31/3/07

CÂU CHUYỆN OSHIN (13)



KỲ 13
BỒNG

Con Tí hú vía sau buổi tối thứ Bảy khủng khiếp đó. Về đến nhà nó rửa vội mặt mũi chân tay, rồi trèo thẳng lên tầng thượng, châm ba nén hương cắm lên bàn thờ. Nó lầm bầm khấn vái cảm ơn trời phật đã run rủi giúp nó thoát nạn. Và nó thề từ nay sẽ không đi đâu vào buổi tối nữa.

Ngày hôm sau đi chợ, nó chủ tâm đi đến chỗ nó đã gọi chiếc xe ôm tối hôm qua, đưa mắt nhìn quanh nhưng không thấy gã xe ôm đâu cả. Nó không dám hỏi ai về gã, vì ngại sẽ bị người ta tò mò hỏi lại tìm gã để làm gì.

Xách đồ ăn về đến nhà, nó nghe tiếng chuông điện thoại reo. Nó nhấc ống nghe và thấy giọng đàn ông vang lên: "Chú gặp ai ạ?". "Cho... cho... gặp Tí ạ!" - giọng người đàn ông ngập ngừng. ""Cháu đây ạ" - Tí nói. "À, Tí đấy à? Anh đây, anh Bồng đây!" - người đàn ông nói. Con Tí ngớ ra, Bồng nào nhỉ? Nhưng rất nhanh nó nhớ ra người thanh niên tối qua đã cứu nó khỏi gã đàn ông cuồng loạn.

- À vâng, anh Bồng. Chào anh nhá! - con Tí nói giọng vui mừng.
- Thế nào rồi? Khỏe không? - Bồng hỏi.
- Em bình thường ạ. May quá, hôm qua gặp được anh, lếu không...
- Ờ, lần sau đừng có đi một mình đến những chỗ như thế này. Chủ nhà có nói gì không?
- Không... không. Họ không biết, tại em không lói...
- Ờ thế cũng được. Thôi gọi điện hỏi thăm thế.

Tí nghe câu ấy và đoán Bồng sắp bỏ máy, nó hơi phân vân: Anh ta đã cứu mình lại còn gọi điện hỏi thăm mình, chắc cũng phải nói thêm câu gì đó...
- Thế anh gọi điện ở đâu đới?
- Gọi ở điện thoại công cộng thôi. Thôi nhé.
- Vâng...

Bồng bỏ máy rất nhanh. Chắc anh ta không muốn tốn thêm tiền. Thợ xây, chứ có phải tỉ phú đâu? Sắp xếp thức ăn vào tủ lạnh xong, Tí leo cầu thang lên tầng thượng phơi đống quần áo máy giặt vừa giặt xong. Vừa phơi quần áo, nó vừa tự hỏi: Tại sao Bồng lại gọi điện hỏi thăm nó nhỉ?

Từ hồi nó lên đây tới giờ có ai gọi điện hỏi thăm. Bố mẹ nó năm thì mười họa mới gọi, chủ yếu là trước dịp hè, dịp Tết, hỏi xem khi nào nó về. Có thằng Lẫm gọi một lần, hẹn hò hỏi mượn báo. Ngoài ra không còn ai nữa. Chỉ có anh Bồng này gọi điện hỏi thăm nó. Phơi xong đống quần áo, nó tự bằng lòng với lời giải thích rằng anh ấy gọi điện vì muốn biết tình hình nó như thế nào sau buổi tối hôm qua.

Suốt mấy hôm sau, sáng nào đi chợ nó cũng lượn qua đoạn phố đã gọi xe ôm tối thứ Bảy. Nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng gã đàn ông trời đánh đâu cả. Vào một buổi sáng khi nó đang ngó nghiêng để ý, thì bỗng nghe tiếng gọi giật giọng: "Tí!". Nó ngoảnh lại nhìn, và thấy Bồng ngồi ở quán nước trên vỉa hè, cái miệng có hàm răng hơi hô của anh ta chưa kịp khép lại sau câu gọi nó trông thật tức cười.

Tí xách làn tiến lại chỗ Bồng đang ngồi và thấy cái xe đạp tàng mà Bồng chở nó tối hôm nọ về nhà dựng ngay cạnh. May đây không phải là quán của bà già lắm điều đầu phố, nên nó cũng yên tâm. Chị chủ quán đẩy cho nó một cái ghế nhựa màu đỏ khá nham nhở. "Anh đi đâu đới?" - Tí vui mừng hỏi. "À, tiện đường đi qua đây, nhân thể ngồi uống chén nước. Uống gì?"

Từ hồi ra Hà Nội đến giờ Tí chưa bao giờ ngồi quán nước. Nó không có thời gian, mà cũng không có tiền, vả lại cũng chẳng hiểu tại sao người ta có thể ngồi ở quán nước cả giờ đồng hồ. Vì thế, nó không biết có thể uống gì ở những quán như thế này. "Uống gì cũng được!" - nó đáp. "Cho cốc nhân trần đá" - Bồng bảo chị chủ quán.

Tí đón cốc nước. Nó nhấp một ngụm và thấy thứ nhân trần này cũng chẳng có gì đặc sắc. Bồng hất hàm: "Mua gì thế?". "Thức ăn ấy mà!" - Tí đáp. "Ở trên phố mua gì cũng tiện. Dưới kia phải đi chợ xa quá!" - Bồng tiếp chuyện. "Các anh ở dưới đấy thế lào?" - Tí tỏ vẻ quan tâm. "Vẫn thế. Này, ăn cái kẹo lạc này!" - Bồng chìa cái kẹo cho Tí. Nó cầm lấy tỏ vẻ bẽn lẽn và nói theo kiểu thành phố: "Em xin!"

Hai người nói những câu chuyện không đầu không cuối. Tí cảm thấy ngượng ngùng, đây là lần đầu tiên nó được một người đàn ông săn sóc. Nó nhớ thằng Lẫm và đám thợ xây trước đó, nó toàn phải chủ động, mua quà dụ dỗ mà đổi lại chẳng được gì. Còn Bồng, anh ta gọi điện hỏi thăm, mời vào quán uống nước, ăn kẹo. Đúng là người lớn cũng có khác.

Tí không ngồi được lâu. Nó nói với Bồng: "Em phải về thôi, ở nhà có nhiều việc nắm". Bồng rút tiền trả chị hàng nước và dắt xe: "Ngồi lên anh đèo về". Lời đề nghị khiến Tí thấy ngại thực sự. Ban ngày ban mặt thế này, nhỡ ai trông thấy kháo với bà hàng nước thì phiền. Nó bảo Bồng: "Thôi, anh cứ đi đi, em đi bộ về được. Không cần đâu".

"Ừ, thế cũng được" - Bồng gật đầu. Tí lí nhí chào Bồng và xách làn cắm cúi đi. Nó không dám nhìn lại. Bồng dắt xe xuống dưới lòng đường và nhìn theo nó mãi rồi mới quay đầu xe phóng đi.

29/3/07

CÂU CHUYỆN OSHIN (12)



Phần 12
BÊN TRONG NGÔI NHÀ

Chị nhìn nó xót xa. Hóa ra sự thể lại như thế này đây. Con bé xấu xí quê mùa chất phác kia suýt trở thành nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp. Thế mà chị nỡ nghĩ xấu về nó, nỡ nghĩ xấu về chồng. Làm sao chị lại có thể để lọt vào trong óc ý nghĩ rằng chồng chị tư tình với con bé này nhỉ? Sao chị không nghĩ ra là nó có thể bị ảnh hưởng bởi những tác nhân bên ngoài căn nhà yên ấm này của chị chứ? Chị thấy mình thật trơ trẽn. Chị xấu hổ như bị lột trần đặt lên bục công an ở ngã tư đường.

Rồi chị rùng mình khi nghĩ tới hai đứa con của mình. Chúng cũng là con gái. Chúng xinh đẹp, thơm tho. Chúng dễ trở thành miếng mồi ngon cho những con đực thèm khát hơn cả con bé oshin này. Lâu nay, chị vẫn tự hào là người vợ thương chồng người mẹ yêu con. Với quan niệm “nhà của tôi – pháo đài của tôi”, chị đã làm tất cả để bảo vệ gia đình nhỏ bé của mình trong căn nhà này. Nhưng cuộc sống không chỉ gói gọn trong căn nhà. Các con chị hoàn toàn an bình trong căn nhà này, nhưng ở ngoài căn nhà thì sao? Chị có thể đi theo sát các con từng giờ từng phút được không? Ai sẽ là người bảo vệ chúng?

Chị nhớ là chưa bao giờ dạy hai đứa con gái biết phân biệt thế nào là người tốt, thế nào là người xấu; biết cảnh giác trước những lời phỉnh nịnh và từ chối những lời dụ dỗ ngon ngọt. Chết thật, may mà có chuyện này, chị mới mở mắt ra được chút ít. Chị nghĩ thế, nhưng lại tự rủa mình thật đốn mạt. Sao lại có thể rút ra kinh nghiệm từ bài học đau đớn này của con gái người khác? Sao lại để đến khi con Tí suýt mất cả đời con gái trinh trắng, chị mới nhận ra những điều giản đơn như thế.

Khi đưa con Tí về đây, đúng là chị đã không nghĩ rằng nó là một thành viên bình đẳng trong gia đình chị. Dẫu có họ hàng dây mơ rễ má, thì nó cũng chỉ là phận người làm. Có chăng, trong thời buổi hiện đại, đứa người làm này được ăn cùng gia đình ông bà chủ, được mặc quần áo đẹp mà cô chủ nhỏ thải ra và không bị quỵt tiền lương. Còn thì nó vẫn là tôi tớ không hơn không kém.

Chính vì nghĩ thế, nên chị cũng chẳng dậy dỗ con Tí điều gì hơn ngoài kỹ năng làm bếp và dọn dẹp nhà cửa. Nó có đọc báo, xem tivi hay không chị cũng chẳng quan tâm. Thậm chí đôi khi thấy nó chăm chú nghe một bài hát nhạc pop vớ vẩn qua đài, chị cũng cằn nhằn vì khó chịu khi thấy nó lơ đãng công việc. Nó ở đây, trong căn nhà này, và mặc nhiên theo suy nghĩ của chị, nó phải tuyệt giao với thế giới bên ngoài, trừ những lúc đi chợ hay chạy ra đầu ngõ mua những thứ lặt vặt mà người trong nhà yêu cầu.

Nhưng con bé cũng là con người, nó có suy nghĩ, có tình cảm và những mối quan tâm riêng của nó. Dẫu chị có vô tình giam hãm nó trong căn nhà này, thì tinh thần nó, như một nhu cầu tự nhiên vẫn tự thoát ra khỏi chiếc vòng kim cô vô hình. Bằng chứng là nó đã “giao du” với thằng Lẫm và đám thợ xây suốt mấy tháng trời mà chị không hề biết.

Chị đứng lên, đi ra đằng sau lưng ghế nơi con Tí ngồi. Chị cúi xuống ôm lấy nó và siết nhẹ. Tóc con bé không thơm như tóc con chị, da nó không trắng và mịn màng như da con chị, nhưng chị thấy không có sự khác biệt nào giữa nó và các con chị nữa. Con bé cảm động trước tình cảm của cô chủ, vai nó rung lên trong tay chị. Chị an ủi nó: “Thôi, nín đi cháu. Không sao cả. Từ nay, cô sẽ chăm sóc cháu hơn”.

Con bé để im cho chị ôm. Vài phút sau chị buông nó ra và quay lại chỗ của mình. Chị nhìn sâu vào mắt nó: “Lát nữa cô cháu mình đi ra ngoài. Cháu dẫn cô đến chỗ cháu đón xe ôm hôm trước, cô tìm xem gã xe ôm khốn khiếp đó là thằng nào”. Tí lắc đầu nguây nguẩy: “Không ăn thua rồi cô ơi. Cháu đã tìm ló suốt mấy ngày hôm sau. Sáng lào đi chợ cháu cũng đi qua mạn ấy, nhưng không thấy ló đứng ở đấy lữa”. Ờ phải rồi, có thằng nào ngu mới quay trở lại chỗ đó. "Thế cháu có hỏi những người xung quanh ở đấy xem nó là ai không" - chị hỏi. "Không ạ" - con bé ấp úng: "Cháu ngại người ta hỏi cháu hỏi ló để nàm gì, lên cháu không hỏi".

Chị thấy con bé nói đúng, truy tìm gã xe ôm mất nết kia phỏng có ích gì, không khéo lại để cho thiên hạ thêm tò mò nhòm ngó vào việc nhà mình. Đằng nào thì con Tí cũng chưa bị làm sao. Ừ, nhưng tại sao lại chưa bị làm sao? Nó CÓ bị làm sao đấy chứ. Chị nhìn nó nghi ngại. Như hiểu được suy nghĩ của chị, con bé cụp mắt xuống: "Cháu, cháu có gặp ở đấy một người..."

(còn nữa)

24/3/07

ĐỪNG ĐÙA VỚI "HOÀNG KIM GIÁP"



Tôi xem "Mãn thành tận đái Hoàng kim giáp" sau khi đọc nhiều bài chê bai ỉ ôi trên báo chí trong và ngoài nước.

- Nào là phim xào xáo một cách vô lý vở kịch "Lôi vũ" của Tào Ngu, nào là nếu ai không biết vở kịch này của Tào Ngu thì sẽ chẳng hiểu phim nói gì;

- Nào là bối cảnh phim quá lộng lẫy, xa hoa, không hợp với thời nhà Đường của những năm 900;

- Nào là trang phục của các nữ diễn viên để hở ngực một cách vô lối (nhưng phần phục trang của phim này lại được đề cử giải Oscar)...

Chắc ai cũng hiểu là xem một bộ phim sau khi đã đọc phê bình, nhất là phê bình lại chê hết mức, thì mất hết cả hứng thú.

Kệ, Trương Nghệ Mưu thì phải xem. Xem xem ông ta còn dở như thế nào nữa sau "Thập diện mai phục".

Nửa đầu phim đúng là lê thê, khoe quần khoe áo và những màn kung fu chẳng mấy ăn nhập, khiến tôi phải tắt máy để hôm khác xem tiếp.

Mười ngày sau mới có một buổi tối rỗi rãi để xem tiếp nửa còn lại.

Từ đây thì thấy phim khác hẳn, càng xem càng bị lôi cuốn và kết thúc phim thật bất ngờ.

Nếu ai cứ bảo thủ, lăm lăm cầm vở "Lôi vũ" để đối chiếu với "Hoàng kim giáp" thì thật là sai lầm. Bộ phim chỉ mượn đúng một chi tiết của "Lôi vũ" là mẹ kế ngoại tình với con trai cả của chồng. Còn tình tiết và diễn biến khác hẳn.

Cung đình Trung Hoa với những âm mưu thâm độc: chồng đầu độc vợ, em giết anh đòi cha nhường ngôi, con trai tạo phản cha, anh em ruột thông dâm.. được Trương Nghệ Mưu khắc họa rất rõ nét, đẹp một cách đau đớn và khắc nghiệt một cách rùng rợn.

Đằng sau những âm mưu, những tội ác là sự sắp đặt cao tay và lạnh lùng không một chút xót thương của kẻ cầm quyền.

Lồng vào bối cảnh thế kỷ thứ 10 của "Hoàng kim giáp" và những bộ trang phục có thể gắn nhãn hiệu Vercase, là câu chuyện hiện đại, mà nổi bật và rõ nét nhất là cảnh dọn dẹp và xóa sạch trong nháy mắt vết tích đẫm máu của cuộc tạo phản do người con thứ gây ra.

Và người con thứ đồng thời còn là tấm giấy quỳ cho phép thử giữa lòng trung quân và tinh thần ái quốc. Kết quả, không bên nào thắng bên nào, hoàng tử tự tìm đến cái chết.

Âm mưu của đàn bà vẫn chỉ là bão trong cái cốc. Nhân vật Hoàng hậu của Củng Lợi là sự ám chỉ trực tiếp tới Giang Thanh và sự lũng đoạn của "bè lũ 4 tên".

Phim hơi cầu kỳ (vượt xa cả tiêu chuẩn Hollywood), và có những cảnh quay đẹp sững sờ.

Phim thật quả không thẹn với cái tên Trương Nghệ Mưu. Cả Củng Lợi và Châu Nhuận Phát đều có những vai diễn xuất sắc.

Quả là không nên đùa với "Hoàng kim giáp"!

Tin thêm:

Hoàng Kim Giáp thống trị đề cử giải Kim Tượng của Hong Kong lần thứ 26 với 14 đề cử, trong đó đáng chú ý là:
Bộ phim hay nhất,
Đạo diễn xuất sắc nhất
(Trương Nghệ Mưu),
Nữ diễn viên xuất sắc nhất
(Củng Lợi),
Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Châu Nhuận Phát),
Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất (Lưu Diệp và Châu Kiệt Luân)...

Lễ trao giải Kim Tượng diễn ra 15.4 tới.

Tin thêm lần 2:
Tại lễ trao giải thưởng điện ảnh Hong Kong lần thứ 26 hôm 15/4, Củng Lợi đã rinh giải "Nữ diễn viên chính xuất sắc" với vai Hoàng hậu. Bộ phim của Trương Nghệ Mưu còn giành thêm 3 danh hiệu khác là giải Ca khúc xuất sắc (do Châu Kiệt Luân thể hiện), Phục trang xuất sắcChỉ đạo nghệ thuật xuất sắc.


23/3/07

HÃY YÊU CHA HƠN



Dường như là định mệnh, cha và con trai thường có xung khắc.

Cha thường muốn con trai trở thành phiên bản của mình, trong khi con trai muốn độc lập, càng khác cha, càng xa cha càng tốt.

Chính vì vậy họ ít chịu hiểu nhau. Tranh luận, cãi cọ nhau. Người nọ áp đặt quan điểm của mình đối với người kia. Và nhiều khi những cuộc tranh cãi bất phân thắng bại kéo cha con ngày càng xa nhau.

Nhưng rồi đến một ngày, người con sẽ hiểu người cha hơn. Thời điểm ấy có thể là khi người con trai được làm cha. Hoặc khi cuộc đời dạy cho người con trai hiểu thế nào là tình cha. Hoặc khi người con trai xem phim "The Pursuit of Happyness".

Tôi xem phim ấy tối hôm qua...

Bộ phim kể lại quãng đời cơ cực có thực của một trong những đại gia về chứng khoán Mỹ Chris Gardner (Will Smith đóng). 30 tuổi, Chris tưởng chừng có thể nuôi sống vợ và con trai bằng việc bán những chiếc máy đo độ loãng xương. Nhưng những chiếc máy đó chỉ là thứ đồ xa xỉ trong các phòng mạch mà không có mấy giá trị.

Cuộc sống chật vật của Chris đi vào ngõ cụt khi người vợ bỏ đi New York kiếm ăn, để anh ở lại trong hoàn cảnh không một xu dính túi với đứa con trai 5 tuổi và đống máy đo loãng xương không bán được.

Trong một lần xách chiếc máy đi ngang dọc San Francisco để bán, Chris tình cờ trông thấy một người đàn ông ăn mặc đẹp, đi xe xịn, anh tò mò hỏi: "Anh làm nghề gì?". Người đàn ông đáp: "Tôi môi giới chứng khoán".

Chris quyết tâm theo nghề này. Anh may mắn xin được vào khoá học đào tạo người làm nghề môi giới chứng khoán tại một trong những công ty chứng khoán lớn. Khoá học kéo dài 6 tháng, với 20 học viên. Người học không có lương và chỉ một trong số 20 người có cơ hội ở lại làm việc.

Thế mà Chris lại ở trong hoàn cảnh thật trớ trêu. Vợ bỏ đi. Hai cha con bị đuổi ra khỏi căn hộ thuê vì không trả nổi tiền nhà. Xe bị tịch thu vì không trả được phiếu phạt đỗ xe. Khoản tích cóp 600 USD trong tài khoản bị sở thuế truy thu.

Hai cha con lâm vào cảnh cùng quẫn: Phải ngủ trong nhà vệ sinh ở ga tầu điện ngầm; phải xếp hàng xin một cái giường tại khu trại dành cho người lang thang cơ nhỡ; phải ăn đồ phát chẩn.

Chris phải đi bán máu để mua thức ăn cho con trai. Nhiều khi anh chỉ có đủ tiền để mua cho con trai một cái bánh rán, còn mình thì ôm bụng đói.

Nhưng hoàn cảnh không làm Chris nhụt chí.

Anh không chịu bỏ lỡ cơ hội quý giá mà số phận trao cho anh là học để trở thành người môi giới chứng khoán. Nhưng anh cũng không một ngày để con đói, không một khoảnh khắc để con cảm thấy bơ vơ. Anh dạy con những bài học quý giá về làm người.

Will Smith đã thoát khỏi vóc dáng điển trai để trở thành một người đàn ông sầu muộn liên tục phải chịu thử thách của số phận. Đây là vai diễn có chiều sâu nhất của Will Smith trong sự nghiệp của mình.

Đóng vai cậu bé Christopher trong phim chính là con thực của Smith ngoài đời. Tình cha con thật sự đã khiến vai diễn của Smith có sức lay động lòng người. Phim có những trường đoạn thật cảm động, khiến những người đàn ông cứng rắn nhất cũng phải chảy nước mắt.

Không ít người cha của chúng ta đã vượt qua quãng đời gian khổ thời hậu chiến, trong những năm tháng bao cấp của thập niên 1980.

Họ xứng đáng được kính trọng và yêu thương.

Hãy xem bộ phim để hiểu cha mình hơn, yêu cha mình hơn.

21/3/07

CẨM CHƯỚNG ĐỎ CHO TUYÊN



Đám tang của Tuyên toàn những vòng hoa trắng.

Bác Bi đến sớm, thay mặt cho hội Kẹo bột đặt một vòng hoa trắng.

Những vòng hoa trắng cho người chết trẻ chưa lập gia đình là lẽ đương nhiên.

Những người đã biết Tuyên, những người mới chỉ nghe câu chuyện của Tuyên, đã có mặt. Hai nhân vật đặc biệt là Giang (Nhóc lỳ) và Phượng (Yêu hoa sữa) chít khăn tang, mắt đỏ hoe.

Cô bé Hana, mặc dù đi đám tang lần nào về cũng ốm, nhưng hôm nay cũng đến. Cả BsTerexa, người đã từng chăm sóc Tuyên tại Viện Huyết học, cũng tham gia vào đoàn viếng của nhóm Kẹo bột.

Nhìn cáo phó treo ở Nhà tang lễ, mới biết Tuyên sinh ngày 28.12, tức là vừa qua cái mốc 27 tuổi được mấy tháng. Em ra đi ở độ tuổi quá trẻ, bỏ lại biết bao điều dang dở...

... dang dở ước mơ về mái ấm gia đình với những đứa con của chính mình,
... dang dở ước mơ về mở một cái nhà trẻ, nơi trẻ con khóc cười,
... dang dở ước mơ cầm bút viết báo,
... dang dở ước mơ về những chiếc máy bay,
... dang dở rất nhiều, rất nhiều ước mơ khác.

Tôi bỏ nỗi sợ hãi cố hữu của mình, không dám nhìn vào mặt người chết, để nhìn mặt Tuyên lần cuối qua tấm kính.

Tuyên nằm trong quan tài với gương mặt hoàn toàn thanh thản, không có bất cứ dấu tích nào của những cơn đau đớn quằn quại đã hành hạ cậu suốt bao lâu nay.

Nhưng chỉ sau vài giờ nữa, gương mặt đẹp đẽ nhân hậu của Tuyên sẽ tan thành tro bụi. Nghĩ mà xót xa...

Những vòng hoa trắng cứ nối tiếp nhau trôi qua.

Tôi thích cái lẵng hoa trắng mà nhóm những người bạn sinh năm 1980 (chắc cũng là những người thuộc một diễn đàn nào đó trên mạng) mang đến cho Tuyên.

Nhưng dẫu thế nào thì mầu trắng cũng vẫn đơn điệu quá, không phù hợp với tính cách sôi nổi và lạc quan của Tuyên.

Tôi muốn tặng Tuyên, rất muốn tặng Tuyên những bông cẩm chướng đỏ chói.

Rực rỡ như cuộc đời của Tuyên, chói chang như tâm hồn của Tuyên.

Bởi vì Tuyên là người chiến thắng.

18/3/07

CHÀNG TRAI TUYỆT VỜI ẤY ĐÃ RA ĐI



Chàng trai Hà Nội có gương mặt thông minh, cặp mắt thân thiện, nụ cười rạng rỡ. Tất cả toát lên một tình cảm đôn hậu và nồng ấm.

Đó chính là Trần Tuyên, chàng trai chống lại bệnh ung thư máu mà nhiều người trong chúng ta đã biết đến.

Tiếc rằng nụ cười tươi rói kia được ghi lại trong bức ảnh cuối cùng của Cuội.

Cuộc chiến ngoan cường chống lại căn bệnh ung thư máu của Trần Tuyên đã dừng lại lúc 10.02 phút sáng nay 18.3.


Chàng trai tràn đầy nghị lực sống, lạc quan đến tận giây phút cuối của cuộc đời, đã vĩnh biệt chúng ta.

Em ra đi, không phải vì không thể chống lại được căn bệnh quái ác đó.

Em chỉ tạm ngừng cuộc chiến thôi. Để vĩnh viễn không cho căn bệnh cơ hội để hành hạ thể xác và tinh thần em được nữa.

Như thế cũng là chiến thắng phải không?

Em vẫn còn ở lại trong lòng của rất nhiều người mà em đã tiếp cho họ sức mạnh.

Những trang blog của em cũng vẫn còn lại, như một minh chứng rõ nét nhất về cuộc đời của em, tinh thần của em, tình yêu của em.

Đối với tôi và nhiều người khác thì em vẫn sống. Mọi ký ức về em sẽ được lưu giữ và em sẽ còn nâng chúng tôi dậy mỗi khi ngã lòng.

Từ nay em sẽ được yên nghỉ. Cầu mong sự yên lành cho em.

Hà Nội sáng nay mưa lạnh. Từ lúc em đi, mưa như một nặng hạt hơn. Có lẽ đó là những giọt nước mắt mà trời đất tiễn đưa em, người con trai quả cảm của Hà thành.


TRÍCH BLOG CỦA BSTEREXA,
Y SINH THỰC TẬP TẠI VIỆN HUYẾT HỌC

(Ngày 17.3)


Hôm nay, đi trực Viện Huyết học.

Bệnh nhân nặng mà mình phải theo dõi là một chàng trai 28 tuổi, hơn mình chỉ đúng một tuổi mà thôi. TRẦN TUYÊN, môt bệnh nhân ung thư máu Lexemi cấp dòng lympho, một bệnh rất nặng.

Tuyên còn quá trẻ. Mang ống nghe và huyết áp và theo dõi toàn trạng cho Tuyên, mình rất bất ngờ vì trước mắt mình là một chàng trai trẻ, cao lớn và rất dễ thương nhưng đang nằm thiêm thiếp trên giường bệnh.

Bất ngờ và thấy hơi shock. Mình đã từng thấy rất, rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh rất nặng, họ hàng giờ đối mặt với nguy cơ tử vong nhưng chưa gương mặt bệnh nhân nào làm mình ấn tượng như Tuyên, dù bệnh nặng nhưng dường như Tuyên chỉ đang nằm ngủ trên giường bệnh, gương mặt ánh lên sự thông minh và tràn đầy sức sống làm mình thấy thực sự đau xót.

2006 Tuyên phát hiện ra có một chuỗi hạch nhỏ ở cổ, đã phẫu thuật ở bệnh viện nội tiết nhưng sau khi ra viện Tuyên ngày càng mệt mỏi hơn. Tuyên đã được khám tại bv Bạch Mai và chẩn đoán là Loxemi cấp dòng lympho. Chỉ có những người học y mới hiểu được bệnh này nghiêm trọng đến thế nào.

Tuyên đã được ghép tuỷ tai Singapore nhưng sau khi về Việt Nam, tình trạng của Tuyên ngày càng nặng. Tế bào ác tính đã xâm nhiễm vào thần kinh, vào xương nên những lúc tỉnh hơn, Tuyên rất đau đớn. Hiện nay Tuyên lơ mơ, gọi hỏi tỉnh rất rất chậm, đại tiểu tiện không tự chủ, sốt rất cao. Các bác sỹ đang chẩn đoán: TD shock nhiễm khuẩn/LA - xâm nhiễm thần kinh. Tình trạng rất nặng!

Hôm qua, Tuyên đã được hội chẩn với các bác sỹ bên khoa cấp cứu. Sáng nay khi mình khám, Tuyên vẫn sốt rất cao, công thức máu của Tuyên: hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu đều giảm rất nặng.

Một người đã và đang học y như mình, hiểu về bệnh nhiều hơn những người khác, được đọc trực tiếp bệnh án của Tuyên, không khỏi lo lắng và chua xót.

Sự đau xót cao hơn rất nhiều khi nhìn thấy gương mặt mệt mỏi của mẹ Tuyên. Dường như bác ấy không còn sức chăm sóc cậu con trai cưng nữa. Mình thật phục bác ấy, một người phụ nữ bình thường mà lại có sức mạnh bền bỉ, dai dẳng và mạnh mẽ đến vậy.

Mình tin chắc rằng bất kỳ một người mẹ nào đều ẩn chứa bên trong tình yêu con vô bờ bến. Tình yêu ấy đã giúp các mẹ thêm sức mạnh đối mặt với những điều tưởng chừng như tuyệt vọng nhất. Không biết là mình, mình có chịu đựng được không.

So với những gì người mẹ đó dang phải trải qua, những khó khăn mình gặp chỉ là hạt cát trong sa mạc.

Mỗi lần thế này, mình lại thấy mình thật may mắn. Những khó khăn mình gặp phải, những nỗi buồn của mình so với sự đau đớn của bệnh nhân, của những người mẹ chỉ là hạt cát trong sa mạc. Nhờ những lần gặp gỡ thế này mà mình thêm mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn, vui vẻ yêu đời hơn.

Mỗi người thường nghĩ rằng mình sẽ sống rất, rất lâu, ít nhất là đến 60 năm, còn quá nhiều thời gian nên dùng phần lớn cuộc đời để buồn chán, thất vọng, giận hờn... Trước đây mình cũng vậy.

Nhưng nhờ những cuộc gặp tình cờ này,mình thêm trân trọng hơn những gì mình đang có. Sống vui vẻ hơn, yêu đời hơn và trưởng thành hơn.

Mình thật biết ơn cuộc đời đã đem mình đến với nghề y, nhờ đó mình có thêm những người bạn, trưởng thành hơn và sống tốt đẹp hơn.

Mai mình sẽ lại vào viện!

http://blog.360.yahoo.com/blog-bbT9oJI5eqhvLgjhHRvhxnI-?cq=1

Gửi những ai quan tâm đến Trần Tuyên:
Trần Tuyên sẽ được khâm liệm lúc 7 giờ sáng ngày thứ Tư (21.3).
Lễ viếng và truy điệu được tổ chức từ 8 đến 10 giờ cùng ngày tại Nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội.
Sau đó linh cữu của Tuyên sẽ được đưa qua nhà ở ngõ 310 phố Nguyễn Văn Cừ, trước khi đến Đài hoá thân Hoàn vũ Hà Nội.
Hãy đến thắp cho Tuyên một nén hương vĩnh biệt.

17/3/07

CÂU CHUYỆN OSHIN (11)



PHẦN 11
HIỆP SĨ BẤT NGỜ

Tí bị gã xe ôm lôi xềnh xệch ra khỏi yên chiếc Honda cà tàng. Nó cố giãy giụa và yếu ớt kêu: “Cứu, cứu tôi với”. Gã xe ôm để mặc Tí kêu vì cho rằng ở chỗ vắng tanh thế này, hoạ chỉ có những hồn ma mới nghe thấy tiếng kêu của con bé. Hắn bẻ quặt hai tay nó ra đằng sau và lôi nó đi. Được khoảng hai chục thước, gã xe ôm đè Tí xuống mặt đất. Cái miệng tham lam của gã cúi xuống mặt nó dò tìm. Tí cố gắng tránh hơi thở khó chịu phả ra từ miệng hắn. Một tay giữ chặt hai tay Tí, tay kia hắn hắn hăm hở cởi nút áo ngực của nó. Tí thấy mình hụt hơi. Sự sợ hãi tràn ngập khiến nó hầu như tê liệt và không còn đủ sức để chống đỡ cơn cuồng dại của gã đàn ông bị ức chế tình dục lâu ngày.

Nhưng đúng vào lúc dường như đành phải phó mặc cho số phận, thì con Tí bỗng thấy đầu của gã xe ôm đập xuống đầu nó rồi oặt sang một bên. Bàn tay đang sục sạo của gã trên ngực con bé bỗng ngừng bặt. Đờ người không hiểu chuyện gì đã xảy ra trong khoảng mươi giây, nó bỗng thấy tảng thịt đang đè nặng trên người nó bị hất mạnh sang một bên. Trong bóng tối lờ mờ nó nhìn thấy một bóng người. Nó luống cuống khép lại hai vạt áo đã bị bung ra xộc xệch. Bóng người cúi xuống, Tí nhận ra đó là một người đàn ông. Anh ta đỡ nó dậy: “Có đau không?”. Tí lắc đầu. Người đàn ông dìu nó đi. Anh ta không quên giáng một cú đá vào hạ bộ của gã xe ôm đang nằm rên rỉ bên cạnh: “Đ.m, thằng khốn khiếp”.

Thật phúc bảy mươi đời cho Tí. Không hiểu nó sẽ ra sao nếu Bồng không đứng tè ở sau đống gạch xếp sát con đường mà chiếc xe ôm vừa chạy qua. Bồng cũng là thợ xây đang làm việc trong khu này. Đã thành thói quen, tối nào cũng vậy, cơm nước xong Bồng lại cuốc bộ ra quán nước đầu đường Phạm Hùng để xem truyền hình. Nhưng cũng chỉ đến tầm 9 giờ là Bồng lại trở lại khu lán. Thợ xây thường ngủ sớm, lấy sức làm việc cho ngày hôm sau.

Lúc đứng đằng sau đống gạch, thấy ánh đèn pha xe máy, Bồng cứ tưởng đôi trai gái nào dẫn nhau vào đây tình tự hoặc cắt cơn nghiền. Nhưng khi nghe thấy tiếng giằng co, rồi tiếng kêu yếu ớt của cô gái, Bồng hiểu ra sự tình: Một gã đàn ông đang giở trò đê tiện. Bồng chúa ghét những kẻ dùng sức mạnh cưỡng bức đàn bà con gái. Thủ sẵn trong tay một viên gạch, người thợ xây thận trọng tiến lại gần. Nghe thấy con thú đang gừ gừ một cách khoái trá trước miếng mồi ngon sắp được ăn, Bồng đập viên gạch vào đầu nó. Vừa đủ mạnh để nó choáng váng buông tha con mồi.

Bồng dìu cô gái đi về khu lán thợ xây của anh cách đó chừng 200 mét. 5-6 người thợ xây ồn ào khi thấy Bồng đưa cô vào. Tí nhìn họ sợ sệt. Bồng an ủi: “Đừng sợ”. Anh kể vắn tắt sự việc cho đám thợ xây. Một cậu trai chừng 19-20 hăng máu: “Ra đập bỏ mẹ nó đi”. Bồng khoát tay: “Ờ, xem nó còn ở đấy thì cho nó bài học nữa. Nhưng đừng quá tay!”. Hai ba người nữa ùa theo chàng trai.

Bồng đặt Tí ngồi xuống chiếc phản kê tạm trên mấy cái cọc tre làm giường ngủ của cánh thợ xây. Anh vòng ra lu nước, rút một chiếc khăn mặt, dấp nước và quay lại đưa cho Tí: “Này lau mặt đi”. Tí đỡ lấy chiếc khăn mặt đầy vẻ biết ơn. Khi con bé lau mặt xong, Bồng bảo: “Đứng dậy xem nào. Chỗ đấy bọn nghiện hay chích choác, cẩn thận dính vào xilanh của chúng nó thì toi đời”. Hoảng sợ khi nghe thấy thế, Tí đứng phắt dậy. Bồng dẫn nó ra chỗ sáng hơn và nhìn lại một lượt từ đầu đến chân. Không thấy xi lanh, kim tiêm gì, nhưng quần áo phía sau của con Tí bẩn hết. Bồng phủi bụi bẩn cho nó, vừa làu bàu: “Con gái con đứa đi đến khu này làm gì lúc đêm hôm khuya khoắt thế này hả? Chán cơm thèm đất à?”

Nghe thấy thế, con Tí òa lên khóc. Nó lấy ống tay áo quệt nước mắt. Bồng gắt: “Ai đã làm gì mà khóc. Nhà ở đâu?”. Con Tí vừa thổn thức vừa nói tên phố. Bồng tặc lưỡi: “Xa nhỉ? Vào đây làm gì?”. “Em đi tìm người quen”. “Lần sau bỏ thói đi tìm người quen ở những khu như thế này đi nhá. Chưa tìm được nó thì có khi toi mạng rồi” – Bồng nói. Con Tí lí nhí: “Vâng ạ!”. Đám thanh niên chạy huỳnh huỵch trở lại lán: “Không thấy thằng bỏ mẹ ấy đâu. Nó lặn mất tăm rồi anh ạ”. Bồng cười: “Đời thằng này may rồi. Không chuồn kịp mà gặp chúng mày thì toi”.

Con Tí sực nhớ ra, nó hẹn với chú về nhà trước 10 giờ. Nó luống cuống: “Em, em phải về!”. Bồng ôn tồn: “Định về bằng cách nào? Lại ra đường đón xe ôm để bị ăn thịt tiếp à?" Con Tí đần mặt. Đúng thật. Nó phải làm sao để trở về nhà đây? Ngay cả cái lán này cũng đầy bất an khi xung quanh có đến 5-6 thanh niên trai tráng lạ mặt. Như hiểu được tâm trạng của nó, Bồng nói: "Đợi đấy, anh lấy xe đạp chở về!”. Đấy là lần đầu tiên Bồng xưng “anh” với con Tí. Nó có vẻ trấn tĩnh hơn khi nghe Bồng nói vậy. Kín đáo quan sát trong khi anh ta lấy xe, nó thấy đó là một chàng trai tầm 25 tuổi. Khuôn mặt xương xương với hàm răng hơi hô. Một gương mặt chất phác, có thể tin cậy được.

Con Tí lí nhí chào đám thợ xây. Nó ngồi lên xe, tránh đụng vào người Bồng. Chiếc xe cót két đi, con Tí nín thở khi nhớ lại những chuyện vừa diễn ra. Mãi đến khi ra đường nhựa có đèn cao áp, nó mới cảm thấy nhẹ nhõm đôi chút. Bồng hỏi: “Tên gì?” – “Dạ, Tí ạ”. Suốt dọc đường hai người không nói thêm câu nào nữa. Khi đến đầu phố, con Tí bảo: “Anh ơi, cho em xuống đây!”. Bồng nói: “Ngồi yên đấy, chỉ đường anh đưa đến tận nhà”.

Sực nhớ ra, Tí sờ vào túi quần. May quá, chìa khóa cổng vẫn còn sau cuộc vật lộn bất đắc dĩ lúc nãy. Vậy là nó có thể tự mở cổng mà không phải gọi chú hay chị cả ra ngoài. Nó lo có ai đó nhìn thấy trai đưa nó về nhà, nhưng sự kiên quyết của Bồng khiến nó buộc phải nghe theo. Nó chỉ đường và Bồng đưa nó đến tận cổng. Nó xuống xe, lần chần định chờ Bồng đi mới mở cổng vào, nhưng Bồng nhìn nó thật nghiêm khắc: “Gọi người ra mở cổng đi”. Nó ấp úng: “Em, em có chìa khóa. Em tự vào được!”. Bồng hất hàm: “Thế thì mở cửa đi vào đi”. Con Tí rút chìa khóa, cố gắng không để tiếng khóa và xích sắt khua to. Khi cánh cổng đã hé ra, Bồng hỏi: “Số điện thoại ở đây thế nào?”. Con Tí đọc số như cái máy. Bồng lẩm bẩm, ghi số vào đầu, rồi nói: “Vào nhà đi, mai anh sẽ gọi!”.

(Còn nữa)

14/3/07

CÂU CHUYỆN OSHIN (10)



Phần 10
CỰ TUYỆT

Ý nghĩ nó được thằng Lẫm "nhớ" khiến Tí đỏ bừng mặt sung sướng. Có thế chứ! Người ta cũng "nhớ" ấy bỏ xừ lên được. Con bé lặng im chờ đợi thằng Lẫm bước đến và giang tay ôm lấy nó. Nhưng thằng kia lại chẳng làm thế, mà lấy một điếu thuốc châm lửa hút. Nó rít một hơi thật dài đến hóp cả hai má và khoan khoái phả khói thuốc mù mịt. "Chắc là chưa đến lúc" - con bé nghĩ thầm.

Hai đứa lại hiên thiên một hồi nữa và lần này chúng cạn kiệt mọi câu chuyện có thể buôn với nhau. Và cũng chính vì hết chuyện, nên "cái khó bó cái khôn" khiến con Tí nảy ra một ý. Nó hỏi: "Nhà này xây đẹp nhở. Hoàn thiện sắp xong chưa?". Thằng Lẫm đáp: "Chuyện, nhà của người có tiền mà. Trên tầng ba có cái phòng tắm hơi đẹp nắm!". Con Tí chớp ngay lấy cơ hội có một không hai ấy: "Thế à? Có xem được không?". Thằng Lẫm xăng xái: "Được chứ, đi lên đây!".

Nó bấm điện tách tách ở cầu thang và vẫy con Tí đi lên. Tầng hai ngổn ngang gạch, gỗ đủ thứ khiến con Tí phải nhón chân lựa chỗ trống để bước. Tầng ba có vẻ tươm tất hơn. Thằng Lẫm dẫn con Tí băng qua một căn phòng rộng đã lót ván sàn vào một căn phòng khác nằm bên trong. Khi tấm cửa kính to bản có hình cây tre chìm được mở ra, thì con Tí há hốc miệng vì ngạc nhiên.

Một căn phòng rộng chừng 50 mét vuông đẹp như trong chuyện cổ tích. Tượng thần Vệ nữ cụt tay đứng trên bậc tam cấp, đằng sau là bức tranh phong cảnh nước ngoài vẽ ngay trên những viên gạch ốp. Phòng tắm hơi làm bằng gỗ dựng nép vào bức tường bên tay trái. Con bé đứng ngây ra nhìn. Nhà cô chú cũng có một phòng tắm hơi, nhưng chỉ là cái phòng tắm nhỏ bọc kính ở ngoài chỉ một người đứng vừa, chứ không hoành tráng như cái này.

Nó đứng ngây người nhìn, nhưng cũng kịp nhận ra hơi thở nóng ấm của thằng Lẫm phả vào gáy. Nó biết thằng Lẫm đang đứng rất gần nó. Chân tay nó thốt nhiên tê đi và đột nhiên có một sức mạnh nào đó đẩy mạnh nó về phía sau vào người thằng thợ hồ.

Thằng Lẫm luống cuống. May mà một tay nó vẫn giữ cánh cửa kính, nếu không nó có thể đã bị ngã ngửa ra phía sau. Tay kia nó phải ôm choàng qua vai con Tí. Khi định thần lại nó thấy con Tí ngả đầu xuống tay nó. Nó ngỡ con Tí bị làm sao nên gọi thất thanh: "Tí, Tí, sao thế?". Con Tí ngước mắt lên, mặt đỏ bừng, nhìn thằng Lẫm rất dịu dàng và cười ngượng nghịu: "Không, không sao cả".

Thằng Lẫm chợt hiểu điều con Tí muốn. Ba bốn năm làm thợ hồ lăn lóc từ công trình này sang công trình khác, sống với đủ loại đàn ông với mọi kiểu tính cách, nó nghe không biết cơ man nào là chuyện về đàn bà. Chẳng có anh nào, chú nào khen đàn bà cả. Mở mồm ra là chê đàn bà thế này, đàn bà thế kia. Nhiều khi họ kể những câu chuyện rất bậy, khiến thằng bé đang tuổi lớn cũng thấy bị kích thích. Nó cũng muốn thử xem thế nào, nhưng không dám dùng loại "vợ 30 nghìn" giống như mấy anh lớn.

Nhưng thằng Lẫm không nhìn thấy con Tí ở khía cạnh hấp dẫn của người khác giới. Lâu nay nó giao tiếp với con Tí và thấy mến con bé như một đứa em gái, chứ không phải là đối tượng tình cảm. Nó buông tay ra khỏi vai con Tí và lùi phắt lại. Hành động dứt khoát của thằng Lẫm khiến con Tí bừng tỉnh. Nó nhìn thằng Lẫm với đôi mắt thất vọng và xấu hổ.

Rồi nó chạy như bay xuống gác, hối hả tự mở cửa nhà, rồi mở cổng. Thằng Lẫm cũng lật đật chạy xuống theo. Khi thằng Lẫm đến bậc tam cấp thì con Tí đã ra đến ngoài phố. Nó hỏi vọng ra: "Tí về à?". Con Tí không trả lời, nó khoát tay gọi người lái xe ôm đang chờ nó ở vệ đường bên kia. Nó leo lên xe. Thằng Lẫm tần ngần đứng ở bên này nhìn sang. Chiếc xe lao vào bóng đêm...

Gió thổi ào ào hai bên tai. Tí cảm thấy lạnh, mắt nó cay xè, tai nó ù đi. Người lái xe ôm phóng khá nhanh trên đoạn đường tối om. Chiếc xe chồm qua một cái sống trâu trên con đường chưa trải nhựa khiến Tí ập vào lưng của người lái xe ôm. Mùi mồ hôi đàn ông nồng nồng trên lưng áo anh ta ùa vào khứu giác làm Tí choáng váng. Nó cố gắng nhấc mặt ra khỏi lưng người đàn ông và ngồi nhích xa ra một chút.

Người đàn ông cảm thấy cái lạnh từ những giọt nước mắt của Tí thấm vào lưng áo. Chắp nối với cái cách nó vội vã rời khỏi ngôi nhà với thằng bé đứng tần ngần bên bậc tam cấp, người đàn ông đoán biết chuyện gì đã xảy ra. Anh ta cố tình đi vào một cái ổ gà. Tí lại bị ập vào, hai bàn tay nó bấu chặt vào hai bên sườn của người lái xe ôm. Bộ ngực của nó đâm vào lưng người đàn ông và lần chần ở đó vài chục giây rồi mới chịu nhích ra.

Người đàn ông lượn vào một con đường nhỏ hơn. Nó không dẫn ra con đường Phạm Hùng đầy ánh sáng, mà dẫn vào một dẫy nhà mới xây thô, chưa bàn giao, tối om... Lúc con Tí định thần ra và hiểu người đàn ông định giở trò gì thì đã quá muộn. Nó ú ớ kêu lên và cố vùng vẫy, nhưng không thể thoát khỏi đôi tay xiết chặt lấy nó như gọng kìm.

(Còn tiếp)

7/3/07

CÂU CHUYỆN OSHIN (9)


Phần 9
CUỘC GẶP GỠ MONG ĐỢI

Sáng hôm sau, con Tí cố gắng dạy vào đúng 6 giờ sáng. Nó phải để chuông đồng hồ để khỏi quên. Khi nó đánh răng rửa mặt xong chạy ra bếp, thì đã thấy cô chủ đang lúi húi bên bếp rồi. Tóc cô búi cao, để hở cái cổ trắng ngần, trông rất thanh thoát. Nghe tiếng động, cô chủ quay mặt lại và nhìn thẳng vào mặt nó. Nó ngạc nhiên đến sững sờ: Vẻ u sầu và căng thẳng của cô chủ đã biến mất, thay vào đó là gương mặt bình thản, sáng trưng như mặt Đức Mẹ. Nó thành thật thốt lên: “Ối, sao hôm lay ô điẹp thế!”. Cô chủ cười, mắng nó như giữa hai cô cháu chưa bao giờ có chuyện gì xảy ra: “Bố tiên sư nhà chị, chỉ giỏi nịnh!”.

Nó thở phào, hăng hái cầm chổi và cây cọ nhà đi dọn cầu thang. Lôi được đống đồ nghề ra giữa bếp, nó dừng lại và rụt rè hỏi: “Có phải cô sắp đuổi cháu không ạ?”. Câu hỏi bất ngờ của con Oshin khiến chị lúng túng. Chị hỏi lại nó: “Ai bảo cháu thế?”. Nó ấp úng: “Cháu cảm thấy thế ạ. Cô tự lấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, nại còn sắp xếp nại đồ đạc với cả tưới vườn lữa…”. Chị đáp lại khẽ khàng: “Cháu bị ốm thì cô đỡ cháu một tay thôi. Thế hôm nay cháu khỏi rồi à?”. Nghe thấy thế, Tí như trút được gánh nặng. Nó vội vã gật lấy gật để: “Vâng, vâng, cháu thấy khoẻ rồi cô ạ”. Chị nói: “Thế thì đi lau cầu thang đi, rồi tí nữa xuống đây cô bảo”. Con bé sung sướng đáp: “Vâng ạ!”.

Làm xong các việc của buổi sáng, Tí quay lại bếp khi cô chủ đang uống trà. Chú đã đi làm, hai đứa con gái đi học. Cả nhà chỉ còn lại hai cô cháu. Cô chủ mang đồ ăn sáng đặt lên bàn: “Cháu ăn đi”. Nó thấy rưng rưng cảm động. Từ hôm nó về ở đây đến giờ, đây là lần đầu tiên nó được cô chủ dọn thức ăn cho. Nó cúi xuống ăn, rồi ngước lên nhìn cô chủ. Nó thấy cô chăm chú nhìn nó ăn với ánh mắt giống hệt như khi cô nhìn hai đứa con gái của cô ăn. Nó yên tâm cúi xuống ăn nốt.

Đợi nó rửa xong đống bát đĩa, chị gọi: “Tí ra đây cô bảo!”. Nó khép nép ngồi lên chiếc ghế phía bên kia bàn ăn. Chị nói: “Cháu còn nhớ chuyện cô nói với cháu hôm nọ chứ? Chuyện cháu có chửa ấy!”. Nó sợ sệt gật đầu. Chị với tay qua bàn, cầm lấy tay nó, giọng tha thiết: “Cháu biết không, khi cô xin phép bố mẹ cháu, đón cháu ra đây ở, cô đã hứa với bố mẹ cháu là chăm sóc cháu thật cẩn thận và không để bất cứ chuyện gì không hay xảy ra với cháu. Cháu chưa đủ tuổi trưởng thành, mà đã có chửa thế này, cô chú biết ăn nói sao với bố mẹ cháu đây? Như thế là cô có lỗi với bố mẹ cháu lắm đấy. Cho nên bây giờ cháu phải kể hết cho cô nghe, chuyện đã xảy ra thế nào, cháu có chửa với ai để cô chú còn tìm cách giải quyết cho cháu”.

Nó cúi mặt, những giọt nước mắt to tướng rơi xuống mặt bàn, rơi lên tay của hai cô cháu. Nó rút tay ra khỏi tay cô chủ và lau nước mắt. Cô chủ rút tờ giấy ăn chìa cho nó. Nó lí nhí: “Cháu cảm ơn”…

… Quyết định không đi thăm thằng Lẫm được một hôm, Tí thấy bồn chồn không yên. Nó tự xỉ vả: “Sao mày keo kiệt thế, có 3 chục nghìn cũng tiếc?” Nó quyết định phải trở thành người phóng khoáng và sẽ đi thăm thằng Lẫm vào tối thứ Bảy như đã định.

Từ tối thứ Sáu, nó đã xin chú đi thăm một cô bạn oshin khác bị ốm vào tối hôm sau và hứa sẽ về trước 10 giờ. Chú chỉ nói ngắn gọn: “Ừ, cẩn thận, nhớ về đúng giờ!”. Nó lấy 10 số báo Bóng đá của chú, 3 cuốn Hoa học trò của chị cả kèm thêm một bao thuốc lá Vinataba mà nó tự bỏ tiền ra mua để sửa soạn cho chuyến thăm viếng đặc biệt. Ăn tối xong, nó diện bộ quần áo khá đẹp mặc thừa của chị cả và lí nhí xin phép chú. May mà chú chẳng thèm để ý nó mặc đẹp hơn ngày thường.

Nó ra phố và đi ngược lên một đoạn khoảng 200 mét. Sở dĩ nó không muốn gọi xe ôm ở ngõ nhà, vì e các anh xe ôm quen sẽ đàm tiếu với bà hàng nước đến tai ông bà chủ. Nó chọn một người xe ôm tầm 40, chứ không chọn mấy anh thanh niên. “Đi đâu?”, người đàn ông hỏi. Nó chìa mảnh giấy ghi địa chỉ. Người xe ôm đọc, rồi nói: “Đi Mỹ Đình à? Xa đấy, 20 nghìn”. Con bé luống cuống trước cái giá mà người đàn ông nêu: “Người nhà cháu lói nà chỉ có 10 nghìn…” Người đàn ông nhìn nó từ đầu xuống chân dò xét: “Đi một chiều hay hai chiều?”. Nó không hiểu: “Một chiều, hai chiều nà thế lào?”. “Đi một chiều thì 15 nghìn, đi hai chiều vừa đi vừa về thì 20 nghìn”. Con bé mừng rơn: “Cháu đi hai chiều”. Người đàn ông dắt xe từ vỉa hè xuống đường, rồi bảo nó cộc lốc: “Lên đi”.

Nó ngồi lên yên xe và ý tứ ngồi có khoảng cách với lưng của người xe ôm. Hai tay nó bám vào thanh kim loại có bọc cao su ở phía sau yên xe. Chừng hai mươi phút thì chiếc xe cũng chở nó đến những khu biệt thự đã xây thô đang chờ hoàn thiện nằm cách đường Phạm Hùng một quãng đường đất, bụi bay mù mịt. Người xe ôm dừng lại một lần hỏi đường, rẽ thêm vài ba chỗ ngoặt nữa rồi phanh kít trước một ngôi biệt thự đang hoàn thiện dở: “Đến rồi đấy!”.

Con bé leo xuống xe và tiến đến bên cánh cổng sắt mới chỉ sơn chống gỉ. May quá, chuông đã lắp, nó nhấn tay vào nút chuông. Trong nhà có tiếng con trai vọng ra: “Ai đới, đợi tí!”. Đúng là tiếng thằng Lẫm. Con bé vui như mở cờ. Nó quay lại nhìn người xe ôm. Người đàn ông nói: “Vào đi. Nửa tiếng thôi đấy. Không chờ lâu được đâu!”. Thằng Lẫm ra mở cổng. Nhìn thấy con bé, nó ngoác miệng cười: “Tí đấy à? Cứ tưởng đếch đến!"

Vào trong nhà, nó đưa mấy tờ báo và bao thuốc cho thằng Lẫm. Thằng kia nhìn thấy bao thuốc Vinataba thì sáng mắt, đưa lên mũ hít hà: “Gớm, Tí sang thế!”. Lời khen làm con bé vừa ngượng ngùng vừa sung sướng. Thằng Lẫm rót nước từ cái bình nhựa cóc cáy vào cái chén sứt mẻ loang lổ cặn chè: “Tí uống lước”. Con bé đón lấy chén nước chẳng có gì đặc biệt ấy, nhấp một ngụm rồi đặt xuống. Hai đứa nói những câu chuyện không đầu không cuối.

Đại loại con Tí kể cô chủ đi công tác nước ngoài, chú ở nhà nên nó cũng rảnh rang hơn, nên mới có thời gian để đến đây. Thằng Lẫm thì kể bọn con trai đi sang chỗ này xa chợ, mỗi lần được phân công nấu ăn thì phải đi rõ xa để mua rau. Ở đây cũng bụi bậm quá. Chúng nó buồn vì không có báo Bóng đá để đọc, chính vì thế nên “các anh ai cũng nhớ Tí”. Con Tí đủ nhạy cảm để hiểu rằng thằng Lẫm nói “các anh”, tức là nói tới chính bản thân nó.

(Còn nữa)

5/3/07

CÂU CHUYỆN OSHIN (8)



Sau đúng 100 ngày gián đoạn, hôm nay "Câu chuyện Oshin" được chính thức nối lại. Nguyên nhân chính là do các bạn sinh viên Hà Nội chọn "Câu chuyện Oshin" để đưa vào chương trình phát thanh trên blog của Bánh Mì Nóng nhân dịp Ngày quốc tế phụ nữ 8.3. Chương trình đã phát đến phần 3 của "Câu chuyện Oshin" và các bạn ấy gọi điện giục tôi phải kết thúc nhanh để kịp với tiến độ. Không còn lựa chọn nào khác, tôi đành tiếp tục.

Hãy nghe câu chuyện qua giọng đọc của Mèo béo tại blog Bánh Mì Nóng:
http://blog.360.yahoo.com/blog-6Hu4Atc3aaOB5liFjuaHylQWZIn7GA--?cq=1

Tóm tắt 7 phần trước

Sau 3 tháng đi công tác nước ngoài, người vợ trở về nhà và phát hiện cô Oshin ở độ tuổi 16 có bầu. Người chồng là nghi can số một trong suy nghĩ của chị, vì gia đình anh chị chỉ có 2 cô con gái. Anh chồng rất bực bội vì người vợ nghĩ anh ngủ với Oshin và quyết tâm tìm cho ra sự thật. Nhờ sự giúp đỡ của bà hàng nước, anh phát hiện ra Oshin thân với Lẫm, chàng trai làm nghề thợ hồ. Anh lặn lội xuống Hạ Long tìm gặp Lẫm, nhưng chàng trai khẳng định không có bất cứ mối quan hệ nào với cô Oshin nhà anh.

Cô bé Oshin ra thành phố đúng vào tuổi dậy thì. Đầy bỡ ngỡ về giới tính, nhưng cô đã được cô con gái cả của vợ chồng chủ nhà là sinh viên đại học giải thích cặn kẽ. Tuy nhiên, cách tiếp cận hiện đại và quá thẳng thắn của cô chủ nhỏ đã phản tác dụng, kích thích bản năng tình dục ở một cô bé có học vấn thấp. Cô bé thực sự thích Lẫm và cố gắng chiếm cảm tình của chàng trai. Lẫm chuyển chỗ làm và Oshin rơi vào sự hụt hẫng. Nó nửa muốn đi gặp Lẫm, nửa lo ngại việc đi chơi sẽ khiến nó tốn tiền.


Phần 8
TÌNH YÊU ĐÃ HẾT?

Cả nhà lặng lẽ như có đám. Hai đứa con gái bỗng nhiên thấy cả bố lẫn mẹ đều im lặng đi trong nhà như hai cái bóng. Cô cả tất nhiên đánh hơi được điều gì đó bất bình thường, nhưng đối với cô thì bố mẹ càng ít quan tâm càng tốt. Cô ôm chặt chiếc máy tính ngồi tịt trong phòng, chỉ ra ngoài khi đi học hoặc bạn trai đến đưa đi chơi.

Sau khi biết tin mình có thai, Tí mất một ngày thất thần. Tối đến nó rúc vào gối khóc thầm. Đến khi mệt mỏi vì kiệt sức, nó ngủ thiếp đi quên cả mắc màn. Sáng hôm sau, nó giật mình bừng tỉnh thì đã thấy sáng bảnh từ bao giờ. Nó nhìn đồng hồ và chột dạ: Chết, đã 7 giờ sáng. Hàng ngày vào giờ này nó đã phải nấu ăn sáng cho cả nhà từ lâu và bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa rồi. Thế mà hôm nay không ai gọi nó. Kiểu này sẽ tha hồ bị ăn mắng mất thôi.

Nó vùng dậy, chạy ra bếp. Bữa sáng đã được nấu xong. Chắc cô chủ làm đây. Nó vớ lấy chổi và cây lau nhà chạy ra cầu thang. Tất cả đã sạch bóng. Nó chạy ngược cầu thang lên sân thượng, máy giặt đang chạy vo vo. Nó mở cửa ra vườn cây. Ánh sáng ùa vào làm nó lóa mắt. Toàn bộ vườn cây cũng đã được tưới tắm cẩn thận.

Nó đứng đó, nhìn nắng sớm chiếu lung linh vào những chậu hoa và cây cảnh. Thốt nhiên, nó thấy cái vườn cây sao mà đẹp thế. Nó đã lên đây bao nhiêu lần, nhưng chưa bao giờ thấy vườn cây đẹp như vậy. Đúng, nó đã bao giờ có thời gian để ngắm nhìn cái gì đâu. Lúc nào cũng sấp sấp ngửa ngửa, chưa hết việc này đã nghĩ tới việc khác. Cả ngày có vài phút thảnh thơi, thì nó lại không trèo lên cái tầng 5 này làm gì cho nhọc xác.

Nó cảm thấy vui lạ. Và nó chợt nhận ra mọi mệt mỏi của nó tan biến tự lúc nào. Giấc ngủ đêm qua có lẽ đã khiến nó khỏe lại. Lúc nãy nó chạy như bay lên tầng 5 mà chẳng hề thở dốc. Đứng giữa vườn cây chan hòa ánh nắng, nó muốn giang tay ra ôm lấy những chiếc lá và bông hoa tuyệt diệu kia. Nhưng ngay lúc đó nó chợt thấy buồn: Mọi thứ đều tuần tự, ngăn nắp. Ngôi nhà này không cần đến sự hiện diện của nó nữa...


... Đến bây giờ thì anh mới nếm trải được cái cảm giác lạnh lẽo của một ngôi nhà mồ. Sau cú điện thoại cho anh, chị hoàn toàn biến đổi, trở thành cái bóng trong chính ngôi nhà mình. Chị gọi điện đến cơ quan, nói với sếp là chị chưa quen với sự thay đổi múi giờ và xin nghỉ ở nhà một tuần. Ở nhà, chị mới phát hiện ra rằng ba năm qua, mọi thứ trong ngôi nhà này đều sạch sẽ, nhưng chẳng hề có dấu ấn của chị. Chúng được sắp xếp gọn gàng, nhưng vô cảm. Chị sống trong ngôi nhà ấy, mọi thứ đều vừa tầm tay với, nhưng hình như mọi thứ đều không còn là của chị.

Cái cảm giác trở thành người khách lạ trong chính ngôi nhà mình khiến chị hoảng sợ. Chị xông vào từng chỗ, hì hục sắp xếp lại, lấy cái này để sang chỗ kia, nhìn ngắm cho đến khi thật vừa mắt mới thôi. Sang đến chiều ngày thứ ba, chỉ còn một nơi duy nhất chị chưa đụng tay là căn phòng ngủ của hai vợ chồng. Chị lưỡng lự, rồi cũng xoay nắm đấm mở cửa phòng.

Một làn hương thoang thoảng quen thuộc ập vào khứu giác khiến chị giật mình. Trời ơi, suốt ba tháng qua, điều chị nhớ nhất ở nơi đất khách quê người chính là cái mùi hương này. Làm sao chị có thể quên được nó. Những ký ức trong trẻo ùa về. Chị liếc nhìn tấm ảnh cưới chụp lại hồi năm ngoái treo trên đầu giường. Cô dâu và chú rể đều đã hơi phục phịch, nhưng rõ ràng là vẫn đẹp, nhìn chị và cười một cách viên mãn như trêu ngươi. Chị đang sắp mất tất cả... Nghĩ đến đó tự nhiên nước mắt chị trào ra...

Chị bước như mộng du đến bên chiếc giường ngủ, ngồi xuống và vuốt ve mặt vải gối trắng có thêu những cành hoa màu trắng. Rồi thử ngả đầu vào đó. Khứu giác chị lại một lần nữa được đánh thức. Mùi hương dầu gội đầu Romano của đàn ông khiến chị mất hết mọi tự chủ. Chị nằm lên giường, ôm lấy chiếc gối và khóc...

Chị mở mắt khi thấy có tay ai đó sờ lên mặt mình. Một cảm giác thật quen thuộc. Chị từ từ mở mắt ra và bắt gặp cặp mắt đẹp mênh mông buồn của người đàn ông duy nhất mà chị yêu trong hơn 20 năm qua. Anh nhìn chị thật trìu mến và lo âu. Giống hệt cái nhìn mà 22 năm trước chị bắt gặp sau cú ngã xe đạp. Lúc đó chị lăn ra bất tỉnh vì quá sợ. Tỉnh dậy, chị cũng thấy ánh mắt này đây...

Anh từ từ cúi xuống, hôn vào đôi môi khô khốc của chị. Làn môi ấm nóng làm chị rung động. Và chị thấy thật bất ngờ là đôi môi chị chuyển động rồi đáp lại nụ hôn ngọt ngào của anh. Hai tay chị vươn ra ôm lấy cổ anh vít xuống. Chị như mê man. Cơ thể chị chuyển động một cách vô thức. Chị nghĩ lóe lên trong đầu: Ồ, không được, không được! Nhưng tất cả đã bị cuốn vào vòng quay của đam mê hoan lạc. Chị đáp lại những vuốt ve nồng nàn của anh. Anh vừa dịu dàng của người đàn ông từng trải vừa mãnh liệt như chàng trai mới lớn. Chị như muốn hét lên, vì không phải ba tháng, mà là suốt từ tuần trăng mật cách đây hai thập niên, chị mới lại có được cái cảm giác đôi lứa ngọt ngào đến thế.

... Họ nằm yên lắng nghe tiếng kim đồng hồ vang từng tiếng khô khốc trong căn phòng im lặng như tờ. Anh giơ ngón tay trỏ đưa một đường viền phía trên làn môi trên của chị. Hành động cảm ơn quen thuộc của anh đưa chị trở lại với thực tại. Chị hất tay anh, hấp tấp leo xuống giường và chạy vào nhà tắm.

Chị bật nước và cảm giác dằn vặt trở lại với chị: "Mình vừa làm gì thế này? Mình vừa làm gì thế này? Đúng, anh ta là chồng mình. Nhưng anh ta đã phản bội mình. Sao mình còn có thể làm thế được nhỉ? Mình thật tồi tệ!". Nhưng làn nước ấm mơn man trên cơ thể chị cũng nhắc nhở chị rằng chị vừa có những khoảnh khắc ái ân tuyệt diệu. Từng tế bào trên cơ thể chị như nở ra dưới làn nước ấm để ngỏ lời cảm ơn chị. Chị hoang mang: "Ta phải làm sao đây? Ta phải làm sao đây?"

Đúng lúc ấy, thì cửa phòng tắm bật mở. Anh vào và cầm theo một chiếc khăn lông to màu trắng mà chị yêu thích. Anh với tay tắt vòi hoa sen rồi đưa chiếc khăn trùm lấy cơ thể chị. Anh chậm rãi lau khô những giọt nước đậu lóng lánh trên vai, trên tóc chị. Chị ngước nhìn anh bối rối. Anh cười thật hiền rồi cất giọng trầm ấm hỏi chị: "Sao rồi cô bé?". Không biết phải trả lời anh ra sao, chị cụp mắt xuống. Anh nâng cằm chị lên: "Anh chưa bao giờ phản bội em, vì chưa bao giờ anh hết yêu em!". Như chỉ chờ có thế, chị gục đầu xuống vai anh khóc nức nở.
(Còn nữa)

4/3/07

10 NAM DIỄN VIÊN HÀNG ĐẦU CỦA ĐIỆN ẢNH VN



Bình chọn theo quan điểm cá nhân của VMC.

Lâm Tới

Ông là tấm gương lớn của một diễn viên nhờ khổ luyện mà vươn tới đỉnh cao sáng tạo trong sự nghiệp. Niềm đam mê điện ảnh cháy bỏng đã biến chàng trai miền Nam chất phác có tấm lưng hơi gù và tật nói lắp thành thần tượng điện ảnh của nhiều thế hệ. Lâm Tới bao giờ cũng lột tả được bản chất tận cùng của nhân vật ở bất cứ vai chính hay vai phụ nào, phản diện hay chính diện. Núi trong “Đường về quê mẹ”, Trần Sùng trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, ông Tám Quyện trong “Mùa gió chướng”, Ba Đô trong “Cánh đồng hoang” là những vai diễn như thế. Lâm Tới diễn tả bản chất xấu trong con người Trần Sùng thật đến nỗi BGK LHP Quốc tế Mátxcơva phải lên tiếng “cảnh báo” về ranh giới trong diễn xuất. Người nghệ sĩ này đã sống một cuộc sống thanh đạm và cống hiến cho nghệ thuật đến tận giây phút cuối cùng.

Thế Anh

Kép đẹp đầu tiên của điện ảnh VN. Tuy là diễn viên kịch, nhưng Thế Anh lại được chọn mặt gửi vàng vai Trung úy Phương của quân đội Sài Gòn trong bộ phim “Nổi gió” của Huy Thành. Chàng trai trắng trẻo thư sinh, có nụ cười tươi rói với chiếc răng khểnh là niềm ao ước của nhiều cô gái trong những năm 1960 – 1970. Thế Anh tiếp tục thành công trong điện ảnh với vai sĩ quan tên lửa trong “Em bé Hà Nội”, Ba Duy trong “Mối tình đầu”, vua Mèo trong “Trở lại Sam Sao”, Trịnh Sâm trong “Đêm hội Long Trì”… Theo quan điểm cá nhân của tôi, thành công nhất của Thế Anh là vai sĩ quan quân đội SG trong phim “Tự thú trước bình minh”. Ông đã diễn tả rất rõ nét tâm trạng hoảng loạn của một kẻ cuồng tín và si tình trên đường chạy trốn khi quân giải phóng sắp tiến vào Nha Trang năm 1975.

Trần Phương

Kép lãng tử đầu tiên của điện ảnh VN. Với vẻ đẹp đầy phong trần và nam tính, Trần Phương đã cạo trọc đầu và chịu đựng những lớp keo dán những lọn tóc giả suốt một năm để hoàn thành vai diễn A Phủ trong “Vợ chồng A Phủ”. Ông còn lột tả thành công chất anh Hai Nam Bộ trong “Chị Tư Hậu”, mặc dù chưa một ngày sống ở miền nam. Sau này Trần Phương còn thành công xuất sắc trong vai trò đạo diễn với các phim như “Mưa rơi trên thành phố”, “Tội lỗi cuối cùng”, “Hai năm nữa anh về”, “Săn bắt cướp”, “Dòng sông hoa trắng”…

Trịnh Thịnh

Ngôi sao hài đầu tiên của điện ảnh VN. Trịnh Thịnh nổi danh từ các vai diễn trong “Vợ chồng anh Lực”, “Không nơi ẩn nấp”, “Thị trấn yên tĩnh”, “Thằng Bờm”. Sẵn duyên hài, nhưng Trịnh Thịnh không bao giờ khai thác tiếng cười tự nhiên chủ nghĩa, rẻ tiền. Mỗi ánh mắt, cử chỉ, câu nói của các nhân vật thông qua diễn xuất của Trịnh Thịnh truyền cho khán giả mọi ngóc ngách trong đời sống tâm lý nhân vật. Ông thành công trong cả những vai bi như người cha trong “Lời nguyền của dòng sông”. Trịnh Thịnh còn sở hữu một giọng nói sống động có một không hai trong làng điện ảnh.

Đoàn Dũng

Cũng giống như Tuệ Minh, Đoàn Dũng không được lợi thế về dáng vóc hình thể, nhưng được bù lại bằng kỹ thuật diễn xuất siêu hạng. Những chuyển biến tâm lý phức tạp của các vai lính của quân đội SG như Vệ trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, hay người lính điên trong “Trừng phạt” được Đoàn Dũng khắc họa rất rõ nét. Ông còn tạo dựng thành công hình tượng Đề Thám.

Lý Huỳnh

Gương mặt điện ảnh được đông đảo khán giả trong nam ngoài bắc yêu mến. Nguyên là võ sư, Lý Huỳnh mang vào điện ảnh cách diễn xuất thoải mái không bị gò bó bởi bất cứ nguyên tắc nào. Vai diễn ông là Hai Lúa trong “Vùng gió xoáy” thành công đến nỗi tên của nhân vật này trở thành tính từ chỉ tính cách của người dân Nam Bộ.

Nguyễn Chánh Tín

Ngôi sao hành động đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Chánh Tín hội tụ đầy đủ mọi điều kiện để trở thành diễn viên ngôi sao: Cao lớn, đẹp trai, sang trọng, lịch lãm. Vai diễn thành công nhất của Chánh Tín là Nguyễn Thành Luân trong bộ phim nhiều tập “Ván bài lật ngửa”. Anh có cơ hội phô diễn khả năng diễn xuất đa dạng, từ những tình huống đấu trí căng thẳng đến những màn đấu võ ngoạn mục.

Trần Vịnh

Hai vai diễn để đời của Trần Vịnh là Hải trong “Xa và gần” và Lũy trong “Về nơi gió cát”. Cả hai vai này đều có những chuyển biến tâm lý rất phức tạp. Hải có cuộc sống rất giản dị ở miền Bắc trước 1975, nhưng khi trở lại Sài Gòn gặp mẹ là bà chủ Thuận Thành giàu có và quyền lực thì biến đổi hoàn toàn. Lũy trở về làng cát sau giải phóng và phát hiện ra người vợ yêu thương của mình nay đã là vợ của người đứng bên kia chiến tuyến. Những ẩn ức, trăn trở đàn ông được Trần Vịnh diễn tả rất thuyết phục.

Bùi Bài Bình

Tham gia trong nhiều phim, nhưng Bùi Bài Bình chỉ thực sự tỏa sáng trong vai Hòa, người đàn ông làm mẫu vẽ giữ nguyên tâm tính của một cậu bé 13 tuổi sau cú ngã từ cây ổi trong phim “Mùa ổi” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Sự độc đáo trong tính cách của vai diễn này được Bùi Bài Bình lột tả rất sống động. Và anh đã đoạt giải thưởng diễn xuất khi cuộc đời đã bước vào tuổi xế chiều mãn bóng.

Thương Tín

Diễn viên ăn khách của điện ảnh trong suốt thập niên 1980. Với gương mặt nam tính đầy ấn tượng, Thương Tín thành công trong các vai rất đa dạng, mà nổi bật là Sáu Tâm trong “Biệt động Sài Gòn”. Những truân chuyên trên màn ảnh của Thương Tín cũng chính là mảng đời thực của diễn viên này.

Những diễn viên khác nối dài danh sách này là Huy Công (Ga, Miền đất không cô đơn), Trọng Khôi (Giông tố, Huyền thoại người mẹ), Nguyễn Hữu Mười (Bao giờ cho đến tháng Mười, Làng Vũ Đại ngày ấy), Vũ Đình Thân (Đến hẹn lại lên, Ông cố vấn), Dũng Nhi (Sao Tháng Tám, Mê Thảo thời vang bóng), Bùi Cường (Làng Vũ Đại ngày ấy, Biệt động Sài Gòn); Trần Lực (Chuyện tình bên dòng sông, Người đi tìm dĩ vãng), Đơn Dương (Canh bạc, Ông Hai Cũ, Chung cư, Cỏ lau), Võ Hoài Nam (Vua bãi rác).

Lời giới thiệu đặc biệt:

Lê Công Tuấn Anh

Chàng diễn viên yểu mệnh với đôi mắt luôn trong sáng và ngơ ngác trước mọi biến thiên của cuộc sống đem cuộc đời của mình lên màn ảnh một cách hồn nhiên. Xuất thân từ sân khấu kịch Kim Cương, Lê Công Tuấn Anh được biết đến sau vai diễn Quang Đông Kisốt trong phim “Vị đắng tình yêu” của đạo diễn quá cố Lê Xuân Hoàng. Dấu ấn khắc nghiệt của một tuổi thơ cực khổ của đứa trẻ mồ côi bụi đời đã không lấn át được tâm hồn trong trẻo của Lê Công Tuấn Anh. Nhưng đó cũng là điểm yếu đẩy anh vào cuộc khủng hoảng không lối thoát khiến người diễn viên tài hoa này phải quyên sinh.

Ảnh: Lâm Tới và Thúy An trong phim "Cánh đồng hoang"

2/3/07

10 NỮ DIỄN VIÊN XUẤT SẮC CỦA ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM



Bình chọn của VMC theo quan điểm cá nhân.

1. Trà Giang: Chị luôn luôn xứng đáng là nữ diễn viên số một của điện ảnh Việt Nam mà không cần tranh cãi. Luôn đầu tư sáng tạo và lao động nghệ thuật nghiêm túc, chị là nữ diễn viên điện ảnh có nhiều vai diễn để đời nhất. Đó là chị Tư Hậu trong phim “Chị Tư Hậu” của đạo diễn Phạm Kỳ Nam, chị Dịu trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” của đạo diễn Hải Ninh, chị Nhân trong “Ngày lễ thánh”, chị Hương trong “Huyền thoại mẹ” (hai phim này đều của đạo diễn Bạch Diệp). Không chịu lặp lại mình, Trà Giang biết truyền cho nhân vật những cảm xúc sống động nhất, chân thực nhất. Chị là nữ diễn viên đầu tiên đoạt giải thưởng diễn xuất tại LHP quốc tế.

2. Lê Vân: Nữ diễn viên có vẻ đẹp thuần Việt sang trọng. Chị có khả năng hoá thân vào những nhân vật vô cùng khác nhau: từ chị Dậu nghèo khổ lam lũ phải bán con bán chó trong phim “Chị Dậu” của Phạm Văn Khoa, đến cô tiểu thư khuê các của ông chủ tư sản trong “Tự thú trước bình minh” của Phạm Kỳ Nam; từ người đàn bà mưu mô trong phủ chúa Trịnh trong “Đêm hội Long Trì” của Hải Ninh đến cô Việt kiều truân chuyên trong “Thương nhớ đồng quê” của Đặng Nhật Minh. Ở bất cứ vai diễn nào, Lê Vân cũng hoá thân trọn vẹn vào nhân vật.

3. Như Quỳnh: Khó tìm thấy mối liên hệ nào giữa cô Nết với kiếp sống lầm than ở một ngôi làng Kinh Bắc trước năm 1945 với Diễm Hương - cô sinh viên Sài Gòn tài sắc có thân phận bị vùi dập trong những năm đầu của thập niên 1970. Cả hai nhân vật ấy đều do Như Quỳnh thể hiện. Chị có một cuộc đời nghệ thuật thật dài với danh sách vai diễn phong phú chưa hề chấm dứt. Vai diễn mẹ Pao trong phim “Chuyện của Pao” của đạo diễn Quang Hải mang lại cho chị giải diễn xuất vai nữ phụ tại Cánh diều Vàng 2005 cho thấy sức sáng tạo của người diễn viên ngoài 50 này chưa hề vơi cạn. Chị là gương mặt không thể thiếu trong đại đa số dự án phim hợp tác với nước ngoài quay tại Việt Nam.

4. Phương Thanh: Nổi bật với vai Hiền cá sấu trong “Tội lỗi cuối cùng” của đạo diễn Trần Phương cuối thập niên 1970, Phương Thanh có biệt danh là “đôi mắt biết nói”. Để đóng vai cô gái điếm hoàn lương, Phương Thanh đã phải đi thực tế ở trại phục hồi nhân phẩm, đụng độ với các đàn chị khét tiếng. Đầu thập niên 1980, Phương Thanh làm mưa làm gió trên màn ảnh trong các bộ phim như: “Mưa rơi trên thành phố”, “Bãi biển đời người”, “Trở lại Sam Sao”, “Ai giận ai thương”, “Kỷ niệm đồi trăng”…

5. Thuỵ Vân: Thuỵ Vân đóng phim không nhiều. Tuy nhiên chị lại toả sáng rực rỡ trong số những vai diễn ít ỏi ấy. Đó là chị Vân trong “Nổi gió” của đạo diễn Huy Thành năm 1963. Hình ảnh người phụ nữ mong manh đi giữa hai hàng lê tuốt trần, nhẹ nhàng và cương quyết khuyên nhủ các binh sĩ trong quân đội Sài Gòn bỏ súng gây ấn tượng sâu sắc đối với nhiều khán giả ở miền Bắc thời đó. Hơn 20 năm sau, chị tái ngộ với đạo diễn Huy Thành trong phim “Xa và gần”. Lần này chị đóng vai nhà tư sản Thuận Thành, sẵn sàng hy sinh chồng con và không từ thủ đoàn nào để bảo vệ tài sản.

6. Tuệ Minh: Nữ diễn viên có những sáng tạo vô cùng độc đáo trong diễn xuất. Không có lợi thế sắc vóc, nhưng Tuệ Minh luôn tạo ra những khoảnh khắc diễn xuất cực kỳ sống động trong những vai diễn rất ngắn. Đó là cô bán gạo trong “Em bé Hà Nội” của đạo diễn Hải Ninh, sơ Khuyên cuồng tín trong “Ngày lễ thánh” của Bạch Diệp, cô Thương bị bắn chết khi đang bơi thuyền trên sông Bến Hải trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” của Hải Ninh. Chị cũng là một trong số ít nữ diễn viên thành công trên cả màn ảnh và sân khấu, mà ví dụ điển hình là vai cô Phượng trong kịch “Cách mạng” của Nguyễn Khải. Tuệ Minh còn là "phù thuỷ" về đài từ. Chị nói được tất cả các phương ngữ và bắt chước tài tình giọng từ trẻ con đến bà già.

7. Minh Châu: Nữ diễn viên duy nhất đoạt giải diễn xuất trong hai kỳ LHP Việt Nam liên tiếp. Đó là vai Nguyệt trong “Cô gái trên sông” của đạo diễn Đặng Nhật Minh và Liên trong “Người đàn bà nghịch cát” của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn. Với lợi thế là đôi mắt to đầy biểu cảm, Minh Châu có khả năng thể hiện những xúc cảm tinh tế nhất của nhân vật. Chị là diễn viên biết kết hợp tốt giữa khả năng biểu cảm thiên bẩm và kỹ thuật diễn xuất thượng thặng.

8. Thanh Quý: Thuộc mẫu diễn viên có thể thành công trong nhiều loại vai khác nhau. Xem các phim Thanh Quý đóng, có cảm giác chị làm phim rất nhàn, dường như sinh ra để đóng phim vậy. Đọng lại trong lòng khán giả là cô Vân bốc đồng trong “Chuyến xe bão táp” và “Những người đã gặp”; cô Thim trong sáng trong “Cha và con”, người vợ không chung thuỷ trong “Tình yêu và khoảng cách”, nữ điệp báo trải qua những thăng trầm của hai cuộc chiến trong “Người đàn bà bị săn đuổi”, người thiếu phụ khao khát nhục cảm trong "Ngõ đàn bà"...

9. Hương Xuân: Xuất hiện rất không ồn ào trong vai một phụ nữ bị số phận run rủi trở thành vợ của hai người đàn ông ở hai bờ chiến tuyến trong “Về nơi gió cát” của đạo diễn Huy Thành, Hương Xuân đã thuyết phục được những khán giả khó tính nhất tin rằng tình cảm mà nhân vật của chị dành cho hai người đàn ông là có thực.

10. Thuỳ Liên: Chị là gương mặt điện ảnh phía Nam đầu tiên chiếm trọn cảm tình của khán giả miền bắc sau giải phóng với các vai diễn đậm chất Nam Bộ trong “Mùa gió chướng”, “Vùng gió xoáy”… Sau này chị còn vào rất ngọt vai nữ bác sĩ người Hà Nội trong phim “Cuộc gặp gỡ bất ngờ”.

Sau top 10 này, không thể không kể đến những nữ diễn viên đã ghi dấu ấn khá sâu đậm trong lòng khán giả như Đức Hoàn, Mai Châu, Thanh Tú, Minh Đức, Hoàng Cúc, Thẩm Thuý Hằng, Thuý An, Thu Hà, Bích Liên, Ngọc Hiệp, Mai Hoa, Hồng Ánh… Còn bạn, bạn bổ sung diễn viên nào và tại sao?

Kỳ tới: 10 nam diễn viên xuất sắc của điện ảnh Việt Nam


free hit counters
 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết