29/2/08

SINH NGÀY 29.2



Người bạn Nga thân của tôi sinh ngày 29.2. Cứ 4 năm anh mới được tổ chức sinh nhật một lần.

Lần cuối cùng được ăn sinh nhật anh cách đây đã 16 năm. Còn nhớ hôm đó chúng tôi ngồi ở quán Nguyên Sinh ở phố Lý Quốc Sư trên gác 3 hay gác 4 gì đó sau khi phải đi qua những bậc cầu thang chênh vênh và lắt léo.

Thời ấy quán ăn nhà hàng chưa nhiều như bây giờ. Nguyên Sinh là quán ăn nghe nói có từ thời Pháp với đồ ăn rất ngon được coi là quán sang trong thành phố. Bữa ăn chỉ có 5 người: hai vợ chồng anh, 2 người bạn Nga một nam một nữ và tôi, người Việt duy nhất. Tôi vẫn nhớ như in bữa ăn ấy, bởi nó... ngon và vui. Đấy là lần đầu tiên tôi phải uống trọn một ly wishky và được ăn món chuối đốt rượu.

Vợ chồng anh có một con trai đẹp như thiên thần tên là Vova. Với mức lương khoảng 800 USD, họ sống sung sướng ở Hà Nội trong khi ở quê nhà đang vấp phải những quá đắng đầu tiên của cải tổ.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tầy gang. Sau đó khoảng 2 tháng, họ được báo phải rời khỏi Việt Nam trước thời hạn. Liên Xô mấp mé trên bờ vực sụp đổ. Mátxcơva không chuyển tiền sang và họ phải nhận lương từ quỹ sơ tán khẩn cấp (trong trường hợp chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh).

Họ không nghĩ sẽ bị lâm vào cảnh bi đát như vậy. Những kế hoạch dành dụm, mua sắm của họ bị bỏ dở. Họ tức tốc gói ghém đồ đạc và chuẩn bị lên đường. Anh gọi tôi đến đưa cho một thùng nặng những đồ bát đĩa ấm chén rất đẹp. Tôi hỏi: "Sao anh chị không mang về?". "Quá cân rồi. Cậu cho chúng tôi gửi ở đây, chúng tôi sẽ quay lại".

Họ đi chuyến bay đêm. Xe rời Vạn Phúc chở cả nhà lên Nội Bài đúng vào lúc trời mưa. Chị ôm tôi trong nước mắt: "Trời ơi, như một cuộc chạy trốn! Có cảm giác như giặc đã đến bên kia cầu Long Biên rồi!".

Tôi giữ thùng bát đĩa ấm chén của anh rất cẩn thận bởi vẫn đinh ninh nghĩ rằng anh chị sẽ quay trở lại. Nhưng họ đã trở về một đất nước bị tan rã hoàn toàn. Anh người Ukraina, chị người Estonia - đều là công dân Liên Xô, nhưng không có một người thân thiết nào, một mối quan hệ ruột rà nào ở nước Nga, ở Mátxcơva. Cuộc sống với họ trở nên thực sự khó khăn. Họ cố trụ lại, ôm ấp hy vọng khủng hoảng sớm chấm dứt để được quay trở lại Việt Nam.

Vất vưởng một thời gian, anh đi làm guide cho một hãng du lịch, còn chị đi cào bài ở casino. Chẳng ai có thể tưởng tượng ra cặp sinh viên ưu tú của Viện Quan hệ Quốc tế Mátxcơva - trường đại học đỉnh cao của Liên Xô, thông minh giỏi giang, đẹp đẽ sang trọng, lại đi làm những công việc như vậy. Nhưng họ buộc phải làm, buộc phải sống. Và rồi dần dà những công việc đó trở thành NGHỀ của họ.

Ba năm sau, trong một lần liên lạc với nhau, anh hỏi: "Cậu vẫn sử dụng bộ đồ ăn của chúng tôi chứ?". Tôi nói chúng vẫn nằm nguyên trong hộp, có cần gửi sang Mátxcơva cho anh chị không. Anh bảo làm gì có thời gian ăn uống mà dùng bát đĩa đẹp, vợ toàn phải đi làm đêm, chồng thì đi suốt ngày, con phải gửi về Estonia cho ông bà ngoại trông. "Thôi cậu lấy ra dùng đi kẻo phí, chắc chẳng có hy vọng nào chúng tôi sang được Việt Nam nữa đâu" - anh nói vậy.

... 12 giờ 15 phút hôm nay tôi gọi điện cho anh. Phải đến hồi chuông thứ 10, anh mới nhấc máy, giọng ngái ngủ. Ở Mátxcơva lúc đó là 8h15 sáng. Anh vui mừng khi nghe lời chúc mừng. "Cám ơn, cậu là người đầu tiên chúc mừng tôi trong ngày hôm nay". Anh hỏi han công việc, cuộc sống của tôi và thở dài: "Bao giờ tôi mới được trở lại Việt Nam đây?"

Giọng anh chùng xuống khi tôi hỏi về gia đình. "Vôva chết rồi! Nó bị tai nạn giao thông mấy năm trước. Trời ơi, tôi không bao giờ tin nó đã chết. Đẹp như thế, thông minh như thế. Còn Masha thì đã bỏ về Estonia 2 năm trước. Cô ấy không chịu đựng được cuộc sống ở Mátxcơva nữa. Vợ chồng như mặt trăng mặt trời, ở cùng một nhà mà có khi cả tháng chẳng gặp nhau. Giờ tôi ở một mình. Chỉ một mình thôi. Cậu thấy khốn nạn không, một thằng đàn ông 44 tuổi đã từng có tất cả, nay lại mất tất cả. Tôi vừa nghe điện thoại của cậu vừa phải tự nấu bữa sáng đây. Cuộc đời thật chó má!"

"Nhưng anh giỏi giang, tài năng, chắc chắn mọi chuyện sẽ ổn thoả thôi" - tôi an ủi. Anh cười khùng khục: "Tài năng, bây giờ ai cần đến tài năng? Cái thời ngày xưa có một chút tài năng thì sống cũng tốt đấy, chẳng phải lo gì. Thời nay có tài năng thì chết dẫm, cậu ạ. Chẳng ai cần tài năng của tôi. Muốn sống được thì phải biết nghe lời. Mà tôi thì tiếc thay lại có một chút trí khôn, biết phân tích, phán đoán, suy luận, nên không thể nghe lời được, cho nên chắc cả đời sẽ không ngẩng mặt lên được".

Ôi chao, sinh ngày 29.2.

28/2/08

ƯỚT MI KIỂU NHẬT


Tìm mãi mới được đường bản hoà tấu này.

Mời các bạn nghe "Ướt mi" của Trịnh Công Sơn qua bản hoà âm của hai nhạc sĩ Yoshi Imamura (Nhật Bản) và Liz Kinon (Mỹ).

Có thể vào đường link sau để nghe những tác phẩm khác của Trịnh qua bàn tay phù thuỷ của Imamura và Kinon.

http://trinhcongson.saigonline.com/Nhac/HoaTauMainListingTenYoshiImamura-LizKinon.php


Hãy chia sẻ trong comment bạn đã nghe thấy những gì? Xin cảm ơn.

Ướt mi qua nét thư pháp của Vân Long

27/2/08

HÀ NỘI MÌNH...



Một hôm buộc phải đi bộ ra cổng khu nhà đang ở, tôi chợt phát hiện ra trong ngõ đối diện sâu vào chừng vài trăm thước một toà nhà mầu trắng tinh khôi đã mọc lên sừng sững uy nghiêm. Không thể biết người ta đã xây nó tự khi nào.

Chập tối nay đang ở cơ quan thì mất điện, đành đứng ra ngoài cầu thang ngắm phố xá chờ điện sáng trở lại. Bỗng nhiên phát hiện ra một ngôi nhà cao đang vươn lên ngạo nghễ ở phía bên kia đường. Ngôi nhà cũng xây mầu trắng, nhưng chưa xong. Vài tháng nữa sau khi được hoàn thiện, nó sẽ sáng trưng cho mà xem.

Hà Nội mình thế, lâu lâu không đi qua một con đường thể nào cũng sẽ phát hiện ra một công trình nào đó mới. Ngay cả những chỗ mình hay đi qua, nếu không để ý, thì thể nào cũng có ngày ngỡ ngàng nhận thấy sự thay đổi rõ nét.

Chị Elena, bạn Nga của tôi, nhận xét hóm hỉnh rằng từ phố cổ trung tâm ra khu Trung Hoà - Nhân Chính chỉ mất khoảng 15-20 phút chạy xe nhưng được hành trình qua 3 thế kỷ.

Hà Nội mình đang đẹp lên, nhưng cũng đang xấu đi. Chẳng mấy chốc mà mất hết phố Phái, sẽ toàn nhà chọc trời giống Bangkok, Singapore cho mà xem.

Cách đây 14 năm lần đầu tiên sang Bangkok, nhìn cảnh ôtô rồng rắn xếp hàng cả cây số, tôi đã tự nhủ thầm: "May mà Hà Nội chưa kẹt xe". Còn nhớ thời đó một chuyên gia của World Bank đã khuyên, các bạn đừng biến Hà Nội thành Bangkok thứ hai.

Nay thì tắc nghẽn giao thông ở Hà Nội còn tệ hại hơn Bangkok. Tắc đường ở Bangkok thì chỉ muộn giờ còn chắc chắn là thoát ra được, tắc đường ở Hà Nội thì không có nhúc nhích, cựa quậy được gì hết.

Hà Nội mình đang sạch hơn, nhưng cũng đang bẩn thêm. Kênh rạch, ao hồ ô nhiễm trầm trọng. Mỗi khi trở giời là không gian lại nặng mùi không thể thở được.

Hà Nội mình đang hiện đại hơn, nhưng cũng quê mùa đi một cách đáng tiếc. Những chi tiết quê mùa hiển hiện khắp nơi trong kiến trúc, bài trí, trong cách hành xử và cả trong lối tư duy của không ít người.

Ngày lễ người ta đem trưng hoa giả ra đường mà không nhớ rằng Hà Nội đã từng có làng lúa, làng hoa.

Hà Nội mình đang giàu hơn, nhưng cũng đang nghèo đi. Làng hoa Ngọc Hà đã biến mất từ một thập niên trước, nay đến lượt làng đào Nhật Tân.

Nhiều nhà hát chẳng mấy khi sáng đèn.

Hà Nội mình...

Ảnh của Hathanh

26/2/08

EM TRAI NGƯỜI BẠN CŨ



Trưa. Tôi dẫn xe máy ra cổng chuẩn bị phóng đi ăn thì nghe tiếng gọi giật giọng. Tôi hướng về phía tiếng gọi và thấy một thanh niên chừng 30 tuổi, ăn vận lịch sự, gương mặt hiền hậu rời khỏi quán nước vỉa hè bước lại.

Tôi không biết anh ta.

Biết rõ điều đó, chàng trai chủ động giới thiệu: "Em là Thông, em anh Khải".

Khải à, Khải nào nhỉ, tôi phân vân. Tôi có biết vài ba người tên là Khải, không rõ cậu này là em trai của Khải nào. Chàng trai nói tiếp: "Anh Khải làm cùng anh ở X. cách đây hơn 10 năm ý ạ. Hồi đó anh đã có lần đến nhà em ăn cơm".

Tôi "à" lên một tiếng, đúng là hồi đó tôi có làm việc với Khải một thời gian. Anh hơn tôi chừng 6-7 tuổi gì đó, một nguời rất tận tình chỉ bảo cho đàn em và tôi với anh khá quý nhau. Có lần đến nhà anh ăn cơm, tôi đã gặp cậu Thông này. Khi đó, cậu mới tốt nghiệp phổ thông, còn trẻ con bơ sữa lắm, chứ chưa từng trải như bây giờ.

Tôi hỏi thăm cậu, hỏi thăm vợ chồng anh Khải. Cậu chủ động vào chuyện: "Em đang có chuyện cần tới sự giúp đỡ của anh. Nếu anh giúp được em thì tốt, còn nếu không giúp được thì cũng không sao cả". Tôi gật đầu: "Em cứ nói". Cậu kể:

- Em yêu một cô gái, anh ạ. Nhưng cô ấy là gái ở quê ra, đang làm công cho người ta. Gia đình em thì anh biết rồi đấy, cũng có vị trí trong xã hội, nên bố mẹ em kiên quyết phản đối vì không "môn đăng hộ đối". Bố mẹ em bảo nếu cứ nhất quyết cưới cô ấy thì bố mẹ em sẽ từ, không chia cho cái gì hết. Em không ngờ bố mẹ em lại quyết liệt như thế...

Mấy hôm trước, người yêu em cho em biết là cô ấy đã có bầu được hơn một tháng. Đúng là rắc rối quá, chưa hết chuyện này lại đến chuyện khác. Đám cưới thì không tổ chức ngay được, mà sinh con vào lúc này thì bọn em lại không đủ điều kiện. Bọn em đành tính nước cuối cùng là nạo thai anh ạ.

Cũng biết thế là ác, nhưng còn biết làm gì khác bây giờ... Người ta con nhà lành, không thể không chồng mà có con được. Thuyết phục bố mẹ em thì lại cần có thời gian.

Em đang cần tiền để đưa cô ấy đi nạo. Dốc túi của cả hai đứa thì gom được hơn 1 triệu rồi. Nhưng để nạo thì cần 3 triệu, đành phải gõ cửa nhờ bạn bè mỗi người một chút. Hôm nay đi qua đây, em chợt nhớ tới anh nên muốn nhờ anh giúp vài ba trăm. Em không dám hỏi anh toàn bộ chỗ em còn thiếu. Sau này nếu có điều kiện, em sẽ hoàn trả lại anh, bằng không thì anh cho em xin..."

Cậu vừa kể bằng giọng run run, vừa nhìn tôi với ánh mắt khẩn cầu tha thiết và chân thành. Tôi mở ví và đưa cho cậu một tờ 500.000 đ.

Cậu đón nó bằng hai tay, mắt rưng rưng: "Vợ chồng em cám ơn anh. Khi nào bọn em tổ chức đám cưới, nhất định anh phải đến uống với chúng em chén rượu nhạt nhé". Tôi gật đầu và bắt tay cậu.

Khi tôi định phóng xe đi, thì cậu túm lấy tay tôi: "Anh ơi, em nhờ anh việc nữa. Anh đừng nói chuyện này với anh Khải em nhé. Nhà em không ai biết chuyện này cả. Nếu biết họ lại làm khó dễ cho chúng em". Tôi lại gật đầu.

... Ăn trưa trở về, tôi cứ bị ám ảnh mãi về câu chuyện của Thông. Cậu ta đã tìm đến và kể cho tôi nghe câu chuyện riêng của cậu, thì hiển nhiên tôi sẽ không đem buôn nó với người khác, ngay cả với anh trai cậu. Hơn nữa, tôi với anh đã đứt liên lạc từ lâu.

Nỗi băn khoăn khiến tôi quay điện thoại gọi điện cho Tuấn, một trong những người còn làm chung với Khải mà tôi vẫn duy trì liên lạc. Sau đôi ba câu xã giao, tôi hỏi: "Này, ông có biết cậu Thông, em trai anh Khải không?"

Ống nghe đằng kia bỗng có tiếng nói sẵng: "MK, thằng Thông đã lần đến ông rồi à?"

Tôi chột dạ: "Tại sao lại lần đến tôi?"

Tuấn vội vã giải thích: "Thằng Thông nghiện nặng. Gia đình Khải mất mặt vì thằng này. Khải đã phải thông báo hết với bạn bè từ thân đến sơ không được cho nó một đồng nào hết. Thế ông đã cho nó đồng nào chưa?"

- Có, tôi cho rồi. 500 nghìn. Nó bảo lỡ có bầu với bạn gái phải đưa cô ta đi nạo...

- Vở đấy nó diễn với nhiều người lắm rồi. Để tôi báo ông Khải.

Nửa tiếng sau, Khải gọi cho tôi. Anh xin lỗi: "Đúng là anh không nhớ ra em. Không biết là nó cũng biết em. Thằng này cú cáo quá. Từ nay, em không được cho nó thêm đồng nào nữa nhé".

Thế mà chừng ba tuần sau, tôi lại bị Thông chặn ở cổng cơ quan. Tôi đang vội đi có việc, nên chỉ kịp nói với cậu ta một câu: "Anh Khải dặn anh muốn giúp gì em thì phải được sự đồng ý của anh ấy".

Mặt cậu ta nghệt ra.

Sau này tôi cứ tự hỏi, không biết cậu ta định diễn vở kịch gì với tôi nữa.

Ảnh từ corbis.com

25/2/08

VÌ SAO COTILLARD ĐOẠT GIẢI OSCAR?



Cô đào Pháp còn hầu như vô danh với khán giả thế giới Marion Cotillard đã bất ngờ vượt qua ngôi sao đàn chị Julie Christie, người được tiên đoán sẽ đăng quang lần thứ hai, giành Oscar Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại lễ trao giải thưởng của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ tối 24.2.

Vai diễn của Cotillard là Edith Piaf, ca sĩ Pháp huyền thoại, nổi danh trong thập niên 1940-1950. Cô đào 32 tuổi đã hoá thân vào ca sĩ này trong một quãng đời khá dài, từ khi còn là cô gái chập chững vào làng biểu diễn Pháp, cho đến khi qua đời ở tuổi 47 vì chứng nghiện rượu.

Cuộc đời của Edith Piaf là những thăng trầm vinh quang xen lẫn khổ đau của người nghệ sĩ tài danh.

Cũng giống như trường hợp Jamie Foxx hoá thân vào Ray - huyền thoại nhạc Jazz và Blues Mỹ, Cotillard đã làm cho khán giả tin rằng họ đang theo dõi cuộc sống của Edith Piaf trên màn ảnh.

Trong đoạn video này , bạn có thể thấy Cotillard đã diễn xuất những cung bậc tình cảm khác nhau giỏi như thế nào: sự hạnh phúc tràn trề của người phụ nữ đang yêu; thái độ tức tối, thói đỏng đảnh của một ngôi sao; sự sợ hãi, nỗi đau khổ, tinh thần hoảng loạn của người đàn bà bị mất người tình.

Tất cả được Cotillard thể hiện xuất sắc trong một cú bấm máy dài 5 phút.

Chỉ những diễn viên tài năng mới diễn được như vậy.

Chứng tỏ các thành viên của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ đã không nhầm.

CHÚT BUỒN BÊN TƯỢNG KIM ĐỒNG


Chắc ai ở Việt Nam cũng biết anh Kim Đồng, người đội viên thiếu niên tiền phong đầu tiên.

Trẻ con từ cấp một đã thuộc lòng bài thơ: "Anh Kim Đồng làm liên lạc/Mang thư mật rất tài tình/Đi một mình trong rừng tối/Khi lội suối lúc trèo đèo...", hoặc câu hát: "Đùng đùng đùng, đoàng đoàng đoàng, anh vẫn đi..."

Lên Cao Bằng, thăm Pắc Bó vừa rồi, chúng tôi không thể không dừng chân thắp nén hương trước mộ của anh ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng.

Mộ nằm trong khu tưởng niệm nhỏ tựa lưng vào núi, quay mặt ra con đường dẫn vào khu di tích Pắc Bó. Một con suối nhỏ nước trong vắt soi bóng cây cầu mang dáng vẻ điển hình của miền núi khiến phong cảnh thêm thơ mộng.

Khu tưởng niệm xinh xắn gắn liền với con số 14 - số tuổi của người anh hùng nhỏ tuổi: 14 ngọn cây cao đứng trầm mặc trong gió như chào khách ở phía trước, 14 vòng tròn làm thanh thoát những phiến đá đứng đằng sau.

Bức tượng Kim Đồng bằng đá trắng khá đẹp, phù hợp với cảnh quan.

Hoá ra trong khu tưởng niệm không chỉ có mộ của Kim Đồng. Ở đó còn có phần mộ của thân mẫu Kim Đồng, bà được phong danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".

Ở góc phải phía sau có một tán cây to có treo biển. Du khách tò mò rẽ vào góc đó sẽ biết được ngôi mộ của Kim Đồng nằm ở vị trí đó. Sau này, khi xây dựng khu tưởng niệm, người ta đưa ngôi mộ ra vị trí chính giữa như hiện nay.

Khi chuẩn bị bước vào khu tưởng niệm, bạn sẽ gặp 5 bà mế người Nùng ngồi ở hai bên lối đi. Các mế bán đúng một mặt hàng là hương và cùng đồng thanh mời khách.

Thật khó cho mọi người quyết định nên mua hương của ai. Nên các bạn hãy làm như chúng tôi đã làm: Mua của mỗi mế một thẻ với giá 1.000 đ/thẻ.

Các mế đều rất thân thiện, vui vẻ cho bạn mượn diêm để thắp hương. Chút buồn không xuất phát từ các mế.

Nhác thấy bóng xe tấp vào lề đường, từ xa mấy em bé đã chạy đến. Chúng mặc quần áo cũ, nhưng sạch sẽ, nước da trắng, hai má đỏ hồng.

Chúng giơ tay lên đầu như một chiến sĩ nhỏ và cất tiếng chào: "Cháu chào chú ạ, cháu chào cô ạ..." Các bạn đi bao nhiêu người thì chúng chào bấy nhiêu lần. Chào và nhìn thẳng vào mắt bạn một cách thân ái. Thân ái đến mức bạn không thể đáp lại lời chào và bỏ đi một cách vô tình.

Bạn cũng sẽ làm như chúng tôi đã làm: Rút ví lấy tiền lì xì cho mỗi đứa một ít.

Khi bạn thắp hương xong và đi ra thì vẫn thấy chúng đứng đợi bạn ở đó. Chờ để chào tạm biệt và nói: "Cháu chào chú, chúc chú lên đường bình an!". Các bạn có bao nhiêu người, thì chúng cũng chào bấy nhiêu lần.

Hẳn bạn cũng sẽ không tiếc khi cho tiền chúng. Nhưng hẳn bạn sẽ cảm thấy một chút buồn, bởi bạn cũng như tôi, không nghĩ rằng khi đến viếng người đội viên đầu tiên, bạn sẽ phải gặp những đứa trẻ như vậy.

CÓ NÊN ĐỔ VỠ MỘT LẦN NỮA?



Tối qua, tôi nhận được bức thư này của một người phụ nữ:
"Đắn đo mãi, nhưng cuối cùng em cũng muốn được xin một lời khuyên của anh. Em thực sự đang ở trong tình cảnh vô cùng tuyệt vọng.

Sau một lần gia đình đổ vỡ, em yêu người đàn ông thứ hai. Anh ấy cũng ở trong tình trạng như em. Mỗi người đều có một con riêng. Yêu được một năm thì chúng em quyết định chung sống. Cả anh ấy và em đều yêu thương hai đứa trẻ. Cuộc sống tưởng chừng như viên mãn.

Nhưng thời gian gần đây em phát hiện ra chồng mình vẫn quan hệ với cô người yêu cũ. Em đã rất không bằng lòng và yêu cầu anh ấy chấm dứt. Thế nhưng anh ấy bảo em rằng cô ấy đã có thai rồi. Anh ấy nói anh ấy chỉ thương cô gái kia vì đã hơn 30 tuổi rồi mà chưa lập gia đình, trong khi vẫn còn yêu anh ấy và từ trước đến nay cô ta chỉ yêu chồng em mà thôi.

Em tưởng như không thể chịu nổi điều đó. Em gần như phát điên lên, đập phá đồ đạc rồi lại khóc cho đến khi gần như ngất đi. Anh ấy thu dọn và vỗ về em, nói là vẫn yêu em. Mà anh ấy cũng không muốn bỏ em, vì biết em yếu đuối, sợ em không chịu nổi sự đau đớn đó.

Em nhiều lần ước rằng mình có thể chết đi. Sự việc hơn 2 tháng rồi mà em vẫn không thể nào quyết định được. Em không dám ra đi, dù đã nhiều lần quyết tâm. Vì đây là lần thứ hai rồi, bố mẹ em sẽ thế nào, mọi người xung quanh nữa. Em có bao nhiêu tiền thì đưa hết anh ấy để kinh doanh, giờ không biết phải xoay sở ra sao. Em sẽ ko dám về nhà bố mẹ nữa nên chắc sẽ phải thuê nhà... quá nhiều thứ phải lo khiến em hết lần này đến lần khác chùn bước.

Mà anh ấy bảo rằng, không thể không quan tâm đến con của anh ấy được. Làm sao em có thể sống trong tình cảnh này được mãi? Thực sự em bế tắc vô cùng. Mong ở anh một lời khuyên".

Tôi đã trả lời như sau:

"Quả thực anh thấy bối rối khi đọc bức thư của em. Thật khó hình dung, hai người đều đã một lần đổ vỡ mà anh ta lại xử sự khinh xuất như vậy. Nếu quả thực cô ấy chỉ cần có một đứa con, thì chuyện này có thể bỏ qua. Nhưng đằng này họ lại có tình cảm với nhau.

Anh lưu ý em là giữa em và anh ta hầu như không có gì chung. Còn giữa anh ta và cô ấy có một đứa con. Như vậy, khả năng níu kéo tình cảm với anh ta từ phía em mong manh vô cùng.

Có lẽ không gì tốt hơn là một cuộc chia tay. Anh biết các cuộc chia tay bao giờ cũng đau khổ. Nhưng chắc không có sự lựa chọn nào khác. Em có thể đau khổ 1-2 năm sau cuộc đổ vỡ này, nhưng điều đó sẽ không thấm tháp gì so với cả phần đời đau khổ về sau.

Anh luôn ủng hộ sự giải thoát khỏi những nỗi đau. Anh thấy cuộc sống là hữu hạn và ta không việc gì phải đắm chìm trong đau khổ và tự hành hạ bản thân. Có thể thời gian đầu em sẽ phải thuê nhà, hai mẹ con sẽ phải tự chăm sóc nhau. Nhưng không có bố mẹ nào ngoảnh mặt trước nỗi đau của con, nhất là nỗi đau ấy không phải do em gây ra.

Anh không phải là ông thánh, và có thể tư vấn không đúng. Em hãy tham khảo thôi. Hy vọng em sẽ có sự lựa chọn đúng đắn".

Người phụ nữ trả lời:

"Em thực sự cảm động vì nhận được thư của anh. Những gì anh phân tích đều đúng. Và em cũng đã nghĩ rằng mình lại phải ra đi. Em cũng đã nói với anh ấy như thế, nhưng anh ấy không đồng ý. Vẫn nói yêu em, thương bọn trẻ con.

Em nghĩ rằng mình cần chờ thêm một thời gian nữa, để khẳng định chắc chắn cô kia có thai hay không và để bọn trẻ con nhà em học hết năm học này. Quan trọng hơn cả là em cần cố gắng để có bản lĩnh, để bước ra khỏi cuộc hôn nhân này".

Sau khi nhận được sự đồng ý của cô, tôi post bức thư này lên blog, ngõ hầu mong nhận được sự chia sẻ của mọi người.

24/2/08

THIÊN THẦN NHỎ RA ĐI



Đôi khi mục đích công việc của chúng tôi lại được thể hiện rõ ràng qua những trường hợp có thật. Đó không chỉ còn là những “con số thống kê” nữa. Một em bé của dự án Mũ bảo hiểm cho Trẻ em – Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á - bé Lê Xuân Hân, 8 tuổi đã ra đi mãi mãi khi bé và em gái đang được ba mẹ chở bằng xe máy đi thăm Tết ông bà.

Ba và Mẹ đều đội mũ bảo hiểm, trừ bé Hân và em gái 7 tuổi. Lúc đó là 10 giờ sáng Chủ Nhật, một thanh niên say rượu phóng xe máy ngược chiều đã đâm thẳng vào xe nhà bé Hân. Người đó chết ngay tại chỗ.

Cả gia đình bé Hân lập tức được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Anh Lê Xuân Hùng, ba của bé Hân bị gẫy xương sườn và tràn khí màng phổi, buộc phải mổ lần hai. Mẹ Nguyễn Thị Xuân Diễm bị rách da cằm và xây sát toàn thân.

Cả ba và mẹ không ai bị chấn thương đầu vì đã đội mũ bảo hiểm. Ngược lại, bé em Lê Minh Như bị chấn thương và rách da đầu do không đội mũ bảo hiểm. Bị chấn thương sọ não nghiêm trọng, bé Hân đã không bao giờ tỉnh lại sau tai nạn đó. Bé đã mất tại bệnh viện ngay ngày hôm sau. Cũng vì không có mũ bảo hiểm bảo vệ.

Hôm qua, chúng tôi tới gặp ba mẹ em tại TPHCM. Anh chị vẫn còn rất khủng hoảng sau cái chết của con gái và tai hoạ bất ngờ ập đến gia đình họ. Câu đầu tiên chị Diễm nói với chúng tôi là “Tôi sẽ không thể tha thứ cho mình, không bao giờ!” và chị nói đi nói lại rằng hôm đó, khác với thường lệ, anh chị đã không đội mũ bảo hiểm cho các con bởi “chúng tôi không đi xa lắm”.

Em bé Như vẫn chưa hiểu rằng chị Hân sẽ không bao giờ trở về chơi với em được nữa.. Hai chị em đã luôn như hình với bóng. Cả cô giáo và bạn học của bé Hân đều đến dự đám tang của Bé. Bé Hân luôn là học sinh dẫn đầu của lớp. Bé còn cả một tương lai xán lạn phía trước.

Tôi xin được chia sẻ nỗi đau và sự mất mát này. Bé như là một trong những “đứa con” của tôi.

Thử tưởng tượng bạn sẽ ra sao nếu điều tương tự xảy ra với gia đình bạn?

Những câu chuyện thương tâm thế này sẽ còn tái diễn ở Việt Nam nếu cứ mỗi ngày các bậc phụ huynh, những người luôn luôn đội mũ cho mình mà không đội mũ cho con. Hàng ngày, sẽ có thêm trẻ em ra đi mãi mãi vì tai nạn giao thông vì không đội mũ trong khi bố mẹ chúng thì sống sót nhờ đội mũ. Mỗi ngày, sẽ có thêm những bậc cha mẹ đau đớn vì cái chết do chấn thương sọ não của con mình.

Trái lại với thành công ngoạn mục ngày 15/12 khi 99% người tham gia giao thông đều đội mũ bảo hiểm, thì nay, tỉ lệ trẻ em đội mũ đang giảm rất nhanh. Trong thành phố, chỉ còn khoảng 5%. Ở nông thôn, còn thấp hơn nữa. Thật không phải. Trẻ em là tương lai của chúng ta.

Tôi định bằng tất cả sức lực của mình, sẽ làm tất cả những gì có thể để cái chết của bé Hân không uổng. Mất mát do chấn thương sọ não là không cần thiết, và bất cứ một cái chết thương tâm nào do không đội mũ bảo hiểm là không thể chấp nhận được.

Tôi kêu gọi cơ quan chính quyền và lực lượng CSGT hãy vào cuộc ngay lập tức để chặn đứng các thiếu sót và lầm tưởng về qui định bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Cần phải ngay lập tức sửa đổi qui định xử phạt hành chính với hành vi không đội mũ bảo hiểm và áp dụng quy định xử phạt đối với tất cả người lớn chở trẻ em dưới 14 tuổi mà không đội mũ cho các em. Điều đó chắc chắn sẽ có tác động tốt. Tôi kêu gọi các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và các bảo mẫu hãy luôn đảm bảo rằng tất cả các bé đều luôn luôn được đội mũ. Không có bất kỳ ngoại lệ nào.

Nhóm Khuyến Khích Đội Mũ Bảo Hiểm Việt Nam do tôi đứng đầu, trong Giai đoạn III của chiến dịch tuyên truyền mũ bảo hiểm, sẽ tiếp tục tập trung vào việc giáo dục cha mẹ và các bé về sự cần thiết phải đội mũ bảo hiểm mọi lúc, mọi nơi.

Các bậc cha mẹ cần biết rằng không có bất kỳ một loại thuốc nào có thể chữa được chấn thương sọ não. Mũ bảo hiểm chính là vắc xin duy nhất đến nay có khả năng cứu sống tính mạng của trẻ. Cha mẹ cũng cần biết rằng đầu trẻ em, cũng như đầu người lớn, cần phải được bảo vệ.

Tất cả tình yêu thương trên khắp thế gian này cũng không thể nào giành lại sự sống cho một em bé xấu số. Đừng mạo hiểm với tính mạng của bé. Đừng đánh mất bé mãi mãi. Hãy đội mũ bảo hiểm cho các bé.

Trân trọng,

Greig Craft
Chủ tịch/Sáng lập viên
Quỹ phòng chống Thương vong Châu Á
Dự án Mũ bảo hiểm cho trẻ em
Email: greig.craff@aipf-vietnam.org

21/2/08

Ở NGA, GIÀU NHẤT KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI NGA



1. Oleg Vladimirovich Deripaska (Олег Владимирович Дерипаска), sinh năm 1968. Người Belarus. Với tổng tài sản trị giá 40 tỷ USD, hiện ông trùm ngành kim loại 40 tuổi Oleg Deripaska là tỷ phú giàu nhất Nga. Là tỉ phú có mối quan hệ tốt nhất với Tổng thống Putin.

2. Roman Arkadyevich Abramovich (Рома́н Арка́дьевич Абрамо́вич) sinh năm 1966. Abramovich sống trong trại trẻ mồ côi từ năm lên 3. Abramovich hiện là Chủ tịch Câu lạc bộ Chelsea kiêm Tỉnh trưởng Chukotka có tổng tài sản trị giá 23 tỷ USD. Abramovich là người Do Thái.

3. Vladimir Lisin, ông chủ Hãng thép Novolipetsk, xếp thứ ba trong danh sách những người giàu với tổng tài sản vào khoảng 22,3 tỷ USD. Lisin sinh năm 1956, là người Nga.

4. Mikhail Maratovich Fridman (Михаи́л Мара́тович Фри́дман) - cổ đông lớn nhất Tập đoàn Alfa, chiếm vị trí thứ tư trong danh sách, với 22,2 tỷ USD. Ông là người Do Thái.

5. Alexei Mordashov, cổ đông lớn nhất của Tập đoàn luyện kim Severstal xếp thứ năm với 22,1 tỷ USD. Mordashov sinh năm 1965, người Nga, đồng hương với Tổng thống Putin. Ông nổi tiếng với vụ li dị vợ. Mặc dù giầu nứt đố đổ vách, nhưng ông chỉ chia cho vợ căn hộ nhỏ và một chiếc xe hơi Lada second hand.

6. Vladimir Olegovich Potanin (Владимир Олегович Потанин), đồng sở hữu Tập đoàn Norilsk, đang có 21,5 tỷ USD. Ông là con một nhà ngoại giao tầm cỡ, đã tốt nghiệp đại học quan hệ quốc tế Mátxcơva. Potanin sinh năm 1961, là người Do Thái.

7. Mikhail Prokhorov (ảnh) hiện sở hữu 21,5 tỷ USD nhờ vàng và nickel. Ông sinh năm 1965, là người Nga. Prokhorov hiện vẫn độc thân, nổi tiếng vì đã từng bị bắt ở Pháp trong vụ bê bối liên quan đến gái mại dâm.

8. Suleyman Abusaidovich Kerimov (Сулейман Абусаидович Керимов), sinh năm 1966, là người Dagestan. Kerimov phất lên nhờ chứng khoán, hiện nắm giữ 18 tỷ USD. Ông là đại biểu Duma Quốc gia.

9. Viktor Feliksovich Vekselberg (Виктор Феликсович Вексельберг). Ông là người đồng sở hữu Tập đoàn Renova, hiện có 15,5 tỉ USD. Ông sinh năm 1957, là người gốc Đức.

10. Vagit Alekperov (Вагит Юсуфович Алекперов), Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Lukoil, với 13,5 tỷ USD. Ông sinh năm 1950, là người Azerbaijan.

Nếu kéo dài thêm danh sách, ta sẽ thấy đa số tỉ phú ở Nga là người Do Thái, người vùng Kavkaz... Người Nga không giàu trên đất nước của mình.

Tham khảo thêm:
http://www.laodong.com.vn/Home/sknb/2008/2/77476.laodong

20/2/08

Ê CHỀ DU XUÂN



Anh bạn tôi trở về sau chuyến du Xuân với gương mặt đưa đám. Anh than: "Thất bại ê chề quá cậu ạ!"

Từ trước Tết tôi đã biết cái kế hoạch du Xuân này. Số là toàn bộ đàn ông học cùng đại học với anh quyết định tổ chức một chuyến đi chơi đặc biệt. Họ xuất hành vào ngày 4 Tết, sau khi đã trọn tình vẹn nghĩa với vợ con, gia đình nội ngoại và cấp trên.

Xong nghĩa vụ tức là có thể tính đến tự do của mình, nên tất cả sẽ lên đường mà không mang vợ con theo cùng. Đích đến là Mũi Né (Phan Thiết), phương tiện là 2 chiếc Innova, 2 chiếc Captiva, 1 chiếc Zace, 1 chiếc Jolie.

30 anh chia đều lên 6 chiếc xe, đến đâu thì nghỉ lại đó một ngày đêm thăm thú thắng cảnh rồi lại đi tiếp. Sao cho đúng tối 14 âm phải trở về HN để ngày 15 lại phục vụ vợ cúng rằm tháng Giêng.

Họ gọi chuyến du xuân là "hành trình của đàn chim Việt".

Không biết mọi người giải thích với vợ thế nào về lý do chuyến đi, nhưng cả 30 anh đều có mặt đúng ngày đúng giờ. 6 chiếc xe được đổ đầy xăng và tất cả lên đường. Ai ai cũng háo hức phấn khởi, y như hồi cách đây một phần tư thế kỷ được du lịch lên thăm công trường xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình.

Họ dừng ở Huế, đương nhiên đi nghe hò Huế trên đò dọc sông Hương.

Rồi đi tiếp đến Nha Trang. Dự tính sang Vinpearl rồi đi tắm bùn. Nhưng đến Nha Trang thì anh nhận được một cú điện thoại. Của VỢ.

Chị nói ríu rít: "Anh ơi, ra đón em!".

Anh tưởng mình nghe nhầm: "Ra đâu, đón em nào?"

"Ra sân bay Cam Ranh. Em tính giờ này anh phải đến Nha Trang rồi, nên em mua vé máy bay đi nghỉ với anh cho vui. Bà ngoại đồng ý trông con hộ", chị vui vẻ thông báo.

Đất dưới chân anh như sụt xuống. Thế là chuyến đi tự do tiêu tan. Nghe anh lầu bầu hỏi chìa khoá xe để đi đón vợ, 29 người đàn ông hạnh phúc giả vờ thông cảm: "Thôi, coi như là chuyến trăng mật thứ hai".

Rồi tất cả bật lên cười khoái trá.

Họ để vợ chồng anh li khai, hưởng trăng mật ở Vinpearl, còn họ thì tiếp tục rong ruổi đi Mũi Né tận hưởng cảm giác tự do của tuần lễ còn lại...

- Có gì mà ê chề đâu? - tôi an ủi anh.

- Ê chề chứ. Như thế tư cách thằng đàn ông trong mắt bạn bè đồng môn nó thê thảm lắm. Từ nay mình sẽ trở thành câu chuyện đầu lưỡi trong mọi cuộc gặp mặt với đám này. Sao 29 bà vợ kia tin chồng mà bà vợ tôi lại không tin tôi?

- Thì thế gian cũng phải có người này người kia chứ? Với lại anh có giải thích với chị ấy là các anh đi "du lịch xanh" không?

- Nói rất rõ là bọn anh sẽ không làm chuyện gì xấu cả, nhưng cô ấy bảo: Thế sao không gọi tên khác mà lại đặt là "hành trình của đàn chim Việt"? Mình bảo: "Gọi tếu táo thế cho nó vui thôi", nhưng cô ấy phán: "Trong mỗi câu chuyện cười, bao giờ cũng có một phần cười!". Bó tay chấm cơm.

Ảnh từ Internet

19/2/08

NHỚ VỀ NGHỆ SĨ "XA KHƠI"



Sinh thời mẹ tôi mê "Xa khơi" lắm. Năm thì mười hoạ, bài hát ấy mới được phát trong chương trình "Ca nhạc theo yêu cầu thính giả" trên Đài tiếng nói Việt Nam vào lúc 8h sáng Chủ nhật hàng tuần thì phải.

Mẹ say sưa nghe "Xa khơi" qua tiếng loa truyền thanh từ thị đội vọng qua phố sang gian nhà mà mẹ con tôi ở. Những lúc ấy thấy gương mặt mẹ thật thư thái.

Người trình bày ca khúc ấy là Tân Nhân. Mẹ tôi hay nhắc đến tên bà bằng một giọng trìu mến. Thời đó chưa có tivi, các nghệ sĩ tầm cỡ như bà chẳng bao giờ lên cái thị xã miền núi heo hút này, nên đài phát thanh là phương tiện duy nhất để được nghe giọng hát của bà.

20 năm trôi qua. Năm 1997, làm chương trình "Những bài hát còn xanh" trên VTV1, một trong những bài hát đầu tiên mà nhóm chúng tôi đưa vào kế hoạch sản xuất và phát sóng đầu tiên chính là "Xa khơi" của Nguyễn Tài Tuệ do NSƯT Tân Nhân trình bày.

Tôi được phân công đi phỏng vấn bà. Đương nhiên, tôi sung sướng nhận lời.

Bà hẹn gặp tôi vào một buổi sáng mùa hè. Nhà bà ở ngõ trên phố Lý Thường Kiệt, phía sau Đại sứ quán Cuba.

Bà đón chúng tôi vào căn nhà giản dị. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy một nghệ sĩ tầm cỡ như vậy lại sống đơn sơ đến như vậy. Căn nhà của bà không có đồ đạc gì đáng kể, tất cả được sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ.

Bản thân giọng ca huyền thoại cũng ăn mặc rất giản dị, cư xử một cách dân dã, không có một dấu hiệu nào chứng tỏ bà là ngôi sao, ngoại trừ một vẻ đẹp sang trọng và nhẹ nhõm, mặc dù đã ở tuổi 65.

Bà tiếp chúng tôi thân tình lắm, đáp ứng rất tận tình mọi yêu cầu của nhóm làm phim. Bà trả lời các câu hỏi của tôi với sự sâu sắc, từng trải và thâm trầm của một nghệ sĩ lớn.

Không nhớ vì lý do gì mà trong khi trò chuyện với bà, tôi có hát vài câu từ một bài hát nào đó. Bà nhận xét: "Này cháu có giọng hát không đến nỗi nào, chỉ cần thêm một chút kỹ thuật lá có thể hát được đấy". Tôi nói: "Cháu 30 rồi bác ơi, học hát giờ này là quá muộn". Bà cười: "Không bao giờ muộn cả. Vấn đề là mình có muốn hay không cháu ạ".

Chương trình giới thiệu "Xa khơi" là một trong những chương trình hay nhất của series "Những bài hát còn xanh" hồi đó.

Những nội dung trong buổi trò chuyện với bà khi đó không thể đưa được vào hết chương trình. Tôi viết lại trong một bài ký chân dung về bà đăng trên ấn phẩm Nông thôn Ngày nay cuối tháng. Tình cờ, nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha đọc được, và đề nghị tôi được đăng lại trên tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ VN.

Sau khi xem chương trình phát trên truyền hình và đọc bài báo, nghệ sĩ Tân Nhân đã gọi điện cảm ơn tôi. Bà là nghệ sĩ duy nhất xuất hiện trong series "Những bài hát còn xanh" làm động tác này.

Bà còn nói, nếu cháu muốn học hát thì đợi bác đi thăm con bác ở bên Đức về, bác sẽ dạy.

Tôi không học hát nên đã không liên lạc lại với bà. Sau khi đi Đức về, bà chuyển vào sinh sống tại TPHCM cho đến khi qua đời cách đây vài ngày.

Bà đã đi xa, và để lại trong tôi những tình cảm thật ấm áp về một nghệ sĩ lớn.

18/2/08

CẠM BẪY



Sau 20 năm tốt nghiệp đại học, chúng tôi mới tổ chức được cuộc họp lớp đầu tiên. Cá lẻ người này gặp người kia thì nhiều, nhưng cả lớp gặp nhau thì chưa có dịp nào.

Tại lễ tốt nghiệp hồi tháng 7.1988, cả lớp đã thoả thuận sẽ gặp lại nhau năm 2000. Hồi đó chưa ai tiên đoán điện thoại di động với email, nên hẹn nhau đọc báo Nhân Dân để biết lịch gặp. Nhưng cuộc gặp năm 2000 đã không diễn ra theo kế hoạch vì nhiều lý do khác nhau.

Mãi đến năm nay mới gặp được nhau. Cả lớp chỉ có hơn hai chục người, nhưng không phải ai cũng đến được:

- Hai bạn đang ở nước ngoài, đều đi theo chồng: Một ở Australia, một ở Ba Lan;
- Một bạn ở tận Vũng Tầu, không thu xếp ra HN được;
- Ba bạn vắng mặt vì lý do riêng: 1 bạn bận tang lễ của người thân; một bạn bận việc gia đình; một bạn thì... thi lễ hội cùng chồng (lý do lãng xẹt, 20 năm mới gặp lại các bạn đồng môn mà không hoãn được sự sung sướng đi chơi với chồng);

17 người gặp nhau, 17 khoảnh khắc mùa xuân... hè hè, chính xác hơn là đã qua mùa xuân một tí. Một số bạn lần đầu tiên tôi được gặp lại sau 20 năm, vui lắm. Tất cả các bạn đều tự tin, chứng tỏ đã tìm được vị trí của mình trong cuộc sống.

Không ai li dị. Tất cả đang sống với cuộc hôn nhân đầu tiên. Một số bạn có hai con gái, thì cũng từng ấy bạn có hai con trai. Thật là khéo cân bằng.

Số người có xe hơi, hoá ra cũng không phải là ít.

Tất cả thoả thuận từ nay sẽ gặp nhau thường niên, vào thứ Bảy đầu tiên sau rằm tháng Giêng. Năm nay ở Hà Nội, nhưng từ năm tới có thể sẽ ở Hải Phòng, Nam Định, hoặc một địa phương nào đó khác.

Cuộc gặp vui và có nhiều điều thú vị, nhưng có câu chuyện này là vui nhất:

Một anh bạn khá thành đạt sau mười mấy năm làm việc tại một doanh nghiệp địa phương. Cách đây vài năm, anh mua nhà, đưa cả gia đình lên Hà Nội. Hôm qua, khi được hỏi cảm tưởng về cuộc sống ở Hà Nội, anh đáp thành thật:

- Tớ phải công nhận ở Hà Nội rất lắm cơ hội và khả năng, nhưng ở đây cũng thật nhiều cạm bẫy!

Cả bọn ôm bụng cười trước vẻ mặt ngơ ngác của anh. Anh vẫn thế, vẫn ngây thơ, và có phần ngô nghê như ngày nào. Chẳng ai nghĩ có người lừa anh vào cạm bẫy để làm gì.

Nhưng mà dù sao cũng cảm ơn bạn: Đúng là cuộc đời rất nhiều cạm bẫy.

17/2/08

17 THÁNG HAI



Bạn có nhớ ngày hôm nay?

Thưa bà con, hôm nay là ngày 17.2. Cách đây 29 năm, chiến tranh đã nổ ra trên dọc tuyến biên giới phía Bắc.

Cuộc chiến chỉ kéo dài 17 ngày, nhưng cũng gây ra bao tổn thất, đau thương...

Đối với một đứa trẻ 13 tuổi, sống ở thị xã gần biên giới như tôi, thì đó là một ký ức không phai mờ.

Chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ quên cuộc chiến đó.

Ảnh: Lạng Sơn tan hoang sau chiến tranh biên giới tháng 2. 1979.

15/2/08

CẢI LƯƠNG TIẾP TỤC CẢI LƯƠNG



Tôi là người Bắc, tôi không nghiền cải lương, nhưng biết đánh giá thế nào là một vở cải lương hay, biết thưởng thức ngón nghề đờn ca của các nghệ sĩ và có được cảm giác thoả mãn với một vở cải lương đích thực.

Wikipedia bản tiếng Việt định nghĩa cải lương như sau:

"Cải lương, nghĩa đen là đổi mới, là một loại hình nghệ thuật sân khấu kịch hát của miền nam Việt Nam, trên cơ sở dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long, nhạc tế lễ, và bản Vọng cổ. Nghệ thuật này ra đời vào năm 1917, chịu nhiều ảnh hưởng của âm nhạc Tây phương hơn so với các nghệ thuật thuần túy như hát chèo và hát bội. Đề tài của các tuồng cải lương thường liên quan đến các điển tích và những vấn đề xã hội. Hiện nay cải lương vẫn còn thịnh hành, đặc biệt là tại miền nam Việt Nam" (*).

Phải nói, cải lương - như một bộ môn nghệ thuật được đổi mới, có ảnh hưởng sâu rộng và sức sống mãnh liệt. Bằng chứng là cả miền Nam không có đoàn chèo nào. Chèo là bộ môn nghệ thuật rặt Bắc và chỉ có ở miền Bắc và chỉ có người Bắc hát, thì cải lương - xuất thân từ Nam Bộ - lại phát triển rất rầm rộ ở miền Bắc, tạo nên một trường phái cải lương Bắc kết hợp được tinh hoa của nghệ thuật đờn ca Nam Bộ với cách xử lý niêm luật của sân khấu hiện đại.

Ngày xưa, rất nhiều địa phương ở phía Bắc có đoàn cải lương. Trước 1954, đoàn Chuông Vàng của Hà Nội với những tài tử Bắc kỳ đã làm mưa làm gió trên sân khấu Sài Gòn. Khi đất nước bị chia làm 2 miền, thì ở miền Bắc, ngoài những đoàn hát cải lương tập hợp những nghệ sĩ Nam Bộ tập kết, còn có những đoàn cải lương của người Bắc rất nổi tiếng như Đoàn Cải lương Thái Bình (tung hoành ngang dọc trong thập niên 1970 với vở "Lửa phi trường"), hay Đoàn Cải lương Hoa Mai (Hà Sơn Bình) với Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tưởng hát hay không thua kém Út Trà Ôn, Thành Được...

Miền Nam giải phóng, cải lương từ miền Nam ra nhanh chóng chinh phục công chúng miền Bắc XHCN. Thời đó những vở diễn của các nghệ sĩ miền Nam như "Làm lại cuộc đời", "Cây sầu riêng trổ bông", "Tiếng hò sông Hậu", "Tô Ánh Nguyệt", "Đời cô Lựu", "Lá sầu riêng", "Bên cầu dệt lụa", "Tiếng trống Mê Linh".. đã khiến khán giả miền Bắc say mê. Cải lương mang đến cho công chúng miền Bắc sự ngọt ngào lạ lẫm với cách diễn khác, cách khai thác những chủ đề gần gũi về số phận con người, tình người và đặc biệt là những kết cục có hậu.

Có lẽ đó là thời hoàng kim của cải lương. Khi nghệ sĩ Thanh Nga bị sát hại, khán giả miền Bắc tiếc thương chị chẳng khác gì khán giả miền Nam. Còn nhớ, Đài Truyền hình Trung ương khi đó không kịp ghi hình vở diễn cuối cùng với diễn xuất của Thanh Nga là "Thái hậu Dương Vân Nga". Để đáp ứng nhu cầu của công chúng, đài đã phải quay vở diễn này với diễn xuất của nghệ sĩ Kim Hương. Lịch phát sóng được công bố trước nhiều ngày và khán giả tụ tập rất đông trước các màn hình đen trắng ở hội trường các công sở. Phát thanh viên ngậm ngùi giải thích rằng, thật tiếc chúng ta không được xem Thanh Nga, mời các bạn (thời đó chưa gọi quý vị như bây giờ) xem Kim Hương.




Ngọc Giàu ca "Dạ cổ hoài lang"
Thế hệ vàng của cải lương đã qua. Cải lương đã ngắc ngoải trong suốt hơn 2 thập kỷ. Bây giờ, người ta ít biết "cải lương" là sự đổi mới, mà những gì dính đến cải lương bị coi là xí xọn, loè loẹt, cầu kỳ vô lối, sến... Khổ thay khi cải lương đồng nghĩa với những điều như vậy.

Cái gọi là cải lương bây giờ thực ra không thể xem được. Một số nghệ sĩ vẫn ca hay, diễn hay đấy, nhưng một mình họ chẳng thể hồi sinh được sân khấu cải lương. Xem cải lương tức anh ách khi thấy kịch bản vô lý không thể tưởng tượng, các màn tấu hài lê thê - vô bổ - nhạt hoét; các diễn viên bất kể đóng vai nào đều vô cùng xinh đẹp phục trang lộng lẫy (nữ tì của sân khấu các lương chắc chắn mặc đẹp hơn công chúa thời xưa); các nam diễn viên thì xinh đẹp hệt như các nữ diễn viên.

Gần đây dư luận nói nhiều đến những nỗ lực làm mới sân khấu cải lương. Cải lương giờ đây phải kết hợp với dàn nhạc giao hưởng, phải đưa ra sân vận động, phải có sự tham gia của các ca sĩ đang hot, phải có sân khấu hoành tráng ánh sáng laser kèm theo những kỹ thuật phi thân như trong rạp xiếc. Nói nôm na thì cải lương đang tiếp tục cải lương.

Thiển ý của tôi, thì cách này sẽ chẳng đi đến đâu. Cải lương đã được cải lương trong 3/4 đầu của thế kỷ 20 để đến rất gần với công chúng và đã thành công. Thời đó cải lương có những kịch bản xuất sắc, những nghệ sĩ xuất sắc và một công chúng xuất sắc. Phải chăng thời hoàng kim đã qua?

Có lẽ cải lương không cần cải lương thêm nữa, hãy quay lại với cung cách và niêm luật đã biến cải lương thành classic thì hơn.


Lạm bàn một tí, ai có ý kiến nào hay thì chia sẻ trong comment nhé. Xin cảm ơn trước.

(*): Xem http://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BA%A3i_l%C6%B0%C6%A1ng

Ảnh: Cải lương giờ có cả dàn nhạc giao hưởng, dàn đồng ca và đu bay như trong rạp xiếc. Cảnh từ vờ "Chiếc áo thiên nga" sắp công diễn ở TP.HCM. Ảnh: VNExpress.


14/2/08

PHIM HAY NHẤT VỀ TÌNH YÊU



Nếu có ai đó hỏi: "Bộ phim nào về tình yêu anh cho là hay nhất". Tôi sẽ không ngần ngại trả lời: "Bệnh nhân người Anh" (The English Patient) của đạo diễn Anthony Minghella, đoạt đến 9 giải Oscar năm 1997.

Lần đầu tiên, tôi xem bộ phim này do một đồng nghiệp trẻ trong cơ quan mang đến. Đó là hai cuộn băng video, hình không được đẹp lắm, thuyết minh tiếng Việt không mấy chuẩn. Tuy nhiên, bộ phim tác động mạnh đến nỗi, xem xong phim tôi buồn mất mấy ngày.

Lần thứ hai xem phim với ex ở rạp Ngọc Khánh. Trong rạp có muỗi khiến ex của tôi vừa xem vừa phải quạt chân để ngăn muỗi đốt. Xem xong phim cả hai cùng rưng rưng.

Lần thứ ba và một vài lần sau nữa thì xem ở nhà, sau khi đã mua hẳn một bộ DVD hai đĩa để xem qua cái home theatre. Xem đi xem lại, nhưng lần nào cũng bâng khuâng.

Bộ phim có một số chi tiết tương đối sến, khiến không ít khán giả phải rơi nước mắt, nhất là kết cục đầy éo le giữa hai nhân vật chính. Nhưng đó không phải là mối tình duy nhất trong phim. Gây ấn tượng mạnh đối với tôi, và nhiều khán giả nữa, có lẽ là mối tình đơn giản hơn, chân thực hơn giữa cô y tá người Canada và người lính công binh Ấn Độ.

Đoạn nàng ngắm nhìn chàng gội mái tóc dài; đoạn chàng buộc người nàng vào dây và kéo lên cao xem những kiệt tác nghệ thuật được vẽ trên trần một nhà thờ ở Italia; đoạn nàng sợ chàng chết khi đi gỡ bom... Những tình tiết ấy giúp khán giả tin rằng câu chuyện đang diễn ra trên màn ảnh là có thật.

Và hơn hết là diễn xuất sống động và chân thật của nữ diễn viên Pháp Juliette Binoche (ảnh). Trong dàn sao đóng phim này, chị là diễn viên duy nhất đoạt Oscar diễn xuất. Đó là đánh giá cực kỳ chính xác.



Quay phim đỉnh cao. Những trường đoạn quay cát trên sa mạc Châu Phi ở đầu và cuối phim khiến tôi lầm tưởng là đang nhìn thấy một bức thư pháp Trung Hoa khổng lồ.

Âm nhạc thì khỏi phải nói. Bổ sung hoàn hảo cho hình ảnh trong toàn bộ phim.

Tôi cứ có một băn khoăn ngớ ngẩn: Sao người ta có thể trao đến 11 Oscar cho một bộ phim nhảm nhí như "Titanic", sau khi trao có 9 Oscar cho "Bệnh nhân người Anh"?

Có ai chưa xem "Bệnh nhân người Anh" không? Nếu chưa xem thì nên xem. Một lời khuyên rất chân thành nhân ngày Valentine.

13/2/08

THẾ NÀY LÀ THẾ NÀO?



Bác Thiệp, một nhà văn mà mình kính trọng, vừa sang Italia nhận một giải thưởng văn học. Giải thưởng nhỏ thôi, nhưng văn học nước mình được nước ngoài nhìn nhận là vui rồi.

Hôm nay vào VietTimes mới biết bác đã nhận giải cuối tháng Giêng vừa rồi. VietTimes có đăng bài phát biểu của bác Thiệp đọc tại lễ trao giải. Thú thực, mình đọc xong mà chẳng hiểu bác Thiệp định nói gì.

Post lại đây để mọi người cùng tham khảo:

BÀI NÓI TRONG LỄ NHẬN GIẢI THƯỞNG PREMIO NONINO

Kính thưa các quý bà,

Kính thưa các quý ông,

Tôi là Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn đến từ Việt Nam. Tôi rất hạnh phúc khi có mặt ở đây để nhận giải thưởng “Nonino Risit D’Âur Prize 2008”. Đây thật sự là một vinh dự to lớn với tôi. Tôi không phải là người giỏi tưởng tượng, vì thế - không nói ngoa khi cho rằng giải thưởng này ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Kính thưa các quý vị,

Tôi sinh ra, lớn lên, sống và viết văn ở một nước nông nghiệp nghèo. Khi tôi sinh ra (năm 1950), dân số nước tôi khi ấy có chừng 30 triệu người và có đến 90% họ bị mù chữ. Hiện nay tình hình khác trước rất nhiều: dân số nước tôi hiện có chừng hơn 80 triệu và số người mù chữ có lẽ chỉ có khoảng 15%. Ở Việt Nam, văn học (giống như mọi lĩnh vực khác ở trong đời sống kinh tế, xã hội) đang phát triển với tốc độ phi thường. Trước kia, truyền thống văn học ở nước tôi rất gần với “đạo” (một khái niệm có thể hiểu tương tự như tôn giáo).

Ở thế hệ mẹ tôi, các bà già nông dân khi ra đường trông thấy những mảnh giấy có viết chữ thì họ thường cẩn thận nhặt lên, vuốt phẳng phiu và thận trọng cất nó vào những cái bồ vẫn dùng để đựng thóc gạo như một vật bí hiểm thiêng liêng. Ở thế hệ anh tôi, có thi sĩ đã từng viết ra câu thơ cảm động “nhà ta quý sách hơn vàng”. Nhà văn là những người luôn được coi như người khác thường, được quý trọng bởi những điều họ viết ra ắt hẳn có ánh sáng, ắt hẳn có cái gì như một sự khai hoá nhân sinh nào đó cho mọi người.

Nửa thế kỷ trôi qua, văn học Việt Nam bắt đầu hoà nhập ra cùng thế giới, sự phong phú trong cách viết, trong lối nghĩ của các nhà văn cũng khác xa ngày trước. Cách đây hơn 10 năm, vào năm 1997, Internet đã đến Việt Nam và tới nay đã có tới 25% người dân biết sử dụng nó.

Tôi là một nhà văn sinh ra ở nông thôn, mẹ tôi là nông dân. Hiện nay tôi sống ở Thủ đô, các con tôi không còn biết đến những dụng cụ làm nông nghiệp nữa, chúng đọc sách, rồi chúng chán sách, bây giờ chúng chỉ đọc những thông tin trên mạng Internet và chơi game.

Hồi còn bé, khi mới tập viết văn, ông ngoại tôi (vốn là một nhà Nho) có kể cho tôi nghe một câu chuyện khiến tôi nhớ mãi. Câu chuyện như sau:

Ở nơi kia cây cối xum xuê, con người thuần phác có một đạo sĩ rất là thánh thiện. Ông ta ngồi viết văn, dạy trẻ con học và tự mình gieo trồng để lấy cái ăn. Mọi người đều quý mến ông, luôn đến hỏi ý kiến ông về mọi việc và ông thường cho họ những lời khuyên rất chí thánh. Cuộc sống của ông nghèo túng, ông chỉ trùm một cái chăn để che thân người. Khi ngồi làm việc, những con chuột hôi hám, quái ác vẫn thường chạy đến cắn rách cái chăn, chúng làm ông rất khổ sở bực mình.

Thấy vậy, có một người đi qua thương tình bèn biếu cho ông đạo sĩ một con mèo để nó bắt chuột. Dân làng vốn thương ông nên thương luôn con mèo, họ vẫn thường mang sữa đến cho con mèo ăn. Một ngày kia, có một bà hành hương giàu có nghe tiếng thơm nhân đức của ông đạo sĩ bèn mang đến tặng cho ông đạo sĩ một con bò sữa để nuôi con mèo. Dân làng thấy vậy mới làm cho con bò một cái chuồng để nó có chỗ ở khi mưa khi nắng.

“Nhưng bò có nhà mà đạo sĩ lại không có nhà! Để thế sao được?” Dân làng nói với nhau như thế và họ xúm lại làm cho ông đạo sĩ một cái am nhỏ để ở. Từ ngày ấy, ông đạo sĩ không còn nhiều thời giờ để tu niệm và viết văn nữa, ông phải bận rộn để nuôi con bò, con bò lấy sữa nuôi con mèo, còn con mèo đi đuổi lũ chuột. Thấy ông đạo sĩ bận rộn không có thời giờ tu niệm và viết văn như trước, dân làng tốt bụng lại gửi đến cho ông đạo sĩ một người đàn bà để nuôi con bò.

Thế là vị đạo sĩ đã có tấm vải che thân, đã có con mèo bắt chuột, đã có con bò cho sữa, lại có cả người đàn bà săn sóc cho cuộc đời mình. Nhà đạo sĩ không còn giữ được sự yên ổn ở trong lòng mình. Ông ta có hết cả rồi, ông ta trở nên đầy đủ như một phú ông. Ông ta lấy người đàn bà làm vợ. Ít lâu sau, ông ta bắt đầu hay cáu gắt, hay văng tục và nói nhảm nhí, ông ta còn uống rượu, đánh người và đuổi theo các cô gái bằng tuổi con mình.

Con đường hạnh tu của ông đạo sĩ đến đây chấm dứt.

Kính thưa các quý vị,

Câu chuyện của ông đạo sĩ ở trên khá giống với sơ đồ tha hoá của nhiều nhà văn trong một đất nước nông nghiệp lạc hậu đang tiến lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá như ở Việt Nam. Ở Việt Nam, với tốc độ phát triển như hiện nay, nông thôn đang bị phá vỡ, dân chúng không còn đất nữa, cả nước đang như một công trường ngổn ngang. Cuộc sống mới với rất nhiều cơ hội mới đang ào ạt ập đến từng thôn xóm, đến từng gia đình, đến với từng người. Không thể nói điều ấy là không tốt. Điều ấy còn quá tốt nữa là khác. Tuy nhiên, rất nhiều điều khác cũng đang đặt ra đối với mọi người. Ở Việt Nam cứ 20 phút lại có một người nhiễm HIV, cứ 15 phút có một người chết vì tai nạn giao thông. Văn học tham dự vào cuộc sống mới hiện đại đang phát triển như thế nào, giữ vai trò gì luôn là câu hỏi đặt ra cho mỗi người cầm bút.

Kính thưa các quý vị,

Hôm nay tôi đến đây để vinh dự nhận giải thưởng đặc biệt này, tôi không hi vọng viết lại được câu chuyện của ông ngoại tôi theo một kết thúc khác nhưng quả thật tôi cũng thích có những vị đạo sĩ vừa viết văn được, vừa có chăn ấm, vừa có mèo, vừa có bò, lại vừa có người đàn bà hạnh phúc của mình. Thượng đế anh minh vẫn ban cho cuộc sống rất nhiều phép màu không ai biết được!

Kính thưa các quý vị,

Xin cám ơn các quý vị đã lắng nghe những lời nói tầm thường nhưng chân thật này của tôi. Xin cám ơn Ban tổ chức giải thưởng Premio Nonino, xin cám ơn ông bà Maurizo Gatti và Nhà xuất bản ObrarO đã tạo điều kiện tốt nhất để cho tôi có mặt ở nơi đây.

Xin cám ơn tất cả.

Nguyễn Huy Thiệp

Nguồn: http://vietimes.vietnamnet.vn/vn/nhietkevanhoa/4404/index.viet

12/2/08

BÀI HỌC CUỐI CÙNG (2)



Thầy chủ nhiệm lớp 10 cúi xuống, ngập ngừng trong giây lát. Thầy như do dự sau khi nhận được sự ủng hộ của cả lớp và các bạn đồng nghiệp. Nhưng rồi thầy ngẩng lên nhìn mọi người với ánh mắt quả quyết: "Có lẽ sẽ có ai đó chê trách tôi kể chuyện này với các em. Hoặc sẽ dè bỉu tôi vì nói xấu một người vắng mặt. Nhưng quả thực tôi cũng không định im lặng nếu người đó có mặt tại đây. Do vậy tôi vẫn sẽ nói".

"Các em băn khoăn vì sao thầy C, giáo viên chủ nhiệm của các em hồi lớp 8 lại không đến. Có thể các em không biết, nhưng chúng tôi, những đồng nghiệp của ông ngồi đây hôm nay, đều biết rõ nguyên nhân của sự vắng mặt này. Đơn giản là vì ông ấy ngượng, ông ấy không dám nhìn vào mắt chúng tôi.

Thời còn dạy các em, thầy C chắc không có sai sót gì, bởi vì lúc đó ông ấy chỉ là một giáo viên bình thường. Nhưng với khả năng không hề xoàng và sự khéo léo của mình, vài năm sau khi các em ra trường, ông ấy được bổ nhiệm làm hiệu phó, rồi hiệu trưởng. Khi ông ấy lên làm hiệu trưởng thì chúng tôi không còn nhận ra người đồng nghiệp cũ nữa. Ông ấy thay đổi hẳn, trở thành kẻ cơ hội, láu cá và tham lam.

Trong thập niên 1980, chính vào cái thời bao cấp, ông ta đã ăn tiền nhờ thu xếp những trường hợp học trái tuyến, sửa học bạ, nhận giáo viên chuyển trường hoặc tuyển dụng mới. Tóm lại ông ấy làm tiền bất chấp lương tâm và đạo đức của người thầy.

Ông ấy bỏ ngoài tai những lời góp ý của đồng nghiệp. Những người phê bình ông ấy tại các cuộc họp thì bị trù úm. Thầy và một cô giáo cũng có mặt ở đây hôm nay chính là nạn nhân của ông ấy. Chúng tôi đã bị hạ điểm thi đua, bị chậm lên lương, bị phân công dạy vào những lớp có nhiều học sinh cá biệt, bị "ưu tiên" xếp dạy những giờ học trái khoáy nhất...

Kể từ khi về hưu đến nay, chúng tôi không gặp lại ông ấy, vì ông ấy không đến dự bất cứ buổi hội trường hay họp lớp nào. Thực ra chúng tôi cũng chẳng còn giận hờn hay bực bội gì với ông ấy nữa. Cũng muốn gặp để nói với ông ấy một câu là chúng tôi đã quên chuyện cũ, chỉ mong ông ấy sống bình yên trong tuổi già. Nhưng rõ ràng là ông ấy không thanh thản. Tội nghiệp cho ông ấy.

Thầy đã già và năm nay cũng thấy mình yếu nhiều, không biết có còn cơ hội gặp lại các em, các bạn đồng nghiệp một lần nữa hay không. Nên thầy muốn một lần nữa nhắn nhủ các em, mặc dù các em đều đã gần 50 tuổi rồi, rằng đừng bao giờ ăn tiền và làm những điều trái với lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của mình. Hãy sống tốt với nhau, làm sao để đến khi các em 70-80 tuổi nếu còn cơ hội gặp nhau, các em vẫn vui vẻ và vô tư như ngày hôm nay..."

Bài học cuối cùng của ông giáo già là như thế. Câu chuyện này một người anh kể cho tôi nghe trong bữa cơm tân niên hôm qua. Và tôi coi đó cũng là lời dạy mà thầy dành cho tôi. Cảm ơn thầy và anh.

Ảnh từ Internet, không liên quan đến bài viết.

Free blog counters

11/2/08

BÀI HỌC CUỐI CÙNG (1)



Cứ mùng 4 Tết, lớp anh lại gặp nhau. Lớp anh đã tốt nghiệp phổ thông được 31 năm. Họ gặp nhau thường xuyên từ 15 năm nay, khi mọi người bắt đầu thành đạt, va chạm đủ với mọi loại người trong xã hội và chợt nhận ra rằng những người bạn thời còn ngồi ghế nhà trường mới đáng yêu và trong sáng biết bao. Nói chuyện với nhau thoải mái, chẳng bao giờ phải giữ ý.

Mỗi dịp gặp nhau là một lần họ được quay lại một thế giới đã mất. Thế giới của ký ức, của những điều tốt đẹp. Mỗi người là một mảnh vỡ của thế giới ấy, mỗi năm cố gắng ghép lại với nhau một lần để sống lại những giây phút ngọt ngào tưởng như đã mất đi vĩnh viễn.

Cũng may là cả 36 người của tập thể ấy vẫn còn nguyên vẹn. Chưa một ai ra đi sớm. Hơn một nửa trong số ấy đã "lên chức" vì đã có con dâu hoặc con rể. Một vài cô đã có cháu gọi bằng bà.

Năm ngoái, anh chỉ vào mặt cô phó bí thư đoàn: "Này, mày gọi đám lên chức bà ngồi riêng ra một góc nhé. Chúng mày già rồi, đừng có ngồi chung với chúng tao". Đám "bà" trẻ nhao nhao: "Trông chúng tao còn trẻ hơn mày nhá. Đi với mày trông trẻ như bồ nhí". Cả đám cười ròn rã.

Năm nay là năm Mậu Tí. Đại đa số thành viên lớp anh đều tuổi Tí, nên họ thoả thuận không ai được vắng mặt. Họ còn mời thêm tất cả các thầy các cô đã từng dạy trong suốt ba năm cấp 3 đến cho trang trọng. Bí thư, lớp trưởng đến nhà từng thầy cô, mời mọc cẩn thận, hẹn rõ ngày giờ và đưa xe đến đón đàng hoàng.

Họ chỉ tìm được khoảng một nửa số thầy cô đã từng dạy, bởi nhiều người đã khuất núi, một số người chuyển đi miền Nam. Các thầy cô đều vui mừng vì được học trò nhớ tới.

Đúng ngày đúng giờ, thầy trò gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, ôn lại những kỷ niệm từ ngày xửa ngày xưa. Cô giáo chủ nhiệm lớp 9 cứ tấm tắc sao cậu học trò cá biệt của cô giờ đây lại trở thành tổng giám đốc một tập đoàn kinh tế hàng đầu của Việt Nam.

Quá giờ hẹn nửa tiếng, mà chiếc xe đón thầy chủ nhiệm lớp 8 vẫn không đến. Mọi người sốt ruột gọi điện. Người đi đón nói qua ống nghe: "Đang đến, đang đến".

5 phút sau, chiếc xe mong đợi xuất hiện. Nhưng từ trên xe bước xuống chỉ có anh bạn học được giao nhiệm vụ đi đón: "Thầy đâu?" - cả lớp nhao nhao hỏi. Anh bạn nhún vai: "Đến nhà thấy cửa đóng then cài. Không rõ thầy đi đâu. Không thấy để lại tin nhắn, mà thầy lại không có điện thoại di động".

Cuộc gặp diễn ra rất vui và cảm động. Mỗi người đứng lên nói lại một kỷ niệm thời xa xưa. Ông Tổng giám đốc nói với cô giáo chủ nhiệm lớp 9: "Thưa cô, con ngày xưa là học trò cá biệt, không phải con dốt, mà là con mải chơi, nghịch ngợm. Hồi đó, cuối học kỳ hai, ba con có đến gặp cô, xin nâng hạnh kiểm từ trung bình lên khá. Nhưng cô nói: "Nếu bây giờ tôi để em hạnh kiểm khá, thì cả đời em sẽ trung bình". Ba con về truyền đạt nguyên văn với con như thế. Và con rất thấm thía. Chính vì thế mà bây giờ con mới được như ngày hôm nay. Con xin cảm ơn cô".

Còn nhiều câu chuyện cảm động như thế. Mọi người vừa cười vừa nước mắt lưng tròng.

Tiệc gần xong xuôi, các món quà được trân trọng chuyển đến tận tay từng thầy cô.

Khi đó thầy giáo chủ nhiệm lớp 10 mới đứng lên: "Thay mặt cho tất cả các thầy các cô dự buổi gặp mặt đầy ý nghĩa hôm nay, thầy chân thành cảm ơn các em. Cả một đời đứng trên bục giảng, chắc thầy cô nào cũng mong có được giây phút thấy học trò của mình trưởng thành, trở thành những người có ích trong xã hội. Các em đã tặng các thầy cô giây phút tuyệt vời ấy. Thầy biết, để có được món quà này, các em phải phấn đấu rất nhiều, học rất nhiều, nhiều hơn những điều mà các thầy các cô đã dạy cho các em. Đa số các em giờ đây giỏi giang hơn các thầy, nhưng thầy vẫn mong có được cơ hội này để nói với các em đôi điều nữa... Không biết các em có đồng ý không?"

Thầy ngừng lại, đưa mắt nhìn mọi người. Cả lớp hầu như đồng thanh: "Vâng ạ!".

(còn tiếp)

Ảnh từ Internet, không liên quan đến bài viết.

9/2/08

ĐỨA BÉ



Chị có mang đứa con thứ hai.

Đứa trước là con trai, nên hai vợ chồng chị đều mong một bé gái. Phụ nữ mang thai nặng nhọc một, thì chị mang thai nặng nhọc mười. Nghén cộng với những cơn đau đầu dữ dội. Đau lắm, đau đến mức chị nghĩ Tôn Ngộ Không bị vòng kim cô xiết cũng chỉ đến mức đó mà thôi.

Chị đi khám thì bác sĩ bảo chị bị khối u tuyến yên và khuyên nên đình chỉ thai. Chị ngậm ngùi chấp nhận, cái thai đã được 3 tháng 15 ngày rồi.

Nhưng đêm đó, cô oshin nhà chị mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Một bà già không quen, mặt mũi phúc hậu hiện về nói với cô: "Chị ơi, chị cố động viên em nó giữ thai. Thằng bé này quý lắm".

Sáng ra nghe câu chuyện cô oshin kể lại, chị thấy bần thần, không phải con gái, nhưng con nào thì chị cũng không muốn bỏ. Câu chuyện cô kể chị thấy bán tín bán nghi, nhưng như cái phao để chị bám lấy để không đình chỉ thai nữa.

Đau mà vẫn phải giữ thai, vẫn phải đi làm. Chồng chị đem hết đồ nghề đến ngồi ở quán càphê cạnh văn phòng của vợ để làm việc, đề phòng có chuyện gì thì kịp đưa vợ đi bệnh viện luôn.

Những cơn đau hành hạ chị ngày một ác hơn. Có hôm chị phải tiêm đến 6 ống thuốc giảm đau. Hai tháng nữa trôi qua, chị đã đứng trên bờ vực của sự chịu đựng và lại nghĩ đến đình chỉ thai.

Đêm đó, cô oshin lại mơ thấy bà cụ lần trước, nói lại câu hệt như thế. Nghe cô thuật lại sáng hôm sau, chị lại cắn răng chịu đựng thêm ba tháng nữa. Đó là chuỗi ngày khổ cực nhất trong cuộc đời chị.

Rồi cuối cùng, khi mang thai được hơn 8 tháng, các bác sĩ cho rằng nó đã đủ cứng cáp để có thể chào đời, chị mới chịu nhân nhượng can thiệp phẫu thuật để đưa bé ra ngoài.

Không một đứa bé nào hiếu động như nó.

Khi một tuổi, bộ ghế đời Minh cầu kỳ mà ba nó đặt đóng từ khi xây ngôi nhà mới lúc cậu con cả được 3 tuổi, đã bị nó làm cho lung lay rệu rã.

Hai tuổi, nó động chạm và mở tung hầu hết mọi thứ đồ đạc trong nhà.

Ba tuổi, nó sở hữu một vốn tiếng Việt phong phú, lưu loát và chuẩn xác. Nó không rụt rè, không e ngại, hành động tự nhiên và tự tin.

Nó nghịch bằng 10 thằng bé bằng tuổi, nhưng lễ phép một cách đáng kinh ngạc. Chẳng hạn, khi bạn đưa phong bao lì xì cho nó, thì nó đỡ bằng hai tay, nhìn vào mắt bạn và nói: "Cháu xin. Cháu cảm ơn (cô) chú ạ". Sau đó nó chuyển lại phong bao để mẹ cất.

Mặt nó không phúng phính bụ bẫm mà toát lên sự thông minh. Sự thông minh thâm trầm và sâu sắc.

Hai anh em ở chung một phòng cạnh phòng của bố mẹ. Một đêm thằng anh 10 tuổi ngủ mê khóc thét lên. Bố mẹ vội vã chạy sang để dỗ dành và trấn an thằng anh.

Bỗng cả hai nghe thấy một giọng nói tỉnh táo, không màu sắc vang lên: "Nửa đêm rồi, đừng làm ồn ã thế. Hàng xóm nghe thấy, người ta cười cho!".

Cả hai ngơ ngác. Giọng nói răn dạy với giọng điệu của đấng bề trên ấy phát ra chính từ miệng thằng em ba tuổi. Nghĩa là tiếng khóc trong đêm của thằng anh không làm nó sợ hãi. Nó nắm bắt, phân tích tình hình rất nhanh và đưa ra kết luận một cách chính xác.

Thằng bé là con của cặp vợ chồng bạn thân của tôi. Tôi tin rằng sau này lớn lên, nó sẽ là một bậc kỳ tài.

(Ảnh từ Internet, không liên quan đến nhân vật trong entry này)

Blog counters
 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết