24/4/08

ĐẶNG THÁI SƠN VÀ ĐIỀU ÍT BIẾT VỀ CUỘC THI CHOPIN 1980


1958 là năm sản sinh nhiều nghệ sĩ độc tấu piano đẳng cấp thế giới. Đó là Đặng Thái Sơn (Việt Nam), Ivo Pogorelich (Nam Tư cũ, Croatia), Yefim Bronfmann (Nga gốc Do Thái), Angela Hewitt (Canada).

Trong số đó Đặng Thái Sơn và Pogorelich có nhiều điểm chung và có duyên nợ với nhau.

Cả hai đều học chơi piano từ năm lên 7 tuổi. Đến năm 12 tuổi, Pogorelich được đưa đến Nga để học tại Trường nhạc trung ương ở Moskva với thầy Evgeni Timakin. Đặng Thái Sơn thì muộn hơn. Mãi đến năm 1974, tức là ở tuổi 16, Đặng Thái Sơn mới được nhạc sĩ dương cầm Isaac Katz (người Nga gốc Do Thái) phát hiện ra ở Hà Nội và 2 năm sau anh mới được đưa đến học tại Nhạc viện Quốc gia Tchaikovky danh tiếng ở Moskva.

Tại Nhạc viện Moskva, Pogorelich thụ học với Aliza Kezeradze, nữ nhạc sĩ dương cầm gốc Gruzia, còn Đặng Thái Sơn thì học dưới sự hướng dẫn của hai giáo sư Vladimir NatansonDmitry Bashkirov.

Thừa hưởng trường phái giáo dục âm nhạc đỉnh cao của Liên Xô (cũ), cả hai đã trở thành những học trò xuất sắc và đều được chọn đi tham dự cuộc thi piano quốc tế danh tiếng Chopin (International Frederick Chopin Piano Competition) tại Ba Lan năm 1980.

Pogorelich chơi Chopin có phần ngẫu hứng và phóng túng, đề cao cái tôi của mình. Trong khi Đặng Thái Sơn lại trung thành một cách nghiệt ngã với sáng tạo của Chopin và đưa bản ngã của mình vào nhạc Chopin một cách kín đáo.

Thật bất ngờ Pogorelich đã không lọt được vào vòng hai của cuộc thi, còn Đặng Thái Sơn thì tiến sâu vào trong và kết cục đoạt giải Nhất của cuộc thi. Anh là người Châu Á đầu tiên đoạt giải tại cuộc thi piano thuộc loại uy tín nhất thế giới.

Việc Pogorelich bị loại từ vòng ba đã trở thành scandal của cuộc thi năm đó, khiến nữ giám khảo Martha Argerich người Argentina đã từ bỏ cuộc thi để phản đối.

Nhưng dù thế nào thì đông đảo dư luận vẫn công nhận rằng, giải Nhất thuộc về tay Đặng Thái Sơn là xứng đáng. Đây là cuộc thi chơi nhạc Chopin, chứ không phải cuộc thi tìm ra nghệ sĩ dương cầm chơi ngẫu hứng nhất.

Những video clip phần dự thi của Đặng Thái Sơn năm đó mới đây được post lên Youtube, và đã nổ ra cuộc tranh luận khá sôi nổi giữa fan của hai người.


Dang Thai Son - Chopin Scherzo No. 2, Op. 31


Dang Thai Son - Chopin Nocturne in E, Op.62-2


Pogorelich - Chopin Scherzo No. 3, Op. 39

Fan của Pogorelich viết:

- Tôi có bằng chứng Ivo chơi hay hơn và thơ hơn ĐTS gấp 100 lần. Các hệ thống thi tài là một ngành công nghiệp và chẳng có quái gì chung với nghệ thuật cả. Ban giám khảo đã loại bỏ Ivo một cách không thương tiếc và đó là một trong những ví dụ cho thấy rất nhiều cuộc thi là vô dụng hoặc nguy hiểm đối với âm nhạc. Thật tốt khi tạo ra một khẩu vị thường thường bậc trung, công nghiệp chính thống, một thứ thuốc độc đối với tự do và thơ ca. Tôi không ngưỡng mộ một ai (ngoại trừ Bunin) trong số những người đã chiến thắng tại cuộc thi Chopin. Khúc khải hoàn được quảng cáo của thứ khẩu vị đó, mafia nghệ thuật... tràn lan ở các cuộc thi.

Fan của Đặng Thái Sơn viết:

Tôi tôn trọng ý kiến của bạn, tôi tôn trọng cách bạn nhìn nhận nhưng tôi không đồng ý với bạn. Đặng Thái Sơn chơi cũng rất hay, rất thơ. Và nếu có ai đó không thích Đặng Thái Sơn, thì đó chỉ liên quan đến sở thích chứ không liên quan đến chất lượng của Đặng Thái Sơn trên tư cách là một nghệ sĩ và người độc tấu dương cầm.

Một fan trung lập:

Đây là một con người huyền thoại trong âm nhạc Chopin. Giờ đây anh ấy cũng là giám khảo trong những cuộc thi piano thế giới. Tôi đồng ý là ở một điểm nào đó Pogorelich có tốt hơn Đặng Thái Sơn chút xíu. Nhưng nhìn chung Đặng Thái Sơn hay hơn.

Một fan khác:

Pogorelich không phải là pianist không hay, nhưng không hay như Đặng Thái Sơn. Đó hoàn toàn là một kiểu chơi khác. Nếu Pogorelich chiến thắng năm đó, thì đâu là mục tiêu chính của cuộc thi Chopin? Ai có thể chơi Chopin theo một cách khác, chứ không phải cách ít nhiều gần gụi với Chopin?

Một người ủng hộ ĐTS:

Đây chính là cách mà Chopin được trình tấu. Đặng Thái Sơn thực sự gây được xúc động bởi thiên tư của anh đối với nhạc sĩ. Đây là người chiến thắng thực sự và có giá trị của cuộc thi uy tín nhất.

Một người khác:

Điều đó chứng tỏ rằng âm nhạc là ngôn ngữ toàn cầu và tất cả những ai khăng khăng cho rằng người Châu Á không biết chơi nhạc cổ điển phương Tây là vô cùng sai lầm.

Đôi điều về Ivo Pogorelich: Cũng trong năm 1980, Ivo kết hôn cùng cô giáo của mình với sự chênh lệch 20 năm tuổi tác. Họ sống với nhau cho đến khi bà qua đời vì bệnh ung thư năm 1996. Từ đó đến nay, Ivo Pogorelich khá im hơi lặng tiếng.

Nguồn: Wikipedia, Youtube.

23/4/08

HÀ NỘI CHIỀU MƯA



Chiều hôm qua, Hà Nội mưa.

Đầu giờ chiều còn mưa lây phây, rả rích, có vẻ thơ mộng. Đến 3 giờ thì bắt đầu nặng hạt.

Một nữ đồng nghiệp trưng lên blast: "Mưa rửa đền Hùng, năm nào sau lễ hội cũng vậy".

Hà Nội xa đền Hùng, thôi thì mưa rửa đường, rửa cây, rửa xe, tốt chán.

Nhưng đúng vào giờ tan tầm thì mưa như trút nước và các đường phố Hà Nội bắt đầu ngập. Chẳng còn thấy "Em ơi, Hà Nội phố!" đâu nữa.

Và lát sau vấn nạn của Hà Nội đã xảy ra. Mưa thì ngớt, nhưng đường thì tắc. Những con phố ngập sâu tới nửa mét trở thành thiên la địa võng không cho người đi xe đạp, người đi xe máy, người đi ôtô thoát khỏi.

Tất cả ken vào nhau dày đặc, mạnh ai nấy đi, mỗi người một hướng không theo luồng nào. Tất cả các loại phương tiện tráo trở đầu đuôi, kề vai sát cánh cùng tắc.

Một anh đưa con đến bệnh viện, nhìn thấy cái bệnh viện ở bên kia đường mà không biết làm cách nào để vào được bệnh viện. Chị vợ đành bế con len lỏi sang, còn anh thì đứng chôn chân cùng xe máy ở bên này.

Một cô đi lên sân bay để bay đi nước ngoài hốt hoảng sợ nhỡ giờ bay. Cô bỏ cả xe taxi, chuyển sang 2 chiếc xe ôm cho cơ động, vừa đi vừa sợ xe chở vali bị lạc, mất đồ.

Suốt từ 5 giờ đến 8 giờ tối các đường phố mới được giải thoát. Không biết có sản phụ nào đẻ rơi trong vụ tắc đường chiều qua không?

Đường có lẽ không tắc nghẽn như thế nếu như ý thức của người tham gia giao thông tốt hơn. Ai cũng giành đường để vượt lên. Chẳng ai chịu nhường ai, nên tất cả mới tự nhồi nhét chật cứng trong cái gọi là đường.

Hệ thống cống ở Hà Nội nghe nói chịu được mưa 100mm. Cơn mưa hôm qua chỉ giao động trong khoảng từ 50-65mm, nhưng đường phố vẫn ngập. Điều đó chứng tỏ hoặc hệ thống cống không đạt chuẩn, hoặc bị tắc, nước không thoát được.

Mặc dù nguyên nhân sâu xa của mưa lớn gây ngập tắc đường là hệ thống cống có vấn đề. Song nếu người đi đường cứ từ từ mà tiến, đừng có tranh cướp đường của nhau thì chắc là không tắc lâu đến như vậy.

Hà Nội đã đến lúc phải sắm mấy chiếc máy bay trực thăng để chở bệnh nhân, sản phụ đến bệnh viện.

Ảnh: Báo Lao Động

22/4/08

PHÁT ĐIÊN VÌ... NHÀ THÔNG MINH



Công ty bạn tôi hân hoan chuyển về trụ sở mới. Đó là một tòa nhà cao tầng hiện đại được bọc bằng kim loại và kính, tùy thời tiết và ánh sáng mặt trời mà có ánh bạc năng động trẻ trung hoặc ghi xám quyền lực.

Tuần đầu tiên làm việc ở trụ sở mới, bạn tôi rất sung sướng và hãnh diện. Không gian làm việc yên tĩnh, chuyên nghiệp; không khí trong sạch dịu mát không phải nghe tiếng ro ro của máy lạnh; Internet nhanh như tốc độ ánh sáng.

Thậm chí cái toilet cũng thơm phức. Đứng tè được thấy cái view cả thành phố đẹp đẽ hoành tráng.

Tóm lại là mọi thứ ngăn nắp, quy củ, sạch sẽ. Bạn tôi ca ngợi: "Đúng là tòa nhà thông minh, làm việc trong điều kiện thế này rất kích thích đầu óc sáng tạo".

Xin nói thêm một chút về tòa nhà thông minh. Sếp tổng của bạn là dân khoa học ứng dụng, rất thích công nghệ cao. Sau mỗi chuyến đi nước ngoài, ông luôn đem về những quan điểm rất mới và áp dụng ngay những kinh nghiệm mới học được vào công tác quản lý.

Smart office building là kế hoạch ấp ủ từ lâu của sếp tổng và nay khi nó được hoàn thành, khỏi nói ông tự hào như thế nào.

Sau tuần trăng mật kéo dài chừng ba tháng, bạn tôi bắt đầu than thở về cái sự thông minh của tòa nhà. Nó thông minh đến mức ai cũng khó chịu.

Thẻ từ

Mỗi người làm việc ở ngôi nhà được cấp một thẻ từ (ID pass). Phải sử dụng thẻ này thì mới ra vào được ngôi nhà. Không những thế, thẻ còn là công cụ giúp sếp giám sát thời gian làm việc của nhân viên. Mọi lần ra vào tòa nhà của nhân viên đều được ghi lại, và sếp có thể biết rất rõ tổng số thời gian mà nhân viên có mặt trong tòa nhà.

Đi ngang về tắt, đi muộn về sớm giờ đây trở nên vô cùng khó khăn. Công đoàn cũng không cần chấm công nữa. Khai khống làm thêm làm nếm để thăn tiền của công ty trở thành chuyện không tưởng.

Thế là xuất hiện tình trạng người này nhờ người kia quẹt thẻ hộ vào mỗi sáng. Phát hiện ra sự tinh ranh đó, sếp cho lắp cái camera ở chỗ quẹt thẻ. Mọi người đành bó tay.

Hệ thống điều hòa trung tâm

Công ty chuyển đến tòa nhà thông minh vào mùa xuân, trời lạnh, nên mọi người ai cũng dễ chịu. Chớm hè được vài hôm, ai cũng kêu oai oái. Số là vào đúng cái hôm trời nóng đầu mùa, nhiệt độ lên đến hơn 30 độ, đến 5.30 chiều mọi người phát hiện ra là hệ thống điều hòa tự động ngắt. Mồ hôi mồ kê túa ra như trong sauna.

Gọi điện hỏi kỹ thuật, thì được biết, hệ thống điều hòa trung tâm được set up tự động tắt vào lúc 17.30. Không ai có thể thay đổi được. Đã quá giờ làm việc 30 phút, mọi người nên rời khỏi nơi làm việc.

Thế là lục tục đi về, trong lòng đầy hậm hực, công việc chưa xong mà chẳng nhẽ ở lại trong cái lò nóng như rang này.

Sáng thứ Bảy, định trốn vợ con lên công ty ngồi chơi, lướt nét, thì phát hiện ra hệ thống điều hòa cũng không vận hành. Thôi, đành phải về cho vợ con hành hạ vậy. Chấm dứt chuỗi ngày sung sướng.

Nhà vệ sinh cảm ứng

Toilet ở đây tiết kiệm được cho mọi người công đoạn... xả nước. Mỗi bệ xí đều có gắn cảm ứng để dội lượng nước vừa đủ sạch bồn cầu, tránh tình trạng ai thích nhấn thế nào thì nhấn gây lãng phí nước - nguồn tài nguyên quan trọng số 1 đang có nguy cơ cạn kiện.

Nhưng than ôi, cái cảm ứng ấy lại bủn xỉn quá. Nhiều khi nó rỉ ra một lượng nước ít ỏi không trôi tuột được hết các thứ trong bồn cầu. Muốn nó trôi sạch, thì chẳng có cách nào khác là lại phải ngồi xuống, để cho nó cảm nhận và rồi lại đứng lên. Khi đó nó lại nhả ra thêm một lượng nước nữa, may ra mới cuốn được hết các thứ.

Thế là cái cảm ứng không những không tiết kiệm được nước mà còn khiến người ta phải lãng phí thêm thời gian ngồi trong một không gian không được thanh khiết cho lắm.

Đó là 3 chuyện bực mình nhất. Bạn tôi còn kể nhiều "tội" nữa của tòa nhà thông minh này.

Có ai làm trong những tòa nhà tương tự thì góp chuyện vào comment nhé.


19/4/08

LOẠN LỄ HỘI



Báo Đấu thầu của Bộ Kế hoạch Đầu tư số ra ngày 18.4 dẫn nguồn Cục Văn hoá Thông tin cơ sở (Bộ Văn-Thể-Du) cho biết cả nước hiện có 8.902 lễ hội, trong đó có 7.005 lễ hội dân gian truyền thống, 1.399 lễ hội tôn giáo, 409 lễ hội lịch sử cách mạng và 25 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam.

Như vậy nếu đem chia có 365 ngày thì tính trung bình mỗi ngày ở đất nước chúng ta có 24.839, làm tròn số là 25 lễ hội. Nghe con số mà giật mình, sao lại lắm hội hè đình đám thế? Thời gian đâu mà làm ăn, nghỉ ngơi nữa?

Thế vẫn chưa hãi. Cũng theo tờ báo trên, thì có tỉnh mỗi năm tổ chức hơn 10 lễ hội lớn với số tiền chi phí cho mỗi lễ hội khoảng 2-3 tỉ đồng. Bỏ rẻ ra tỉnh này mỗi năm tốn khoảng 25 tỉ đồng vào ăn chơi nhảy múa.

Bắc Ninh chẳng hạn, một tỉnh nhỏ bé ở Bắc Bộ có đến 7 tháng trong năm có lễ hội. Có lễ hội kéo dài đến 20 ngày. Tỉnh này đã phải dành riêng một khoản ngân sách trị giá 30 tỉ đồng cho việc tổ chức các lễ hội. Đó là chia kể khoản ngân sách của nhà nước chi cho một số lễ hội diễn ra tại tỉnh này.

Thực ra cuộc sống không có lễ hội thì rất buồn. Nhưng nếu lễ hội nhiều như nấm sau mưa thế này thì cũng chẳng có gì là hay ho gì, nhiều lễ hội chỉ là dịp tiêu tiền vô ích.

Ở Bắc Bộ cho đến tận giờ vẫn còn lưu giữ một nét đẹp truyền thống "con gà hơn nhau tiếng gáy". Hội làng này dứt khoát phải hơn hội làng kia, hội của huyện này chắc chắn phải hoành tráng hơn hội của huyện khác. Điều này đã khiến cho các làng, các xã, các huyện thi nhau bỏ tiền để dứt khoát làm cho hội sau phải hơn hội trước, tạo nên "cuộc chạy đua vũ trang" rất ngoạn mục.

Lễ hội ở các địa phương thường nhằm mục đích lưu giữ những nét đẹp văn hoá truyền thống, các giá trị dân tộc đặc sắc. Nhưng trên thực tế, vì chạy đua, nên "hương đồng gió nội" đã bị bay đi rất nhiều. Đến Hội Lim chẳng hạn, sẽ chẳng thấy liền anh liền chị hát giao duyên, mà là các diễn viên của đoàn nghệ thuật quan hộ Bắc Ninh.

Nhiều lễ hội ngày một nhuốm màu mê tín dị đoan, các hoạt động văn hoá nghệ thuật bị sân khấu hoá với trang phục kim tuyến loè loẹt không còn thấy màu sắc dân gian đâu nữa.

Mấy năm gần đây còn có mốt các tỉnh đua nhau làm lễ hội du lịch. Nào lễ hội du lịch Hạ Long, nào lễ hội du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long, nào lễ hội du lịch biển Vũng Tầu, nào lễ hội về nguồn Phú Thọ, nào lễ hội du lịch Sapa. Lễ hội nào cũng có đêm khai mạc tưng bừng được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia.

Nhưng than ôi, dường như đêm khai mạc nào cũng giống nhau. Cũng những màn ca múa mở đất khai khẩn, đấu tranh với thiên nhiên và giặc ngoại xâm và cuối cùng là khúc khải hoàn của tinh thần hoà bình, yêu lao động.

Chẳng có mấy điểm khác biệt giữa lễ hội này với lễ hội kia. Có chăng nếu là lễ hội vùng biển thì thấy có mô hình thuyền bè, lưới đánh cá. Nếu là lễ hội vùng núi phía bắc thì có thêm khèn và ô. Lễ hội Ninh Bình mới đây thấy có màn múa với bông lau. Nếu thay bông lau bằng bông lúa thì sẽ ra lễ hội Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đêm khai mạc tiền chục tỉ cứ nhàn nhạt và chán như thế. Cũng dễ hiểu thôi, đội ngũ đạo diễn lễ hội quanh đi quẩn lại chừng 5-7 gương mặt, làm đi làm lại thì cũng hết chiêu. Hơn nữa chính quyền các địa phương cũng không thể bỏ thủ tục điểm lại lịch sử hào hùng của địa phương mình. Nên các kịch bản lễ hội cứ thế mà quay vòng.

Có đạo diễn nào mạnh dạn nghĩ ra chi tiết độc đáo thì cũng không có phương tiện kỹ thuật để thực hiện. Còn nhớ một lễ hội ở thủ đô có màn bắn máy bay B52 (mô hình bằng giấy) trông rất phản cảm.

Nói chung hiệu quả của các lễ hội không cao. Các buổi khai mạc đình đám được truyền hình trực tiếp không phải là thỏi nam châm khiến cho các tỉnh hút được thêm du khách. Giả xử du khách có đến thì cũng thất vọng vì hạ tầng du lịch, dịch vụ và sản phẩm du lịch cũng chẳng được nâng cấp bao nhiêu. Đi lễ hội nhiều khi mua bực mình vào người.

Tóm lại là nên bỏ bớt lễ hội, tốn tiền một cách vô lý!

Ảnh: Lễ hội Hoa Lư từ website Du lịch Ninh Bình.

18/4/08

LANG ĐẦM... XIN RÚT KINH NGHIỆM



Sau khi "sự cố" bánh dày giỗ Quốc tổ bị phát hiện độn mút xốp, nhân dân ai biết chuyện cũng bất bình. Người ta còn bẽ bàng hơn khi vỡ lẽ rằng đây không phải năm đầu tiên Lang Đầm dâng lễ vật dởm.

Năm ngoái, kịch bản "bánh dày đệm mút" đã được trình diễn mà không ai phát hiện ra. Năm nay, vì ham kỷ lục và muốn bánh của mình bự hơn, nên Lang Đầm chẳng những áp dụng lại chiêu cũ, mà còn gia tăng kích cỡ dụng cụ (tức mút xốp) để bắt mắt thiên hạ.

Vi-eo-ếch-rét dẫn tường trình của Lang Đầm cho hay, kỹ thuật làm bánh dầy khổng lồ bắt buộc phải có khung mút xốp bên trong. Việc sử dụng mút xốp nhằm tạo hình dáng ban đầu, sau đó đắp bột nếp lên xung quanh để tạo hình bánh. Rằng kỹ thuật khó như vậy, nhưng Lang Đầm vẫn quyết tâm làm bánh dầy khổng lồ cao 1,8 m, vì đó là con số tượng trưng cho 18 đời vua Hùng.

Nghe được câu này chắc 18 vị Vua Hùng buồn lắm. Không lẽ cứ phải vì tượng trưng đủ cả cho 18 vị, mà con cháu phải gian dối?

Lang Đầm còn lý luận: "Kích cỡ và số lượng nếp của hai chiếc bánh bắt buộc phải lớn, để thể hiện tinh thần tôn vinh truyền thống ngày giỗ Quốc Tổ" và thanh minh rằng Lang Đầm không nhằm khai thác lễ vật này để quảng bá thương hiệu.

Chịu khó nhặt nhạnh những tấm hình chụp "bánh chưng, bánh dày" dâng Giỗ tổ, thì thấy logo của Lang Đầm chăng đầy khắp nơi. Cái cần cẩu nâng bánh chưng (ảnh trên) cũng dính 2 cái logo, rồi cái bánh dày trong ảnh ở entry dưới đây cũng thấy có logo của Lang Đầm. Nơi đâu cũng thấy phóng viên bấm máy ảnh rào rào. Chẳng lẽ đó không phải là quảng bá thương hiệu?

Nhưng có quảng bá thương hiệu hay không thì cũng muộn rồi. Bây giờ bàn dân thiên hạ ai cũng biết Lang Đầm gian dối, thậm chí gian dối trong cả lễ hội cúng tổ tiên. Thế này thì còn xin rút kinh nghiệm làm gì?

Ảnh: TTXVN

16/4/08

SỰ TÍCH CHIẾC BÁNH DÀY KHÔNG DẦY



Ngày xửa ngày xưa, không rõ đời Vua Hùng thứ bao nhiêu, đất nước đã mở mang bờ cõi, người dân sống thanh bình, sung túc, thương gia nhiều không biết bao nhiêu mà kể.

Đúng vào ngày giỗ tổ, Hùng vương có bố cáo cho con dân biết sẽ mở hội và mong con cháu ở khắp nơi trên hoàn cầu hành hương hoặc hướng về quê cha đất tổ làm lễ tạ ơn tổ tiên. Hùng Vương cũng khuyến cáo: Hãy về với tấm lòng vì thời buổi cường thịnh giới chức địa phương đã lo đủ tinh thần vật chất rồi, không cần mang thêm sơn hào hải vị gì nữa.

Nhưng phú quý sinh lễ nghĩa, đi tay không đến ngày giỗ tổ chẳng ai đành lòng.

Thậm chí một số người còn cho rằng đây là dịp tốt để chứng tỏ cho thiên hạ thấy hậu duệ Lạc Việt đã ăn nên làm gia như thế nào.

Lang Biên nghĩ ra chiêu độc đáo, pha một ly to cỡ khủng long một loạt nước uống có xuất xứ từ bên kia bán cầu, rồi huy động phương tiện hiện đại chở cái ly ấy suốt từ miền đất phương Nam khai khẩn ra ngoài Bắc. Chẳng hiểu cái ly nước ấy sau mấy ngày đi đường có bị thiu không và có ai dám uống vào đúng lúc dịch tiêu chảy cấp hoành hành thế này.

Một Lang khác là Lang Đầm thì quyết làm lại phẩm vật mà Lang Liêu đã dâng tặng Hùng Vương đệ lục xưa kia là bánh chưng bánh dày. Nhưng chẳng nhẽ lại làm y chang thứ mà Lang Liêu đã làm? Còn gì là độc đáo và làm sao ghi được điểm nữa?

Lang Đầm bóp đầu bóp trán mấy hôm liền, nghĩ đến trò của Lang Biên, bèn "à" lên một tiếng: Ta sẽ làm một cặp bánh chưng bánh dày khổng lồ, vừa tỏ lòng thành kính với vua cha, vừa cho thiên hạ lác mắt, vừa làm pi-a (PR) luôn cho doanh nghiệp của ta.

Nói là làm. Nghi lễ gói hai chiếc bánh được tiến hành trang trọng, báo chí tới đưa tin rầm rộ. Sau đó là lễ rước sản vật về đất tổ. Nhà nhà ngóng đợi, người người trầm trồ.

Nhưng sự thể lại không kết thúc ngọt ngào như mong đợi. Khi người đi hành hương hớn hở ngóng chiếc bánh dày khổng lồ được cắt ra để thụ lộc, thì họ chưng hửng khi phát hiện ra chiếc bánh không dầy, mà chỉ là một lớp bột hấp chín cao chừng một tấc, phủ lên trên lớp xốp được đặt trên khung sắt.

Thương thay cho sự khôn ngoan của Lang Đầm. Đau đớn thay cho sự láu cá của Lang Đầm. Làm đồ giả ở đâu thì làm, sao cả gan dám làm sản vật giả để cúng tổ tiên bao giờ?

Khảo dị: Bánh dỏm dâng Vua Hùng của Bố cu Hưng

14/4/08

VẪN CÒN TÌNH YÊU



Gena là người Nga, anh là bạn thân của tôi. Tôi kết bạn với cả gia đình anh. Hay nói chính xác hơn, bố mẹ anh cũng coi tôi là bạn của cả gia đình, chứ không chỉ là bạn của con trai họ.

Gena học cao học truyền thông ở Vancouver (Canada). Ở đó, anh quen và yêu một cô gái Hàn Quốc. Trao đổi qua email với tôi, Gena nói anh hạnh phúc lắm. "Asia is the best" (Châu Á thượng thặng), anh trầm trồ với tôi như vậy.

Sống với cô gái Hàn, anh chuyển qua dùng đồ ăn của xứ cô, tất nhiên kimchi trở thành món khoái khẩu.

Hạnh phúc kiểu Hàn của Gena kéo dài cho đến khi anh học xong chương trình thạc sĩ trở về Nga. Họ thề non hẹn biển sẽ xây dựng hạnh phúc hoặc ở Moskva quê chàng, hoặc ở Seoul quê nàng.

Trở về Moskva, chưa tìm được việc làm và vẫn chưa thôi thổn thức vì nỗi nhớ người yêu, thì Gena nhận được hung tin. Chỉ hai tuần sau khi chàng rời khỏi Vancouver, công chúa Hàn Quốc của chàng đã ngả vào vòng tay của một anh chàng người Anh. Dường như nàng không thể chịu đựng được nỗi cô đơn mà Gena bỏ lại.

Anh đánh thức tôi vào giữa đêm và gào lên trong điện thoại: "Lũ Châu Á khốn khiếp chúng mày".

Chấp gì lời nói của một kẻ đang điên vì thất tình!

Tôi gửi cho anh CD nhạc Trịnh không lời có bản "Ướt mi" trình tấu trên nền hoà âm hoàn toàn mới của hai nhạc sĩ Yoshi Imamura (Nhật Bản) và Liz Kinon (Mỹ). Tôi ghi rõ: "Cậu hãy dành thời gian nghe bản số 6 (Ướt mi). Hy vọng nghe giai điệu tuyệt vời đó, cậu sẽ tìm lại được sự bình an trong tâm hồn".

Vài tuần sau tôi nhận được thư của Gena:

"Vũ thân mến,

Cảm ơn cậu đã gửi CD đó cho mình. Mình đã nghe bản số 6, cậu nói đó là bản "Ướt mi" đúng không. Mình đã nghe đi nghe lại nó hàng chục lần. Chỉ nghe đúng bản đó thôi. Mình đã nghe và đã nhìn thấy tất cả.

Mình rời khỏi căn nhà nơi cô ấy và mình đã có gần 2 năm mặn nồng vào một đêm mưa. Mưa đủ to để ta cảm thấy lạnh vào đêm mùa thu. Nó gõ những tiếng rất buồn trên hàng lan can ngoài ban công. Những chiếc lá rơi xuống trong ánh đèn vàng nhợt nhạt.

Mình mở cửa bước ra và một làn gió lạnh ùa vào. Mình lùi lại và đóng vội cánh cửa. Cô ấy đứng ngay đằng sau. Mình ôm choàng lấy cô ấy. Nụ hôn kéo dài trong tê dại. Mình cố dứt khỏi nụ hôn ấy. Mình bưng lấy mặt cô ấy và thấy hai dòng nước mắt. Cặp mi dày và cong ướt đẫm nước mắt.

- Anh đi đây. Chúng mình sẽ gặp lại. Nhất định sẽ gặp lại em nhé.

Cô ấy không nói gì, nước mắt chảy dài trên má.

Mình cả quyết mở cửa đi ra. Xe taxi chờ sẵn ngoài phố. Trước khi ngồi vào taxi mình còn ngoái đầu nhìn lại. Cặp mắt đen loáng nước như đăm đắm nhìn ra từ ô cửa.

Xe chuyển bánh. Không, mình thấy rõ đó là tiếng nhịp của những bánh sắt nghiến xuống đường ray của con tàu rời ga. Con tàu đưa mình dần rời xa khỏi bến bờ hạnh phúc. Mưa đập vào cửa kính, những tán cây hai bên đường nghiêng ngả.

Chúa ơi, sao lại bắt con phải ra đi đúng vào cái đêm lạnh lùng và cô đơn như thế?

Sao có một ông nhạc sĩ xa lắc xa lơ nào lại đọc đúng cái khung cảnh chia ly ấy như thế?

Mình hiểu, cái sinh thể Châu Á mỏng manh kia không thể tiếp tục sống vò võ trong sự cô đơn chết người ấy. Mình hiểu, không thể bắt cô ta phải chịu cái cực hình ấy.

Cho nên dẫu cái "Ướt mi" này làm cho mình thêm một lần nữa phải khóc, thì mình cũng hiểu rằng chia ly không phải là hết. Chắc chắn là tình yêu vẫn còn và mình sẽ lại đi tìm.

Một lần nữa, cảm ơn cậu.

Gena".

Anh đã sống sót sau vụ thất tình ấy. Chỉ có điều thỉnh thoảng anh lại rên rỉ: "Chết mất vì không có kimchi. Mua và gửi ngay sang cho mình nhé!"

Cũng may mà tìm kimchi ở Hà Nội không đến nỗi khó.



Nghe "Ướt mi" qua bàn tay phù thuỷ của Yoshi Imamura và Liz Kinon


13/4/08

THANH MINH TẢO MỘ



Bà là người phải chịu đau buồn nhất kể từ khi ông mất.

Con cái lớn đi hết, ông bà sống với nhau ở cái cơ ngơi mà ông đã dành dụm cả đời để xây dựng nên. Nhà ngói cây mít, sân gạch, giếng nước trong vắt mát lạnh, mảnh vườn quanh năm có rau xanh và đầy hoa trái. Hoa bưởi, hoa cau nở theo mùa thơm ngát. Hai ông bà sống với nhau đầm ấm trong cảnh điền viên như thế.

Thế rồi vào một buổi chiều mùa đông khi bà nấu xong cơm, lên nhà mời ông dậy để xơi cơm, thì đã thấy ông đi tự lúc nào. Gương mặt thanh thản và mãn nguyện. Bà khóc nấc lên, nước mắt thấm ướt lồng ngực đang lạnh dần của ông : "Sao ông lại để tôi ở lại một mình, ông ơi?"

Bà còn lại một mình trong cái cơ ngơi rộng thênh thang và hoang vắng ấy. Đói cơm không muốn ăn. Cái sân rụng đầy lá không muốn cầm chổi quét. Con trai lớn và con gái thứ hai đều sống ở thành phố. Chỉ có cô út lấy chồng, dạy học ở làng bên, năm bảy ngày mới rẽ qua một lần, quáng quàng nấu cho mẹ niêu cơm, hỏi han vài câu rồi lại tất tả đạp xe về nhà chăm con.

Chị là con gái thứ hai. Làm trăm ngày cho cha, chị trở về nhà và xót xa khi thấy mẹ tiều tuỵ quá. Cơm nước xong xuôi, chị thưa với bác trưởng họ cho phép đón mẹ lên thành phố để tiện bề chăm sóc mẹ hơn.

Ông trưởng họ nói: "Cháu đón mẹ lên là đúng, con cái phải báo hiếu cha mẹ. Nhưng cháu nên hỏi xem mẹ cháu có đồng ý không?". Chị cầm lấy hai bàn tay gầy guộc của mẹ: "Mẹ đồng ý chứ mẹ?". Bà đưa mắt nhìn khắp căn nhà thân thuộc một lượt, nước mắt ứa ra, rồi nhìn chị gật đầu.

Bà đồng ý đi không phải bởi vì bà cần có ai chăm sóc, mà chỉ bởi vì bà không thể chịu đựng được, khi mỗi ngóc ngách, vật dụng trong căn nhà này đều khiến bà nhớ tới ông, nhớ tới những kỷ niệm về một cuộc sống đã vĩnh viễn rời xa.

Chị đưa mẹ về căn nhà 4 tầng ở phố, sắp xếp cho bà một căn phòng ở tầng một ngay cạnh bếp và phòng ăn của cả nhà. Chị nghỉ ở nhà một tuần để giúp mẹ thích nghi với cuộc sống mới. Tối chị ngủ cùng mẹ, hai mẹ con rủ rỉ ôn lại những chuyện ngày xửa ngày xưa. Chị cảm thấy bà hài lòng với cuộc sống ở đây.

Chị là chủ một công ty may mặc xuất khẩu. Nghỉ một tuần ở với mẹ, chị như ngồi trên đống lửa. Mẹ chị nhận thấy điều đó, bà chủ động nói: "Con à, mẹ cũng quen ở đây rồi. Con nên đi làm, kẻo công việc lại chất đống ở đó".

Chị lao đầu vào công việc , 9-10 giờ khuya mới về đến nhà. Cơm nước đã có oshin lo. Chồng con thì tự chăm sóc nhau. Chị vừa mừng vừa tủi, khi thấy mẹ đích thân dọn cơm cho chị và ngồi cùng ăn. Chị ngạc nhiên: "Sao mẹ không ăn với anh ấy và các cháu?". "Thôi mẹ đợi con về ăn cùng con cho vui. Ăn một mình đâu có vui!".

Nhưng không phải hôm nào chị cũng về được để ăn cùng mẹ. Có hôm xong việc chuẩn bị về, lại nhận được điện thoại của đối tác yêu cầu hoàn thành nhanh đơn hàng, lỡ vài ngày có thể ế cả lô hàng. Thế là chị lại ngọt nhạt với công nhân để họ làm thêm ca và đích thân phải ở lại để đốc thúc. Chị gọi điện về nhà nói mẹ để bà không chờ cơm.

Đơn hàng ngày một nhiều, container liên tục phải gửi. Những bữa ăn tối ở nhà của chị cũng ngày một thưa thớt hơn. Chị vẫn gọi điện hỏi han mẹ mỗi ngày, yêu cầu cô oshin nấu cho bà những món ăn cần cho người già. Một ngày cô oshin mất hết kiên nhẫn và nói: "Cô ơi, cô cứ bắt cháu làm hết món này đến món kia làm gì? Vừa tốn công vừa tốn tiền. Bà có ăn mấy đâu?".

Chị ngạc nhiên gắt: "Sao lại không ăn?". Nó đáp hồn nhiên: "Cô hỏi bà ấy. Những hôm cô không về bà có thiết ăn uống gì đâu?"

Tối đó, chị cố gắng về nhà sớm. Ngồi ăn cơm với mẹ, chị nói: "Mẹ à, mẹ thông cảm cho con, công việc bận rộn quá, phải ở lại công ty cũng là việc chẳng đừng. Những hôm con không về được, con sẽ báo sớm, mẹ ăn tối luôn với chồng con và các cháu nhé. Chứ mẹ cứ đợi con rồi con không về được lại bỏ bữa thì không tốt đâu".

Bà nói chậm rãi: "Con đừng lo, người già đâu có ăn nhiều. Ngày mẹ chỉ cần ăn một bữa là đủ. Nhưng thôi được, cứ làm như con vừa nói nhé!". Chị nhìn mẹ lòng đau như cắt.

Một buổi tối, chị ở trên công ty thì đột ngột nhận được điện thoại của bà. Nghe giọng của mẹ trong điện thoại, chị giật mình, bà chưa bao giờ gọi điện cho chị từ ngày ra thành phố ở với vợ chồng chị. "Có chuyện gì thế mẹ ơi?" - chị sốt ruột hỏi. Bà khẽ đáp: "Mẹ muốn về nhà. Mai con đưa mẹ về quê nhé!".

Giọng chị run lên, chực khóc: "Mẹ ơi, chồng con hay các cháu có sơ xuất gì mà mẹ lại giận thế? Con xin lỗi". Bà vẫn khẽ khàng: "Không, chẳng có chuyện gì đâu. Mai là tiết Thanh Minh, mẹ muốn con đưa mẹ về quê để tảo mộ cho bố". Chị thở phào, mừng quýnh đáp: "Vâng, vâng, được, được mẹ ạ. Mai con sẽ về sớm để đưa mẹ về quê, mẹ yên tâm mẹ nhé!"

Chị hú vía. Không phải chăm sóc mồ mả, nên chị cũng không để ý đến tập tục tảo mộ này. Chị gọi điện dặn dò con bé oshin sắm sửa lễ và đồ cúng để "sáng mai cô về cùng bà đi sớm". Lại gọi điện cho cô em gái dọn dẹp nhà cửa của ông bà để mai hai mẹ con chị về có chỗ nghỉ ngơi.

Bà đòi đi ra thẳng nghĩa trang chứ không về nhà trước. Bà giành sắp lễ lên mộ ông, thắp hương và xì xụp khấn vái. Bà tỉ mẩn nhổ từng ngọn cỏ mọc quanh mộ ông, dọn sạch những chiếc lá khô. Chờ hương tàn hạ lễ, bà đi thắp cho mỗi ngôi mộ xung quanh một nén hương, miệng lẩm bẩm: "Nhà em mới xuống, mong các bác mở lòng, cho nhà em đỡ cô quạnh".

Bà trở lại mộ ông, rẩy rượu trắng ra xung quanh rồi đốt vàng mã. Không hiểu sao bà giữ lại một nửa số tiền vàng. Bà cho lũ trẻ dọn mộ ở nghĩa trang một phần ba số đồ lễ, phần còn lại mang về nhà.

Về lại ngôi nhà xưa bà tỏ rõ sự hài lòng khi thấy căn nhà ngăn nắp, sạch sẽ, vườn tược vẫn xanh, sân gạch đường đi phong quang. Bà mang số tiền vàng lấy từ mộ thắp hương cùng hoa quả mới. Chị hơi ngạc nhiên, nghĩ mẹ bắt đầu lẩn thẩn khi tiết kiệm, không đốt hết chỗ tiền vàng. Chị nhắc khéo: "Tiền vàng con sắm đủ cả ở mộ lẫn ở nhà, sao mẹ không đốt hết ngoài kia?"

Bà không trả lời.

Ba mẹ con ngồi ăn với nhau bữa cơm trưa. Bà chậm rãi nói: "Có cả hai đứa ở đây, mẹ nói chuyện này. Mấy tháng rồi, mẹ ở nhà chị rất tốt. Chị chăm sóc mẹ chẳng thiếu thức gì. Anh ấy với các cháu cũng cư xử phải phép hiếu lễ. Nhưng mẹ nghĩ kỹ rồi và mẹ quyết là từ hôm nay mẹ sẽ ở lại quê!"

Chị đưa mắt nhìn em gái rồi nhìn mẹ: "Ơ kìa, sao mẹ lại thế. Ở đây một mình, sớm hôm tối lửa tắt đèn, biết nhờ cậy ai?". Bà nhìn hai chị em quả quyết: "Mẹ đã quyết rồi, các con đừng bàn nữa. Lắp cho mẹ cái điện thoại, có chuyện gì là biết ngay".

Không khí bữa cơm chùng xuống.

Được một lát, bà mới thủng thẳng: "Hai đứa biết không, có một bà mới năm mấy vừa mất chôn ngay cạnh chỗ bố nằm đấy. Mẹ cứ thấy lo lo thế nào ấy. Từ nay, các con có gửi tiền cho bố thì cũng gửi in ít thôi nhé. Nhiều tiền rồi rửng mỡ theo gái chẳng biết có chờ được đến ngày mẹ xuống dưới đấy hay không???"

Ảnh: Hoàng Đình Nam

11/4/08

CÔ LẬP



Một sự cố hy hữu xảy ra khiến tôi bị "mất" 2 chiếc điện thoại di động (vốn là những vật bất ly thân) trong suốt 24 giờ.

Lúc đầu quả cũng hơi bực vì thấy mình tự nhiên bị cô lập. Như đang sống trên một hòn đảo giữa đại dương, hay đột ngột lọt vào một khu vừa bị động đất hoặc thiên tai, bị cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài.

Nhưng biết làm sao được!

Sáng đi làm, bỗng thấy thảnh thơi và thoải mái khi không phải trả lời điện thoại hay liếc xem nhắn tin trong khi đang tham gia giao thông.

Suốt buổi sáng không phải trả lời cú điện thoại nào, yên tâm ngồi biên tập một đống bài cho tờ nội san mà không bị ai quấy rầy.

Cũng không phải mỏi tay nhắn tin như mọi hôm.

Mới thấy cái căn phòng làm việc của mình hoá ra cũng khá yên tĩnh.

Buổi trưa đi ăn cơm, trầm trồ với đồng nghiệp về nửa ngày hạnh phúc vì thoát khỏi những ràng buộc của điện thoại. Một cậu nói: "Hoá ra lâu nay chúng ta là nô lệ cho chính chúng ta mà không biết".

Buổi chiều lại vẫn yên tĩnh. Không được nghe ai chỉ đạo, than phiền, nhờ cậy, tâm sự, trách móc, hối thúc... Giá như ngày nào cuộc sống cũng như thế này thì sung sướng biết bao!

Từ nay sẽ quyết tâm mỗi tuần bị mất điện thoại một ngày!

Tranh: Dartman của Marie Bertrand

10/4/08

F5 TÂM HỒN



F5 là cái phím vô tri vô giác trên bàn phím máy tính mà ai cũng biết. Nếu ta tác động vào đó một lực của ngón tay, thì ngay lập tức nó sẽ làm mới lại nội dung của trang web chúng ta đang mở. Cũng có thể trang đó mới được cập nhật và sẽ hiển thị những nội dung mới sau lần bấm của ta, nhưng cũng có thể trang web đó vẫn nguyên như cũ.

F5 tâm hồn. Cụm từ này chẳng phải tôi nghĩ ra. Mà là một blogger có tên là ĐAN TRANG

Trong entry "Mỗi ngày là một trang sách cần khám phá" cô viết (xin phép trích ra đây để mọi người tiện theo dõi):

"Nếu như tác giả cuốn "Quy luật của muôn đời" - Dumbadze, người Gruzia - bảo rằng: Trong cuộc sống, nên ốm một trận thập tử nhất sinh. Khi ấy, mới hiểu được nhân tình thế thái, mới hiểu được lòng dạ con người.

Thì thỉnh thoảng, đi một chuyến xa xa, dài dài, cũng là một cách để trải nghiệm lại.

Điều đầu tiên là để có thời gian tĩnh lại. Tạm quên những sự vụ hàng ngày mà người ta thường làm như một thói quen. Thói quen làm việc, thói quen chơi, thậm chí cả thói quen ...yêu.

Nếu ở nhà, nhiều khi cũng chỉ quanh quẩn vài ba quán xá, vài ba con đường, vài ba loại đồ ăn, thức uống, vài ba người bạn thích gặp....

Lao vào 1 chuyến đi, F5 lại tâm hồn mình, biết đâu ..."

Cám ơn Đan Trang đã nhắc nhở một điều khá quan trọng.

Cuộc sống của chúng ta cứ trôi đi quay cuồng trong guồng quay bất tận của nó. Chúng ta cũng bị cuốn theo và dường như không thể dừng lại được. Không còn thời gian để suy ngẫm, không còn thời gian để khám phá, không còn thời gian để sáng tạo. Chúng ta trở thành những cỗ máy vận hành theo chu trình được lập sẵn...

Vị cố Tổng thống Yeltsin của nước Nga hình như cũng đã lắng nghe lời khuyên của Dumbadze. Cứ những lúc khó khăn cần tìm một hướng đi mới, cần ngắm kỹ lại những chân dung quanh mình, ông lại kiếm cớ nghỉ dưỡng bệnh. Và sau mỗi lần nghỉ như thế, ông lại cho ra một quyết định, đôi khi là điên rồ, nhưng đôi khi rất sáng suốt, để cuối cùng tìm ra một Putin cho nước Nga.

Nhưng chẳng cần phải ốm. Hãy đến một nơi yên vắng, tĩnh lặng nào đó, nơi không có Internet, không có điện thoại, để đối mặt với thiên nhiên và với chính mình, để tự tìm ra lời giải cho những thắc mắc của mình. Mọi việc nếu không sáng tỏ ngay, thì cũng sẽ không còn tăm tối và rắc rối như lúc đầu.

Nào hãy nhấn nút F5 để refresh tâm hồn.

9/4/08

NHÀ NHÀ KỶ LỤC!!!



Hôm nay đọc báo thấy VN vừa được trao liền một lúc 2 kỷ lục Guinness.

Kỷ lục thứ nhất: Album "Phụ nữ Việt Nam"

Nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng Nhật Bản, Hitomi Toyama cùng văn phòng đại diện Canon Singapore tại VN cho ra mắt cuốn album ảnh khổng lồ có kích thước 4mx3m, nặng 1.000kg. Album được Sách kỷ lục Thế giới Guinness công nhận là album ảnh lớn nhất thế giới. 56 bức ảnh nằm trong bộ sưu tập hàng ngàn bức được Hitomi Toyama chụp trong suốt 15 năm qua ở VN, khắc hoạ những hình ảnh phụ nữ ở nhiều góc độ khác nhau khá độc đáo và truyền cảm. Các chuyên gia của Canon đã làm việc suốt một tháng để hoàn thành 26 trang của cuốn album kỷ lục này, bằng những công nghệ tiên tiến nhất khiến cuốn album ảnh thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự với tổng chi phí 100.000USD.

Kỷ lục thứ hai: Ly cà phê lớn nhất thế giới

Ly cà phê đạt kỷ lục thế giới mô phỏng theo chiếc ly thường dùng của Vinacafé có chiều cao 1,53 mét, đường kính 2,34 mét, trọng lượng của ly chưa có cà phê là 1.197 kg, dung tích hơn 3.613 lít, được làm bằng inox 2 lớp cách nhiệt, để giữ nhiệt và đảm bảo an toàn cho người pha chế. Dàn bục để đỡ ly cà phê lớn nhất thế giới có thể chịu lực 6 tấn.

Các công đoạn nấu nước sôi, dẫn nước vào ly, khuấy đều... cần đến sự phối hợp nhịp nhàng của gần 160 người. Khoảng 4.000 lít nước tinh khiết cùng 12 bình gas lớn được tận dụng hết công suất để hòa tan 818 kg cà phê 3 trong 1 vào chiếc ly khổng lồ này. Riêng chiếc “thìa” để khuấy ly cà phê khổng lồ này dài hơn 3 mét; để khuấy cà phê, người khuấy phải thực hiện động tác như chèo thuyền. Sau khi pha, dung tích cà phê trong ly đạt 3.613 lít, đủ dùng cho 30.000 người.

Chiều 8.4, Vinacafe Biên Hòa đã được trao Bằng chứng nhận "Kỷ lục Guinness" cho ly cà phê này. Ngày 9.4, ly cà phê khổng lồ tiếp tục hành trình về Đất tổ Hùng Vương, được trưng bày tại khu Di tích đền Hùng đến hết ngày 15.4 để nhân dân hành hương về Đất tổ vào dịp Quốc giỗ cùng chiêm ngưỡng.

Và còn những kỷ lục khác không được Guinness thừa nhận:

Kỷ lục thứ ba: Xe ôtô đạt số lượng bán ra cao chưa từng thấy

Chỉ riêng trong tháng 3.2008, đã có 13.091 chiếc xe ôtô được bán ra, tăng 193% so với tháng 3 năm 2007. Trong quý I/2008, tổng số lượng xe ôtô bán tại thị trường Việt Nam đạt 34.095 chiếc, tăng 180% so với cùng kỳ năm 2007. Tuy nhiên, những con số cao như trong mơ ấy có thể sẽ không còn thấy trong tháng tới. Lý do là Bộ Tài chính mới đây đã quyết định tăng thuế nhập khẩu xe ôtô nguyên chiếc và sắp tới thậm chí sẽ tăng tiếp lên 85 hoặc 90%.

Kỷ lục thứ tư: Lạm phát ba tháng đầu năm 2008 đạt mức 15%

Khỏi cần phải bàn thêm về kỷ lục này. Giá cả mọi thứ đều tăng ở mức giật mình. Ly cà phê sáng, tô phở rồi thậm chí tiền công đánh giầy cũng đã tăng gấp đôi.

Kỷ lục thứ năm: Giá cả ở Parkson Hà Nội

Trưa nay đi ăn ở tòa nhà Parkson mới khai trương gần cơ quan. Cơm và nước (cơm niêu và Sprite) tiêu tốn 55 nghìn đồng. Tạm chấp nhận được. Đi xuống các gian hàng phía dưới, thấy mặt hàng nào giá cũng cao ngất ngưởng. Áo sơ mi 1,5 triệu đồng, áo phông 1,2 triệu đồng, giầy 2,5 triệu...

Nhưng hãi nhất là một chiếc underwear nam hiệu CK giá 600 nghìn đồng. Về tra cứu trên mạng thì thấy chiếc quần tương tự giá 20 USD. Sao ở Parkson Hà Nội nó lại đắt gấp đôi nhỉ?


Bà con còn "kỷ lục" nào nữa thì bổ sung trong comment nhé!

7/4/08

ĐI CÂU... TRÊN HỒ



5 anh đàn ông tuổi từ 35 đến 55 cùng 4 chú nhóc tuổi từ 10 đến 16 chất lên hai cái xe Innova.

Sáng thứ 7 trời đẹp, nắng nhẹ, thời tiết mát mẻ. Lên đường. Đích đến là cái hồ thuỷ điện to vật vã, mà theo dân gian, nếu đi bằng tầu gắn động cơ men theo bờ, thì hai ngày mới hết.


Trưởng đoàn là ông anh cao tuổi nhất. Bác lo chu đáo từ A đến gần Z: Đồ ăn thức uống hầu như mang sẵn từ nhà: từ hai chai rượu Tây lâu niên, nước uống, bia lon, đá tinh khiết, cho đến cá kho kiểu Huế, bánh trái chống khô mồm, nước lẩu nấu sẵn (chỉ cần thêm cá câu được làm sạch bỏ vào đun lên là xong). Mắm muối, nước chấm, khăn lau miệng, tăm xỉa răng là những thứ nhỏ nhất mà người đàn ông chu đáo này mang theo.

"Cái tầu không có chỗ đi vệ sinh, lênh đênh cả ngày trên hồ, nên không cho đàn bà con gái theo được" - anh giải thích.

Khoảng 9h30 thì xe đến khu nghỉ dưỡng bên bờ hồ. Anh cả gọi tay tài công quen, đã chở đám thợ câu này vài ba lần ra hồ. Mối lái gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Tay tài công nhăn nhó: "Xăng dầu tăng giá, giờ tiền thuê tầu cao quá anh ơi". "Cao là bao nhiêu?" - anh cả hỏi. "Nếu đi như mọi lần thì 1 triệu ạ!".

Anh cả gắt: "Cái gì, mới cuối năm ngoái đi có 500 mà??? Xăng dầu tăng giá 30%, mà giá thuê tầu của chú tăng đến 100% là thế nào?". Tay tài công gãi đầu: "Cái gì cũng tăng, chứ có chỉ riêng xăng dầu tăng đâu anh?". Anh cả phán: "Cái đó là tăng giá tâm lý. Thôi 1 triệu cũng được, nhưng 800 thì sẽ đẹp hơn".

Anh cả gọi thêm một nồi cơm gạo nương (để ăn với món cá kho anh mang theo), 2 đĩa bún để ăn với món lẩu cá và 2 con gà đồi luộc. Nửa tiếng sau tất cả đều sẵn sàng. Đồ ăn, thức uống, bếp cồn, bàn ghế, bát đĩa được bê xuống tầu. Con tầu phành phạch nổ máy và rẽ nước chầm chậm tiến ra giữa hồ.

Mặt trời bắt đầu lên cao. Mặt nước gợn sóng phản chiếu ánh nắng lấp loáng, như có hàng vạn mảnh gương nhỏ được dệt sẵn trong nước.

Cần nói thêm đôi điều về thú câu cá của anh cả. Không sát cá, song anh lại sở hữu một bộ 5 chiếc cần câu mà nhiều kẻ phải mơ ước. Nghe nói, mỗi chiếc giá giao động trong khoảng từ 1 ngàn đến một ngàn rưởi đô. Phao, cước, lưỡi câu cho đến cái hộp đựng mồi câu cũng là đồ xịn, đẹp như những báu vật. Cùng đi câu với anh luôn có một gã được mệnh danh là "trợ lý câu".

Tầu chạy chừng một giờ đồng hồ thì đến khu vực theo tài công là đủ sâu để câu được cá. Tài công thả neo. Anh cả và cậu trợ lý câu thả cước giăng cần. Những người còn lại bầy biện đồ ăn thức uống ra bàn. Lũ trẻ con thì nhớn nhác chuẩn bị đồ bơi.

"Trong khi chờ cá, lấy gà luộc ra nhậu với bia trước đã" - anh cả hạ lệnh. Tất cả cũng chỉ chờ có thế. 11 giờ rồi chứ còn còn sớm sủa gì đâu. Người lớn một mâm (có rượu bia), trẻ con một mâm (có La Vie và Coca Cola), ngấu nghiến cắn xé nhồm nhoàm nhai nuốt. Cười nói hả hê, thích thú lắm.

Xong tuần bia đầu tiên, tức là hơn nửa giờ trôi qua, 5 phao câu chẳng cái nào động đậy. Anh cả chỉ đạo: "Thôi, chờ câu được cá chắc đến mùa quýt. Gọi cái thuyền câu ngoài kia vào đây mua cá nấu lẩu cho nhanh".

3 ngư dân cập mạn thuyền vào tầu. Họ có 2 con cá chép 4 cân và 3 con cá chép 2 cân. Anh cả chọn con cá chép 2 cân, nhờ người đánh cá mổ và rửa sạch rồi trả tiền. 80 nghìn tiền cá, 20 nghìn là công mổ và tiền tip. 3 ngư dân hoan hỉ đẩy thuyền đi.

Bếp được thắp lên, túi nilon nước lẩu được mang ra. Chết cha, không có nồi! Anh cả tức tối: "Thế qué nào mà lại quên cái nồi nhỉ?", rồi rối rít gọi thuyền cá quay lại. 3 ngư dân đồng ý bán cái nồi nấu cơm của họ với giá 50 ngàn. May quá, nếu không thì đúng là treo niêu.

Đã có cái dằn bụng, lũ trẻ líu ríu nhảy xuống nước. Tầu du lịch bây giờ cẩn thận, áo phao và phao tròn có đủ cả. Các cháu tha hồ bơi mà không còn phải lo lắng gì.

5 người đàn ông cùng tài công quây quần quanh bàn và khui chai rượu đầu tiên. Chỉ có một chiếc ly, rượu được rót ra sóng sánh. Chiếc ly được chuyền tay nhau. Những tiếng khà vang lên, rượu vào êm quá. Anh cả nở mũi vì được lũ đàn em khen biết mua rượu ngon.

Chuyện theo rượu nở như ngô giang, nhân tình thế thái, vũ trụ, tâm linh, người ngợm, ma quỷ đều được đem ra nhấm nháp. Trò chuyện và cười ha hả.


Tầu đỗ, gió có vẻ lặng, mặt trời lên đến đỉnh, nắng rót chan hoà trên mặt nước, rượu làm cho mọi người như nóng hơn, nhưng chai nước ướp lạnh được dịp phát huy thế mạnh.

Cá chín cũng vào lúc chai rượu đầu tiên được uống cạn. Anh cả gọi lũ trẻ lên. Trời nắng, nhưng nước trong hồ khá lạnh và nếu để tắm lâu, chúng có thể bị cảm lạnh.

Con cá béo đến mức có mỡ và rất nhiều trứng. Chai rượu thứ hai được mở. 6 người đàn ông lại tuần tự mỗi người một ly. Người thì nói chai này không bằng chai trước, người thì nói chai này mạnh hơn chai trước. Tóm lại, họ không thống nhất được với nhau quan điểm về chai rượu thứ hai. Nhưng vẫn uống tiếp.

Anh cả giở đặc sản cá kho kiểu Huế ra và đích thân gắp miếng đầu tiên bỏ vào miệng. Vừa nhấp nhấp anh đã kêu: "Chết chết, cá kho không ngon". Cậu trợ lý câu gắp một đũa, ăn và nói hồ hởi: "Ngon đấy chứ ạ!". Anh cả lắc đầu: "Không ngon như mọi khi". Cả bọn cười: "Tối nay về anh hai có cớ để la chị rồi đây!". Cậu trợ lý hóm hỉnh: "La ở đây thôi, về nhà sẽ nói là bạn bè anh khen cá em kho ngon lắm".

- "Còn nước lạnh không ba?" - tiếng trẻ con léo xéo.

Anh cả giật mình: "La Vie hết sạch rồi à? Con ngồi im đấy, không được uống nước đá trong thùng đựng đá đâu đấy, mày bụng dạ vớ vẩn, uống đá vào về đau bụng mẹ mắng chết. Đợi đấy ba đun nước cho"

Anh cả tất bật lấy một lon xá xị xúc sạch, đổ nước đá vào và đặt lên bếp cồn. Mấy phút sau anh đổ nước sôi ra cái ly đưa cho thằng bé: "Này con uống đi". Thằng bé thổi nước phù phù rồi uống: "Wow, nước có mùi xá xị ngon quá ba ơi!".

Anh hình như luôn tìm được ra lối thoát trong mọi trường hợp.

Khi chai rượu còn một nửa, anh lẳng lặng lấy võng, buộc vào hai chiếc cột trên mạn tàu và nằm xuống ngủ. Cơm no, rượu say, trời đất thanh bình, không ngủ thì để làm gì.

Tài công cũng không uống nữa, viện cớ cần phải tỉnh táo để lái tầu về.

Bốn người còn lại khuân nốt đống mồi và nửa chai rượu. Họ nhìn anh cả ngủ và thi nhau nói xấu anh, tức là nói xấu theo cái cách mà họ yêu quý anh.

Gần ba giờ, mặt hồ trở nên râm mát hơn. Tài công nói: "Thôi nhổ neo nhé, chiều trên hồ có thể có giông". Trợ lý câu nói: "Cho tôi 15 phút để tôi thu cần". Họ quên khuấy những chiếc cần câu suốt từ khi bắt đầu khui chai rượu thứ hai. Chẳng một con cá nào chịu cắn những chiếc mồi cắm vào những lưỡi câu rất xịn của những chiếc cần rất xịn.

Anh cả vẫn ngủ suốt hành trình trở lại. Tầu cập bến, đúng vào lúc mưa bắt đầu rơi ràn rạt trên mặt hồ. Anh cả tỉnh giấc, vươn vai: "Chu cha, ngủ đã thiệt!".

Thế là xong một ngày đi câu, chẳng câu được con cá nào nhưng mà vui. Mặt ai nấy đều giãn ra không thấy mệt mỏi gì cả.

Leo lên xe, tôi ngồi ở băng sau với cậu bé uống nước đá đun sôi trong lon xá xị. "Cháu có hay đi câu với ba không?". "Lần nào ba đi cũng cho cháu đi theo", cậu bé đáp. "Thế có lần nào không câu được con nào như lần này không?". "Chẳng có lần nào câu được gì chú ạ, toàn ăn cá mua trên hồ thôi, nhưng vẫn đi câu cho nó có cớ ấy mà, ba cháu bảo thế".

Rồi thằng bé thì thầm vào tai tôi: "Lúc nãy bơi, cháu uống mất hai ngụm nước hồ chú ạ. Nhưng chưa thấy đau bụng. Chú đừng nói cho ba cháu biết đấy nhé!".

6/4/08

NGƯỜI NHẬT TRẺ


Nakagawa sinh năm con Hổ, 1962. Tức là năm nay anh 46 tuổi.

Tốt nghiệp cử nhân luật Đại học Kobe, Nakagawa đi làm cho một công ty. Anh nhớ khi đó những cô cậu thanh niên mới đi làm như anh được các sếp rèn giũa rất nghiêm khắc. Có đêm làm đã khuya, nhìn sang công ty bên cạnh vẫn thấy họ còn sáng đèn, Nakagawa và các bạn vẫn không dám về. Họ tự cảm thấy hổ thẹn nếu không cố gắng được như nhân viên của các doanh nghiệp khác.

Có lần Nakagawa đi thuyết phục bán hàng cho một ông chủ khó tính, đã từ chối công ty anh nhiều lần. Anh quỳ xuống dưới chân ông ấy cầu xin ông mua giúp để anh đạt định mức của công ty giao cho. Thấy chàng trai quá nhẫn nại, ông ta đã nhận lời.

Nakagawa đã khởi nghiệp như thế. Trong chặng đường kinh doanh sau này, anh đã đi đến 45 nước và Việt Nam là đất nước thứ 46 mà anh đặt chân tới với tư cách là khách du lịch.

Một cảm giác thật khó tả tràn ngập Nakagawa khi anh cùng vợ đặt chân đến Sài Gòn tháng 6.2006. Anh có cảm giác kiếp trước anh là người Việt Nam và nay quay trở lại chốn cũ. Mặc dù chưa hiểu biết gì nhiều về VN, song ngay khi đó anh đã quyết định sẽ quay trở lại VN để kinh doanh.

Nakagawa thu xếp mọi việc rất nhanh và 5 tháng sau anh đã trở lại Sài Gòn. Anh thành lập một công ty tư vấn giúp các doanh nhân Nhật Bản tìm cơ hội đầu tư ở VN và giúp các công ty VN tiếp cận nguồn tài chính của Nhật Bản. Nakagawa nói: “Là một doanh nhân cho nên đến bất kỳ quốc gia nào tôi cũng đặt mục đích kinh doanh và hiệu quả của nó lên hàng đầu”.

Nhưng, anh cũng khẳng định rằng điều đó không phải là tất cả, bên cạnh lợi ích vật chất còn có tình cảm của con người. “Tôi từng sống và kinh doanh rất thành công ở Mỹ, nhưng tôi không yêu nước Mỹ. Tôi chưa thành công ở VN nhưng tôi rất yêu VN, đó là quyền tự do của trái tim” – Nakagawa nói.

Là cha của ba đứa con, trong đó Nari - cậu con trai cả 18 tuổi vừa tốt nghiệp phổ thông, Nakagawa nhận xét: “Thanh niên Nhật Bản đang có xu hướng xa rời với truyền thống, bản sắc của dân tộc và chạy theo lối sống thực dụng hiện đại. Thế hệ trẻ ngày nay tự thấy quá đầy đủ, mọi thứ đều có sẵn nên lười suy nghĩ, không còn nhiều quyết tâm và lòng say mê sáng tạo. Đó cũng là một mối nguy và chúng tôi đang tìm nhiều cách để khắc phục”

Nagakawa đã đưa cả gia đình sang Việt Nam. Một trong những cách để anh khắc phục sự thụ động, lười suy nghĩ của cậu con trai, đó là đưa cậu vào sống ở môi trường với những bạn bè đồng trang lứa người Việt Nam.

Dẫn con đến nhà một gia đình người bạn VN sống ở ngoại ô TPHCM, Nagakawa nói: “Từ hôm nay con là người Việt Nam, con hãy sống và học tập như hai người con của cô chú đây và hãy làm tất cả những điều mà cô chú dạy bảo”.

Cậu cả gật đầu vâng lời.

Tự giặt quần áo, giúp đỡ dọn dẹp lau nhà, phòng không máy lạnh, không điện thoại chat chít, Nari có nhiệm vụ trong ba tháng phải ôn luyện tiếng Anh đủ để thi vào RMIT - Royal Melbourne Insitute of Technologies (Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne) chi nhánh TP HCM.

Ban đêm, phòng Nari bao giờ cũng là phòng tắt đèn sau cùng.

Ba mẹ của Nari cũng ở ngay trong thành phố, chỉ cách vài chục cây số, nhưng tuyệt nhiên họ không gọi điện cho Nari, không hỏi han, không chỉ dẫn, không thương cảm... Cậu phải tự mình giải quyết mọi chuyện, kể cả nỗi khổ sở vì bị đau bụng do chưa quen với đồ ăn thức uống.

Nhưng cậu không ta thán, không nhăn nhó. Lúc nào cũng cười thật tươi giống như nụ cười của những người Việt mà cậu gặp.

4/4/08

CHÁU TÊN LÀ THIỆN NHÂN!



Một số phận đau đớn kỳ lạ
Cuối tháng 7.2006, báo chí đã đưa tin về cháu bé đáng thương này và những thông tin đó đã gây ra sự phẫn nộ và thương xót. Xin trích thông tin trên một số báo:

..."Sau hơn 2 giờ cấp cứu, phẫu thuật, đến 16 giờ ngày 17.7.2006, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã cứu sống một trẻ sơ sinh nam khoảng 72 giờ tuổi, bị bỏ rơi trong tình trạng bị mất chân phải và bộ phận sinh dục... Đứa trẻ này được những người dân thôn 3, xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành - Quảng Nam phát hiện sáng 16.7 tại khu vườn của ông Hồ L(...). Ngành giám định pháp y tỉnh đã có kết luận thương tích trên người cháu bé là do súc vật cắn xé. Chiều cùng ngày, Công an huyện Núi Thành - Quảng Nam cũng đã xác định người mẹ bỏ rơi cháu bé... ".

Tôi không muốn nói gì hơn về sự tàn khốc mà cháu bé bị mẹ bỏ rơi đã phải trải qua, cũng không muốn bình luận về người mẹ còn quá trẻ. Khi người ta tìm thấy, người cháu be bét máu và đầy kiến bu, da tím ngắt không còn một chút sự sống. Dường như tôi nghe văng vẳng đâu đó tiếng nói của sinh linh bé bỏng: "Mẹ ơi, sao mẹ nỡ như vậy với con!". Vô cùng cảm ơn những người phát hiện ra cháu bé, những người đã đưa cháu đi cấp cứu ở bệnh viện, vô cùng cảm ơn các thầy thuốc ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã hết lòng cứu cháu bé. Khi bị mẹ bỏ rơi, khi bị súc vật cắn xé với nỗi đau đớn khủng khiếp như vậy, bên cạnh tình thương yêu của đồng loại đã cứu cháu, có lẽ còn có nghị lực và niềm khao khát sống rất bản năng đã giúp cháu bé sống sót. Một số phận đau đớn kỳ lạ!

Nhà chùa khi đến thăm cháu tại bệnh viện, đã đặt tên cho cháu là Hồ Thiện Nhân với ước muốn ghi nhận lòng Thiện, điều Nhân của con người mãi mãi đi theo cháu suốt cuộc đời. Cuối năm 2007, được sự giúp đỡ của nhiều "mẹ" và một vài tổ chức trong và ngoài nước, bé Hồ Thiện Nhân được đưa đến khám tại Da Nang Family Medical Practice. Bệnh án của Nhân được bác sĩ Jocelyn P.Nava ghi như sau:

"Bệnh nhân Hồ Thiện Nhân. Sinh ngày 15.7.2006.
... Phần chân phải bị cụt còn lại dài 12cm và chuyển động khá tốt. Trẻ được khuyên rằng cần được thay chân giả hàng năm cho đến khi 7 tuổi, cứ 2 năm thay 1 lần cho đến khi 12-13 tuổi, cứ 3 năm 1 lần cho đến khi 21 tuổi (độ tuổi hoàn thiện khung xương), trong thời gian đó bé có thể được thay chân lần cuối cùng.

... Cơ quan sinh dục của bé phải luôn luôn được giữ sạch sẽ kể từ khi bộ phận sinh dục của bé phát triển 1 lỗ nhỏ, điều này cũng dễ dẫn đến sự tắc nghẽn và nhiễm trùng. Do đó, tôi đề nghị siêu âm bụng dưới và vùng háng để xác định phạm vi cắt cụt. Việc tái tạo cơ quan sinh dục và tinh hoàn rất có thể thực hiện được khi bé đến tuổi dậy thì. Tôi không có đủ chuyên môn để tư vấn về điều trị căn bệnh do hormone gây ra. Về mặt sức khỏe sinh dục và tiết niệu, bé cần phải được khám bởi các chuyên gia trong lĩnh vực này".

Tổ ấm mới
Khi báo chí đưa tin, trên diễn đàn những tấm lòng nhân ái của trang web Trẻ Thơ đã liên tục nhận được sự chia sẻ thương cảm của các bà mẹ cả nước. Những mẹ Meminhmin, MuaThu, Blue Cloud, Hạnh Nguyễn, memapcon, Manly, Conhuighe, Mesaurom, Mẹ Sóc xinh, Meyeuminh, Sonmum,... thường xuyên liên lạc thông báo tình hình sức khoẻ, sự chăm sóc đối với Hồ Thiện Nhân. Các mẹ đã "bầu" mẹ Nguyễn Thị Lý - đang làm việc tại Trung tâm Tin học Bưu điện Đà Nẵng, làm trung tâm kết nối, tiếp nhận những đóng góp tiền, sữa, quần áo, thuốc men cho Nhân. Những tấm lòng, những niềm thương yêu của các bà mẹ đã đến với cháu Nhân kịp thời.

Tình thương yêu đó đã đã được " đền đáp", Nhân càng lớn càng thông minh, nhanh nhẹn và đặc biệt là rất nhạy cảm về sự khiếm khuyết của thân thể. Những chuyến đi của các mẹ về nhà của Nhân (nhà bà ngoại nằm trên mảnh vườn nơi Nhân đã bị bỏ rơi) thấm đẫm nước mắt. Bà con, chính quyền xã đều rất thương Nhân. Nhưng để tính lâu dài cho tương lai của Nhân thì ông bà ngoại và mẹ đẻ của Nhân không thể làm được bởi quá nghèo.

Và rồi sự thương yêu một số phận đau đớn đã khiến nhiều bà mẹ quyết định: Phải tìm cho bé Nhân bố mẹ nuôi có điều kiện quan hệ, điều kiện kinh tế, điều kiện môi trường để chạy chữa, chăm lo lâu dài cho cháu nên người, bởi việc đó rất phức tạp và lâu dài. Mặc dù vậy, một cá nhân cũng khó có thể chăm lo cho cháu lâu dài như vậy. Vì vậy, cần cả sự giúp đỡ của cộng đồng và các tổ chức từ thiện. Nhưng ai sẽ là bố mẹ nuôi của cháu đây?

...Mai Anh kể:
"Tháng 7.2006, em đọc báo, rất xúc động về trường hợp của cháu. Nhưng sau đó báo chí không có thông tin gì thêm, nên em vào trang web Trẻ Thơ tham gia diễn đàn và được làm quen với rất nhiều người thương cháu. Em liên lạc với chị Lý và cùng các chị liên lạc email với các tổ chức nước ngoài, hỏi về việc chữa trị cho cháu.

Cuối năm 2007, em cùng một số bạn lên nhà Nhân thăm cháu. Khi gặp cháu, chúng em không cầm được nước mắt. Một cháu bé thông minh, nhạy cảm và phải chịu thiệt thòi như vậy nhưng không được chăm sóc y tế, chăm sóc nhiều mặt như những đưa trẻ khác. Tương lai của cháu đã khác biệt, sẽ cần khác biệt hơn so với các cháu bé đồng lứa nếu cháu sinh sống trong môi trường hiện tại. Lúc đó, em khát khao được làm mẹ để chăm sóc cho cháu.

Tình thương lớn hơn những khó khăn mà em đã lường trước sẽ diễn ra sau này, nên em đã quyết định sẽ xin cháu về làm con của mình. Và rồi sự thôi thúc phải chăm sóc, chạy chữa cho cháu càng nhanh càng tốt giúp em quyết định rất nhanh. Chồng em sau khi nghe về quyết định của em đã phân tích về trách nhiệm nhân lên rất nhiều (hiện vợ chồng em đã có 2 cháu trai) và thống nhất sẽ làm... bố của Nhân. Sau nhiều ngày phải hoàn thành các thủ tục pháp lý, chúng em về nhà bà ngoại của Nhân để đón cháu.

Trong ngày đến nhận cháu về, chúng em đã đến mảnh vườn nơi cháu bị vứt bỏ. Lúc đó, chúng em càng quyết tâm đón cháu. Thương lắm anh ạ. Nhà ông bà ngoại quá nghèo, nên cháu sống như con gà trong nhà, lê la khắp nơi bằng... 3 chi của mình. Cháu thấy gì ăn nấy, nhưng ăn nhiều nhất là chuối và... cơm nguội. Khi bọn em bế cháu rời nhà bà ngoại, cháu cứ quay lại giơ tay về ngôi nhà và khóc"...

Suốt đêm đầu tiên về nhà bố mẹ nuôi ở Hà Nội, Nhân không dám nằm ngủ. Cháu ngồi trên giường mà ngủ ngồi, mỗi khi gục xuống giường thì giật mình và như có sức mạnh nào đó khiến cháu bừng tỉnh để tiếp tục ngồi dậy. Dù bố mẹ dỗ mọi cách, cháu vẫn không chịu nằm. Trong thẳm sâu, cháu bé vẫn lo sợ điều gì đó bất ổn. Chính vì thế mà bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ của Mai Anh càng thương cháu, dành tình thương cho cháu nhiều hơn. Sau hơn nửa tháng về gia đình mới, đến nay Hồ Thiện Nhân đã "hoà nhập" trong tình thương yêu của tất cả các thành viên.

Chặng đường còn gian khổ

Khi tôi đến thăm, Nhân đang đứng một chân và sau đó được bố nuôi cho ăn chuối. Tôi muốn xem vết thương cũ của cháu, nhưng Nhân lấy tay giữ chặt quần, kiên quyết không cho cởi ra và khóc thét lên. Mai Anh giải thích: "Lâu nay cháu không muốn cho ai xem tình trạng cơ thể của cháu". Mắt tôi cay sè. Mới 18 tháng tuổi mà cháu đã nhạy cảm đến thế là cùng.

Một bác sĩ nói với Mai Anh khi được tin cô nhận nuôi Hồ Thiện Nhân: "Bạn đã làm một việc cao cả và không có kết thúc". Còn mẹ của Mai Anh nhắn tin: "Con đã bước một bước thì hãy bước tiếp".

Vợ chồng Mai Anh đã đưa cháu đến Bệnh viện Việt - Pháp Hà Nội khám cho cháu để có lộ trình chữa chạy lâu dài. Các bác sĩ phải cố gắng lắm mới có thể "tiếp cận" thân thể của Nhân. Khi tận mắt chứng kiến, ai cũng choáng. Các bác sĩ đưa ra các khả năng: Sẽ phải làm chân giả, nhưng vì cháu còn phát triển nên hàng năm phải điều chỉnh chân giả cho cháu cho đến khi cơ thể không phát triển nữa; về bộ phận sinh dục, trước mắt phải phẫu thuật để cháu đi tiểu được dễ dàng, sau đó nếu chuyển đổi giới tính thì phải phẫu thuật và phải tiêm thuốc cả đời, nếu để nguyên giới tính nam thì phải phẫu thuật làm dương vật giả... Mai Anh quyết định không đổi giới tính cho cháu. Điều Mai Anh mong muốn cháu lớn lên sẽ nói thật mọi chuyện để cháu cùng cha mẹ nuôi phải đối diện với hoàn cảnh, "chiến đấu" để vượt lên, trở thành người đàn ông mạnh mẽ, tự tin và có ích cho xã hội.

Nhưng cả quá trình đó là vô cùng tốn kém và lâu dài, chắc rằng vợ chồng Mai Anh không thể đủ sức. Tôi nhìn vợ chồng Mai Anh mà ái ngại. Sự mảnh dẻ kia có chịu nổi cực nhọc cả đời không? Mai Anh đỏ mắt: "Vợ chồng em thương Nhân lắm. Tội con nó anh ạ". Lòng thương yêu là vậy, nhưng chặng đường gian khó của vợ chồng Mai Anh và cháu Thiện Nhân còn dài. Nhân danh tình thương yêu, tôi xin kêu gọi cộng đồng xã hội, những người nhân ái sẽ xúm tay vào giúp cháu Hồ Thiện Nhân nên người.

Địa chỉ của Mai Anh: 118 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội; email: hanoiguppy@gmail.com hoặc elkeray@yahoo.com

Khi tôi viết gần xong bài này thì nhận được điện thoại của Mai Anh: Hồ Thiện Nhân vừa được cha mẹ nuôi đưa đi lắp chân giả và hiện tại cháu đang được mọi người giúp đỡ đi. Mong cháu sẽ được cả cộng đồng xúm tay chăm lo, để cháu vững bước đi trên đường đời vốn chông gai từ khi lọt lòng mẹ!
Tô Phán

Sau khi Lao Động đăng tải bài viết "Nhân lên lòng thiện, điều nhân", đã có hàng trăm lá thư của bạn đọc ở trong và ngoài nước chia sẻ với cháu Nhân. Hàng chục đoàn đã tới thăm hỏi, tặng quà và động viên gia đình vợ chồng anh Quang Nghinh - Mai Anh và bé Nhân. Vợ chồng anh chị Quang Nghinh - Mai Anh hết sức xúc động về sự động viên chia sẻ của cộng đồng và bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến sự đến bạn đọc. Với cháu Nhân, việc chăm sóc, nuôi nấng, tạo điều kiện cho cháu học hành là điều vợ chồng anh chị Quang Nghinh - Mai Anh hoàn toàn có khả năng làm tốt. Tuy nhiên, việc chữa trị lâu dài cho cháu Nhân quả thực là một khó khăn. Đã có nhiều sáng kiến được nêu ra như các tổ chức độc lập tạo mở một Quỹ để chữa trị cho cháu Nhân hay mở riêng một tài khoản để các tổ chức cá nhân đóng góp và chỉ dùng cho việc chữa trị bệnh cho cháu Nhân... Rất mong bạn đọc phản hồi, góp ý về cách chăm sóc, chữa trị cho bé Nhân. Bấm vào đây để gửi ý kiến.

Theo đề nghị của nhiều bạn đọc, sau khi bàn bạc, vợ chồng anh chị Quang Nghinh - Mai Anh đã quyết định dùng tài khoản của chị Mai Anh để nhận sự trợ giúp của cộng đồng giúp cháu Nhân. Những đóng góp hảo tâm của cộng đồng đến tài khoản này sẽ chỉ được sử dụng phục vụ việc chăm sóc và chữa trị cho bé Nhân.

Tên chủ tài khoản: Trần Mai Anh, số 0011000474142 Vietcombank HO. Điện thoại liên lạc: 0936166588.
Lao Động
 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết