Khảo cổ: "Lại một chuyến bay đêm... Ngồi trên máy bay nhìn ra ngoài trời tối đen, bỗng ao ước: giá mà máy bay bay lạc ngược trở về nơi mình vừa ra đi, nhỉ...?"

Hoài Tâm: "Mơ một hạnh phúc mãi mãi chỉ riêng em thôi Có quá lớn lao không anh?"

Nắng: "Ngày của Phụ nữ VN, có người đàn ông làm một người phụ nữ VN bực mình!"

Miu Miu: "Ngày tôn vin đàn bà được bố trí hợp lý trong năm vào tháng 3 và tháng 10. Không bao giờ người ta lại sẵn lòng kỷ niệm hoành tráng ngày thành lập một cái hội quần chúng đến như vậy, nếu không vì quá hấp dẫn để biến thành ngày riêng của chị em".


(Tiếp tục update)

Ảnh: Corbis

19/10/08

ĐEN VÀ TRẮNG



Hôm trước một nghệ sĩ nổi tiếng tổ chức show ca nhạc có tên gọi "Dạ tiệc trắng" với một yêu cầu bắt buộc: Tất cả khách mời và khán giả đều phải mặc đồ trắng.

Tôi đồng ý với tác giả một bài báo, rằng "Không lý gì khán giả bỏ tiền mua vé (800 ngàn-1,6 triệu đồng/chiếc) mà lại bị bó buộc bởi một yêu cầu vô lý như thế. Nếu đây quả là tiệc sinh nhật của ca sĩ, mọi người chỉ đến ăn uống rồi về thì không nói làm gì, nhưng đã là một show bán vé, thì vai trò "khách hàng là thượng đế" được tôn trọng và phục vụ đã bị đảo ngược".

Chiều nay, vừa bật YM lên thì nhận được yêu cầu tư vấn như thế này:


"- Bác ơi, bác tư vấn cho em một phát. Em nhận được giấy mời đi dự tiệc khai trương của một công ty vào tối nay. Cái tiệc này làm khá sang. Trong giấy mời ghi: Đề nghị quý khách mặc trang phục màu đen. Mình mặc quần bò đen, áo phông xám có được không?

- Ây zà! Không bao giờ được mặc quần bò đi dự tiệc. Nói chung đi dự tất cả những cái gì liên quan đến khánh tiết, cũng như những chương trình hòa nhạc, biểu diễn nghệ thuật ở chỗ trang trọng thì không nên diện quần bò.

- Thế còn áo phông thì sao?

- Áo phông cũng thế, không nên mặc đi dự tiệc.

- Rắc rối nhỉ? Em không muốn mặc sơ mi. Mà cũng không có áo sơ mi màu đen. Mới lại bác ơi, nó chỉ ghi là trang phục màu đen, chứ không ghi là bắt buộc phải mặc sơ mi.

- Trang phục ngầm hiểu là áo sơ mi quần tây đấy.

- Ồ, bọn này thì thật quá đáng.

- Đừng đi nữa.

- Nhưng lại trót hứa mất rồi.

- Gọi điện lại, báo rằng do không lo được trang phục màu đen, nên tôi không đi.

- À đây, em có cái áo thun ngắn tay, có cổ, hiệu Tommy Hilfiger, màu đen. Áo này có được không bác?

- Được. Mà này, nhớ mặt thêm underwear màu đen. Đến đó nhỡ họ bày đặt kiểm tra, đuổi về thì toi.

- Bác đúng là đồ xỏ lá!

- Hè hè..."

Tình hình là xã hội ngày một bày đặt ra lắm trò. Hết dạ tiệc trắng, đến dạ tiệc đen. Sau chắc sẽ đến dạ tiệc vàng, dạ tiệc xanh, dạ tiệc hồng, dạ tiệc nâu, dạ tiệc đỏ nữa không biết chừng.

Bên Hồng Kông có bà nữ tỉ phú họ Vương (Nina Wang), sinh thời đã già nhưng rất nhí nhảnh cá cảnh: chuyên tết tóc đuôi sam và mặc đủ các thứ màu nóng như đỏ, hồng, da cam...

Ai bảo ở VN sẽ không có một bà rửng mỡ như bà này?

Bà con nên đi sắm trang phục đủ các mầu đi là vừa không có thì chịu khó mà ở nhà dài dài!

Ảnh: Bà Nina Wang cùng con búp bê sản xuất theo định dạng của bà.

BA NGƯỜI BÁC SĨ



Ông là bác sĩ trưởng thành qua 2 cuộc kháng chiến. Về hưu đã lâu, ông chỉ còn một thú vui là đưa vợ đi du lịch đây đó và thỉnh thoảng tụ họp cùng mấy ông bà già trong hội cựu chiến binh phường.

Ở phường, nhiều người biết ông là một bác sĩ danh tiếng của chiến trường B dưới thời chống Mỹ. Ông đã giành giật được mạng sống của hàng nghìn người lính trong những điều kiện vô cùng ác liệt và thiếu thốn. Tuy ông hầu như không bao giờ kể về công trạng của mình, nhưng người ta vẫn biết và đều kính trọng ông.

Thế rồi một hôm, bà vợ ông đau nặng, giữa đêm ông phải đưa bà vào bệnh viện cấp cứu.

Bác sĩ trực là một người đàn ông tầm 30 tuổi, điển trai sau cặp kính trắng, gương mặt thông minh, nhưng ánh lên vẻ ngạo mạn.

Khám cho bà xong, bác sĩ cất tiếng gọi: "Người nhà bà X đâu?"

Ông thưa: "Tôi đây ạ!".

Bác sĩ không nhìn ông, tiếp tục nói: "Bà phải nằm đây để theo dõi tiếp. Ông đi làm thủ tục nhập viện, rồi trở lại đây đưa bệnh nhân vào phòng bệnh lưu".

Lát sau, ông trở lại và cùng y tá đưa bà vào giường bệnh. Vị bác sĩ đưa ông cái đơn: "Nửa đêm rồi, không có dược trực phát thuốc, ông ra hiệu thuốc ngoài cổng bệnh viện mua tạm mấy thứ này để bà ấy uống rồi sáng mai khám lại".

Ông đón lấy đơn thuốc, đọc lướt qua và phát hiện một chi tiết không chính xác: "Thưa bác sĩ, thứ thuốc này uống mấy lần từ nay đến sáng?"

Bác sĩ trẻ nhăn mặt: "Viết ở đó rồi, ông không biết đọc hả?"

- Nhưng thuốc này... - ông ngập ngừng giải thích.

Bác sĩ cao giọng: "Ở đây ông là bác sĩ hay tôi là bác sĩ hả?". Nói xong, bác sĩ trẻ giận dữ quay gót, đi thẳng.

Ông đi mua thuốc, mang về cho bà uống theo cách mà ông cho là đúng.

Sáng sau, bà được chuyển về khoa điều trị.

Qua một ngày, sáng hôm thứ hai, ông thấy vị bác sĩ trực đêm hôm trước đến khám bệnh cho bà. Hóa ra anh ấy làm ở khoa này. Một lát sau, cô y tá đến và mang theo những loại thuốc mà bác sĩ mới kê cho bệnh nhân.

Ông mở gói thuốc của bà và hốt hoảng nhận ra một loại thuốc chống chỉ định đối với căn bệnh của bà. Ông hỏi cô y tá có bị nhầm không, cô mở bệnh án của bà và chỉ cho ông xem tên các loại thuốc mà bác sĩ vừa mới kê.

Bác sĩ đã kê sai. Chính xác hơn là bác sĩ viết nhầm, vì hai loại thuốc tên khá giống nhau. Ông nói: "Thuốc này vợ tôi không uống được, cô ơi". Cô y tá hoảng hốt: "Chết, cháu không biết bác ạ. Cháu làm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Có gì bác hỏi bác sĩ hộ cháu".

Ông gõ cửa vào phòng bác sĩ. Anh đang cặm cụi bên màn hình máy tính. Ngẩng lên, nhận ra ông, anh hất hàm: "À, lại ông đấy à? Có việc gì thế?"

- Thưa bác sĩ, hình như trong đơn kê cho nhà tôi sáng nay, có một loại thuốc không phù hợp với bệnh. - Ông nhã nhặn nói.

- Cái gì? - bác sĩ gầm lên. - Ông biết gì mà cứ xen vào công việc chuyên môn của tôi. Ai bảo ông là thuốc không phù hợp? Tôi là bác sĩ, nếu bà ấy chết tôi chịu trách nhiệm.

Ông thấy nói với vị bác sĩ này thật vô ích, đi ra và lên thẳng phòng giám đốc bệnh viện.

Ông gõ cửa và bước vào. Giám đốc bệnh viện nhìn ông ngỡ ngàng và vui mừng reo lên: "Ô kìa, thầy. Em chào thầy. Sao thầy lại đến đây?"

Ông định thần và nhìn ra một trong những sinh viên, nguyên là lính sau giải phóng trở thành sinh viên của ông. 30 năm đã qua, và giờ đây anh đã trở thành Giám đốc bệnh viện này.

Ông bắt tay học trò cũ, kể lại sự tình. Giám đốc bệnh viện mặt thất sắc, quay điện thoại, cất giọng uy nghiêm và lạnh lùng: "Nói bác sĩ Tuấn lên gặp tôi ngay!"

Mấy phút sau viên bác sĩ trẻ mở cửa bước vào. Vừa trông thấy ông, anh ta khựng lại: "Ông thật quá quắt. Tôi đã nói với ông rồi là tôi chịu trách nhiệm. Vậy mà ông còn lên đây báo cáo giám đốc là sao?"

Giám đốc bệnh viện trừng mắt: "Tuấn, con không được hỗn. Đây là thầy dạy ba ở Đại học Y..."

Đoạn sau thế nào, mong bà con sáng tác tiếp.

Ảnh: Corbis


Blog counters

18/10/08

TRƯƠNG NGHỆ MƯU HỌC DOÃN HOÀNG GIANG



Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Hoàng Giang là người phát minh ra kiểu hát nhép trên sân khấu Việt Nam.

Khi dựng vở "Nàng Sita" của cha con tác giả Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ trên sân khấu Đoàn chèo Hà Nội trong thập niên 1980, ông phải đối mặt với một vấn đề nan giải: Không có nữ diễn viên đủ xinh đẹp và hát hay để đóng vai chính - nàng Sita.

Sân khấu chèo, hay sân khấu cải lương, tuồng cổ đều đòi hỏi những cô đào vừa xinh đẹp, vừa phải biết diễn giỏi hát hay. Đoàn chèo Hà Nội thời đó có Lâm Bằng nổi tiếng với nhan sắc mặn mòi, diễn xuất tốt, nhưng giọng hát của cô thì lại không được hay cho lắm. Những nữ diễn viên khác hát tốt, thì lại không đủ sắc để thể hiện nàng Sita.

Đúng vào lúc bối rối nhất, Doãn Hoàng Giang đã nghĩ ra một kế. Hãy nghe ông kể lại với nhà báo Ngô Thượng Tùng của Sài Gòn Doanh nhân Cuối tuần hồi tháng Tư vừa qua:

"- Người ta nói Doãn Hoàng Giang là người đầu tiên ở Việt Nam đưa “hát nhép” lên chiếu chèo. Ông sẽ “biện hộ” cho mình như thế nào?

- Tôi coi đó là một sự sáng tạo. Anh có biết Lâm Bằng không? Đẹp lắm, diễn rất hay mà không hát được. Không lẽ mình bỏ một cô bé đẹp thế? Tôi bố trí ba em hát thật giỏi đứng sau cánh gà, nhìn miệng Lâm Bằng mà “đớp” theo. Khán giả bàng hoàng, không hiểu Giang nhào nặn thế nào mà Lâm Bằng hát hay thế.

Trong nghề có người biết cô bé không hát được, xộc vào sau sân khấu mới hay Giang giở trò ma. Tôi nói các ông thắc mắc cái gì? Các ông vừa được xem cái đẹp, vừa được nghe giọng hát hay, còn muốn gì nữa. Nghệ thuật là sự hòa quyện của những tinh hoa. Trong điện ảnh, diễn viên lồng tiếng đầy ra đấy, sao không thấy ai phàn nàn. Còn ca sĩ bây giờ, có người làm biếng, chạy show nhiều quá, ra sân khấu là cỡn lên, hát nhép thì mới đáng bị phê phán."

Vở "Nàng Sita" diễn ra hàng trăm đêm và tạo nên cơn sốt vé thực sự ở Hà Nội trong thập niên 1980. Lâm Bằng trở thành sao, cô còn đảm nhiệm nhiều vai diễn khác trong các vở "Đêm hội Long Trì", "Ngọc Hân công chúa"...

Sau "Nàng Sita", "phát minh" của Doãn Hoàng Giang đã trở thành cách làm phổ biến của các đoàn nghệ thuật. Khán giả được thỏa mãn cả khoản nghe lẫn khoản nhìn. Khá nhiều diễn viên có nhan sắc, biết diễn xuất nhưng giọng hát thì bình thường đã trở thành sao nhờ cách diễn này.

Người Việt Nam có lẽ không lạ với điều đó nữa.

Nhưng cả thế giới thì đã bị sốc khi phát hiện ra cô bé có gương mặt thiên thần Lâm Diệu Khả hóa ra chỉ hát nhép cho camera quay hình và phát đi toàn cầu, còn cô bé Dương Bái Nghi răng sún mới là chủ của giọng hát ngọt ngào tại lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh. Thế giới gọi đó là "cú lừa ngoạn mục". Toàn bộ công sức sáng tạo đỉnh cao của "đại sư đạo diễn" Trương Nghệ Mưu chỉ vì chuyện đó mà bị hoen ố.

Chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ. Nghe giải thích của người có thẩm quyền từ Ban Tổ chức Olympic Bắc Kinh, thì thấy rất giống những gì mà bác Doãn Hoàng Giang đã nói.

Hóa ra là Trương Nghệ Mưu đã học Doãn Hoàng Giang đấy nhé.

P/S: Dịp 2.9 tới đây, Nhà hát Chèo Hà Nội (nâng cấp từ Đoàn Chèo Hà Nội) sẽ đưa "Nàng Sita" trở lại sân khấu sau hơn 20 năm. Lâm Bằng sẽ vẫn thủ vai chính, nhưng chưa rõ ai sẽ hát thay cho chị, bởi người khớp giọng cho chị trước kia là NSƯT Thúy Mùi nay đã trở thành Giám đốc Nhà hát.

16/10/08

ĐÀN ÔNG TRƯỞNG THÀNH ĐỀU XẤU ĐI?



Tôi gặp cậu lần đầu cách đây hơn 10 năm. Cậu là sinh viên mới ra trường, vào làm ở cty nhà nước nơi anh bạn thân của tôi làm việc. Thấy cậu em hiền lành, ngoan ngoãn, anh bạn tôi rủ cậu la cà cùng chúng tôi sau giờ làm việc.

Cậu có gương mặt đầy thiện cảm: thông minh và trong sáng. Cặp mắt phiêu diêu có hàng lông mi dài như mắt con gái.

Cậu ngồi có phần ngơ ngác giữa các anh, đa phần là cánh nhà báo, suy nghĩ nghênh ngang, ăn nói bạt mạng. Thỉnh thoảng cậu lại đặt một câu hỏi, khiến tất thảy phải lặng im cả phút để suy nghĩ rồi mới có người lên tiếng trả lời.

Có lần tôi bảo cậu: "Anh nhớ hồi anh bằng tuổi em, anh không hỏi được những câu hay như thế". Cậu cười hiền lành: "Em sợ là bằng tuổi anh, em chẳng biết trả lời thế nào!"

Cậu hòa nhập với các anh rất nhanh: hút thuốc như ông bễ, bắn bi-a rất giỏi, ít khi bỏ một cuộc nhậu nào. Rồi chẳng mấy chốc cậu cũng suy nghĩ nghênh ngang, ăn nói bạt mạng...

Bẵng đi vài năm, tới một hôm ngồi cùng anh bạn trong quán xưa, tôi hỏi thăm: "Thằng cu Long dạo này thế nào?"

Anh bạn trả lời: "Dặt dẹo! Thằng này hỏng sớm quá!"

Tôi hỏi lại: "Tôi tưởng nó ngoan đấy chứ?"

Bạn tôi thủng thẳng: "Thì nó vẫn ngoan, vẫn tốt thôi. Nhưng nó có tính lãn công thâm căn cố đế. Thông minh nhưng không thích làm lụng gì cả. Chỉ thích nghỉ việc, la cà quán xá. Nói chung là dặt dẹo!"

Tôi thấy tiếc cho cậu.

Lại bẵng đi một thời gian nữa, bạn tôi kể Long say rượu, ngã xe máy, tưởng chết. Mọi người cứ nghĩ sau cú ngã đấy Long sẽ thay đổi. Nhưng không!

Ít lâu sau, anh bạn tôi lại kể, cô người yêu cũ của Long có bầu. Hai người đã chia tay, cô muốn có một đứa con. Khi đã toại nguyện, cô nói cô không muốn con cô có một người cha "dặt dẹo" như Long.

Cô sinh con, nuôi con một mình. Sau một hồi cãi vã, tranh chấp, cô cũng đồng ý cho Long gặp con vào mỗi chủ nhật.

Hôm nay tôi gặp lại Long. Lần đầu tiên lại ngồi đối diện với cậu sau một khoảng thời gian rất dài. Cậu già đi nhiều, râu ria mọc tua tủa. Sát mắt trái có một vết sẹo dài, kết quả của vụ tai nạn.

Tôi hỏi: "Dạo này em làm gì?". Cậu cười, nụ cười vẫn hiền như thế: "Em chẳng làm gì cả. Em nghỉ làm lâu rồi".

Cậu đưa mắt nhìn ra cửa sổ, ánh mắt vẫn phiêu diêu thế. Tôi nói: "Anh nhớ hồi gặp em cách đây hơn 10 năm, em còn trong sáng lắm..."

Cậu lại cười: "Bây giờ em hỏng quá rồi phải không? Em ở nhà dặt dẹo, những lúc không có việc gì làm, em lên blog của anh để đọc những điều trong sáng. Người ta trưởng thành ai cũng xấu đi. Anh cũng vậy, cả xã hội cũng vậy. Cứ thử nhìn xem có đúng không?"

Tôi lại im lặng, giống như đã từng im lặng sau những câu hỏi của cậu hơn 10 năm trước. Ừ, thử nhìn xem có đúng không?

Ảnh: Corbis

15/10/08

LỖI HẸN VỚI MÙA THU



Bạn của chị gọi điện: "Hà Nội sáng nay mùa thu đẹp kinh, mình ạ. Đi trên phố người cứ nhẹ bỗng ra".

Chị nghe mà thấy xốn xang. Hơn 20 năm trước, chị học đại học ở Hà Nội. Học suốt 5 năm liền, có ít ỏi gì đâu. Thời đấy người Nam ra Bắc còn ít lắm, món miền Nam đốt đuốc ở Hà Nội cũng không thấy. Đành phải ăn món Bắc và mê món Bắc từ thời đó.

Con gái Nam bộ, giọng nói ngọt ngào, ra Bắc ai cũng thương. 5 năm xa nhà, sống ở miền Bắc bao cấp cực khổ, nhưng đó cũng là 5 năm đầy kỷ niệm, quãng đời đáng nhớ nhất của chị. Hà Nội là tuổi trẻ của chị. Mỗi khi 2 tiếng ấy vang lên là tim chị lại nhoi nhói, đôi chân rộn ràng như muốn chạy.

Bởi thế nên nghe điện thoại của bạn, chị nói: "Ê, cuối tuần tau ra nghe mầy!"

Bạn hỏi lại: "Chắc không?"

- Chắc! - chị đáp như đinh đóng cột. - Giờ còn làm cho nhà nước nữa đâu? Thu xếp được công việc, là đi à.

- Ờ, thế mình ra đi. Ra được mấy ngày?

- Chiều thứ Sáu ra, chiều Chủ nhật zô, được hông?

- Được quá, thế tôi đón mình ở Nội Bài rồi vù đi Hạ Long luôn nhé. Gọi cả mấy đứa đồng khóa đi luôn cho vui. Lần nào tụ tập, chúng tôi cũng nhắc tới mình đấy.

- OK, chơi luôn. Thế nha! Mai tôi book vé sẽ gọi lại thông báo giờ bay cụ thể...

... Tối về chị nói với chồng, cuối tuần này em đi Hà Nội. Anh nhìn chị chăm chú: "Có gì hay ngoải mà em ra?". Thì, chị ngập ngừng, em ra chơi 2-3 hôm với đám bạn đại học. Nghe chúng nó nói mùa thu đẹp lắm.

- Trời, mùa thu năm nào chẳng giống nhau. Em ở ngoải 5 năm còn chưa chán hay sao? Với lại anh không thu xếp được.

- Không, em đi một mình! - chị đáp.

Anh trợn mắt: "Đi một mình? Sao lại đi một mình? Đi một mình thì có gì hay?"

- Ý em nói là em sẽ bay ra Hà Nội một mình. Ngoải em có tụi bạn rồi! - chị vớt vát.

- Trời, em nghĩ sao kỳ vậy? Bộ anh để em đi một mình sao? Thôi, không ra Hà Nội nữa. Đợi anh thêm một tuần. Cuối tuần tới mình sẽ đi Singapore. Bên đó vui hơn, tha hồ shopping.

Chị nghẹn giọng, không nói thêm được câu nào. Chồng chị là như vậy. Anh yêu chị và luôn nghĩ phải có bổn phận chăm sóc chị, luôn luôn có mặt trong cuộc đời chị, không bao giờ được để chị ở một mình.

Sáng sau, chị gọi điện cho bạn, nói lí nhí trong ống nghe:

- Ổng hông cho tau đi Hà Nội một mình. Ổng nói đợi ổng một tuần rồi hai vợ chồng qua Sing...

- Nhưng Sing đâu có mùa thu...

- Bởi vậy. Nhưng ổng quyết vậy rồi. Chán quá! Lấy phải người yêu mình quá cũng mệt à nghen!

- Này mình, cuộc hôn nhân hạnh phúc của mình thực ra là bản án tù chung thân mà ông chồng yêu quý chính là cai ngục của mình đấy.

- Biết vậy, nhưng ổng đâu có chịu hiểu vậy! Thôi đành chứ biết làm sao giờ?

14/10/08

XA LẠ TRÊN MẶT ĐẤT (2)



Jean-Marie Gustave Le Clezio (Nobel Văn học 2008)

BÁNH MÌ

Tôi yêu bánh mì. Làm bánh – đó là một trong những hành động quan trọng nhất mà con người nghĩ ra. Xây nhà, dựng cầu, làm đường, đưa máy bay lên không trung hay điều khiển những đoàn tàu, phát kiến ra những hệ thống tính toán mới, viết, vẽ, chụp ảnh – tất cả đều không tồi. Sản xuất kim loại, kỹ thuật đúc, in sách, điện tín không dây, thu âm và thậm chí cả máy may – là những phát minh tuyệt vời, minh chứng cho khả năng đáng được ngưỡng vọng về phép suy diễn và tư duy sáng tạo. Thật khó mà hình dung được con người đã phải thử nghiệm bao nhiêu lần, chịu bao nhiêu thất bại và cần biết bao bền bỉ để tạo ra những tuyệt tác kỹ thuật.

Nhưng bánh mì!... Đó chính là nơi hội tụ của phép màu thứ thiệt. Thậm chí ta không thể gọi bánh mì là phát minh, bởi nó xuất hiện từ quá khứ thẳm sâu và gắn bó vô cùng mật thiết với đời sống của nhân loại, đến nỗi không thể hình dung được sự xuất hiện của nó. Bánh mì cũng là một phát minh như lửa, muối, quần áo, nấu thức ăn nóng. Như phát minh ra những chu trình của nghề nông, thuần dưỡng ngô hoang, ngũ cốc, lúa, chuối, chè, lạc. Tất thảy mọi loại cỏ cây đã từ lâu bước vào sinh hoạt của con người và có vị trí vững chãi đến nỗi biến chủng hoang của chúng hầu như đã biến mất hoàn toàn khỏi tự nhiên.

Phép màu trước hết của bánh mì là bột – thứ bụi nhẹ, thu được sau khi say giã hạt, thành quả của quá trình lao động lâu dài – nhưng lại không thể làm nên thức ăn nếu chỉ có một mình. Những thớt đá cối xay đã làm công việc trước công việc của hai hàm răng, cối xay phân chia nhỏ hạt ra biến chúng thành bột, thứ có thể đem quấy thành món ăn đầu tiên cho trẻ nhỏ. Thứ bụi đó, thứ bột không ăn được đó phải hòa với nước, khiến nó giống như ximăng. Đổ lên bàn thành hình núi giống như miệng hỏa diệm sơn, bột bánh mì giống như nguyên liệu xây dựng. Và khi đó phép màu – thứ phép cổ xưa nhất của thế giới – lại có hiệu lực. Đôi tay phụ nữ bắt đầu công việc của mình để biến thứ đó thành bột nhão.

Đôi tay to bản, khéo léo, với những ngón tay khỏe mạnh và lòng bàn tay rắn chắc lấy bột, trộn nó với nước, nhào, đánh, cán thành lớp dài. Đôi tay là công cụ thực tế của phép màu phi thực tế, mỗi cử động của chúng lại làm biến dạng bột nhão. Chúng sục sạo trong khối sền sệt ấy, thấm thêm nước, sau đó bóp chặt lại để nước thừa chảy ra. Lòng bàn tay đóng, mềm mại và tròn trịa bao quanh khối bột, biến nó thành trái bóng và nêm chặt nó lại. Những ngón tay và nắm đấm cán bẹp nó, rồi vò rồi xoa làm nó tơi ra. Sau đó nó lại được cầm vào trong lòng bàn tay, cuốn tròn lại thành cục, và thế là mỗi phần của bột nhão hết ở ngoài rồi lộn vào trong, đều kịp thẩm thấu không khí và nước.

Cả quá trình ấy có nhạc điệu riêng: hai bàn tay túm nắm bột nhão lớn, gõ nó xuống bàn, vò nhàu và xé thành từng mảnh. Những ngón tay đánh vào đống bột nhão đó, bàn tay vừa vỗ vừa giẫm đạp lên nó. Đó là nhạc điệu của những bàn tay, giống như nhạc điệu của những người thợ đẽo đá, hay nhạc điệu của những người thợ nề, một thứ nhạc điệu cụ thể, nhịp nhàng và khi ta nghe nó hòa lẫn với âm thanh của tiếng thở, ta sẽ nghe thấy nhạc điệu cổ xưa nhất của thế giới, thứ nhạc điệu xuất hiện trên trái đất cùng với những bộ lạc người đầu tiên.

Phép màu còn có cả trong một phát kiến kỳ diệu nữa - ủ chua. Làm thế nào mà vào một ngày đẹp trời, người ta lại có ý nghĩ đưa vào khối bột nhão thô kệch và nặng nề, trông giống ximăng hơn là thứ có thể ăn được, một chất khiến nó nở tung ra, hấp thụ đầy không khí và trở nên dễ tiêu hóa? Điều đã xảy ra là sự sơ xuất hay tình cờ? Một lần có ai đó đã đưa vào đống bộn nhão mới trộn, chỗ bột nhão từ ngày hôm qua đã kịp chua sau một đêm – do lơ đãng hay do tiếc của? Nhưng đó lại là thành tố thần diệu, chỉ một chút ít của nó cũng đủ để biến đổi toàn bộ số bột nhão và kết quả đạt được thật đáng kinh ngạc: đó chính là bánh mì.

Vào thời đó cái chất ấy là chất tự nhiên, bởi chưng hàm lượng toan dịch trong quá trình ủ chua cũng giống hệt như trong bộ máy tiêu hóa. Ủ chua – đấy là sự tiếp nối của nước bọt, nó sửa soạn cho hiện tượng hấp thụ. Đó cũng chính là điều kỳ diệu, mặc dù có phần phức tạp hơn, được sử dụng khi chưng cất một số loại rượu tự nấu: nước bọt rơi vào nồi làm lên men ngô và thế là có rượu.

Phép màu còn nằm cả ở trong trình tự hành động, được lặp đi lặp lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, như một nghi lễ và truyền đến với chúng ta. Bánh mì, được nặn trên bàn, đó là một cục bột nhão khá lớn được lăn bột và phủ bằng khăn ẩm. Nó nằm đấy và định hình trong lúc chờ đợi được đem nướng. Có lẽ, trong số những phát minh của loài người không gì chân chính và hoàn hảo hơn bánh mì. Công việc của đôi bàn tay với đống bột nhão không khác gì công việc của đấng tạo hoá nặn ra cơ thể con người, còn ủ chua thì tương tự như chính quá trình lên men sự sống.

Sau đó đôi tay nặn lên chiếc lò nướng bằng đất sét trên bộ khung gồm những thanh kim loại. Đôi tay nhóm lửa trên đống than củi tưới dầu. Phép màu cuối cùng diễn ra khi bánh mì được nướng từ từ trên lá kim koại trong bầu không khí nóng rẫy của lò nướng. Vỏ bột cứng lên và có màu vàng óng thật đẹp. Ruột bánh được hình thành với đầy những bong bóng khí. Một mùi thơm dìu dịu, thứ mùi khiến ta yên tâm và vui sướng, hoà lẫn với khói lan toả trong không gian.

Sau đó, khi bánh mì đã được nướng chín và nằm trên bàn, cũng đôi tay khoẻ mạnh với lòng bàn tay rắn chắc đó chia nó ra thành những lát bằng nhau.

Dịch qua bản tiếng Nga của Irina Kuznetsova

XA LẠ TRÊN MẶT ĐẤT (1)

13/10/08

XA LẠ TRÊN MẶT ĐẤT (1)



Jean-Marie Gustave Le Clezio (Nobel Văn học 2008)

BUỔI SÁNG

Tôi yêu cuộc sống mỗi sớm mai. Khi mặt trời còn chưa chịu thức giấc, khi không khí còn sạch sẽ tinh khôi, mọi sự đều giản dị và nhẹ bỗng. Ta từ giấc mơ quay trở lại , giống như quay trở lại sau chuyến viễn du đến những miền đất xa xôi và chợt thấy tất cả xung quanh ta đều đã biến đổi.

Không gian lạnh, bầu trời cũng lạnh. Ánh sáng hãy còn rất rụt rè, chứa đựng một chút gì đó của màn đêm, vừa chậm rãi vừa xa vắng. Nhưng dù thế nào thì thế giới cũng không bao giờ mở cho ta một tầm mắt rõ ràng và rành mạch đến thế giống như vào buổi sáng sớm. Ta thấy rõ từng chiếc lá trên cây, từng ngọn cỏ và từng phiến đá trên vỉa hè. Ta thấy rõ những ngọn núi, những ngôi nhà, những con đường và cả ngọn khói. Tất cả đều hiển hiện rõ nét như vẽ. Ta thấy rõ từng ngọn sóng biển, và ở xa tít chân trời là bóng dáng của những con tầu biển khổng lồ.

Tất cả đều ẩn chứa niềm hân hoan, nhẹ tênh! Mặt đất sạch trơn, không còn ranh mãnh, giống như sau mỗi trận mưa, cơn gió. Ý nghĩ vẫn chưa đem khói đến bao phủ thành phố. Người ta rảo bước thật nhanh, rụt đầu trong lớp cổ áo khoác, trên môi họ thấp thoáng làn mây ẩm ướt. Người ta đi im lặng. Đi xe máy trên những con phố.

Những cánh cửa sổ các ngôi nhà vẫn còn đóng kín, các cửa hiệu buông hàng rèm sắt. Tất cả vẫn như trong đêm, mặc kệ ánh sáng ban ngày đang về.

Vào thời khắc đó, thế giới vẫn còn yên bình và tuyệt đẹp, khi mà vẫn chưa có gì đi làm. Vạn vật nghỉ ngơi, những tán cây, con sông, bầu trời và biển cả. Mặt trời phi nhanh lên cao, vội vã về phía thiên đỉnh. Chính tôi cũng không biết đang ở đâu vào thời khắc này. Tôi không có tên, không có công việc, tôi không chờ đợi gì và không mong muốn gì. Chỉ rảo bước và hít thở. Dường như tôi là người cô lữ, vừa xuống khỏi con tầu đã đi ngang qua cả lục địa sau một đêm: tôi đi trên những đường phố xa lạ nơi mà không một ai phát hiện ra tôi. Tôi nhìn những ngã tư, những vườn hoa nhỏ, đọc những cái tên mà tôi cảm thấy khá lạ lẫm, tôi đi hú họa. Không khí lạnh lẽo, trong trẻo và lặng lẽ, tôi đang tồn tại trong cái khối ấy. Ở đây vẫn chưa một ai có tên. Dường như không tồn tại ý nghĩ, tiếng nói, mà tất cả mới chỉ là những viên đá có hình dạng rõ ràng, những tán cây tỉa gọn, những đài phun nước, những con phố vắng tanh, những chiếc xe hơi ướt đẫm sương và cái chính là bầu trời rộng lớn xanh xao với những đám mây bất động được mặt trời hắt ánh sáng lên từ bên dưới.

Những gương mặt chưa có dấu hiệu mệt mỏi. Chúng vẫn còn ngái ngủ, đưa mắt nhìn ánh sáng sớm trong trẻo và cũng lấp lánh thứ ánh sáng huyền bí nào đó của mình còn sót lại từ đêm.

Người ta hầu như không trò chuyện. Chẳng qua thỉnh thoảng có trao đổi dăm ba câu chào hỏi.

“Xin chào!”

“Xin chào!”

“Thời tiết đẹp quá!”

“Vâng, quả là một ngày tuyệt diệu!”

Đó là tất cả những gì người ta nói với nhau, như những cái máy.

Họ không ăn, không hút. Họ sửa soạn, nhìn ra ngoài trời, hay nhìn ra biển. Họ vẫn còn chưa nhớ hết những gì đã xảy ra hôm qua, đối với họ dường như không thể có chuyện hai con đường hòa vào làm một.

Nhưng không có bất hòa. Mỗi người đều thống nhất trong nội tại của mình và sẵn sàng tham gia, sẵn sàng lắng nghe. Khi họ lần lượt bước ra khỏi nhà mình với dáng vẻ sững sờ, tôi nhìn họ không một chút hoài nghi, họ giống như những con chim biển lớn bay qua lượn lại trên những bãi tắm.

Tôi không cần biết gương mặt họ, nhận diện ra họ khi gặp gỡ. Không cần phải nói chuyện với họ. Tất cả đều giản đơn vào thời khắc này, mỗi thứ đều có vị trí của nó, mỗi người đều đi theo con đường của mình, không động chạm với ai. Tôi muốn kéo dài thời khắc này, cái thời khắc của không gian lạnh lẽo mà thanh bình và ánh sáng xanh xao.

Khởi đầu một ngày dường như mở ra những ranh giới của thời gian. Không điều gì phá vỡ sự tĩnh lặng, không điều gì lừa mị và không điều gì làm cho ta lóa mắt. Tôi những muốn giữ thật lâu cho mình sự trong trẻo, nhẹ tênh này, sống chẳng cần tên, chẳng cần cá tính, chẳng cần mục đích, hệt như tôi đến chỗ hẹn sớm và không có gì để làm ngoài việc phải đợi, kiên nhẫn và lâu, đến nỗi suýt nữa thì quên mình đang đợi cái gì. Tôi những muốn sống trong sự soi rọi này nhưng không phá vỡ sự gần gụi giữa trời và biển. Dường như tôi không bao giờ phải nghĩ lại, phải biết, dường như không còn gì nghiêm túc có thể xảy ra.

Sau một đêm người ta đã biết thành những con thú nhỏ, những con côn trùng, chúng lấp lánh và nhảy những bước nhỏ xíu. Xung quanh chúng chẳng có gì ngoài những cọng cỏ, bầu trời trong sáng và những hạt nước lóng lánh.

Sau đó sớm mai nhẹ gót rời bước, lướt đi và tan biến. Lại xuất hiện những cái tên, những nghề nghiệp, những gương mặt, những lời nói, những nghĩ suy, tất cả những cạm bẫy của chúng ta. Ánh sáng trở nên gay gắt, không khí nặng dần. Khói tích tụ trên đầu thành phố, bao phủ bầu trời. Tất cả chấm dứt. Chúng ta bị mất nhau. Không khí không còn trong trẻo nữa, biển già đi.

Trên trái đất này có chỗ nào mãi luôn là buổi sáng không?

(còn nữa)

Tranh: Sáng sớm đi dạo của Debbie Neil

TRỞ LẠI VỚI "ĐỨNG TRƯỚC MỘT QUYẾT ĐỊNH"



Chào anh VMC và những bạn đọc của blog này.

Hai tuần đã trôi qua kể từ khi em gửi tâm sự của em nhờ anh VMC đăng hộ trên blog của anh để xin ý kiến của mọi người. Em vẫn nhớ như in cái cảm giác hồi hộp khi gửi thư đi. Phần vì ngại rằng anh VMC sẽ không đăng chuyện vớ vấn của em, phần vì không rõ thái độ mọi người sẽ ra sao, có chê cười, hay quy em "tội" hám giàu sang lấy chồng ngoại quốc hay không.

Nhưng em thật vui vì anh VMC đã cho đăng bức thư của em (em viết lộn xộn, anh VMC đã sửa lại, chứ em không viết được như thế đâu ạ). Và em cảm động khi mọi người đã hồi âm rất nhanh, mặc dù không biết em là ai, nhưng ai cũng đều chân thành cho em những lời khuyên bổ ích.

Đọc một trong những comment đầu tiên của bạn Nguyễn Xuân Thủy, em đã trào nước mắt. Đúng là phía trước em đang là một ngã ba, và em hy vọng sẽ may mắn chọn được con đường tốt lành.

Em đã vững tâm hơn sau khi nhận được những lời khuyên bổ ích từ mọi người và cũng đã có quyết định của riêng mình.

Em đã trao đổi với Anthony và mời anh ấy sang Việt Nam, một mặt là để tìm hiểu kỹ hơn, mặt khác là để anh ấy làm quen với những người thân trong gia đình em. Anh ấy đã đồng ý và cuối năm nay sẽ sang.

Về việc của con trai em, thì Anthony nói anh ấy sẽ bảo lãnh để cả hai mẹ con em cùng sang Úc, nhưng hiện nay con trai em chưa đồng ý. Cháu nói mẹ cứ đi trước, cháu muốn ở lại học xong lớp 10 và nếu thuận lợi thì năm tới sẽ sang.

Việc với gia đình nhà chồng, thì em đã nguôi ngoai từ lâu rồi. Ngay từ khi con em bắt đầu đi học lớp 1, em đã tự nhủ là không kiện cáo gì hết. Em biết rằng đến khi lớn, cháu cũng sẽ tìm về cội nguồn. Và em không muốn thấy cảnh cháu có thái độ ghẻ lạnh những người có cùng huyết thống.

Em vẫn tiếp tục đi học tiếng Anh, học nghề và đọc thêm sách báo về Úc để có được một chút khái niệm về văn hóa của đất nước đó.

Anthony hiện đang sống tại một thành phố chuyên trồng mía và sản xuất đường ở bang Queensland. Em đang đọc "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" để hình dung ra công việc ở xứ đó. Nhưng anh VMC cười và bảo nước Úc hiện đại khác xa cái thời mô tả trong cuốn sách ấy.

Một lần nữa qua blog của anh VMC, em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả mọi người đã gửi lời khuyên cho em. Xin cảm ơn tình cảm ấm áp mà mọi người dành cho em.

Chúc anh VMC và mọi người may mắn, sức khỏe và hạnh phúc.

Tái bút:
Gửi chị Lu: Em không phải là người phụ nữ trong tấm hình anh VMC đăng kèm trong entry trước đâu ạ.

Đọc lại bài trước:
ĐỨNG TRƯỚC MỘT QUYẾT ĐỊNH

12/10/08

"NGƯỜI ĐÀN BÀ MẮT ÁNH LÊN NỖI BUỒN"!!!



Sáng thứ Bảy, tình cờ gặp chị ở một quán cà phê ngoài trời. Chị vẫy: "Ông lại đây ngồi cho vui".

Người phụ nữ đình đám với những vai diễn cá tính trong dòng phim nghệ thuật cách đây 2 thập niên giờ vẫn còn rất đẹp. Trang phục giản dị, trang điểm nhẹ nhàng, chị trông thật nền nã và sang trọng.

Ngấp một ngụm cà phê, chị nói: "Này, báo chí các ông dạo này có một số nhà báo thật không còn biết xếp vào loại nào!"

Tôi hỏi: "Sao, có ai đó chê các vai diễn của chị, hay thọc mạch chuyện đời tư à?"

- Không chê, - chị chép miệng. - Lâu nay mình có đóng phim nào nữa đâu mà chê. Đời tư của mình thì có gì bê bối đâu mà thọc mạch. Nhưng cái vụ này khiến mình có cảm giác còn tệ hơn thế, hmm, thật đúng là không còn biết nói thế nào!

Tôi cười: "Chị mới nói có hai câu, mà câu trước thì "không biết xếp vào loại nào", câu sau thì "không còn biết nói thế nào"... Tóm lại là...

Chị cướp lời tôi: "Tóm lại là... lởm khởm. Cái từ dân dã ấy có khi là đúng nhất. Đây để mình kể đầu đuôi cho ông nghe"...

... Một cô phóng viên ở báo X, chuyên viết chân dung các văn nghệ sĩ. Bài của cô dài lắm, chắc ông cũng đọc rồi, thường đăng nguyên cả một trang. Cô ấy có gọi điện cho mình vài lần, đề nghị gặp để phỏng vấn. Thú thực là mình giải nghệ lâu rồi, thỉnh thoảng đóng vài ba cái phim truyền hình, có gì đâu để mà nói.

Mình ý thức được chuyện này lắm. Nghệ sĩ đã lui vào hậu trường thì tốt nhất là không nên nói năng, phát ngôn gì. Nói hay thì người ta bảo ôi dào, ai chẳng biết bà từng là sao, có nói được gì mới đâu cơ chứ. Nói dở thì người ta dè bỉu chê bai, con mẹ này giờ già rồi, xấu rồi còn loi choi lên báo làm gì!

Đó là chưa kể bây giờ có những nhà báo trích dẫn không đầy đủ, rồi bóp méo những gì mình nói, khiến đồng nghiệp, bạn bè, gia đình hiểu lầm. Thế nên mình kiên quyết từ chối trả lời phỏng vấn. Nhưng một hôm cô ấy lại gọi điện, không đặt vấn đề phỏng vấn nữa, mà nói cho em qua thăm chị một chút.

Người ta đã nói đến thế, xin qua thăm mình, chẳng nhẽ lại từ chối nữa thì cũng không phải, có khi lại mang tiếng là kiêu căng. Thế nên mình đồng ý. Nhưng mình cũng giữ ý, hẹn cô ấy ở quán cà phê đầu ngõ.

Cô ấy chậm mươi phút nên khi cô ấy đến thì mình đã ngồi ở đó rồi. Mình tiếp cô ấy thì cũng vui vẻ như tiếp mọi người. Mình nhắc là chị không trả lời phỏng vấn đâu, chị nói chuyện với em như bạn bè thôi. Em cũng đừng viết gì về chị cả. Cô ấy đồng ý.

Chuyện trò một lúc thì cô ấy nói: "Ánh sáng ở đây đẹp quá, chị cho em chụp tấm hình làm kỷ niệm nhé". Mình lại nói: "Chụp chơi thì được, chụp đăng báo thì đừng, vì hôm chị không chuẩn bị". Cô ấy nói: "Không, em chụp chơi thôi, với lại chị đừng lo, chị trông đẹp lắm".

Cô ấy chụp, rồi mình và cô ấy lại tiếp tục nói chuyện. Cô ấy hỏi một số câu về các vai diễn của mình, về cuộc sống của mình hiện tại và cảm tưởng về một vài bộ phim Việt Nam gần đây. Mình cũng dè dặt, vì một phần là những chuyện quá cũ, còn về điện ảnh thời gian này thì quả thực mình không muốn đụng chạm đến các bạn đang làm nghề.

Nói chuyện đâu chừng 45 phút thì chia tay. Mình nhắc đi nhắc lại cô ta là không nên viết gì về chị hết, cô ta hứa là sẽ không viết gì cả.

Thế rồi cách đây mươi hôm, buổi sáng mình vừa ngủ dậy thì thấy loa bán báo dạo ông ổng ngoài cổng: "Nghệ sĩ ưu tú XYZ - người đàn bà cô đơn trong nỗi ám ảnh". Mình nghe hoảng quá, tức tốc chạy ra mua một tờ.

Mình không còn tin vào mắt mình, đúng tờ báo đấy, đúng cô phóng viên ấy, bài viết về mình dài đúng 1 trang, đăng trên đúng cái trang mà các đồng nghiệp của mình đã từng bị "lên thớt". Tấm hình chụp mình trong quán càphê trông rất chán đời nằm chềnh ềnh giữa trang.


Cô ấy cóp nhặt thông tin từ các bài báo cũ về mình, về các bộ phim mình đã đóng rồi kèm theo những suy diễn của cô ấy gán cho mình. Đại loại như thế này: "Chị ngồi một mình trong quán càphê vắng từ sáng sớm".

Cha mẹ ơi, mình hẹn cô ta đến quán càphê để nói chuyện với cô ta, lịch thì cô ta đặt, thế mà hóa ra là "mình ngồi một mình, quán càphê thì vắng, không những thế lại còn từ sáng sớm nữa". Cái loại đàn bà gì mà ra quán cà phê một mình từ sáng sớm nhỉ?


Rồi cô ấy lại viết: "Nói chuyện với tôi, mắt chị ánh lên nỗi buồn sâu thẳm. Ánh mắt ấy đầy trăn trở về nghiệp diễn mà chị theo đuổi". Cái này thì cô ta phịa tạc một trăm phần trăm. Xin lỗi ông là lúc đấy tôi chửi đổng một câu: "TSB nhà nó, bà có buồn đếch đâu!".

Cuộc sống của mình hiện tại có thiếu thốn gì đâu. Con cái lớn hết. Tuy sống một mình, nhưng mà vui, thấy thanh thản lắm. Còn nghề thì nói thực là thử hỏi ai có được số lượng vai diễn đáng nể như tôi. Giải thưởng thì nhiều người trông thấy phải ghen tị! Thầy già, con hát trẻ. Nghệ sĩ có thời của nó. Giờ già rồi, xa màn ảnh là chuyện đương nhiên. Có gì nữa đâu mà trăn trở!.

Rõ ràng là cô ta cũng chẳng chê, cũng chẳng tọc mạch gì. Nhưng cái trò cóp nhặt, suy diễn và đặc biệt thái độ không tôn trọng lời hứa của cô ta làm cho mình bực. Vì mình không phải là con người như thế, không còn ham hố gì nữa. Chỉ mong được sống thảnh thơi thôi. Hình ảnh mình mà cô ta vẽ ra trong bài thật lố bịch, khiến mình cảm thấy ngượng.

Mình đem chuyện tâm sự với một nữ nghệ sĩ khác. Chị ấy bảo: "Thôi mày thế là may. Hôm gặp nó, tao bị đau lưng, không ngồi thẳng được. Nó viết lên báo mô tả tao là: "Chị ngồi như một dấu chấm hỏi giữa cuộc đời đấy"!!!

Ảnh: Corbis

10/10/08

DỊCH DỌT - 9 NGƯỜI 10 Ý



Thông báo của Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn học 2008 cho nhà văn Pháp Jean-Marie Gustave Le Clezio như sau (nguyên văn tiếng Anh): "author of new departures, poetic adventure and sensual ecstasy, explorer of a humanity beyond and below the reigning civilization".

Thử xem các báo Việt Nam dịch câu trên như thế nào:

Lao Động: "Tác giả của những chuyến phiêu lưu mới, những cuộc thám hiểm đầy thi vị và hứng khởi đam mê nhục cảm, người khai phá một nhân loại bên ngoài và bên dưới nền văn minh đang thống trị".

Thanh Niên: "Tác giả của những chuyến hành trình, cuộc phiêu lưu của thơ ca cộng với hứng khởi nhục cảm, người khai phá nhân loại từ bên ngoài và bên dưới của nền văn minh đang thống trị loài người".

Tiền Phong: “Tác giả của những sự khởi hành mới, những khám phá thi vị và niềm đam mê đầy cảm xúc; người khai phá nhân loại vượt ra cả bên ngoài và ẩn sâu trong nền văn minh đang ngự trị”.

Nhân Dân: “Tiểu thuyết gia của những cuộc khởi hành mới, những cuộc phiêu lưu đầy chất thơ và cảm xúc, người khám phá vượt ra ngoài khuôn khổ nền văn minh đương đại”.

VNExpress: "Tác giả của những điểm xuất phát mới, của cuộc phiêu lưu đầy chất thơ và những trạng thái xuất thần của cảm xúc; người khám phá một nhân loại nằm ẩn sâu và bên ngoài nền văn minh đang ngự trị".

VietnamNet: "Tác giả của những điểm xuất phát mới, của những cuộc phiêu lưu đậm chất thơ ca và trạng thái xuất thần của cảm xúc, người khám phá tính nhân bản nằm ẩn sâu và vượt ra khỏi nền văn minh đang ngự trị".

VN Media: "Tác giả của những cuộc hành trình mới, những cuộc phiêu lưu đầy chất thơ và là nhà thám hiểm nhân loại bên ngoài và bên dưới sự ngự trị của nền văn minh".

Đất Việt: “Tác giả của những sự khởi đầu mới, của cuộc phiêu lưu đầy chất thơ, của đam mê thể xác, và là người khai phá nền văn minh đang ngự trị của nhân loại”.

Sài Gòn Tiếp thị: "Người tạo ra những dòng văn học mới, những cuộc phiêu lưu đầy chất thơ và những xuất thần khoái cảm, người khám phá tính nhân văn ngoài phạm vi hay ẩn sâu trong nền văn minh đương đại".

Pháp luật TP HCM: “Nhà văn của những hướng đi mới, của những cuộc phiêu lưu thi vị và của sự mê ly nhục cảm, người khám phá một nhân loại ở bên ngoài và bên dưới nền văn minh đang thống trị”.

Tóm lại cụm từ độc đáo "sensual ecstasy" đã được dịch ra tiếng Việt như sau: hứng khởi đam mê nhục cảm, hứng khởi nhục cảm, niềm đam mê đầy cảm xúc, cảm xúc, trạng thái xuất thần của cảm xúc, đam mê thể xác, xuất thần khoái cảm, mê ly nhục cảm.

Riêng bạn VNMedia tách riêng cụm từ này đưa nó lên lead (chapeau) như sau: "những sự thăng hoa xác thịt nhưng đầy nên thơ".

Thấy tiếng Việt mình phong phú chưa?

Bạn có đóng góp thêm phương án nào thì viết trong comment nhé.

Tranh của Corbis

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết