30/11/07

CHẲNG ĐỂ AI GIỐNG MÌNH



Thật khó để có thể trả lời ngay nếu có ai đó hỏi bạn “Bạn thấy tự hào về điểm gì nhất của Hà Nội?”

Không thể tráng lệ như Paris, không êm đềm thơ mộng như Praha, không rực rỡ như Singapore, không ồn ào như Hồng Kông, cũng không xô bồ như Bangkok, Hà Nội không giống ai và hình như cũng không để ai giống mình.

Tôi có nhớ ông Kazuyoshi Yamaguchi, nguyên giám đốc Trung tâm thông tin văn hoá Nhật Bản tại Hà Nội, đã nói: “Đến Hà Nội tôi có cảm giác quay lại thời thơ ấu”. Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô Eduard Gratch, cây vĩ cầm kiệt xuất của thế giới thổ lộ : “Hà Nội gợi cho tôi nhớ đến những tháng ngày êm đềm ở Liên Xô”.

Còn Philippe Laplanche, một người Pháp thì tâm sự: “Hà Nội là hình ảnh đã qua của Paris”. Tại sao ba con người thuộc ba nền văn hoá khác nhau ấy có thể cùng soi thấy hình bóng của quá khứ của họ trong gương mặt của Hà Nội hôm nay?

Có thể hiểu đó là nét duyên của Hà Nội? Nét duyên ngầm ẩn trong từng căn nhà, đường phố, gốc cây và con người. Cái duyên thật khó giải thích mà đầy sức dẫn dụ. Có một người Mỹ lần đầu tiên đặt chân lên đất Sài Gòn và yêu ngay thành phố phương Nam ấm áp này. Khi đó với ông Sài Gòn là tận cùng của sự khám phá Việt Nam.

Nhưng một lần tặc lưỡi thử ra xem Hà Nội thế nào ông bỗng thấy mê Hà Nội như điếu đổ. Ngay cả sự hỗn độn về giao thông trên đường phố theo ông cũng tồn tại kiểu riêng biệt kiểu “10 sân bóng đá giao nhau”. Ông này đưa ra công thức mê hoặc của Hà Nội nằm trong ba tính từ: Exotic (đẹp kỳ lạ), Erotic (Gợi cảm), Addictive (Gây nghiện).

Vậy mà tôi cũng như không ít người đang sống ở Hà Nội lại mơ hồ về những động cơ gắn bó với thành phố. Chỉ đến khi đi xa, thì nỗi nhớ mới ùa về và định danh rõ ràng về những điều khiến mình yêu thành phố một cách day dứt.

Chỉ có thể đơn giản là tiếng rao bán tào phớ khê nồng của người dân nhập cư. Có thể đó chỉ là mùi hương bất định của lá, gió và nắng mùa thu. Và cũng có thể là vì những câu chuyện tưởng chừng như bất tận cùng bạn bè bên những giọt café rơi rất chậm.

Một nhà thơ nghiệp dư người Nga viết thế này về Hà Nội trong những năm cuối của thập niên 1980:

“Nước mọi hồ không làm sao cạn nổi
Nỗi khát khao cháy bỏng trong tôi
Hà Nội ơi, hãy giúp tôi, dù chỉ một lần thôi
Sợi chỉ dẫn đến tình yêu muôn thuở”

(Vladimir Sorokin)

Ảnh: Download từ Internet, không rõ tác giả.

29/11/07

NIỀM HẠNH PHÚC BẤT NGỜ



Anh từ Sài Gòn ra. Ra khỏi sân bay đã gọi ơi ới: "Này, có thì giờ ngồi với nhau một chút. Có quà cho cậu đấy".

Trông anh thảnh thơi và sảng khoái trong tiết trời Hà Nội se lạnh và nắng vàng chan hoà trên mọi đường phố. "Anh muốn đi đâu?" - tôi hỏi. "Đi đâu, ăn gì cũng được. Hà Nội đẹp thế này cái gì cũng ngon!"

Tôi chở anh đến quán lợn mường gần Công viên Hồ Tây. Quán nhỏ, sạch sẽ và ấm cúng. Khi đã ngồi vào bàn, anh rút từ trong túi xách một cuốn sách bìa cứng được trình bày trang nhã và chìa cho tôi.

- Đây là cuốn sách tập hợp những bài báo anh đăng trong mấy năm gần đây. Các bài này chắc cậu đã đọc cả rồi, nhưng sách hệ thống hoá lại, nên nếu có thời gian thì đọc cho vui. Đây là bản trong lô sách đầu tiên lấy từ nhà in về sáng nay. Tiện thể ra HN mang tặng cậu luôn.

Tôi trân trọng nhận và cảm ơn anh vì món quà. Các bài báo của anh viết về chuyện kinh doanh - chủ đề hơi khô khan, khó hiểu, nhưng luôn được lý giải khúc chiết. Anh không phải là nhà báo, nhưng viết rất hay. Đặc biệt khả năng diễn đạt bằng tiếng Việt rất phong phú và chuẩn xác, mặc dù anh sống gần 30 năm ở nước ngoài.

Tôi để cuốn sách sang một bên và cùng anh thong thả nhấm nháp dư vị đặc biệt của thịt lợn mường được chế biến rất khéo. Khi đồ ăn đã được dọn ra, cô phục vụ mặc áo dài xanh da trời khẽ khàng hỏi: "Hai anh có thể cho em mượn cuốn sách được không?". "Tất nhiên rồi, em cầm đi" - cả hai chúng tôi nói gần như đồng thanh.

Tôi và anh nói đủ thứ chuyện và hơn một tiếng sau bữa ăn đến hồi chấm dứt. Khi chúng tôi gọi hoá đơn thanh toán, thì cô gái cầm cuốn sách đến trả.

- Sao, sách đọc có được không em? - anh bạn tôi hỏi.
- Hay anh ạ. Em cảm ơn hai anh! - cô gái mỉm cười nói.
- Hay à? Em nói hay là sao? Sách viết về chuyện làm ăn, đâu có gì hay? - anh hỏi như bị điện giật.
- Hay chứ ạ! Em mới đọc được vài bài, nhưng thấy có những điều rất hay.
- Cụ thể là điều nào? - anh gặng hỏi.
- Đây ạ, em có chép ra đây. - Cô gái nói và rút từ cuốn sổ ghi món ăn một mảnh giấy gập đôi. Anh đón lấy đọc và thấy quả nhiên ở đó có đoạn kết luận rất tâm đắc về bí quyết làm ăn ở VN mà anh tự đúc rút ra.

Họ trò chuyện với nhau và chúng tôi vỡ lẽ ra cô là sinh viên, đang theo học ngành kinh tế du lịch. Cô là người Hoà Bình, làm việc bán thời gian ở nhà hàng này để có thêm tiền trang trải học hành. Anh nói: "Em không cần phải chép ra đâu. Ghi cho anh cái địa chỉ của em, anh sẽ gửi sách ra tặng". Cô gái đáp: "Anh cứ gửi về nhà hàng này, sẽ dễ nhận hơn. Bọn em ở nhà thuê, chỗ đấy không có đường phố, số nhà". Cô lấy một cái card nhà hàng và ghi tên mình vào đằng sau.

Nhưng như thế thì cách rách quá. Tôi nói với anh: "Anh cứ tặng em ấy cuốn sách này đi. Em nhận sau cũng được".

Anh đồng ý, lấy cuốn sách và ký tặng. Đến lúc đó cô gái mới biết cô nhận được sách từ chính tác giả. Khỏi phải nói cô cảm động đến mức nào.

Còn anh thì cũng cảm động không kém. Ra đến ngoài đường rồi, anh bước đi như mộng du giữa nắng vàng gió lạnh trời trong. "Này cậu, tôi đã đi rất nhiều nơi, nhưng chắc chắn không có nơi nào đem lại cho tôi sự mãn nguyện tuyệt đối như Hà Nội" - anh thốt lên.

28/11/07

GLOOMY SUNDAY



Tình cờ nghe được bài hát Gloomy Sunday ngày hôm qua. Thực sự ấn tượng bởi giai điệu mê hoặc của nó. Một bài hát buồn, nhưng chẳng thấy thông điệp chết chóc như người ta vẫn đồn đại.



GLOOMY SUNDAY

Sunday is gloomy
My hours are slumberless
Dearest the shadows
I live with are numberless
Little white flowers
Will never awaken you
Not where the black coach
Of sorrow has taken you
Angels have no thoughts
Of ever returning you
Would they be angry
If I thought of joining you?

Gloomy Sunday

Gloomy is Sunday
With shadows I spend it all
My heart and I
Have decided to end it all
Soon there'll be candles
And prayers that are said I know
But let them not weep
Let them know that I'm glad to go
Death is no dream
For in death I’m caressing you
With the last breath of my soul
I’ll be blessing you

Gloomy Sunday

Dreaming, I was only dreaming
I wake and I find you asleep
In the deep of my heart here
Darling I hope
That my dream never haunted you
My heart is telling you
How much I wanted you
Gloomy Sunday

Video bài hát qua phần trình bày của Heather Nova với những cảnh từ bộ phim "Glommy Sunday" sản xuất năm 1999.



Phiên bản tiếng Việt qua giọng hát Nguyễn Hồng Nhung

27/11/07

THIẾP HỒNG OAN TRÁI


Thiếp hồng mùa này rất nhiều, trung bình mỗi tuần mỗi người trong chúng ta nhận được ít nhất 2 tấm thiếp. Thiếp hồng đương nhiên chỉ báo tin vui. Nhưng hôm qua tôi nhìn thấy những cánh thiếp hồng thật đau đớn.

Khoảng gần 9 giờ sáng qua, khúc giữa của đường từ Hoà Lạc về Láng bị tắc đường một đoạn dài. Nguyên nhân là một vụ tai nạn.

Khi xe tôi đến gần thì thấy ở phần đường bên phải còn vương vãi những mảnh nhựa, mảnh kính. Những mảnh vỡ ấy bị xé nhỏ, chứng tỏ đã có một cú va chạm rất mạnh. Một người đàn ông đang cố nhặt một vài mảnh vỡ đó.

Những chiếc xe ngược chiều xếp thành một hàng dài. Chiếc xe đi phía trước tôi ngần ngừ như không dám đi qua hiện trường vụ tai nạn. Một anh cảnh sát giao thông phải ra hiệu dứt khoát chiếc xe mới chịu đi qua.

Đến lượt xe tôi. Tôi đưa mắt nhìn sang bên phải. Một chiếc xe máy bị vỡ toét đầu đã được lôi ra cạnh vệ đường. Bên cạnh đó là chiếc túi xách phụ nữ và những vật dụng linh tinh khác. Không thấy nạn nhân đâu cả. Chắc họ đã được đưa đi cấp cứu.

Nhưng tôi nhìn thấy một cảnh tượng tang thương khác: Những cánh thiếp hồng bay vương vãi khắp nơi. Chúng chập chờn như những cánh bướm trên đường, vô tư không biết số phận chủ nhân của chúng giờ này thế nào.

Suy đoán của tôi: Có thể là chú rể chở cô dâu đi trên chiếc xe máy đó. Niềm vui hạnh phúc đã khiến chú rể phóng khá nhanh, không làm chủ được tốc độ và tông vào chiếc xe ôtô đi ngược chiều. Cả hai người bị thương nặng, nhưng rất may họ đều đội mũ bảo hiểm nên không bị chấn thương sọ não.

Tội nghiệp cho những cánh thiếp. Chúng đã không đến được tay người nhận. Cầu mong cho cả cô dâu lẫn chú rể đều tai qua nạn khỏi. Nhưng đám cưới của họ không biết có diễn ra nữa không?

Nhưng thực tế lại là: Một blogger sau khi đọc entry này đã gửi tin nhắn cho tôi. Nội dung như sau: "Hai người bị nạn không phải là cô dâu, chú rể, mà là bố mẹ chú rể. Họ đi từ Hoà Bình về Hà Nội theo đường Xuân Mai - Láng - Hoà Lạc để mời cưới cho con. Tai nạn làm ông bố mất rồi, còn bà mẹ bị thương cực nặng. Bây giờ gia đình đó chẳng biết làm sao".

Thành thực chia buồn cùng gia đình những người bị nạn và cầu mong bà mẹ sẽ tai qua nạn khỏi.

22/11/07

CHIẾN THẮNG UNG THƯ



Em thường không đặt tên cho các entry trong blog của mình.

Trong entry mới nhất của mình, em post bức tranh một cô bé đứng trên bancông, người nhô ra như đón gió, mắt đăm đắm nhìn vào những cánh chim trời chao liệng trên bầu trời xanh. Bức tranh thật đẹp, vì toát lên một khát vọng sống mãnh liệt.

Nhìn bức tranh, biết rằng em đang vui lắm.

Em vừa chiến thắng thần chết. Em đã đẩy lùi được căn bệnh ung thư quái ác. Em như muốn trèo lên một nơi nào đó thật cao, thét cho cả đất trời biết rằng em đã vượt qua được thử thách cam go nhất. Và chặng đường phía trước sẽ chẳng có gì làm cho em sợ hãi được nữa.

Mạn phép em, tôi chép sang đây những dòng chữ khải hoàn của em:

"Đi khám.

Tin vui trước kia bây giờ thành tin ít vui hơn nhiều. Tái ông mất ngựa thôi. Không mong niềm vui vẹn toàn.

Rồi sẽ lại có cách giải quyết, ça va s'arranger.

Gặp ông bác sỹ thân thiết giữa bệnh viện, vẫn cầm tờ giấy chạy khắp các khoa cho bệnh nhân. Túm lấy nhau hồ hởi như mấy bà già trong Hội phụ lão gặp nhau ngoài chợ.

Thấy lòng nhẹ đi một khấc.

Đến phải viết đơn xin vào bệnh viện ở vài tuần, hì, vài tuần thôi nhé, rồi lại cho cháu về lại với cuộc đời."

Ngày 17.7 năm nay, tôi đã viết một entry về em với tựa đề "Món quà cuộc sống". Em lạc quan lắm. Lạc quan và dũng cảm giống như Cuội hàng không, giống như Cóc trèo thang. Em đã đau đớn bao nhiêu khi những người bạn đó lần lượt ra đi. Em ngậm ngùi khi thấy mình có đôi chút may mắn hơn họ.

Không phải ai cũng chiến thắng trong cuộc chiến cam go ấy. Và em đã chiến thắng. Tôi chúc mừng em. Mong sao từ nay về sau lúc nào em cũng như cô bé đứng trên bancông kia. Sẵn sàng đón những cơn gió trong lành từ bốn phương thổi tới. Và cũng sẵn sàng đương đầu với sấm chớp bão dông. Và lúc nào cũng chiến thắng, em nhé!

21/11/07

MẶT TRỜI ĐỎ TRÊN SÔNG HỒNG



Chuyến bay nào từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội đẹp nhất trong ngày? Chắc hẳn mỗi người sẽ có một câu trả lời riêng.

Còn tôi, tôi thích chuyến bay lúc 14 giờ.

Bay chuyến 14 giờ, tức là phải khởi hành ra sân bay lúc 12h30 hoặc cùng lắm là 12h45. Tức là ta có thể ung dung check-0ut khỏi khách sạn vào lúc 11h30, vào một quán nào đó nhẩn nha ăn trưa để đợi đến đúng giờ thì gọi taxi xuất hành.

Chuyến bay 14 giờ thường ít delay, khách bay lúc đó cũng không đông lắm, nên máy bay cũng không kín chỗ, có thể nói khéo để các em hàng không xếp cho chỗ ngồi ưng ý.

Bay chuyến 14 giờ, tức là ra đến Nội Bài vào lúc 16 giờ. Nếu gửi hành lý thì phải nấn ná thêm ở sân bay chừng 15-20 phút. Thể nào thì chậm nhất là 16 giờ 30 ta cũng ra khỏi sân bay.

Đường cao tốc Nội Bài - Thăng Long giờ đó chưa đông lắm. Không phải thấy những chiếc xe container kềnh càng chiếm hết lòng đường.

Mấy khu công nghiệp cũng chưa tan ca, nên không thấy cảnh các em công nhân ùa ra làm tắc đường.

Quan trọng nhất là khi đến cầu Thăng Long thì đúng 17 giờ. Lúc này mặt trời đã hạ xuống thấp thành quả cầu đỏ tuyệt đẹp treo lơ lửng trên thượng nguồn sông Hồng.

Từ đầu cầu bên này sang đầu cầu bên kia mất khoảng mươi phút. Và đó là khoảng thời gian ta được thưởng thức một bức tranh kỳ thú mà thiên nhiên vẽ nên.

Bức tranh ấy thực sự ấy tượng vào những chiều đông, "mây xám ngang lưng trời", dòng nước sông Hồng đỏ rực như những giọt mật chảy từ mặt trời xuống.

Lúc đó ta không còn nghe thấy tiếng động nào khác nữa, mà chỉ thấy ngoài kia thiên nhiên như mời mọc ta hít thở mùi hương của nó, chạm vào những hình khối mà nó tạo ra.

Ngày trước, khi bờ Bắc sông Hồng chưa có khu công nghiệp vươn ra gần chạm mép nước, tầm nhìn như rộng hơn và cảnh mặt trời đỏ trên sông Hồng còn hoang sơ hơn, hấp dẫn hơn.

Hãy thử một lần bay TPHCM - Hà Nội chuyến 14 giờ. Bạn sẽ thấy mặt trời đỏ trên sông Hồng.

Ảnh: Hồng Trọng Mậu

20/11/07

BA CÂU CHUYỆN NHÂN NGÀY 20.11



Tối qua gặp một anh bạn đồng nghiệp trên đường về nhà sau giờ làm việc. Thấy trên xe máy của anh lỉnh kỉnh đồ đạc: Ngoài những vật dụng của nhà báo, còn thấy hai cái túi xách đỏ chót đựng áo sơmi loại xịn của Việt Tiến. Hỏi anh thì anh nói, đấy là quà tặng thầy giáo anh mua cho cậu con trai đang học lớp 8.

- Trời đất, quà tặng thầy là những chiếc sơmi giá bạc triệu thế này sao? - tôi hỏi.

Anh trả lời đã cố gắng thuyết phục cậu con trai mang đến tặng thầy món quà khiêm tốn thôi, nhưng nó không chịu. Nó nói, bạn nó toàn mang tặng quà mắc tiền. Nó không thể đến thăm thầy với món quà kém giá trị được. Nó không muốn bị thua thiệt so với bạn bè.

Nhưng đây mới chỉ là quà của thầy. Hẳn cậu bé còn học cả cô giáo nữa chứ? Anh giải thích: "Ba thạo đồ đàn ông, thì đi mua quà cho thầy. Còn má có trách nhiệm mua quà cho cô.

Sáng nay đi uống càphê tình cờ gặp một vị giáo sư khả kính tại quán càphê có phong cảnh thơ mộng ở TPHCM. Tôi hỏi đùa: "Sao hôm nay 20.11, bác không ở nhà tiếp sinh viên mà lại ở trong này?". Ông nói: "May quá có cuộc họp tại đây, tôi vào trong này để "trốn" học trò, anh ạ!"

Rồi ông kể, mấy năm nay đời sống khấm khá, học trò tới thăm thầy nhân dịp 20.11 vì thế cũng mang quà đắt tiền hơn. Toàn sơmi, cravate, rượu ngoại... "Tôi đã có lần bảo họ, các em tới thăm thầy chỉ cần mang theo một bông hoa thôi. Nhưng chẳng ai nghe lời. Rượu thì tôi có uống được đâu? Sơmi, cravate có năm nhận tới 5-6 tá, vừa dùng vừa tặng vừa cho mãi không hết. Chẳng dám nhắc sinh viên vì ngại có người suy luận ra rằng thầy không muốn nhận quà là bóng gió ám chỉ phong bì. Phiền lắm!"

"Sao bác lại cho là năm nay may?" - tôi hỏi. Ông cười chìa ra chiếc điện thoại di động: "Từ hôm qua đến giờ nhận được rất nhiều điện thoại và tin nhắn. Toàn quà tinh thần mà mình lại thấy khoái. Phải ba lần delete all messages để nhận tin nhắn mới đấy".

Trưa gặp một anh bạn mới trở về nước sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài. Đang ăn cơm, anh bỗng ngừng nhai: "Hôm nay là một ngày đặc biệt đối với tôi". "Ngày gì mà đặc biệt?" - tôi hỏi. Anh nhìn tôi như nhìn người ngoài hành tinh: "Ngày Nhà giáo Việt Nam!"

"Nhưng về VN anh đâu có làm giáo viên?" - tôi hỏi. Anh đáp: "Đúng là tôi không làm giáo viên, nhưng có tham gia vào các khoá training của các đơn vị trong tổng công ty. Ngày xưa ở bên đó đi dạy đại học, sinh viên trả tiền để học, nên mình dạy xong, thì họ cũng quên. Còn ở đây, mình chỉ truyền đạt kỹ năng nghề nghiệp cho các đồng nghiệp trẻ, nhưng lại được coi là thầy, từ sáng đến giờ nhận được bao nhiêu là tin nhắn chúc mừng. Thế nên hôm nay là ngày đặc biệt của tôi".


13/11/07

VÌ YÊU!



Anh là người đàn ông lãng tử, gặp rất nhiều may mắn, nhưng cũng không vì thế mà ngại đối đầu với thử thách. Anh hơn tôi mươi tuổi. Khi tôi mười mấy thì anh tốt nghiệp đại học đi làm. Ngông nghênh trên cái xe đạp Kursk của Liên Xô, mặc bộ quần áo bụi bụi, mái tóc húi cua, anh gợi hình ảnh một tay anh hùng hảo hán hơn là người làm trong một công ty nhà nước.

Ấy thế nhưng ở công ty anh lại là một nhân viên không thể chê vào đâu. Sếp anh, một ông già ngót nghét sáu chục, trí thức từ thời Pháp, mặt mũi phúc hậu, cứ nói đến anh là khen: "Thằng Khải này giỏi. Nó làm việc nào cũng đến nơi đến chốn, không thể chê vào đâu được."

Rồi anh lấy vợ. Chị học cùng lớp đại học, con nhà có giáo dục, xinh đẹp và nết na. Lấy anh xong, chị sinh con. Chị nghỉ một lèo 3 năm liền ở nhà nuôi con, dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn chờ chồng về.

Xin đi làm được nửa năm, thì cơ quan chị lại đúng đợt tinh giản biên chế. Do mới trong diện thử việc, nên chị phải nghỉ là chuyện đương nhiên. Anh chép miệng: "Ôi dào, em ở nhà luôn đi. Anh làm dấn một tí cũng kiếm thêm được cái lương của em". Chị sung sướng đồng ý.

Và thế là chị ở nhà. Cô cử nhân tâm lý học hài lòng với công việc quẩn quanh của bà nội trợ. Dọn dẹp chán chê, chị say sưa với các trường thiên cải lương truyền hình Nam Mỹ "Người giàu cũng khóc", "Đơn giản tôi là Maria"... Chồng chị chẳng phải lo lắng và đụng tay vào bất cứ công việc nào ở nhà. Anh chỉ việc đi kiếm tiền và mang về cho vợ.

Chị vẫn yêu chồng, vẫn tôn thờ chồng, nhưng hai vợ chồng càng như ngày một xa nhau. Thời gian họ ở bên nhau, nói chuyện với nhau ngày một bị rút ngắn. Rồi đến một ngày kia, vì một lý do nào đó, trong cơn giận dữ chị viết đơn ly dị. Và thật ngạc nhiên, anh đồng ý và ký đánh roẹt một cái. Họ đem nhau ra toà và cuộc hôn nhân yên bình chấm dứt một cách êm thấm. Chị được quyền nuôi con và căn nhà mà hai người đang ở. Anh đồng ý chu cấp cho con và dọn về nhà bố mẹ đẻ.

Trong một buổi tụ tập ở nhà người bạn là hoạ sĩ kiêm nhạc sĩ, anh tình cờ gặp một phụ nữ Việt kiều Pháp đang làm giám đốc cho một tập đoàn Châu Âu có văn phòng đại diện tại Hà Nội. Người phụ nữ ấy không xinh đẹp, nhưng toát lên một vẻ lịch duyệt đầy tri thức. Chị đã trải qua một cuộc hôn nhân với một người đàn ông Pháp, nhưng hai người không có con.

Hai người trao đổi điện thoại và sau vài lần gặp nhau, họ say nhau như bị bỏ bùa. Anh xách đồ đến ở căn hộ của bà giám đốc. Họ sống hạnh phúc như thế 2 năm. Hết hợp đồng, chị Việt kiều phải trở về Pháp và đề nghị anh theo cùng. Anh vui vẻ đồng ý. Họ làm một đám cưới nhỏ ở Hà Nội trước khi về Pháp. Với số tiền dành dụm được trong thời gian ở Việt Nam, kèm thêm khoản tiền tiết kiệm trước đó và vay ngân hàng, chị mua một căn hộ rộng bốn chục mét ở ngoại ô Paris.

Chị vẫn đi làm ở hãng, nhưng mức lương thấp hơn so với thời ở VN, thêm vào đó một phần lương lại phải đem trả cho ngân hàng, nên hai người sống khá tùng tiệm. Một thời gian sau, khi vốn tiếng Pháp khá hơn, anh kiếm được một vài công việc với tư cách freelancer. Lúc đó chị đã ngoài 40 và quyết định có con trước khi quá muộn.

Hai đứa trẻ nối tiếp nhau chào đời trong vòng ba năm. Nhu cầu cho chúng quá lớn. Chị vội vã quay trở lại hãng, dù sao giờ đây chị cũng là lao động chính trong nhà. Chị phải dậy từ 5 giờ sáng, chuẩn bị bữa sáng cho chồng con, đáp tàu hoả đến Paris, bận rộn với công việc đến tối mịt, tất bật đáp tàu trở về và chỉ đặt chân đến nhà sau 9h tối.

Anh trở thành bảo mẫu thứ thiệt, cho con ăn, tắm giặt cho chúng, đi siêu thị mua đồ, nấu nướng... Ngay cả khi chúng ốm, thì cũng chỉ mình anh đưa chúng đi khám. Gian nan hơn là mỗi khi được gọi đi làm, anh lại tất bật gói ghém quần áo, thức ăn, tay dắt tay bế hai đứa con đáp tàu đến nhà bà ngoại cách đó gần 30 km từ sáng sớm. Sau đó lại đi 60 km lên Paris thực hiện công việc, rồi lại đáp tàu 60km về đón con, lại đi tiếp 30 km nữa để về đến nhà.

Cuộc sống của anh cứ như cuộc chạy marathon không bao giờ ngừng.

Gặp anh ở Paris năm kia, tôi thấy anh già xọm đi, mái tóc muối tiêu (muối đã nhiều hơn tiêu), đôi mắt như có màn sương. Chẳng thể còn nhận ra chàng lãng tử ngông nghênh hào hoa như xưa nữa.

Hỏi anh có muốn về Hà Nội, hưởng cái nhịp sống chậm rãi ở nhà không, anh cười hiu hắt: "Về thế nào được mà về?"

free hit counters
free hit counters

12/11/07

CHÀNG TRAI TRÊN XE BUÝT (12)



...Cô ngồi xuống ghế, đưa những ngón tay run rẩy lên mặt giấy trôki. Cô vẫn đủ tỉnh táo để không vuốt mạnh ngón tay xuống mặt giấy, sợ sẽ làm nhoè vết chì. Những tấm giấy không còn phẳng phiu nữa, nhưng cũng không bị quăn sờn, chứng tỏ chủ nhân của chúng đã rất dầy công giữ gìn. Mặt giấy đã hơn ngả sang màu vàng, xem ra những bức tranh đã được vẽ từ cách đây năm rưỡi hai năm.

Những tấm giấy này đã từng nằm trong tay Kolia. Anh đã đặt chúng lên đùi, lên balô, hay lên một mặt phẳng tạm bợ nào đó để vẽ. Cô cúi xuống sát những bức tranh ngõ hầu tìm kiếm một mùi vị vô định nào đó, nhưng từ đó chỉ toát ra mùi thơm của bưu phẩm gửi từ nước ngoài mà người ta thường gọi là "mùi tây"...

Rồi cô đứng dậy đi ra phía tủ thờ, châm một nén hương, chắp tay thì thầm: "Kolia, em đã nhận được những bức tranh của anh. Cảm ơn anh đã luôn nhớ tới em. Hãy tha lỗi cho em vì không đủ sức lôi anh khỏi tay thần chết. Cầu mong anh được yên nghỉ nơi suối vàng!". Cô gục đầu vào thành tủ thờ và khóc nức lên...

... Đó là mùa xuân đầu tiên Kolia xa nhà. Đơn vị anh khi đó đóng trên một điểm cao bảo vệ cho con đường huyết mạch vận chuyển vũ khí đạn dược và lương thực chạy ở bên dưới. Từ điểm cao có thể bao quát được một vùng rộng lớn.

Cảnh tượng ở đây thật đẹp. Phía xa có một con thác đổ nước tung bọt trắng xoá tạo thành một dòng suối khá lớn chạy về hướng này. Rất may, con đường không chạy song song với con suối mà cắt con suối ở một điểm rất dễ quan sát từ một mỏm đá nhô ra từ trên điểm cao.

Có một đêm rạng sáng Kolia canh gác gần mỏm đá đó. Đêm đó thật yên tĩnh. Có cảm giác như đất nước này không còn chiến tranh nữa. Hơi thở mùa xuân đang rón rén từng bước chân trên mảnh đất khô cằn và đầy mảnh đạn. Trời dần hửng sáng, và trước mắt Kolia hiện lên một cảnh tuợng đẹp dữ dội và hoang dã.

Những thớ đất mầu đen bắt đầu cựa quậy, những ngọn núi ở phía xa bắt đầu hiện hình, và mặc dù không có cây, nhưng chúng bắt đầu được tô màu xanh lam. Kế đến những vạt đồi quay mặt về hướng mặt trời được tô màu vàng nhạt. Con suối ở khuất mé đồi bên này vẫn còn ngủ yên trong mầu xanh thẫm. Ngược lên một chút, thác nước phản chiếu ánh mặt trời tạo ra một cầu vồng nhỏ. Thiên nhiên tranh thủ một khoảnh khắc yên lặng để phô diễn vẻ đẹp mê hoặc của nó.


Kolia đứng ngây người ra ngắm bình minh hoang dại ở đất nước xa lạ. Anh hít thở thật sâu vì biết rằng khoảng khắc yên lặng ấy sẽ biết mất trong giây lát. Anh chợt nghĩ lẽ ra mình phải ghi lại được khoảnh khắc này, dẫu chỉ bằng chì đen thôi cũng được. Nhưng anh không thể chạy về lán trại vì đang ở trong phiên gác. Kolia tự nhủ thầm, nhất định anh phải ghi lại bằng được cảnh tượng huy hoàng này.

Đêm sau không phải là phiên gác của Kolia. Nhưng anh bí mật trở dậy vào lúc rạng sáng. Mang giấy và bút chì đến bên người đồng đội đang đứng gác, Kolia giải thích anh muốn ngắm cảnh bình minh và mong người bạn không báo cáo lại việc này với cấp trên. Người đồng đội lặng lẽ gật đầu.

Kolia tiến về phía mỏm đá, vươn vai khoan khoái. Lát sau mặt trời ló rạng và cảnh tượng huy hoàng lại tái hiện. Kolia tiến thêm vài bước đến điểm trung tâm của mỏm đá. Và đúng lúc đó vang lên một tiếng nổ trầm đục, một quầng lửa bừng sáng bao trùm lấy người anh. Người đồng đội hét lên một tiếng thất thanh: "Koliiiiiiiiiaaaaaaaaa!"

Anh đã đạp phải mìn. Một loại mìn của Mỹ có tính sát thương cực lớn xé con người ta ra thành từng mảnh và hầu như không để lại dấu vết.

Chiến tranh không bao giờ quên rằng nó đang diễn tiến, chỉ có con người với trái tim biết rung cảm trước vẻ đẹp mới tự cho phép mình quên đi chiến tranh trong giây lát. Chàng trai trên xe buýt đã hy sinh như thế...

***

- Bác Gorenkov không bao giờ kể chuyện Kolia đã hy sinh như thế nào. Mình cũng ngại hỏi, vì không muốn gợi lại nỗi đau của người khác - chị kể sau khi rót cho tôi một chén trà đen pha bằng ấm samovar.

- Thế tại sao cậu lại biết chuyện anh ấy đạp phải mìn? - Tôi đặt tách trà đang uống xuống bàn.

- Có một đêm tớ mơ thấy giấc mơ kỳ lạ ấy. Tớ thấy rõ ràng tớ cũng bước ra mỏm đá ấy với Kolia và cái quầng lửa ấy cũng cuốn chặt lấy tớ và nhấc bổng tớ lên cao. Tớ thấy hẫng đi và như bay vào vô định. Đúng lúc ấy thì tớ tỉnh dậy, mồ hôi toát ra đầm đìa. Tớ tin chắc rằng Kolia đã hiện về báo mộng cho tớ biết.

Căn nhà 4 tầng của chị nằm trên đường Linh Lang yên tĩnh gần hồ Thủ Lệ. Chị sống với chồng cùng hai con ở đây. Trên tầng 4 cạnh phòng thờ và thư viện đồng thời là nơi chồng chị làm việc có một căn phòng nhỏ mà chị gọi là phòng Liên Xô. Đấy như một cái bảo tàng viện nho nhỏ của chị với những đồ vật chị mang về từ cái lần đi đóng hàng vào buổi chiều cuối tháng 6 năm 1986. Nay chúng chẳng còn sử dụng được vào việc gì nữa.

Trên một bức tường có treo bốn bức tranh vẽ chị trong bốn loại trang phục khác nhau. Nét vẽ thật sinh động và thật giống chị, khiến ai nhìn thấy mà không biết chuyện đều nghĩ chắc chị phải bỏ ra nhiều giờ để làm mẫu cho hoạ sĩ. Chồng chị giới thiệu: "Khi nào buồn bực, vợ mình hay vào phòng đó. Cũng hay ông ạ, nhờ vậy nhà mình chẳng bao giờ có chiến tranh..."

Hình như anh không biết chuyện Kolia...

11/11/07

CHÀNG TRAI TRÊN XE BUÝT (11)



... Cô nhân viên bưu điện nhìn thẳng vào mặt cô dò xét, rồi hất hàm: "Đi sang kia làm thủ tục hải quan".

Bưu phẩm là một cuộn hình ống dài chừng hai gang tay. Nhác trông thấy nó, cô đã thấy run. Tim cô đập dồn dập và miệng đắng ngắt. Anh nhân viên hải quan đưa cho cô tờ giấy: "Cô điền vào tờ khai, rồi vào đây mở bưu phẩm". Cô đỡ lấy tờ khai và run run hỏi: "Liệu không mở bưu phẩm có được không ạ?'

Người hải quan trợn mắt: "Không mở thì làm sao kiểm soát được bên trong có gì? Nhỡ trong ấy có hàng quốc cấm thì sao?". Giọng cô đã lạc đi: "Em cam đoan là không có hàng quốc cấm đâu ạ. Trong đấy có vài thứ rất... riêng tư. Chắc chắn là như vậy ạ!". Người hải quan lắc đầu cương quyết: "Đây là việc của chúng tôi. Riêng tư mấy chúng tôi cũng phải mở!". Cô cắn môi: "Anh ơi, trong đó chỉ có kỷ vật của một người lính đã... hy sinh thôi ạ".

Không hiểu sao cô lại nói ra điều ấy. Cái điều mới chỉ lờ mờ lướt trong đầu cô kể từ khi cô nhận được tấm bưu thiếp của ông bà Gorenkov yêu cầu khẳng định địa chỉ để gửi bưu phẩm. Cô mong sao điều đó chỉ là một giả thiết và chỉ chiếm vài phần trăm khả năng sự thật. Nhưng vào giây phút người hải quan định mở bưu phẩm, thì cô lại thốt ra cái điều mà cô không bao giờ tin.

Người hải quan ngừng tay lại nhìn cô. Hàng ngày, anh phải tiếp xúc với bao nhiêu loại người đến đây nhận hàng. Anh biết đủ các loại mánh khoé. Nhưng cô gái này lần đầu tiên anh gặp, và gương mặt méo xệch của cô, giọng nói vừa lạc vừa run của cô, đôi mắt khẩn khoản của cô cho anh biết rằng cô không có ý định lừa dối anh.

- Đằng nào cô chẳng phải mở ra... - người hải quan nói như phân bua.
- Vâng ạ, nhưng... nhưng không phải là mở ở chỗ này, giữa bao nhiêu người thế này...
- Nhưng cô phải hiểu chúng tôi có nhiệm vụ kiểm hàng nhập khẩu.
- Không có hàng đâu ạ. Đó... đó chỉ là bức tranh thôi ạ.
- Làm sao cô biết được trong đó chỉ là bức tranh.
- Dạ, linh tính của em bảo thế.

Người hải quan cười nhạt: "Cô thật buồn cười. Công việc của tôi mà cô lại đem linh tính ra đây. Kiểm bưu phẩm từ nước ngoài gửi về là nhiệm vụ của hải quan theo quy định nhà nước. Nhưng cô đã nói vậy, thì tôi linh động để cho cô tự mở. Cô có thể đem gói này đến chỗ cái bàn ở góc quầy kia, mở ra, rồi mang lại đây để tôi ghi vào phiếu hải quan".

Không có cách nào khác, cô làm theo lời của người hải quan. Tay run run bẻ con dấu xi, tháo những chiếc dây buộc quay cái ống theo hình lưới mắt cáo, gỡ lớp giấy tráng nhựa, cô thấy một cái ống nhựa. Rút đầu ống nhựa ra, cô thấy những tấm giấy trôki. Cô run rấy lôi những tấm giấy ra khỏi ống. Quả nhiên, đó là những bức tranh. Bốn bức tranh... Tất cả đều là những ký hoạ bằng bút chì và nhân vật trong cả bốn bức tranh đều là một người con gái... Là cô!

Ở bức thứ nhất, cô thấy cô trong trang phục khoẻ khoắn đứng bám tay vào chiếc cột inox trên chuyến xe buýt đông người. Ở bức thứ hai, cô mặc áo dài đội nón, nhưng áo dài thì quá ngắn, nón thì quá nông, giống hệt cách thể hiện của người nước ngoài khi họ vẽ phụ nữ Việt Nam trong trang phục truyền thống. Ở bức thứ ba, cô mặc bộ trang phục nào đó của một dân tộc vùng Trung Á. Bức cuối cùng là cô trong hình hài một cô gái Nga, mặc sarafan trắng, trên đầu đội vòng hoa đồng nội.

Cô đứng nhìn những bức tranh, nước mắt chảy chan hoà trên má. Rồi cô ôm những bức tranh và tiện tay vơ cả ống lấy giấy và dây gói đồ mang lại chỗ anh hải quan. Anh ta vẫn để ý cô từ nãy tới giờ, liếc nhìn chiếc bàn xem cô có để lại thứ gì không.

Xem các bức tranh, anh ghi vào tờ khai hải quan: "4 bức tranh vẽ bằng bút chì trên giấy trắng". Anh lẳng lặng ký, đóng dấu "đã làm thủ tục hải quan" và chuyển một liên lại cho cô. Có lẽ kể từ khi làm việc ở đây đến giờ, anh chưa bao giờ thấy người ta gửi những thứ kỳ dị như vậy qua bưu phẩm từ nước ngoài.

... Cô đạp xe thật nhanh về nhà. Trải những bức tranh ra chiếc bàn kê sát cửa sổ, xem lại chiếc ống một lần nữa và tìm thấy trong đó một phong thư. Lá thư của ông Gorenkov.

"Con gái yêu quý,

Con đang cầm trong tay những kỷ vật của Kolia. Nó đã vĩnh viễn nằm lại đâu đó ở Afghanistan, một địa danh xa lạ ở một đất nước xa vời mà hai bác không bao giờ biết được.

Sau khi quân đội Liên Xô được rút hết khỏi Afghanistan, hai bác hay tin: Kolia bị liệt vào dạng mất tích. Nhưng mãi đến gần đây, một đồng đội của Kolia mới vượt hàng nghìn km đến gặp hai bác để trao lại đồ đạc và những kỷ vật của nó. Anh ấy nói rằng Kolia đã tử nạn và đó là một câu chuyện dài, đau lòng mà bác chưa thể kể cho con nghe được.

Bác gửi cho con những bức tranh mà Kolia vẽ. Chúng là của con và con là người xứng đáng được lưu giữ chúng.

Kolia không còn nữa, nhưng đối với hai bác, con mãi là một người thân trong gia đình. Hãy viết thư cho hai bác và nếu có dịp sang Liên Xô, thì hãy biết rằng căn nhà bác luôn mở rộng cửa đón con.

Bác thành tâm mong con hạnh phúc và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Sergey Gorenkov"

(còn nữa)

10/11/07

CHÀNG TRAI TRÊN XE BUÝT (10)



Hà Nội đón cô trở về với không khí nóng ẩm, mồ hôi lúc nào cũng rịn trên da, gây một cảm giác nhớp nháp khó chịu. Những đường phố đầy bụi nóng như rang. Mùa hè chỉ ngồi yên một chỗ mà ngồi thở cũng đủ mệt, chứ đừng nói làm gì.

Nhưng dù sao cũng về đến Hà Nội và đang ở nhà. Điều đó khiến cô nguôi ngoai phần nào. Cô cũng quên cái đêm giận dữ ở Calcutta. Cô nghĩ chẳng qua Kolia muốn cô hãy quên anh đi, không cần vương vấn bận tâm làm gì nữa, nên mới viết như vậy.

Một trong những bức thư đầu tiên cô viết cho bạn bè, thầy cô giáo và những người thân quen ở Liên Xô, gửi ông bà Gorenkov. Cô viết, cô đã về đến nhà bình an vô sự. Cô sẽ nghỉ ngơi mấy tháng rồi tìm việc làm. Cô nhờ ông bà nếu có thư Kolia viết cho cô gửi về đó, thì hãy chuyển sang Việt Nam cho cô.

Vài tuần sau cô nhận được thư trả lời. Người viết là ông Gorenkov. Ông thông báo, từ hôm cô về đến nay, gia đình ông không nhận được thêm thư nào của Kolia. Có lẽ anh đã được điều sang Afghnistan. Mặc dù vợ chồng ông rất lo lắng, song luôn hy vọng Kolia sẽ trở về. Ông sẽ chuyển lời hỏi thăm của cô tới con trai và mong muốn cô thường xuyên liên lạc với gia đình. "Đối với hai bác, con như là con gái trong nhà. Con đã xuất hiện trong nhà bác từ khá lâu và hai bác đều rất yêu quý con".

Cô viết thư trả lời, rằng cô sẽ duy trì liên lạc thường xuyên với ông bà. Cô thú thực: "Ngoài hai bác ra, cháu chẳng còn biết hỏi qua ai tin tức về Kolia". Ba tháng đầu tiên, cô viết khá chăm chỉ. Nhưng đến tháng 10, cô xin được việc làm, trở nên bận rộn thì việc viết lách có thưa dần. Cô cũng giải thích lý do và mong ông bà Gorenkov thông cảm.

Cô chuyển sang quan tâm đến thời sự quốc tế. Hầu như không chịu bỏ chương trình thời sự nào của Đài truyền hình trung ương phát lúc 19 giờ hàng ngày. Bản tin quốc tế thu qua trạm vệ tinh mặt đất "Hoa sen" được cô chú ý hơn cả. Bố cô tấm tắc khen: "Đi Liên Xô về có khác, bản lĩnh chính trị vững hẳn!"

Nhưng ông đâu có biết rằng cô chỉ quan tâm đến tình hình chiến sự ở Afghanistan. Thời đó báo chí ít, truyền hình có đưa tin chiến sự, thì cũng đa phần là chiến thắng của quân tình nguyện Xôviết trong các cuộc giao tranh với lực lượng mujahideen. Đó cũng là thời điểm Liên Xô bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan.

Cứ mỗi lần có đợt rút quân, là cô lại chầu trực bên máy thu hình, căng mắt nhìn những người lính ngồi trên xe tăng đi qua biên giới, hay những cảnh đón tiếp rơi nước mắt những người con trở về trên đất Liên Xô, để xem có gương mặt của Kolia hay không? Nhưng cô không một lần thấy gương mặt đã gặp gần 2 năm trước.

Cô tự nhủ thầm, lính Liên Xô hàng vạn người, làm sao truyền hình quay được hết. Mà nếu có quay được, thì gương mặt Kolia hẳn cũng đã đổi khác sau những sương gió đạn bom của chiến tranh, làm sao cô còn nhận ra?

Ngày 15.2.1989, những đơn vị cuối cùng của quân đội Liên Xô rút khỏi Afghnistan. Mặc dù không vẫn không nhìn ra Kolia trong số những gương mặt vừa sung sướng vừa thất thần của những người lính được bỏ lại sau lưng mảnh đất chết chóc, nhưng cô vẫn rất vui. Cô viết thư cho ông bà Gorenkov: "Cháu rất vui vì tất cả những người lính đã trở về. Cháu hy vọng sớm nhận được tin vui về Kolia".

Nhưng cô lại không tính được rằng đến lúc đó, Kolia đã nhập ngũ được 2 năm 7 tháng, nhiều hơn 7 tháng so với thời hạn. Lẽ ra anh đã phải gửi thư cho cô từ lâu. Hai tuần sau, cô nhận được thư của ông Gorenkov: "Đúng là vui thật. Cuối cùng thì cuộc chiến tranh khốn kiếp đó đã chấm dứt. Hai bác đang chờ Kolia trở về".

Bẵng đi một thời gian không có thư, đến mùa thu cô nhận được một tấm bưu thiếp với dòng chữ: "Cháu còn ở địa chỉ này không. Báo lại để bác gửi bưu phẩm". Cô vội vã trả lời: "Vâng, cháu vẫn ở địa chỉ cũ".

Một tháng sau, cô nhận được giấy báo lên Bưu điện Bờ Hồ nhận bưu phẩm. Người nhân viên bưu điện hỏi lạnh lùng: "Chị có biết ai gửi bưu phẩm cho chị không?". Cô đáp: "Có, bố mẹ nuôi của tôi". "Người nước ngoài à?" - "Vâng, người Nga"!

(còn nữa)

9/11/07

MÙA ĐÔNG



Những sắc màu rực rỡ như mơ cùng lúc giáng trần
Mùa đông đã về đưa tiễn các nàng dâu vu quy
Còn tôi, tôi đưa tiễn đàn chim ri suốt đời chỉ một lần áo mỏng
Bay qua khung trời phù hoa như những kẻ tu hành.

Ngô Mai Phong

(Tối thứ 6, mời các bạn nghỉ một kỳ "Chàng trai trên xe buýt" để thưởng thức bài thơ mới nhất của Ngô Mai Phong)

8/11/07

CHÀNG TRAI TRÊN XE BUÝT (9)



... Chuyến tàu đưa cô đi khỏi thành phố xuất hành vào lúc 8 h chiều. Phải gọi là chiều, bởi vì vào giờ đó đầu tháng 7 trời vẫn sáng như ban ngày. Cô đáp chuyến tàu đêm, sáng mai sẽ đến Mátxcơva. Ở đó vài ba ngày, làm nốt thủ tục với bộ phận quản lý sinh viên, nhận vé máy bay rồi lên đường về nhà.

Có 3 người bạn ra tiễn cô, 2 nam một nữ, toàn là những sinh viên năm dưới. Thốt nhiên cô mỉm cười, mình chẳng có người đàn ông nào đưa tiễn cả. Năm trước, cũng có vài anh ngỏ lời với cô. Nhưng cô chẳng mấy rung động. Cánh sinh viên thì trẻ quá. Các anh nghiên cứu sinh thì hầu hết đều đã có vợ con. Hơn nữa quan hệ bên này phần lớn là những liên minh hàng hoá, nên cô không thiết tha.

Đưa hành lý vào kupe xong, cô quay ra bậc thang đầu toa chào những người đi tiễn. Nhạc hành khúc vang rộn ràng khắp sân ga. Một cặp trai gái Nga ôm hôn nhau thắm thiết dưới sân ga. Chàng trai đã bước lên bậc thang rồi, lại nhảy xuống hôn từ biệt người yêu thêm một lần nữa.

Tự nhiên, như một phản xạ, cô đưa mắt nhìn khắp sân ga, dường như tìm kiếm một ai đó, dường như nghĩ rằng đến lúc này, sẽ có một ai đó xuất hiện, như một món quà bất ngờ của số phận dành cho người có thể sắp rời xa thành phố thân yêu này mãi mãi.

Nhưng không có ai đến tiễn cô vào phút chót. Đoàn tàu rùng mình và từ từ lăn bánh. Cô vẫn đứng trên bậc thang đầu toa, mắt nhìn về phía xa. Hai chàng trai và cô gái đứng dưới sân ga vẫy rối rít: "Chúc chị thượng lộ bình an". Cô vẫy tay đáp lại, môi nở một nụ cười héo hắt. Thế là hết những tháng ngày tươi đẹp! Thế là hết thời thanh niên sôi nổi của ta!

Cô cứ đứng ở đó cho đến khi đoàn tàu rời khỏi ga và nhân viên phục vụ toa đóng cửa ở bậc lên xuống và yêu cầu cô trở về chỗ ngồi. Cô đi dọc hành lang, đến trước cửa kupe của mình và ngồi xuống chiếc ghế nhỏ bên cạnh ô cửa kính. Đầu óc trống rỗng...

... Chuyến bay của Aeroflot đưa cô về nước không được suôn sẻ như mong muốn. Đến chặng dựng chân ở Calcutta, khi chuẩn bị cất cánh thực hiện nốt phần còn lại của hành trình, phi hành đoàn phát hiện hỏng hóc, không thể bay tiếp. Hành khách được thông báo phải ở lại đây một ngày chờ máy bay khác đến tiếp viện.

Calcutta tháng 7 nóng như thiêu như đốt. Chiếc xe buýt đưa hành khách từ sân bay về khách sạn trong thành phố có những ô cửa sổ được lắp chấn song như xe chở tù. Khách sạn không đến nỗi nào, nhưng ba hành khách phải ghép chung một phòng vốn chỉ dành cho hai người. Cô ở chung với hai nữ ca sĩ của một đoàn nghệ thuật TP Hồ Chí Minh sang Liên Xô biểu diễn cho các công nhân xuất khẩu lao động.

Mỗi người được phát một phiếu ăn tự chọn cho bữa tối. Ăn xong, hành khách lục tục kéo sang quán bar cạnh đó, nơi có dàn nhạc sống người Ấn đang biểu diễn. Máu nghệ sĩ nổi lên, các diễn viên của chúng ta xông lên mượn sân khấu. Hai cô ca sĩ ở cùng phòng với cô cũng nhảy nhót gào rú. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để có thể được ở một mình, cô lặng lẽ trở về phòng.

Cô thả mình xuống giường, và vùi mặt vào gối. Nhưng cái mùi cay cay nồng nồng không quen từ ga gối sộc vào mũi khiến cô phải quay người lại nhìn lên trần nhà. Hiện trước mắt cô khoảng trần mầu trắng vô nghĩa, mà cô đã nhìn thấy trong căn phòng cô ở ký túc xá vào buổi tối cái hôm Tania nói cho nghe tân binh đi đến Trung Á, tức là sẽ bị điều sang Afghanistan. Chỉ có điều không gian ở đây có thêm tiếng lạch cạch đều đều một cách khó chịu của máy điều hoà không khí.

Cô với tay lấy túi xách và lôi ra ba bức thư của Kolia. Cô gần như đã thuộc lòng những dòng chữ viết trong đó. Nhắm mắt cũng có thể đọc được. Nhưng cô vẫn muốn cầm lấy những bức thư, nhìn thấy những dòng chữ viết tay của Kolia, đọc chúng bằng mắt.

Cô vẫn nhớ cái cảm giác khi đọc bức thư thứ ba. Có một cái gì đó thật bẽ bàng: Anh làm quen với tôi thật ấn tượng, anh khoác lên tâm hồn tôi mối lo âu về số phận của anh, để rồi anh nói rằng anh hối hận đã lôi tôi vào trò chơi của mình.

Hai bức thư đầu, anh ký thật giản dị, “tạm biệt” kèm tên gọi thân mật “Kolia”, nhưng sang bức thứ ba anh ký trịnh trọng “Người luôn nhớ bạn” với đầy đủ họ tên “Nikolai Gorenkov”, giống hệt câu cuối trong bài thơ đoạn tình “Bức thư gửi người đàn bà” của Sergei Esenin.

Phải chăng anh không còn cần tôi nữa. Phải chăng tất cả những gì đã có giữa chúng ta, cho dù là chưa sâu đậm, nhưng cũng đủ làm tôi phải suy nghĩ, trăn trở, chỉ là trò đùa? Nếu như vậy thì, Nikolai Gorenkov, anh quả là người độc ác!

(còn nữa)

Blog counter

7/11/07

CHÀNG TRAI TRÊN XE BUÝT (8)



Bữa ăn thế là hỏng. Bà Gorenkova vật vã khóc lóc một lúc nữa. Bà Orlova ra sức an ủi bạn và cuối cùng dìu bà Gorenkova vào phòng. Lát sau bà Orlova đi ra, đặt một ngón tay lên môi ý nói giữ im lặng. Bà ra hiệu cho cô cùng dọn dẹp bàn ăn, rửa sạch bát đĩa. Rồi bà châm ấm đun nước, pha trà. "Cháu ngồi xuống đây, uống trà một lát!" - bà nói. Hai bác cháu ngồi lặng lẽ vừa uống trà vừa nhìn ra trảng rừng đằng xa. Không hiểu sao họ không nói được thêm với nhau câu nào.

Ngồi được một lát, cô nói: "Thôi, cháu xin phép đi về". Bà Orlova khuyên cô nên ngồi chơi thêm một lát, đợi bà Gorenkova ngủ dậy. Nhưng cô nói cô phải chuẩn bị cho môn thi thứ ba. Bà Orlova không nói gì thêm mà lẳng lặng ra mở cửa. Cô ra về trong một tâm trạng nặng nề. Giá như cô đến mà gặp được cả ông Gorenkov ở nhà thì có lẽ cuộc trò chuyện đã không đẫm nước mắt như thế.

Mười ngày nữa trôi qua. Cô đã thi xong cả bốn môn. Chỉ còn chờ lễ tổng kết, làm nốt các việc đã ghi trong lịch, là cô sẽ lên đường về nước. Khi tất cả những vất vả của thời sinh viên đã lùi xa, cô mới chợt thấy, cô không muốn rời xa đất nước này. Biết bao nhiêu kỷ niệm đã gắn bó với cô trong suốt mấy năm qua. Nhớ cái mùa đông đầu tiên được nhìn thấy tuyết, cô đã lao ra sân trường đón những khóm bông nhẹ nhàng rơi xuống và cười nắc nẻ như một con điên. Nhớ những mùa thu huy hoàng khi đường phố thắp lửa trên những tán cây. Nhớ những cơn mưa cuối thu bị ướt lướt thướt lạnh run lập cập khi cả lũ sinh viên đi giúp nông trang viên thu hoạch khoai tây. Nhớ những buổi đi chơi nướng thịt trong rừng vui ơi là vui... Nhớ những thầy cô cực kỳ tận tuỵ. Nhớ những người bạn Nga luôn sẵn lòng giúp đỡ mỗi khi gặp khó...

Và nhớ Kolia, chàng trai đầu trọc vẽ bức tranh một người con gái giống cô... Nhưng nỗi nhớ cuối cùng này thật mơ hồ. Nó tồn tại mà dường như không tồn tại. Có những lúc cô thấy mối quan hệ giữa Kolia và mình thật rõ ràng, dường như có thể chạm vào và cảm nhận được. Nhưng cũng có những lúc cô thấy mối quan hệ ấy thật mỏng tang và mơ hồ. Ừ thì một người con trai đẹp trai, dí dỏm, thông minh, thoáng nhìn cũng biết là người tốt. Rồi sao nữa... Chẳng có gì.

Chẳng có gì... Nhưng tại sao cô lại lo lắng cho số phận của anh đến như vậy? Một người lính ra trận, cũng bình thường như bao nhiêu người lính khác. Vậy mà chỉ cần nửa tiếng trò chuyện trên xe buýt và hai bức thư, người lính ấy đã khiến cô không còn vô tư được nữa. Như vậy là khi rời xa xứ sở này, cô mang theo trong lòng một món nợ - món nợ đối với người đã nhìn thấy cô từ trước khi gặp cô.

Còn một tuần nữa là đến ngày về nước, cô nhận được điện thoại của ông Gorenkov, ông báo tin đã đi công tác về và ngỏ ý muốn đến gặp cô. Cô nói rất nhanh: "Để cháu qua nhà bác, cháu muốn qua chào tạm biệt hai bác luôn. Tuần sau cháu về nước rồi ạ!". Ông Gorenkov đáp: "Thế cũng được, hai bác chờ con".

Cô đến nhà gia đình Gorenkov ngay chiều hôm đó. Như lần trước bà Gorenkova ra mở cửa. Đôi mắt buồn của bà ánh lên niềm vui khi thấy cô. Vào đến phòng khách, cô thấy ông Gorenkov bước ra. Cô đoán không nhầm: Kolia giống cha như tạc. Trên tay ông cầm một phong thư: "Thư của Kolia gửi cho con". Cô đỡ lấy bức thư và ngạc nhiên hỏi: "Sao anh ấy không gửi về ký túc xá cho cháu?". Ông Gorenkov nói: "Cháu đọc đi. Có lẽ Kolia giải thích cho cháu trong thư!"

Cô mở bức thư và đọc:

"Chào cô gái trong mơ của tôi,

Chắc hẳn bạn sẽ rất ngạc nhiên khi nhận được bức thư này qua "trạm quân bưu" của ông bà Gorenkov. Từ nay, đây sẽ là cách duy nhất để tôi có thể gửi thư được cho bạn. Mỗi người lính sắp lên đường làm nhiệm vụ chỉ có hai địa chỉ để gửi thư: một cho bố mẹ, một cho vợ con. Trong trường hợp của tôi, thì chỉ được phép gửi đến một địa chỉ. Vì vậy thư gửi cho bạn nằm trong phong bì thư gửi cho bố mẹ tôi và họ sẽ chuyển cho bạn.

Nói là sắp, nhưng tôi chưa phải đi ngay ngày mai. Vẫn còn hơn hai tháng huấn luyện nữa. Bức thư này đến tay bạn khi bạn vẫn đang còn ở Liên Xô, sống những ngày thảnh thơi cuối cùng trước hành trình trở về nhà.

Ở đây tôi vẫn khoẻ. Thảnh thơi đối với tôi, đối với tất cả chúng tôi, không còn nữa. Bên ngoài kia vẫn là yên bình, nhưng trong lòng thì "bình yên chỉ vãng lai trong mộng". Luôn tin rằng những chuyện xấu nhất sẽ không xảy ra với mình, nhưng cũng chuẩn bị tinh thần sẵn sàng rằng chuyện xấu nhất có thể đến.

Ở đây, vào giây phút này, tôi bỗng thấy mình thật có lỗi, khi tự nhiên lôi bạn vào câu chuyện của tôi và khiến bạn phải lo âu một cách vô cớ. Lẽ ra bạn đã có thể rời đất nước của chúng tôi một cách rất thanh thản mà không phải khoác thêm mối quan tâm về một kẻ ngốc nghếch như tôi.

Bạn sẽ ở rất xa tôi. Tôi có bạn đấy, nhưng cũng sẽ không có bạn giống như trước kia. Tôi đã từng thấy hình bóng bạn rất đậm đặc trong tâm trí tôi, nhưng lại không bao giờ với tới được. Hãy tha thứ cho tôi nhé, cho những hành động bồng bột của tôi. Lẽ ra không bao giờ nên đánh thức cái giấc mơ đẹp ở trong tôi.

Chúc bạn lên đường may mắn và sớm đoàn tụ bên người thân của bạn.

Người luôn nhớ bạn, Nikolai Gorenkov".

(còn nữa)

Free counters

6/11/07

CHÀNG TRAI TRÊN XE BUÝT (7)



Thấy cô đứng lặng nhìn trân trối vào bức tranh, bà Gorenkova nắm lấy tay cô: "Thôi, bác cháu mình ra ngoài đi. Xem con gái chiêu đãi bác món gì nào? Hôm nay chỉ có cánh phụ nữ chúng ta ở nhà thôi. Ông Gorenkov đi công tác rồi. May quá con đến chơi, nếu không bác chẳng biết phải làm gì..."

Bà kéo cô ra bếp. Căn bếp cũng có bancông trông ra rừng cây giống như phòng của Kolia. Bà Gorenkova mở cánh cửa ra bancông. Làn gió mát ùa từ cánh rừng tinh khiết vào nhà khiến cô cảm thấy thật sảng khoái. Cô đặt các thứ mang theo lên bàn ăn, hỏi bà Gorenkova thịt xay, trứng, hạt tiêu - những thứ có thể dùng làm nhân nem mà trong gia đình Nga nào cũng có.

Cô hướng dẫn bà Gorenkova làm nem. "Để làm món này ở Nga cái gì cũng có, trừ cái giấy bằng gạo (bánh đa nem) và sợi mì (miến) này. Có cái gì thay thế được không nhỉ? Để bác xem nào, chắc là không rồi. Thế nên món của Việt Nam sẽ mãi là món Việt Nam đúng không?" - bà Gorenkova vui vẻ nói.

Bà giành phần rán nem, vì "chắc không có gì khó" và quả nhiên bà rán rất khéo. Vừa làm bà vừa kể những câu chuyện dí dỏm xung quanh những bà bạn làm cùng hay những bà bạn từ thời còn sinh viên, nhưng cô như không hoà nhập được vào câu chuyện của bà. Cô cứ bị ám ảnh mãi với câu hỏi: Tại sao cô gái trong bức tranh của Kolia lại giống cô đến thế?

Nấu nướng xong, bà Gorenkova ngắm nhìn đầy mãn nguyện thành quả là đĩa ném rán vàng. Bà hỏi: "Bác có thể mời bà hàng xóm tốt bụng sang cùng thưởng thức món ăn Việt Nam tuyệt vời này không? Nếu chỉ có mình bác với con ăn, thì sẽ chẳng biết chia sẻ cảm xúc với ai". Cô đáp: "Vâng, bác mời ai cũng được ạ. Hai bác cháu mình cũng khó mà ăn hết đĩa nem này".

Bà Gorenkova quay điện thoại và chừng mươi phút sau có tiếng chuông cửa. Bà ra mở cửa và một người phụ nữ trung niên có dáng người mảnh dẻ tới mức ngạc nhiên so với phụ nữ Nga tầm tuổi ấy, tay cầm một chai rượu vang Gruzia, bước vào. Bà Gorenkova giới thiệu người hàng xóm với cô: "Đây là bác Orlova!"

Nhìn thấy cô, bà Orlova vui vẻ bắt tay và khen: "Cháu xinh quá! Bạn của Kolia đấy à?" - "Không, cháu chỉ là người quen thôi ạ" - cô đáp. "Người quen ai lại mời đến nhà chơi bao giờ?" - bà Orlova nhướng lông mày. Bà Gorenkova đỡ lời: "Là bạn, là bạn của cả gia đình tôi".

- Tôi vừa đi lưu diễn ở Gruzia về. Mang theo chai rượu vang hảo hạng này. Rượu hảo hạng uống kèm món ăn hảo hạng. Được không bà? - bà Orlova hóm hỉnh hỏi.

- Được, được chứ. Cám ơn bà đã mang rượu đến. Bác Orlova là nghệ sĩ violon trong dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát opera và ballet. Bác ấy đi nhiều lắm, sành ẩm thực lắm. Bác ấy mà khen món ăn của cháu, thì tức là cháu là đầu bếp có hạng đấy! - bà Gorenkova giải thích. Bà mở rượu vang, rót vào ba cái ly cao miệng rộng. "Nào ta cùng chúc mừng cho cuộc hội ngộ này" - bà Gorenkova nói. Ba người phụ nữ cụng ly.

Bà Orlova ăn uống thật kiểu cách. Ăn xong miếng nem thứ nhất, bà ngồi lặng im chừng một phút đồng hồ như để cảm nhận bằng hết dư vị của nó: "Ngon! Tôi chưa bao giờ ăn món gì tương tự như thế này. Rất đặc biệt" - bà thốt lên.

Bà Gorenkova cười khanh khách: "Có thế chứ. Không ngon làm sao tôi dám mời bà. Nào nâng ly thứ hai chúc mừng tài nghệ nấu nướng của cô gái đến từ đất nước xa xôi này". Cô sung sướng đỏ mặt: "Món này còn thiếu nhiều vị lắm. Khi nào hai bác có điều kiện sang Việt Nam, cháu sẽ mời hai bác món nem đúng vị của nó".

- Tôi thì có thể có cơ hội sang Việt Nam biểu diễn. Chứ bà Gorenkova thì hơi khó đấy. Trừ trường hợp có con dâu là người Việt Nam. Phải không bà Gorenkova? - bà Orlova rổn rảng hỏi.

Thốt nhiên cả ba người phụ nữ cùng im lặng. Bà Gorenkova nhìn cô. Cô đọc được trong ánh mắt của bà sự hoài nghi. Nhưng đằng sau sự hoài nghi ấy là tâm trạng bối rối và lo âu. Con trai bà sắp phải xông pha nơi hòn tên mũi đạn. Điều bà cần nhất lúc này là con trai bà bình an vô sự và trở về lành lặn, chứ không phải là nghĩ về một tương lai xa hơn cho nó.

- Mấy tuần nay tôi vắng nhà không biết chuyện gì. Kolia nhập ngũ rồi phải không? Cuối cùng thì nó đi đâu? - bà Orlova hỏi. Lần này đến lượt cô nhìn bà Gorenkova. Bà cúi xuống trong vài giây, khi ngẩng lên thì đã nước mắt lưng tròng.

Bà Orlova ngừng uống, chăm chú nhìn bà Gorenkova: "Nó phải đi đến đó hả?" Bà Gorenkova lặng lẽ gật đầu. Bà Orlova đặt mặt cái ly xuống bàn: "Thật quá quắt! Hết việc rồi hay sao mà có bao nhiêu đứa con trai khoẻ mạnh, thông minh, tràn đầy sức sống đều bị đưa vào chỗ chết thế?"

Bà Gorenkova oà lên khóc. Dường như những mối lo âu về người con trai bị kìm nén lâu nay bây giờ mới có dịp được trút ra. Bà Orlova ôm lấy vai người bạn và nước mắt cũng chan hoà.

Vừa vuốt lưng bạn, bà Orlova vừa nói: "Thôi, yên tâm đi, chắc chắn Kolia sẽ không sao đâu mà. Một chàng trai tuyệt vời như nó đâu dễ chết! Nó sẽ trở về, lấy vợ, sinh con đẻ cái. Cuộc chiến tranh khốn kiếp kia sẽ không làm gì được nó đâu mà!"

(Còn tiếp)

5/11/07

3 KỊCH BẢN CHO "CHÀNG TRAI TRÊN XE BUÝT"



Sáng nay Ngô Tiên sinh đã nhắn như sau:

"Chàng trai trên xe buýt" đang tiến gần đến chặng cuối cùng. Mặc dù tác giả thông minh và đôn hậu đến đâu cũng không thể cứu vớt nổi mối tình dị chủng của hơn 20 năm trước.

Có nhiều kết cục:

1. Cô gái Việt trở về quê nhà và ngọn lửa tình yêu bây giờ vẫn còn âm ỉ cháy...

2. Nhân vật chính đạt điểm thi tuyệt đối, nhận được học bổng nghiên cứu sinh. Anh lính trở về. Họ đang chờ đợi ngày cưới thì chính biến xảy ra. Sĩ quan Nikolai chết tại quảng trường trước Duma Quốc gia vì một mảnh đạn pháo khi anh còn chưa biết có nên nổ súng vào Yeltsin đang vung tay thuyết phục giải tán cuộc bao vây nhà Quốc hội LB Nga hay không.

3. Họ cưới, quyết định đến định cư ở một nước thứ ba. Nhưng trên đường đi, gặp tai nạn lật tàu. Cả hai thoát nạn, nhưng hình ảnh chết chóc thảm khốc khiến Nikolai không chịu nổi bởi ấn tượng chiến tranh còn nguyên trong nhân vật. Anh bị tâm thần, phải quay về Nga. Bố mẹ chồng khuyên con dâu trở về Tổ quốc.

Cưỡng lại logic trên, câu chuyện chỉ còn là một chuyện tình thơ mộng kiểu "Paustovsky" mà thôi. Tầm tư tưởng sẽ giảm đi.

Truyện bố cục chặt. Ngôn ngữ không rườm. Đáng tiếc là đối thoại "gạch đầu dòng" hơi nhiều."

Bạn nghiêng về kết cục nào của Ngô Tiên sinh?
Hoặc bạn có kết cục riêng thì hãy viết trong comment. Xin cảm ơn.

4/11/07

CHÀNG TRAI TRÊN XE BUÝT (6)



Viết xong, cô chạy ra đầu phố bỏ thư ngay. Kể ra sáng mai đi học bỏ một thể cũng được, đằng nào thì xe bưu điện cũng đến thu thư vào lúc khoảng 8 giờ khi tất cả sinh viên đã kịp đáp xe buýt vượt chặng đường khoảng 5km để đến giảng đường. Không hiểu sao, cô cứ có cảm giác nếu bỏ thư sớm thì lá thư ấy sẽ sớm đến được tay Kolia, chỉ sớm hơn nửa tiếng thôi cũng được.

Thi xong môn thứ hai cũng đúng vào ngày thứ Bảy. Đằng nào thì cũng phải nghỉ ngơi một ngày rồi mới bắt tay vào học ôn cho môn thứ ba, nên cô quyết định sẽ đến nhà Kolia thăm bố mẹ anh.

Cô quay số điện thoại đã được biên từ danh thiếp của ông Gorenkov vào sổ tay. Từ đầu kia vang lên giọng của một người phụ nữ.
- Thưa, đây có phải điện thoại của gia đình Gorenkov không ạ?
- Đúng rồi, cô tìm ai?
- Chào bác, chắc bác là mẹ của Kolia?
- Còn cô là... Có phải là "cô gái trong chuyện cổ tích phương Đông" đó không?
- Dạ, vâng ạ.
- Chào con gái. Bác thật kém may mắn, vì là người cuối cùng trong gia đình Gorenkov được nói chuyện với con. Con thi cử thế nào rồi?
- Hôm nay cháu vừa thi xong môn thứ hai, bác ạ. Cháu có hứa với bác Gorenkov và với Kolia là sẽ qua thăm hai bác...
- Ồ hay quá. Bao giờ con định tặng cho bác niềm vui ấy?
- Ngày mai bác có rảnh không ạ?
- Có, ngày mai con đến nhé. Con đến vào buổi trưa nhé. Mình sẽ ăn trưa, ăn tối và có nhiều thời gian nói chuyện với nhau.
- Vâng ạ. Nhưng bác có thể cho cháu nấu một món Việt Nam được không?
- Được, được chứ. Con biết địa chỉ nhà bác chưa? Có rồi phải không. Nhà bác dễ tìm lắm. Nếu không tìm thấy thì con cứ gọi cho bác từ trạm điện thoại trên phố, bác sẽ xuống đón. Thế 11 giờ mai bác chờ con nhé.
- Vâng, hẹn gặp bác ngày mai.

Cô vội vã soát lại "kho" dự trữ thực phẩm Việt Nam của mình. May quá vẫn còn một ít miến và nấm hương để làm nem, nhưng bánh đa nem thì lại còn quá ít. Sợ rằng sáng mai các bạn sẽ ngủ bù không tiện đánh thức, cô vội vã chạy khắp các phòng có sinh viên Việt Nam để hỏi xin bánh đa nem. Cuối cùng cô cũng kiếm được hai chục lá. Thế là đủ.

Chủ nhật là một ngày đẹp. Nắng đầu hè mơn man trên đường phố. Các cô gái Nga bắt đầu diện những bộ váy áo mỏng phô phang vẻ đẹp mướt mát. Cô cảm thấy hơi thiếu tự tin khi ăn mặc có phần hơi giản dị. "Không sao, mình có ra mắt bố mẹ người yêu đầu mà sợ" - cô nhủ thầm.

Cô tìm được căn hộ của gia đình Gorenkov trên tầng 7 của căn hộ chung cư ở khu Zelenyi Lug khá dễ dàng. Ngôi nhà không cách bến xe buýt bao xa. Cô nhấn chuông và ngay sau hồi chuông đầu tiên, cửa đã bật mở, cứ như vị chủ nhà đã đợi khách từ lâu và chỉ cần nghe có ai đó nhấn chuông là mở cửa.

Một phụ nữ Nga đôn hậu tuổi chừng 50, mái tóc xoăn có những lọn tóc ốp vào gương mặt khá đẹp, dang hai tay tươi cười: "Con gái đã đến đây rồi. Chào con". Bà ôm chầm lấy cô như hai người thân lâu ngày mới gặp lại. "Con vào nhà đi, đưa bác xách cho cái túi nào, vào đi".

Bà vồn vã dắt cô vào phòng khách, ấn vào tay cô một cốc nước quả rồi nắm lấy hai vai cô: "Cho bác ngắm con một cái nào... Ồ, bác không thể tin được! Con thật giống với những gì mà Kolia đã hình dung".

Cô nhấp một ngụm nhỏ. Nước quả ngọt và mát thấm vào từng tế bào. Cô rụt rè hỏi: "Sao bác lại biết con giống với những gì mà Kolia đã hình dung?"
- Bác biết chứ. Vì Kolia đâu chỉ hình dung trong đầu óc? Nó vẽ những gì nó hình dung mà. Để bác dẫn con vào phòng nó nhé.

Bà Gorenkova kéo tay cô đứng dậy và dẫn vào căn phòng có cửa thông với phòng khách. Bà mở cửa và nhường đường cho cô vào trước. Căn phòng có một ban công rộng quay ra khu rừng xa ngút tầm mắt. Ánh sáng ùa vào kéo theo những đốm nắng lung linh nhảy múa trên tường.

Cô bỗng đứng sững lại khi nhìn thấy ở bức tường trên đầu giường của Kolia có một tấm tranh cao chừng 1m vẽ bằng bút chì đen hình một cô gái phương Đông. Dường như có một luồng điện mạnh mẽ truyền từ bức tranh sang người cô. Cô nhìn quanh, như e rằng có ai đó chiếu phim đèn chiếu lên bức tường. Hay đó chỉ là ảo ảnh?

Cô gái trong bức tranh chính là cô: gương mặt của cô, đôi mắt của cô, nụ cười của cô. Chỉ có trang phục là khác - đó là mớ xiêm y lả lướt. Và mái tóc khác. Cô để tóc dài, xoã tự nhiên, còn cô gái trong tranh có đôi bím tóc tết thật ngộ nghĩnh.

(còn tiếp)

Blog counters

3/11/07

CHÀNG TRAI TRÊN XE BUÝT (5)



Không phải ba ngày, mà là hai tuần sau bức thư đầu tiên mà Kolia viết trong quân ngũ mới đến được tay cô. Cô lật đi lật lại chiếc phong bì quân đội, và không thấy dấu vết nào chứng tỏ nó đã đến từ một nơi nào đó rất xa. Chỉ có khoảng thời gian hai tuần là cho cô manh mối để suy đoán rằng Kolia đã mất gần một tuần để đi từ đây đến đó, anh viết thư ngay cho cô khi vừa tới nơi, và bức thư cũng mất chừng ấy thời gian để đến được với cô.

Bức thư viết:

"Chào cô gái từ thế giới cổ tích phương Đông!

Tôi đã đến nơi tôi sẽ trải qua đợt huấn luyện đầu tiên của cuộc đời người lính. Địa điểm này là một cái chấm mơ hồ nào đó mà bạn chẳng thể tìm thấy trên bản đồ rộng lớn của đất nước chúng tôi. Tôi chẳng thể nói cho bạn ở đây hay hay dở, buồn hay vui. Nhưng dù thế nào thì đây cũng không giống như ở nhà.

Trong suốt hành trình xa lắc để đến được nơi này, tôi cứ cố gắng hiểu xem tại sao số phận lại run rủi cho tôi gặp bạn trên chuyến xe buýt ấy. Tôi mê chuyện cổ tích từ bé và đặc biệt thích những câu chuyện về phương Đông bí hiểm. Từ lâu lắm rồi tôi đã tự tạo cho mình hình ảnh một nàng tiên nhỏ bé tóc đen thướt tha kiều diễm ẩn hiện giữa những sương khói huyễn hoặc. Và bạn biết không, khi bạn bước lên xe buýt, tôi giật mình, sao mà bạn giống đến thế với cô gái trong mơ của tôi.

Có thể Chúa trời thấu tỏ mong ước của tôi và đã cho tôi nhìn thấy người trong mộng của mình hiện ra bằng xương bằng thịt? Có thể Người đã phái bạn đến với tôi vào ngày cuối cùng trước khi nhập ngũ như một tấm bùa hộ mệnh? Dù với bất cứ lý do nào thì tôi cũng xin cảm ơn đấng tối cao vô hình nào đó đã đưa bạn đến, đã cho tôi nửa tiếng quý giá được ở bên bạn và nói chuyện cùng bạn.

Cuộc sống người lính của tôi chắc chẳng có nhiều điều để nói. Mà có nói thì bạn cũng chẳng hiểu được đâu. Người lính ở đâu thì cũng phải đối mặt với những gian khổ. Chỉ có điều ai may mắn hơn thì gặp gian khổ ít hơn. Tôi nghĩ rằng tôi là người may mắn. Có được một tấm bùa hộ mệnh như bạn, thì gian khổ ít hay nhiều còn có ý nghĩa gì nữa đâu. Giờ đây tôi đã sẵn sàng đối mặt.

Giờ này chắc là bạn đã bắt đầu kỳ thi rồi phải không? Chúc bạn đạt toàn điểm 5 nhé. Tôi biết, đối với người Việt chuyện này khá dễ dàng.

Mai sẽ là ngày huấn luyện đầu tiên của tôi. Tôi hy vọng mọi điều sẽ tốt đẹp.

Chúc bạn gặp nhiều may mắn và hãy mang những điều tốt lành cho mọi người, trong đó có tôi.

Tạm biệt,

Kolia"

Đọc xong bức thư, cô thấy lòng bối rối: "Không lẽ mình lại được chọn làm người để Kolia gửi gắm niềm tin về sự may mắn và ước vọng trở về?". Có vẻ như điều này thật quá sức đối với cô. Cô không được chuẩn bị để đóng một vai trò quan trọng như vậy?

Ồ, nhưng tại sao lại phải "đóng vai". Cuộc sống đang diễn ra và ta đang sống cuộc sống của ta ngày hôm nay. Chỉ có điều ta đã vô tình bước vào cuộc sống của một người khác. Người ấy thấy sự tồn tại của ta là có ý nghĩa đối với cuộc sống của người ấy. Vậy thì ta hãy sống như đang sống và mở lòng để người đó bước vào. Và hãy cố gắng để ta thực sự có nghĩa như người đó mong muốn. Ít nhất là cho đến khi người ấy trở về.

Cô viết thư trả lời:

"Xin chào Kolia thân mến,

Cám ơn anh đã gửi cho tôi ba cuốn sách. Cám ơn anh đã viết thư cho tôi. Tôi biết chặng đường mà anh đã phải đi từ nhà đến nơi đóng quân rất dài nên anh đã không thể viết sau ba ngày như đã hứa.

Đọc hai bức thư của anh, tôi thấy thật bối rối. Tôi hầu như không biết gì về anh. Thế rồi bỗng nhiên, chỉ sau một cuộc gặp gỡ tình cờ, tôi bỗng có một ý nghĩa nào đó đối với anh mà tôi vẫn chưa biết đích xác.

Tuy nhiên, tôi vẫn rất vui là được kết bạn với một người như anh. Chỉ cần đọc hai bức thư của anh thôi, cũng đủ thấy anh là người giàu tình cảm, rất lãng mạn, rất yêu đời và tràn đầy nghị lực sống. Mai ngày khi trở lại Việt Nam, có lẽ tôi sẽ rất cần tinh thần lạc quan mà anh truyền cho tôi hôm nay.

Kolia thân mến, tôi đã nói chuyện qua điện thoại với bố anh. Ông cũng là người dễ mến. Tôi hứa sẽ đến thăm bố mẹ anh sau khi thi xong.

Thư trước anh có viết , song tôi tin chắc rằng anh sẽ vượt qua tất cả. Dù ở đây, hay khi trở về Việt Nam, tôi sẽ cầu Trời Phật phù hộ cho anh.

Xiết chặt tay anh.

P/S: Hiện giờ tôi chưa có thời gian đọc mấy cuốn sách anh tặng. Tôi đang thi và phải ưu tiên cho kỳ thi. Nhưng chắc chắn về Việt Nam tôi sẽ đọc. Nội dung hai cuốn sách của Gaidar tôi đã biết, nhưng tôi sẽ xem nguyên bản hay như thế nào. Chỉ có điều tôi thấy anh là người lính chấp hành điều lệnh rất tốt. Không một "bí mật quân sự" nào được tiết lộ trong hai bức thư. "

(còn tiếp)

Free counter

2/11/07

CHÀNG TRAI TRÊN XE BUÝT (4)



Nghe Tania nói thế, tim cô thốt nhiên như có ai bóp chặt lấy. Bàn tay quái ác ấy cứ xiết chặt, không chịu buông trái tim nhỏ nhoi của cô. Và vì thế nó quẫy đạp, cố gắng được đập tự do theo nhịp riêng của nó từ hơn hai chục năm qua. Cô vội vã đặt cốc nước đánh răng xuống bồn rửa mặt, một tay vịn vào thành bồn bằng sứ, một tay ôm ngực.

Tania hoảng hốt hỏi: "Cậu sao thế? Sao mặt cậu lại tái mét đi như vậy?"

Vội vã lấy chiếc khăn vắt trên vai để lau bọt từ thuốc đánh răng trên miệng cô, Tania dìu cô vào phòng. Thận trọng đỡ cô ngồi xuống giường, Tania chạy ra bình nước rót một cốc nước đầy và đưa cho cô: "Cậu uống nước đi!".

Cô cầm cốc nước và uống từng ngụm nhỏ. Bàn tay quái ác từ từ nới lỏng, và cô cảm thấy dễ chịu hơn. Phải rồi, chiến tranh ở Afghanistan. Ngày nào cũng có những chiến sĩ tình nguyện Xôviết hy sinh ở đó. Báo chí hầu như không nói đến cuộc chiến này, nhưng người dân thì biết rõ sự ác liệt của nó, bởi con em họ chông chênh giữa sự sống và cái chết trên đất khách quê người.

Cô ngạc nhiên trước phản ứng cơ thể của chính mình. Kolia chỉ là một người mới quen, chỉ mới đi cùng nhau khoảng nửa giờ đồng hồ trên một chuyến xe buýt. Cô hầu như chưa biết gì về anh ta. Chưa có một tình cảm đặc biệt nào. Vậy tại sao, tại sao cô lại run rẩy đến như thế khi nghe tin anh sẽ phải đi sang Afghanistan.

Tania ngồi xuống nền nhà và đặt hai tay lên gối cô. "Này, cậu hãy nói thật cho tớ nghe, ai đi Afghanistan? Một chàng trai Nga người yêu của cậu à?"

- Không, - cô lắc đầu. - Không, chỉ là một người mới quen thôi.
- Ừ, tớ hiểu, - Tania tỏ ra thông cảm. - Ai đi Afghanistan mà không lo chứ?
- Đúng thế, - cô nhìn vào đôi mắt đang chuốt lông mi dở của Tania. Đôi mắt rất đẹp, nhưng cũng thăm thẳm buồn khi nói về những người đàn ông lên đường ra trận. Đôi mắt ấy cô đã nhìn thấy ở những người phụ nữ Nga trong những bộ phim về chiến tranh của Liên Xô. Sao dân tộc này lại cứ phải đối mặt với chiến tranh, cứ phải tiễn những người đàn ông ra trận mãi thế?

- Thôi cậu đi đi, kẻo người ta lại đợi. Tớ ổn rồi. Cảm ơn cậu, - cô giục Tania.

- Có gì đâu. Tớ nghĩ chắc cậu quá mệt mỏi sau đợt đóng hàng vừa rồi nên chỉ cần một tin xúc động cũng khiến cậu bị như vậy. Nghe tớ này, bây giờ cậu nằm xuống ngủ đi. Để tớ nhắc ai đó thỉnh thoảng chạy sang trông chừng cho cậu nhé.
- Không cần đâu, tớ ổn rồi. Cậu đi đi.
- Thôi được. Nhưng cậu đừng chốt cửa nhé.
Cô gật đầu. Tania đi ra, đến cửa còn quay lại, ra dấu chúc ngủ ngon.

Cô nằm xuống và nhìn chăm chăm lên trần nhà. Ở đó chỉ là một khoảng trắng tuyệt nhiên không có bất cứ một hình thù nào. Ở căn phòng này đã 9 tháng nay, nhưng chưa bao giờ cô nhìn lên trần. Tại sao trong cái ốc đảo này lại có thể tồn tại một cái khoảng trắng vô lý đến như vậy?

Cô vùng dậy, lấy lại bức thư của Kolia, bật đèn trên table de nuit và đọc lại những dòng chữ nghiêng nhưng vẫn rắn rỏi của người con trai. Cô đọc lại từng dòng và cố gắng cắt nghĩa xem Kolia thực sự muốn nói gì. Đây rồi: "Chuyến đi sắp tới của tôi có thể sẽ là rất xa. Những việc tôi phải làm có thể sẽ rất khó khăn và vượt qua sự chịu đựng của tôi. Nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào khác".

Thì ra anh ấy đã biết trước tất cả, thế mà hôm qua khi gặp anh, cô chẳng thấy mảy may một dấu hiệu nào của người sắp đi vào giông bão. Thậm chí, đã có lúc cô thấy trò chơi kết bạn của anh có chút gì đó phù phiếm. Cô cảm thấy mình như người có lỗi vì đã thật vô tình.

Cô đọc tiếp: "
Giờ đây tôi chỉ có một sự lựa chọn mà cả tâm trí tôi, tâm hồn tôi, tình cảm của tôi đều giục giã tôi phải làm - đó là làm quen với bạn, được trở thành bạn của bạn, và nếu có thể cùng với thời gian được trở thành một người thân của bạn." - Anh ấy không đùa, anh ấy hoàn toàn nghiêm túc - cô nghĩ thầm.

"Chắc chắn bạn sẽ không khước từ mong ước đó của tôi. Đúng không? Tôi biết rõ là bạn sẽ trả lời đồng ý" - Vâng, tôi đồng ý, lẽ nào tôi lại khước từ mong ước trong sáng như thế của một người lính. Tôi đồng ý. Cô khẽ lẩm bẩm một mình và không để ý rằng nước mắt đã chảy dài trên má.

(còn nữa)

Simple counter

1/11/07

CHÀNG TRAI TRÊN XE BUÝT (3)



Cô đặt bức thư xuống bàn, bên khay thức ăn vẫn còn nguyên. Đan hay tay sau gáy, cô nhìn ra ngoài cửa sổ. Mùa hè đang đến, và ngày bắt đầu dài hơn. Đã hơn 7 giờ chiều mà trời vẫn sáng. Nhìn đám lá xanh mướt rung rinh sau lớp kính, cô cố hình dung ra tiếng rì rào của những ngọn gió đang vuốt ve chúng.

Cô nhìn lại bức thư. Nikolai Grenkov. Một cái tên đặc Nga và dễ nhớ. Mới chỉ cách đây chưa đầy 30 giờ đồng hồ, cô còn chưa biết đến sự hiện diện của con người này trên cõi đời. Thế mà giờ đây, bức thư của người ấy gửi cho cô đang nằm trước mặt. Một bức thư vừa thân thương vừa hờ hững, vừa nồng nàn vừa xa lạ. Rõ ràng cô không hề mong đợi bức thư này, nhưng lạ thay những dòng chữ trong đó khiến lòng cô nhẹ bẫng. Dường như những cực nhọc của mùa đông giá lạnh đã lùi xa vĩnh viễn.

Cô gõ gõ ngón tay xuống bàn và lại đưa mắt nhìn ra ngoài trời. Mặt trời khuất ở đâu đó nhưng ánh sáng của nó phản chiếu trên mái ký túc xá đối diện một màu đỏ tinh khôi. Cô mỉm cười và lẩm bẩm: "Kolia, Kolia. Anh bước vào cuộc đời tôi như thế đấy à?"

... Từ nhà ăn trở về phòng, cô xem lại bức thư một lần nữa. Những lời lẽ giản dị trong thư như có sức hút kì lạ. Ta không thể lướt qua chúng một cách dễ dàng. "Anh ấy nói đúng, ta không thể khước từ mong ước kết bạn của một người lính!".

Cô xem lại bì thư, trong đó còn có tấm danh thiếp của Sergei Gorenkov, kiến trúc sư, số điện thoại và dòng chữ viết tay: "Cô gái, hãy gọi điện khi nhận được gói quà này. Cảm ơn".

Cô đi xuống phòng thường trực và xin gọi nhờ điện thoại. "Allo!" - một giọng nam trầm ấm vang lên.
- Xin cho tôi gặp ông Sergei Gorenkov.

- Tôi nghe đây.
- Chào bác, cháu là cô gái Việt Nam mà bác chuyển sách đến hôm nay. Cháu đã nhận được rồi. Cảm ơn bác rất nhiều.
- À, hoá ra là cháu đấy à. - Giọng người đàn ông lộ rõ vui mừng. - Tiếc quá, trưa nay bác đến mà không gặp được cháu. Hình như cháu không có nhà.
- Cháu có nhà chứ ạ. Nhưng mà cháu ngủ, nên không nghe thấy tiếng người gọi.
- Rất vui được gặp cháu. Kolia đã kể cho hai bác nghe về cháu.
- Thế ạ? Anh ấy có biết gì về cháu đâu ạ? Cháu mới gặp anh ấy lần đầu tiên ngày hôm qua.
- Hôm qua mới gặp lần đầu à? Thế mà bác có cảm giác nó biết cháu đã 100 năm nay.
- Kolia đã đi chưa ạ? - cô hỏi sang chuyện khác, tránh đề cập đến mối quan hệ đang ở mức zero giữa cô và con trai của người đối thoại.
- Đi rồi. Đi sáng nay. Tiễn nó xong là bác rẽ qua chỗ cháu đấy.
- Thế anh ấy đi đâu hả bác?
- Đi đâu ấy à? Hừm... đến một nước cộng hoà... ở Trung Á. Bác chỉ biết có thế, - giọng người đàn ông chùng xuống.
- Xa quá bác nhỉ? Nhưng ở đâu thì cũng là Liên Xô thôi. Hai năm nữa anh ấy sẽ trở về. Chắc cũng nhanh thôi mà.
- Này, con gái. Bác thấy con đúng là từ một đất nước đã quá quen thuộc với những cuộc chia ly. Con rất biết cách an ủi người khác!
- Vâng, có lẽ thế. Nhưng đúng là 2 năm sẽ rất nhanh mà bác.
- Bác cũng hy vọng thế, - người đàn ông bỗng thở dài.

Cô gái hiểu rằng người cha này rất yêu con trai của mình.

- Bác muốn mời con qua nhà bác chơi, khi nào con đi được thì báo để hai bác chuẩn bị.
- Cháu sắp phải thi, nên chưa biết có thu xếp để đến thăm hai bác được không. Nhưng cháu sẽ cố gắng. Cháu sẽ gọi điện để thông báo sau.
- Được rồi, bác chờ điện thoại của con.
- Vâng, cháu chào bác.
- Hẹn gặp con.

Cô trở về phòng và mường tượng ra quan hệ trong gia đình Gorenkov. Nói chuyện với người cha, cô thấy phong thái nói chuyện của hai cha con thật giống nhau. Kolia chắc chịu ảnh hưởng từ người cha rất nhiều. Mà phải rồi, ông Gorenkov là kiến trúc sư, còn Kolia là sinh viên khoa thiết kế dân dụng. Hai nghề nghiệp mà họ theo đuổi cũng gần gũi với nhau.

Cô lấy bàn chải, thuốc đánh răng và đi ra khu nhà vệ sinh trong block (*). Ở đó cô gặp Tania, cô bạn sống ở phòng bên cạnh đang chải mascara lên mắt, chuẩn bị đi chơi.
- Sắp thi rồi còn đi nhảy sao, Tania? - cô hỏi.
- Đi nhảy lần cuối cùng đây. Từ mai tớ sẽ là nữ tu, - Tania đáp hóm hỉnh.
- Này, tân binh mà đi Trung Á thì làm gì ở đó hả cậu?

Tania ngừng chải mascara, quay ngoắt sang cô:

- Ai đi Trung Á?
- Một người quen của tớ, - cô đáp hờ hững.
- Người quen nào? - Tania hỏi dồn.
- Thì... bạn cùng phòng với... anh bạn Việt Nam của tớ... bên Đại học Công nghệ. - cô ấp úng.
- Sao cậu biết anh ấy đi Trung Á? - Tania tiếp tục truy vấn.
- Bố anh ấy nói thế, - thái độ của Tania khiến cô lo âu. - Có chuyện gì hả cậu?
- Có, chuyện khủng khiếp! - Tania lắc đầu như muốn xua đi ám khí.
- Sao lại khủng khiếp? - cô mở to mắt.
- Cậu không biết gì thật sao, con ngốc?
- Không! - cô lắc đầu.
- Nghe kỹ tớ nói này. Đi Trung Á, tức là sẽ bị điều sang Afghanistan. Cậu biết là bên đấy đang có chiến tranh chứ?
___
(*)block: Ký túc xá của Nga chia thành các block. Mỗi block thường có 3-4 phòng, mỗi phòng từ 2-6 người ở. Mỗi block có một khu vệ sinh chung.

(còn tiếp)

Free web page counter
 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết